Bỏ chồng

Chương 4



MỘT CHỦ NHỰT, LỐI TÁM GIỜ SỚM MƠI Thầy Thiện ngồi dạy con Yến học A.B.C. thầy chỉ chữ nào, con nhỏ đều nói trúng chữ nấy. Thầy rất vui lòng, nên vỗ đầu con mà nói: “Con học giỏi lắm, mới mấy tuần nay mà con đã biết mặt chữ hết rồi sáng mai vô trường, con thưa với cô giáo dạy con học vần xuôi đi, nghe hôn con”.

Con Yến được khen thì toại chí, nên nói:

– Chiều hôm qua cô có nói để thứ hai cô sẽ dạy con học B. A. ba, B. Á. Bá.

– Ừ, phải. Học cái đó đa.

– Cô nói để rồi cô dạy con học viết nữa.

– Ừ, để mai mốt ba sẽ mua tập, mua viết cho con học viết. Con ráng học cho giỏi, rồi thứ năm, chủ nhựt, ba biểu má dắt con đi coi hát bóng.

– Con không ưa coi hát bóng, ba à. Con muốn đi vô vườn bách thú đặng coi chim chơi.

– Cũng được. Như con muốn đi coi vườn bách thú thì má cũng sẽ dắt con đi.

– Sao ba không đi với con?

– Ba mắc làm việc hoài, có rảnh đâu mà đi với con được.

Cô Oanh ở trong buồng bước ra; bữa nay cô mặc một bộ đồ thiệt tốt, tay cầm một cái bóp thiệt đẹp, chơn mang một đôi giày cũng thiệt mới.

Con Yến vừa ngó thấy thì nói: “Má bận áo tốt dữ!”

Cô Oanh bước lại trước tấm kiếng mà soi mình, không nói chi hết.

Con Yến hỏi: “Má đi đâu vậy má ?”

Cô Oanh không thèm day lại, mà cô lại nạt lớn: “Tao muốn đi đâu tao đi, hỏi làm gì”.

Con gái ngó cha mà mặt coi buồn hiu.

Thầy Thiện thấy vậy bèn nói với vợ:

– Mình có đi chợ thì cho em nó đi với. Nó học cả tuần đến chủ nhựt cho nó đi chơi chút đỉnh cho nó vui.

– Dắt theo lòng thòng ai chịu cho được nà. Tôi không đi chợ nào hết, tôi lên Thủ Dầu Một lận.

– Đi làm chi trên Thủ Dầu Một?

– Chị Tuyết muốn mua sở cao su miệt trên nên chỉ rủ tôi đi coi chơi.

– Cô Tuyết muốn mua vườn thì cổ đi coi, chớ mình đi làm gì.

– Kiếm chuyện đi! Hễ đi chơi với chị em người ta, thì cứ theo kích bác.

– Không, tôi nói chuyện mà nghe, chớ kích bác nỗi gì. Thuở nay mình muốn đi đâu mình đi, tôi ngăn cản bao giờ đâu.

– Cản sao được.

Thầy Thiện rùng vai mà ngó chỗ khác.

Cô Oanh bước ra cửa kêu xe kéo.Thầy Thiện hỏi vói:

– Mình đi chơi tới chừng nào mới về, nói cho tôi biết: đặng chờ ăn cơm.

– Ở nhà cha con ăn cơm đi, đừng có chờ. Mua đồ đem theo xe mà ăn, không về ăn cơm đâu. Không biết chừng tối mới về.

Cô Oanh nói mấy lời rồi lên xe kéo đi tuốt.

Thầy Thiện kêu con Sáu biểu dắt em ra trước chơi, rồi thầy ngồi chống tay trên bàn viết, mở một cuốn sách để trước mặt, mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Thầy ngồi trân trân trót một giờ rồi thầy bước vô trong mà rửa mặt.

