Chị Đào, Chị Lý
Chương 19: HÒA HIỆP
Tối bữa sau ăn uống rồi Hoài xin về sớm vì khuya phải đi viếng nhiều phi trường ở Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Biên Hòa. Gặp Khánh đã ba đêm nói đã đủ chuyện rồi, vợ chồng ông Thái với mấy con cũng đã về nghỉ.
Thấy đồng hồ chưa tới mười giờ bà Ngọc biểu bồi chế một bình trà đem lên lầu rồi mẹ con lên uống đặng nói chuyện chơi.
Bà Ngọc nói dông dài một chút rồi bà phân trần tâm sự với con: ”Con về hai bữa rày con đã thấy bây giờ má không phải như hồi trước nữa. Má vui vẻ hoạt động chớ không phải buồn bực đau rề rề nữa. Ấy là nhờ Trời Phật phò hộ cho má, mà cũng nhờ vợ chồng anh Hai Thái giúp má như em ruột, nhứt là nhờ Đào với Lý yêu má như mẹ ruột, thay phiên nhau qua ăn ngủ với má đặng an ủi cho má hết buồn hết lo. Má nói thiệt với con, má chẳng khác nào người đã gần chết mà nhờ, trên Trời Phật ban ơn, dưới nhờ cả nhà anh Hai Thái giúp đỡ, nên má sống lại. Má mang ơn trên nghĩa dưới đều nặng hết. Nên mấy năm sau đây, từ khi hay con bị đạn mà khỏi chết, má đặt bàn thờ Phật trong nhà để hôm sớm tưởng niệm và ngày rằm với ngày mùng một má ăn chay, trước tạ ơn Trời Phật, sau khấn nguyện cho con lành mạnh đặng mẹ con sum hiệp. Từ bữa được tin con sắp được trở về Sài Gòn thì má mừng quá, má nguyện với Trời Phật chừng nào con về rồi má sẽ ăn chay mỗi tháng 6 ngày mà trả lễ. Đối với Trời Phật thì bắt đầu từ tháng 2 nầy má sẽ làm theo lời nguyện. Còn đối với nhà anh Hai Thái thì má bối rối hết sức, không biết phải làm sao má đáp nghĩa cho xứng đáng. Con đã thấy công việc làm trên Bình Phước. Má là đàn bà má làm sao được. Má nhờ tay anh Hai Thái hơn 2 năm nay ảnh bỏ phú cuộc buôn bán của ảnh cho ông Giáo Hiệp coi, ảnh tận tâm giúp má lên Bình Phước hằng ngày lo xây dưng cơ nghiệp của ông ngoại con hồi trước, đặng má trọn thảo với cha, mà má còn có lợi mổi năm mười muôn nữa, con nghĩ coi công ơn đó lớn là dường nào. Năm rồi có lợi nhiều, má chia hai cho ảnh cũng như hùn với nhau. Kẻ có của người có công.
Vợ chồng ảnh không chịu lấy tiền. Khổ hôn! Má nói quá, vợ chồng ảnh mới chịu chia lời, nhưng ảnh lấy một phần ba mà thôi, để cho má tới hai phần. Má không biết làm sao nên sẵn dịp người ta bán nhà rẻ lại có đủ đồ đạc má mới mua để đó đặng sau Đào với Lý có chồng thì má cho nó đặng trước đáp nghĩa cho vợ chồng anh Hai Thái. Sau má đền ơn riêng cho chị em nó”.
Khánh nói:
– Má tính như vậy hay quá. Ra đi con thấy má buồn rầu đau khổ, con đứt ruột. Con gởi gắm má cho chị Đào chị Lý, cậy hai chị ở nhà thế cho con mà săn sóc an ủi má. Con hay hai chị thay phiên ở với má như con gái trong nhà, con mới bớt lo. Nhưng con hay má nhờ hai bác với hai chị mà má hết đau ốm, lại được sống trong vui vẻ thân yêu nhiều khi con nghĩ chừng con về con không biết phải làm sao đền ơn đáp nghĩa cho vừa. Bác Hai gây dựng lại cơ nghiệp lại cho má, dầu có lời bác chịu chia hai đi nữa, ấy là má trả tiền công, chớ đâu phải đáp nghĩa. Còn với tình nghĩa của hai chị, má mua sẵn một tòa nhà để dành mà cho thì xứng đáng thiệt. Nhưng hai chị có chồng sẽ ở riêng, chớ đâu phải ở chung hoài. Có một cái nhà mà cho chung sao được, má cho chị nầy còn chị kia má tính sao?
