Chúa tàu Kim Quy

Phần 2/Chương I



Xưa nay nhà ngôn luận thường hay cãi với nhau, người thì nói tiền bạc là vật quí báu trong đời, bởi vì nó có thể giúp người phải làm việc phải, kẻ lại nói tiền bạc là vật rất lợi hại của xã hội, bởi vì nó hay giục người quấy làm việc quấy. Tuy hai phe tỏ hai lý tưởng khác nhau, song xét cho đáo để thì lý tưởng nào cũng là phải hết thảy. Chúa tàu vốn là một người tánh tình chơn chất, khi còn nhỏ mắc lam lụ làm ăn. Lúc ở tù mắc nhớ thương cha mẹ nên trí không rảnh rang mà suy nghĩ đến sự lợi hại của đồng tiền, mà từ khi ra Kim Qui tìm được bạc vàng trở nên một tay cự phú rồi trong trí vẫn còn lộn xộn, trong lòng vẫn còn ngậm ngùi, nên cũng chưa có dịp mà khảo cứu tới những lời cách ngôn, hay là nghĩ suy đến mấy điều thâm viễn được.

Nay tình cờ gặp tên Cam tên Quít, được nghe rõ hết các việc ở nhà, biết ai là người hại mình, ai là người giúp mình rồi, thì trong lòng đã hết nghi ngại, đã bớt buồn rầu mà lại còn nghĩ tới đồng tiền là một vật rất hại, cũng vì nó áng con mắt công bình, nó dời cái lòng chánh trực, nó giục cái lòng tham lam của con người, nên mình vô tội mà phải sa vào lao lý trót 11 năm trường, cha mẹ đau không hay, cha mẹ chết mà không thấy; mà đồng tiền cũng là một vật quí, cũng vì có nó nên ngày nay mình có thế mà biết được việc nhà, mà rồi đây có lẽ mình còn phải dùng nó nữa mà trả thảo, mới đền ơn, mới rửa oán được.

Chúa tàu và Trần Mừng đi trở về tàu và suy nghĩ như vậy. Xuống tới tàu thì bạn đã ăn cơm chiều rồi hết, duy có một mình Thu Thủy ngồi chờ nên chưa ăn mà thôi. Chúa tàu nói mình đã ăn cơm rồi, biểu Thu Thủy ăn đi và hối bạn chế trà ngon đem vào phòng đặng uống vài chén. Chúa tàu ngồi uống nước trà mà lòng suy tính lung lắm. Thu Thủy ngồi ăn cơm mà ngó Chúa tàu hoài, không hiểu Chúa tàu có việc chi đến nỗi phải lo, có điều chi mà không chịu ăn cơm, chớ không dè Chúa tàu tâm sự đa đoan và thiệt ăn uống cũng đã no say rồi nữa.

Chúa tàu uống nước rồi bèn kêu Trần Mừng mà dặn sáng phải đi kiếm mua chiếc tàu nữa, dầu mắc rẻ gì cũng phải mua cho được. Trần Mừng không biết Chúa tàu muốn mua tàu thêm nữa mà làm chi, song không dám hỏi, sáng ngày cứ vưng lời đi mua tàu. May lúc ấy có một người khách Hải Nam tên Hinh Như đi buôn đã làm giàu, bây giờ già rồi không muốn đi nữa, nên tính muốn bán chiếc tàu đặng lên chợ cất nhà dọn tiệm. Chiếc tàu này tuy đã cũ, song lớn hơn chiếc tàu trước. Chủ tàu dứt giá bốn chục lượng Trần Mừng xin bớt hết sức mà không được, nên túng thế phải mua.

Trần Mừng về nói lại cho Chúa tàu hay thì người mừng rỡ vô cùng, hối Trần Mừng mau mau đem bạc mà chồng, lại dặn mướn hết đà công với bạn cũ dưới chiếc tàu ấy và đi xuống xóm lò rèn mà mướn tên Cam với tên Quít nữa. Cam, Quít thấy Chúa tàu với Trần Mừng rộng rãi thì trong lòng khen ngợi hoài, nay nghe Trần Mừng nói Chúa tàu biểu xuống mướn ở bạn tàu thì khoái chí lắm nên lật đật gói quần áo mà đi theo liền.

Tàu dọn xong rồi, Chúa tàu biểu Cam với Quít qua chiếc tàu mới, rồi kéo neo, chiếc trước, chiếc sau, nối đuôi nhau chạy xuống cửa Tiểu đặng lên An Giang. Lúc đi dọc đường chẳng có chi lạ, duy Chúa tàu có sắc vui vẻ hơn trước, hay nói chuyện với Trần Mừng, hay hỏi thăm Thu Thủy, lại dặn Trần Mừng với Thu Thủy hễ biểu đâu thì cứ làm đó, dầu thấy việc dị thường cũng chẳng nên hỏi, mà dầu thấy điều trái ý cũng đừng thèm cãi. Hai người nghe dặn tuy không dám nói ra, chớ bụng tức cười thầm, bởi vì từ bấy nay, Chúa tàu làm việc nào cũng chẳng giống việc của người đi buôn, nhưng mà làm sao thì làm chớ có ai dám hỏi han hay là cãi lẫy mà phải dặn.

Khi hai chiếc tàu lên tới cù lao Giêng thì Chúa tàu biểu Trần Mừng lấy ít chục nén bạc rồi ngồi tam bản qua bên chiếc tàu kia đặng dạy đà công vô Vàm Nao mà lên An Giang. Chúa tàu lại dặn rằng hễ tới An Giang rồi thì biểu Hai Cam với Sáu Quít phải giả dạng mà đi kiếm coi Phạm Kỉnh Chi bây giờ ở tại đâu, làm việc chi, rồi neo tàu ở đó mà chờ; tàu mình tuy đi ngả khác, song trong một ít bữa rồi cũng sẽ qua đó mà hiệp.

