Bí Quyết Học Đâu Nhớ Đó

Chương 6. Vượt ra ngoài khuôn khổ của những lề thói học tập



Mỗi người học là một cá nhân khác biệt và tất cả đều đang tiến đến một nơi chốn tuyệt vời bằng những bậc thang xoắn ốc, Francis Bacon đã nói với chúng ta như thế.

Hãy xem xét câu chuyện về Bruce Hendry. Ông sinh năm 1942, lớn lên bên những bờ kênh dọc theo miền Bắc Mississippi của bang Minneapolis nhờ sự dưỡng dục một thợ cơ khí và một bà nội trợ. Ông chẳng khác gì bao đứa trẻ Mỹ khác với đầu gối gầy guộc và khao khát làm giàu cháy bỏng. Không còn gì xa lạ khi chúng ta bàn tới những con người tự lập. Song câu chuyện này lại khác. Bruce Hendry có tự lập, nhưng câu chuyện lại nói về chiếc cầu thang xoắn ốc, về quá trình ông tìm ra con đường cho mình, cũng như những kết luận giúp chúng ta nhận thức được về sự khác biệt trong cách thức học tập của mỗi người.

Quan điểm cho rằng mỗi cá nhân có phương pháp học tập riêng đã tồn tại đủ lâu để trở thành một phần trong truyền thống về thực hành giáo dục và là một yếu tố thiết yếu trong quá trình tự nhận thức của nhiều người. Theo một giả thuyết cơ bản, con người tiếp nhận và xử lý thông tin mới theo những phương thức khác nhau: chẳng hạn, vài người học tốt hơn với những tài liệu hình ảnh, và số khác giỏi hơn với những văn bản hay tài liệu âm thanh. Hơn thế nữa, lý thuyết này còn cho rằng người nào được chỉ dạy theo một cách thức không phù hợp với phương pháp học tập của họ thì người đó sẽ gặp bất lợi trong quá trình tiếp thu.

Trong chương này, chúng tôi công nhận rằng mọi người đều có những sở thích học tập, nhưng không bị thuyết phục rằng bạn sẽ học tốt hơn khi phương pháp đào tạo phù hợp với những sở thích đó. Nhưng sự khác biệt trong cách thức học tập của mỗi người cũng được phân ra thành nhiều loại. Và đó mới chính là vấn đề. Đầu tiên, câu chuyện của Bruce sẽ giúp chúng tôi định hướng luận điểm của mình.

CHỦ ĐỘNG TIẾP THU NGAY TỪ NHỮNG BƯỚC ĐẦU TIÊN

Một phần bí quyết làm nên thành công của Bruce chính là ý thức của ông, ngay từ những ngày còn rất nhỏ. Khi Bruce mới hai tuổi, bà Doris mẹ ông đã dặn ông không được băng qua đường vì một chiếc xe có thể sẽ đâm vào ông. Ngày nào cậu bé Bruce cũng băng qua đường và ngày nào bà Doris cũng phát vào mông cậu. “Nó đã táo bạo từ lúc mới sinh ra,” Doris vẫn nói với các bạn của bà như thế.

Lúc lên tám, chỉ với một hào, Bruce đã mua một cuộn dây trong một gian hàng đồ cũ, cắt nó ra và bán lại từng đoạn nhỏ với giá năm xu mỗi đoạn. Lúc lên mười, cậu đi giao báo. Mười một tuổi cậu có thêm nghề nhặt bóng tại sân gôn. Vào lúc mười hai tuổi, với 30 đô-la dành dụm được, cậu lẻn qua cửa sổ phòng ngủ từ trước bình minh cùng một chiếc vali trống rỗng và vẫy một chiếc xe để đi nhờ 400km đến Aberdeen, Nam Dakota. Cậu mua và tàng trữ pháo Black Cats, bom sơ ri, pháo hoa, những thứ bất hợp pháp ở Minnesota và vẫy xe về nhà trước bữa tối. Suốt cả tuần sau đó, Doris không thể tìm ra nguyên nhân vì sao tất cả các cậu bé giao báo đều dừng lại trước cửa nhà mình vài phút rồi mới rời đi. Công việc kinh doanh của Bruce phát đạt nhưng người giám sát các cậu bé giao báo đã phát hiện ra và mách cha của Bruce. Ông đã cảnh cáo Bruce rằng nếu như cậu còn làm như thế một lần nữa, ông sẽ đánh cậu một trận nhừ tử. Bruce vẫn tiếp tục hành trình mua bán đó một lần nữa vào mùa hè sau đó và nhận được trận đòn như đã được cảnh báo trước. “Điều đó là xứng đáng,” Bruce nói. Khi đó ông mới chỉ 13 tuổi và đã học được một bài học về thừa cầu và thiếu cung.

Bruce nhận ra rằng, những người thành đạt có lẽ không thông minh hơn ông, họ chỉ có những hiểu biết mà ông không có. Quá trình ông tìm kiếm những kiến thức mà ông cần có thể minh họa cho những điểm khác biệt quan trọng trong sự tiếp thu của mỗi cá nhân. Tất nhiên, điều đầu tiên là tự học, tự giáo dục chính mình là một thói quen Bruce đã nuôi dưỡng từ tuổi lên hai và duy trì nó bền bỉ một cách đáng kinh ngạc qua nhiều năm. Còn một số thói quen khác nữa của ông cũng minh chứng cho điều đó. Sau khi một kế hoạch kết thúc, ông rút ra những bài học và dấn thân vào một kế hoạch mới. Điều đó hoàn thiện khả năng đưa ra nhận định và định hướng mục tiêu của ông. Ông kết nối chặt chẽ những gì đã học hỏi được trong một mô hình tư duy nhằm phục vụ mục đích đầu tư, sau đó ông áp dụng mô hình này để vạch ra nhiều cơ hội phức hợp, tìm ra đường đi của riêng mình, nắm bắt những quan điểm đúng đắn giữa hàng loạt những thông tin không phù hợp để đạt tới phần thưởng cuối cùng là sự thành công. Các hành vi đó là những gì mà các nhà tâm lý học vẫn gọi là “học hỏi theo các quy luật” hay “xây dựng những cơ chế tiếp thu”. Những người có thói quen đúc rút những nguyên tắc hay quy luật cơ bản sau những trải nghiệm mới thường thành công hơn những người chỉ tiếp thu kinh nghiệm trên bề mặt mà không thể nhận thức được những bài học hàm ẩn trong đó, những bài học có thể được áp dụng trong những tình huống tương tự sau này. Giống như vậy, những người biết sàng lọc các khái niệm nổi bật ra khỏi những thông tin kém quan trọng hơn trong những tài liệu mới mà họ được tiếp xúc và những người biết liên kết những ý tưởng chủ chốt thành một cơ chế tư duy sẽ là những người học thành công hơn những cá nhân không thể phân biệt tốt xấu, hay dở cũng như không biết cách biến những kiến thức hữu ích thành kết quả trong thực tiễn.

Khi còn là một thiếu niên, Bruce đã nhìn thấy một tờ rơi quảng cáo về các lô đất gần hồ ở trung tâm Minnesota. Khi nhận được lời khuyên rằng chưa ai từng thua lỗ khi đầu tư vào bất động sản, cậu đã mua một lô. Vài mùa hè sau, cùng sự giúp đỡ hiếm hoi từ người cha, cậu đã xây dựng một ngôi nhà trên đó, đương đầu với từng bước một trong toàn bộ quá trình, tự mình khám phá hoặc tìm kiếm sự chỉ dẫn từ một ai đó có thể. Để đào móng, cậu mượn một chiếc xe moóc và móc nó vào sau chiếc xe hiệu 49 Hudson của mình. Cậu trả các bạn mình 50 xu cho mỗi đống đất họ đào được, và sau đó cậu yêu cầu người chủ mảnh đất bên cạnh trả 1 đô-la cho mỗi đống đất họ cần để đắp nền. Cậu đã học được cách lát gạch từ một người bạn có cha kinh doanh xi măng rồi tự mình xây móng nhà. Cậu học cách lên khung cho những bức tường từ người bán hàng ở bãi xẻ gỗ. Cậu tự lắp đặt đường ống nước và mạng dây điện cũng theo cách như vậy. Một cậu bé hiếu kỳ luôn tìm tòi, học hỏi cách làm mọi thứ. Bruce nhớ lại: “Viên thanh tra điện lực không đồng ý cho tôi làm thế. Lúc đó tôi nhận ra rằng đó là vì họ muốn một người trong hiệp hội làm điều này, bởi thế tôi để cho một người như thế từ thành phố tới và làm lại toàn bộ mạng lưới dây điện của tôi. Nghĩ lại, tôi chắc chắn rằng mình đã làm một việc thực sự nguy hiểm.”

Năm 19 tuổi và đang là một sinh viên đại học, ông cho thuê lại ngôi nhà với hình thức trả tiền trước làm bốn kỳ ở Minneapolis. Một phép tính đơn giản: bốn căn hộ mang về bốn tấm séc hàng tháng. Không lâu sau, ngoài việc học tập ở trường đại học, ông đảm nhiệm việc quản lý ngôi nhà cho thuê, thanh toán khoản đặt cọc, trả lời những cuộc điện thoại lúc nửa đêm, sửa đường ống nước hỏng, nâng giá nhà và bị mất khách thuê, rồi lại cố gắng tìm người lấp chỗ trống và kiếm thêm nhiều tiền hơn. Ông đã học được cách biến một mảnh đất trống thành một ngôi nhà, và một ngôi nhà thành một tổ hợp bốn căn hộ. Nhưng rốt cuộc bài học có được cũng song hành cùng quả đắng, nó mang tới cho ông những cơn đau đầu còn nhiều hơn là phần thưởng mang lại. Ông đã bán khu nhà và dừng việc kinh doanh bất động sản trong vòng 20 năm sau đó.

Tốt nghiệp đại học, Bruce trở thành một nhân viên kinh doanh phim cho hãng Kodak. Đến năm thứ ba làm việc tại đây, ông lọt vào top năm nhân viên kinh doanh giỏi nhất trên toàn quốc. Đó cũng chính là năm ông khám phá ra hiệu suất làm việc của giám đốc chi nhánh nơi ông làm việc còn thấp hơn cả ông. Mức lương cao hơn nên thuộc về người giỏi hơn chứ không phải người quản lý. Đó là một bài học khác, một bước tiến lên trên những bậc thang xoắn ốc của Bruce. Ông nghỉ việc để chuyển sang bán chứng khoán trong một công ty môi giới.

