Bộ Tứ

Chưong VII



Đêm tự do đầu tiên, Halliday ở trong khách sạn, nằm một phòng cạnh phòng chúng tôi, và tôi nghe thấy ông ta rên rỉ, trằn trọc liên tục trên giường. Thảm kịch phải chịu hẳn đã làm ông mất tinh thần, và sáng hôm sau cũng không chịu nói gì hơn hôm trước.

Ông chỉ luôn luôn ám chỉ tới quyền lực to lớn của bọn Bốn Người, và lo lắng nếu nói ra điều gì ông sẽ bị chúng trả thù không thương tiếc.

Sau bữa ăn sáng, ông từ biệt chúng tôi để ra tàu về Anh gặp vợ, còn Poirot và tôi ở lại Paris.

Sau sự việc này, tôi cảm thấy mình sẵn sàng chiến đấu hơn bao giờ hết, và chủ trương phải dùng sức mạnh. Poirot thì cứ ngậm miệng, làm tôi bực mình. Tôi kêu:

– Poirot, vì Chúa, ta phải làm cái gì chứ? Phải tìm kiếm bọn chúng!

– Anh rất đáng khen! Vô cũng đáng khen! Làm gì? Tìm kiếm ai? Anh nói rõ đi nào!

– Bọn Bốn Người chứ ai.

– Tôi rất hiểu. Nhưng xin hỏi anh định tấn công chúng bằng cách nào?

– Kêu cảnh sát – Tôi đưa ra để thăm dò.

Poirot mỉm cười:

– Chúng mình sẽ bị coi là những bộ óc giàu tưởng tượng. Chúng mình chẳng nắm được cái gì cụ thể, hoàn toàn không. Phải đợi thôi.

– Đợi cái gì?

– Đợi chúng động đậy. Này nhé, người Anh chúng ta rất mê môn quyền Anh, thừa biết là khi đối thủ chưa ra tay, thì ngươi kia phải tấn công và do đó để lộ chiến thuật của mình. Vậy chúng ta phải đợi và buộc đối thủ tấn công.

– Liệu chúng có làm thế không? – Tôi hoài nghi.

– Tôi tin chúng sẽ làm. Đầu tiên, chúng định ép tôi rời khỏi nước Anh, nhưng không thành. Tiếp theo, trong vụ án ở Dartmoor, chúng ta kịp tới và cứu nạn nhân của chúng khỏi cái chết. Cuối cùng, hôm qua, chúng ta làm kế hoạch của chúng bị đảo lộn. Rồi anh xem, chúng sẽ quật lại.

Như mọi lần, anh bạn Poirot bất trị lại nói đúng… Vài giờ sau, có tiếng gõ cửa. Không đợi trả lời, một người bước vào và tự khép cửa ở phía sau.

Cao, gầy, da mai mái, mũi khoằm, mắt sắc, hắn mặc áo khoác dạ cài khuy lên tận cằm, đội mũ mềm ấn sụp cẩn thận che mắt. Hắn nói nhẹ nhàng:

– Xin lỗi về sự đường đột, nhưng tôi cần nói với các ông vài điều hơi đặc biệt.

Hắn tiến lại gần bàn, ngồi xuống và mỉm cười. Tôi sắp nhẩy bổ lên, thì Poirot ra hiệu ngăn lại.

– Xin nói, ông muốn gì?

– Ông Poirot thân mến, rất đơn giản, ông đang làm phiền các bạn của tôi?

– Bằng cách nào vậy?

– Thôi đi ông Poirot, ông nói không nghiêm túc! Ông thừa biết.

– Xin nói rõ: các bạn ông là những ai?

Chẳng nói chẳng rằng, tên khách lạ giở hộp đựng thuốc lá, rút ra bốn điếu ném lên bàn; rồi lại từ từ nhặt lên bỏ vào hộp, nhét vào túi.

– À, à! Poirot kêu. Tôi hiểu. Vậy các bạn ông muốn gì?

– Muốn đê nghị ông đem khả năng – khả năng khá xuất sắc đấy – đi trổ tài ở những vụ việc khác hơn. Ông Poirot, hãy trở lại công việc thường lệ của ông. Hãy giải những vụ mà các quý bà thượng lưu của London quan tâm.

– Tóm lại, ông đề nghị với tôi cả một chương trình không còn gì êm ái hơn – Poirot nói – Nhưng nếu tôi không chấp nhận?

