Biểu Tượng Thất Truyền

CHƯƠNG 89



Chủng viện Giáo sĩ Nhà thở lớn là một toà dinh thự trang nhã kiểu lâu đài toạ lạc ngay bên Đại Giáo đường Quốc gia. Xuất phát từ ý tưởng của giám mục Tân giáo đầu tiên ở Washington, Chủng viện này được thành lập nhằm đào tạo chuyên sâu cho các giáo sĩ đã thụ phong. Hiện nay, chủng viện vẫn cung cấp một loạt chương trình về thần học, tư pháp toàn cầu, phương pháp chữa bệnh và duy linh.
Ngay trước khi trực thăng bay vọt trở lại bầu trời bên trên nhà thờ và rọi đèn pha sáng trưng như ban ngày, Langdon và Katherine đã kịp băng nhanh qua bãi cỏ, dùng chìa khoá của cha Galloway để mở cửa vào Chủng viện. Họ dừng lại ở tiền sảnh, thở hổn hển và quan sát xung quanh. Các ô cửa sổ cung cấp đủ ánh sáng nên Langdon thấy không cần thiết phải bật đèn, vả chăng làm thế khác gì báo cho chiếc trực thăng trên kia biết họ đang ở đâu. Hai người đi dọc hành lang trung tâm, băng qua một loạt phòng họp, phòng học và khu vực tập trung. Nội thất nơi đây gợi cho Langdon nhớ tới các toà nhà theo trường phái tân Gothic của Đại học Yale, đẹp mê hồn ở bề ngoài và thực dụng đến kỳ lạ ở bên trong. Người ta đã cải tiến nhiều để bên cạnh vẻ trang nhã vốn có thì những toà nhà ấy còn đủ khả năng chịu được cường độ đi lại cao.
– Lối kia. – Katherine ra hiệu về phía cuối sảnh.
Cô vẫn chưa giải thích rõ với Langdon về khám phá mới liên quan đến kim tự tháp, nhưng hiển nhiên nó được gợi ý nhờ sự xuất hiện của Isaacus Newtonuus. Lúc băng qua bãi cỏ, cô chỉ kịp nói vắn tắt rằng có thể biến đổi kim tự tháp bằng cách ứng dụng khoa học thường thức, và rằng các công cụ cần thiết chắc chắn có đủ trong toà nhà này. Langdon không biết Katherine cần gì, cũng chẳng đoán ra cách cô định hô biến một khối đá hoa cương và vàng đặc, nhưng hễ nhớ đến cảnh chiếc hộp vuông hoá thành thập tự hoa hồng, anh lại sẵn lòng tin tưởng.
Đi tới cuối sảnh. Katherine cau mày, rõ ràng vẫn chưa nhìn thấy thứ đang cần.
– Toà nhà này có cả ký túc xá, đúng không?
– Đúng, cho các buổi hội thảo lưu trú.
– Vậy thì nhà bếp phải bố trí đâu đó quanh đây chứ nhỉ?
– Chị đói à?
Katherine nhăn mặt nhìn lại.
– Không, tôi cần một phòng thí nghiệm.
À phải. Langdon mau chóng phát hiện ra một cầu thang đi xuống gắn tấm biển đầy hứa hẹn, mô tả một hình vẽ rất được ưa chuộng ở nước Mỹ.
Trông rất công nghiệp với hàng lô bát to bằng thép không gỉ, gian bếp dưới tầng hầm này ắt hẳn được thiết kế để phục vụ ăn uống cho số lượng người đông đảo. Bếp không có cửa sổ. Katherine đóng cửa chính và bật đèn, hệ thống quạt khói liền tự động chạy. Cô bắt đầu lục các chạn bát để tìm dụng cụ cần thiết.
– Robert, – cô bảo – đặt kim tự tháp lên bàn bếp đi.
Langdon làm theo yêu cầu, lôi kim tự tháp ra khỏi túi và đặt chóp vàng lên trên, cảm tưởng mình giống một tay phụ bếp học việc đang nhận lệnh của Daniel Boulud(95). Trong lúc đó, Katherine vặn vòi cho nước nóng chảy vào một chiếc nồi lớn.
– Anh nhấc hộ tôi cái nồi lên bếp!
Langdon ì ạch bê cái nồi lõng bõng lên, Katherine bật bếp ga và vặn to lửa.
– Chúng ta luộc tôm hùm à? – Langdon hỏi, giọng đầy hy vọng.
