Bốn Thỏa Ước
4. THỎA ƯỚC THỨ BA: Không giả định
THỎA ƯỚC THỨ BA LÀ KHÔNG GIẢ ĐỊNH.
Chúng ta có xu hướng giả định về mọi thứ. Giả định rắc rối ở chỗ chúng ta đó là sự thật. Chúng ta có thể thề rằng chúng có thật. Chúng ta giả định về những gì người khác đang làm hoặc đang nghĩ – chúng ta vơ vào mình – thế rồi chúng ta oán trách họ và phản ứng bằng cách phát tán những cảm xúc độc hại của mình thông qua lời lẽ. Đó là lý do tại sao mỗi khi chúng ta giả định, là chúng ta đang muốn chuốc thêm rắc rối. Chúng ta đưa ra một giả định, chúng ta hiểu sai, chúng ta xem nó có liên hệ với mình, và chúng ta kết thúc bằng việc không dưng dựng nên cả một tấn bi kịch.
Tất cả những buồn rầu và bi kịch mà bạn đã trải trong đời đều xuất phát từ thói giả định và vơ mọi thứ vào mình. Hãy dành chút thời gian xem xét sự thật trong thỏa ước này. Toàn bộ cuộc chiến giành quyền kiểm soát giữa loài người với nhau là xoay quanh chuyện đưa ra những giả định và vơ lấy mọi chuyện về mình. Toàn bộ giấc mơ hỏa ngục của chúng ta đều dựa trên đó.
Chúng ta tạo ra nhiều cảm xúc độc hại chỉ bằng việc giả định và vơ nó vào mình, vì thường chúng ta bắt đầu đưa chuyện xoay quanh những giả thiết của chúng ta. Hãy nhớ, đưa chuyện là cách để chúng ta giao tiếp với nhau trong giấc mơ hỏa ngục và lan truyền nọc độc cho nhau. Bởi vì chúng ta sợ phải đặt câu hỏi để làm sáng tỏ mọi việc, nên chúng ta giả định, và tin rằng mình đúng trong những phỏng đoán ấy. Rồi chúng ta bảo vệ giả định của mình và cố chứng tỏ những người khác sai. Đặt câu hỏi luôn tốt hơn là giả định, vì giả định làm cho chúng ta đau khổ.
Cải mitote lớn trong tâm trí con người gây ra nhiều xáo trộn khiến chúng ta giải thích sai lầm về mọi thứ và hiểu sai về mọi thứ. Chúng ta chỉ thấy những gì chúng ta muốn thấy và nghe điều chúng ta muốn nghe, chúng ta không nhận thức sự việc như chúng vốn thế. Chúng ta có thói quen mơ mộng mà không có cơ sở gì trong thực tại. Quả thực chúng ta mơ ra mọi thứ từ trí tưởng tượng của ta. Vì chúng ta không hiểu được một điều gì đó, chúng ta mới đoán mò ý nghĩa của nó và khi sự thật lộ ra, bong bóng giấc mơ của chúng ta nổ bụp và chúng ta nhận ra rằng nó hoàn toàn không phải là cái chúng ta đã nghĩ.
Một thí dụ: Bạn đang loanh quanh ngoài phố và bạn thấy một người bạn thích. Người ấy quay về phía bạn và mỉm cười, rồi đi. Bạn có thể đặt ra vỏ số giả thiết chỉ vì một việc này. Với các giả thiết ấy, bạn có thể tưởng tượng ra hẳn một câu chuyện. Bạn thực sự muốn tin vào câu chuyện tưởng tượng ấy và làm cho nó trở thành sự thật. Cả một giấc mơ bắt đầu hình thành chỉ từ những giả thiết của bạn, và bạn có thể kết luận, “Ồ, người này mê mình thật rồi.” Trong tâm trí bạn, cả một mối quan hệ bắt đầu từ đó. Thậm chí có thể bạn còn cưới họ trong vùng đất tưởng tượng này. Nhưng điều tưởng tượng ấy nằm trong tâm trí của bạn, trong giấc mơ của riêng bạn mà thôi.