Từ công việc mới này, ông gặt hái được thêm nhiều bài học: “Nếu tôi đầu tư một đô-la vào một doanh nghiệp kinh doanh ủy thác hoa hồng, một nửa sẽ được trao cho doanh nghiệp và một nửa trong số nửa còn lại do Sở Thuế vụ giữ. Để tạo ra lợi nhuận thực tế, tôi đã phải chú trọng nhiều hơn vào việc đầu tư bằng tiền của chính mình và giảm bớt việc kinh doanh ủy thác hoa hồng.” Chà chà, lại thêm một bài học khác: đầu tư cổ phiếu đồng nghĩa với rủi ro. Số tiền ông thua lỗ khi đầu tư bằng tiền của bản thân nhiều ngang với số tiền hoa hồng các khách hàng trả cho ông khi bán lại các khoản đầu tư. “Bạn không kiểm soát được mặt trái của quá trình này. Nếu một cổ phiếu rớt giá 50 xu, nó phải tăng lên 100 xu chỉ để hòa vốn. Mà mất 50 xu thì dễ chứ kiếm được 100 xu thì khó hơn nhiều!” Ông đã tích lũy được nhiều kiến thức. Ông đầu tư thời gian, tìm cách xoay xở để đạt được kết quả mình đang theo đuổi.

Sam Leppla xuất hiện.

Theo lời kể của Bruce, trong những ngày đó Leppla chỉ là một gã trai suốt ngày nhảy việc, chuyển hết công ty đầu tư này sang công ty đầu tư khác, bàn chuyện làm ăn và đưa ra lời khuyên. Một ngày nọ anh ta nói với Bruce về trái phiếu của một công ty sắp phá sản. Mỗi trái phiếu trị giá 1 đô-la đang được bán với giá 22 xu. “Những trái phiếu này có 22 điểm lợi tức không hoàn lại,” Bruce nhớ lại, “do đó khi công ty này phá sản, bạn sẽ thu hồi lại lợi tức của công ty – hay nói cách khác là 100% vốn đầu tư – mà bạn vẫn được sở hữu một trái phiếu sẽ được chi trả. Nó rốt cuộc sẽ trở thành tiền được cho không.” Bruce nói: “Tôi đã không mua bất kỳ trái phiếu nào trong số đó nhưng tôi theo dõi, và nó xảy ra chính xác như những gì Sam đã dự đoán. Bởi vậy, tôi gọi cho anh ta và nói: ‘Anh có thể ghé qua và nói chuyện với tôi về việc anh đang làm được không?’”

Leppla giảng giải cho Bruce một mớ kiến thức về các mối tương quan giữa giá cả, cung cầu và giá trị phức tạp hơn nhiều so với những gì ông đã học được kể từ ngày ông khởi đầu cùng chiếc vali đầy pháo hoa. Phương thức làm việc của Leppla được đúc rút từ những quy tắc sau đây. Khi một công ty rơi vào khó khăn, đối tượng đầu tiên được hưởng quyền với tài sản của công ty không phải là những người chủ sở hữu, hay các cổ đông mà chính là các chủ nợ: những nhà cung cấp và trái chủ – người nắm giữ trái phiếu. Có một trình tự phân hạng áp dụng cho trái phiếu. Những trái phiếu được chi trả đầu tiên gọi là trái phiếu cao cấp. Tất cả phần tài sản còn lại sau khi chi trả hết cho các trái phiếu cao cấp mới được dùng để thanh toán các trái phiếu thứ cấp. Trái phiếu thứ cấp của một công ty đang gặp khó khăn thường rẻ vì các nhà đầu tư lo ngại rằng sẽ không có đủ tài sản còn lại để bù đắp cho giá trị của các trái phiếu, nhưng chính mối nghi ngại, lười biếng và thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư có thể làm rớt giá trái phiếu xuống dưới mức giá trị thực của các tài sản cơ bản. Nếu bạn có thể xác định được giá trị thực đó và nắm được giá mua trái phiếu, bạn có thể an tâm đầu tư với tỷ lệ rủi ro rất thấp.

Đây chính là kiểu kiến thức mà Bruce vẫn tìm kiếm.

Vào thời điểm đó, các công ty đầu tư bất động sản ở Florida đang lâm vào cảnh khó khăn, do vậy Sam và Bruce bắt đầu để mắt đến những công ty này, mua trái phiếu ở những nơi họ có thể thấy rằng mức giá bán tháo đang hạ thấp giá trị thực của tài sản cơ bản một cách trầm trọng. “Chúng tôi đã mua chúng chỉ với 5 đô-la và bán lại với giá 50 đô-la. Mọi thứ chúng tôi mua đều sinh lời.” Công việc kinh doanh của họ vận hành tốt đẹp, nhưng giá cả thị trường đã bắt kịp các giá trị thực và chẳng bao lâu họ lại cần một ý tưởng mới.

Lúc đó, các xí nghiệp đường sắt ở phía đông sắp rơi vào cảnh phá sản và chính quyền liên bang đang mua lại tài sản của các xí nghiệp này để thành lập các công ty vận tải Conrail và Amtrak. Bruce kể: “Một ngày nọ Sam nói: ‘Cứ mỗi 50 năm, các xí nghiệp đường sắt lại phá sản và chẳng ai biết gì về chúng. Chúng thực sự rất phức tạp và cần nhiều năm để tìm hiểu.’ Bởi vậy chúng tôi tìm một chuyên gia hiểu biết về đường sắt tên là Barney Donahue. Barney nguyên là người đại diện của Sở Thuế vụ và cũng là một người say mê nghiên cứu về đường sắt. Nếu bạn đã từng gặp một người thực sự say mê đường sắt, bạn sẽ thấy họ nghĩ về nó, họ hít thở cùng nó, họ có thể nói cho bạn biết trọng lượng của đầu máy và cả các con số ghi trên những động cơ. Ông ấy chính là một trong số họ.”

Nguyên lý trọng tâm trong mô hình đầu tư của họ là thu thập nhiều thông tin hơn những nhà đầu tư khác về lượng tài sản còn dư và trật tự chi trả các trái phiếu. Nhờ được trang bị những hiểu biết chuẩn xác, họ có thể chọn lựa những trái phiếu thứ cấp với mức giá dưới giá trị thực mà lại có khả năng được chi trả cao. Donahue rà soát các công ty vận tải đường sắt khác nhau và quyết định rằng công ty tốt nhất để đầu tư vào là Erie Lackawanna, vì khi công ty này đệ đơn xin phá sản, nó có những thiết bị hiện đại nhất. Hendry, Leppla và Donahue đi sâu vào xem xét tỉ mỉ hơn. Họ đã đi xuyên suốt chiều dài tuyến đường ray của công ty Erie để kiểm tra tình trạng của nó. Họ kiểm kê các thiết bị còn lại, xem xét tình trạng của chúng và đối chiếu với các bản ghi chép về ngành vận tải của công ty xếp hạng tín dụng Moody để tính toán các giá trị. “Bạn chỉ cần làm phép tính: Một động cơ đáng giá bao nhiêu? Tương tự với một toa hàng? Một đoạn đường ray dài 1,6km?” Erie đã phát hành 15 trái phiếu khác nhau trong 150 năm hoạt động, và giá trị của mỗi trái phiếu phụ thuộc một phần vào xếp hạng thâm niên của công ty này so với các công ty khác. Bruce đã tìm ra một số văn bản trong đó các tổ chức tài chính đã thống nhất về trình tự thanh toán các trái phiếu khi tài sản bị thanh lý. Nhờ xác định được giá trị của các tài sản, khoản nợ và cơ cấu trái phiếu, họ biết giá trị của mỗi hạng trái phiếu. Những người cầm giữ trái phiếu chưa từng tính toán thì không thể nhận thức được điều đó. Trái phiếu thứ cấp bị bán ra ở mức giá tụt dốc thảm hại bởi lẽ chúng đã chìm quá sâu xuống đáy chuỗi thức ăn đến mức các nhà đầu tư ngờ rằng họ sẽ không thể thu hồi lại tiền của mình được nữa. Những tính toán của Bruce lại đề xuất điều ngược lại và ông đã mua vào.

Đó là một câu chuyện dài hơi mà chúng tôi khó có thể kể hết trong phạm vi cuốn sách này. Phá sản của một công ty vận tải đường sắt là một việc phức tạp đến mức đáng kinh ngạc. Bruce quyết tâm rằng mình phải thông hiểu về toàn bộ quá trình đó hơn bất cứ ai khác. Ông đến gõ cửa từng nhà, yêu cầu sự tác động từ những người bạn đang ở vị trí quản lý các thủ tục và cuối cùng ông cũng được tòa án bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch ủy ban đại diện cho lợi ích của những trái chủ trong quy trình phá sản. Khi Erie vượt lên khỏi bờ vực phá sản hai năm sau đó, ông đã là chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty. Ông thuê Barney Donahue quản lý công ty. Hendry, Donahue và ban giám đốc cùng hướng công ty vượt qua những vụ kiện tụng còn lại. Và khi lượng tiền của công ty được ổn định, giá trị danh nghĩa của những trái phiếu Bruce đang nắm giữ tăng lên gấp đôi, tức là gấp 20 lần mức giá ông đã trả để mua một số trái phiếu thứ cấp.

Công ty Erie Lackawanna, cùng với tất cả sự phức tạp và những bứt phá phi thường như câu chuyện về David đánh bại người khổng lồ Goliath4, chính là điển hình về cách Bruce Hendry biến một đống hỗn độn thành một mối sinh lời: tìm kiếm một công ty đang lâm vào khó khăn, nghiên cứu các tài sản và khoản nợ, đọc chi tiết về các nghĩa vụ thanh toán nợ, xem xét bối cảnh toàn ngành và dự đoán xu hướng, tìm hiểu quá trình kiện tụng và hăng hái dấn thân khi đã nắm được cách mọi thứ sẽ diễn ra.

Còn có các câu chuyện về những cuộc chinh phục ngoạn mục khác. Ông đã tiếp quản Kaiser Steel, ngăn nó khỏi vỡ nợ, chỉ đạo công ty vượt qua thảm họa phá sản với vai trò giám đốc điều hành, và nhận được 2% vốn chủ sở hữu của công ty mới. Ông đứng ra hòa giải trong vụ sụp đổ của Ngân hàng tiểu bang Texas First Republic Bank và thu về lợi nhuận gấp sáu lần khoản đầu tư đầu tiên vào công ty này. Khi các nhà sản xuất thừa cung và ngừng sản xuất các toa hàng, Bruce đã mua lại một nghìn chiếc cuối cùng, thu lại 20% khoản tiền đầu tư từ việc cho thuê và sau đó bán lại những chiếc xe một năm sau đó khi thị trường lại thiếu cung và đưa ra một mức giá hấp dẫn. Câu chuyện về sự vươn lên của Hendry vừa quen thuộc lại vừa đặc biệt; sự quen thuộc nằm trong bản chất của cuộc tìm kiếm và đặc biệt ở cách Bruce học hỏi trong quá trình kinh doanh của mình, thiết lập một hệ thống nguyên tắc của riêng mình về những yếu tố tạo nên một cơ hội đầu tư hấp dẫn, liên kết các nguyên tắc đó thành một khuôn mẫu, và sau đó tìm ra những phương thức khác biệt và mới mẻ để áp dụng nó.