– Hài hước thế! Không, chúng ta đang làm giả kim, và nói cho chính xác thì đây là nồi mỳ ống, không phải nồi tôm hùm – Katherine trỏ cái giá hấp cô vừa nhấc ra khỏi nồi và đặt lên bàn bếp bên cạnh kim tự tháp.
Mình ngớ ngẩn thật! Món mỳ luộc sẽ giúp chúng ta giải mã kim tự tháp à?
Katherine không để ý đến câu nói ấy, giọng cô nghiêm túc.
– Tôi tin chắc rằng anh cũng biết, có một lý do mang tính lịch sử và biểu tượng khiến Hội Tam điểm chọn số 33 làm cấp độ cao nhất của mình.
– Dĩ nhiên tôi biết, – Langdon đáp.
Thời Pythagoras, khoảng sáu thế kỷ trước Công nguyên, truyền thống số bí thuật[1] tôn 33 làm số cao nhất trong tất cả các Số Chủ. Nó là con số thần thánh, tượng trưng cho Chân lý Thiêng liêng. Truyền thống này tồn tại trong Hội Tam điểm và nhiều nơi khác. Không phải ngẫu nhiên mà các tín đồ Thiên Chúa giáo được dạy rằng Jesus bị câu rút ở tuổi 33, mặc dù chẳng có bằng chứng lịch sử xác đáng nào. Người ta còn nói: khi kết hôn với Mẹ Đồng trinh Mary, Joseph 33 tuổi; Jesus có 33 phép màu; tên của Chúa trời được nhắc đến 33 lần trong Sáng thế ký; rồi theo Hồi giáo, tất cả cư dân thiên đàng mãi mãi tuổi 33… đó đều không phải là ngẫu nhiên.
Katherine nói:
– Ba mươi ba là con số thiêng trong nhiều truyền thống thần bí.
– Đúng vậy – Langdon vẫn chưa tìm ra mối liên hệ giữa chuyện này với nồi mỳ ống.
– Hẳn anh không lấy làm lạ nếu một nhà giả kim kiêm hội viên Thập tự Hoa hồng kiêm tín đồ chủ nghĩa thần bí như Isaac Newton cũng coi số 33 là đặc biệt.
– Tôi không lạ lẫm gì – Langdon đáp – Newton say mê số bí thuật, tiên tri, chiêm tinh, nhưng cái đó…
– Tất cả được tiết lộ ở cấp độ 33.
Langdon móc chiếc nhẫn của Peter ra khỏi túi, đọc dòng chữ khắc rồi lại liếc nhìn nồi nước.
– Xin lỗi, tôi vẫn chưa hiểu.
Robert, hồi tối cả hai chúng ta đều cho rằng “cấp độ 33” là nói đến cấp độ Hội Tam điểm. Song khi xoay cái nhẫn lệch đi 33 độ, hộp đựng biến đổi và trở thành một cây thập tự. Tới lúc đó, chúng ta mới nhận ra từ độ được dùng theo một nghĩa khác.
– Phải. Độ đo góc.
– Chính xác. Nhưng độ còn một nghĩa thứ ba nữa.
Langdon nhìn nồi nước trên bếp.
– Nhiệt độ.
– Chính xác? – Katherine đồng ý – Nó hiện hiện trước mặt chúng ta suốt cả buổi tối. “Tất cả được tiết lộ ở 33 độ”. Nếu đẩy nhiệt độ của kim tự tháp lên mức 33… chưa chừng nó sẽ tiết lộ điều gì đó.
Langdon biết Katherine Solomon cực kỳ thông minh, nhưng dường như cô đã quên một chi tiết khá hiển nhiên.
– Nếu tôi không lầm thì 33 độ gần ngưỡng đóng băng[2] rồi, chẳng lẽ ta lại cho kim tự tháp vào tủ lạnh?
Katherine mỉm cười.
– Không đâu, vì chúng ta tuân theo công thức nấu ăn của nhà giả kim vĩ đại kiêm hội viên Thập tự Hoa hồng thần bí, người đã ký tên Jeova Sanctus Unus lên các tài liệu của mình.
Isaacus Newtonuus viết cả công thức nấu ăn à?
– Robert, nhiệt độ là chất xúc tác giả kim cơ bản, và không phải lúc nào cũng được đo bằng thang Fahrenheit[3] hay Celsius. Có những thang nhiệt độ lâu đời hơn, một trong số đó là phát minh của Isaac…
– Thang nhiệt Newton! – Langdon kêu lên, nhận ra Katherine nói đúng.