Lên tới chợ Thủ Kiến Sai, lúc ấy trời đã chạng vạng tối, hai chiếc tàu mới tẽ hai ngả, chiếc của Trần Mừng thì qua Vàm Nao, còn chiếc của Chúa tàu thì đi dọc theo cù lao Tây mà thẳng lên Tân Châu. Nước miền trên tuy chưa đổ cho lắm, nhưng mà vì trời tối bớt gió nên tàu đi không đặng mau.

Người ở đời dầu nghèo hay giàu, dầu sang hay hèn, ai cũng có cái lòng tư hương; dầu đi xứ khác vui vẻ thế nào, cũng chẳng hề quên cái làng cũ của mình, mà nhứt là khi trở về gần tới quê xưa thì cái lòng tư hương lại càng tha thiết, làm cho mình đứng ngồi không yên, dường như muốn kết cánh mà bay đặng cho mau vậy. Chúa tàu khi phân cách Trần Mừng rồi thì đêm ấy ngủ không được, hễ nằm thì thấy nhà cửa điêu tàn trước mắt không nguôi, nhớ chuyện mẹ cha vĩnh biệt ngàn thu khó gặp; còn nếu đứng dậy đi ra ngoài thấy nhà họ ở hai bên mé sông đèn đốt leo lét, nghe chó họ sủa văng vẳng tiếng xa xa, thì cái lòng nhớ nhà càng dồi dào, giận chiếc tàu đi không mau, nên đứng ngoài chịu cũng không được.

Thu Thủy thấy Chúa tàu thổn thức, nằm không ngủ, ngồi không yên, thế khi trong lòng cũng xốn xang hay sao, nên lúc nửa đêm dưới tàu phần nhiều đều ngủ hết duy có một mình đà công đứng cầm tay bánh với vài ba tên bạn thức đặng giúp trở buồm, Thu Thủy mới thức dậy rửa mặt rồi lại chỗ để bộ trà rót nước mà uống. Chúa tàu ở ngoài vô phòng gặp Thu Thủy đương uống nước liền hỏi:

– Áo quần An Nam cô may xong chưa?

– Thưa, em may xong rồi hết.

– Sao không mặc thử coi vừa hay không?

– Thưa, Chúa tàu chưa biểu nên em không dám mặc.

– Đâu cô lấy mặc thử coi.

Thu Thủy lật đật giở áo quần may rồi lấy ra một cái áo và một cái quần, còn Chúa tàu thì chun vào phòng vấn thuốc mà hút. Thu Thủy thay đổi áo quần một hồi rồi Chúa tàu mới bước ra. Thu Thủy miệng thì mỉm cười, hai tay vuốt vạt áo, đầu thì nghẻo qua bên kia, cặp mắt một lát liếc Chúa tàu một cái. Chúa tàu ngồi uống nước nhắm xem Thu Thủy thì thiệt là một mỹ nữ, nhan sắc phi phàm, hình dung yểu điệu, mắt ngó hữu duyên mà tánh nết lại hiền hòa, ý tứ nghiêm nghị nữa. Chúa tàu ngó Thu Thủy, đợi nhắm nhía áo quần cho xong rồi mới hỏi: “Vừa hay không?”. Thu Thủy mắt ngó Chúa tàu, miệng cười chúm chím mà đáp rằng: “Thưa vừa lắm”.

Chúa tàu day mặt qua chỗ khác ngó sững một hồi, coi bộ như suy nghĩ chuyện chi vậy, rồi mới day lại mà nói rằng: “Tôi cũng muốn cho cô mặc đồ An Nam song bây giờ còn chưa tiện. Vậy cô chịu phiền hễ gần tới Tân Châu cô phải thay đồ xẩm mà mặc đỡ rồi sau sẽ hay.” Thu Thủy nghe nói vừa muốn mở nút áo mà thay liền, Chúa tàu thấy vậy bèn cản và dặn chừng nào gần tới Tân Châu sẽ thay. Chúa tàu nói dứt lời liền trở vào phòng mà nằm, chẳng biết ngủ thức mà không nghe động tịnh chi hết.

Sáng bữa sau, mặt trời vừa mọc, Chúa tàu thức dậy ra xem, thì tàu mới lên tới Hồng Ngự. Chúa tàu đội nón ngồi một bên đà công hoài, gặp chiếc thuyền nào cũng ngó theo, thấy cái nhà nào cũng đứng dậy mà coi. Vừa nửa buổi sớm mơi, nhờ có gió lao rao nên tàu đi mau được. Tới bữa cơm, Chúa tàu vào phòng ăn với Thu Thủy, song ăn thì ăn, chớ không nói chuyện chi hết, ăn cơm rồi cũng đội nón lên ngồi dựa một bên đà công. Đến trưa mới thấy mấy lùm cây tại Tân Châu. Chúa tàu đứng một chỗ không yên, ra trước mũi vừa ngồi thì liền đứng dậy trở ra sau lái, mà ra sau lái rồi cũng ngồi không được, bỏ mà đi tới trước mũi nữa. Chừng tàu còn một khúc sông nữa thì tới bến Tân Châu, Chúa tàu bèn dặn đà công tới đó thì neo dựa mé cho chặt, dặn rồi quày quả trở vô phòng biểu Thu Thủy thay áo đổi quần, cổi vòng, cổi kiềng mà giả dạng xẩm. Còn Chúa tàu thì nằm riết phòng trong, không ló ra nữa.

