Bốn Thỏa Ước

6. ĐƯỜNG ĐẾN TỰ DO CỦA TOLTEC: Phá vỡ những Thỏa ước cũ



MỌI NGƯỜI, AI CŨNG NÓI VỀ TỰ DO. TRÊN KHẮP thế giới, các dân tộc, chủng tộc, các quốc gia khác nhau đều đang chiến đấu vì tự do. Nhưng tự do là gì? Ở Mỹ, chúng ta nói về việc sống trong một quốc gia tự do. Nhưng chúng ta có thực sự tự do không? Chúng ta có tự do để là người mà chúng ta thực sự là không? Câu trả lời là không, chúng ta không tự do. Tự do đích thực liên quan đến tinh thần con người – nó là tự do làm con người mà chúng ta thực sự là.

Ai ngăn chúng ta trở nên tự do? Chúng ta chê trách chính phủ, chúng ta than phiền thời tiết, chúng ta oán trách cha mẹ, chúng ta oán trách tôn giáo, oán trách Thượng đế. Ai thực sự ngăn chúng ta trở nên tự do? Chúng ta tự ngăn mình đấy thôi. Vậy trở nên tự do thực sự nghĩa là gì? Đôi khi chúng ta lập gia đình và chúng ta nói rằng mình mất tự do, rồi chúng ta ly dị và chúng ta vẫn không tự do. Cái gì ngăn cản chúng ta? Tại sao chúng ta không thể là chính mình?

Chúng ta có những ký ức về thời xa xưa, khi chúng ta thường được tự do và chúng ta yêu tự do, nhưng chúng ta đã quên mất tự do thực sự nghĩa là gì.

Nếu chúng ta nhìn thấy một đứa trẻ hai ba tuổi, hoặc bốn tuổi, chúng ta thấy một người tự do. Tại sao con người này lại tự do nhỉ? Vì con người này làm bất cứ điều gì nó muốn. Con người này hoàn toàn hoang dã. Giống hệt một bông hoa, một cái cây, hay một con vật chưa được thuần hóa – còn hoang dã! Nếu chúng ta quan sát những con người hai tuổi, chúng ta thấy phần lớn thời gian những con người ấy luôn cười toét miệng và vui đùa. Chúng đang khám phá thế giới. Chúng không sợ chơi. Chúng sợ khi chúng bị thương, khi chúng đói, khi một số nhu cầu của chúng không được đáp ứng, nhưng chúng không lo âu về quá khứ, không quan tâm đến tương lai và chỉ sống trong thời khắc hiện tại.

Trẻ thơ không sợ bày tỏ điều chúng cảm thấy. Chúng dễ thương đến độ nếu chúng cảm nhận được tình yêu, chúng tan chảy vào trong tình yêu. Chúng không sợ yêu tí nào. Đó là diện mạo một con người bình thường. Khi là trẻ con, chúng ta không sợ tương lai hay hổ thẹn với quá khứ. Xu hướng bình thường của con người chúng ta là vui hướng cuộc sống, là chơi, khám phá, là hạnh phúc và yêu thương.

Nhưng điều gì đã xảy ra với người lớn? Tại sao chúng ta lại quá khác như vậy? Tại sao chúng ta không hoang dã? Từ quan điểm của Nạn Nhân, chúng ta có thể nói rằng một điều gì đó buồn bã đã xảy ra với chúng ta, và từ quan điểm của một chiến binh, chúng ta nói rằng điều xảy ra với chúng ta là bình thường. Điều đã xảy ra là chúng ta có Sách Luật, vị đại Quan Tòa và Nạn Nhân, những thứ cai quản đời sống của chúng ta. Chúng ta không còn tự do nữa, vì Quan Tòa, Nạn Nhân và hệ thống tín điều không cho phép chúng ta là những con người thực sự tự do. Một khi tâm trí chúng ta đã được lập trình với tất cả đống rác rưởi ấy, chúng ta không còn hạnh phúc nữa.

Thứ xiềng xích này giáo dục hết người này qua người khác, hết thế hệ này sang thế hệ khác, là điều hoàn toàn bình thường trong xã hội loài người. Bạn không cần phải phiền trách cha mẹ mình vì đã dạy bạn trở nên giống họ. Họ có thể dạy dỗ bạn điều gì khác ngoài điều họ biết nào? Họ đã làm hết sức mình, và nếu họ lạm dụng bạn, đó là do sự thuần hóa của chính họ, những nỗi sợ của riêng họ, những niềm tin của họ. Họ không kiểm soát được việc lập trình họ đã nhận được, vì thế họ không hành xử khác đi được.

Không cần phải trách móc cha mẹ bạn hay bất cứ ai đã lạm dụng bạn trong đời bạn, kể cả chính bạn. Nhưng đã đến lúc chấm dứt lạm dụng. Đã đến lúc giải phóng chính bạn khỏi sự chuyên chế của Quan Tòa, bằng cách thay đổi nền tảng các thỏa ước của bạn. Giờ là lúc giải phóng khỏi vai trò Nạn Nhân.

Con người thực của bạn vẫn là một đứa bé chưa bao giờ lớn lên cả. Đôi khi đứa bé ấy xuất hiện khi bạn đang vui đùa hoặc đang chơi, khi bạn cảm thấy hạnh phúc, khi bạn đang vẽ, đang làm thơ, hoặc chơi piano, hoặc thể hiện mình theo một cách nào đó. Đó là những phút giây hạnh phúc nhất của đời bạn – khi con người thực của bạn xuất hiện, khi bạn không âu lo về quá khứ và không băn khoăn về tương lai. Bạn trở nên giống trẻ thơ.

