Chân trời cũ
Vừa một kiếp người
Anh Hai tôi đi đến nay đã là sáu năm mà không hề quay về lấy một bận. Thỉnh thoảng tôi có đả động đến chuyện về, anh tôi lại gạt ngay đi:
– Cứ như trẻ con!
Tôi biết vì sao anh tôi không muốn về, mà chỉ thỉnh thoảng mới nhắn lời về thôi: anh tôi nghèo. Nghèo thì về làm gì, một khi họ hàng, bà con cứ yên trí là ai đi đâu xa về thì phải giàu. Nhưng cớ chính giữ anh tôi ở lại mãi đây là cái tuổi ba mươi của anh. Anh tôi nhiều lúc soi gương rồi cau mặt lại. Tôi biết anh tôi khổ lắm: ba mươi tuổi mà đã hai lần vợ chết. Nhiều khi nằm ngửa mặt lên trần nhà, đương suy nghĩ sự gì, anh tôi vùng dậy hỏi tôi:
– Mẹ năm nay bao nhiêu tuổi em nhỉ?
Tôi không biết đáp làm sao cả, vì tôi có biết mẹ tôi bao nhiêu tuổi đâu. Sáu mươi nhé? Bảy mươi nhé? Chắc đâu vào quãng ấy. Điều đúng nhất là mẹ tôi đã già. Đời người chỉ còn tính từng gang, từng tấc; mặt trời đã nhuộm một sắc vàng tận thế vì sắp xuống núi rồi. Ở lòng mỗi người trong ba anh em chúng tôi đều có hình ảnh một bà cụ già, vẻ mặt đau khổ, chống gậy chiều chiều trông ngóng một bầy con không về.
Anh tôi thấy hỏi tôi cũng không biết được thêm sự gì, nên lại nằm xuống, và lần này, kín đáo thở dài. Tôi ít khi nói chuyện với anh tôi, vì hai anh em ruột ít khi nói chuyện với nhau. Vài ba câu chuyện nhà cửa, mấy điều hỏi thăm về sức khoẻ, rồi chúng tôi quay ra nghĩ ngợi riêng, tựa hồ như sống tách hẳn nhau ra.
Anh tôi chơi khét tiếng lên một dạo. Hết giải khiêu vũ này đến giải khiêu vũ khác, hết bạc trăm vất vào sòng này, lại đến bạc nghìn vất vào sòng khác. Trên các dải đường đưa đến những ngõ truỵ lạc, anh tôi, mồm phì hơi rượu, thuốc lá ngậm xiên ra một bên mép, vẫn hất cái mũ dạ lên gần chỏm đầu, thất thểu đi tìm cái lí tưởng đen tối của đời anh. Đời sỉ nhục, mắng mỏ anh tôi nhiều lần, nên anh bảo không cần ngó ngàng đến đời nữa. Những con “gà mái thượng hạng” gọi anh tôi là ông Hoàng, và các bạn của tiền bạc tặng anh là “người rất thân yêu”. Anh tôi cho bọn này hưởng tất cả những đêm sung sướng mà chúng có thể ao ước được. Tiền bạc, tiền bạc nhắm mắt vất qua cửa sổ ấy, anh tôi không gửi về cho mẹ tôi, cho tôi đồng nào. Anh bảo cứ tiêu, tiêu cho sướng, cho từ cái chóp núi lăn xuống khe sâu, cho cùng một lúc hưởng được cả hai vị đời: khoái lạc và chua chát.
Cuối năm sau, người ta cho anh tôi vào tù. Tiền bạc lúc ấy mới được dịp minh oan cho cái két tự nhiên thủng của một nhà buôn to nhất nhì ở Hà Nội. Ngày dán cái trán vào thanh cửa sắt, trước mặt anh tôi, tôi thấy con người phóng đãng ấy nói một giọng buồn lạ:
– Cũng chả nên trách ai. Tiền bạc kiếm được một cách không lương thiện chỉ nên tiêu vào những chỗ không lương thiện.
Mẹ tôi ngày ngày đem cho anh mấy chiếc bánh giò và thỉnh thoảng phong thuốc lá. Một tháng sau, anh tôi được tha. Lo liệu nơi ăn, chốn ở cho anh tôi xong, chúng tôi đưa chân mẹ ra tàu. Lúc tàu huýt còi đưa mẹ tôi trở lại cái làng, cái chợ ở một vùng nhà quê Trung Kỳ, thì người chỉ vào cái đầu bị húi trọc của anh tôi mà dặn:
– Rồi liệu mà tu tỉnh lại đấy, con nhé!
