Buông Xả Phiền Não

Bài thứ ba: SÂN



TẠI SAO PHẢI TỨC GIẬN?

Phật pháp cho rằng, “Tham, Sân, Si”, còn được gọi Tam độc, là ba kiểu phiền não căn bản của con người. Trên thực tế, mỗi người chúng ta đều không thể tránh được tâm Sân, nhưng một số người có thể giấu cái Sân của mình đi mà không biểu hiện ra bên ngoài.

Nhưng cũng có một số người lại thường xuyên bộc lộ tâm Sân trong hành vi và lời nói của mình, vô tình thể hiện ở ngôn ngữ và hành vi, vừa làm tổn thương bản thân mình vừa làm tổn thương người khác. Do đó, chúng ta vẫn thường ví Sân là hỏa, cũng có thể gọi là Sân hỏa, bởi vì cũng giống như lửa, Sân có thể khiến chúng ta đánh mất sự bình tĩnh.

Nếu chúng ta có khả năng duy trì sự bình tâm thì không có tâm Sân. Nhưng luôn muốn duy trì tâm bình là điều không hề đơn giản. Khởi nguyên của tâm Sân là việc chúng ta không thỏa mãn với hoàn cảnh ngoại tại hoặc không thể khiến người khác thuận theo ý muốn của mình, khiến chúng ta nảy sinh xung đột mà tạo nên tâm Sân.

Thật ra đôi khi tuy người khác không gây trở ngại công việc của chúng ta, nhưng do ta thấy người đó chướng tai gai mắt, chưa hiểu gì liền nổi tức giận. Cho nên vì nguyên nhân hoàn cảnh bên ngoài, có lúc tự cho mình là đúng, nhưng chưa chắc là khách quan. Không nhất định do người, sự vật nào đó bên ngoài tác động cũng khiến ta tức giận, nhưng cho dù có rất bực tức thì người khác cũng chưa chắc biết được.

Ngoài ra, sân hận không hẳn là từ bên ngoài, có lúc phiền não ở bên trong, giống như có người tự hận mình bất tài, thiếu phước đức; hoặc hận mình không được thông minh, không nỗ lực… Mặc dù hận mình, không làm tổn thương đến người khác, nhưng trong lòng hận thì cũng không tốt. Nhất là tự hận mình đạt đến cực điểm thì bắt đầu hành hạ chính mình, và hành hạ mình nặng nhất là tự sát. Bởi vì họ chán ghét bản thân, tự thấy mình tồi tệ như thế, cho nên họ thực sự cảm thấy sống không bằng chết, chi bằng chết cho rồi.

Do đây chúng ta biết được sân hận đem đến cho mọi người tai họa rất lớn, nên phải hóa giải tâm sân hận kịp thời. Có hai cách hóa giải:

1.      Trước tiên là hóa giải theo quan niệm: Chúng ta phải phân tích kỹ nguyên nhân phát sinh sân hận, tiến thêm một bước nữa là suy nghĩ: “chúng ta sân hận cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng gì?”. Sau khi lý trí phân tích kỹ càng theo quan niệm thì sẽ biết bất luận hận người hay hận mình đều vô ích, chi bằng tự mình thay đổi, bắt đầu thực hành cải thiện hoàn cảnh, điều này phải thấy tác hại của hận, hoặc đối diện vấn đề tinh thần bực tức càng nhiều càng tốt.

2.      Phương pháp tu hành: Nếu như chúng ta phân tích, giải thích bằng mọi cách mà không hóa giải được tâm sân hận thì biện pháp tốt nhất là lạy Phật, niệm Phật, tụng kinh, ngồi thiền thật nhiều. Những phương pháp này có thể hóa giải tinh thần sân hận, giúp đỡ mọi người hiểu rõ tu hành tiêu nghiệp. Nhưng nếu chúng ta đối diện vấn đề mà không có tâm hổ thẹn và tâm sám hối thì rất khó tiêu trừ nghiệp lực.