Nhưng có một điều gì đó thay đổi tất cả nhũng điều này. Chúng ta gọi là trách nhiệm. Quan Tòa nói: “Chờ chút nhé, anh có trách nhiệm, anh phải làm một số điều, anh phải làm việc, anh phải đi đến trường, anh phải kiếm sống.” Tất cả trách nhiệm này xuất hiện trong tâm trí. Vẻ mặt chúng ta thay đổi và lại trở nên nghiêm trọng. Nếu bạn quan sát trẻ em khi chúng đang chơi trò người lớn, bạn sẽ thấy các khuôn mặt nhỏ bé ấy thay đổi. “Giả vờ nhé, tớ làm luật sư.” và ngay lập tức nét mặt chúng thay đổi; khuôn mặt người lớn liền thay vào. Chúng ta ra tòa và đó là khuôn mặt chúng ta vẫn thấy – và đó là cái vốn là chúng ta. Chúng ta vẫn là trẻ con, nhưng chúng ta đã mất tự do của mình.

Tự do mà chúng ta tìm kiếm là thứ tự do được là chính mình, được tự do bộc lộ chính mình. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào cuộc sống của mình, chúng ta sẽ thấy phần lớn thời gian chúng ta làm những điều chỉ để vừa lòng người khác, chỉ để được người khác nhìn nhận, thay vì sống cuộc sống của chúng ta để làm hài lòng chính mình. Đó là điều đã xảy ra với tự do của chúng ta. Chúng ta thấy trong xã hội chúng ta và tất cả những xã hội khác trên thế giới, cứ một ngàn người thì chín trăm chín mươi chín người đã hoàn toàn bị thuần hóa.

Phần tồi tệ nhất là hầu hết chúng ta thậm chí không ý thức rằng chúng ta không tự do. Có gì đó bên trong thì thầm cùng chúng ta rằng chúng ta không tự do, thế nhưng chúng ta không hiểu nó là gì và tại sao chúng ta không tự do.

Vấn đề đối với hầu hết mọi người là họ sống cuộc sống của họ và không bao giờ khám phá ra rằng Quan Tòa và Nạn Nhân điều khiển tâm trí họ, và vì thế, họ không có cơ hội nào để trở nên tự do cả. Bước đầu tiên để tiến tới tự do cá nhân là ý thức. Chúng ta cần ý thức rằng chúng ta không tự do, để chúng ta có được tự do. Chúng ta cần ý thức về vấn đề để có thể giải quyết vấn đề.

Ý thức luôn là bước đầu tiên vì nếu bạn không ý thức, bạn chẳng thể thay đổi được gì. Nếu bạn không ý thức rằng tâm trí bạn đầy những vết thương và nọc độc cảm xúc, bạn không thể bắt đầu thanh tẩy và chữa lành các vết thương, bạn sẽ tiếp tục chịu đau khổ.

Không có lý do gì phải đau khổ. Một cách có ý thức, bạn có thể nổi loạn và nói: “Thế là đủ rồi!” Bạn có thể tìm cách chữa lành và thay đổi giấc mơ cá nhân của bạn. Giấc mơ của hành tinh chỉ là một giấc mơ. Nó thậm chí không có thật. Nếu bạn đi vào giấc mơ và bắt đầu thách thức các niềm tin của bạn, bạn sẽ thấy hầu hết các niềm tin đã khiến bạn tổn thương tâm trí đều không thật. Bạn sẽ thấy bạn đau khổ ngần ấy năm mà chẳng vì cái gì cả. Tại sao? Vì hệ thống niềm tin được đặt trong tâm trí bạn dựa trên những điều dối trá.

Đó là lý do tại sao điều quan trọng với bạn là làm chủ giấc mơ của mình. Đó là lý do tại sao người Toltec trở thành những bậc thầy về giấc mơ. Đời sống của bạn là sự hiển lộ giấc mơ của bạn; nó là một nghệ thuật. Và bạn có thể thay đổi đời sống của mình vào bất cứ lúc nào, nếu bạn không thích giấc mơ đó. Các bậc thầy về giấc mơ tạo ra một tuyệt tác về cuộc sống. Họ kiểm soát giấc mơ bằng cách đặt ra những chọn lựa. Mọi sự đều có hệ quả, và một bậc thầy về giấc mơ luôn ý thức được chúng.

Trở thành Toltec là một lối sống. Đó là một lối sống không có người lãnh đạo và người tuân theo. Ở đó, bạn có sự thật của riêng bạn và bạn sống với sự thật của chính bạn. Một Toltec trở nên khôn ngoan, trở nên hoang dã, và lại trở nên tự do thêm một lần.

Có ba nghệ thuật làm chủ sẽ đưa người ta đến chỗ trở thành Toltec. Đầu tiên là Làm Chủ Ý Thức. Đó là trở nên ý thức về kẻ mà ta thực sự là, với tất cả mọi khả năng. Thứ hai là Làm Chủ Biến Đổi, tức là làm thế nào để thay đổi, làm thế nào để giải thoát khỏi sự thuần hóa. Thứ ba là Làm Chủ Mục Đích. Mục đích, xét từ quan điểm của Toltec, là phần đời sống khiến sự chuyển hóa năng lượng trở thành khả thể. Đó là sinh thể sống duy nhất, bao gồm hết mọi năng lượng, hay là cái mà chúng ta gọi là “Thượng đế”. Mục đích chính là sự sống; nó là tình yêu vô điều kiện. Làm Chủ Mục Đích, vì thế, là Làm Chủ Tình Yêu.

