Chúa tàu Kim Quy

Phần 1/Chương II



Ngày qua đêm lại lần lựa kể đã hai trăng. Bữa nọ đương ngồi ăn cơm chiều, Thủ Nghĩa dòm thấy cha mẹ có sắc vui bèn đem việc Kỉnh Chi xin cha mẹ định ngày cưới Thị Xuân ra mà nói. Thị Xuân nghe nói liền thôi ăn, đứng dậy cầm chén đũa mà đi xuống nhà sau. Vợ chồng Thủ Thành bàn tính với nhau rồi định qua đầu tháng năm sẽ cho cưới. Thủ Nghĩa ăn cơm rồi ra đứng dựa cửa thì thấy một tên lính lệ ở ngoài xăm xăm đi vô nhà mà nói rằng quan Huyện cho đòi Thủ Nghĩa. Thủ Nghĩa chẳng hiểu có việc chi mà quan Huyện cho đòi, bèn lật đật cho cha mẹ hay rồi mặc áo mà đi theo tên lính đặng hầu quan Huyện.

Khi Thủ Nghĩa đến dinh quan Huyện thì trời đã chạng vạng tối rồi. Quan Huyện dạy lính đốt đèn cho tỏ rõ rồi mới nói với Thủ Nghĩa rằng: “Qua trấn nhậm Huyện này đã tám chín năm nay, tuy qua biết ông già em chớ qua chưa biết mặt em, song qua thường nghe nói em là một người chơn chất thiệt thà, mà lại có học nho cũng khá. Qua hiểu người mà có lân la nơi sân Trình cửa Khổng, thì ít ai đành bỏ ông bà mà theo đạo Thiên Chúa bao giờ. Mà không hiểu vì cớ nào trong trong một năm nay qua được hai ba cái thơ, nói rằng em đã lén theo đạo Thiên Chúa rồi. Tuy thơ không có ký tên, nhưng mà nói rõ ràng coi có đủ bằng cớ lắm”.

Thủ Nghĩa nghe người ta tố cáo như vậy thì trong lòng giận lắm, nhưng mà ngoài mặt làm tỉnh đứng khoanh tay mà thưa cùng quan Huyện rằng: “Bẩm quan lớn, họ ghét tôi nên họ cáo gian cho tôi, chớ tôi ở gần đây tôi có vậy hay không quan lớn cũng đủ biết rồi chớ.

Quan Huyện ngó Thủ Nghĩa rồi chúm chím cười mà nói rằng: “Sao qua lại không biết. Có lẽ em cũng hay có lịnh triều đình cấm nhặt lắm, tuy vậy mà qua biết em không có, nên mấy bức thơ rơi qua xé hết qua không thèm xét làm chi cho thất công”.

Thủ Nghĩa cúi lạy quan Huyện và thưa: “Quan lớn là cha mẹ dân, quan lớn làm như thế thì ân đức của quan lớn ví như trời biển”. Quan Huyện đợi Thủ Nghĩa dứt lời rồi tiếp rằng: “Qua nói chưa hết lời. Hồi sớm mai này qua có được một cái tờ bên tỉnh gởi qua nói rằng có người đầu cáo nói em theo đạo Thiên Chúa nên dạy qua phải tra xét rồi phúc bẩm và giải luôn em qua bển lập tức cho quan trên định đoạt. Qua rõ biết tánh tình của em, chớ chi họ qui đơn mà họ cáo với qua thì dễ lắm; ngặt họ cáo bên tỉnh qua phải đòi em đến mà tra hỏi đặng thượng tờ cho quan trên. Bây giờ em khai làm sao đâu em thưa cho qua biết đặng qua có viết lời phúc bẩm”.