Anh tôi im lặng không đáp. Nhìn dáng đi vẫn dường hoàng của anh, tôi thầm nhủ:
– Hay anh này lại định thụt két nữa đây?
Nhưng tôi không dám nói ra; tiếng thế, tôi vẫn sợ anh tôi, tôi còn phục anh tôi là khác. Anh tôi xấu ở ngoài đời, nhưng khi còn ở đằng sau cánh cửa gian phòng thuê, anh tôi vẫn tỏ ra là một người anh biết dạy em, yêu em.
Tôi nghiệm thấy từ ngày anh tôi bị bắt, bè bạn cứ rủ nhau vắng dần. Tự nhiên, trên trái đất của tình cảm, những bóng dáng thân thiết biến mòn đi, chỉ còn để mọc lên bên anh, hình dáng một người đàn bà goá tay dắt đứa con nhỏ là tôi.
Nhớ đến những người trước kia hay cho tôi ăn bánh, hay vuốt má tôi, tôi hỏi anh:
– Các anh Thịnh, Thảo, chị Joséphine Huệ, Henriette Loan đâu rồi anh?
Anh tôi không trả lời, đứng nhìn ra dãy phố âm thầm dưới bầu trời tang tóc như không hứa có ngày mai…
Cuối năm sau, tôi tiếp được tin anh tôi lấy vợ. Anh tôi lấy một người rất đứng đắn, theo lời anh, cốt để làm lại cuộc đời đã gần long lở hết. Tôi mừng vì có người chị dâu tốt, còn mẹ tôi, vì từ nay đỡ phải lo lắng nhiều cho anh. Trước mấy hôm cưới, anh tôi gửi cho tôi một bức thư:
Haiphong le 25 Mars 1939
Em yêu quý.
Anh báo cho em một tin vui: anh sắp lấy vợ. Em có thể tin chắc rằng em sẽ có một người chị dâu biết chiều chuộng em. Bao giờ rỗi, anh gửi tiền cho mà xuống đây chơi, lúc ấy, em mới tin lời anh nói là thật.
Chúc em học hành tấn tới. Về chuyện này anh đã có thư thưa với mẹ rồi. Mẹ cũng bằng lòng.
Anh của em
X.X
Ngước mắt nhìn lên tấm lịch, tôi viết thư trả lời cho anh:
Hanoi le 27 Mars 1939
Anh yêu quý,
Em sung sướng vô cùng khi nghe tin anh lấy vợ. Em sung sướng nhơn nữa là người vợ hiền lành của anh sẽ là người chị dâu gương mẫu của em. Nhưng em buồn lắm anh ạ. Tháng trước mẹ gửi ra cho em năm đồng, mẹ bảo đấy là tiền học vay được. HIện giờ mẹ không có lấy một cái quần cho ra trò, vì cái quần lĩnh Bưởi của anh biếu mẹ năm ngoái để mặc đi chợ đã sờn rách rồi. Em không muốn quấy rầy mẹ, nên em phải quấy anh. Anh chịu khó vay tạm cho em ở đâu bốn đồng rưỡi (quatre piastres et cinquante cents) cho em giả tiền học, không thì ông đốc trường đuổi đi.
Em chả còn lòng nào mà làm thơ mừng anh chị nữa. Bao giờ có tiền hãy hay. Chúc anh chị bình an.
Em bé của anh
X.X.
Bốn ngày sau, đương ngồi trong lớp, tôi nhận được một lá thư từ Hải Phòng gửi lên. Tôi xé ra xem thì thấy… tám đồng bạc! Tôi bàng hoàng như người chợt tỉnh ngủ. Có điều lạ là chữ đề phong bì lại là chữ đàn bà, hơi mất “phốt”. Tám đồng là tám đồng! Bức thư – gọi thế vì nó có tem, có dấu – không thêm một chữ hỏi thăm nào.
Mãi sau này, lúc người chị dâu quý hoá của tôi mất đi, anh tôi mới kể chuyện lại:
“Hôm nhận được thư tôi, anh tôi đút túi rồi quên đi. Cách đến ba hôm sau ngày cưới chị tôi lục quần áo xem có thư nhân tình không, thì bắt được mảnh giấy cầu cứu ấy. Chị tôi tháo ngay chiếc nhẫn ra cầm đi, gửi tiền cho tôi, vì chị không biết mua mandat thế nào”.