Khi chúng ta nói về con đường dẫn đến tự do của Toltec, chúng ta thấy rằng họ có một bản đồ chi tiết để bứt phá khỏi sự thuần hóa. Họ so sánh Quan Tòa, Nạn Nhân và hệ thống niềm tin với một loại ký sinh xâm lăng tâm trí con người. Theo quan điểm của Toltec, những người bị thuần hóa đều mắc bệnh. Họ mắc bệnh vì có một vật ký sinh kiểm soát tâm trí họ. Thức ăn dung dưỡng vật ký sinh chính là những cảm xúc tiêu cực phát sinh từ sợ hãi.

Nếu chúng ta nhìn vào diện mạo của một vật ký sinh, chúng ta thấy rằng vật ký sinh là một sinh thể sống nhờ vào những sinh thể khác, hút lấy năng lượng của chúng mà không có một đóng góp hữu ích nào đáp lại, và dần dà gây tổn thương cho vật chủ của nó. Quan Tòa, Nạn Nhân và hệ thống niềm tin, tất cả đều rất phù hợp với mô tả này. Chúng cùng nhau tạo nên một sinh thể cấu thành bởi năng lượng tâm linh hay cảm xúc, và năng lượng ấy đang sống. Dĩ nhiên, nó không phải là năng lượng vật chất, nhưng cảm xúc cũng không phải là năng lượng vật chất. Các giấc mơ của chúng ta cũng không phải là năng lượng vật chất, nhưng chúng ta biết chúng tồn tại.

Não bộ có một chức năng là chuyển hóa năng lượng vật chất thành năng lượng cảm xúc. Bộ não chúng ta là một nhà máy sản xuất cảm xúc. Chúng ta nói rằng chức năng chính của tâm trí là mơ. Người Toltec tin rằng vật ký sinh – Quan Tòa, Nạn Nhân và hệ thống niềm tin – kiểm soát tâm trí của bạn; nó kiểm soát giấc mơ cá nhân của bạn. Vật ký sinh mơ nhờ tâm trí của bạn và sống đời sống của nó thông qua cơ thể bạn. Nó sống nhờ những cảm xúc phát sinh từ sợ hãi, và phát triển nhờ bi kịch và đau khổ.

Chúng ta tìm kiếm tự do để sử dụng tâm trí và thân thể của chính mình, để sống cuộc sống của mình, thay cho cuộc sống của hệ thống niềm tin. Khi chúng ta khám phá ra rằng tâm trí bị kiểm soát bởi Quan Tòa và Nạn Nhân, “ta” thực sự chỉ nằm trong góc khuất, chúng ta chỉ có hai chọn lựa. Một là tiếp tục sống theo lối chúng ta đã sống, quy phục Quan Tòa và Nạn Nhân, và tiếp tục sống trong giấc mơ của hành tinh. Hai là chọn làm điều chúng ta làm, như các trẻ nhỏ, khi cha mẹ tìm cách thuần hóa chúng ta. Chúng ta có thể nổi loạn và nói “Không!”. Chúng ta có thể tuyên chiến chống lại vật ký sinh, chống lại Quan Tòa và Nạn Nhân, một cuộc chiến giành độc lập, một cuộc chiến vì quyền sử dụng tâm trí và bộ óc của chính mình.

Đó là lý do tại sao trong tất cả những truyền thống Shaman ở châu Mỹ, từ Canada đến Argentine, người ta đều tự nhận là những chiến binh, vì họ đang ở trong một cuộc chiến chống lại vật ký sinh trong tâm trí. Đó là sứ mạng đích thực của một chiến binh. Chiến binh là người nổi loạn chống lại sự xâm lược của vật ký sinh, chiến binh nổi loạn và tuyên chiến. Nhưng là một chiến binh không có nghĩa là chúng ta luôn chiến thắng trong trận chiến. Chúng ta có thể thắng và cũng có thể thua, nhưng chúng ta luôn làm hết sức mình, ít nhất là chúng ta còn có cơ hội để lại được tự do. Việc chọn lựa con đường này, chí ít đem lại cho chúng ta phẩm giá của một kẻ nổi loạn và bảo đảm rằng chúng ta sẽ không phải là nạn nhân bất lực của những cảm xúc nhất thời của mình hoặc những cảm xúc độc hại của người khác. Ngay cả nếu như chúng ta thất bại trước những kẻ thù ký sinh kia, chúng ta cũng sẽ không nằm trong số những nạn nhân không muốn chống trả.

Trong điều kiện tốt nhất, việc làm một chiến binh cho chúng ta cơ hội thoát khỏi giấc mơ của hành tinh và biến giấc mơ cá nhân thành một giấc mơ mà ta gọi là thiên đàng. Cũng như hỏa ngục, thiên đàng là nơi hiện hữu trong tâm trí chúng ta. Nó là một nơi đầy niềm vui, một nơi chúng ta hạnh phúc, nơi chúng ta tự do yêu thương và là người mà chúng ta thực sự là thế. Chúng ta có thể lên thiên đàng trong khi còn sống, chúng ta không cần phải đợi đến khi qua đời. Thượng đế luôn hiện diện và Nước Trời ở khắp mọi nơi, nhưng trước tiên chúng ta cần có cặp mắt và đôi tai để nhìn thấy và nghe được sự thật ấy. Chúng ta cần được giải thoát khỏi vật ký sinh đó.