Chị Thình đi chợ về, mắc lo làm cá nấu cơm ở nhà sau, nên phía trước im lìm. Thầy Thiện chịu sự vắng vẻ ấy không được, muốn kiếm con đặng chọc cho nó đỏ đẻ cho vui mà ra trước nhà đứng ngó, thì con Sáu đã dắt con Yến đi đâu mất. Thầy dòm qua nhà cô Lý, thấy cô đương ngồi tại bàn viết, thầy mới vô khép cửa lại rồi bước qua nhà cô.

Cô Lý mặc một cái quần lãnh đen với cái áo bà ba vải trắng, thấy Thầy Thiện bước vô thì chào hỏi, mời ngồi rồi lật đật đi vô buồn thay áo mà mặc một cái áo dài bằng nhiễu đen, đặng hầu chuyện với khách cho đủ lễ.

Cô thấy thầy ngồi im lìm, sắc mặt không vui, cô muốn ghẹo cho thầy nói chuyện, nên hỏi: “Bữa nay chủ nhựt, anh không đi chơi hay sao?”

Thầy lắc đầu mà đáp cụt ngủn: “không”.

Cô kéo ghế ngồi ngang với thầy mà nói nữa:

– Nếu anh cho phép thì em sẽ làm một ly cà phê đãi anh.

– Cám ơn cô. Hồi sớm mơi tôi uống cà phê rồi.

– Vậy anh uống nước trà hay không?

– Xin cô đừng lo, tôi không khát nước.

– Bữa nay sao chưa thấy cháu Yến qua bên nầy chơi?

– Con Sáu mới dắt nó đi chơi.

– Cháu mới tập đi học mà coi bộ sáng suốt lắm. Em chắc ngày sau cháu sẽ trở nên một trò giỏi trong lớp.

– Nhờ có cô dìu dắt, nên nó học được, thiệt tôi mừng quá. Cái ơn của cô chẳng bao giờ tôi dám quên.

– Có ơn gì đâu. Em làm giáo sư, tự nhiên em phải khuyến dụ mà kiếm học trò chớ… Còn bộ tiểu thuyết về phong tục hôm nay anh soạn đã xong rồi hay chưa?

Thầy Thiện châu mày, thở dài một cái rồi ngó chỗ khác mà đáp:

– Tôi viết rồi, nhưng mà chắc phải bỏ, chớ không thể xuất bản được.

– Ủ! Sao vậy?

– Tôi nghĩ lại thì những lý tưởng trong đó non nớt lắm, không được đúng đắn.

– Hôm nọ ngồi đàm luận phong tục với em, anh bày giải mấy cái lý thuyết, em nghe phải hết, sao bữa nay anh lại cho là không đúng đắn.

– Tại tâm hồn của tôi dời đổi rồi. Những lý tưởng hôm nọ tôi cho là hay, bây giờ tôi coi lại thì dở lắm.

– Có lẽ nào mới mấy tuần nay mà anh đổi hẳn tâm hồn như vậy được?

– Được lắm chớ. Mấy tuần đã nhiều lắm rồi. Con người hễ gặp uất thì tâm hồn có thể đổi trong giây phút được.

– Nếu em không sợ anh trách em tọc mạch, thì chắc em sẽ hỏi anh coi vì cớ nào mà anh đổi tâm hồn mau như vậy.

Thầy Thiện không đáp lại, thầy ngồi lặng thinh một hồi rồi đáp:

– Bộ tiểu thuyết của tôi, tôi nhiệt liệt bênh vực quyền tự do giao thiệp của đờn bà mà hôm nọ nói chuyện với cô, tôi cũng tán tụng cái lý thuyết đó. Cô có cãi lại rằng, đời nầy phải để cho người đờn bà hưởng tự do mới thích hạp với trình độ tấn hóa. Nhưng quyền tự do có giới hạn cũng như các quyền khác. Phần nhiều đờn bà của mình ít học nên sợ e họ không hiểu giới hạn đến chỗ nào, rồi họ trèo leo ra ngoài vòng mà sanh họa. Mấy lời của cô cãi như vậy tới bữa nay tôi mới biết thiệt là đúng đắn.