Ăn cơm chiều rồi Chúa tàu mới bước ra đứng tại cột buồm mà ngó lên chợ. Trên bờ con nít người lớn xúm nhau chừng hai ba mươi, ngồi dài theo mé mà xem tàu.

Có người bơi xuồng ra cặp một bên hông tàu mà hỏi coi tàu của ai, đến đây mua bán vật chi. Chúa tàu dặn bạn giả đò không biết tiếng An Nam, cứ nói tiếng Quảng Đông hoài, mấy người hỏi họ nghe không được nên bơi xuồng đi hết.

Đêm ấy Chúa tàu cho phép bạn nghỉ ngơi, bởi vì tàu chạy đã mười mấy ngày nên ai nấy cũng đều mệt mỏi. Chúa tàu biểu Thu Thủy chế một bình trà rồi mới xách lên chỗ đà công coi lái ngồi một mình uống nước hút thuốc mà ngó vô bờ. Thu Thủy tưởng Chúa tàu ngồi hóng mát một hồi rồi đi ngủ chẳng dè khuya nghe trống dồn trở canh năm, thức dậy dòm trong phòng trong thì thấy đèn chong leo lét mà không có Chúa tàu. Thu Thủy bước ra ngoài dòm trước xem sau thì thấy Chúa tàu hãy còn ngồi dựa tay bánh mà hút thuốc.

Thu Thủy nhớ lời dặn nên không dám hỏi, liền quày quả trở vào phòng. Cách một hồi Chúa tàu cũng trở vào, Thu Thủy liếc coi thì con mắt Chúa tàu đỏ chạch mà lại có hơi sưng nữa. Chúa tàu kêu một tên bạn thức dậy canh tàu rồi mới vào phòng tắt đèn mà ngủ.

Bị thức khuya, nên qua ngày sau đến lối giờ thìn, Chúa tàu mới thức dậy. Thu Thủy pha nước cho Chúa tàu rửa mặt rồi mới rót nước trà mà bưng lại. Chúa tàu uống nước và hút vừa hết điếu thuốc thì kế cơm dọn. Cơm nước xong rồi Chúa tàu thay quần áo mới, mở mấy gói hàng mua bên Hướng Cỏn ra mà lựa hai cây lụa trắng thiệt đẹp, lại lấy ra hai gói trà ngon và lấy giấy đỏ gói năm nén bạc rồi để lụa, trà và bạc trên một cái mâm, biểu bạn bưng đi theo lên chợ đặng đi viếng quan Huyện.

Bạn bơi tam bản đưa Chúa tàu lên bờ, trẻ nhỏ người lớn trên chợ ngó thấy chạy ra mé sông đứng coi đông nức. Chúa tàu thấy thiên hạ đi coi, rồi mới nhớ tới tâm sự, thì trong bụng tức cười thầm, nếu cha mẹ mình còn sống, ngày nay mình về thăm, mà đầu gióc bính, mình mặc đồ như vầy, chắc là cha mẹ cũng không biết ai mà hỏi. Chúa tàu lên bờ rồi, tay cầm quạt lông, khoan thai đi trước, còn tên bạn bưng mâm lúc thúc theo sau, đi được chừng vài chục bước ngó vô trong phố thấy ông cựu lý trưởng Đồ, nay già đã lụm cụm rồi, đứng ngó mình trân trân mà có lẽ cũng tưởng là khách Quảng Đông chớ không dè mình là Thủ Nghĩa. Chúa tàu bèn ghé lại, sửa giọng theo khách Quảng Đông nói tiếng An Nam, rồi hỏi thăm vậy chớ có một Tri huyện trấn nhậm tại đây phải không? Ông lý trưởng gật đầu nói phải. Chúa tàu bèn hỏi vậy chớ quan Huyện nầy quí danh là gì? Ông lý trưởng đáp là Huỳnh Thiện Tứ. Chúa tàu lại hỏi coi quan Huyện khi trước là ông Lê Trọng Kim bây giờ ở đâu, thì ông lý trưởng nói ngài đã bổ đi Tri phủ Tân Thành gần một năm nay rồi.

Chúa tàu nghe nói châu mày, dụ dự một hồi rồi kiếu ông lý trưởng mà đi. Đi chừng sáu bảy bước vùng trở lại hỏi coi lên trên quan Huyện phải đi đường nào, ông lý trưởng bước ra ngoài cửa lấy tay chỉ, biểu đi thẳng đường nầy lên tới cây bồ đề lớn có ngã ba, quẹo qua tay mặt đi một đỗi thì tới dinh quan Huyện.

Chúa tàu lẽ nào lại không biết đường, nhưng mà sợ người ta nghi nên mới hỏi như vậy. Tới dinh, Chúa tàu sửa áo chỉnh tề rồi mới bước vô. Quan Huyện chẳng hiểu khách Quảng Đông đến có việc chi nên sai lính ra hỏi. Chừng lính vô bẩm rằng khách Quảng Đông ấy là Chúa tàu Kim Qui đến mua bán, muốn vào viếng quan sở tại chớ chẳng có việc chi hết, quan Huyện mới cho vào, Chúa tàu để mâm đồ trên ghế mà thưa rằng mình đến đây mua bán chẳng có vật chi quí nên tạm đỡ vài cây lụa, vài cân trà và năm nén bạc làm lễ ra mắt quan Huyện mà thôi, nên xin quan Huyện thương tình mà nhậm đỡ. Quan Huyện thấy lễ vật rất trọng nên lật đật mời ngồi, rồi dạy lính pha trà đem ra mà đãi.