Câu chuyện trên kia sống mãi trong trí tôi, như vẻ mặt phúc hậu trong ảnh của người đàn bà đi qua cuộc đời anh tôi vừa đúng sáu tháng. Hôm nhận được tin chị tôi chết, tôi gục đầu xuống bàn khóc, như khóc một người ân nhân. Cái tình xa xôi ấy quả thật là cao quý, cao quý thêm khi người thi ân lại chưa gặp người chịu ân lấy một lần.
Ngày nay, mỗi khi gặp trên đường đời một người đàn bà thuỳ mị, tôi lại nhớ đến chị dâu tôi và tôi chắc sau này sẽ được ve vuốt bởi những bàn tay dịu dàng như cái bàn tay tôi tưởng tượng.
Lâu lâu, tôi lại xuống Hải Phòng thăm anh tôi một lần. Tôi nhận thấy anh tôi gầy đi, buồn thêm ra. Anh tôi thôi việc, nhất định nằm lì ở nhà một người bạn. Trong số phận đen tối của cuộc đời, anh tôi dò dẫm níu lấy cái tương lai không chắc chắn, mắt nhìn ra một phương trời không hứa hẹn, giữa một cánh đồng mà bão táp vừa đi qua. Tôi thương anh tôi lắm, những lúc anh ngồi gác chân lên bàn, ngửa mình ra thành ghế, điếu thuốc lá cháy hờ hững giữa hai kẽ tay, cặp mắt ngó chảm chú lên trần nhà trắng, trên đó, rong chơi mấy con thạch sùng. Một lần, tôi hấp tấp đi tàu từ Hà Nội xuống báo cho anh tôi một tin mừng: tại một công sở trên đây người ta đương cần dùng một viên thư kí thạo tiếng Anh. Trái lại với sự tôi chờ đợi, anh tôi lạnh lùng gật đầu một cái, rồi trả lời:
– Để anh xem!
Suốt ngày hôm ấy, tôi không thấy anh tôi đả động đến chuyện đi làm. Anh tôi cứ lờ đi như không có tôi ở bên mình, vẫn quẳng mũ xuống giường, rồi lại ném thân xuống ghế. Một giấc mơ bao phủ lấy cử chỉ và lời nói của anh. Con đường tôi ném ra trước mắt anh lại nhỏ quá, bấp bênh quá, trong áng sương mù dày nghịt vây kín đời anh. Nghe tôi giục lần thứ ba, anh tôi mới uể oải lại bàn ngồi làm “đờ măng”, còn tôi thì yên trí cầm quyển sách xem, rồi ngủ mất. Khi tôi tỉnh dậy, anh tôi đã đi từ lúc nào. Tôi lò mò lại bàn xem anh tôi đã viết được những gì, thì trời ơi, anh tôi thoắng một lối chữ như gà bới, với một văn pháp khó nhọc và mơ mộng đến cực điểm. Anh tôi viết như thế này:
Kính gửi ông giám đốc,
Tôi tên là… ngụ ở số nhà… phố…… Hải Phòng, được hân hạnh đến với tấm lòng thành kính sâu xa… sâu xa… sâu xa xin ông cái chân việc khuyết… Trời ơi! Tôi buồn quá, buồn quá, buồn…, buồn…đến chết được.
Chưa hết, anh tôi còn bỏ một đoạn giấy trắng, rồi chua thêm, như người nói xong chuyện, buồn quá, gắt lên một tiếng chua chát:
“Phải chăng là người ta phải sống thật sa ngã mới thấy mình sung sướng???”
Tôi buột miệng than dài:
– Ra anh này hỏng rồi! Điên rồi! Mơ ngủ rồi!
Hai giờ sau, anh tôi cầm cái vé tàu vè, bảo tôi:
– Đến ba giờ tàu chạy, em ra ga đi thì vừa.
Tôi ngơ ngác, không hiểu sao, nhưng cũng đi thu vén quần áo bỏ vào cặp, vì đã gần hai giờ bốn mươi rồi. Anh tôi đưa chân tôi ra ga, giơ tay chào tôi theo kiểu nhà binh, và nói bằng một thứ giọng say rượu:
– Em viết thư thưa với mẹ là anh vẫn bình yên nhé!
Anh tôi nói xong rồi biến mất. Nhìn lại sân ga, tôi hình dung bóng một người đau khổ, đi trộn vào trong những người đẹp đẽ, vui tươi, cái rơm rác trôi dạt trên biển đời, qua bao nhiêu ngày giông tố.