Giả định trong các mối quan hệ là thực sự muốn chuốc lấy rắc rối. Thường thì chúng ta cho rằng các đối tác của ta biết điều chúng ta nghĩ và chúng ta không cần phải nói ra điều chúng ta muốn. Chúng ta cho rằng họ sẽ làm điều chúng ta muốn, vì họ biết chúng ta rõ quá rồi. Nếu họ không làm điều mà chúng ta cho là họ sẽ làm, chúng ta cảm thấy bị tổn thương và nói: “Cậu phải biết chứ.”
Một thí dụ khác: Bạn quyết định lập gia đình, và bạn cho rằng người yêu của bạn quan niệm về hôn nhân giống như bạn. Rồi hai người sống với nhau và bạn khám phá ra điều này không đúng.
Việc này gây nên nhiều mâu thuẫn, nhưng bạn vẫn không tìm cách minh bạch các cảm giác của bạn về hôn nhân. Người chồng đi làm về và người vợ thì giận điên lên, nhưng người chồng không biết tại sao. Có lê là vì người vợ đã đặt ra một giả định. Không nói cho chồng biết mình muốn gì, chị cho rằng anh đã hiểu chị quá, anh biết chị muốn gì, anh có thể đọc được trong đầu chị. Chị tức giận vì chồng chị không đáp ứng được những kỳ vọng của chị. Việc đặt giả định trong những mối quan hệ đưa đến nhiều va chạm, nhiều khó khăn, nhiều hiểu lầm với những người mà chúng ta tưởng mình yêu mến.
Trong bất cứ một loại quan hệ nào, chúng ta có thể giả định rằng người khác biết chúng ta nghĩ gì và chúng ta không cần phải nói ra điều mình muốn. Họ sẽ làm điều chúng ta muốn vì họ biết rõ chúng ta quá rồi. Nếu họ không làm điều chúng ta muốn, điều chúng ta cho rằng họ sẽ làm thì chúng ta cảm thấy tổn thương và sẽ nghĩ: “Sao anh lại làm như thế? Anh biết mà.” Một lần nữa, chúng ta giả định rằng người kia biết chúng ta muốn gì. Toàn bộ tấn kịch được tạo ra vì chúng ta đưa ra giả định này, và rồi đặt nhiều giả định chồng lên nó.
Cách tâm trí con người hoạt động là điều hết sức thú vị. Chúng ta có nhu cầu biện minh cho mọi sự, giải thích và tìm hiểu, mọi sự, để cảm thấy an toàn. Chúng ta có hàng triệu câu hỏi cần được trả lời, vì có quá nhiều điều mà tư duy lý trí không thể giải thích được. Câu trả lời đúng hay sai không quan trọng, nhưng bản thân câu trả lời lại khiến chúng ta cảm thấy an toàn. Đó là lý do chúng ta giả định.
Nếu người khác nói với chúng ta một điều gì đó, chúng ta liền đặt ra các giả định, và nếu họ khống nói với chúng ta một điều gì đó, chúng ta cũng đặt ra các giả định để thỏa mãn nhu cầu biết của chúng ta và để thay thế cho nhu cầu giao tiếp. Ngay cả nếu như chúng ta nghe một điều gì đó mà không hiểu, chúng ta liền giả định nó nghĩa là gì và rồi tin vào điều đó. Chúng ta giả định đủ kiểu vì chúng ta không có can đảm đặt câu hỏi.
Các giả định ấy được hình thành chóp nhoáng và hầu hết là vô thức, vì chúng ta có những thỏa ước để truyền thông theo lối này. Chúng ta đồng ý rằng thật không an toàn khi hỏi các câu hỏi; chúng ta đồng ý rằng nếu người ta yêu mến chúng ta, họ phải biết chúng ta muốn hoặc cảm thấy gì. Khi chúng ta tin vào một điều nào đó, chúng ta cho rằng ở điểm này mình luôn đúng, đến mức chúng ta sẽ phá hoại các mối quan hệ để bảo vệ lập trường của mình.