Chúa tàu liếc coi quan Huyện chưa đầy ba mươi tuổi, diện mạo thì nho nhã, song không rõ lòng dạ thể nào. Chúa tàu với quan Huyện trò chuyện với nhau một hồi rồi Chúa tàu mới hỏi thăm tới cha mẹ, nói rằng mười lăm, mười sáu năm trước mình đi buôn bán có ghé qua đây một chuyến, và có làm quen với một người tên Lê Thủ Thành không biết người ấy mạnh giỏi thể nào? Quan Huyện đáp rằng người trấn nhậm Huyện Đông Xuyên chưa đầy một năm nên chưa biết ai cho lắm, rồi kêu một người thơ lại già gần sáu mươi tuổi, đầu đã bạc, răng đã rụng mà hãy còn mạnh. Khi bước ra thì Chúa tàu đã biết mặt liền, song ổng không dè Chúa tàu là Thủ Nghĩa.

Chúa tàu hỏi thăm Lê Thủ Thành thì ổng nói vợ chồng với đứa con gái đều chết hết, còn đứa con trai bị án chung thân. Chúa tàu tỏ lời thương tiếc và hỏi ông thơ lại vậy chớ có biết mả chôn nơi nào hay không, xin chỉ giùm đặng có sắm nhang đèn mà cúng, gọi là đền ơn quen biết hồi trước. Ông thơ lại nói mình biết. Chúa tàu bèn xin phép quan Huyện cho ông thơ lại dắt đi chỉ giùm. Ông Huyện thấy Chúa tàu tử tế, dầu xin việc chi cũng đặng, chẳng luận là việc nhỏ mọn như vậy, nên cho thơ lại đi theo Chúa tàu.

Chúa tàu kiếu quan Huyện bước ra khỏi dinh rồi thì cứ hỏi ông thơ lại chuyện này chuyện nọ lăng xăng, hỏi hoài không dứt. Chúa tàu lại hỏi vậy chớ nghe ở xứ nầy có ông Trần Tấn Thân giàu có lắm, mà người ở chỗ nào? Lúc ấy đi vừa tới nhà ông Trần Tấn Thân, ông thơ lại liền lấy tay chỉ mà nói rằng: “Nhà Trần Tấn Thân là nhà nầy đây; anh ta giàu có lớn lắm, bạc tiền mà ruộng đất cũng nhiều, cách hai năm nay anh ta mua chức bá hộ bây giờ sang trọng, sung sướng lắm mà”.

Chúa tàu đứng ngoài ngó vô thì thấy nhà cửa ba tòa kinh dinh, hoa quả một vườn thạnh mậu, có hồ sen, ao cá, có thơ phòng, nhắm coi thiệt là một cảnh rất phong lưu mà chẳng hiểu tại sao lại chứa một người độc hiểm. Chúa tàu ngó cho đã con mắt rồi mới chịu đi.

Chúa tàu và đi và nói chuyện, ra khỏi chợ rồi đi theo bờ nhỏ một đỗi xa xa tới một cây me lớn, ông thơ lại mới dừng bước chỉ tay vô giữa đám ruộng mà nói rằng: “Ba cái mả đứng đây ngó thấy đó là mả của hai vợ chồng và con gái của ông Thành đa”. Chúa tàu đứng ngó một hồi rồi dắt nhau vô chợ, đi dọc đường có nói rằng để qua ngày sau mình sẽ mua nhang đèn đem vô đó mà cúng cho thỏa tình bằng hữu. Đi tới ngã ba lên dinh quan Huyện ông thơ lại bèn kiếu mà về. Chúa tàu thò tay vào hầu bao lấy ra một nén bạc mà đưa cho ổng và xin nhậm đem về mua trà mà uống; ông thơ lại mừng hết sức, không dè Chúa tàu tử tế quá như vậy nên về dọc đường khen thầm hoài.

Chúa tàu với tên bạn chưa chịu xuống tàu, dắt nhau thủng thẳng vòng theo các nẻo đường xem nhà cửa, phố phường chơi, đi đến đâu cũng thấy cảnh vật đều khác hết, có chỗ hồi trước u tệ bây giờ đã vẻn vang, còn có chỗ hồi trước vẻn vang bây giờ lại u tệ. Chúa tàu thấy cảnh vật đổi dời như vậy mà ngao ngán trong lòng, nghĩ lại con người nào khác cuộc đời, hết thạnh tới suy, hết suy rồi thạnh.

Chúa tàu đi cùng hết, song không dám léo lại chỗ nhà mình ở khi trước và chỗ nhà cô Tư Chuyên, bởi vì sợ đến đó thấy cảnh cũ người xưa, rồi mủi lòng dằn không được.

Chúa tàu xuống tới tàu thì đã đúng bữa cơm chiều. Thu Thủy dọn một mâm cơm bưng vào phòng. Chúa tàu thấy thịt cá vù vèo, hỏi ra mới hay Thu Thủy lấy hai quan tiền đưa cho tổng khậu lên chợ mua đặng cho Chúa tàu dùng. Chúa tàu lấy làm đắc ý, biểu Thu Thủy lấy một quan tiền đưa cho bạn bơi tam bản vô chợ mua rượu đem xuống uống cho vui. Rượu mua đem về, Chúa tàu rót một chén còn bao nhiêu thì cho bạn uống. Lúc ăn cơm Chúa tàu vui vẻ lắm, cười cười nói nói luôn. Thu Thủy thấy vậy trong bụng mừng thầm. Chúa tàu dặn Thu Thủy ăn cơm rồi thì đưa tiền cho tổng khậu biểu lên đặt quay một con heo, sáng mai có và mua nhang đèn, giấy tiền, vàng bạc đặng mai đi cúng.