Thủ Nghĩa nghe nói, mồ hôi nhỏ giọt, liền cúi lạy xin quan Huyện thương, chớ việc họ cáo gian bây giờ có biết ra sao mà khai. Quan Huyện lấy lời dịu ngọt mà an ủi Thủ Nghĩa rằng: “Qua thấy em thiệt thà qua cũng thương, thôi để qua liệu thế mà cứu giùm em làm phước. Em chẳng nên lo sợ chi hết, để tối nay qua viết phúc bẩm rồi sáng mai qua trao cho lính cầm phúc bẩm mà dắt em qua bên tỉnh, hễ quan trên xem phúc bẩm của qua rồi thả em về, không có sao đâu mà sợ. Đêm nay em chịu phiền ngủ dưới trại lính đặng khuya dậy đi cho sớm”.

Thủ Nghĩa lạy quan huyện rồi thì quan Huyện dạy lính dắt xuống trại. Thủ Nghĩa nghĩ mình là người vô tội, mà thấy quan lại có ý thương mình nên trong lòng chẳng có chút nào lo sợ, chỉ lo là lo cha mẹ già yếu, sợ e hay việc như vầy rồi buồn rầu đó mà thôi. Mà thiệt lo cũng nhằm đó chút, bởi vì vợ chồng Thủ Thành hồi chiều thấy lính đòi con lên hầu quan Huyện chẳng hiểu có việc chi, nên có ý trông con về coi việc hiền dữ thể nào, trông đến tối rồi đến khuya, mà không thấy con về thì trong lòng xốn xang, nằm ngồi không yên chỗ. Đến nửa canh hai vợ chồng ngồi uống nước mà than thở với nhau, rồi Thủ Thành xách gậy mà lên Huyện, tính lên đó hỏi thăm coi có việc chi mà con không về. Đến Huyện ở ngoài hỏi thăm lính gác thì họ nói Thủ Nghĩa có tội chi không biết mà quan Huyện dạy giam trong trại đặng sáng ngày có giải qua tỉnh. Thủ Thành nghe nói biến sắc, nước mắt rưng rưng, tay run bây bẩy, muốn trở về nói cho vợ hay mà bỏ về không đành, đứng dụ dự một hồi rồi mới tính về lấy tiền đem lo cho lính đặng vô cho giáp mặt mà hỏi con cho rõ. Thủ Thành về, vợ hỏi thì giấu không dám nói ra, lén mở rương xe lấy một quan tiền cột vào lưng rồi trở lên Huyện nữa. Lên đến đó thì trống đã trở canh ba, nhờ có quan tiền nên lính lén dắt vô trại cho cha con gặp nhau. Thủ Nghĩa thuật hết những lời của quan Huyện nói với mình hồi hôm lại cho cha nghe, rồi khuyên cha đừng lo sợ, vì mình đã vô tội mà quan Huyện lại có hứa sẽ lập thế cứu giùm. Thủ Thành thấy con tỉnh táo mà lại nghe quan Huyện có lòng thương thì cũng bớt buồn; chuyện vãn với con được một hồi rồi lính vô biểu phải về kẻo ở lâu quan hay ắt là bị quở. Khi Thủ Thành bước ra về thì Thủ Nghĩa có dặn với rằng: “Xin cha kiếm lời cho khéo mà an ủi mẹ cho mẹ an lòng; khuya này có qua bên tỉnh thì chắc chiều mốt con sẽ về tới nhà, không có sao đâu mà sợ”.

Thủ Thành về tới nhà, thấy vợ còn chong đèn mà đợi, liền tỏ hết đầu đuôi cớ sự cho vợ nghe và cũng lựa lời mà nói cho vợ khỏi buồn rầu lo sợ. Vợ chồng than thở với nhau một hồi rồi tắt đèn đi ngủ. Tuy hai vợ chồng biết con mình là người vô tội, lại nghe có quan sở tại binh vực, song nằm nhớ tới thân con thì ruột thắt bồi hồi, bởi vậy cho nên nằm thổn thức hoài ngủ không được. Nghe trống dồn trở canh năm, Thủ Thành lồm cồm ngồi dậy đốt đèn; vợ cũng khoát mùng bước ra, kêu con gái thức dậy nấu cơm. Cơm chín rồi bèn vắt làm hai vắt, giở hũ mắm móc vài con mắm sặc, lấy lá chuối gói lại rồi trao cho chồng xách lên Huyện đón mà đưa cho con đem theo đặng ăn dọc đường. Thủ Thành tay xách mấy vắt cơm, tây cầm một gói mắm, đứng trước Huyện mà chờ từ rựng đông cho đến mặt trời mọc mới thấy Thủ Nghĩa đi ra. Thủ Nghĩa thấy mặt cha thì chẳng xiết nỗi buồn, nhưng mà phải ráng gượng cho cha vững bụng. Thủ Thành đưa cơm với mắm cho con thì rưng rưng nước mắt, chớ không nói được lời chi hết. Tên lính hối đi cho mau đặng qua tỉnh cho sớm.