Thật ra, bất luận chúng ta tu theo phương pháp nào, cũng phải học tập từ bi, chẳng những từ bi với tất cả chúng sinh mà bản thân mình cũng như vậy. Từ bi với mình là phải dùng trí tuệ để xử lý công việc của mình. Bất kỳ việc gì cũng không nên làm việc theo tình cảm cá nhân, vì làm như vậy rất dễ nổi giận, dễ xúc động. Hãy từ bi với mọi người, cho dù người khác có lý hay vô lý thì cũng nên thông cảm cho họ, giống như chúng ta mong muốn người khác thông cảm cho mình vậy. Nếu như chúng ta lấy mình làm gương hoặc đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để thông cảm với họ thì tâm sân hận dần dần giảm bớt.

SÂN LÀ LỬA TRONG TÂM

Phật giáo nói lửa sân là lửa vô minh, giống như câu nói: “Sân là lửa trong tâm, thiêu cháy rừng công đức”. Hay là “Một niệm tâm sân khởi, mở trăm vạn cửa chướng”. Chúng ta có thể thấy một niệm lửa sân trong con người có thể hủy sạch bao nhiêu công đức mình đã tu tập, giống như đứa bé chơi xếp nhà gỗ, chỉ cần nó tức giận đá một cái thì căn nhà khổ công ngồi xếp liền ngã nhào.

Vì thế, nhẫn là việc rất quan trọng. Không nhẫn được thì tâm nổi tức giận, tâm giận nổi lên thì biểu hiện ra lời nói và hành vi. Sự tức giận này trực tiếp từ lời nói và hành động bộc phát ra, làm tổn thương mọi người rất nhiều. Mặc dù có người bực mình nhưng chẳng dám nói ra, người khác không biết nên không bị tổn thương, nhưng trong tâm họ luôn bực tức, tự gây khổ đau cho mình. Cho nên tức giận, dù người khác thấy hay không thấy, đều là việc xấu.

Theo nghiên cứu sách báo, khi một người tức giận thì tế bào trong thân sẽ chết rất nhanh; đồng thời, người dễ nổi giận thì các hệ thống tiêu hóa, tuần hoàn, hệ bài tiết trong trong thân thể đều sẽ sinh ra chướng ngại. Người hay tức giận biểu lộ ra lời nói hay hành động thì không tốt cho sức khỏe; huống gì người không nói ra chỉ bực tức trong lòng, khi chúng ta buồn rầu, tự làm tổn hại thân tâm mình rất nặng. Đây cũng là nguyên nhân vì sao những người già thường buồn rầu sinh bệnh tật dễ tổn hại tinh thần.

Như thế, chúng ta phải hóa giải cơn tức giận như thế nào?

về phương diện quan niệm thì phải biết rõ vì sao mình tức giận, vì sao mình đau khổ như thế? Thật ra, nguyên nhân tức giận, dù muốn nói ra hay giận mà không dám nói, đều là vì cảm thấy mình bị oan uổng, nên trong lòng luôn ấm ức. Như chúng ta bị trách mắng làm việc sai, hoặc nói sai nhưng sự thật là mình bị người khác hãm hại; do đó, mình oán hận mà không kêu oan được, cũng oán hận người kia ác ý hãm hại.

Trước tình cảnh này, chúng ta có thể lý giải từ nhân quả. Hiện tại xảy ra sự việc như thế, có thể là nhân, cũng có thể là quả. Nếu là nhân thì chúng ta không cần trả thù, bởi vì chúng ta quyết trả thù họ, chẳng những họ đau khổ mà chúng ta càng đau khổ hơn. Còn nếu là quả thì chúng ta nên đón nhận không nên báo thù; nếu như chúng ta báo thù sẽ biến thành nhân, nhân quả tuần hoàn chồng chất vô tận sẽ không dừng. Chúng ta thấy rõ được điều này thì sẽ không tức giận, bất bình.