– Hồi mới mua nhà má không có nghĩ tới chỗ thắc mắc đó. Má tính cho chung đặng sau Lý dọn phòng bào chế ở trong, còn Đào mở phòng coi mạch ở ngoài. Chừng mua xong rồi má mới nhớ tới sự hai đứa đó sẽ có chồng. Má đương bối rối, lo ngại về chỗ con nói đó, kế má được thơ con cho hay lối Tết chắc con sẽ được đổi về Sài Gòn, Má mừng rồi trí má phát sanh một sáng kiến có thể giải quyết sự bối rối đó được.
– Má tính làm sao?
– Má tính chừng con về, má nói vợ chồng anh Hai Thái gả con Đào cho con. Nó ở chung nhà nầy với mẹ con mình. Phía trước của mình còn dư rất nhiều. Chừng nó cần dùng coi mạch thì má cất riêng vài căn nho nhỏ ngó ra sân đó cho nó, hay là cất nối một bên hông cũng được. Làm như vậy thì tòa nhà mua bên kia má cho riêng một mình con Lý ở trọn. Má thấy làm cách đó thì ân nghĩa cả thảy đều được đền đáp vuông tròn, ba nhà ở luôn một dãy với nhau, tình thân yêu được bền dài, cảnh đời sống được luôn vui vẻ, má đợi con về má hỏi ý con rồi má sẽ nói chuyện với vợ chồng anh Hai Thái, con nghĩ sao?
Khánh trầm ngâm một một hồi rồi cậu đáp:
– Khi con mới quen với chị Đào chị Lý thì con có thiện cảm với hai chị vậy thôi. Học chung với nhau mấy năm, được gần gũi nhiều, con biết tánh nết của hai chị thì tình thiện cảm đó đó lần lần hóa ra tình thân yêu. Vì hai chị lớn hơn con một tuổi, nên tình thân yêu của con là tình chị em vậy thôi chớ thiệt con không có ẩn ý nào khác. Mấy năm sau nầy cách biệt nhau, mà hai chị sẵn lòng giữ lời con ký thác, hai chị thế cho con mà lo lắng cho má còn hơn có con ở nhà. Con đã cảm tình rồi còn thêm cảm nghĩa nữa. Thuở nay con mắc lo cho má nên con không có nghĩ tới việc cưới vợ. Nay má tính cưới chị Đào cho con. Má muốn làm như vậy cho trọn nghĩa vẹn tình. Ý của má hay lắm. Con biết rõ tánh nết chị Đào, kính má như mẹ ruột, mà má cũng yêu chị như con ruột. Chị làm dâu má thì hạp lắm. Mà con có vợ sắp được bằng Y Khoa bác sĩ thì có chỗ gì mà con chê được đâu. Huống chi muốn đền ơn đáp nghĩa, muốn được má vui vẻ mà sống với con, dầu con phải cưới một người vợ quê mùa hèn hạ con cũng không nệ. Bữa con mới về chị Đào lại nói chị kỉnh trọng cái thẹo trên mặt con chớ chị không dám chê. Vậy con hết lo về chỗ đó. Ngặt chị lớn hơn con một tuổi, lại thuở nay con kỉnh chị như chị con, con sợ chị ngại về chỗ đó chị không ưng làm vợ con.
– Con đừng lo. Nếu con bằng lòng thì má nói chuyện với vợ chồng anh hai Thái đặng cắt nghĩa cho Đào được. Người ta nói “Nhứt gái hơn hai, nhì trai hơn một ” tuổi như vậy kết vợ chồng tốt lắm. Gái lớn hơn hai tuổi còn tốt thay, lớn hơn một tuổi có sao đâu mà ngại.
– Mà chị Lý tánh nết cũng như chị Đào, chị Lý cũng kính cũng yêu má như chị Đào, chị Lý học đã xong rồi. Sao má không cưới chị Lý cho con, má lại chọn chị Đào còn học hơn một năm nữa?