Thủ Nghĩa lấy cơm mắm rồi lật đật theo tên lính xuống bến đặng ngồi xuồng mà đi. Thủ Thành cũng đi theo sau, Thủ Nghĩa ngó lại muốn nói chuyện với cha, song bởi lòng những bồi hồi mắt tràn giọt lụy, nên không nói chi được hết. Lúc đi ngang qua chợ, Thủ Nghĩa ngó vào quán rượu thấy Trần Tấn Thân với Lý Thiên Hùng ngồi uống rượu, chỉ mình rồi ngó nhau mà cười, coi bộ đắc chí lắm, thì có ý mắc cỡ và trong lòng phát nghi. Tới mé sông Thủ Nghĩa xuống xuồng rồi ngó lên thấy cha đứng trên bờ thì nói vói rằng: “Thôi cha về nghỉ, chắc sớm tối gì ngày mai con cũng về”.

Xuồng đã bơi đi mà Thủ Thành hãy còn đứng ngó theo cho đến đi khuất rồi mới lần bước đi về. Bước vô nhà thấy vợ nằm dàu dàu trong mùng thì sợ vợ buồn mà phát bịnh, nên Thủ Thành kiếm lời khuyên giải, lại nói dối rằng mình có gặp quan Huyện và quan Huyện có hứa rằng hễ Thủ Nghĩa qua đến tỉnh, quan trên xem phúc bẩm rồi thì sẽ thả về liền. Tuy vậy mà bà Lê Thủ Thành cũng không vui, tối ngày cứ nằm dàu dàu; đã không ăn cơm mà hễ ngồi dậy uống nước thì châu mày ủ mặt. Tối bữa đó bịnh ho trở lại, làm cho Thủ Thành lo lắng vô cùng.

Sáng ngày sau, Thủ Thành tính bổn thân đi rước ông Tú Đoài, chớ không dám sai con gái đi nữa, may vừa bước ra cửa thì thấy rể là Phạm Kỉnh Chi ở Cái Vừng lên. Thủ Thành trở vô thuật hết mọi việc cho rể nghe. Kỉnh Chi nghe thì đau lòng chẳng kể xiết liền xin để mình đi rước ông Tú Đoài. Thủ Thành hối con dọn cơm cho Kỉnh Chi ăn. Ăn cơm rồi, Kỉnh Chi mới đi rước thầy thuốc.

Nội ngày đó Thủ Thành cứ ngồi tại ván giữa mà trông con hoài, song trông đến tối mò mà cũng không thấy dạng. Còn Kỉnh Chi rước ông Tú Đoài coi mạch hốt thuốc cho mẹ vợ, thuốc uống từ giờ ngọ mà đến tối bịnh cũng không thấy giảm chút nào. Kỉnh Chi thấy nhà bối rối không nỡ bỏ mà về. Tối lại Thủ Thành nằm suy nghĩ, chắc là con mình qua đến đó bị quan trên có nhiều việc, nên chưa xét tới mà tha liền, có lẽ hồi chiều này người ta tha thì mai nó mới về tới.