Nếu lúc đó, chúng ta chuyển quan niệm không được, nghĩ cũng không thông thì trước tiên không nên nghĩ đến nó, cũng không cần giải thích lý do, lúc này chỉ niệm danh hiệu “A Di Đà Phật” và “Quán Thế Âm Bồ-tát”; hoặc theo dõi hơi thở biết tâm mình hoạt động và hiện tượng đau khổ trong tâm mình. Lúc đó, chúng ta sẽ hiểu rằng “mọi người đều đã đau khổ như thế rồi, ta còn gây đau khổ nữa sao?”. Nghĩ đến điều này, trong tâm chúng ta sẽ không còn nghĩ đến chuyện chống đối, bất bình, tinh thần cũng dần dần lắng dịu, cơn tức giận sẽ giảm, làm theo phương pháp này chúng ta sẽ hóa giải được cơn tức giận.

Chỉ cần chúng ta linh hoạt vận dụng quan niệm và phương pháp của Phật pháp thì trong tâm chúng ta không bị lửa vô minh thiêu đốt tổn hại, và tránh được tâm sân hận không khởi lên.

TÂM SÂN VÀ TÂM TỪ

Có người nói tâm sân của người hiện đại rất nặng nên xã hội của chúng ta đầy rẫy hiện tượng bạo lực. Nói sân là tên gọi chung, nội dung của nó bao gồm: không hài lòng, tức giận, oán hận, xem thường và không tự tại. Những thứ này hiện ra nét mặt hoặc hành động đều là tức giận, làm cho mọi người cảm thấy rõ tâm thâm hiểm, gian trá; hoặc lo sợ đường sinh mạng của họ sắp bị uy hiếp. Có thể nói bất cứ việc gì không dùng tâm từ bi để đối xử với mọi người, trái với tâm từ bi là tâm sân.

Tâm từ bi là yêu thương bảo vệ người, lo lắng cho người, nhưng thể hiện tâm từ bi không phải lúc nào cũng hiện vẻ mặt ôn hòa, có lúc cũng giận dữ. Nhưng giận dữ khác với sân hận, nó là sự yêu thương, dùng phương thức uy nghiêm cũng biểu lộ lòng thương yêu, giống như chúng ta sợ đứa bé té xuống giếng nên mới hét to: “Con không được đến chơi gần bên giếng”; đây là nhắc nhở, thể hiện lòng yêu thương.

Nếu chúng ta chỉ quán sát nét mặt, giọng nói, cử chỉ thấy vẻ mặt ôn hòa thì cho là thương; còn hiện tướng phẫn nộ cho là sân, e rằng cũng chưa chính xác. Điều này phải cảm nhận, phản ứng đúng từ đối phương và động cơ hành vi để phán đoán. Như người khẩu Phật tâm xà, tuy ngoài miệng nói lời ngon ngọt, nhưng trong lòng tính toán làm những điều xấu, vì muốn hại người, tham lam tài vật của người khác, không được mới khởi tâm sân.

Ngay trong xã hội có những chuyện hận tình mà giết người khác dễ dàng, hoặc dùng thủ đoạn bạo lực để xử kẻ bạc tình, đều là từ tình yêu chuyển thành thù hận, dường như họ nhất định phải tận mắt thấy đối phương bị hại thì mới hả dạ. Nhưng không phải dùng hành động gây cho đối phương bị tổn hại mới là sân, chỉ cần khởi tâm mong cho đối phương bị hại thì đã sân rồi.

Chúng ta thường nghe mọi người nói: “Việc nhỏ không nhẫn được thì làm hỏng việc lớn”. Tâm sân gây ra trong cuộc sống thường ngày của chúng ta rất nhiều phiền não, trước tiên ảnh hưởng mối quan hệ giữa người với chúng ta. Bởi vì một người thường xuyên tức giận, khiến người khác lo sợ, sẽ bị coi như ma quỷ. Khi đó, cho dù không có ý hại người, nhưng người đó cũng khiến cho mọi người sợ hãi, xa lánh. Ngoài ra, mỗi người chúng ta đều trải qua kinh nghiệm này, sau khi nổi cơn giận dữ, thường cảm thấy rất mệt mỏi, không biết làm gì, buồn bực, vì sao còn phải nổi giận như thế?