Khi được hỏi về nguyên nhân làm nên thành công của mình, câu trả lời ông nêu ra tưởng chừng như rất đơn giản: xâm nhập những thị trường không có sự cạnh tranh, đào sâu nghiên cứu, đặt ra những câu hỏi chính xác, nhìn nhận trên bối cảnh rộng, chấp nhận rủi ro và trung thực. Nhưng những lý giải này chưa đủ thỏa đáng. Đằng sau chúng là một câu chuyện hấp dẫn hơn, một câu chuyện mà chúng ta phải ngầm hiểu: ông đã phát hiện ra mình cần những kiến thức gì và theo đuổi để nắm bắt kiến thức đó như thế nào; những thất bại ban đầu đã gieo mầm cho kỹ năng nhận định sắc sảo ra sao; cũng như quá trình ông phát triển một giác quan nhạy bén để phát hiện ra giá trị ở những nơi mà người khác chỉ có thể nhìn thấy các vấn đề. Năng khiếu phát hiện ra các giá trị của ông dường như là phi thường. Câu chuyện của ông hẳn sẽ ghi dấu trong tâm trí một đứa trẻ, một cậu bé thức dậy vào sinh nhật lần thứ tư và nhận thấy có một bãi phân to trong sân, nhảy vòng quanh nó và thét lên: “Mình dám cá thể nào cũng có một đồng 25 bảng Anh trong đó!”

Tất cả mọi người đều không giống nhau, đó là một sự thật hiển nhiên mà chúng ta nhanh chóng nhận ra ngay từ lúc còn là một đứa trẻ, khi so sánh chính bản thân mình với các anh chị em ruột thịt. Điều này càng thể hiện rõ ràng qua điểm số trên lớp, trong các lĩnh vực thể thao, hay trong phòng họp của ban lãnh đạo. Ngay cả nếu chúng ta cùng chia sẻ niềm đam mê và sự quyết tâm của Bruce Hendry, ngay cả nếu chúng ta trăn trở suy ngẫm về những lời khuyên của ông, thì bao nhiêu người có thể nắm bắt được kỹ thuật nhận ra bãi phân nào có thể chứa một đồng 25 bảng trong đó? Khi câu chuyện về Bruce trở nên sáng tỏ, một số dấu hiệu đặc trưng về mức độ tiếp thu trở nên quan trọng hơn những dấu hiệu khác. Nhưng chúng là những dấu hiệu nào? Đó chính là nội dung mà chúng ta sẽ cùng khám phá trong phần còn lại của chương này.

Sự khác biệt quan trọng nằm ở cách bạn nhìn nhận bản thân cũng như những khả năng của mình.

Có một câu châm ngôn rằng: “Dù bạn nghĩ bạn có thể hay không thể làm điều gì đó thì bạn đều đúng.” Công trình của Carol Dweck, sẽ được mô tả trong chương 7, giúp ích rất nhiều trong việc xác minh tính đúng đắn của quan điểm này. Một bài viết trên tạp chí Fortune xuất bản vài năm trước cũng làm được điều tương tự. Bài báo này kể về một điều có vẻ mâu thuẫn, một câu chuyện về những người mắc chứng khó đọc đã trở nên thành đạt trong kinh doanh cũng như trong các lĩnh vực khác bất chấp những bất lợi trong quá trình học hỏi của họ. Richard Branson, chủ nhân hãng thu âm Virgin Records và hãng hàng không Virgin Atlantic Airways, đã bỏ học năm 16 tuổi để bắt đầu và vận hành những hoạt động kinh doanh hiện đáng giá hàng tỷ đô; Diane Swonk là một trong số những nhà dự báo kinh tế hàng đầu tại Mỹ; Craig McCaw là người tiên phong trong nền công nghiệp sản xuất điện thoại di động; Paul Orfalea đã sáng lập ra công ty Kinko’s. Những con người thành công này và cả những người khác nữa, khi được hỏi, đã kể lại câu chuyện về quá trình vượt qua nghịch cảnh để vươn lên. Tất cả họ đều gặp khó khăn tại các trường học và với các phương pháp học tập đã được thừa nhận, hầu hết đều bị dán nhầm nhãn là những kẻ có chỉ số thông minh IQ thấp, một số bị lưu ban hay thuyên chuyển sang các lớp học dành cho đối tượng chậm phát triển về trí tuệ, và gần như tất cả đều được hỗ trợ bởi cha mẹ, gia sư và người hướng dẫn, những người vẫn đặt niềm tin vào họ. Branson nhớ lại: “Có đôi lúc tôi đã nghĩ rằng mắc chứng khó đọc còn tốt hơn việc là một kẻ ngốc.” Bằng cách diễn đạt đó, Branson đã thuyết minh quan điểm cá nhân của mình về lý thuyết ngoại lệ.

Những câu chuyện chúng ta sáng tạo nên để tìm hiểu về chính bản thân mình trở thành những bản tường thuật về cuộc sống, lý giải những sai lầm và lựa chọn đã đưa chúng ta tới vị trí như ngày hôm nay: mình làm điều gì tốt, mình quan tâm tới điều gì nhất và đâu là điều mình hướng tới. Nếu bạn nằm trong số những đứa trẻ bị loại ra ngoài sau khi đội bóng mềm đã chọn xong cầu thủ, cách bạn nhận biết được chỗ đứng của mình trong thế giới này có khả năng tạo nên những thay đổi nhỏ, định hình ý thức của bạn về những khả năng mình có và vẽ nên những con đường tiếp theo bạn phải đi.

Những gì bạn tự nhủ với bản thân về năng lực của mình sẽ góp phần định hướng cách bạn học tập và thể hiện – chẳng hạn như bạn phải chuyên tâm đến mức nào, hay bạn phải kiên nhẫn với việc chấp nhận những rủi ro và sẵn sàng bền bỉ đối mặt với những khó khăn ra sao. Nhưng sự khác biệt trong các kỹ năng và khả năng biến những kiến thức mới thành nền móng xây đắp nên những hiểu biết sâu rộng hơn, cũng là một yếu tố mở ra con đường cho bạn tiến tới thành công. Ví dụ, sự khéo léo trong môn bóng mềm của bạn phụ thuộc vào một nhóm các kỹ năng khác nhau, như khả năng đánh bóng, chạy về các chốt gôn, cũng như chặn bóng và ném bóng. Ngoài ra, kỹ năng trên sân không hẳn là điều kiện tiên quyết để trở thành một ngôi sao trong một môn thể thao. Không ít những nhà quản lý hay huấn luyện viên tài ba nhất trong các bộ môn thể thao chuyên nghiệp đã từng chỉ là những cầu thủ hạng xoàng, nhưng tình cờ thay, họ lại là những người nghiên cứu đặc biệt hiếm có trong bộ môn đó. Tuy sự nghiệp của cầu thủ bóng chày Tony Larussa kết thúc chóng vánh và không có gì nổi bật, nhưng ông đã tiếp tục sự nghiệp của mình như một nhà quản lý các đội bóng với những thành công đáng kể. Khi ông giã từ sự nghiệp, cùng với sáu giải vô địch bóng chày nhà nghề Mỹ và ba danh hiệu World Series được ghi, ông đã được xưng tụng như một trong những nhà quản lý tài ba nhất mọi thời đại.

Mỗi người trong chúng ta đều tiềm ẩn một nguồn tài nguyên phong phú được thể hiện qua các năng khiếu, tri thức, trí tuệ, sở thích và ý thức về sức mạnh của bản thân, những điều định hình nên cách chúng ta học hỏi và vượt qua những khiếm khuyết của mình. Một trong số những đặc tính đó có một tầm quan trọng đặc biệt – ví dụ, khả năng đúc rút những nguyên tắc cơ bản từ những trải nghiệm mới mẻ và chuyển đổi tri thức mới thành những mô hình tư duy. Một số đặc trưng khác, như khả năng tiếp thu kiến thức thể hiện dưới dạng âm thanh hay hình ảnh, mà chúng ta vẫn tưởng rằng có vai trò quyết định thì thực ra lại không mấy quan trọng.

Trong bất kỳ danh sách nào liệt kê những đặc tính có ảnh hưởng lớn nhất tới khả năng tiếp thu thì cách sử dụng ngôn ngữ lưu loát và khả năng đọc hiểu cũng gần hoặc đứng ở vị trí đầu bảng. Trong khi một số thử thách đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhận thức, từ đó thúc đẩy quá trình học tập, thì một số khác lại không có tác dụng đó. Nếu nỗ lực hơn để bù đắp những thiếu hụt mà lại không thể góp phần trau dồi khả năng tiếp thu, thì đó không phải là điều đáng để chờ đợi. Một người khiếm khuyết trong khả năng đọc hiểu và không thể nắm bắt được mạch tư tưởng hàm chứa trong văn bản khi giải mã từng từ riêng lẻ trong một câu có thể là một ví dụ minh họa cho điều này. Đây là một ca bệnh khó đọc. Đồng thời, tuy khó đọc không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra những khó khăn trong việc đọc hiểu nhưng nó là một trong số những trường hợp phổ biến nhất, ước tính có tới 15% dân số chịu ảnh hưởng của hội chứng này. Hiện tượng này là hậu quả của quá trình phát triển thần kinh dị thường từ trong bào thai, cản trở khả năng đọc hiểu bằng cách tiêu hủy một năng lực thiết yếu của não bộ được sử dụng để phân biệt các từ ngữ. Đó là năng lực liên kết các chữ cái với các âm thanh phát ra trong quá trình phát âm. Con người không thể khắc phục hội chứng khó đọc, nhưng nếu được giúp đỡ họ có thể học cách giải quyết hoặc phòng tránh những vấn đề nảy sinh từ khiếm khuyết này. Những chương trình thành công nhất trong lĩnh vực này chú trọng tới tập luyện cách ước hiệu các âm vị, xây dựng vốn từ vựng, tăng cường khả năng nhận thức và cải thiện khả năng đọc. Các chuyên gia về thần kinh học và tâm lý học nhấn mạnh rằng việc chẩn đoán sớm hội chứng khó đọc và tác động tới trẻ mắc chứng này từ trước lớp 3 là rất quan trọng. Trước giai đoạn này não bộ vẫn còn tương đối dễ uốn nắn và có khả năng rèn luyện được, điều này cho phép tái lập trình các mạch thần kinh.

Chứng khó đọc phổ biến hơn ở những trẻ bị chế nhạo hơn là cộng đồng đại chúng. Đó là kết quả của một loạt những chiều hướng xấu bắt đầu kể từ lúc những đứa trẻ khiếm khuyết khả năng đọc hiểu chìm sâu vào một dạng thất bại và bắt đầu gia tăng sự tự ti. Một vài em trong số đó nhiễm thói bắt nạt hay một số dạng hành vi chống đối xã hội khác, coi đây như một cách để bù đắp. Nếu không được giải quyết, tình trạng này sẽ nhanh chóng biến thành một dạng tội phạm.