– Phải! Isaac Newton sáng chế ra một hệ thống định lượng nhiệt độ dựa hoàn toàn vào các hiện tượng tự nhiên. Nhiệt độ băng tan chính là điểm gốc của Newton, ông gọi nó là “độ số 0” – Cô thăm dò – Nhiệt độ nước sôi là nhân tố chính của mọi quy trình giả kim, tôi nghĩ anh đã đoán ra mức ông ấy gán cho nó rồi?
– Ba mươi ba.
– Vâng, 33! Độ 33. Trên thang nhiệt Newton, nhiệt độ của nước sôi là 33 độ. Tôi nhớ đã từng hỏi Peter tại sao Newton lại chọn con số đó. Sự lựa chọn nghe chừng hơi ngẫu nhiên. Nước sôi là quy trình giả kim căn bản nhất, mà ông ấy lại chọn con số 33? Sao không phải là 100? Sao không phải là một cái gì đó tao nhã hơn? Anh tôi giải thích rằng, với một người theo chủ nghĩa thần bí như Isaac Newton, không con số nào tao nhã hơn 33.
Tất cả được tiết lộ ở độ 33. Langdon liếc nồi nước rồi đưa mắt sang kim tự tháp.
– Ngọn tháp này được làm bằng đá hoa cương và vàng đặc. Chị quả thực cho rằng nước sôi đủ nóng để làm nó biến đổi ư?
Nhìn nét cười trên gương mặt Katherine. Langdon hiểu ra cô đang nắm vững điều gì đó mà anh chưa biết. Rất tự tin, cô tiến lại gần bàn bếp, nhấc kim tự tháp bằng đá hoa cương cùng chóp vàng và đặt cả vào giá hấp. Sau đó, cô cẩn thận hạ nó xuống nồi nước đang sôi sùng sục.
– Chúng ta cùng xem nhé!

o O o

Bên trên Đại Giáo đường Quốc gia, viên phi công CIA cho trực thăng chuyển sang chế độ lơ lửng tự động và quan sát toàn bộ vòng ngoài toà nhà cùng các khoảnh sân. Không có dấu hiệu chuyển động.
Thiết bị tầm nhiệt không thể xuyên qua tường đá nhà thờ, nên anh ta không biết đồng đội mình đang làm gì bên trong, nhưng nếu có ai đó tìm cách lọt ra ngoài, thiết bị nhiệt sẽ phát giác được ngay.
60 giây sau, một thiết bị cảm biến nhiệt chợt phát tín hiệu. Cũng hoạt động theo cùng nguyên tắc với các hệ thống an ninh gia đình, thiết bị dò nhiệt chuyên phát hiện độ chênh lệch lớn về nhiệt độ.
Thông thường điều này đồng nghĩa với việc một hình người di chuyển qua một khoảng trống có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt, nhưng lần này trên màn hình lại xuất hiện một thứ giống đám mây, cho thấy một mảng khí nóng đang bay là là qua bãi cỏ. Viên phi công mau chóng nhận ra nguồn nhiệt là một cái lỗ thông khí bên hông Chủng viện Nhà thờ lớn.
Chuyện thường, anh ta nghĩ bụng, những dạng biến thiên nhiệt độ kiểu này rất phổ biến. Chắc ai đó đang nấu ăn hoặc giặt giũ. Nhưng vừa định quay đi, anh ta bỗng nhận thấy có điều bất ổn: Không có xe hơi đậu trong bãi và không hề có ánh đèn ở bất kỳ đâu trong toà nhà.
Viên phi công nghiên cứu hệ thống hình ảnh trên chiếc UH-60 một lúc khá lâu sau đó anh ta gọi bộ đàm cho đội trưởng.
– Simkins, chắc chẳng có gì, nhưng…

o O o

– Chỉ số nhiệt nóng sáng? – Langdon phải thừa nhận phương pháp của Katherine quả là thông minh.
– Khoa học thường thức ấy mà, – Katherine nói – Các chất khác nhau nóng sáng ở những nhiệt độ khác nhau. Chúng ta gọi đó là điểm báo nhiệt. Khoa học luôn phải sử dụng những điểm báo này.
Langdon đăm đăm nhìn ngọn tháp và cái chóp chìm trong nước.
Hơi nước bắt đầu bốc cao trên nồi nước sôi sùng sục, tuy vậy Langdon không cảm thấy mảy may hy vọng. Anh liếc đồng hồ, tim bỗng đập rộn lên: đã 11 giờ 45 phút đêm.