Có người trải qua kinh nghiệm tu thiền sẽ phát hiện điều này, chỉ cần một niệm sân nổi lên thì tâm bất an, không có cách gì yên tĩnh được. Bởi vì tâm bất an, căng thẳng nên các mạch máu trong thân cũng phát nóng lên, hiện ra đỏ mặt tía tai, thân thể tất nhiên sẽ khó chịu, giống như lửa trong thân đang bốc cháy.

Tâm sân hận cũng làm cho con người đánh mất lý trí, không kiềm chế được tinh thần bực tức của mình; kết quả, hệ thống tiêu hóa, hệ thống máu tuần hoàn tiết ra bên trong đều do sân mà không điều hòa được; đây cũng là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ. Như vậy, tức giận làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an lạc thân tâm của chúng ta rất nhiều. Nếu chúng ta đem tâm sân hại người hại mình, vì sao không đem tâm từ làm lợi mình lợi người?

NGHỊCH CẢNH PHẢI NHẪN MÀ THUẬN CẢNH CŨNG NHẪN

Sở dĩ con người khởi tâm sân là do họ không thỏa mãn được ham muốn và tham ái; hoặc họ được rồi, lại sợ mất đi. Cho nên chỉ cần thuận theo ý mình thì vui vẻ, nhưng ở thế gian hết tám, chín việc không như ý; do đó, trong tâm thường nổi giận, tức giận là sân. Như oán hận, phẫn nộ và căm thù đều là sân.

Sự thật tâm sân làm tổn hại người, chỉ cần chúng ta vừa tức giận thì tế bào trong thân chết không biết bao nhiêu mà kể, rất dễ đưa đến tinh thần bất an và thân thể bị bệnh tật; cho nên tâm sân làm tổn hại nặng nhất là chính mình.

Vả lại, khi nổi tức giận cũng không thể giải quyết vấn đề chính xác. Chúng ta dùng những phương thức tranh cãi, ỷ quyền lực, tức giận… để xử lý sự việc, chỉ làm cho người ta sợ bạn nhất thời, vốn chẳng được việc gì. Chỉ có đem tâm từ bi hoặc là trí tuệ để xử lý thì mới có thể giải quyết vấn đề chính xác. Do đó, chúng ta thấy người có tâm rộng lượng thì cơ hội thành công thường rất cao; nhưng người dễ nổi cáu gắt, làm cho mọi người sợ hãi, tất nhiên không được mọi người tôn kính. Cho nên, chúng ta phải nỗ lực tu dưỡng tính tình của mình thì mới có thể làm lợi người và lợi mình.

Vậy làm thế nào hóa giải được tâm sân? Phương pháp tốt nhất là giải quyết tận gốc, hiểu rõ tâm sân nổi lên là vô ích, chỉ cần không sân thì bản thân mình mới tốt. Vì khi việc không như ý xảy ra mà chúng ta có tức giận thế nào cũng vô ích, tức giận lên sẽ chửi bới lẫn nhau; hoặc xảy ra xung đột làm hại người lại không lợi cho mình. Vì thế, chúng ta phải lắng nghe ý kiến của người khác và phải hết lòng thông cảm nỗi đau khổ của đối phương; như vậy, tâm sân sẽ giảm bớt.

Có người vừa động một tí thì liền nổi tức giận, chúng ta biết rõ tức giận là điều không tốt, họ cũng không muốn nổi giận, nhưng tật xấu lâu ngày quả là khó sửa đổi.