Những người học mắc chứng khó đọc không dễ gì nắm bắt được kỹ năng đọc hiểu và bất lợi này có thể kéo theo một loạt những cản trở khác trong học tập. Trong khi đó, những cá nhân thành đạt đượcFortune phỏng vấn đưa ra lập luận rằng một số người mắc chứng khó đọc dường như sở hữu, hay phát triển một năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề nổi trội hơn, dù cho đó là kết quả của hệ thống thần kinh hay nhu cầu bức thiết của việc tìm kiếm giải pháp bù đắp cho khuyết tật của họ. Để đạt tới thành công, phần nhiều trong số những người được phỏng vấn cho biết họ phải học cách bao quát bối cảnh rộng lớn ngay từ rất sớm hơn là chật vật giải mã những bộ phận cấu thành, học cách tiếp cận vấn đề theo một cách khác biệt và sáng tạo, học cách hành động theo đường lối chiến lược và học cách kiểm soát mức độ rủi ro. Những kỹ năng cần thiết này một khi đã được nắm vững sẽ mang lại cho họ sự hỗ trợ có tính quyết định tới sự nghiệp trong tương lai. Có thể một vài kỹ năng trong số này thực sự có cơ sở là sự phát triển của hệ thần kinh. Những thí nghiệm được tiến hành bởi Gadi Geiger và Jerome Lettvin tại Viện Công nghệ Massachusetts đã khám phá ra rằng những cá nhân mắc chứng khó đọc cắt nghĩa thông tin nhận được thông qua thị giác kém hơn so với những người không mắc chứng này. Tuy nhiên họ lại có khả năng giải mã thông tin từ tầm nhìn ngoại biên của mình nổi trội một cách đáng kể so với những người khác. Điều này mang đến giả thuyết rằng mạng lưới tiếp hợp thần kinh của não bộ có thể là nguồn gốc sản sinh ra khả năng bao quát vượt trội.

Có vô vàn những tài liệu nghiên cứu về hội chứng khó đọc nhưng chúng tôi sẽ không tiếp tục đi sâu trong phạm vi cuốn sách này. Tuy nhiên có một điều phải công nhận rằng một số đặc trưng của hệ thần kinh có thể tác động đáng kể tới khả năng tiếp thu của chúng ta. Và với một nhóm những cá nhân kể trên, sự kết hợp của động lực thúc đẩy mạnh mẽ, sự ủng hộ đặc biệt được duy trì liên tục và tập trung, và những kỹ năng hay “trí tuệ” ra đời nhằm bù đắp cho các khiếm khuyết chính là điều đã giúp họ vươn lên mạnh mẽ.

Niềm tin vào lý thuyết về các phong cách học tập đã trở nên phổ biến rộng khắp. Việc đánh giá chất lượng phương pháp học tập của sinh viên được khuyến nghị tại mọi cấp giáo dục. Mọi giáo viên đều bị hối thúc phải cung cấp những tài liệu giảng dạy theo nhiều dạng thức khác nhau để mỗi sinh viên đều có thể tiếp cận chúng theo cách họ đã được trang bị kỹ càng nhất. Lý thuyết về các phương thức học tập đã bám rễ vào quá trình phát triển hệ thống quản lý, cũng như các mô hình đào tạo hướng nghiệp lẫn chuyên nghiệp, bao gồm các khóa huấn luyện phi công quân sự, nhân viên y tế, cảnh sát đô thị, v.v… Bản báo cáo về một cuộc khảo sát được tiến hành vào năm 2004 bởi Trung tâm Nghiên cứu các Kỹ năng và Kiến thức tại Anh đã đối chiếu hơn 70 lý thuyết về các phương pháp học hỏi hiện đang được đưa ra trên thị trường, đi cùng với chúng là các công cụ chẩn đoán cách thức học tập đặc thù của từng cá nhân. Các tác giả của bản báo cáo đã mô tả việc cung cấp các công cụ này như một ngành công nghiệp bị làm băng hoại bởi những quyền lợi được bảo đảm bất di bất dịch. Ngành công nghiệp này chào bán một “mớ hỗn độn những tuyên ngôn mâu thuẫn” và mối quan tâm duy nhất của họ là lôi kéo người sử dụng vào việc phân loại, đóng mác, và dập khuôn các cá nhân. Các tác giả đã liên hệ tới một tai nạn xảy ra trong một cuộc hội thảo. Tại đây một sinh viên vừa hoàn tất một thao tác đánh giá đã báo cáo lại kết quả: “Tôi nhận ra rằng tôi khá kém cỏi trong việc tiếp nhận kiến thức thông qua kênh thính giác và vận động. Do đó việc đọc một cuốn sách hay lắng nghe ai đó trong khoảng thời gian nhiều hơn vài phút không có tác dụng gì với tôi.” Đây là một kết luận vô cùng bảo thủ. Nó không những không có được sự ủng hộ của cộng đồng khoa học mà còn tuyên truyền một ý thức có tính xâm lấn và lầm lạc của một tiềm năng đang ngày càng suy giảm.

Bất chấp con số tưởng như vô hạn về các mô hình phong cách học tập, bạn không thể tìm ra một mô hình lý thuyết nhất quán nếu như bạn thu hẹp phạm vi tìm kiếm vào những mô hình vẫn được chấp nhận rộng rãi nhất. Neil Flemming chủ trương ủng hộ một phương pháp tiếp cận có tên gọi VARK. Người học tiếp thu kiến thức thông qua các trải nghiệm được thể hiện chủ yếu dưới một trong các hình thức nhìn, nghe, đọc hay vận động (ví dụ như di chuyển, động chạm và chủ động khám phá). Mỗi cá nhân lại có một sở thích và ưu tiên cho một hình thức này hơn những hình thức khác. VARK phân loại các cá nhân dựa trên sự khác biệt đó. Theo Flemming, VARK chỉ thuyết minh được về một phương diện trong phong cách học tập của một cá nhân trong khi xét về tổng thể nó có tới 18 khía cạnh khác nhau, bao gồm cả sự ưa thích hơn với nhiệt độ, ánh sáng, thực phẩm, nhịp sinh học, cũng như làm việc theo nhóm so với làm việc độc lập.

Những lý thuyết và tài liệu khác về phong cách học tập dựa trên những khía cạnh không mấy tương đồng với những vấn đề kể trên. Một công cụ được sử dụng rộng rãi, ra đời dựa trên công trình nghiên cứu của Kenneth Dunn và Rita Dunn, đánh giá sáu khía cạnh khác nhau trong phong cách học tập của một cá nhân: môi trường, xúc cảm, xã hội, nhận thức, sinh lý và tâm lý. Ngoài ra còn có những mô hình khác đánh giá các phong cách được xây dựng cùng với những phương diện sau đây:

  • Các hình thái nhận thức cụ thể và trừu tượng
  • Các mô hình thử nghiệm tích cực và quan sát phản xạ
  • Các hình thức tổ chức ngẫu nhiên và theo trình tự

Bảng câu hỏi đánh giá các phong cách học tập của Honey và Mumford, một công cụ phổ biến trong những mô hình quản lý, giúp người nhân công xác định tác phong của họ chủ yếu thuộc kiểu “hoạt động”, “phản ánh”, “lý thuyết” hay “thực tiễn”, nhờ đó họ có thể cải thiện những lĩnh vực họ chỉ đạt kết quả thấp lên mức linh hoạt hơn.

Sự thật đơn giản rằng những học thuyết khác nhau đang bao hàm những phương diện bất đồng quá lớn là nguyên nhân gây ra lo ngại về cơ sở khoa học của các học thuyết này. Đúng là hầu hết chúng ta đều có cách thức nghiên cứu tài liệu ưa thích của riêng mình, nhưng điều cốt lõi của phong cách học tập đúng đắn là chúng ta học tốt hơn khi hình thức trình bày thích hợp với một kiểu học tập cụ thể, có thể phát huy tối đa khả năng tiếp thu của cá nhân. Đó là một yêu cầu then chốt.

Năm 2008, các nhà tâm lý học nhận thức Harold Pashler, Mark McDaniel, Doug Rohrer và Bob Bjork đã tiến hành nghiên cứu xem liệu yêu cầu then chốt ở trên có được sự ủng hộ của các chứng cứ khoa học hay không. Cả đoàn bắt đầu trả lời hai câu hỏi. Thứ nhất, dạng chứng cứ nào là cần thiết để các tổ chức có thể điều chỉnh mô hình giảng dạy của họ lấy cơ sở từ quá trình đánh giá phong cách học tập của các sinh viên hoặc các nhân viên? Để tăng độ tin cậy cho các kết quả, đội nghiên cứu quyết định rằng cuộc khảo sát sẽ cần đến một vài quy tắc thực hiện. Đầu tiên, các sinh viên được phân thành các nhóm căn cứ theo phong cách học tập của họ. Sau đó họ sẽ được phân công vào các lớp học khác nhau một cách ngẫu nhiên. Tại các lớp này, các sinh viên này sẽ được dạy cùng một tài liệu nhưng theo những phương pháp khác nhau. Sau đó, tất cả các sinh viên phải cùng làm một bài kiểm tra. Bài kiểm tra cần chỉ ra được rằng những sinh viên học tập theo một hình thức cụ thể (ví dụ như những người tiếp thu kiến thức thông qua hình ảnh) đã phát huy khả năng tốt hơn khi tiếp nhận sự giảng dạy phù hợp với hình thức học tập của họ (thông qua hình ảnh) so với tiếp nhận sự giảng dạy bằng một hình thức khác (sử dụng âm thanh); thêm vào đó, một điều nữa cũng cần được chỉ ra rằng những kiểu người học khác gặt hái được nhiều lợi ích hơn từ hình thức giáo dục họ ưa thích hơn là từ những hình thức khác (những người học bằng thính giác tiếp nhận kiến thức được truyền thụ bằng các phương tiện âm thanh tốt hơn khi học từ các bài thuyết trình bằng hình ảnh).

Vấn đề thứ hai mà đoàn muốn nghiên cứu là liệu loại bằng chứng này có tồn tại hay không. Câu trả lời là không. Họ chỉ tìm thấy một con số rất nhỏ các nghiên cứu được thiết kế để có thể kiểm nghiệm được tính xác thực của lý thuyết về phong cách học tập trong giáo dục. Và họ còn chẳng thấy nghiên cứu nào trong số rất ít đó công nhận lý thuyết này một cách rõ ràng, thậm chí vài cuộc khảo sát còn phủ nhận nó một cách dứt khoát. Hơn nữa, họ cũng xem xét và chỉ ra rằng sự phù hợp của mô hình giảng dạy với bản chất của đề tài giảng dạy còn quan trọng hơn: công cụ giảng dạy bằng hình ảnh dành cho các bộ môn hình học và địa lý, phương pháp giảng dạy thông qua lời nói áp dụng cho thơ ca, v.v… Khi hình thức giảng dạy tương thích với bản chất của nội dung, mọi sinh viên đều có thể học tốt hơn bất kể họ ưa thích hình thức truyền đạt kiến thức nào.