– Hôm nọ vui miệng em cãi với anh mà chơi, chớ về vấn đề ấy em không có khảo cứu nên em không dám đoán quyết.

– Không, cô nói trúng lý lắm chớ. Đờn bà của mình phần nhiều không có đủ giáo dục, nên giao quyền tự do giao thiệp cho họ cầm thiệt là hiểm nghèo. Họ cầm cái quyền ấy chẳng khác nào con nít cầm gươm, cầm dao, nó vút vắt một lát rồi nó phải đứt tay, mà có khi nó làm đứt tay đứt chơn tới người khác nữa.

– Phong tục mới muốn đờn bà được hoàn toàn tự do. Anh viết tiểu thuyết mà binh các lý thuyết ấy thì hạp thời lắm. Đã vậy mà hôm trước anh nói anh sẽ khích bác chỗ xấu, chỗ hại của phong tục, thế thì có chỗ gì không chính đáng mà anh ngại.

– Tại tôi binh vực cái lý thuyết như vậy đó nên bộ tiểu thuyết tôi mới hư. Còn kích bác chỗ xấu của phong tục thì tôi nói yếu ớt lắm, nên coi lại tôi không vừa ý. Thế nào tôi cũng bỏ mà viết lại bộ khác. Mà hễ tôi viết lại thì chắc tôi sẽ viết khác hẳn.

– Anh có công kích quyền tự do của đờn bà hay sao?

– Phải. Tôi sẽ nghịch hẳn với cái phong tục khốn nạn đó. Tôi phải khuyên những người có vợ phải nhốt vợ ở nhà, đừng có cho đi đâu hết, nếu họ muốn gia đình khỏi tan rã.

– Em không hiểu mà tại sao bữa nay anh lại oán đờn bà dữ vậy.

Thầy Thiện nghe mấy lời ấy thì châu mày, trợn mắt, nói luôn một dọc: “không oán làm sao được, cô !… Tôi oán lắm, tôi thù lắm!… Đờn bà mới!… Quyền tự do!…Hứ! Khéo bày chuyện đặng phá gia đình!… Khốn nạn lắm!…”

Thầy nói rồi thầy chống tay lên trán, rưng rưng nước mắt, bộ tức giận lại đau đớn lắm.

Cô Lý biết thầy uất ức về việc gia đình, cô muốn khuyên giải, song không rõ tâm sự của thầy, cô không biết phải nói thế nào nên cô ngồi lặng thinh mà ngó.

Thầy Thiện cũng ngồi im lìm hồi lâu rồi thầy lấy khăn lau nước mắt và nói:

– Qua nhà cô chơi mà tôi nói ồn ào, lại nói những lời bất nhã, thiệt tôi có lỗi nhiều lắm. Tôi xin cô tha lỗi cho tôi.

– Anh em bàn luận mà chơi, có hại gì đâu. Huống chi anh có nói tiếng nào mích lòng em đâu mà anh phải xin lỗi.

– Vì giận nên tôi có nói nặng lời một chút. Đờn bà có kẻ quấy mà cũng có người phải, chớ không phải hết thảy đều quấy, nên tôi không được nói xô bồ xô bộn như vậy. Tại tôi phiền đờn bà của tôi quá, sự phiền ấy tràn trề trong óc, nên hễ mở miệng thì lọt ra những lời thán oán đó.

– Vợ chồng ở một nhà làm sao mà khỏi xích mích chút đỉnh. Xin anh chẳng nên nhớ tới những việc nhỏ mọn như vậy mà phiền lòng.