Khi gặp người như thế, ngay cả quan niệm cũng không áp dụng được. Chúng tôi thường dùng phương pháp dạy mọi người, là khi chúng ta tức giận thì theo dõi hơi thở và suy nghĩ: “Ta còn thở được, thật là may mắn”. Như thế, bực bội cũng dần bớt đi. Khi chúng ta đối diện với người đang nổi tức giận thì nhẫn nhục là cách ngăn chặn được xảy ra việc không hay. Vì thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói công đức nhẫn nhục nhiều hơn công đức trì giới, tu khổ hạnh. Chúng ta nhẫn nhục không chỉ đối với nghịch cảnh hiện tại phải nhẫn mà đối với thuận cảnh cũng phải nhẫn. Bởi vì, khi chúng ta gặp thuận cảnh thường ngất ngây tự mãn, nếu như gặp chút thất bại thì tâm sân hận lập tức nổi lên; cho nên, chúng ta thường giữ tâm lý bình tĩnh, không nên thỏa mãn đắc ý; đây là nhẫn có trí tuệ.

Có rất nhiều người lầm cho rằng nhẫn là nhẫn nhục chịu đựng. Do đó, khi họ gặp việc gì không hợp lý đều nói: “Thôi kệ! Mình cố gắng chịu đựng!”. Thật ra, nhẫn không phải là nén giận, chịu oan ức mà là kiềm chế hành động nóng nảy của mình, không nên phản ứng ngay lập tức. Bởi vì trước tiên chúng ta phải biết vì sao sự việc xảy ra, rồi mới có thể theo thời cơ thích hợp, phản ứng việc đó đúng lúc; như thế, mới giải quyết vấn đề vẹn cả đôi bên; đó mới là nhẫn nhục. Người tâm sân nặng thì chấp ngã cũng nặng, họ luôn chấp ý kiến, được mất và sĩ diện của mình. Thật ra, có rất nhiều việc chẳng có gì ghê gớm, vì một chút vấn đề sĩ diện mà tranh giành điều tốt, xấu với người khác; thậm chí, còn liều mạng mày chết tao sống, quả thật là rất đáng tiếc.

Vì thế, chúng ta không nên áp đặt người khác, cho là mình đáng được vênh váo đắc ý mà phải suy nghĩ: “Khi ta nổi sân, có phải đối phương cũng nổi sân như mình?”.

Nếu như cả hai người đều tức giận thì chắc chắn sẽ xảy ra vấn đề tranh cãi. Nếu chỉ tự mình nổi sân, còn đối phương vẫn bình thản thì chỉ có tự hại mình, bởi vì mình nổi giận, đối phương vẫn bình thản. Cho dù đối phương cũng bị hại, nhưng họ cũng ít phiền não hơn; cho nên mình bị tổn thương nặng, đối phương tổn thương nhẹ.

Chúng ta nghĩ thông suốt điều này, lần sau khi tâm sân nổi lên thì trước tiên kiềm chế lại cho mình một con đường rút lui, đồng thời cũng cho người khác một đường đi tới; như thế, hai bên sẽ thông suốt không bị chướng ngại.

TỨC GIẬN LÀ BỆNH MÃN TÍNH TỰ SÁT

Chúng ta đều biết sân là lửa trong tâm, chẳng những hại mình mà ảnh hưởng người khác cũng không tốt. Người thường nổi tâm sân thì giống như bệnh mãn tính tự sát; cho nên, chúng tôi thường khuyên các vị hãy cố gắng kiềm chế tính nóng nảy của mình.

Nhưng kết quả là càng kiềm chế tâm sân thì càng nổi sân; do đó, chúng ta phát hiện vốn không có biện pháp nào để kiềm chế được tinh thần mình đang bực tức. Vì thế, mỗi khi tâm nổi sân hận thì chúng ta hãy tự trách mình: “Làm thế nào bây giờ? Ngay cả mình cũng không kiềm chế được tinh thần bực tức, nói gì tới kẻ khác.”

Khi tinh thần bực tức thì không thể dùng cách thức kiềm chế để xử lý. Sân hận và từ bi là đối nhau; do đó, chỉ cần chúng ta bồi dưỡng, tăng trưởng nhiều tâm từ bi thì tâm sân tất nhiên sẽ giảm bớt. Cho nên, chúng ta hãy thử nhìn sự việc từ góc độ khác, chuyển tinh thần bực tức của mình thành tâm từ bi, tâm yêu thương tích cực để đối xử với mọi người, mới là phương pháp hóa giải tâm sân tốt nhất.