Có thể so sánh vật ký sinh với quái vật nghìn đầu. Mỗi cái đầu của nó là một nỗi sợ hãi nơi chúng ta. Nếu muốn tự do, chúng ta phải tiêu diệt vật ký sinh. Có một cách là tấn công từng cái đầu một của nó, nghĩa là chúng lần lượt đối mặt với từng nỗi sợ của chúng ta. Đây là một tiến trình chậm nhưng hiệu quả. Mỗi lần đối mặt với một nỗi sợ hãi, chúng ta tự do thêm một chút.

Cách thứ hai là ngừng nuôi dưỡng vật ký sinh. Nếu không cho nó thức ăn, chúng ta sẽ giết chết vật ký sinh bằng cái đói. Để làm như vậy, chúng ta phải giành được quyền kiểm soát cảm xúc của mình, chúng ta phải kiềm chế không thêm dầu vào những cảm xúc phát sinh từ sợ hãi. Điều này nói thì dễ, nhưng rất khó thực hiện. Nó khó khăn, vì Quan Tòa và Nạn Nhân kiểm soát tâm trí chúng ta.

Giải pháp thứ ba gọi là làm quen với chết. Việc làm quen với cái chết có cơ sở từ nhiều truyền thống và các môn phái bí truyền trên khắp thế giới. Nó được phát hiện ở Ai Cập, Ấn Độ, Hy Lạp và châu Mỹ. Cái chết này mang tính tượng trưng, nghĩa là giết chết vật ký sinh mà không làm hại thân xác vật chất của chúng ta. Khi chúng ta “chết” một cách tượng trưng, vật ký sinh phải chết theo. Cách này nhanh hơn hai cách trên kia, nhưng khó thực hiện hơn nữa. Chúng ta cần thật nhiều can đảm để đối mặt với thần chết, chúng ta cần phải rất mạnh mẽ.

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn mỗi giải pháp này.

NGHỆ THUẬT BIẾN ĐỔI:

GIẤC MƠ CỦA SỰ CHÚ Ý THỨ HAI

Chúng ta đã học được rằng giấc mơ bạn đang sống bây giờ là kết quả của giấc mơ bên ngoài đang thu hút sự chú ý của bạn và cung cấp cho bạn mọi niềm tin của bạn. Có thể gọi tiến trình thuần hóa là giấc mơ của sự chú ý đầu tiên, vì đó là cách sự chú ý của chúng ta được sử dụng lần đầu tiên để tạo ra giấc mơ đầu tiên trong đời bạn.

Một cách để thay đổi những niềm tin của bạn là tập trung sự chú ý của bạn vào tất cả những thỏa ước và niềm tin ấy, và thay đổi những thỏa ước với chính bạn. Khi làm thế, bạn sử dụng sự chú ý của mình lần thứ hai, nhờ đó tạo ra giấc mơ của sự chú ý thứ hai, hay một giấc mơ mới.

Điều khác ở chỗ là bạn không còn ngây thơ nữa. Khi bạn là một đứa trẻ, điều nói trên không đúng; bạn không có chọn lựa. Nhưng bạn không còn là đứa trẻ nữa. Bây giờ tùy vào bạn chọn điều gì để tin và điều gì không. Bạn có thể chọn tin vào bất cứ điều gì, và điều đó bao gồm cả việc tin vào chính bạn.

Bước đầu tiên là trở nên ý thức về màn sương mù trong tâm trí bạn. Bạn phải ý thức rằng bạn lúc nào cũng đang mơ. Chỉ với sự ý thức, bạn mới có khả năng biến đổi giấc mơ của bạn. Nếu bạn có ý thức rằng toàn bộ tấn kịch của đời bạn là kết quả của nhũng gì bạn tin, và điều bạn tin là không có thực, thì bạn mới có thể bắt đầu thay đổi nó. Tuy nhiên, để thực sự thay đổi niềm tin của bạn, bạn cần tập trung sự chú ý của bạn vào điều bạn muốn thay đổi. Bạn phải biết bạn muốn thay đổi nhũng thỏa ước nào trước khi có thể thay đổi chúng.

Vì thế, bước tiếp theo là phát triển ý thức về mọi niềm tin tự giới hạn bản thân, những niềm tin dựa trên sợ hãi khiến bạn không hạnh phúc. Bạn hãy rà soát lại tất cả những gì bạn tin, mọi thỏa ước của bạn, và thông qua tiến trình này, bạn bắt đầu biến đổi. Người Toltec gọi đây là Nghệ Thuật Biến Đổi, và đó là một sự làm chủ trọn vẹn. Bạn đạt tới chỗ Làm Chủ Biến Đổi bằng cách thay đổi những thỏa ước dựa trên sợ hãi đã làm bạn đau khổ, và tái lập trình tâm trí bạn, theo cách của riêng bạn. Một trong những cách để làm được điều này là tìm hiểu và chấp nhận những niềm tin thay thế, như bốn thỏa ước chẳng hạn.

Quyết định chấp nhận bốn thỏa ước là một lời tuyên chiến hòng giành lại tự do của bạn từ tay những vật ký sinh. Bốn thỏa ước đem lại khả năng chấm dứt nỗi đau cảm xúc, có thể mở ra cánh cửa cho bạn tận hưởng cuộc sống của bạn và bắt đầu một giấc mơ mới. Việc tìm hiểu các triển vọng cho giấc mơ mới của bạn là tùy ở bạn, nếu bạn quan tâm. Bốn thỏa ước được tạo ra để trợ giúp bạn trong Nghệ Thuật Biến Đổi, để giúp bạn phá vỡ các thỏa ước đang giới hạn bạn, giành lấy nhiều quyền lực cá nhân hơn, và trở nên mạnh mẽ hơn. Càng trở nên mạnh mẽ, bạn càng có thể phá vỡ nhiều thỏa ước hơn, cho đến khi bạn tiến thẳng vào trung tâm của tất cả những thỏa ước ấy.