Chúng ta giả định rằng mọi người nhìn cuộc sống như chúng ta. Chúng ta giả định rằng người khác suy nghĩ như cách chúng ta nghĩ, cảm nhận theo kiểu chúng ta cảm, phán đoán theo kiểu chúng ta phán đoán và lạm dụng theo cách chúng ta lạm dụng. Đây là giả định lớn nhất mà nhân loại đặt ra. Và đây là lý do khiến chúng ta sợ là chính mình khi ở giữa những người khác. Vì chúng ta nghĩ người khác sẽ phán xét chúng ta, biến ta thành vật hy sinh, lạm dụng chúng ta và trách cứ chúng ta khi chúng ta là chính mình. Thế là ngay cả trước khi người khác có cơ hội ruồng bỏ chúng ta, chúng ta đã tự ruồng bỏ mình rồi. Đó là cách tâm trí chúng ta thường hoạt động.
Chúng ta cũng giả định về chính mình, và điều này gây nên nhiều mâu thuẫn bên trong. “Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm việc này.” Chẳng hạn bạn giả định như vậy, rồi khám phá ra mình không thể làm được. Bạn đã đánh giá quá cao hoặc quá thấp chính mình, vì bạn không dành thời gian để đặt cho chính mình những câu hỏi và trả lời chúng. Có lẽ bạn cần thu thập nhiều dữ kiện hơn nữa về một tình huống cụ thể. Hoặc có thể bạn cần chấm dứt dối mình về điều bạn thực sự muốn.
Thông thường, khi bạn kết thân với một người mà bạn thích, bạn phải lý giải được tại sao bạn thích người ấy. Bạn chỉ thấy được điều bạn muốn thấy và bạn phủ nhận rằng có những điều bạn không thích nơi người này. Bạn tự dối mình chỉ để làm cho mình đúng. Thế rồi bạn đặt ra những giả định, một trong các giả định ấy là: “Tình yêu của tôi sẽ biến đổi con người này.” Nhưng không đúng đâu. Tình yêu của bạn sẽ chẳng thay đổi được ai cả. Nếu người khác thay đổi, đó là vì họ muốn thay đổi, chứ không phải vì bạn có thể thay đổi họ. Thế rồi, một điều gì đó xảy ra giữa hai người, và bạn bị tổn thương. Bỗng chốc bạn thấy điều mà trước đây bạn không muốn thấy, còn bây giờ, nó bị phóng đại lên bởi nọc độc cảm xúc của bạn. Bây giờ, bạn phải biện minh cho những cảm xúc đau đớn của bạn và đổ lỗi cho người khác vì những chọn lựa của bạn.
Chúng ta không cần biện minh cho tình yêu; nó có đó, hoặc không có đó. Tình yêu thực sự là chấp nhận người khác như họ vốn thế, mà không tìm cách thay đổi họ. Nếu chúng ta tìm cách thay đổi họ, điều này có nghĩa là chúng ta không thực sự thích họ. Dĩ nhiên, nếu bạn quyết định sống với ai đó, nếu bạn đặt ra thỏa ước ấy thì tốt hơn là luôn đặt ra thỏa ước đó với một người đúng mẫu người mà bạn muốn người ấy trở thành. Hãy tìm một ai đó mà bạn không cần phải thay đổi gì nơi họ cả. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn tìm kiếm một người đã sẵn giống như bạn muốn, thay vì gắng sức thay đổi con người ấy. Ngoài ra, người ấy phải yêu bạn như bạn vốn thế, vì như vậy người ấy không cần phải thay đổi bạn nữa. Nếu người khác nhận thấy họ phải thay đổi bạn, điều đó đồng nghĩa với việc họ không thực sự yêu bạn như bạn vốn thế. Vậy thì tại sao lại phải sống với một người nào đó, nếu bạn không phải là người như người ấy muốn thế?
Chúng ta phải trở thành cái chúng ta vốn vậy, vì thế chúng ta không cần phải trưng ra một hình ảnh giả tạo. Nếu bạn yêu mến tôi như tôi vốn thế, “Vâng, hãy đón nhận tôi.” Nếu bạn không yêu tôi như tôi vốn thế, “Tốt thôi, xin chào. Hãy đi tìm một người khác.” Nghe có vẻ lạnh lùng, nhưng kiểu giao tiếp này chứng tỏ những thỏa ước cá nhân mà chúng ta đặt ra với người khác minh bạch và không tội lỗi.