Người nọ phác một cử chỉ đầy ý nghĩa:

– Thì chúng tôi và tất cả những người từng khâm phục ngài Hercule Poirot vĩ đại sẽ rất lấy làm tiếc. Nhưng nuối tiếc gì, dù sâu sắc đến mấy, cũng không làm con người sống lại…

Poirot gật gù:

– Thế là ông đã nói rõ rất khéo. Bây giờ giả thử tôi chấp nhận?…

– Trường hợp ấy, tôi được uỷ nhiệm đền bù ông hậu hĩ.

Hắn rút trong túi ra mười tệp giấy bạc, bày lên bàn, mỗi tệp là mười tờ một ngàn.

– Đây mới chỉ là tiền đặt làm tin – hắn nói – Ông sẽ có mười lần như thế.

– Lạy Chúa! – tôi thốt lên – sao người này lại dám…?

– Ngồi xuống, anh Hastings! – Poirot nghiêm nghị. Hãy kìm lòng trung thực của anh xuống và ngồi yên. Còn với ông, không gì ngăn cản tôi gọi điện thoại cho cảnh sát đến bắt ông. Ông bạn Hasting đây sẽ giữ ông không cho chạy trốn.

– Cứ thử xem – tên khách lạ điềm nhiên.

– Thôi đủ rồi – tôi không chịu được nữa và kêu lên – Poirot, anh gọi ngay cảnh sát, chấm dứt màn kịch này đi.

Tôi đứng lên, ra cửa quay lưng lại chắn.

– Làm điều ấy lúc này là đúng đắn nhất – Poirot lầu bầu, như đang tranh luận với chính mình.

– Nhưng chắc ông cũng còn một chút hoài nghi – tên kia nói, ra vẻ rất thoải mái.

Tôi sốt ruột, giục:

– Nào, anh Poirot …

– Tất cả trách nhiệm đè nặng lên ông đấy.

Trong khi Poirot nhấc máy, tên kia lao bổ vào tôi song tôi đã cảnh giác. Hai người ôm chặt nhau lăn trên sàn, vật lộn quyết liệt. Đột nhiên, tôi cảm thấy hắn rã rời, yếu sức đi: tôi hăng hẳn lên. Nhưng giữa lúc tôi sắp say sưa với thắng lợi, thì một điều kỳ lạ xảy ra. Tôi bị bắn về phía trước, lao đầu vào tường. Lúc gượng dậy được, thì đối thủ đã sập cửa biến mất. Tôi định ra theo, nhưng hai chúng tôi đã bị hắn khoá cửa từ bên ngoài giam chặt. Tôi chạy lại chỗ điện thoại, giằng máy từ tay Poirot.

– A lô? Trực khách sạn phải không? Hãy bắt giữ một người đàn ông sắp ra, cao, gầy, mặc áo khoác cài khuy tận cằm, mũ mềm sụp mắt. Hắn đang bị cảnh sát truy nã.

Máy phút sau, có tiếng chìa khoá tra vào ổ; cửa mở, giám đốc khách sạn xuất hiện.

– Bắt được hắn chưa? – Tôi hỏi.

– Không, không có ai đi xuống cả.

– Ông lại để hắn qua mặt rồi.

– Chúng tôi không để ai qua mặt, thưa ông. Không người nào có thể chạy thoát.

– Nhưng ít nhất cũng có người nào qua mặt chứ? – Poirot nhẹ nhàng hỏi – một nhân viên khách sạn, chẳng hạn?

– Chỉ có một nhân viên bưng một cái khay, thưa ông.

– Ai – Poirot nói, giọng kéo dài đầy ý nghĩa.

– Chính vì thế mã áo khoác của hắn mới cài khuy kỹ thế – Poirot bình luận sau khi giám đốc rút lui.

Tôi nói nhỏ:

– Anh Poirot, tôi rất ân hận. Đã tưởng là thắng được nó…

– Phải, tôi cho là hắn đã giở với anh một miếng võ jui-jitsu. Không sao, anh bạn, tất cả đã diễn ra theo kế hoạch định trước. Đó đúng là điều tôi mong đợi.

– Còn cái này – vừa nói, tôi vừa lao xuống nhặt một vật màu nâu nằm dưới đất. Đó là một túi nhỏ đựng thiếp, chắc rơi ra từ túi áo tên ấy lúc vật nhau. Túi đựng hai hoá đơn mang tên Félix Laon, và một tờ giấy gấp tư. Tôi hồi hộp mở. Mấy dòng nguệch ngoạc bằng bút chì.