Câu hỏi nầy làm bà Ngọc bối rối, bà phải ngập ngừng một chút rồi mới đáp:
– Hai đứa cũng như nhau mà không biết phải chọn đứa nào. Hôm Tết má cúng vái Phật Bà rồi má xin keo. Má lấy hai đồng bạc cắt má để trên bàn thờ. Ban đầu má vái nếu cuộc làm sui giữa má và vợ chồng anh Hai Thái mà tốt thì cho hai đồng sấp hết hoặc ngửa hết, còn như không tốt thì cho hai đồng bông chẹo, một đồng sấp một đồng ngửa. Má vái rồi má giằn thì hai đồng sấp hết. Vậy là tốt. Má vái nữa, như phải cưới con Đào thì cho sấp, còn phải cưới con Lý thì cho ngửa. Má dằn một đồng mà thôi bây giờ cũng cho sấp, tại vậy nên má phải chọn con Đào.
– Má đã tính kết cuộc hôn nhơn cho tròn ơn nghĩa, mà Trời Phật lại khiến như vậy, thì con phải chịu. Con hỏi cho biết vậy thôi, chớ cuộc trăm năm của con má định lẽ nào tự ý má con đâu dám cãi.
– Vậy thì sáng mai má nói chuyện với vợ chồng anh hai Thái.
– Con cưới chị Đào rồi, còn chị Lý biết chừng nào chị mới có chồng đặng má cho chỉ cái nhà đó?
– Chừng nào con Lý có chồng rồi sẽ hay. Cha chả, nếu anh Hai Thái gả Lý cho người xa lạ, họ chen vô ở một dãy với hai nhà nầy, không đồng tâm chí với nhau, sợ ít vui.
– Con muốn xúi anh Hoài cưới chị Lý đặng vợ chồng ảnh ở một bên mình. Má nghĩ coi được hay không má?
– Được lắm chớ. Hoài là anh em thân thiết với con từ hồi nhỏ đến giờ, lại quen với Đào và Lý nhiều nữa. Nếu Hoài chịu cưới Lý rồi ở chung một dãy với mình chắc vui lắm.
– Anh Hoài một tuổi với chị Lý, để con làm mai cho Hoài cưới Lý đặng ở gần nhau chơi.
Thế là nguyện vọng của bà Ngọc sắp được thỏa mãn hoàn toàn. Cưới Đào cho Khánh đặng đáp nghĩa với vợ chồng ông Thái nuôi dạy Lý hẳn hòi rồi cho bà nhìn con nữa. Gả Lý cho người tử tế thân thiết, rồi con trai con gái đều được sum hiệp với bà, mà chúng nó không hay biết tội lỗi của bà ngày xưa, nên bà khỏi bị con phiền trách, hoặc thất kỉnh. Bà vui mừng hết sức.
Ăn lót lòng bà Ngọc dặn con có rảnh con đi xuống hãng kiếm mua một chiếc xe hơi mới để riêng cho con đi làm việc, chớ xe cũ bà thường dùng đi lên sở, nên không rảnh cho con đi.
Bà qua nhà bà Hòa thì xe của ông Thái mới đưa Đào và Tòng đi học chưa về. Bà mới thuật lại cho bà Hòa nghe hồi hôm bà có bàn tính việc nhà với Khánh rồi, Khánh rất vui lòng mà chịu cưới Đào, lại hứa làm mai Hoài xin cưới Lý đặng ở chung với nhau một dãy cho vui. Hai bà vui mừng nên xe trở về hai bà lên Bình Phước mà bàn hai cuộc hôn nhơn đó với ông Thái.
Ông Thái thấy hai bà lên tới thì ông nói ông biết xe của bà Ngọc phải để cho Khánh đi. Vậy từ rày ông trả chiếc xe của ông lại cho ngoài nhà ông đặng hai bà đi và đưa rước sắp nhỏ đi học. Nhưng lúc nầy ông phải ở trên sở tối ngày. Vậy sớm mơi phải cho xe vô đưa ông đi rồi xe trở về ngoài Sài Gòn đến chiều lối 5 giờ sẽ lên rước ông vậy thôi. Bữa nào hai xe mắc hết, không đưa rước sắp nhỏ được thì biểu nó kêu xích lô mà đi, hoặc đi xe máy cũng được.
Hai bà nói chuyện hôn nhân thì ông nói nếu sắp nhỏ xuôi thuận hết thì càng tốt, vì hai nhà thêm thân thiết với nhau hơn. Nhưng ông khuyên bà vợ phải hỏi ý của Đào như Đào chịu thì sẽ tính lễ cưới. Còn việc của Lý thì nếu ưng Hoài mà bà Ngọc cũng đành bụng thì ông không ngăn trở. Nhưng chẵng nên nói cho Lý biết trước, phải đợi chừng nào Hoài cậy mai mối nói chánh thức rồi hai bà sẽ tính với con.