Tôi gọi việc tiến vào trung tâm của những thỏa ước này là đi vào sa mạc. Khi bạn đi vào sa mạc, bạn gặp những quái vật của bạn, mặt đối mặt. Sau khi ra khỏi sa mạc, những quái vật ấy trở thành thiên thần.

Thực hành bốn thỏa ước mới là một hành động sức mạnh lớn lao. Phá vỡ lời chú của ma thuật trong tâm trí bạn đòi hỏi sức mạnh cá nhân vĩ đại. Mỗi lần bạn phá vỡ một thỏa ước, bạn lại có thêm sức mạnh. Bạn bắt đầu bằng việc phá vỡ các thỏa ước rất nhỏ và cần ít sức mạnh hơn. Khi các thỏa ước nhỏ hơn ấy đã bị phá vỡ, sức mạnh cá nhân của bạn sẽ gia tăng cho đến khi bạn chạm đến một điểm, khi cuối cùng bạn có thể đối mặt với nhũng quái vật to lớn trong tâm trí bạn.

Ví dụ, cô bé bị bảo đừng hát nữa kia nay đã hai mươi tuổi và cô vẫn không hát được. Một cách để cô vượt qua niềm tin cho rằng giọng của cô rất tệ, là nói: “Được rồi, tôi sẽ tập hát, cho dù tôi hát dở.” Khi ấy cô có thể vờ như có ai đó vỗ tay và nói với cô: “Ôi, hay quá.” Điều này có thể phá vỡ thỏa ước kia từng chút một, nhưng nó sẽ vẫn còn ở đó. Tuy nhiên, bây giờ cô có thêm chút sức mạnh và dũng cảm để thử lại và tập lại, cho đến khi cuối cùng cô phá vỡ được thỏa ước.

Đó là một cách bước ra khỏi giấc mơ hỏa ngục. Nhưng đối với mỗi thỏa ước từng làm bạn đau khổ mà bạn đã phá vỡ, bạn cần phái thay thế nó bằng một thỏa ước mới khiến bạn hạnh phúc. Điều này sẽ ngăn không cho các thỏa ước cũ quay trở lại. Nếu bạn cho một thỏa ước mới chiếm cùng một chỗ trống ấy thì các thỏa ước củ sẽ ra đi mãi mãi, và một thỏa ước mới sẽ đến thế chỗ nó.

Nếu có quá nhiều niềm tin mạnh mẽ tồn tại trong tâm trí thì tiến trình này xem như vô vọng. Vì thế, bạn cần phải bước từng bước một và kiên nhẫn với bản thân mình, vì đây là một tiến trình chậm chạp. Cách bạn đang sống hiện nay là kết quả của nhiều năm thuần hóa. Bạn không thể hy vọng phá vỡ sự thuần hóa chỉ trong một ngày. Phá vỡ các thỏa ước thực sự rất khó khăn, vì chúng ta đã đặt sức mạnh của lời (là sức mạnh của ý chí) vào trong mỗi thỏa ước mà chúng ta lập nên.

Chúng ta cần một sức mạnh như thế để thay đổi một thỏa ước. Chúng ta không thể thay đổi một thỏa ước bằng sức mạnh yếu hơn sức mạnh chúng ta đã dùng để lập nên thỏa ước, và hầu như mọi sức mạnh cá nhân của chúng ta đều được sử dụng vào việc tuân giữ các thỏa ước mà chúng ta có với chính mình. Đó là vì các thỏa ước của chúng ta thực sự giống như tình trạng nghiện ngập nặng nề. Chúng ta nghiện trở nên cái lối chúng ta từng là. Chúng ta nghiện giận dữ, ghen tị và thương thân. Chúng ta nghiện những niềm tin nào nói với chúng ta: “Tôi không tốt. Tôi không thông minh. Tại sao lại còn cố gắng làm gì? Những người khác sẽ làm việc đó, vì họ làm tốt hơn tôi.”

Tất cả những thỏa ước cũ từng cai quản giấc mơ đời sống chúng ta là kết quả của việc lặp đi lặp lại chúng. Vì thế, để chấp nhận bốn thỏa ước, bạn cần phải thực hành nhiều lần. Thực hành các thỏa ước mới trong đời sống là cách để những gì tốt nhất trong bạn trở nên tốt hơn. Việc lặp đi lặp lại sẽ tạo nên bậc thầy.

KỶ LUẬT CỦA CHIẾN BINH:

KIỂM SOÁT HÀNH VI CỦA BẠN

Hãy tưởng tượng bạn thức giấc vào một buổi sớm mai, tràn đầy sinh lực cho một ngày. Bạn cảm thấy tốt đẹp. Bạn hạnh phúc và có đầy năng lượng để đối diện với ngày mới. Rồi trong bữa điểm tâm, bạn cãi nhau to với vợ và cảm xúc ào ạt tuôn ra như cơn lũ. Bạn phát điên, trong cơn giận bạn tiêu phí biết bao sức mạnh của bản thân. Sau trận cãi vã, bạn cảm thấy kiệt sức, bạn chỉ muốn bỏ đi và khóc. Thật vậy, bạn cảm thấy quá mệt mỏi, nên bạn trở về phòng mình, sụp xuống và tìm cách hồi phục. Bạn tiêu phí cả ngày lùng bùng trong những cảm xúc của mình. Bạn không còn năng lượng để tiếp tục và chỉ muốn tránh xa hết mọi thứ.