“Cuộc họp sắp tới của Hội đồng vào thứ sáu, mười một giờ, 34 phố Echelle ”.

Dưới ký một số “4” lớn.

Hôm nay đúng là thứ sáu, và kim đồng hồ trên lò sưởi chỉ mười giờ rưỡi. Tôi thốt lên:

– May quá? Chúng ta đi ngay. Một dịp không ngờ.

– Hắn đến là vì chuyện này đây – Poirot nói – Giờ tôi đã hiểu tất cả.

– Anh hiểu cái gì? Thôi đi, anh Poirot! Hãy nhúc nhích lên? Không lẽ ngồi đây mà ngáp vặt. Giờ hành động đã tới.

Poirot lườm tôi, lắc đầu, mỉm cười:

– Nhện nói với ruồi: mời anh đến chơi nhà tôi… hình như ngụ ngôn bắt đầu như thế? Không, chúng rất cáo, nhưng không cáo bằng Hercule Poirot.

– Anh định nói gì?

– Tôi tự hỏi về lý do cuộc viếng thăm vừa rồi, và tôi đã tìm ra. Anh tưởng rằng hắn thực sự hy vọng mua chuộc được tôi, hoặc giở trò doạ nạt mà buộc được tôi buông tay? Chuyện ấy ít khả năng xảy ra. Vậy thì hắn tới để làm gì? Bây giơ tôi đã hiểu: đó là một kế hoạch rất khôn khéo! Trước tiên, thử mua chuộc hoặc doạ dẫm, rồi gây ra vật lộn (điều này không khó, vì có sự hăng hái tiếp tay của anh), rồi để rơi cái túi này! Bẫy đã giăng. Họp Hội đồng lúc mười một giờ, phố Échelle ư? Không đời nào! Hercule Poirot không để bị lừa dễ dàng đến thế!

Poirot chau mày:

– Còn một điều mà tôi chưa hiểu.

– Điều gì?

– Giờ… giờ! Nếu chúng định nhử tôi, thì vào ban đêm chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Tại sao lại mười một giờ? Phải chăng có một sự kiện nào sẽ xảy ra sáng nay. Một sự kiện mà chúng muốn giấu tôi?

Poirot lắc đầu, nói tiếp:

– Để rồi xem. Tôi sẽ ở lại đây. Chúng ta không đi đâu cả, và ngồi chờ.

Đúng mười một giờ rưỡi, một bức điện màu xanh được gửi tới. Poirot mở ra, bảo tôi đọc. Điện của bà Olivier. Nhà nữ bác học nổi danh mà chúng tôi được vinh dự tiếp kiến hôm trước để hỏi về ông Halliday, yêu cầu chúng tôi đến nhà ngay.

Chúng tôi lập tức đến Passy, và được bà Olivier tiếp vẫn trong phòng khách nhỏ. Một lần nữa bà lại gây ấn tượng với tôi về trí thông minh kỳ lạ toát ra từ con người có bộ mặt nữ tu, đôi mắt rực sáng, xưng danh đệ tử xuất sắc của Becquerel và Curie. Bà đi thẳng vào vấn đề:

– Hôm qua, các vị đã hỏi tôi về ông Halliday mất tích. Giờ tôi lại biết các vị có trở lại lần thứ hai và yêu cầu gặp cô thư ký Inez Véroneau. Cô ta đã đi với các ông, nhưng không thấy trở về.

– Còn gì nữa, thưa bà?

– Còn nữa. Đêm vừa rồi, có người đột nhập vào phòng thí nghiệm của tôi… Nhiều giấy tờ bị đánh cắp. Bọn đạo chích còn định lấy đi một thứ gì qúy hơn, song may thay, chúng không mở nổi cái két sắt lớn.

– Thưa bà,đây là sự thật: bà Véroneau,nguyên nữ thư ký của bà, thật ra là nữ bà tước Rossakoft, chuyên gia đạo chích. Bà ta đã tham gia vụ bắt cóc ông Hallidy. Bà ta làm việc ở đây từ bao giờ?

– Năm tháng. Điều các ông vừa nói làm tôi kinh ngạc!