Bà Ngọc thuật rõ tâm sự của bà cho ông Thái nghe. Mẹ con bà tính cưới Đào là cố ý muốn cho tròn ơn tròn nghĩa. Còn gả Lý cho Hoài rồi cho ở cái nhà bà mua đó, ấy là cố ý muốn mẹ con gần nhau, mà khỏi phải nhìn nhau làm cho sanh việc không hay. Bà nói tới 11 giờ mới lên xe mà về với bà Hòa, hứa chiều sẽ cho xe trở lên rước ông Thái.
Xe về ghé nhà bà Hòa thì hai bà gặp Khánh đương ngồi uống la-ve mà nói chuyện với Đào và Lý. Khánh nói với bà Ngọc:
– Mấy năm nay con chạy xe Jeep giỏi, con có giấy thi của nhà binh cấp cho con đàng hoàng; con lái xe mà đi được, khỏi mướn sốp-phơ “.
Bà Ngọc cười, bà biểu con thôi về ăn cơm. Bà hỏi Đào với Lý người nào chịu qua ăn cơm với bà. Hai cô xin ở bên nầy ăn cơm với mẹ để Khánh ăn với bà.
Về tới sân, Khánh nói với mẹ rằng cậu đi làm công việc rồi sớm, cậu trở về hỏi Lý coi Đào học trường thuốc ở đường nào đặng cậu đi rước về nói chuyện té ra bữa nay Đào học tới 9 giờ rưỡi đã về rồi. Luôn dịp cậu ở đó nói chuyện mẹ con bàn tính hồi hôm đó cho Đào nghe và cậu hỏi Đào bằng lòng kết tóc trăm năm với cậu hay không. Đào thành thiệt nói rằng về phần Đào thì không thấy có điều chi trở ngại. Nhưng việc trăm năm phải do cha mẹ chớ con không phép tự chuyên. Thế thì Đào đã chịu rồi. Vô tới nhà Khánh lại nói hồi nãy cậu có dọ thử ý Lý coi Lý có chỗ gì chê Hoài hay không. Lý cũng nói như Đào, việc trăm năm tùy ý cha mẹ định. Lý không thấy có gì chê Hoài được.
Bà Ngọc cười mà nói: “Vậy thì việc mình tính đều xuôi thuận hết. Má với chị Hai Hòa lên Bình Phước đã hỏi ý anh hai Thái rồi. Ảnh bằng lòng gả Đào cho con. Còn con Lý nếu Hoài xin cưới, mà nó cũng ưng thì ảnh không cản trở, đặng hai anh em cưới hai chị em cho vui“.
Hoài đành bụng lắm. Nhưng Hoài muốn hỏi ý của Lý trước. Như Lý chịu thì Hoài sẽ thưa cho cha mẹ hay rồi mới cậy mai nói. Hoài cậy Khánh mời giùm Đào với Lý tối thứ bảy đi ăn cơm với hai anh em đặng Hoài dọ ý Lý.
Khánh về thưa cho mẹ hay rồi qua xin bà Hòa cho phép cậu thay mặt Hoài mà mời Đào với Lý đi ăn cơm. Biết Hoài là trai đứng đắn, lại thêm có Khánh đi theo, bà Hòa không lo ngại chi hết nên bà cho Đào với Lý đi.
Tối thứ bảy. Khánh lái chiếc xe mới rước Đào với Lý đi vô Chợ Lớn, Hoài đi xe riêng vô trước chực rước ba bạn lên cao lầu, vô phòng riêng ngồi uống đồ khai vị, Hoài mới nói: ”Chúng ta là bốn bạn thân yêu nhau hồi còn ôm sách đi học. Tôi với Khánh vì phận sự nam nhi nên phải ly tán trót 4 năm. Ngày nay được tái hiệp cùng nhau thiệt tôi vui mừng quá. Mà càng mừng nhiều hơn nữa là được hay bạn sắp cưới chị Đào. Vì vậy nên tôi mời ăn với tôi bữa cơm nầy đặng tôi tỏ lòng mừng của tôi và xin phép cầu chúc trước cho chị Đào với bạn Khánh sanh con nhiều đặng mấy bác hai bên vui lòng toại chí. Tôi biết chắc hai bạn sẽ hòa thuận trăm năm, sẽ hưởng hạnh phúc tràn trề nên tôi không cần chúc về việc đó, chớ không phải tôi quên hay là muốn làm khác thế tình thiên hạ. Còn tôi xin tỏ thiệt với ba anh chị, tôi về trển hổm nay cha mẹ tôi có nhắc việc cưới vợ. Tôi đương tư lự không biết vợ ở đâu mà cưới. Bạn Khánh báo tin cho tôi hay bạn sắp cưới vợ, bạn làm cho tôi nôn, bạn nói bạn cưới chị Đào thì tôi cưới chị Lý đặng bốn bạn cũ chung làm một khối. Tôi nghe lời bạn khuyên tôi mừng lắm. Ngặt tôi học nghề lái máy bay, tôi sợ chị Lý cũng như mấy cô gái giàu sang khác, chị chê tôi chị không ưng. Nhơn dịp gặp nhau đây tôi xin phép hỏi ngay chị Lý vậy chớ chị có chê tôi như một vài bạn gái của chị đó hay không, chị cứ thành thật nói cho tôi biết“.