Chúa tàu uống rượu ngà ngà nên ăn cơm rồi đi ngủ liền. Sáng bữa sau thức dậy chờ tổng khậu khiêng heo quay về và mua đồ xong rồi mới dạy ba tên bạn khiêng heo xuống tam bản. Chúa tàu biểu Thu Thủy đi theo lên bờ, kẻo ở dưới tàu lâu ngày tù túng. Con nít trên chợ thấy Thu Thủy mặc y phục theo xẩm, lạ con mắt nên áp theo coi rất đông, song đứng xa xa mà ngó chớ không dám lại gần. Chúa tàu với Thu Thủy đi trước, bạn khiêng heo và đồ theo sau, đi thẳng ra chỗ hôm qua, rồi kiếm bờ nhỏ mà vô mả. Vô tới nơi thấy hai cái mả nằm kế nhau và một cái mả sụt phía sau, mà ba cái mả cái nào cỏ cũng mọc đầy. Chúa tàu biểu bạn nhổ cỏ cho trống rồi bày lễ vật, đốt nhang đèn mà cúng.

Chúa tàu lạy cha lạy mẹ và rót rượu vái em rồi ngồi bẹp dựa mồ cha mẹ mà khóc rống lên nghe rất thảm thiết. May chỗ này ở giữa đồng không ai thấy, duy có ba tên bạn với Thu Thủy mà thôi. Thu Thủy thấy tình cảnh như vậy động lòng, dằn không được, nên cũng ngồi khóc thút thít. Chúa tàu khóc thì được song tỏ cái lòng buồn rầu đau đớn ra không được nên ấm ức từ hồi. Chừng day lại thấy Thu Thủy cũng khóc như mình, thì không thế nào dằn cái lòng ấm ức đó nữa được, nên mới chỉ và nói tiếng An Nam với Thu Thủy rằng: “Hai cái mồ này là mồ của cha mẹ tôi, còn cái mồ nằm sau đây chắc là của em gái tôi, cha mẹ với em tôi chết tôi không thấy mặt; gần mười ba năm nay, tôi mới cúng tế một lần thứ nhứt đây”. Chúa tàu nói tới đó vùng khóc nữa. Thu Thủy nghe nói liền bước lại xá và lạy đủ hết ba cái mả rồi cũng ngồi mà khóc.

Cúng tế xong rồi, Chúa tàu mới dạy bạn khiêng heo xuống tàu. Ra khỏi mả Chúa tàu đã lau nước mắt khô rồi, duy còn Thu Thủy cứ khóc hoài, Chúa tàu thấy vậy sợ chúng nghi nên biểu Thu Thủy đừng khóc nữa. Thu Thủy lật đật lau nước mắt và nói rằng: “Nay em mới rõ vì sao mà Chúa tàu buồn. Mà em nghĩ Chúa tàu cũng có phước mà được cúng quải mẹ cha, em rất tủi phận em không biết mồ mả cha mẹ ở đâu mà cúng”. Thu Thủy nói tới đó liền ngồi giữa bờ mà khóc nữa. Ba tên bạn không hiểu chuyện chi nên đứng ngó sững. Chúa tàu liền ngồi một bên mà an ủi, hứa rằng rồi đây mình sẽ đi tìm mồ cha giùm cho. Thu Thủy nghe nói mấy tiếng trong lòng rất mừng, nên dứt khóc, đứng dậy lau nước mắt rồi đi theo mà xuống tàu.

Chúa tàu vừa bước xuống tàu thì liền kêu tổng khậu mà dạy xả hết heo quay ra đặng cho bọn bạn họ ăn một bữa cho phỉ dạ. Chúa tàu vào phòng thay áo, cách một hồi tổng khậu dọn cơm bưng vô một mâm cho Chúa tàu với Thu Thủy ăn.

Hai người ngồi ăn cơm chẳng ai nói tới ai hết. Chúa tàu thì lơ lơ lửng lửng coi bộ như muốn ép mình ăn chớ trong bụng chẳng muốn ăn chút nào; còn Thu Thủy gắp một miếng thì liếc Chúa tàu một cái, trong ý muốn dọ coi Chúa tàu toan tính những việc chi.

Cơm nước xong rồi, Chúa tàu vào phòng trong, ngủ thức không biết, song nằm im lìm cho đến trời nửa chiều mới ra. Tối bữa ấy, Chúa tàu biểu bạn nhắc một cái ghế dài để dựa cột buồm rồi nằm hút thuốc mà suy tính việc mình. Chúa tàu nghĩ thầm rằng khi mình vượt ngục về nhà, thấy nhà cửa tiêu điều, rồi nghe mẹ cha với em đều chết hết, mình tủi tấm lòng, nghĩ nếu còn sống cũng chẳng ích chi cho ai, nên tính tự vận mà chết cho rồi cái kiếp trần ai chi khổ. Mình đã tính như vậy mà mình không chết, lại dằn lòng chịu cực chịu khổ thêm gần hai năm nữa rồi mới vượt biển mà tìm bạc vàng, ấy là vì mình muốn làm sao có thế để về cố hương tìm cho ra mồ mả mẹ cha đặng cúng lạy mà tỏ chút lòng hiếu tử, rồi mình sẽ tính đền ơn Kỉnh Chi là bạn tri kỷ vì mình mà phải bại sản tán gia, và báo oán kẻ thù là đứa bất nhơn làm cho cả nhà mình kẻ bị đày người thì chết. Nay mình đã về chốn cố hương, đã cúng tế mẹ cha rồi, bây giờ phải lo đền ơn cho người ơn, trả oán cho kẻ oán mới mới được.

Chúa tàu suy nghĩ như vậy nên mới tính sáng ngày sẽ lên giã từ quan Huyện đặng đi qua An Giang, trước là kiếm Kỉnh Chi, sau nữa mưu trả oán.