– Nhưng không phải không đúng sự thật. Những giấy tờ bị mất có dễ tìm không? Hay ngược lại? Bà có nghĩ là người lấy cắp phải là người biết rõ nơi chốn?

– Rõ ràng kỳ lạ là bọn ăn cắp biết nơi nào phải tìm. Ông cho rằng Inez…?

– Đã chỉ điểm cho kẻ cắp? Điều đó là chắc chắn! Nhưng cái vật quý mà chúng không mang di được là cái gì? Đồ trang sức?

Bà Olivier lắc đầu.

– Một thứ quý giá hơn thế?

Bà ta nhìn quanh, rồi cúi xuống chúng tôi, khẽ nói:

– Rađiom.

– Rađiom?

– Phải, tôi có riêng một số lượng rađiom, và còn mượn thêm một số nữa để có thể tiếp tục nghiên cứu. Dù số lượng tôi có trong tay là nhỏ, nó vẫn chiếm một phần đáng kể trong tổng số mà thế giới có, và đáng giá nhiều triệu phrăng.

– Rađiom để ở đâu?

– Trong một hộp bằng chì, đặt trong cùng két lớn. Bề ngoài, chiếc két có vẻ cổ lỗ, nhưng thực ra có có đủ các thiết bị hiện đại: an toàn tuyệt đối! Vì thế bọn cướp không mở được.

– Bà sẽ giữ số rađiom này trong bao lâu?

– Còn hai ngày nữa là tôi kết thúc các thí nghiệm.

Mắt Poirot sáng lên :

– Inez Véroneau có biết như thế không? Biết? Nếu vậy các ông bạn chúng ta sẽ quay trở lại. Bà đừng để lộ tôi với ai, tôi cam đoan sẽ bảo vệ rađiom cho bà. Chìa khoá cửa phòng thí nghiệm đi ra vườn, bà có không?

– Nó đây! Tôi giữ chiếc thứ hai cho tôi. Đây là chìa khoá chiếc cửa vườn đi ra lối đi ngăn giữa nhà tôi và nhà trước mặt.

– Xin cảm ơn bà. Tối nay bà đi nghỉ như thường lệ, không lo ngại gì, mọi việc để mặc tôi. Nhất là đừng nói gì với ai hết, kể cả với hai người phụ tá, cô Claude và ông Henri thì phải? Với họ càng không được nói.

Khi rời khỏi ngôi nhà, Poirot xoa tay thoả mãn.

Tôi hỏi:

– Ta làm gì bây giờ?

– Rời ngay Paris, đi sang Anh.

– Sao?

– Ta hãy chuẩn bị hành lý, đi ăn sáng rồi ra ga Bắc.

– Nhưng… còn rađiom?

– Tôi đã bảo là chúng mình đi sang Anh, chứ có bảo là tới nước Anh đâu Hastings, hãy suy nghĩ một lát. Nhất định chúng ta đang bị theo dõi, cần phải làm cho đối thủ tưởng ta đã đi. Để chúng tin thế thật ta phải lên tàu.

– Anh muốn nói là đến phút chót ta sẽ lộn lại?

– Không, kẻ thù chỉ yên tâm khi chúng nhìn thấy ta thực sự khởi hành.

– Nhưng tàu sẽ chạy một mạch không dừng, cho tới Calais?

– Nó sẽ dừng, nếu ta trả tiền.

– Trời ơi, Poirot, anh nghĩ rằng chỉ bỏ tiền mà bắt được tàu tốc hành dừng bánh?

– Anh bạn ơi, anh không bao giờ nhận thấy trong toa tàu có một cái dây gọi là Báo hiệu cấp cứu? Ai giật bậy không lý do sẽ bị phạt khoảng trăm phrăng gì đó.

– Vậy anh sẽ giật dây báo động?

– Không phải tôi! Mà là Pierre Cambeau, một người bạn. Trong khi anh ta phân bua với trưởng tàu và hành khách xúm xít chung quanh, thì chúng mình chuồn.

Kế hoạch của Poirot được thực hiện đúng như vậy. Pierre Combeau, một bạn nối khố của Poirot, rất quen thuộc với các mánh khoé của anh, chấp nhận tiếp tay. Dây báo động được kéo lúc tàu ra tới ngoại ô. Combeau vào vai rất thiện nghệ. Thừa lúc đó, Poirot và tôi xuống tàu không ai để ý. Điều đầu tiên phải làm là cải trang cẩn thận; những vật dụng cần thiết đã có trong chiếc vali nhỏ mang theo. Poirot và Hastings biến thành hai kẻ lang thang mặc áo lao động ngồi ăn trong một hàng quán tồi tàn.