Chị tin rằng sẽ có gì đó phát sáng khi nó nóng lên à?
– Không phải là phát sáng, Robert ạ. Mà là nóng sáng. Khác biệt rất lớn đấy. Nóng sáng gây ra do sức nóng và chỉ xảy ra ở một nhiệt độ cụ thể. Chẳng hạn, khi tôi thép thanh, các nhà sản xuất thép thường phun lên đó một lớp phủ trong suốt nóng sáng ở một nhiệt độ định sẵn. Nhờ đó họ sẽ biết khi nào thì các thanh thép hoàn thiện. Anh nhớ cái nhẫn tâm trạng không? Chỉ cần đeo nó vào ngón tay, thân nhiệt sẽ làm nó đổi màu.
– Katherine, kim tự tháp này ra đời vào thế kỷ XIX? Một nghệ nhân có thể chế tạo các khớp nối ẩn kín trong một hộp đá, nhưng họ lấy đâu ra chất phủ nhiệt trong suốt vào thời ấy?
– Có đấy! – Katherine đáp, ngong ngóng nhìn cái kim tự tháp đang chìm trong nước – Các nhà giả kim sơ khai thường xuyên sử dụng phốt pho hữu cơ làm điểm báo nhiệt. Người Trung Quốc sản xuất pháo hoa màu sắc rực rỡ, và thậm chí người Ai Cập… – Katherine bỗng im bặt, chăm chú nhìn xuống nồi nước sôi.
– Sao vậy? – Langdon dõi theo ánh mắt cô, nhưng chẳng phát hiện được gì cả.
Katherine cúi hẳn xuống, nhìn chăm chú hơn. Đột nhiên, cô quay người và chạy băng qua bếp ra phía cửa.
– Chị định đi đâu thế? – Langdon gọi to.
Katherine dừng phắt lại bên công tắc đèn bếp, tắt nó đi. Toàn bộ đèn cùng quạt khói ngừng hoạt động, khiến cả gian phòng chìm vào bóng tối và sự im lặng hoàn toàn. Langdon quay lại phía kim tự tháp và căng mắt nhìn cái chóp ngập nước dưới màn hơi mù mịt. Lúc Katherine trở về bên cạnh anh. Langdon bỗng há hốc miệng, hầu như không tin nổi vào mắt mình.
Đúng như Katherine dự đoán, một phần nhỏ của cái chóp kim loại bắt đầu sáng lên trong làn nước. Các con chữ xuất hiện, càng lúc càng sáng rõ khi nhiệt độ nước tăng lên.
– Ký tự! – Katherine thì thào.
Langdon gật đầu, chết lặng đi. Những từ ngữ sáng rực đang hiện dần ngay bên dưới dòng chữ khắc trên cái chóp. Rành rành chỉ có ba từ tuy chưa xác định được ý nghĩa của những từ ấy, Langdon đã băn khoăn tự hỏi liệu chúng có tiết lộ mọi điều mà họ đang mong đợi suốt tối nay không. Kim tự tháp là một bản đồ thực sự. Cha Galloway đã nói như vậy, và nó chỉ tới một địa điểm có thật. Đợi các chữ cái sáng rõ hẳn, Katherine tắt bếp, và nước từ từ ngừng sủi bọt. Cái chóp lúc này hiện ra mồn một bên dưới mặt nước phẳng lặng.
Giờ đã có thể đọc được ba từ phát sáng nọ.
Chú thích
[1] Daniel Boulud (sinh ngày 25-3-1955 tại Saint-Pierre de Chandieu, Pháp) là một đầu bếp kiêm chủ nhà hàng nổi tiếng với nhiều nhà hàng ở New York City Las Vegas. Palm Beach, Miami. Vancouver và Bắc Kinh. Ông nổi tiếng nhất với nhà hàng mang tên mình, Daniel, tại New York City – ND.
[2] Số bí thuật hiện diện trong nhiều hệ thống, truyền thống hay tín điều về mối quan hệ bí truyền giữa các con số và các sự vật hay sinh vật. Số bí thuật rất phổ biến với các nhà toán học cổ đại, như Pythagoras – ND.
[3] Lưu ý độc giả, ở đây có sự khác biệt về thang nhiệt độ. Các nước Âu-Mỹ sử dụng thang nhiệt độ Fahrenheit thay vì thang độ Celsius như chúng ta. Vì thế 33 độ F tương đương 0,5556 độ C – ND.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.