Chú bé mang pijama sọc
Chương 08: Tại sao bà nổi giận bỏ đi
Hai người ở nhà cũ mà Bruno nhớ nhất là bà nội và ông nội. Ông bà sống cùng nhau trong một căn hộ nhỏ ở gần những quầy bán rau quả, và vào quãng thời gian Bruno chuyển tới Ao Tuýt, ông nội đã gần 73 tuổi, theo hiểu biết của Bruno thì số tuổi ấy đã biến ông nội cậu thành người già nhất trên đời. Một buổi chiều Bruno đã tính ra rằng nếu cậu có sống đi sống lại tát thảy đời mình tám lần liền thì cậu vẫn trẻ hơn ông nội một tuổi
Ông nội đã dành cả đời để điều hành một nhà hàng ăn uống ở trung tâm thành phố, và một trong những nhân viên của ông là cha của cậu bạn Maurin của Bruno, chú ấy là bếp trưởng ở đó. Mặc dù ông nội không còn tự mình nấu ăn hay phục vụ bàn cho nhà hàng nữa, ông vẫn dành gần trọn cả ngày ở đó, chiều nào cũng ngồi bên quầy bar nói chuyện với khách hàng, dùng bữa tối và nán lại tới tận giờ đóng cửa, cười đùa cúng bạn bè của ông.
Bà nội chẳng bao giờ trông già nua như bà nội của những đứa trẻ khác. Thực ra Bruno biết được bà bao nhiêu tuổi – 62 tuổi – khiến cậu rất kinh ngạc. Hồi còn trẻ, bà đã gặp ông nội sau một buổi biểu diễn hòa nhạc của bà và bằng cách nào đó, ông đã thuyết phục được bà cưới ông, mặc cho tất cả những khiếm khuyết của ông. Bà có mái tóc dài rực đỏ, giống mái tóc của con dâu bà một cách đáng kinh ngạc, cùng đôi mắt xanh lá, bà cho rằng đó là bởi vì một phần nào đấy trong gia đình bà có mang dòng máu Ailen. Bruno luôn biết khi nào bữa tiệc của gia đình sẽ vào lúc sôi nổi nhất bởi bà nội sẽ cứ quẩn quanh bên chiếc piano cho tới khi có ai đó ngồi xuống bên nó và yêu cầu bà hát.
“Cái gì vậy chứ?” bà luôn kêu lên, giữ một tay trước ngực như thể chính ý tưởng đó làm bà ngạc thở. “Mọi người đang muốn nghe một bài hát ư? Ôi trời, tôi không đủ khả năng đâu. Tôi e rằng, thanh niên ạ, những ngày ca hát của tôi đã đi quá xa sau lưng rồi.”
“Hát đi! Hát đi!” mọi người trong bữa tiệc sẽ kêu lên, và sau một khoảnh khắc im lặng vừa đủ – đôi khi là vào khoảng 10 hoặc 12 giây – cuối cùng bà sẽ nhượng bộ mà quay sang người thanh niên ngồi bên chiếc piano nói bằng giọng mau lẹ và hóm hỉnh:
“La Vie en Rose, cung Mi thứ. Và nhớ cố gắng theo kịp những đoạn chuyển giọng đấy nhé.”
Tiếng hát của bà nội luôn ngự trị trong những bữa tiệc nhà Bruno, và vì một lý do nào đó dường như mẹ cậu rời khỏi khu vực tiệc tùng để đi vào bếp, theo sau là mấy người bạn. cha thì luôn ngồi lại nghe bà nội hát, Bruno cũng vậy vì cậu chẳng thích gì hơn là lúc nghe bà nội ngân cao hết giọng rồi đắm mình trong tiếng vỗ tay của khách khứa khi bài hát kết thúc. Hơn nữa, LaVie en Rose luôn đem tới cho cậu cảm giác run rẩy và khiến những sợi tóc bé nhỏ ở sau gáy dựng đứng lên.
