Biểu Tượng Thất Truyền

CHƯƠNG 71



Mal’akh trần truồng đứng trong phòng tắm hơi, giữa hơi nước nóng cuồn cuộn. Gột xong dấu mùi ethanol cuối cùng, gã thấy mình thanh khiết trở lại. Hơi nước ngâm dầu khuynh diệp ngấm vào da, nhiệt độ cao khiến các lỗ chân lông gã nở rộng. Mal’akh bắt đầu tiến hành nghi thức.
Trước tiên, gã trát hoá chất tẩy lông khắp người và cả mảng da đầu xăm trổ kín mít để loại bỏ hoàn toàn mọi thứ lông, tóc. Những người không có lông lá là thần thánh của bảy hòn đảo Heliades[1] sau đó, gã xoa đều dầu Abramelin lên lớp da thịt đã mềm mại và dễ hấp thu của mình. Abramelin là dầu thiêng của mẹ Magi vĩ đại. Rồi gã vặn hết cỡ vòi tắm sang trái, nước trút xuống lạnh như băng. Gã đứng hẳn một phút dưới làn nước buốt giá để các lỗ chân lông khép lại và giữ lấy hơi ấm cùng năng lượng. Cái lạnh còn có tác dụng gợi nhớ dòng sông băng giá, nơi khởi đầu cho hành trình biến đổi này.
Khi bước ra khỏi phòng tắm, Mal’akh rùng mình, nhưng chỉ vài giây sau, hơi ấm bên trong lan toả qua từng thớ thịt và làm gã ấm lên. Mal’akh cảm thấy trong người nóng sực như lò lửa. Gã đứng trần truồng trước gương và ngắm nghía hình thể của mình… có lẽ là lần cuối cùng, nhìn thấy bản thân trong bộ dạng một kẻ phàm tục hèn mọn.
Hai bàn chân gã là móng vuốt của một con chim ưng. Đôi chân là cặp cột tượng trưng cho trí tuệ cổ đại: Boaz và Jachin. Hông và bụng gã là cổng vòm của sức mạnh thần bí. Ngay bên dưới cổng vòm ấy, cơ quan sinh dục cỡ lớn mang đầy những biểu tượng xăm trổ thể hiện định mệnh của gã. Đã có lúc, cái khối thịt nặng nề này là nguồn khoái cảm nhục dục của gã. Nhưng giờ thì không như vậy nữa.
Ta đã giữ mình thanh khiết.
Như các tu sĩ tĩnh thân dòng Katharoi[2], Mal’akh đã tự cắt bỏ tinh hoàn, hy sinh khả năng giao cấu thể xác vì một thứ xứng đáng hơn. Thần thánh làm gì có giới tính. Vứt bỏ sự kém hoàn hảo về giới tính của loài người cùng với cám dỗ nhục dục trần tục, Mal’akh trở thành Ouranos[3] Attis[4], Sporus[5] và những pháp sư tĩnh thân vĩ đại trong truyền thuyết về vua Arthur. Mọi biến thái vật chất sẽ dẫn tới biến thái tinh thần. Đó là bài học của tất cả các vị thần vĩ đại… từ Osiris, Tammuz, Jesus, tới Shiva và cả Phật tổ.
Ta phải trút bỏ cái lốt người phàm bấy nay.
Bất ngờ, Mal’akh đẩy dần ánh mắt lên cao, qua hình phượng hoàng hai đầu trên ngực, qua những con dấu cổ trang trí trên mặt, và lên thẳng đỉnh đầu. Gã nghiêng đầu về phía gương, cố nhìn khoảng da tròn nhẵn nhụi vẫn nằm chờ đợi ở đó. Đây là vị trí rất thiêng liêng trên cơ thể, với tên gọi “cái thóp”, là vùng sọ không liền khi người ta mới chào đời, là con mắt nhìn vào não bộ. Mặc dù cánh cổng sinh lý học này khép lại dần theo năm tháng nhưng nó vẫn là một dấu tích mang tính biểu trưng cho sự liên hệ đã mất giữa thế giới bên trong và bên ngoài.
Mal’akh ngắm nghía mảng da trơn thiêng liêng đó. Bao quanh nó là một vòng tròn hình hàm vĩ xà (ouroboros), mô tả một con rắn huyền bí đang ăn đuôi của chính mình. Mảng thịt nhẵn nhụi dường như cũng nhìn lại gã… rạng rỡ đầy hứa hẹn.
Không lâu nữa. Robert Langdon sẽ khám phá ra kho báu vĩ đại mà Mal’akh cần. Hễ gã nắm lấy kho báu ấy, khoảng trống trên đỉnh đầu này sẽ được lấp kín, đó là lúc sẵn sàng để tiến vào quá trình chuyển đổi cuối cùng.