Rạng ngày sau nữa, Thủ Thành không thấy con về thì trong lòng phát lo sợ, cứ ra vô mà ngó chừng hoài. Kỉnh Chi thấy vậy bèn xin để cho mình bơi xuồng mà đi đón Thủ Nghĩa, ví như đón không gặp về thì sẽ đi tuốt qua tỉnh mà hỏi thăm. Vợ chồng Thủ Thành đương trông con, mà nghe rể tính như vậy thì rất vừa lòng nên hối dọn cơm riết cho Kỉnh Chi ăn đặng có đi cho sớm.

Kỉnh Chi bơi xuồng đi lần lần đến tối đã qua tới tỉnh mà cũng không gặp Thủ Nghĩa về, anh ta trong lòng sinh nghi, tính ở lại đây chờ sáng ngày liệu thế hỏi thăm coi việc lành dữ thế nào rồi sẽ về thưa lại cho cha mẹ vợ biết. Đêm đó Kỉnh Chi nằm dưới xuồng nhịn đói mà ngủ chớ không ăn cơm, bởi vì tuy hồi đi cha vợ có đưa theo một quan tiền, song qua đến đây đã gần hết canh một rồi, thiên hạ đều ngủ hết có biết mua cơm ở đâu mà ăn.

Sáng ngày Kỉnh Chi bơi xuồng lại đậu ngay trước quán mua cơm ăn. Ăn uống xong rồi mới gởi xuồng cho chủ quán mà đi vòng trong chợ, có ý tính kiếm lính tráng mà hỏi không ra mối, túng thế Kỉnh Chi phải trở về quán cơm mà nghỉ. Kỉnh Chi đương ngồi ngó ra đường, trong trí tính coi còn thế nào khác mà hỏi thăm nữa, thình lình có một người trai khăn đen áo dài, coi đàng hoàng lắm, ở ngoài bước vô ngồi biểu chủ quán dọn một mâm cơm. Kỉnh Chi có việc buồn trong lòng, cứ ngồi chống tay ngó ra đường chớ không để ý đến người trai ấy. Cách một hồi, người ấy kêu Kỉnh Chi mà hỏi rằng:

– Chú ở đâu mà lại đây?

Kỉnh Chi nghe hỏi liền day lại đáp rằng:

– Tôi ở Cái Vừng.

– Chú vô đây có chuyện chi hay không?

Kỉnh Chi không biết có nên nói thiệt hay không nên ú ớ một hồi rồi nói rằng:

– Tôi vô đây tính mua vài tay lưới.

– Miệt Cái Vừng, Tân Châu sao mà người ta ưa theo đạo Thiên Chúa quá vậy chú.

– Tôi có thấy ai theo ở đâu.

– Sao lại không có. Tên Lê Thủ Nghĩa nào ở Tân Châu đó theo đạo mới bị tù rồi.

– Sao ông biết?

– Sao lại không biết. Tôi làm đề lại trong dinh quan Án tôi mới chép cái án của anh ta hồi sớm mai đây. Đáng kiếp!

Kỉnh Chi nghe nói mồ hôi nhỏ giọt, mặt mũi tái xanh, song gượng gạo làm tỉnh mà hỏi nữa rằng:

– Không biết người đó bị kêu án bao nhiêu ông há?

– Quan Thượng này ngài thiệt là người nhơn đức. Cái tội đó theo người ta thì chắc là xử trảm, mà ngài có nhơn nên ngài kêu án tù chung thân mà thôi.

– Úy! Kêu án chung thân mà ông còn nói có nhơn.

– Triều đình dạy hễ bắt được người nào có đạo thì phải trảm, mà ngài không chém, như thế không phải là có nhơn sao?

– Không biết người bị xử đó có kêu nài chi hay không ông há?

– Nó khóc dữ quá; nó chối nó không có theo đạo. Mà chối cái giống gì, theo tờ phúc bẩm của quan Huyện nói rõ ràng nó nghịch mạng triều đình lén theo đạo mấy năm nay, nó còn chối gì nữa được.

Phạm Kỉnh Chi càng nghe nói trong lòng càng rối loạn, hỏi thăm nữa không được nên đứng dậy xin một tô nước uống ngồi xuống xuồng mà bơi riết về Tân Châu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.