Cô Lý ngó Hoài mà cười và hỏi:
– Tại sao mà chê? Tôi nghe nói nghề hoa tiêu ngành hàng không là nghề khó tập luyện hơn hết. Đi học bao nhiêu phải rơi rớt dọc đường hơn phân nửa còn thành công hơn phân nửa đó là may. Anh đã làm phi công thì vinh diệu lắm ai dám chê.
– Số là vầy: tôi về hổm nay tôi nghe có một vài cô gái Việt Nam giàu sang chê Phi công chúng tôi là “sốp phơ máy bay ” không tài năng danh giá gì. Anh em chúng tôi chắc phải cưới vợ gái ngoại quốc, hết trông mong cưới vợ Việt Nam được.
– Ai mà nói kỳ cục như vậy? Tôi không có nghe. Ví dầu có người chê như vậy, ấy là người chỉ biết bạc tiền không kể làm chi gì hết. Ấy là thứ chim se sẻ tối ngày xẩn bẩn theo mấy hàng rào kiếm coi có ai phơi lúa thì đáp xuống mà mổ; thứ chim đó có biết những con hạc những chim nhạn, những đại bàng làm gì ở trên mây xanh đâu. Dầu có người chê Phi Công, đó là người thiếu giáo dục, bình sanh mong lựa chốn êm ấm để núp giông gió mà kiếm ăn, không hiểu chi anh hùng nghĩa sĩ, không kể đến tổ quốc đồng bào chi hết. Người có học thức có tâm chí, ai cũng kính trọng Phi Công chớ ai mà dám khinh rẻ.
– Té ra chị không chê tôi sao chị Lý? Tôi mừng lắm. Tôi sẽ bước tới, bước tới liền.
Cô Lý với cô Đào ngó nhau mà cười.
Hoài day qua nói với Khánh:
– Bạn về thưa với bà bác hay trước, mai mốt má tôi vô sẽ cậy bà bác làm mai, nói dùm cho tôi cưới chị Lý. Nhưng nói rồi để đó, chờ tôi kiếm mướn được nhà rồi tôi sẽ cưới, chớ tiệm chật hẹp quá có vợ ở không tiện.
– Bạn khỏi lo nhà cửa. Má tôi có mua cái biệt thự khít bên nhà tôi. Má tôi tính hễ chị Đào hay chị Lý có chồng thì má tôi cho cái nhà đó mà ở. Tôi cưới chị Đào, chị ở bên nhà tôi. Nếu bạn cưới chị Lý thì vợ chồng bạn cứ tự nhiên ở cái nhà đó.
– Ồ! Được vậy thì tôi càng có phước hơn nữa. Ba nhà nhập làm một khối, tam gia hiệp nhứt vui biết chừng nào!
Hoài hớn hở kêu phổ ky biểu bưng đồ ăn cho mau. Rồi bốn người ăn uống, tâm đầu ý hiệp, nói chuyện vui cười, tuy đã thỏa thuận kết duyên, song hai cậu vẫn gọi hai cô là chị Đào chị Lý.
Hạng thanh niên của thế hệ mới, ung đúc tâm hồn theo quân sự, quen cầm xe jeep chạy rần rần, không kể đường quanh co, quen lái máy bay xông lướt gió giông vụt vụt không biết sợ nguy hiểm, bởi vậy làm việc chi cũng làm chớp nháng như xông trận, như tuôn mây.
