Ilyax đứng dậy đi ra hành lang.
– Tôi ra ngoài thở một lúc cho thoáng – Anh ta đứng ở cửa nói.
Tôi ngồi lại trong buồng toa. Bầu trời sắp rạng đông đung đưa ngoài cửa sổ thành một dải trăng trắng. Những cột dây thép mờ mờ vút qua. Đã có thể tắt đèn được rồi. Tôi nằm trên giá ngủ và nghĩ xem có nên kể cho Ilyax nghe những chuyện tôi đã rõ mà anh ta còn chưa biết không… Nhưng mãi anh ta vẫn không quay vào. Thế là tôi cũng không kể lại được gì cho anh ta biết hết.
Tôi đã có dịp làm quen với anh trạm trưởng cầu đường Baitemir vào lúc Ilyax đã biết rằng Axen cùng đứa con trai sống ở trên đèo.
Người ta đang sửa soạn đón đoàn đại biểu cán bộ cầu đường xứ Kirghizia sắp lên Pamir. Nhân dịp đó có một tờ báo của nước Cộng Hoà Tatgikixtan giao cho tôi viết một bài về các cán bộ cầu đường.
Trong số những đoàn viên có Baitemir Kulôv, một trong những cán bộ cầu đường xuất sắc nhất.
Tôi đi lên Độ Long để tìm gặp Baitemir.
Chúng tôi gặp nhau một cách bất ngờ và lúc đầu rất thuận lợi cho tôi. Đến một nơi trên đoạn đường đèo, chiếc ôtô buýt của chúng tôi bị một công nhân cầm cờ đỏ ngăn lại. Thì ra vừa có chỗ núi lở và bây giờ họ đang dọn đường. Tôi bước xuống xe đi lại chỗ núi lở. Quãng này đã được nẹp rất chắc. Chiếc máy ủi đang đùn đất xuống bờ dốc. Ở những chỗ máy không quay đầu được công nhân đang dùng xẻng và đầm san đất. Một người mặc áo tơi vải bạt đi ủng caosu bước cạnh chiếc xe ủi và ra hiệu cho người lái:
– Sang trái tí nữa! Lại vào lần nữa! Chạy qua chỗ nẹp kia! Thế! Thôi! Lùi lại…
Đường sửa đã gần xong, chỗ qua lại đã dọn sạch. Các tay lái xe từ hai phía bóp còi tới tấp, chửi ầm lên đòi mở đường, nhưng người khoác áo tơi vẫn không để ý đến, vẫn bình tĩnh chỉ huy. Anh ta cứ bắt chiếc máy ủi chạy đi chạy lại mãi qua chỗ đường ấy, nén chặt chỗ đất đóng nẹp xuống. “Đây đích thị là Baitemir rồi. Thật là người biết làm chủ công việc! ” – Tôi quyết đoán như vậy. Và tôi đã không nhầm, đúng là Baitemir Kulôv. Cuối cùng đường đã mở, xe từ hai ngả chạy qua.
– Sao anh lại đứng đây, ô tô buýt chạy mất rồi còn gì… – Baitemir bảo tôi.
– Tôi đến gặp đồng chí đây!
Baitemir không tỏ vẻ ngạc nhiên. Anh ta bắt tay tôi, vẻ giản dị và chững chạc:
– Có khách đến thăm tôi rất mừng.
– Tôi có việc cần hỏi đồng chí, Bakê ạ – Tôi nói, xưng hô với anh ta bằng tên gọi thân mật – Đồng chí có biết là các cán bộ cầu đường Kirghizia ta sắp đi thăm Tatgikixtan không…
– Tôi có nghe nói.
– Ấy thế cho nên tôi muốn được nói chuyện với đồng chí ít nhiều trước khi đồng chí lên đường đi Pamir.
Trong khi tôi nói rõ mục đích cuộc tới thăm, Baitemir mỗi lúc một sa sầm mặt xuống, tư lự mân mê hàng ria mép cứng màu nâu sẫm.
– Đồng chí đến đây là rất hay – Anh ta nói – Nhưng tôi sẽ không lên Pamir, và cũng chẳng cần phải viết về tôi.
– Vì sao vậy… Đồng chí bận việc, hay ở nhà làm sao…
– Công việc là con đường này, đồng chí cũng thấy đấy. Còn ở nhà… – Anh ta nín bặt, lấy thuốc lá ra – Ở nhà thì… tất nhiên cũng có công chuyện như mọi người, tôi có gia đình… Song tôi sẽ không lên Pamir.
Tôi bèn bắt đầu thuyết phục Baitemir, giảng giải cho anh thấy rõ cần có một cán bộ cầu đường như anh trong thành phần đoàn đại biểu như thế nào. Baitemir đứng nghe hầu như chỉ vì giữ xã giao và rốt cục tôi đã không thuyết phục được anh ta. Tôi rất bực, và trước hết là bực với mình. Cái linh tính nghề nghiệp đã phản bội tôi, tôi đã tìm đến con người này không đúng cách. Tôi chỉ còn có việc ra về tay không, không hoàn thành được nhiệm vụ của toà soạn giao cho.
– Làm thế nào được, thôi xin lỗi Bakê, tôi đi về. Chắc sắp có chiếc xe nào qua đường bây giờ…
Baitemir chăm chú nhìn tôi bằng đôi mắt điềm đạm thông minh, mỉm cười sau hàng ria:
– Người Kirghizia ra ở thành phố quên mất phong tục rồi. Tôi còn có nhà, có gia đình, có mâm cơm thết khách và chốn ngủ. Anh đã đến đây với tôi thì mai anh mới có thể ở nhà tôi ra đi, chứ không thể bỏ đi giữa đường được. Thôi ta đi, tôi đưa anh về chỗ nhà tôi và cháu. Anh đừng giận, tôi còn phải đi xem xét một lượt trước khi trời tối. Tôi sẽ quay về ngay. Công việc như thế đấy…
– Khoan đã, Bakê ạ – Tôi đề nghị – Tôi cũng cùng đi xem đường với đồng chí.
Baitemir hóm hỉnh nheo đôi mắt, ngắm nghía bộ y phục tỉnh thành của tôi.
– Chỉ sợ anh không tiện cùng đi với tôi. Hai đầu đường cũng xa, lại lắm dốc.
– Không sao!
Và hai người cùng đi. Chúng tôi dừng lại bên mỗi chiếc cầu, mỗi chỗ ngoặt, cạnh mỗi vực sâu và những ghềnh đá cheo leo. Dĩ nhiên là chúng tôi cùng trò chuyện. Cho đến nay tôi vẫn không sao đoán ra tôi đã tranh thủ được lòng tin và cảm tình của Baitemir từ lúc nào, bắt đầu từ câu nói nào. Anh đã kể cho tôi nghe hết chuyện đời anh và chuyện gia đình anh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.