Không có bằng chứng xác nhận lý thuyết về phong cách học tập không có nghĩa là mọi lý thuyết đều sai lầm. Các lý thuyết về phong cách học tập có rất nhiều hình thức, một số trong đó có thể có giá trị. Nhưng chúng ta cũng không thể biết được đó là lý thuyết nào: không có cơ sở nghiên cứu để giải đáp vấn đề vì số lượng các cuộc khảo sát chính xác là cực kỳ ít. Từ những phát hiện của mình, Pashler và các đồng nghiệp của ông đã đưa ra lập luận rằng những bằng chứng hiện có không thể bù đắp khối lượng thời gian và tiền bạc khổng lồ cần được đầu tư để đánh giá các sinh viên và tái cơ cấu lại mô hình giảng dạy cho tương ứng với các hình thức học tập của họ. Chỉ khi những chứng cứ như thế được đưa ra thì người ta mới thấy được tầm quan trọng của những phương pháp giảng dạy đã được nghiên cứu chứng minh là có thể mang lại lợi ích cho người học bất kể họ thích tiếp thu kiến thức theo cách nào. Một số phương pháp trong đó đã được phác thảo sơ lược trong cuốn sách này.

LOẠI TRÍ TUỆ CẦN THIẾT CHO THÀNH CÔNG

Trí tuệ là một trong những điều làm nên sự khác biệt giữa các cá nhân trong quá trình học tập. Chúng ta biết tầm quan trọng của nó, nhưng chính xác thì trí tuệ là gì? Mọi xã hội đều có quan điểm riêng về trí tuệ. Hơn một trăm năm nay, chúng ta vẫn trăn trở làm thế nào để có thể xác định và lượng hóa trí tuệ theo một cách mà từ đó ta có thể lý giải được năng suất tư duy của con người và mang đến một thước đo chuẩn xác về tiềm năng của họ. Các nhà tâm lý học cũng đã nỗ lực để có thể ước lượng được cấu trúc này ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX. Ngày nay nhìn chung các nhà tâm lý học đều chấp nhận rằng mỗi cá nhân đều sở hữu ít nhất một trong hai loại trí tuệ. Trí tuệ linh hoạt (fluid intelligence) là khả năng lý giải, nhận thức các mối quan hệ, tư duy có tính trừu tượng và ghi nhớ thông tin trong lúc giải quyết vấn đề; trí tuệ kết tinh (crystallized intelligence) là hiểu biết của một cá nhân về thế giới được tích lũy cũng như các thao tác và mô hình tư duy đã được phát triển từ quá trình học tập trong quá khứ và các trải nghiệm. Cùng với nhau, hai loại trí thông minh này cho phép chúng ta học hỏi, suy luận và giải quyết các vấn đề.

Các bài kiểm tra đánh giá chỉ số thông minh IQ được sử dụng như một truyền thống để lượng hóa khả năng tư duy logic và sử dụng ngôn ngữ của các cá nhân. Những bài kiểm tra này ấn định một thương số trí tuệ, thương số này biểu thị tỷ lệ giữa độ tuổi trí tuệ và độ tuổi vật lý nhân với 100 lần. Tức là một đứa trẻ tám tuổi có thể giải những bài toán trong đề kiểm tra mà hầu hết những đứa trẻ mười tuổi mới có thể giải được thì đứa trẻ đó có chỉ số IQ là 125 (10 chia cho 8 rồi nhân 100). Mọi người đã từng nghĩ rằng chỉ số IQ không thay đổi từ khi sinh ra, nhưng những quan niệm truyền thống về trí thông minh đang bị thách thức.

Một ý tưởng đối lập đã được khởi xướng bởi nhà tâm lý học Howard Gardner nhằm lý giải các khả năng đa dạng của con người. Ông đưa ra giả thuyết rằng con người có khoảng tám loại hình trí thông minh khác nhau:

Trí thông minh về logic – toán học: khả năng tư duy suy luận, làm việc với các con số, các khái niệm trừu tượng và những vấn đề tương tự;

Trí thông minh về không gian: khả năng ước đoán không gian ba chiều và hình dung từ trong trí tưởng tượng;

Trí thông minh về ngôn ngữ: khả năng làm việc với từ ngữ và ngôn ngữ;

Trí thông minh về vận động: khả năng vận dụng sức mạnh thể chất và điều khiển cơ thể một cách khéo léo;

Trí thông minh về âm nhạc: độ nhạy bén với các âm thanh, nhịp điệu, tần số và âm nhạc;

Trí thông minh về giao tiếp: khả năng hiểu (“đọc”) và làm việc được với người khác một cách hiệu quả;

Trí thông minh nội tâm: khả năng nhận thức được cái tôi của mình cũng như đánh giá chính xác được hiểu biết, năng lực và tính hiệu quả của bản thân;

Trí thông minh tự nhiên: khả năng phân biệt và liên hệ với môi trường tự nhiên xung quanh (những dạng trí tuệ được huy động bởi một người làm vườn, một người thợ săn hay đầu bếp chẳng hạn).

Những ý tưởng của Gardner rất hấp dẫn vì nhiều lý do, ít nhất cũng vì chúng đã nỗ lực lý giải những điểm khác biệt của con người. Chúng ta có thể quan sát những điểm khác biệt đó nhưng không thể giải thích chúng bằng những định nghĩa hiện đại của phương Tây về trí tuệ, nơi mà người ta vẫn chú trọng vào các khả năng ngôn ngữ và suy luận logic. Cũng như lý thuyết về phong cách học tập, sự đa dạng về các dạng thức trí tuệ đã giúp các nhà giáo dục có thể đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm học tập dành cho sinh viên. Lý luận về các phong cách học tập khác nhau có thể gây nên những tác dụng trái chiều khi khiến các cá nhân tưởng rằng khả năng học tập của mình hạn chế. Không giống như thế, lý thuyết về các hình thức trí tuệ đa dạng càng bồi đắp cho hệ thống công cụ tự nhiên của chúng ta thêm phong phú. Điều mà cả hai học thuyết trên đều thiếu là một nền móng vững chắc được xây dựng nên từ sự xác minh thông qua quá trình thực nghiệm, chính bản thân Gardner cũng nghiệm ra và thừa nhận rằng xác định sự pha trộn đặc trưng của các loại trí tuệ trong một cá nhân giống một môn nghệ thuật hơn là một môn khoa học.

Trong khi Gardner góp phần hữu ích vào việc mở rộng quan niệm về trí tuệ thì nhà tâm lý học Robert J. Sternberg lại giúp chúng ta sàng lọc nó thêm lần nữa. Thay vì tám loại trí tuệ, mô hình của Sternberg chỉ đề xuất ba loại: phân tích, sáng tạo và thực tiễn. Hơn nữa, không giống như lý thuyết của Gardner, học thuyết của Sternberg nhận được sự ủng hộ của các nghiên cứu thực chứng.

Để tìm hiểu vấn đề làm thế nào để chúng ta có thể lượng hóa được trí thông minh, Sternberg đã tiến hành một số nghiên cứu ở vùng nông thôn Kenya, nơi ông và các cộng sự quan sát những hiểu biết của trẻ em ở đây về các loại thảo dược không được ghi nhận chính thức trong sách vở. Thói quen sử dụng những thảo dược này là một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người dân Kenya. Kiến thức này không hề được dạy trong các trường học hay được đặt ra trong các bài kiểm tra, nhưng những em nhỏ có khả năng nhận biết các loài thảo dược cũng như cách sử dụng và liều lượng phù hợp có thể thích nghi với môi trường sống tốt hơn những em không có những hiểu biết này. Những em hoàn tất bài kiểm tra về những kiến thức không được ghi nhận trong sách vở này với kết quả tốt nhất lại là những em có kết quả thấp nhất trong các bài sát hạch về những môn học chính thức được giảng dạy tại trường, và theo như cách nói của Sternberg thì những em này có vẻ “kém thông minh” theo như tiêu chuẩn của các bài kiểm tra chính thức. Làm thế nào để dung hòa sự bất nhất này? Sternberg cho rằng những em có sự hiểu biết sâu rộng về các kiến thức bản địa xuất thân từ những gia đình đề cao giá trị của hiểu biết thực tiễn hơn những gia đình có con em học giỏi các môn học được giảng dạy tại trường học. Những trẻem sống trong môi trường đề cao một hình thức học hỏi này hơn một hình thức khác (những gia đình dạy cho con cái về thảo dược, hiểu biết thực tiễn được coi trọng hơn kiến thức học thuật) có trình độ hiểu biết thấp hơn trong những lĩnh vực học thuật (lĩnh vực không được chú trọng trong gia đình của họ). Các gia đình khác đề cao giá trị của thông tin có tính phân tích lý luận (có nền tảng từ môi trường học thuật) và ít chú trọng hơn đến những kiến thức về thảo dược thực tế.

Có hai điều quan trọng ở đây. Thứ nhất, những công cụ lượng hóa trí thông minh truyền thống không thể lý giải được những khác biệt về môi trường. Những đứa trẻ xuất sắc vượt trội về những kiến thức bản địa không có trong sách vở chưa chắc đã không thể bắt kịp các bạn đồng lứa trong môi trường học thuật, khi các em được trao cho những cơ hội thích hợp. Thứ hai, đối với những trẻ em phát triển trong môi trường chú trọng những kiến thức bản địa, khả năng nắm bắt những tri thức học thuật trong các em vẫn phát triển. Theo quan điểm của Sternberg, tất cả chúng ta đều đang ở trong trạng thái phát triển sở trường của mình và bất kỳ bài kiểm tra nào chỉ dừng lại ở việc đánh giá được hiểu biết của chúng ta tại chính thời điểm đó thì đó chỉ là một thước đo tĩnh, một công cụ chẳng thể nói lên được gì về tiềm năng của chúng ta trong lĩnh vực được kiểm nghiệm.

Sternberg còn trích dẫn nhanh hai câu chuyện giúp làm sáng tỏ vấn đề. Một là loạt công trình nghiên cứu về trẻ em mồ côi ở Brazil. Để tồn tại, các em buộc phải học cách bắt đầu và duy trì việc buôn bán trên đường phố. Các em bị thúc đẩy bởi những động cơ mãnh liệt, vì nếu các em biến mình thành kẻ chuyên trộm cắp thì các em sẽ phải mạo hiểm mạng sống của mình để lao vào chỗ chết. Các em học làm toán như một cách bắt buộc để duy trì công việc buôn bán, nhưng lại không thể giải bài toán tương tự khi nó được trình bày ở dạng trừu tượng. Nhìn nhận từ quan điểm về quá trình phát triển sở trường, Sternberg cho rằng kết quả này mang ý nghĩa quan trọng: những trẻ em này tồn tại trong một môi trường chú trọng những kỹ năng thực tế chứ không phải học thuật và chính nhu cầu cấp bách của thực tiễn mới chính là điều quyết định bản chất và hình thức của quá trình học hỏi.