Thiệt qua ngày sau ăn cơm rồi Chúa tàu liền kêu đà công dặn phải coi buồm cho sẵn đặng trưa có kéo neo mà đi. Chúa tàu dặn rồi thì xuống tam bản ngồi cho bạn bơi đưa vô chợ. Chúa tàu bước lên bờ lại nghĩ rằng đã biết mình thấy chỗ mình ở cũ thì buồn, nhưng mình về đây mà mình không đến đó thì e ngày sau mình nhớ tới mình buồn thầm. Nghĩ như vậy rồi mới thủng thẳng như kẻ đi chơi, lần lần đi lại chỗ nhà ở khi trước; Chúa tàu đứng ngoài ngó vô thì cảnh vật buồn hiu, coi cũng y như cảnh mình thấy trong lúc ban đêm cách hai ba năm trước vậy.

Chúa tàu chấp hai tay sau đít đứng ngó, hai hàng nước mắt rưng rưng, sợ đứng lâu khó dằn lòng nên lật đật bỏ mà đi chỗ khác. Chúa tàu về đến chỗ quê nhà thì trong lòng đường kia nẻo nọ ngổn ngang, nhớ chỗ đứng đi, nhớ người quen biết, Chúa tàu lại nhớ tới cô Tư Chuyên là người mà mình có tiếng hẹn hò khi trước, nên lần chơn đến đó, tính hỏi thăm coi bây giờ đã có chồng con hay chưa.

Chúa tàu đã biết nhà ở khi trước đã dỡ đi mất rồi, nên không đến chỗ ấy, ghé lại nhà một bên mà hỏi. Có một bà già Chúa tàu vẫn còn nhớ tên là bà Tám Tiền, nói rằng cô Tư Chuyên từ khi mẹ chết rồi có nhiều nơi đi nói, mà một lòng tự quyết không chịu lấy chồng, ở vậy ngày hái rau bắt cá, tối may mướn vá thuê, làm hết sức mà không đủ ăn, nên mới bán nhà mà đi, nói rằng về ở với ông chú. Đi năm nay tính đã năm năm rồi, không ai biết đi đâu, người ta nói đã chết rồi, mà không biết có thiệt như vậy hay không mà dám nói chắc.

Chúa tàu nghe nói mấy lời trong lòng cảm động vô cùng bởi vậy cho nên lật đật kiếu bà Tám Tiền mà đi, không muốn hỏi nữa. Chúa tàu đi thẳng lên dinh quan Huyện từ giã rồi xuống tàu hối đà công kéo neo trở xuống Vàm Nao đặng qua An Giang.

Theo thói thường hễ khi trước mình ở trong làng trong xóm mình nghèo nàn cực khổ, nay mình đi đến xứ khác làm ăn phát đạt mình trở về chốn cũ quê xưa mà thăm, thì ai cũng trong lòng hớn hở, ngoài mặt hân hoan.

Chúa tàu Kim Qui khi còn thơ ấu ở Tân Châu tuy chẳng nghèo cho lung, chẳng cực cho lắm, nhưng mà ngoài đồng không có ruộng, trong nhà chẳng dư tiền, thế thì cũng chẳng phải là bực giàu có chi đó. nay lớn khôn rồi trở về xứ sở, dưới tàu bạc có hơn hai ngàn nén, vàng có hơn một ngàn thoi, lẽ thì đắc ý biết chừng nào; ngặt trong mình có tịch, không dám bày họ chường tên, trong bụng thương tiếc mẹ cha không còn mà sum vầy sung sướng, bởi vậy cho nên về đến quê nhà vàng bạc chở đầy tàu mà chẳng có chút nào vui vẻ hết.

Mà nếu về buồn thì đi lẽ phải vui chớ, sao tàu kéo neo mà đi, Chúa tàu lại cũng nằm dàu dàu trong phòng, coi còn buồn hơn khi về nữa. Thu Thủy thấy vậy trong lòng không an, nên bỏ trà ngon, chế nước nóng, rồi mời Chúa tàu dùng nước trà mà giải khát.

Chúa tàu uống vài chén nước rồi cũng chun vào phòng nằm gác tay lên trán mà thở ra. Thu Thủy lấy làm bứt rứt trong lòng, không biết làm sao mà gỡ mối sầu não cho Chúa tàu được.

Bận đi xuống nhờ nước xuôi gió thuận, tàu đi mau hơn bận lên, bởi vậy cho nên lui hồi xế qua, đến mặt trời lặn thì tàu đã tới Cái Vừng, Chúa tàu ra đứng xem hai bên sông đến tối mới trở vô phòng ngồi uống nước mà coi Thu Thủy may áo. Thu Thủy mặt mày sáng rỡ, môi đỏ má bầu, còn hai tay thì ngón nhỏ, cườm tròn, lụi kim rút chỉ coi thiệt duyên lắm. Chúa tàu là người hiếu nghĩa, lòng thương cha nhớ mẹ chẳng lúc nào nguôi, dạ báo oán đền ơn chẳng lúc nào xao lãng, bởi vậy cho nên từ khi vớt được nàng Thu Thủy thì trong bụng chẳng hề khi nào có tính thừa công ơn cứu tử mà phối hiệp châu trần bao giờ. Nhưng vậy mà đêm nọ ngồi nhắm coi Thu Thủy mặc đồ An Nam, thấy nàng nhan sắc ít ai bì, thì cái cục ái tình nó đà có hơi diêu động. Nay ngồi coi Thu Thủy ngồi may nữa, nhắm gương mặt, ngó bàn tay một hồi thì lửa lòng hừng hực, biển ái dồi dào, nghĩ rất khó mà lảng lơ cho được. Chúa tàu sợ lửa gần rơm chẳng tiện, nên tính bỏ mà đi ra ngoài cho nguôi, song muốn đứng dậy mà đứng không đành, dường như ai níu ai trì, biểu phải ngồi đó mà ngó Thu Thủy. Chúa tàu muốn gây chuyện mà nói, mà không biết phải nói chuyện gì, nên cứ ngồi coi may một hồi lâu rồi mới hỏi rằng: “Cô nói áo quần An Nam may hết rồi, mà sao còn may giống gì nữa đó?”.