Tàu chạy được quá hai ga thì tôi quên mất anh tôi di. Trời mát và đẹp của tiết tháng tám cứ như xui người ta làm thơ. Đồng lúa miên man chảy ở hai bên thành tàu mau hơn dãy núi đường xa đi như người bách bộ.
Anh Cả tôi nghèo và phải nuôi vợ con. Anh Hai tôi phong trần, chán hết mọi sự cho đến cả hi vọng. Tôi làm thơ và chỉ thích có làm thơ. Mẹ tôi đau khổ sinh ra ba chúng tôi để chỉ càng ngày càng thêm đau khổ, càng ngày càng thấy mình già đi.
Cách ít lâu, anh tôi lại lấy vợ, lại thử lập cuộc đời. Sự cưới xin lần này không kèn. không trống.
Người chị dâu mới của tôi chắc hẳn không dược lương thiện lắm, vì anh tôi, tôi biết, chỉ thích tạo hạnh phúc trong những đêm đen, và làm mặt trời vào những ngày mưa lạnh. Mẹ tôi trả lời anh rằng: “Con muốn lấy ai thì lấy, mẹ bây giờ nghèo lắm, không còn sức nào lo cho con nữa. Mẹ chỉ lo cho thằng út sau này sẽ phải bơ vơ thôi”.
Thằng út là tôi. Nhưng tôi có bơ vơ đâu nào? Tôi vẫn ngày ngày nhìn mây gió, xây dựng cilộc đời trong không gian và ước ao cái chết của Lý Thái Bạch. Tôi sung sướng lắm. Tôi sống thoả rồi. Nàng thơ đến cho tôi hoa, và lấy cái tay hiền hậu xé từng mảnh đời của tôi mang đi, xé mà vẫn cho thuốc tê, nước ngọt. Mẹ tôi nhầm, cũng như người đời nhầm. Tôi có khổ đâu, mà mẹ tôi cứ khóc thương tôi mãi?
Người chị dâu mới của tôi lại cũng… chết nốt!
Tôi nhất định không lấy làm lạ nữa. Mẹ tôi bảo anh có số sát vợ. Sát vợ thì lấy đến tiên, tiên cũng chết nữa là người!
Anh tôi nhất định không lập gia đình nữa, nhất định không về. Rồi anh bỏ đi vào Sài Gòn, vào Phnom Pênh, và nghe đâu đương làm một chân gì trên hãng tàu buôn chạy ngoài vịnh Xiêm La.
Nhiều lúc tôi quên bẵng rằng trong đời tôi còn có một người anh đi bao nhiêu lâu mà chớ hề viết cho tôi một chữ. Không gian thê lương và mông mênh lắm, bóng dáng một con chim chỉ là con số không trong vùng rộng lớn. Tôi chắc anh tôi đã nhiều làn phải buồn, cũng như mẹ tôi nhiều lần đưa dải yếm lên lau nước mắt, và tôi tưởng tượng qua sợi khói thuốc lá mơ màng đến một góc biển xa xôi, nơi phiêu lưu một linh hồn phóng dật.
Bây giờ tôi đã đi đạo, vì tôi xét ra là tôn giáo chỉ cần cho sự tìm hiểu cái nghĩa tinh thần của sự sống. Hàng ngày đọc kinh, hàng tuần quỳ trước toà giải tội, tôi thấy tôi trong sạch hơn lên. Nhưng tôi không khỏi có vài giọt nước mát ứa trên mi, chảy trên quyển kinh tôi đọc, khi tôi nghĩ rằng, xa tôi đây, qua mây và qua gió, còn một người đau khổ sống tách hẳn ra những nỗi vui sướng trên trần. Giờ này, mẹ tôi chắc cũng đương lần hạt, và tùy theo hai tôn giáo khác nhau, lời cầu xin của chúng tôi vẫn là một: mong cho kẻ ở xa chóng được yên ổn trở về.
Nhìn lên tượng Chúa, tôi thấy tự đấy toả ra một lẽ thiêng liêng, nhân từ và đẹp đẽ. Tôi nhin vào trong hồn, hình ảnh một tù nhân của đời xổ tóc, ngày ngày nhìn ra mây gió, làm tôi đoạn lòng.
Điều tôi tin đúng nhất, là Chúa sẽ soi lòng cho anh tôi, sẽ cho anh hưởng một cuộc đời khác hẳn cuộc đời anh đang sống. Tin như thế, nên tôi chắc sẽ dược bắt tay anh tôi ở trên thiên đường.
12 – 1940
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.