Ví dụ bạn đang bận, nhưng có bọn trẻ con ở bên cạnh bạn đùa giỡn ồn ào, tất nhiên bạn sẽ cảm thấy rất bực bội; nhưng nếu bạn chuyển ý nghĩ: “Bọn trẻ con này không biết mình đang bận, chỉ vì chơi đùa đang thích thú nên mới ồn ào”. Như thế, bạn sẽ cảm thấy chúng nó rất dễ thương, ngay lập tức ngọn lửa sân trong lòng bạn bị dập tắt. Nhưng nếu bọn trẻ đùa giỡn ồn ào làm ảnh hưởng công việc của bạn, có thể bạn chơi cùng với chúng nó, sẵn dip nghỉ ngơi một tí, rồi lại làm việc tiếp, như thế không chừng hiệu quả lại cao.

Thật ra, một người nào đó, hay công việc gì làm cho bạn tức giận, bạn nên cảm ơn họ. Bởi vì đối phương dùng hành vi không đúng để cho bạn có cơ hội học tập, để bạn ngăn chặn tâm sân; đồng thời, bạn nên thương yêu họ, bởi vì họ không biết hành vi của mình là sai.

Nhưng nếu tính sân đã thành thói quen mà chúng ta muốn sửa đổi liền thì quả là rất khó. Cho nên, chúng tôi thường khuyên mọi người niệm Phật A Di Đà; bởi vì khi tâm sân hận nổi lên, chúng ta niệm danh hiệu A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ-tát; hoặc danh hiệu Đức Phật khác, hay trì chú thì có thể chuyển được tinh thần bực tức thành niệm Phật, trì chú; hoặc tâm thanh tịnh niệm Bồ-tát. Chúng ta làm được như thế lâu ngày thì tâm sân hận tự nhiên sẽ chuyển thành tâm thanh tịnh.

Như thế, lần sau khi chúng ta muốn mắng người, hoặc hận người đến thấu xương, chúng ta cũng không cần kiềm chế tinh thần mà niệm một câu A Di Đà Phật; hoặc là Quán Thế Âm Bồ-tát. Cho dù, nhất thời nhẫn không được mắng người, nhưng câu mắng cũng là A Di Đà Phật. Như thế, chẳng những phẫn nộ, sân hận dần dần giảm bớt mà còn nuôi dưỡng thành thói quen thường xuyên niệm Phật, Bồ-tát.

Ngoài ra, chúng ta cũng thường tự hỏi mình: “Hôm nay, ta làm được bao nhiêu việc tốt? Trong tâm ta sinh được bao nhiêu tâm từ bi? Tâm có nổi sân hận không? Tâm sân hận có biểu lộ không? Hoặc trong tâm có sân hận nhưng chưa biểu lộ?”. Như Tăng Tử đã nói: “Ta mỗi ngày tự xét mình ba lần”. Chúng ta thường tự kiểm điểm ý nghĩ, lời nói, hành động của mình, có sự cố gắng kiểm soát mình như thế thì tâm sân hận ngày càng giảm bớt.

KIÊN NHẪN KHÔNG PHẢI LÀ NÉN GIẬN

Thông thường người không có tính kiên nhẫn đều có liên quan hoàn cảnh nơi họ sinh trưởng, nhân tố gia đình và quá trình giáo dục. Có người do gặp tình cảnh bất hạnh trong quá trình trưởng thành, tính cách bỗng thay đổi không có tính kiên nhẫn; nhưng cũng có người vốn không có tính kiên nhẫn, sau đó vì hoàn cảnh chỗ ở, gọi là “người nghèo cùng, không thể không cúi đầu”, vì hoàn cảnh họ phải cúi đầu trước thực tế, dần dần họ cũng trở thành người có tính kiên nhẫn. Do đó, tính kiên nhẫn không phải là việc “giang sơn dễ đổi, tính người khó sửa”, và cũng không phải người không tính kiên nhẫn thì sẽ không bao giờ kiên nhẫn được.