Nãy giờ Thu Thủy ngồi may trong ý cũng đợi Chúa tàu mở đầu nói chuyện đặng có thừa dịp mà hỏi dọ coi Chúa tàu sầu não việc chi, ngỏ hầu kiếm thế mà gỡ giùm; chừng nghe hỏi thì trong lòng chẳng xiết nỗi mừng, nên ngước mặt lên, mắt ngó Chúa tàu, miệng cười chúm chím mà đáp rằng: “Thưa, em còn một cái áo nầy chưa đơm khuy nút, nên em đơm cho rồi”. Chúa tàu thấy miệng cười như hoa nở, nghe tiếng nói rất thanh tao, thì tâm thần càng bấn loạn hơn nữa, song cũng gắng gượng mà nói rằng: “Tôi quên lửng, mà cô cũng không thèm nhắc, tàu đậu tại Tân Châu mấy bữa rày sao cô không lấy bạc lên chợ coi hàng lụa có thứ nào đẹp mua may áo quần thêm mà mặc?”

Thu Thủy cũng cười chúm chím mà thưa rằng: “Áo quần em đã nhiều rồi, mua làm chi nữa thêm tốn hao”.

Chúa tàu nghe nói thì nhíu cặp chơn mày mà đáp rằng: “Cô đừng lo sự tốn hao. Vàng bạc tôi đầy một tàu, xài đến chừng nào cũng không hết đâu mà sợ. Cô muốn mua vật chi cứ dỡ khoang chỗ cô nằm đó lấy tiền bạc mà mua, chẳng cần phải hỏi tôi, mà cũng chẳng cần đợi tôi biểu”.

Thu Thủy nghe Chúa tàu nói mấy lời quảng đại không biết lấy chi mà trả lời cho xứng, nên cười rồi cúi mặt xuống mà may. May được vài mũi kim nhớ tới sự sầu não của Chúa tàu liền ngó lên mà hỏi rằng: “Em có một việc muốn hỏi Chúa tàu quá, mà vì Chúa tàu có lời dặn trước, nên em không dám hỏi”

– Hỏi việc chi?

– Chúa tàu là một người giàu có lớn, muốn làm việc chi cũng được hết; đã vậy mà em dòm coi Chúa tàu lại cũng là một người hiền từ nhơn đức lắm, Chúa tàu sự nghiệp lớn như vậy, tánh nết tốt như vậy, chẳng biết vì cớ nào trong lòng lại hay sầu não, ăn chẳng ngon, nằm chẳng vui?

Nãy giờ Chúa tàu ngồi nhìn Thu Thủy, quên những việc riêng của mình, nên trong lòng mới vui vẻ được chút đỉnh, Chúa tàu lấy làm khoái ý, nghĩ vì gần mười ba năm trường nếm mùi đời cay đắng luôn luôn chớ chưa gặp lúc nào ngọt bùi như đêm nay vậy. Chừng nghe hỏi mấy lời, liền nhớ đến nhà, thấy khám tối quạnh hiu, thấy mẹ cha nằm chết, thấy Kỉnh Chi nghèo cực, thấy em gái khóc than, như ai đem bức tranh thảm sầu mà treo trước mắt, nên châu mày ủ mặt rồi đổ quạu mà đáp một cách rất cộc cằn rằng: “Tôi đã dặn rồi mà sao cô còn hỏi? Chuyện ấy cô chẳng cần biết làm chi”.

Nói vừa dứt tiếng ngó lại thì thấy Thu Thủy mặt mày tái xanh, mà hai hàng nước mắt lại chảy ròng ròng nữa. Có lẽ khi Chúa tàu thấy vậy mà ăn ăn, nên mới nói cộc đó rồi liền tiếp rằng: “Cô ôi, tâm sự của tôi thảm thiết lắm, không thế nào kể cho xiết được. Có lẽ rồi sau cô cũng rõ; bây giờ xin cô đừng hỏi đến, vì hỏi thì tôi thêm đau lòng, chớ không ích chi”.

Thu Thủy ngó Chúa tàu một cách rất buồn thảm, rồi cúi mặt xuống mà may, chẳng dám nói lời chi nữa hết. Chúa tàu ngồi ngó cũng hết vui, nên uống nước rồi chun vào phòng trong mà nằm. Chúa tàu muốn ngủ mà ngủ không được, cứ nằm thao thức, nhớ việc này, tính việc kia hoài, nhớ mấy lời bà Tám Tiền thuật chuyện cô Tư Chuyên thì thương xót hết sức.

Chúa tàu nhớ lại lúc mình còn nhỏ thấy cô Tư Chuyên là gái có nết, nên mình phải lòng, mình quyết nguyền loan phụng trăm năm, mà chẳng biết cô ta có khứng hay không. Bữa nọ gặp cô ta giữa đường vắng vẻ mình ướm thử, thì cô ta cũng hữu tình, nên mới hứa cùng nhau, vì một chữ nghèo bó buộc, nên mối tơ điều chưa chắp kịp, kế mình bị sa vào chốn lao tù. Mười mấy năm nay mỗi lần nhớ đến cô ta thì đều tưởng đã lấy chồng khác làm ăn rồi chớ có dè đâu một lời hứa giữa đường, mà người cứ cắm thuyền mà chờ khách.