Gần mười một giờ, chúng tôi có mặt trước nhà bà Olivier. Sau khi quan sát kỹ tứ phía, chúng tôi lẻn vào lối đi vắng lặng, chắc chắn không bị ai trông thấy. Poirot thì thầm bên tai tôi:

– Mình chưa chắc gặp chúng hôm nay. Có thể tối mai chúng mới tới? Nhưng chúng biết chắc là rađiom chỉ còn đó trong hai đêm nữa.

Chúng tôi khẽ khàng mở cửa vườn, bước vào thật êm.

Đột biến bất ngờ xảy ra. Trong nháy mắt, chúng tôi bị bao vây, bị nhét giẻ vào miệng và trói gô. Chúng có ít nhất mười tên, nên mọi sự chống cự là vô ích. Chúng tôi bị khiêng như hai cái bị vào nhà bà Olivier. Sao không vào nhà bên cạnh? Bọn khốn kiếp đã giở trò gì với nhà nữ bác học? Bọn chúng có chìa khóa mở phòng thí nghiệm, quẳng chúng tôi vào. Một tên đục vào két, cửa mở ngay. Thú thật là trong một thoáng, tôi lạnh ớn sống lưng, lo bị chúng bỏ vào trong đó để cho chết ngạt!

Nhưng, ồ lạ sao, két sắt không phải là két sắt! Bên trong cùng, có những bậc thang dẫn xuống hầm. Hai chúng tôi được khiêng xuống một phòng rộng dưới đất, và đặt vào một xó.

Một người đàn bà đứng đó, cao lớn, đường bệ, đeo mặt nạ bằng nhung đen. Sau một hiệu lệnh của con người bí ẩn đó, bọn kia rút lui. Chỉ còn hai chúng tôi với mụ ta. Không nghi ngờ gì nữa: chính là người đàn bà Pháp, “Số Ba” của Bộ Tứ vĩ đại.

Mụ cúi xuống bỏ giẻ ở miệng chúng tôi, nhưng vẫn để dây trói. Rồi đứng lên, nhìn thẳng chúng tôi, mụ lột mặt nạ bằng một khoát tay nhanh chóng.

Đó là bà Olivier!

– Ngài Poirot – giọng mụ nhạo báng sâu cay – Ngài Poirot kỳ tài, ngài Poirot độc nhất vô nhị! Sáng hôm qua, tôi đã có lời cảnh báo ông, ông đã không thèm đếm xỉa, đã nghĩ rằng có thể dùng mưu mẹo chống đối chúng tôi. Bây giờ ông đã ở đây. Trong tay chúng tôi.

Một sự tàn ác lạnh lùng, trái hẳn với ánh mắt tinh nhanh, toát ra từ người đẵn bà này. Toàn thân tôi lạnh toát.

Poirot không nói gì. Anh há hốc miệng ngắm nhìn người đàn bà có vẻ điên, hoàn toàn điên dại vì ham quyền lực này, cái điên dại chỉ những bộ óc siêu phàm mới có. Mụ rủ rỉ:

– Nào, thế là hết. CHÚNG TA không cho phép ai ngáng trở kế hoạch của mình. Ông có đề nghị một lời cuối cùng nào không?

Chưa bao giờ, cả trước đó và về sau này, tôi cảm thấy mình cận kề cái chết bằng lúc đó.

Poirot thật đáng khen. Điềm nhiên, không động đậy, anh tiếp tục ngắm thẳng mặt mụ với vẻ thích thú thực tâm.

– Tôi rất quan tâm quan sát tính cách, tâm lý của bà, tiếc rằng không còn nhiều thì giờ để nghiên cứu! Vâng, tôi có một yêu cầu. Một tử tù bao giờ cũng được phép hút điếu thuốc cuối cùng. Thuốc ở trong túi tôi vậy nếu bà cho phép…

Anh đưa mắt chỉ những dây trói làm anh không cựa quậy được.

– Tất nhiên! – mụ ta cười và nói – ông muốn tôi nới lỏng đôi tay? Hercule Poirot, ông khôn lắm. Nhưng tôi khôn không kém nên không dại gì nghe ông. Nhưng ông sẽ có thuốc!