Bà nội cậu thích nghĩ rằng Bruno hoặc Gretel có thể nối nghiệp sân khấu của bà và vào mỗi dịp lễ Giáng sinh hay mỗi buổi tiệc sinh nhật bà sẽ sáng tác ra một đoạn kịch ngắn để ba bà cháu trình diễn cho cha mẹ cậu và ông nội xem. Bà tự viết kịch bản và theo như Bruno hiểu thì bà luôn dành cho mình những đoạn hội thoại hay nhất, dù cậu cũng chẳng bận tâm đến chuyện đó nhiều lắm. thường thì đâu đó trong vở kịch sẽ có một bài hát – mọi người đang muốn nghe một bài hát ư? Trước nhất bà sẽ hỏi vậy – cùng một cơ hội cho Bruno biểu diễn ảo thuật và Gretel khiêu vũ. Vở kịch luôn luôn kết thúc với phần Bruno đọc thuộc lòng một bài thơ dài của đại thi hào nào đó; những lời thơ cậu cảm thấy vô cùng khó hiểu nhưng bằng cách nào đó, càng đọc nhiều lần cậu càng thấy chúng đẹp đẽ hơn lên.
Nhưng đó chưa phải là phần tuyệt nhất của những tác phẩm nhỏ bé ấy. phần tuyệt nhất chính là khi bà nội chuẩn bị trang phục cho Bruno và Gretel. Bất kể là vai diễn nào, bất kể những lời thoại của cậu ngắn ngủi ra sao so với chị gái và bà nội cậu, Bruno luôn luôn được phục sức hệt như một chàng hoàng tử, hoặc một tù trưởng Ả Rập, hoặc thậm chí có lần còn giống như một đấu sĩ La Mã. Luôn có những chiếc vương miện, và khi nào không có vương miện thì sẽ có giáo mác. Khi không có giáo mác thì lại có roi da hoặc khăn cuốn đầu. chưa từng có ai biết được những vở diễn tiếp tới của bà nội sẽ như thế nào, chỉ biết là một tuần trước Giáng sinh, ngày nào Bruno và Gretel cũng sẽ bị triệu tập đến nhà bà để diễn tập.
Dĩ nhiên vở kịch cuối cùng của bà cháu cậu biểu diễn đã kết thúc trong thảm họa và Bruno vẫn còn nhớ tới nó trong một nỗi buồn bã mặc dù cậu không thật rõ điều gì đã xảy ra để dẫn tới cuộc tranh luận đó.
Khoảng một tuần trước ngày đó, không khí trong nhà thật vô cùng hào hứng và điều đó gì đó tới việc cha cậu lúc này được gọi là “Ngài Chỉ huy” bởi chị Maria, bác đầu bếp và bác Lars quản gia cùng tất thảy những người lính đi ra đi vào và sử dụng nơi đây – theo những gì mà Bruno có thể nhìn thấy – giống như thể nó thuộc về họ chứ không phải là nhà của cậu. chẳng có gì khác ngoài cảm giác hào hứng trong suốt nhiều tuần liền. khởi đầu là việc Quốc trưởng và người phụ nữ tóc vàng xinh đẹp tới dùng bữa tối, chuyến viếng thăm đã khiến cả ngôi nhà chìm trong một sự ngưng trệ, và rồi sau đó là nhiệm vụ mới này, cha cậu được gọi là “Ngài Chỉ huy”. Mẹ đã bảo Bruno tới chúc mừng cha và cậu đã làm vậy, mặc dù nếu thành thật với chính mình (điều mà cậu luôn cố gắng làm cho được) cậu không hoàn toàn biết rõ cậu chúc mừng cha vì điều gì.
Vào ngày Giáng sinh, cha cậu diện bộ đồng phục mới tinh, bộ đồ còn nguyên lần hồ và được là ủi cẩn thận mà giờ đây ngày nào ông cũng mặc, và cả gia đình vỗ tay khi thấy cha lần đầu tiên xuất hiện trong bộ đồng phục ấy. đó là một bộ đồ đặc biệt. so sánh với những người lính khác đi vào đi ra ngôi nhà, ông nổi bật hẳn lên, và giờ đây họ dường như kính nể ông hơn rất nhiều vì ông có bộ đồng phục đó. Mẹ cậu tiến lại gần cha, hôn lên má ông rồi vuốt một bàn tay lên ngực áo, bình luận rằng bà nghĩ chất vải thật tốt biết bao. Bruno đặc biệt ấn tượng với những thứ trang tri trên bộ đồng phục và cậu đã được phép đội chiếc mũ trong một thời gian ngắn, miễn là hai bàn tay cậu sạch sẽ trước khi đặt lên nó.