Câu chuyện thứ hai là về những người chuyên đặt cược vào những con ngựa bị đánh cược sai ở những trường đua. Họ có cách tư duy cực kỳ phức tạp trong việc đặt cược vào những con ngựa nhưng cũng chính họ lại là những người chỉ đạt trình độ trung bình theo tiêu chuẩn đánh giá chỉ số thông minh IQ. Những mô hình chấp điểm đặt cược của họ đã được đối chiếu với những mô hình của những người chơi chấp điểm ở trình độ thấp hơn nhưng lại có chỉ số IQ tương tự. Chấp điểm đòi hỏi người chơi phải đối chiếu những con ngựa với một danh sách dài những biến số, ví dụ như tuổi đời, tốc độ, những cuộc đua mà nó đã thắng, khả năng của người cưỡi ngựa vào thời điểm hiện tại, cũng như cả tá đặc điểm riêng trong từng cuộc đua trước đó của nó. Chỉ để dự đoán tốc độ của một con ngựa trong 400m nước rút cuối cùng, các chuyên gia phải dựa vào một công thức phức tạp lên đến bảy biến số. Cuộc nghiên cứu đã phát hiện rằng chỉ số thông minh IQ không hề có liên hệ gì tới khả năng chấp điểm và “bất kể bài kiểm tra chỉ số thông minh IQ đánh giá điều gì đi nữa thì đó cũng không phải là khả năng tiến hành những lý luận đa chiều phức tạp về mặt nhận thức.”

Để bù đắp vào khoảng trống đó, Robert Sternberg đã đưa ra một học thuyết với ba tầng trí tuệ cần thiết để tạo nên thành công. Trí tuệ phân tích là khả năng hoàn tất các yêu cầu giải quyết vấn đề như những yêu cầu điển hình vẫn được nêu trong các bài kiểm tra; trí tuệ sáng tạo là khả năng tổng hợp và áp dụng những kiến thức và kỹ năng hiện có để đối phó với những tình huống mới mẻ và khác thường; trí tuệthực tiễn là khả năng thích nghi với cuộc sống hằng ngày, hiểu trình tự cụ thể khi làm việc gì đó và sau đó thực hiện nó. Đó là những gì chúng ta vẫn gọi là trí khôn hè phố (street smarts). Những nền văn hóa và những tình huống khác nhau sẽ cần đến những dạng thức trí tuệ này theo những cách khác nhau. Hơn nữa, phần lớn những yếu tố cần thiết làm nên thành công của một cá nhân trong một tình huống cụ thể không được đánh giá bởi tiêu chuẩn IQ hay những bài kiểm tra năng lực mà tại đó những năng lực lập luận có thể bị bỏ sót.

HỆ THỐNG THI CỬ NĂNG ĐỘNG

Robert Sternberg và Elena Grigorenko đã đề xuất một ý tưởng sử dụng hệ thống thi cử để đánh giá khả năng một cách linh động. Theo quan điểm của Sternberg về phát triển sở trường, nhờ những kinh nghiệm tích lũy liên tục trong một lĩnh vực, chúng ta luôn phát triển từ một trình độ năng lực thấp lên một trình độ cao hơn. Quan điểm của ông cũng nêu lên rằng những bài kiểm tra được tiêu chuẩn hóa hàng loạt không thể đánh giá chuẩn xác khả năng của chúng ta vì những gì được bộc lộ trong quá trình đó chỉ giới hạn trong một báo cáo tĩnh dừng lại tại đúng thời điểm của bài kiểm tra mà không phản ánh được cả quá trình học tập và tiếp thu diễn ra liên tục. Tiếp nối sau mô hình trí tuệ ba tầng, ông và Grigorenko đã đề xuất chuyển những bài kiểm tra tĩnh tại thành thứ mà họ vẫn gọi là hệ thống thi cử năng động: xác định sở trường của một cá nhân đang ở trạng thái nào; chuyển hướng tập trung vào những lĩnh vực mà họ còn yếu kém; theo dõi sát sao tiến trình kiểm tra để đánh giá sự cải thiện và điều chỉnh lại hướng tập trung trong chiến lược học tập để có thể tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn. Bởi vậy, có thể một bài kiểm tra đánh giá về một nhược điểm, nhưng thay vì áp đặt rằng nhược điểm đó là một dấu hiệu của sự yếu kém mãi mãi, bạn hãy nghĩ về nó như một nhu cầu kỹ năng hay tri thức đang cần được giải tỏa. Hệ thống kiểm tra năng động có hai ưu điểm vượt trội so với hệ thống thi cử tiêu chuẩn. Nó hướng người học tập và người giảng dạy tập trung vào những lĩnh vực cần được bồi dưỡng hơn là vào những lĩnh vực đã được chinh phục thành công. Hơn nữa, khả năng đánh giá sự tiến bộ của học viên từ bài kiểm tra này tới bài kiểm tra kế tiếp cũng cung cấp một công cụ đánh giá chính xác hơn về tiềm năng tiếp thu của họ.

Hệ thống thi cử năng động không cho rằng một người phải chấp nhận và thích nghi với vài dạng giới hạn cố định về năng lực học hỏi mà đưa ra những đánh giá về trình độ hay nhận thức hiện tại của cá nhân đó trên một số phương diện và chỉ ra người đó cần phải tiến tới thành công như thế nào: mình cần phải học thêm những gì để có thể hoàn thiện? Trong khi các bài kiểm tra năng lực và phần lớn những lý luận về phong cách học tập có xu hướng chú trọng vào ưu điểm của chúng ta và khuyến khích chúng ta tập trung vào đó thì hệ thống thi cử năng động lại giúp chúng ta phát hiện những nhược điểm và sửa chữa chúng. Trong những trải nghiệm trên trường đời, những thất bại chỉ cho chúng ta thấy mình cần phải làm tốt hơn từ đâu. Chúng ta có thể tránh khỏi những khó khăn tương tự sau này, hay chúng ta có thể nhân đôi nỗ lực để trở nên thông thạo, mở rộng phạm vi năng lực và nâng cao sở trường. Trải nghiệm của Bruce Hendry trong việc đầu tư vào cho thuê tài sản và thị trường chứng khoán cho ông những thất bại, và bài học ông rút ra từ đó là những nhân tố thiết yếu trong quá trình học hỏi của ông: hoài nghi khi ai đó cố gắng bán cho ông thứ gì đó, tìm ra chính xác vấn đề và học cách tìm ra đáp án. Đó là cách để phát triển sở trường.

Hệ thống thi cử năng động bao gồm ba bước:

Bước 1: Một bài kiểm tra dưới một vài hình thức – có thể là một bài thi thực hành hay một bài thi viết –chỉ cho tôi thấy một kiến thức hay kỹ năng còn hạn chế của bản thân.

Bước 2: Tôi cống hiến hết mình để có thể trở nên thông thạo hơn, áp dụng phương pháp suy ngẫm, rèn luyện, ngắt quãng và các kỹ thuật khác phục vụ quá trình học hỏi hiệu quả.

Bước 3: Tôi tự kiểm tra lại mình thêm lần nữa, chú ý vào không chỉ những lĩnh vực hoạt động hiệu quả hơn, mà còn đặc biệt là những lĩnh vực tôi cần nỗ lực hơn nữa.

Khi cất những bước chân chập chững đầu tiên, chúng ta đang tiến hành phương pháp kiểm tra năng động. Khi viết truyện ngắn đầu tay, trình bày nó trước một nhóm những tác giả khác để lấy thông tin phản hồi, rồi sửa chữa và trình bày lại, bạn đang thực hiện phương pháp kiểm tra năng động, học hỏi kỹ thuật sáng tác của những người viết khác và tự nhận thức tiềm năng của mình. Những giới hạn về khả năng thực hiện bất kỳ một kỹ năng nhận thức hay vận động nào cũng có thể được quyết định bởi những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, như trí thông minh hay những hạn chế bẩm sinh. Nhưng hầu hết chúng ta có thể học hỏi để có thể huy động gần đến mức tối đa tiềm năng của mình trong hầu hết các lĩnh vực bằng cách phát hiện ra các nhược điểm và nỗ lực làm việc để cải thiện chúng.

XÂY DỰNG MÔ HÌNH KẾT CẤU TƯ DUY

Trong quá trình học hỏi, chúng ta không thể tránh khỏi những khác biệt về nhận thức, cho dù đó là những khác biệt được ghi nhận bởi những người ủng hộ học thuyết về các phong cách học tập. Một trong số những khác biệt này đã được đề cập đến ở phần trước và được các nhà tâm lý học gọi là sự xây dựng cơ cấu: đó là hành vi đúc rút những ý chính nổi bật và xây dựng một khuôn khổ tư duy thống nhất và mạch lạc từ những ý tưởng đó khi lần đầu tiếp xúc với một kiến thức mới. Đôi khi những khuôn khổ này được gọi là những mô hình hay chiến lược tư duy. Một số cá nhân đặc biệt xuất sắc trong việc xây dựng những mô hình tư duy. Một số khác thì yếu kém hơn. Nhóm thứ nhất tiếp thu kiến thức mới tốt hơn. Nhóm thứ hai gặp khó khăn trong việc gạt bỏ những thông tin đối kháng hoặc không phù hợp, và do đó họ có xu hướng nắm giữ quá nhiều khái niệm đến mức không thể tổng hợp chúng vào trong một mô hình có tính khả thi (hay toàn bộ cấu trúc) đóng vai trò nền tảng cho quá trình học tập xa hơn nữa.

Lý thuyết về xây dựng cấu trúc tư duy có vài điểm tương đồng với một ngôi làng xây bằng những viên gạch Lego. Giả sử bạn đang tham dự một lớp học tổng quan về một môn mới. Bạn bắt đầu với một cuốn sách đầy những khái niệm và bắt đầu kiến tạo một mô hình tư duy thống nhất của những tri thức mà chúng hàm chứa. Tương tự, trong trò chơi Lego, bạn bắt đầu với một hộp đầy những mảnh ghép Lego và tiến hành xây dựng thị trấn được in trên vỏ hộp. Bạn đổ các mảnh ghép ra và chia chúng thành những đống lớn. Đầu tiên bạn sắp đặt các con đường và hè phố để xác định ranh giới vòng ngoài của thành phố và các khu vực riêng biệt bên trong nó. Sau đó bạn phân loại các miếng ghép còn lại theo các công trình cần đến chúng: tổ hợp căn hộ, trường học, bệnh viện, sân vận động, khu mua sắm, trạm cứu hỏa. Mỗi công trình này cũng giống như một khái niệm trọng tâm trong sách giáo khoa và mỗi khái niệm cũng cần được tạo lập các hình thức biểu hiện cũng như sắc thái tương tự như cách các mảnh ghép được đặt vào đúng chỗ của chúng. Những khái niệm trọng tâm này hình thành nên kết cấu rộng lớn hơn của ngôi làng.