Chúa tàu nằm nghĩ đến đó thì trong lòng buồn bã trăm chiều. Cô Tư Chuyên là gái mà biết giữ lời hứa cùng mình, mình là trai há không biết giữ lời hứa với cô hay sao? Nếu có xiêu lạc chốn nào mình cũng phải tìm cho ra mà vầy duyên cá nước, song người ta nói cô đã chết rồi, vậy mình biết đâu mà tìm. Mình có nên giữ cô phòng chích gối đặng tạ lòng thủ tiết của cô hay không?

Chúa tàu hỏi thầm trong bụng như vậy rồi lại càng ngẩn ngơ, không biết làm sao mà trả lời. Nằm suy tính một hồi lâu nghĩ cha mẹ sanh đặng có một mình là trai, nếu mình không cưới vợ đặng sanh con mà phụng tự tổ tiên thì là thất hiếu với cha mẹ lắm. Mà nay cô Tư Chuyên là người mình đã nặng lời giao ước, cô đã chết rồi, bây giờ mình mới kết bạn cùng ai?

Chúa tàu vừa hỏi câu này bỗng nghe Thu Thủy lục đục ở phòng ngoài. Chúa tàu ngóc đầu mà dòm, thấy cô ta đương dọn dẹp đồ mà ngủ, thì trong lòng lại ngơ ngẩn, lửa tình muốn cất ngọn, sóng ái muốn bủa vòi, thầm nghĩ nếu mình không kết bạn với cô ta thì uổng lắm. Lúc ấy bạn dưới tàu phần nhiều đã ngủ rồi, duy còn đà công cứ coi lái và còn hai người bạn coi trở buồm, một tên thì kéo đờn liếu, một tên thì hát phía trước mũi.

Chúa tàu lồm cồm ngồi dậy tính ra phòng ngoài đặng kể hết mọi điều sầu não cho Thu Thủy nghe, rồi luôn dịp sẽ tỏ ý bày lòng mà xin cô kết tóc trăm năm cho phỉ tỉnh quyến luyến. Vừa muốn đứng dậy lại nghĩ mình là người ơn của Thu Thủy, nay mình trở lòng muốn cô ta, như cô ta cũng vui lòng mà làm bạn với mình thì chẳng nói làm chi, thoảng như cô ta không có lòng thương mình, tuy cự hẳn thì không dám cự, song cô ta không được vui, thì cái ơn cứu tử của mình sẽ trở nên cái oán cường bức, dường ấy ắt mình phải ăn năn tới chết.

Chúa tàu xét đến đó thì trong lòng chẳng có chút chi vui, nên nằm xuống kéo mền mà đắp tính ngủ phứt cho rồi. Chẳng dè nằm đã trót canh mà ngủ không được, giận khoát mền ngồi dậy rồi đốt đèn, tính kêu Thu Thủy vào phòng trong đặng to nhỏ bày tình cho dễ. Lúc ấy hai tên bạn phía trước mũi đã dứt đờn thôi hát. Chúa tàu lóng tai nghe tứ phía im lìm, duy có chú đà công một lát bẻ bánh nghe một cái kẹt mà thôi. Chúa tàu muốn cất tiếng kêu Thu Thủy, song dợm đến ba bốn lần mà không dám kêu.

Việc tình cờ mà nghĩ cũng lạ kỳ, bởi vì từ đầu hôm cho đến chừng ấy. Chúa tàu tính những việc chi là tính thầm trong bụng mà thôi, chớ chẳng hề ló mòi cho Thu Thủy biết, đến chừng muốn kêu Thu Thủy thì Thu Thủy cũng không hay, mà sao Thu Thủy lại cựa mình rồi tằng hắng dường như tỏ ý cho Chúa tàu biết rằng mình còn thức vậy.

Chúa tàu nghe tiếng tằng hắng thì ngực nhảy hồi hộp dằn không được nữa, bèn cất tiếng mà hỏi nho nhỏ rằng: “Cô còn thức đó hay sao?”. Thu Thủy cũng đáp nho nhỏ rằng: “Dạ thưa em còn thức”. Chúa tàu lặng thinh một hồi rồi mới biểu rằng: “Cô làm ơn rót cho tôi một chén nước”.

Thu Thủy ngồi dậy rót một chén nước trà rồi bưng lại cửa phòng mà đưa cho Chúa tàu. Chúa tàu thò tay mà lấy chén nước, liếc mắt ngó Thu Thủy, thấy mái tóc phất phơ hai gò má dường như guộn mây vướng vít mặt trăng rằm, thì tình càng thêm mến, lòng lại còn thêm yêu, muốn nắm tay Thu Thủy kéo riết vào phòng rồi mặt giao mặt, tay bắt tay, mà tỏ thiệt nỗi niềm đau đớn. Muốn thì muốn mà trong lòng lại ngần ngại, bởi vậy cho nên lấy chén nước rồi ngó đèn mà suy nghĩ một giây lâu, tính rằng sự đền ơn trả oán là điều mình cần phải lo trước, chớ còn sự tóc tơ tình tự là điều mình chẳng gấp gì mà ham, vậy để mình đền ơn trả oán xong rồi sẽ tính phối hiệp vợ chồng nghĩ cũng chẳng muộn chi đó.

Thu Thủy đứng đợi Chúa tàu uống nước cho rồi đặng lấy chén đem đi cất, mà đợi hoài không được nên tính dỡ bước mà đi, chẳng dè vừa mới xây mình thì Chúa tàu bưng nước uống rồi trả chén lại và nói rằng: “Cô cất chén rồi đi nghỉ đi, thức chi khuya dữ vậy”.

Thu Thủy bước ra cất chén rồi kéo gối mà nằm. Chúa tàu cũng tắt đèn phòng trong rồi đắp mền mà ngủ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.