Mỗi ngày, chúng ta thức dậy với một khối năng lượng tinh thần, tình cảm và thể chất nào đó, mà chúng ta sử dụng suốt ngày. Nếu chúng ta cho phép các cảm xúc của mình tiêu hao cạn kiệt khối năng lượng đó thì chúng ta chẳng còn năng lượng để thay đổi cuộc sống của chúng ta hoặc để dành cho người khác nữa.

Cách bạn nhìn thế giới sẽ tùy thuộc vào cảm xúc bạn đang cảm nhận. Khi bạn giận dữ, mọi thứ quanh bạn đều sai cả, không có gì là đúng. Bạn oán trách mọi thứ, kể cả thời tiết, dù trời đang mưa hay nắng, chẳng có gì làm vừa lòng bạn. Khi bạn buồn, mọi thứ quanh bạn cũng buồn và khiến bạn phát khóc. Bạn nhìn cây cối và cảm thấy buồn. Bạn nhìn mưa và thấy cái gì cũng buồn bã. Có lẽ bạn cảm thấy mình mong manh và cần phải tự vệ, vì bạn không biết vào lúc nào đó có một ai sẽ tấn công bạn. Bạn không còn tin tưởng bất cứ điều gì và bất cứ ai quanh bạn nữa vì bạn nhìn thế giới với cặp mắt sợ hãi.

Hãy tưởng tượng tâm trí con người giống như làn da của bạn. Bạn có thể chạm vào làn da mạnh khỏe và cảm thấy tuyệt diệu. Làn da của bạn được tạo nên để cảm nhận, và cảm giác đụng chạm thật tuyệt vời. Bây giờ bạn hãy tưởng tượng bạn có một vết thương, rách da và nhiễm trùng. Nếu bạn chạm vào phần da bị nhiễm trùng, bạn sẽ cảm thấy đau, vì thế bạn tìm cách che lại và bảo vệ da. Bạn sẽ không thích thú với đụng chạm, vì đau.

Bây giờ hãy tưởng tượng mọi người đều mắc căn bệnh ngoài da này. Không ai có thể chạm vào nhau, vì việc ấy gây ra đau đớn. Mỗi người đều có những vết thương trên làn da của họ, vì thế căn bệnh nhiễm trùng được coi là bình thường, vết thương cũng được coi là bình thường. Chúng ta tin rằng chúng ta vốn phải như vậy.

Bạn có thể hình dung chúng ta nên cư xử như thế nào với nhau, nếu mọi người trên thế giới đều mắc căn bệnh ngoài da như thế không? Dĩ nhiên, chúng ta khó có thể ôm nhau, vì như thế sẽ rất đau đớn. Do đó, chúng ta cần phải tạo ra một khoảng cách lớn giữa chúng ta với nhau.

Tâm trí con người giống hệt như mô tả trên đây về làn da nhiễm trùng. Mọi người, ai cũng có một cơ thể cảm xúc bị những vết nhiễm trùng phủ kín. Mỗi vết thương đều nhiễm nọc độc cảm xúc – nọc độc của tất cả các loại cảm xúc làm chúng ta đau khổ, như thù ghét, giận dữ, ghen tị và buồn bã. Một hành động bất công gây ra một vết thương trong tâm trí, và chính vì các khái niệm và niềm tin chúng ta có về bất công và công bằng mà chúng ta phản ứng lại bằng nọc độc cảm xúc. Tâm trí bị tổn thương quá nặng và đầy rẫy nọc độc bởi tiến trình thuần hóa, đến độ mọi người coi tâm trí bị tổn thương là chuyện bình thường. Điều này được coi là bình thường, nhưng tôi có thể đoan chắc, nó không bình thường đâu.

Chúng ta có một giấc mơ lệch lạc của hành tinh, và con người mắc căn bệnh tinh thần có tên là sợ hãi. Triệu chứng bệnh là tất cả những cảm xúc khiến loài người đau khổ như: giận dữ, oán ghét, buồn chán, ghen tị và phản bội. Khi nỗi sợ hãi quá lớn, lý trí bắt đầu tê liệt và chúng ta gọi đây là bệnh thần kinh. Các hành vi tâm thần xảy ra khi tâm trí quả hoảng sợ và các vết thương quá đau đớn, đến độ tốt nhất là cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài.

Nếu chúng ta có thể nhìn thấy trạng thái tâm trí như một căn bệnh, chúng ta sẽ tìm ra cách chữa trị. Chúng ta không buộc phải chịu đau khổ nữa. Trước hết, chúng ta cần sự thật để mở những vết thương cảm xúc, rút chất độc ra và chữa lành hoàn toàn vết thương. Chúng ta làm điều này thế nào? Chúng ta phải tha thứ cho những người mà chúng ta cảm thấy đã xúc phạm đến mình, không phải vì họ đáng được tha thứ, mà vì chúng ta yêu bản thân mình đến độ không muốn tiếp tục phái trả giá cho sự bất công.

Tha thứ là cách duy nhất để chữa lành vết thương. Chúng ta có thể chọn tha thứ vì chúng ta cảm thấy thương xót bản thân mình, chúng ta có thể thôi oán giận và tuyên bố: “Đủ rồi! Tôi sẽ không còn là vị đại Quan Tòa chống lại chính mình nữa. Tôi sẽ không tự đánh đập và lạm dụng bản thân nữa. Tôi sẽ không còn là Nạn Nhân nữa.”