Bây giờ hãy thử tưởng tượng em trai bạn đã từng dùng bộ đồ chơi Lego trước đây và đổ những miếng ghép vào trong một chiếc hộp của một bộ Lego khác. Khi bạn tìm các miếng ghép, có thể vài miếng sẽ không khớp với công trình xây dựng của bạn, và bạn có thể đặt chúng sang một bên. Hay bạn có thể khám phá ra một vài trong số những mảnh ghép mới có thể được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho công trình hiện tại, gia cố thêm độ sâu và ranh giới của nó (cổng vòm, sân trong, sân sau là cơ sở hạ tầng của các căn hộ; đèn đường, vòi nước và cây xanh trên đường là cơ sở hạ tầng của các con đường). Bạn vui vẻ đặt thêm những mảnh ghép này vào ngôi làng của mình cho dù những nhà thiết kế nguyên bản không hề đưa ra sự xuất hiện của chúng. Những cá nhân có khả năng xây dựng cấu trúc tư duy phát triển kỹ năng này để nhận dạng những khái niệm nền tảng và những công trình chủ chốt cũng như phân loại những kiến thức mới theo hướng đâu là thông tin cần được thêm vào và đâu là thông tin không liên quan và cần được đặt sang một bên. Ngược lại, những nhà kiến trúc bất tài phải chật vật để tìm hiểu và nắm bắt một cấu trúc bao quát cũng như nhận biết thông tin nào phù hợp với cấu trúc đó và thông tin nào nên bị loại bỏ. Xây dựng cơ cấu tư duy là một dạng nguyên lý có tính ý thức và tiềm thức: thông tin có phù hợp hay không; nó cung cấp thêm sắc thái, năng lực và ý nghĩa hay nó làm quá tải và gia tăng sự tối nghĩa.

Một ví dụ đơn giản hơn có thể là câu chuyện mà một cô bạn muốn kể cho bạn về một cậu bé bốn tuổi mà cô quen: cô đề cập đến mẹ cậu bé, quá trình họ kết bạn với nhau trong một câu lạc bộ sách và cuối cùng đề cập đến việc mẹ cậu bé tình cờ đặt một lượng phân bón lớn chuyển đến vườn nhà vào buổi sáng sinh nhật cậu bé. Mẹ cậu là một người làm vườn xuất sắc, cây cà tím của cô đã đạt giải trong hội chợ của hạt và mang lại cho cô cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh. Cô lấy phân bón từ một người đàn ông góa vợ mà cô gặp tại nhà thờ. Người đàn ông này nuôi giống ngựa Clydesdale và con trai ông kết hôn với… Cô bạn của bạn không thể sàng lọc những ý chính từ một loạt những sự liên kết thiếu hợp lý và người nghe chẳng thể hiểu nổi câu chuyện. Câu chuyện cũng cần đến một kết cấu.

Chúng ta ý thức được rằng hành vi xây dựng kết cấu tư duy cũng mang đến sự khác biệt về nhận thức trong quá trình học hỏi. Nhưng những hiểu biết của chúng ta về điều đó mới chỉ dừng lại ở những giai đoạn đầu tiên: liệu sự yếu kém trong xây dựng kết cấu tư duy có phải là hậu quả của một cơ chế nhận thức sai lầm, hay phải chăng việc xây dựng kết cấu tư duy là khả năng bẩm sinh ở một số người và phải được đào tạo ở một số khác? Chúng ta biết rằng khi các câu hỏi được đưa vào tài liệu để giúp định hướng người đọc tập trung vào các ý chính, hiệu quả tiếp thu của những người không có lợi thế trong việc xây dựng kết cấu tư duy thấp được cải thiện ở một trình độ tương xứng với những cá nhân xuất sắc hơn trong việc này. Nhờ sự thúc đẩy của những câu hỏi này mà những người không có khả năng hình thành cấu trúc tư duy có thể trình bày tài liệu theo một cách mạch lạc hơn những gì họ có thể làm chỉ với khả năng của chính họ, nhờ thế mà họ có thể đạt được trình độ tiếp thu ngang bằng những người xuất sắc hơn.

Cho đến nay, những khả năng có thể xảy ra trong tình huống này vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng kết luận rút ra cho những người học dường như củng cố cho quan điểm đã được đưa ra trước đó bởi nhà giải phẫu thần kinh Mike Ebersold và nhà thần kinh học Doug Larsen: thói quen phản ánh kinh nghiệm của bản thân bằng cách liên kết chúng thành một câu chuyện sẽ tăng cường năng lực tiếp thu. Lý thuyết về xây dựng kết cấu tư duy có thể mang lại lời giải đáp cho vấn đề: suy ngẫm về điều gì mình làm đúng, điều gì mình làm sai và mình có thể làm gì khác đi trong lần tới giúp chúng ta tách riêng những ý chính, sắp xếp chúng thành những mô hình tư duy, và áp dụng chúng trong tương lai nhằm cải thiện và trau dồi kiến thức đã học được.

HỌC TẬP DỰA THEO CÁC QUY LUẬT VÀ TIẾP THU THÔNG QUA CÁC VÍ DỤ

Một điểm khác biệt quan trọng là liệu bạn nghĩ mình là “người học theo những quy luật” hay là “người tiếp thu qua các ví dụ” và dấu hiệu đặc trưng này là một điều gì đó tương tự như những gì chúng ta vừa thảo luận. Khi nghiên cứu những dạng bài tập khác nhau trong lớp hóa học, hay những mẫu vật với chủ đề là các loài chim và cách thức nhận dạng chúng, những học viên ưa thích các nguyên tắc có xu hướng đúc rút các nguyên lý cơ bản hay các “quy luật” để phân biệt các ví dụ đang được nghiên cứu. Sau này, khi họ gặp một bài tập hóa học hay một mẫu chim mới, họ áp dụng những quy luật này như một phương tiện để phân loại bài tập hay vật mẫu đó và chọn lựa cách giải phù hợp hay chuồng nuôi vật mẫu chính xác. Những người tiếp thu qua các ví dụ thường hay hồi tưởng lại các ví dụ thay vì các nguyên lý cơ bản. Khi họ đối mặt với một tình huống xa lạ, họ không nhận thức được các quy luật cần thiết để phân loại hay giải quyết vấn đề, do vậy họ thực hiện khái quát hóa từ một ví dụ gần nhất họ có thể nhớ, ngay cả khi nó không thực sự liên quan tới trường hợp mới. Tuy nhiên, những người học bằng các ví dụ có thể nâng cao khả năng đúc rút các quy luật nền tảng khi họ bị yêu cầu so sánh hai ví dụ khác nhau thay vì tập trung vào nghiên cứu lần lượt mỗi lần một ví dụ. Tương tự, họ dễ khám phá ra giải pháp chung cho các vấn đề khác nhau nếu ban đầu họ phải so sánh các vấn đề và cố gắng tìm ra những điểm tương đồng cơ bản.

Hãy cùng xem xét hai trường hợp khác nhau mà người học phải giải quyết. Đây là các ví dụ được lấy từ một nghiên cứu về phương pháp học tập dựa theo các quy luật. Trong trường hợp thứ nhất, đội quân của một vị tướng được bố trí để tấn công một lâu đài. Lâu đài này được bảo vệ bởi một chiến hào. Những người hoa tiêu báo rằng những chiếc cầu bắc qua hào nước đã được người quản lý lâu đài gài mìn. Mìn được bố trí để chỉ những nhóm nhỏ mới có thể đi qua những chiếc cầu, nhờ đó cư dân của lâu đài có thể lấy thức ăn và nhiên liệu. Vậy làm thế nào mà vị tướng có thể đưa một lực lượng đông đảo qua cầu mà mìn không nổ?

Trường hợp thứ hai liên quan đến một khối u ác tính. Khối u này có thể được chữa trị bằng bức xạ cường độ cao. Tuy nhiên tia bức xạ cũng sẽ phải xuyên qua các tế bào khỏe mạnh. Một chùm bức xạ với cường độ đủ mạnh để tiêu hủy một khối u sẽ làm tổn thương phần mô khỏe mạnh mà chúng xuyên qua. Vậy làm thế nào để tiêu diệt khối u mà không làm tổn hại các mô khỏe mạnh?

Trong quá trình nghiên cứu, sinh viên sẽ gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp cho cả hai loại vấn đề trừ khi họ được hướng dẫn tìm kiếm các điểm tương đồng giữa chúng. Khi tìm kiếm các điểm tương đồng, nhiều sinh viên để ý thấy (1) cả hai vấn đề đều đòi hỏi một lực lượng đủ mạnh nhắm vào một mục tiêu, (2) không thể tập trung toàn bộ sức mạnh và dẫn truyền theo một lộ trình duy nhất mà không gây ra tác dụng phụ và (3) những lực tác động nhỏ hơn có thể tiến tới mục tiêu nhưng lại không đủ mạnh để giải quyết vấn đề. Bằng cách phát hiện ra những điểm tương đồng, các sinh viên thường áp dụng chiến lược chia nhỏ tổng lực thành các lực tác động nhỏ hơn và dẫn truyền chúng thông qua những lộ trình khác nhau để hội tụ chúng vào phá hủy mục tiêu mà không làm kích hoạt mìn hay phá hủy những mô khỏe mạnh. Và đây là phần thưởng của việc đó: sau khi tìm ra phương pháp nền tảng chung, các sinh viên có thể quy nhiều vấn đề khác nhau về cùng một số dạng thức chủ yếu và xử trí chúng.

Tương tự như những gì chúng ta biết về sự chênh lệch trong khả năng tiếp thu giữa những cá nhân giỏi xây dựng kết cấu tư duy với những cá nhân không có lợi thế này, nhận thức của chúng ta về sự khác biệt trong hiệu quả giữa việc học theo các quy tắc và học thông qua các ví dụ mới chỉ dừng lại ở mức độ sơ khai. Tuy nhiên, chúng ta ý thức được rằng những học viên có khả năng thiết lập các mô hình tư duy và đúc rút các nguyên lý gặt hái được nhiều thành quả kiến thức hơn những sinh viên chỉ học qua các ví dụ và không thể xây dựng các kết cấu tư duy. Có thể bạn sẽ băn khoăn liệu khả năng tư duy theo kết cấu có liên hệ gì với xu hướng học tập theo các quy luật cơ bản hay không. Tiếc rằng các nghiên cứu hiện nay chưa thể đưa ra câu trả lời cho vấn đề này.