– Không. Vợ chồng tôi có xích mích đâu. Tôi có vợ đã sáu, bảy năm nay, chẳng bao giờ tôi nói nặng nề với vợ một tiếng nào hết. Tôi là một người có học thức, tôi yêu vợ tôi mà tôi lại trọng vợ lắm. Tôi có phiền vợ tôi đâu, ấy là vì tôi thấy vợ tôi nó không biết thương tôi, không biết trọng lại tôi. Nó làm cho tôi đâu đớn buồn rầu, mà coi bộ nó không biết ăn năn, nó cứ làm thẳng tới hoài, thế khi tôi chết nó cũng không tiếc.

– Chị Oanh yêu chồng lắm, có lẽ nào chị có thái độ kỳ cục như anh nói đó vậy.

– Nói chuyện với cô, mà tôi đem cử chỉ của vợ tôi ra đặng trách móc, thì bất nhã thiệt. Nhưng vì sự phiền não tràn trề trong lòng tôi, không thể tôi nín được. Cô là chị em với vợ tôi nên tôi phải nói cho cô nghe, đặng cô phán đoán coi tôi trách vợ tôi ưng cho nó hay là oan. Cô vẫn biết thuở nay tôi để cho vợ tôi thông thả lắm, muốn đi đâu hay là chơi với ai đều tự do, chẳng bao giờ tôi cấm cản; ban đêm đi coi hát hay đi khiêu vũ với chị em đến gần sáng về, tôi cũng không rầy; tôi nghĩ vợ vì tôi có tánh ham vui, song nó thương tôi, nên tôi không nghi chi hết. Thuở nay, tuy cũng đi chơi, song lâu mới đi một bữa. Có lúc sau nầy nó đi thường quá, đi ngày đi đêm, đi hoài, không biết đi đâu, không kể đến chồng con gì nữa hết. Đã vậy mà cách ăn mặc của nó coi lại khác hơn hồi trước. Nó làm cho tôi phải ái ngại lo sợ quá, cực lòng nhọc trí không biết chừng nào.

– Anh nói bao nhiêu đó cũng đủ cho em hiểu gia đạo của anh rồi. Anh sanh chứng ghen chứ gì?

– Không phải tôi ghen. Nếu vợ tôi nó hết thương tôi, nó lấy người khác, thì tôi ghen làm gì. Tôi lo là lo cho vợ tôi nó ham vui rồi nó hư thân nó. Tôi sợ là sợ gia đình tan rã, rồi con Yến bơ vơ, tội nghiệp mà thôi chớ.

 Thầy Thiện nói tới đó rồi chảy nước mắt nữa. Cô Lý thở dài mà nói:

– Anh lo sợ như vậy không phải vô lý. Sao anh không than thở với chị và khuyên chị đừng có đi chơi nữa.

– Hễ tôi mở miệng thì vợ tôi nói tôi áp chế nó, khi tôi thủ cựu, nó mắng tôi ghen bậy, nên có cắt nghĩa phải quấy gì được đâu. Tôi xin bữa nào có dịp nói chuyện với vợ tôi cô làm ơn khuyên giải giùm cho nó đừng có đi chơi nữa. Nếu cô đổi tánh ý của vợ tôi được, thì cô làm ơn cho vợ chồng tôi lớn lắm vậy.

– Em sẽ ráng sức, mà anh cũng dùng lời phải trái khuyên chị nữa mới được chớ.

– Phải, tôi cũng khuyên theo phần tôi chớ sao.

Con Yến đi chơi về nó thấy cha ngồi bên nhà cô Lý thì chạy qua, chắp tay xá chủ nhà rồi đứng một bên cha.

Thầy Thiện nghĩ, trước mặt con không lẽ nói chuyện vợ nữa, nên đứng dậy từ giã cô Lý mà về.

Cô Lý ôm mặt con Yến mà hun rồi đưa cha con Thầy Thiện ra cửa.

Thầy Thiện day lại nói: “Xin cô nhớ nói giùm chuyện ấy”.

Cô Lý gật đầu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.