Trước hết, chúng ta cần tha thứ cho cha mẹ, anh chị em, bạn bè mình và Thượng đế. Một khi bạn đã tha thứ cho Thượng đế, cuối cùng bạn mới có thể tha thứ cho chính mình. Khi đã tha thứ cho bản thân, sự tự khước từ mình mới chấm dứt trong tâm trí chúng ta. Sự chấp nhận mình bắt đầu hình thành, và tình yêu với bản thân bắt đầu phát triển sâu sắc để sau cùng bạn có thể chấp nhận chính mình như bạn vốn thế. Đó là sự khởi đầu của một con người tự do. Tha thứ chính là chìa khóa.

Bạn sẽ biết rằng bạn đã tha thứ cho ai đó khi bạn nhìn họ và bạn không còn một phản ứng nào về mặt cảm xúc cả. Bạn sẽ nghe tên của người đó và trong bạn không dấy lên phản ứng cảm xúc nào cả. Khi ai đó có thể chạm vào nơi trước đây là một vết thương và không làm đau bạn nữa, khi ấy bạn biết rằng bạn đã thực sự tha thứ.

Sự thật giống như một lưỡi dao mổ. Sự thật đau đớn vì nó mở toang mọi vết thương che đậy bởi những điều dối trá, nhờ đó chúng ta được chữa lành. Những điều dối trá ấy là thứ mà chúng ta gọi là hệ thống phủ nhận. Có hệ thống phủ nhận là một điều tốt cho chúng ta, vì nó cho phép chúng ta che đậy các vết thương và vẫn duy trì hoạt động. Nhưng một khi không mang vết thương hay độc tố nào nữa, chúng ta không cần nói dối nữa. Chúng ta không cần hệ thống phú nhận, vì có thể chạm vào một tâm trí lành mạnh, cũng như một làn da lành lặn, mà không gây đau đớn. Khi tâm trí lành lặn, được chạm vào còn là niềm vui.

Hầu hết mọi người đều gặp rắc rối vì họ không kiểm soát được cảm xúc của mình. Chính cảm xúc kiểm soát hành vi của con người, chứ không phải con người kiểm soát cảm xúc. Khi chúng ta mất kiểm soát, chúng ta nói những điều chúng ta không muốn nói và làm những gì mình không muốn làm. Đó là lý do tại sao không phạm tội với lời của mình và trở thành một chiến binh tinh thần lại quan trọng đến vậy. Chúng ta phải học kiểm soát cảm xúc để có đủ sức mạnh cá nhân nhằm thay đổi những thỏa ước dựa trên nỗi sợ hãi, thoát khỏi hỏa ngục và tạo ra thiên đàng của chính mình.

Chúng ta phải làm cách nào để trở thành một chiến binh? Có một số đặc tính nhất định dành cho chiến binh, gần như giống nhau trên khắp thế giới. Chiến binh có ý thức. Điều ấy rất quan trọng. Chúng ta ý thức rằng chúng ta đang trong cuộc chiến, và cuộc chiến trong tâm trí chúng ta đòi hỏi phải có kỷ luật. Không phải kỷ luật quân đội, mà là kỷ luật của một chiến binh. Không phải kỷ luật từ bên ngoài bảo ta phải làm gì và không làm gì, mà là thứ kỷ luật để trở thành chính mình, bất kể điều gì.

Chiến binh có sự kiểm soát. Không phải kiểm soát người khác, mà là kiểm soát các cảm xúc của bản thân, kiểm soát chính mình. Chính khi mất kiểm soát, chúng ta mới đè nén cảm xúc, chứ không phải khi chúng ta kiểm soát được đâu. Sự khác biệt lớn giữa một chiến binh và nạn nhân là: nạn nhân dồn nén, chiến binh kiềm chế. Nạn nhân dồn nén vì họ sợ bày tỏ cảm xúc của mình, sợ nói điều họ muốn nói. Kiềm chế không phải là dồn nén. Kiềm chế là giữ lại cảm xúc và bày tỏ nó vào đúng lúc, không sớm cũng không muộn. Đó là lý do tại sao các chiến binh không thể phạm tội. Họ hoàn toàn kiểm soát cảm xúc của chính họ và vì thế họ kiểm soát được hành vi của họ.

LÀM QUEN VỚI CÁI CHẾT:

ĐÓN CHÀO THẦN CHẾT

Con đường cuối cùng để đạt đến tự do cá nhân là chuẩn bị sẵn sàng để đón lấy cái chết, để xem cái chết như người thầy của chúng ta. Điều mà thần chết có thể dạy chúng ta là làm thế nào để thực sự sống. Chúng ta trở nên ý thức rằng chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào. Chúng ta chỉ có hiện tại để sống thôi. Sự thật là chúng ta không biết mình có chết ngày mai không. Ai biết được? Chúng ta nghĩ mình còn nhiều năm nữa trong tương lai. Nhưng có thực vậy không?

Nếu chúng ta đến bệnh viện và bác sĩ bảo rằng chúng ta chỉ còn sống được một tuần nữa thì chúng ta sẽ làm gì? Như đã nói trên đây, chúng ta có hai chọn lựa. Một là đau khổ vì chúng ta sắp chết, và nói với mọi người: “Tôi xui xẻo quá, tôi sắp chết rồi.” và thực sự tạo ra một bi kịch lớn. Chọn lựa khác là sử dụng từng giây phút để sống hạnh phúc, để làm điều chúng ta thực sự thích làm. Nếu chúng ta chỉ còn có một tuần lễ để sống thì chúng ta hãy tận hưởng cuộc sống. Hãy sống, chúng ta có thể nói: “Tôi sẽ là chính tôi. Tôi sẽ không còn sống cuộc sống của mình chỉ để làm vừa lòng người khác nữa. Tôi sẽ không còn sợ người ta nghĩ gì về tôi nữa. Bận tâm chuyện người khác nghĩ về mình làm gì, khi tôi chỉ còn một tuần nữa là chết? Tôi sẽ là tôi.”