Bạn có thể quan sát quá trình phát triển khả năng thiết lập tư duy cấu trúc và kỹ năng học hỏi trong cách một đứa trẻ kể một câu chuyện đùa. Có lẽ một cậu bé ba tuổi không thể diễn tả trò chơi cốc cốc cốc vì em không thể hiểu cấu trúc của trò chơi. Nghe tiếng gõ cửa, người anh đáp lại “Ai đó?” và cậu bé vội vàng đi ngay tới điểm nút của trò chơi: “Cửa khóa rồi, em không vào được!” Em không hề biết phải trả lời “Doris” sau câu hỏi “Ai đó?” để bắt đầu trò chơi. Nhưng cậu nhanh chóng trở thành bậc thầy trong trò chơi này trước khi lên năm: cậu đã có thể nhớ được kết cấu của nó. Tuy nhiên, cậu bé năm tuổi vẫn chưa thể thành thạo mọi trò chơi vì cậu chưa nắm bắt đủ những yếu tố cần thiết của mỗi trò chơi. Luôn có một quy tắc tất yếu: mọi trò chơi đều cần đến một nút thắt, hiển hiện rõ ràng hoặc được ngụ ý ám chỉ.

Nếu bạn xem xét lại bài học đầu tiên của Bruce Hendry về giá trị thu được từ một vali đựng đầy những loại pháo hoa khó kiếm, bạn có thể hiểu được cách ông xây dựng cán cân cung-cầu trong công việc kinh doanh sau đó nhiều năm khi ông bắt gặp những toa xe chở hàng. Chỉ có điều đó là một mô hình tư duy phức tạp hơn nhiều và đòi hỏi áp dụng những kiến thức về rủi ro tín dụng, chu kỳ kinh doanh, quy trình giải quyết phá sản mà ông đã bồi đắp suốt hàng năm trời. Tại sao những toa hàng lại rơi vào tình trạng dư thừa? Vì những chính sách thuế đã khuyến khích các nhà đầu tư đổ quá nhiều tiền vào quy trình sản xuất các toa xe chở hàng. Và đâu là giá trị của một chiếc toa hàng? Để làm ra và duy trì một chiếc luôn trong tình trạng như mới người ta đã phải tiêu tốn đến 42.000 đô-la vì chúng là vài trong số những chiếc toa hàng cuối cùng được sản xuất. Hendry đã nghiên cứu tuổi thọ của một toa xe và giá trị phế liệu của nó (tính theo giá thị trường), cũng như nghiền ngẫm các hợp đồng cho thuê. Ngay cả nếu tất cả xe của ông đều để không, thì các khoản thanh toán từ những hợp đồng cho thuê vẫn mang lại cho ông chút ít lợi nhuận trong giai đoạn dư thừa và thị trường đang quay vòng.

Giả sử như chúng ta có mặt trong thời điểm đó, chúng ta cũng sẽ nghĩ đến điều đó hoặc mua lại những chiếc toa chở hàng. Nhưng nó không hề giống đầu tư vào một chiếc túi đựng đầy pháo hoa dù cho chúng ta áp dụng cùng một nguyên tắc cung cầu cơ bản cho cả hai trường hợp. Bạn phải mua những chiếc toa hàng có giá trị xứng đáng và biết làm thế nào để bắt tay vào việc, điều mà chúng tôi vẫn gọi bằng một thuật ngữ đời thường là các kỹ năng. Kiến thức chưa thể trở thành kỹ năng cho đến khi bạn có thể nắm bắt được những nguyên lý nền tảng và phối hợp chúng nhuần nhuyễn trong một kết cấu lớn hơn. Kỹ năng là những hiểu biết biến tri thức của bạn thành hành động.

Những điều cần ghi nhớ

Với những điều chúng ta đã biết về sự khác biệt của mỗi cá nhân trong quá trình học tập, đâu là điều cần đúc rút và ghi nhớ?

Hãy tự chịu trách nhiệm với chính quá trình học tập của mình. Có một chân lý từ lâu vẫn được lưu truyền trong giới kinh doanh là bạn không thể cứ ngồi trong lều mà bắn một con hươu. Trong quá trình học tập cũng vậy: bạn phải bước ra thế giới bên ngoài, thích nghi với nó và tìm ra điều mình muốn theo đuổi. Sự tinh thông trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là đối với những kiến thức phức tạp, các kỹ năng và thao tác là một cuộc tìm kiếm. Đó không phải là vấn đề thứ hạng trong một kỳ thi, một yêu cầu được đặt ra bởi huấn luyện viên, hay một việc đến với bạn đơn giản và dễ dàng như tuổi già và tóc bạc.

Nắm bắt kiến thức cần thiết để tạo dựng thành công. Hãy gạt bỏ mọi phân biệt và thành kiến: đừng khư khư bám lấy phong cách học tập bạn vẫn ưa thích, mà hãy thích nghi với điều kiện và nguồn tài liệu bạn có, cũng như huy động tất cả “các dạng thức trí tuệ” mà bạn có để nắm vững tri thức hay kỹ năng mà bạn muốn làm chủ. Hãy hình dung ra điều bạn muốn biết, muốn làm hay muốn chinh phục. Rồi bạn liệt kê những kỹ năng thiết yếu, những điều cần học và nơi bạn có thể thu nhận tri thức và rèn luyện kỹ năng. Sau đó bạn mới tiến hành.

Lưu ý duy trì sở trường của bạn trong trạng thái phát triển liên tục, thực hiện các bài kiểm tra năng động một cách hệ thống để phát hiện ra những nhược điểm của bạn trong quá trình học tập và tập trung vào cải thiện những nhược điểm này. Phát huy ưu điểm của mình là một phương pháp khôn ngoan, nhưng bạn có thể nâng cao năng lực và sự linh hoạt hơn nữa nếu như cùng lúc bạn áp dụng cả hệ thống kiểm tra, phương pháp thử nghiệm và sai sót nhằm hoàn thiện những lĩnh vực mà kiến thức cũng như quá trình thực hiện của bạn chưa phát huy đến mức tối đa.

Áp dụng những chiến lược học tập chủ động như ôn luyện thường xuyên, ngắt quãng và lồng ghép các nội dung kiến thức. Bạn phải trở nên tháo vát và năng nổ. Một số người mắc chứng khó đọc vẫn có thể trở thành những cá nhân cực kỳ thành đạt. Tương tự như thế, bạn có thể trau dồi những kỹ năng thay thế hay bù đắp cho những hạn chế hay khuyết điểm trong năng lực của mình.

Đừng chỉ dựa dẫm vào những gì mà bạn cảm thấy là tốt nhất: giống như một phi công giỏi luôn kiểm tra những máy móc mà mình có, hãy sử dụng những bài kiểm tra, những nhận xét phê bình của bạn học và những công cụ khác đã được đề cập đến trong chương 5 để đảm bảo rằng nhận thức của bạn về kiến thức và khả năng của mình là chính xác, cũng như những mục tiêu chiến lược của bạn là đúng đắn.

Đừng nghĩ rằng mình đang làm điều gì đó sai lầm nếu như bạn cảm thấy khó khăn trong quá trình học tập. Bạn nên nhớ rằng những khó khăn bạn có thể vượt qua bằng cách nỗ lực tư duy hơn nữa sẽ mang lại cho bạn những kiến thức sâu sắc và lâu bền như một sự đền bù xứng đáng.

Nắm được những nguyên tắc nền tảng; xây dựng hệ thống cơ cấu tư duy. Nếu bạn thường học tập thông qua các ví dụ, hãy nghiên cứu hai hay nhiều ví dụ cùng một lúc thay vì từng ví dụ một, và tự hỏi chính mình xem chúng giống và khác nhau như thế nào. Liệu đó là những điểm khác biệt đòi hỏi những giải pháp khác nhau, hay những điểm tương đồng có thể được giải quyết theo cùng một cách?

Phân tích ý tưởng hay năng lực bạn mong muốn đạt tới thành những phần nhỏ hơn. Nếu bạn nghĩ mình không giỏi trong việc thiết lập những mô hình tư duy hay mình chỉ có thể tiếp thu kiến thức từ những ví dụ, hãy đặt ra những chu kỳ trong quá trình nghiên cứu một tài liệu mới để có thể ngừng lại và tự hỏi đâu là những tư tưởng và quy tắc chủ đạo. Mô tả cụ thể từng ý tưởng đó và nhớ lại những quan điểm có liên quan. Trong số đó, ý tưởng nào giữ vai trò trung tâm và ý tưởng nào có tính hỗ trợ? Giả dụ như bạn đang tự kiểm tra chính mình về những ý chính này thì bạn sẽ diễn đạt chúng như thế nào?

Bạn có thể hình dung ra loại mô hình hay khuôn khổ nào để kết nối và phối hợp những tư tưởng chủ đạo đó? Nếu chúng ta mượn hình ảnh chiếc cầu thang xoắn ốc như một phép ẩn dụ về kết cấu mô hình đầu tư của Bruce Hendry, chúng ta cũng có thể áp dụng nó trong trường hợp này. Những chiếc cầu thang xoắn ốc luôn có ba phần: một cột trụ ở vị trí trung tâm, những bậc cầu thang và các ván đứng giữa hai bậc cầu thang. Hãy tưởng tượng cột trụ trung tâm như một thứ kết nối chúng ta từ vị trí hiện tại (dưới thấp) tới vị trí mong muốn (trên cao): đó là một cơ hội đầu tư. Mỗi bậc cầu thang là một yếu tố trong quy trình kinh doanh để bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ thua lỗ hay sa sút và mỗi ván đứng là một sức mạnh nâng chúng ta lên một mức cao hơn. Những cơ hội kinh doanh hấp dẫn, cũng giống như những chiếc thang, không thể vận hành nếu không có các bậc thang và ván đứng. Hiểu biết về giá trị của những toa xe chở hàng là một bậc thang, điều giúp Bruce ý thức được rằng lợi nhuận ông thu về sẽ không ít hơn khoản đầu tư của mình. Một bậc thang khác là thu nhập được đảm bảo chắc chắn từ việc cho thuê lại những toa xe này trong lúc ông gặp khó khăn về nguồn vốn. Còn đâu là những ván đứng? Nguy cơ khan hiếm luôn thường trực sẽ nâng cao giá trị thị trường của những toa hàng. Tình trạng như mới của những chiếc toa hàng mới quyết định giá trị tiềm ẩn của chúng. Một thương vụ mà thiếu đi những bậc thang và ván đứng như thế thì không thể tránh khỏi những bất lợi.

Chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh ẩn dụ của một nhà thơ về các kết cấu trong tất cả những sự vật hiện hữu xung quanh. Một cái cây với rễ, thân và nhánh. Một dòng sông. Một thị trấn với những con phố, tòa nhà, căn hộ, cửa hàng và văn phòng. Cấu trúc của thị trấn lý giải cách thức các yếu tố được liên kết với nhau mà nhờ đó cộng đồng có thể tồn tại, điều không thể xảy ra nếu như các yếu tố cấu thành chỉ được bố trí rải rác một cách ngẫu nhiên trên một vùng đất trống trải.

Những gì bạn đạt được nhờ nắm vững các nguyên lý cơ bản và kết hợp chúng nhuần nhuyễn trong một kết cấu không chỉ là kiến thức mà còn là những kỹ năng. Đó mới chính là ưu thế giúp bạn tiến bộ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.