Trong một tháng thì Khánh đã cưới Đào, vợ chồng ở cái nhà lầu chính giữa với bà Ngọc. Rồi hai tuần sau nữa thì Hoài cưới Lý, vợ chồng ở với nhau trong cái biệt thự một bên. Một buổi Khánh đi làm, Đào đi học; bà Ngọc nằm một mình trên bộ ván trong phòng khách đàn bà. Bà đương vui sướng về sự hai đứa con của bà đều được thành danh lại được gom về một cửa với bà. Thình lình anh bồi bước vô thưa cho bà hay có một cô trọng tuổi, xưng tên cô Kim, xin phép vào thăm bà.
Bà Ngọc không biết cô Kim nào ở đâu, bà lồm cồm ngồi dậy rồi bảo anh bồi mời khách vô. Khách vừa bước vô thì bà nhìn biết ấy là cô Kim, em gái của Trần Trung Chánh, tình nhân gây hại cho bà hồi còn nhỏ. Nhưng bà giả như không quen biết, bà mời ngồi rồi hỏi: ”Xin lỗi cô, vậy chớ cô là ai, cô đến thăm tôi có việc chi?”
Cô Kim cười đáp: ”Chị quên tôi hay sao? Tôi là Kim em của anh Chánh hồi trước đó. Anh tôi qua Pháp mà học thi lấy bằng bác sĩ rồi ở luôn bên đó mà tu nghiệp. Hôm nay nghe nước nhà đã được độc lập rồi, ảnh muốn trở về xứ sở đặng mở phòng coi mạch. Ảnh viết thơ biểu tôi kiếm chị coi bây giờ chị có chồng con hay không và chừng ảnh về chị có vui lòng gặp ảnh hay không?”.
Bà Ngọc lơ lửng nói: ”Anh Chánh? Anh Chánh nào? Tôi không nhớ”.
Cô Kim nói: ”Có lẽ nào chị quên”.
Bà Ngọc nghiêm nghị nói.: ”Khoảng đời của tôi hồi nhỏ là đời tội lỗi. Trót hai mươi mấy năm tôi lo tu niệm mà chuộc hết tội lỗi, tôi trả dứt nợ, tôi chôn mất khoảng đời đau khổ đó được rồi. Mấy năm nay tôi sống với khoảng đời mới, tôi không nhớ việc cũ chút nào hết. Giữa trời thanh bạch tôi không muốn cô bươi đống tro tàn cho nó bay bụi làm dơ dáy chớ không có ích gì ”.
Cô Kim muốn nói nữa. Mà bà Ngọc lại bước xuống đất, dường như muốn từ khách đặng đi vô trong, rồi kế bà Hòa qua chơi. Chủ nhà niềm nở nói chuyện không ngó ngàng đền cô Kim nữa. Cô kim phải cáo từ mà về.
Bà Hòa hỏi cô Kim đó là ai. Bà Ngọc mới thuật câu chuyện nói hồi nãy đó lại cho bà Hòa nghe. Bà Hòa hỏi tình cũ nghĩa xưa sao không chịu cho ông Chánh gặp đặng chỉ đứa con của ổng cho ổng biết?
Bà Ngọc nói: ”Thôi, thôi chuyện đã qua rồi không nên nhắc lại. Diễn tuồng bi kịch, tôi thủ vai đào lâu quá phải để cho tôi đổi vai ni-cô đặng tôi nghỉ cho khỏe chớ. Con người gặp khó khăn không bền chí, chờ yên ổn lại lân la, tình nghĩa gì mà cho biết con, cho gặp mặt“.
Có buồn rồi mới có được vui; có cực rồi, mới biết sướng. Bà Ngọc trải qua những nổi buồn rầu cực khổ. Từ đây bà mới vui sướng mà sống với cảnh đời thân ái giữa con trai con gái với dâu rể hòa thuận một nhà.
Có một điều làm cho người không hiểu tâm sự của con rể bà, họ có hơi thắc mắc, là Khánh kêu vợ là chị Đào mà Hoài cũng kêu vợ là chị Lý.
Ai muốn hiểu sao tự ý, bà Ngọc cứ vui cười tối ngày.
Còn bà Hòa có 2 đứa con gái mà chúng nó theo người khác hết, nhưng bà không buồn, là vì bà biết ngó xa, bà thấy trong ít năm nữa bà sẽ có dâu, nó thế cho con gái.
Phú Nhuận 25-8-57
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.