Thần chết có thể dạy chúng ta sống từng ngày một như thể đây là ngày cuối cùng của đôi ta, như thể không còn ngày mai nữa. Chúng ta có thể khởi đầu mỗi ngày bằng câu: “Tôi thức dậy, tôi nhìn thấy mặt trời. Tôi sẽ bày tỏ lòng biết ơn với mặt trời và mọi sự, mọi người vì tôi vẫn còn sống. Thêm một ngày nữa để tôi là tôi.”

Đó là cách tôi nhìn cuộc đời, đó là điều thần chết dạy tôi: Trở nên hoàn toàn rộng mở, để biết rằng không có gì phải sợ cả. Và dĩ nhiên, tôi đối xử với những người tôi yêu thương bằng tình yêu, vì đây có thể là ngày cuối cùng mà tôi có thể nói với họ rằng tôi yêu họ. Tôi không biết tôi có còn được gặp bạn lần nào nữa không, vì thế tôi không muốn cãi cọ với bạn nữa.

Giả dụ tôi có trận cãi nhau to với bạn, và tôi xả ra với bạn tất cả những chất độc cảm xúc mà tôi có với bạn, và ngày mai bạn chết? Ôi! Lạy Chúa, vị Quan Tòa sẽ đánh giá tôi rất tệ, tôi sẽ cảm thấy tội lỗi về mọi điều tôi đã nói với bạn. Thậm chí tôi còn cảm thấy mắc tội vì đã không nói với bạn rằng tôi yêu mến bạn biết chừng nào. Tình yêu làm cho tôi hạnh phúc là tình yêu mà tôi có thể chia sẻ được với bạn. Tại sao tôi cần phải phủ nhận rằng tôi yêu bạn? Không quan trọng dù bạn có yêu lại tôi không. Tôi có thể chết ngày mai hoặc bạn có thể chết ngày mai. Điều làm tôi hạnh phúc ngay lúc này là cho bạn biết rằng tôi yêu bạn lắm.

Bạn có thể sống cuộc sống của bạn theo cách này. Khi làm thế, bạn tự chuẩn bị bản thân để làm quen với cái chết. Điều sẽ xảy ra khi bạn làm quen với cái chết là giấc mơ cũ đang có trong tâm trí bạn sẽ vĩnh viễn chết đi. Vâng, bạn sẽ có những hồi ức về vật ký sinh – về Quan Tòa, về Nạn Nhân và những điều bạn đã tin – nhưng vật ký sinh sẽ chết.

Đó là cái sẽ chết trong khi bạn đón chờ cái chết – vật ký sinh. Thật không dễ gì đón chờ cái chết, vì Quan Tòa và Nạn Nhân sẽ chống lại bằng mọi cách. Chúng không muốn chết, chúng ta cảm thấy mình là những người sắp chết và chúng ta sợ cái chết này.

Khi sống trong giấc mơ của hành tinh, chúng ta chẳng khác nào đã chết. Bất cứ ai sống mà đón chờ cái chết cũng nhận được món quà kỳ diệu nhất: Sự phục sinh. Nhận được sự phục sinh là sống lại từ cõi chết, là đang sống, là lại một lần nửa là chính mình. Phục sinh có nghĩa là trở nên như trẻ nhỏ – trở nên hoang dã và tự do, nhưng với một sự khác biệt. Đó là chúng ta có tự do cộng với sự khôn ngoan, thay vì ngây thơ. Chúng ta có thể phá bỏ sự thuần hóa của mình, trở nên tự do một lần nữa và chữa lành tâm trí của mình. Chúng ta buông mình cho thần chết, biết rằng vật ký sinh sẽ chết và chúng ta vẫn còn sống với một tâm trí lành mạnh và một lý trí toàn vẹn. Khi ấy, chúng ta tự do để sử dụng trí óc của mình và cầm lái cuộc đời mình.

Theo cách nói của Toltec, đó là điều mà thần chết dạy chúng ta. Thần chết đến với chúng ta và nói: “Ngươi xem, mọi thứ có ở đây là của Ta, chứ không phải của ngươi đâu. Nhà cửa, vợ con, xe cộ, nghề nghiệp, tiền bạc… mọi thứ đều là của Ta, và Ta có thể lấy chúng đi khi nào Ta muốn, nhưng bây giờ, ngươi có thể sử dụng chúng được.”

Nếu chúng ta quy phục thần chết, chúng ta sẽ mãi mãi hạnh phúc. Tại sao vậy? Vì thần chết mang quá khứ đi mất, để cho sự sống có thể tiếp tục. Đối với mỗi giây phút quá khứ, thần chết giữ lấy phần đã chết, và chúng ta giữ lấy cuộc sống đang diễn ra. Vật ký sinh muốn chúng ta mang theo mình quá khứ, và nó khiến cuộc sống quá nặng nề. Khi chúng ta cố gắng sống trong quả khứ, làm sao chúng ta có thể tận hướng hiện tại? Khi chúng ta mơ về tương lai, tại sao lại phải mang theo gánh nặng quá khứ? Khi nào chúng ta được sống trong hiện tại? Đó là điều thần chết dạy chúng ta làm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.