Ông nội rất tự hào về con trai mình khi ông thấy cha cậu trong bộ đồng phục mới nhưng bà nội là người duy nhất dường như chẳng thấy ấn tượng chút nào. Sau khi bữa tối đã được dọn ra, và sau khi bà cùng Bruno và Gretel biểu diễn xong tác phẩm mới nhất của mình, bà buồn bã ngồi xuống một chiếc ghế bành và nhìn cha cậu lắc lắc đầu như thể với bà, ông là một nỗi thất vọng vô bờ bến.
“Mẹ tự hỏi – có phải đây chính là điểm mẹ đã mắc sai lầm với con không Ralf?” bà nói. “Mẹ tự hỏi có phải tất cả những màn kịch mà mẹ bắt con diễn hồi con còn nhỏ đã dẫn tới chỗ này hay không. Phục sức như con rồi treo trên một sợi dây.”
“Thôi nào, mẹ,” cha cậu nhẹ nhàng nói. “Mẹ biết bây giờ không phải lúc mà.”
“Đứng kia trong bộ đồng phục của con,” bà tiếp tục,” Cứ như thể nó làm cho con trở thành cái gì đặc biệt lắm vậy. thậm chí chẳng thèm bận tâm xem ý nghĩa thật sự của nó là gì. Nó đại diện cho cái gì.”
“Nathalie, chúng ta đã thảo luận về chuyện này rồi mà,” ông nội nói, mặc dù mọi người đều biết rằng khi bà nội muốn nói điều gì bà luôn tìm được cách để nói ra, mặc cho rốt cuộc người ta có không thích nó tới mức nào.
“Chỉ mình ông thảo luận về nó thôi, Matthias ạ,” bà nội nói. “Tôi đơn thuần chỉ là bức tường trông không để ông gửi tới những lời nói của mình. Như thường lệ.”
“Đây là một bữa tiệc, mẹ ạ” cha cậu thở dài nói. “Và là lễ Giáng sinh. Chúng ta đừng phá hỏng mọi thứ.”
“Cha nhớ khi Đại chiến bắt đầu,” ông nội nói đầy tự hào, nhìn chằm chằm vào ngọn lửa và lắc lắc đầu. “Cha nhớ con đã về nhà nói với chúng ta chuyện con nhập ngũ và hồi đó cha đã chắc chắn rằng con sẽ bị tổn thương.”
“Nó thực sự đã bị tổn thương, Matthias ạ,” bà nội quả quyết. “Hãy nhìn nó thid biết.”
“Và giờ khi nhìn con,” ông nội tiếp tục, phớt lờ bà nội. “Cha cảm thấy tự hào vô cùng khi thấy con giành lại niềm kiêu hãnh sau tất cả những sai lầm khủng khiếp đã xảy ra. Sự trừng phạt ngoài sức tưởng tượng.”
“Ôi, nghe ông nói kìa!” bà nội kêu lên. “Tôi không hiểu ai trong hai cha con ông là kẻ ngớ ngẩn nhất đấy.”
“Nhưng mà, Nathalie à,” mẹ Bruno nói, cố gắng xoa dịu tình hình đôi chút, “Mẹ không nghĩ là Ralf trông rất đẹp trai trong bộ đồng phục mới này sao?”
“Đẹp trai ư?” bà nội hỏi, vươn người ra trước nhìn chằm chằm cô con dâu như thể cô bị mất trí. “Đẹp trai? Con vừa nói thế sao? Con thật ngớ ngẩn! có phải trên đời này đó là điều con coi là quan trọng không? Trông đẹp trai ấy?”