Hãy tưởng tượng cái ngày mà bạn chấm dứt giả định về người yêu của mình, và cuối cùng, với mọi người khác nửa trong cuộc đời bạn. Cách giao tiếp của bạn sẽ thay đổi hoàn toàn, và những mối quan hệ của bạn sẽ không còn đau khổ bởi những mâu thuẫn phát sinh từ các giả định sai lầm nữa.
Cách để giữ mình tránh không giả định là đặt câu hỏi. Hãy chắc chắn rằng sự giao tiếp thật sáng sủa. Nếu bạn không hiểu, hãy hỏi. Hãy can đảm đặt câu hỏi cho đến khi bạn hiểu rõ đến hết mức có thể, và ngay cả khi ấy cũng đừng cho là mình biết hết những gì cần biết về một tình huống nhất định. Một khi bạn nghe được câu trả lời, bạn sẽ không phải giả định nữa, vì bạn sẽ biết được sự thật.
Ngoài ra, cũng hãy tìm ra tiếng nói của bạn để hỏi xin điều bạn muốn. Mọi người có quyền đáp “có” hoặc “không”, nhưng bạn luôn có quyền hỏi. Tương tự, mọi người có quyền hỏi bạn, và bạn có quyền nói “có” hoặc “không”.
Nếu bạn không hiểu điều gì, tốt hơn là bạn hỏi và hiểu rõ, thay vì đặt ra một giả định. Ngày nào bạn thôi không giả định nữa, bạn sẽ giao tiếp một cách rành mạch, sáng tỏ và thoát khỏi những cảm xúc độc hại. Không giả định, lời của bạn sẽ không phạm tội.
Khi sự giao tiếp diễn ra rành mạch, mọi mối quan hệ của bạn sẽ thay đổi, không chỉ với người yêu của bạn, mà cả với mọi người khác. Bạn sẽ không cần phải giả định, vì mọi sự đã trở nên rất sáng tỏ. Đây là điều tôi muốn; đây là cái tôi muốn. Nếu chúng ta giao tiếp theo cách này, lời của chúng ta sẽ không phạm tội. Nếu mọi người có thể giao tiếp theo cách này, với lời không phạm tội, sẽ không còn chiến tranh, không còn bạo lực, không còn hiểu lầm nữa. Mọi vấn đề của loài người sẽ được giải quyết nếu chúng ta biết giao tiếp đàng hoàng và lành mạnh.
Vậy đây là thỏa ước thứ ba: Không giả định. Nói suông thì dễ, tôi hiểu làm được mới khó. Nó khó, vì chúng ta thường xuyên làm điều ngược lại. Chúng ta có tất cả những thói quen và tập quán ấy, đến độ chúng ta thậm chí còn không ý thức về chúng nữa. Trở nên ý thức về những thói quen ấy và hiểu được tầm quan trọng của thỏa ước này là bước đầu tiên. Nhưng hiểu được tầm quan trọng của nó thôi thì chưa đủ. Thông tin hay một ý tưởng chỉ là hạt giống trong tâm trí bạn. Điều làm nên sự khác biệt là hành động. Hành động lặp đi lặp lại sẽ củng cố ý chí của bạn, nuôi dưỡng hạt giống và thiết lập một nền tảng vững chắc cho thói quen mới phát triển. Sau nhiều lần lặp lại, các thỏa ước mới này sẽ trở thành bản tính thứ hai, và bạn sẽ thấy kỳ diệu làm sao khi lời của bạn biến bạn từ một phù thủy trở thành một pháp sư chân chính.
Một pháp sư sử dụng lời để sáng tạo, cho đi, chia sẻ và yêu mến. Bằng cách biến thỏa ước này thành một thói quen, cả cuộc đời bạn sẽ hoàn toàn biến đổi.
Khi bạn biến đổi toàn bộ giấc mơ của bạn, điều kỳ diệu xảy ra ngay trong đời bạn. Điều bạn cần sẽ dễ dàng đến với bạn, vì tinh thần được tuôn chảy tự do xuyên suốt qua bạn. Đây là nghệ thuật làm chủ ý hướng, làm chủ tinh thần, làm chủ tình yêu, làm chủ lòng biết ơn và làm chủ cuộc sống. Đây là cái đích của Toltec. Đây là con đường dần đến tự do cá nhân.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.