Mụ ta quỳ xuống, lấy hộp thuốc trong túi Poirot, rút một điếu đặt vào miệng anh.

– Bây giờ, ông cần diêm – mụ đứng lên.

– Không cần, thưa bà, xin cảm ơn.

Giọng Poirot có vẻ gì lạ khiến tôi giật mình. Mụ Olivier cũng lộ vẻ ngạc nhiên.

– Đứng yên, không đụng đậy, thưa bà! Không nghe theo, bà sẽ hối tiếc! Bà có biết đặc tính của chất cu-ra? Người Da đỏ Nam Mỹ dùng nó để tẩm tên độc, gây cái chết tức khắc. Một số bộ lạc để nó vào ống nhỏ để thổi vào cho khuyếch tán. Điếu thuốc này của tôi cũng có chức năng ấy. Tôi chỉ cần thổi… A! Bà giật nẩy mình? Hãy đứng yên! Điếu thuốc này cực kỳ lợi hại. Chỉ thổi nhẹ, một mũi tên nhỏ xíu sẽ bay tới đích… Bà muốn chết không? Không? Nếu vậy, hãy cởi trói cho ông Hastings. Vâng, chân tay tôi bị trói, nhưng tôi có thể quay đầu, thổi mũi tên vào bà, bà chớ quên điều đó!

Tay run bần bật, mặt rúm ró vì tức giận và hận thù, mụ Olivier cúi xuống thi hành lệnh của Poirot. Tôi được cởi trói. Poirot hướng dẫn tiếp:

– Hastings, dây trói anh, giờ dùng để trói bà. Thật chắc chưa? Rồi, vậy anh cởi cho tôi. May mắn sao là bà đây đã cho các phụ tá ra ngoài? Mong sao ta sẽ không bị chúng chắn lối ra!

Trước khi rút, Poirot nghiêng mình lịch sự:

– Không dễ gì sát hại được Hercule Poirot đâu, thưa bà. Chúc ngủ ngon!

Miệng bị bịt giẻ nên mụ Olivier không đáp lại, song ánh mắt căm thù mụ phóng ra đủ làm tôi phát khiếp, và cầu mong đừng bao giờ rơi vào tay mụ nữa.

Thật may, chúng tôi không gặp ai. Khu vườn vắng lặng.

Chẳng bao lâu chúng tôi đã đi giữa phố xá Paris. Hercule Poirot nắm chặt hai bàn tay, lúc này mới hả cơn tức giận:

– Tôi thật đáng đời với những gì mụ đàn bà ấy nói! Tôi là một anh đại ngu! Một thằng ngốc, trẻ ranh, một thám tử phường chèo! Thế mà lại từng tự hào không để mắc bẫy. Con quỷ cái ấy đã lừa được tôi! Véra Rossakoff không phải tay chân của mụ. Mụ Olivier cần những ý tưởng của Halliday: nếu ý tưởng đó còn khiếm khuyết, mụ thừa tài để bổ sung. Đúng, giờ ta đã biết “Số Ba” là ai! Là người đàn bà thông minh nhất, học thức nhất, nổi danh nhất thế giới! Giờ anh đã thấy hết sức mạnh của bọn Bốn Người chưa? Toàn bộ trí óc phương Đông, toàn bộ khoa học phương Tây, toàn bộ sự giàu có châu Mỹ… Và ta còn phải xác định danh tính của “Số Bốn” nữa! Sáng mai, ta sẽ trở về London, và sẽ bắt tay vào việc.

– Anh không tố cáo mụ Olivier với cảnh sát?

– Họ sẽ không tin đâu! Ở đây, mụ được kính trọng như một thần tượng. Vả lại, ta chẳng có bằng chứng gì. Ngược lại, mụ không tố cáo chúng ta trước pháp luật đã là may rồi.

– Vô lý. Sao lại thế?

– Chắc chắn là thế. Hãy suy nghĩ một chút: chúng mình bị bắt quả tang ở trong nhà mụ, tay cầm những chìa khóa mà mụ sẽ thề là không hề đưa cho ta. Mụ bắt gặp ta trước két sắt, ta trói mụ, nhét giẻ mụ rồi chạy trốn! Hastings, anh chớ nên ảo tưởng. Chúng mình sẽ rất khó ăn khó nói. Thôi, ngày mai ta rời Paris thật sớm!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.