“Cháu trông có đẹp trai trong bộ trang phục chỉ đạo diễn xiếc của cháu không ạ?” Bruno hỏi, vì đó là bộ đồ mà cậu đang mặc trong buổi tiệc đêm hôm đó – bộ đồ màu đen đỏ của một người chỉ đạo đoàn xiếc – và cậu đã hết sức tự hào khi bản thân mặc nó. Tuy nhiên, ngay khi vừa nói ra điều đó cậu đã thấy hối tiếc, bởi vì tất cả người lớn đều nhìn về phía cậu và Gretel, như thể họ đã hoàn toàn quên mất rằng hai chị em đang ở đó.
“Các con, lên tầng ngay,” mẹ cậu lập tức nói. “Lên phòng các con đi.”
“Nhưng bọn con không muốn lên,” Gretel phản ứng. “Bọn con không thể chơi dưới này được ạ?”
“Không được,” mẹ cậu quả quyết. “Lên tầng và đóng cửa phòng lại.”
“Dù sao thì đó cũng là tất cả những gì đám lính các người mê đắm,” bà nội nói, hoàn toàn phớt lờ bọn trẻ. “Trông đẹp trai trong những bộ quân phục chải chuốt. chưng diện vào rồi làm những việc tồi tệ, cực kỳ tồi tệ mà các người vẫn làm. Điều đó khiến mẹ thấy thật xấu hổ. nhưng mẹ đổ lỗi cho chính mình Ralf ạ, không phải con đâu.”
“Các con, lên tầng ngay!” mẹ Bruno vừa nói vừa vỗ vỗ hai tay vào nhau, và lần này hai chị em chẳng có lựa chọn nào khác ngoài đứng dậy làm theo lời mẹ.
Nhưng thay vì đi thẳng lên phòng, Gretel và Bruno đóng cánh cửa lại và ngồi ở bậc thang trên cùng, dỏng tai nghe những lời người lớn nói bên dưới. Tuy nhiên, tiếng cha mẹ cậu lí nhí rất khó nghe rõ, tiếng ông nội thì chẳng nghe được chút nào, trong khi giọng bà nội rõ ràng đến kinh ngạc. Cuối cùng, sau vài phút, cánh cửa bật mở đánh sầm, Gretel và Bruno rút nhanh khỏi cầu thang trong khi bà nội lấy chiếc áo khoác treo trên giá móc ngoài tiền sảnh.
“Đáng xấu hổ!” bà kêu to trước khi ra khỏi nhà. “Khi mà con trai tôi lại trở thành…”
“Một người ái quốc,” cha cậu hét lên, cha có lẽ chưa bao giờ học nguyên tắc về việc không được ngắt lời mẹ mình.
“Một người ái quốc cơ đấy!” bà hét lên. “Những kẻ mà con phải chiêu đãi trong ngôi nhà này! Ôi trời, chuyện đó làm mẹ phát ốm. và trông thấy con mặc cái thứ quân phục ấy mẹ chỉ muốn móc mắt mình ra khỏi đầu!” bà nói thêm trước khi giận dữ lao khỏi nhà, đóng sầm cửa lại phía sau.
Sau lần đó Bruno hầu như chẳng nhìn thấy bà nội bao giờ nữa, thậm chí còn chẳng có cơ hội chào tạm biệt bà trước khi gia đình chuyển đến Ao Tuýt, nhưng cậu rất nhớ bà và quyết định viết cho bà một lá thư.
Ngày hôm đó cậu ngồi xuống với một cây bút và một tờ giấy, kể với bà nội cậu cảm thấy buồn bã ra sao khi ở đây và cậu mơ ước được trở về nhà ở Berlin đến nhường nào. Cậu kể cho bà nội nghe về ngôi nhà, khu vườn và chiếc ghế có gắn tấm biển hiệu, về dãy hàng rào cao ngất, những cây cột điện bằng gỗ và những cuộn dây thép gai, về mặt đất khô cứng ở phía đằng xa, những gian trại và những tòa nhà nhỏ, những cột khói và những người lính, nhưng hầu hết cậu kể với bà về những con người sống ở bên đó, những bộ pyjama, những chiếc mũ vải kẻ sọc họ đội, rồi cậu nói với bà nội cậu nhớ bà biết bao và ký dưới thư: “Cháu yêu của bà, Bruno.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.