Vì thế, khi chúng ta cố gắng kiên nhẫn làm công việc nào đó với một người nào đó, trước tiên, chúng ta phải cảm thấy nên làm, rất thích làm, và nhất định phải hoàn thành. Kế đến, chúng ta xác định phải làm việc này với người nào đó, dù có muốn tránh cũng không tránh được; nên phải kiên nhẫn để xử lý công việc.

Nhưng người bình thường không phải lúc nào cũng kiên nhẫn, thường là do họ chán nản, hoặc không thích người cộng tác hay công việc đó; tiếp đến là do tính cách của họ như thế. Có người tính cách thô tháo, hễ động một tí liền nổi nóng, làm việc tùy tiện, nói không làm thì không làm; đây là người thích gì làm nấy. Hạng người thích gì làm nấy thường phải dựa vào vận may và phước báo thì mới có thể sống chung hòa thuận với mọi người, làm việc được trọn vẹn. Nhưng người suốt đời ỷ vào vận may thì thật khó thành công; cho dù có thể hài lòng tạm thời, nhưng vận may có lúc cũng thay đổi; cho nên, tốt nhất vẫn là bồi dưỡng tính kiên nhẫn của mình.

Ngoài tính kiên nhẫn còn có liên quan tới nghị lực.

Hoàn cảnh và công việc thường rèn luyện cho chúng ta. Cho dù người khác giao cho bạn công việc không thích hợp nhưng phải làm hoàn thành; hoặc là bản thân bắt đầu làm công việc nghiên cứu, trong quá trình tiến hành công việc đều cần cố gắng nhẫn nại rất nhiều. Ở đời mười việc hết tám, chín việc không như ý, bất luận là công việc, học nghề, hay quan hệ với mọi người, dường như đều gặp trắc trở. Xưa nay có rất nhiều nhà phát minh và người thành công đều từ trong thất bại mà nỗ lực không ngừng, nghị lực bền bỉ và nhẫn nại thì mới đạt được thành công cuối cùng.

Nhưng nhẫn nại cũng không có nghĩa là nén giận và cho nén giận là nhẫn là không hợp lý. Như chúng ta bị người khác ức hiếp, vì mình không biết phản ứng bằng cách nào nên đành nuốt giận thì không phải là nhẫn nại. Tự mình phải nhận biết người, sự việc rõ ràng, điều nào đúng thì mình cố gắng nhẫn nại. Nếu như chúng ta gặp việc mà không biết nhẫn nại và phấn đấu thì phần đông bỏ dở nửa chừng, không thể có hy vọng thành công.

Như chúng tôi chẳng phải là người thông minh, cũng không có phước báo, nhưng chúng tôi có nghị lực. Người khác chỉ cần một tiếng làm xong công việc, nhưng chúng tôi chấp nhận mất mười tiếng mới làm xong. Vì thế, khi tôi đi học ở Nhật Bản, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, người khác học một, hai năm thì học xong, tôi có thể mất năm, mười năm mới học xong. Nhưng chỉ cần tôi còn một hơi thở thì nhất định phải làm xong công việc mình muốn.

Vì thế tính đến nay, tôi có rất nhiều việc cũng gặp phải khó khăn, nhưng hoàn thành từ từ từng việc một. Xưa nay, chưa có việc nào thuận lợi hoàn toàn mà không có chướng ngại; hoặc hoàn thành trong chốc lát, mà đều phải dựa vào kiên nhẫn và nghị lực, khiến cho tôi cuối cùng đạt được kết quả viên mãn. Do đó, tôi tin rằng mỗi người chỉ cần bằng lòng kiên trì, không xem thường điều chúng tôi nói thì đều có thể rèn luyện được tính kiên nhẫn.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.