Mal’akh băng ngang phòng ngủ, mở ngăn tủ dưới cùng và lấy ra một tấm lụa trắng dài. Tương tự các lần trước đó, gã quấn nó quanh bẹn và mông, rồi đi xuống gác.
Gã vào phòng làm việc, kiểm tra máy tính thì thấy có một bức thư điện tử.
Từ một người quen:
NHỮNG GÌ ANH CẦN GIỜ TRONG TẦM TAY.
TÔI SẼ LIÊN LẠC VỚI ANH TRONG VÒNG MỘT GIỜ NỮA. CỨ KIÊN NHẪN.
Mal’akh mỉm cười. Đã đến lúc thực hiện thao tác chuẩn bị cuối cùng.
Chú thích
[1] Heliades là một thiên đường gồm bảy hòn đảo ở phương nam, nằm đâu đó ngoài khơi Aithiopia và Ấn Độ, tại Ấn Độ Dương. Đây là một vùng đất thanh bình, không có mùa đông, với những cánh rừng hoa trái quanh năm. Cư dân ở đây là một chủng tộc xinh đẹp và đức hạnh. Họ cao ráo và hoàn toàn không có lông – trừ trên đầu, cằm và lông mày. Họ có đôi tai có van và lưỡi chẻ nên họ có thể nói chuyện với hai người khác nhau cùng một lúc, cũng như bắt chước được tiếng các loài. Họ mặc áo choàng bằng vải lanh nhuộm màu tía. Cư dân Heliades (thần dân của Mặt trời) sống rất lâu. Đến tuổi 150, họ phải trải qua một hình thức chết mà không đau đớn. Mỗi hòn đảo có một vị vua, người lớn tuổi nhất đảo, trị vì. Ở nơi này không có gia đình. Trẻ em được nuôi chung và kiến thức làm cha mẹ bị cấm ngặt. Lúc mới chào đời, trẻ sơ sinh được đặt lên lưng một con chim thần để xác định khuynh hướng tinh thần của chúng. Những đứa trẻ không qua được “bài kiểm tra này sẽ bị loại bỏ và bị bỏ mặc cho tới chết – ND.
[2] Katharoi là từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “thuần khiết”, dùng để chỉ một trường phái Thiên Chúa giáo với các yếu tố đối ngẫu xuất hiện ở vùng Languedoc nước Pháp và các vùng khác của châu Âu trong thế kỷ XI-XIII. Các tín đồ phái này hình thành một nhóm bài tăng lữ đối lập với Nhà thờ Công giáo, phản đối những gì họ xem là sự suy đồi về đạo đức, tinh thần và chính trị của Nhà thờ. Họ cho rằng giao phối và sinh nở khiến cho tinh thần bị lệ thuộc vào xác thịt, do đó có thể gây ra nhiều phiền toái. Những người thuộc tầng lớp trên (Perfecti) phải sống độc thân hoàn toàn – ND.
[3] Uranus hay Ouranus nghĩa là “bầu trời”. Trong thần thoại Hy Lạp, Uranus được hình tượng hoá như là con trai và cũng là chồng của Đất Mẹ Gaia. Uranus và Gaia là thuỷ tổ của hầu hết các thần Hy Lạp. Theo truyền thuyết, đêm đêm Uranus trùm lên trái đất và giao cấu với Gaia, nhưng lại rất ghét những đứa con mà bà có với ông. Uranus giam những đứa con út của Gaia ở Tartarus, sâu trong lòng đất, khiến cho Gaia đau xót. Bà đúc một lưỡi hái và bảo các con trai của mình dùng nó để thiến Uranus. Chỉ có Cronus, đứa út dám làm việc này. Cronus phục kích và thiến cha mình, vứt tinh hoàn xuống biển. Sau khi bị thiến, Bầu trời không còn trùm lên Mặt đất nữa, mà ở nguyên một chỗ – ND.
[4] Attis theo thần thoại cổ là người tình của nữ thần Cybele. Attis không chung thuỷ nên bị Cybele trả thù bằng cách làm cho ông ta hoá điên và tự thiến mình. Các thày tế thờ cúng Attis đều tự hoạn – ND.
[5] Sporus là một thanh niên xinh đẹp có vẻ ngoài rất giống Poppaea Sabina, vợ của bạo chúa Nero. Khi Sabina chết năm 63 sau Công nguyên, Nero say mê thanh niên này, bắt anh ta phải thiến rồi cho mặc quần áo phụ nữ, và gọi anh ta bằng cái tên Sabina. Nero thậm chí còn công khai cưới Sporus vào năm 67 sau Công nguyên – ND.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.