Cô Gái Có Vết Bầm Trên Mắt

CHƯƠNG 15



Paul Drake đang đọc các bản ghi chép liền ngẩng đầu lên khi thấy Perry Mason và Della Street bước vào.
– Chào Perry. Thế nào?
– Cảm ơn. Không xong rồi.
– Tôi có tin cho anh đây. Thuộc loại ” tin vặt”.
– Nói đi.
– Chúng tôi dò được nơi một bà láng giềng của Ella Brockton, bà Jerry Krason, ở số nhà 2309 Olive Crest Drive ngay bên kia đường. Mụ già này tò mò hết mực, ba hoa vô kể nhưng không ngu và biết quan sát mọi sự xảy ra quanh mụ ta.
– Mụ biết những gì?
– Khá nhiều, Perry ạ. Từ lúc đứa bé bị bế đi, mụ không rời mắt ngồi trước cửa nhà. Mụ nói rằng đêm 26, nhà vắng đến chín giờ. Sau đó một chút, khi trời mưa như trút, Ella Brockton đi Taxi về nhà một mình. 12 giờ kém 10 phút, Helen mới đến. Mụ Krason thấy cô ta đậu xe đi vào nhà. Một lúc sau, một người đàn ông lại gần mở nắp mui xe cô ta.
– Thám tử của anh đấy à? — Mason hỏi.
– Chắc vậy. – Paul trả lời hơi ngượng.
– Chà khá lắm. – Mason mĩm cười nói.
– Nhưng chúng ta khó viên dẫn mụ Krason làm nhân chứng
– Tại sao?
– Vì mụ Krason và Ella nổi tiếng là thù địch nhau. Ella đã có lần chận nhà Krason xâm phạm vườn đất và lần khác kiện Krason về tội dùng thuốc đánh bả bọn mèo hàng xóm. Theo tôi thì lời mụ ta cũng có chút căn cứ, nhưng mà nếu mụ khai cái gì trước tòa thì cũng bị gạt bỏ thôi. Còn điều này nữa Ferry ạ. Tôi không muốn người ta biết rằng nhân viên của tôi táy máy cái gì trong xe hơi. Tất nhiên không có cách nào khác, tuy nhiên…
– Dù sao ta cũng tiến thêm một hước. – Mason nói – Cho tới lúc này thì hình như ai cũng chống ta, kể cả cái khẩu súng quỷ quái mang dấu tay Diana. Tôi thấy chán là trong vụ này có quá nhiều điều khó hiểu. Tại sao Mildred lại xúc động đến thế khi nghe tin Carl Fretch xông vào phòng Diana và đập cô này bầm mắt?
– Chắc không phải vậy đâu.
– Tôi không làm đâu, Paul. Khi Diana kể lại chuyện mình, Mildred nghe mà không có phản ứng gì lạ. Chỉ vài phút suy nghĩ lại sau đó, cô ta mới xúc động gọi lại Diana và hẹn gặp lúc mười giờ. Có vẻ như Carl Fretch và vết bầm đối với Mildred có một ý nghĩa gì mà ta chưa biết. Anh tìm ra người hốt rác chưa Paul?
– Một phụ nữ trông coi Sở rác. Bà ta rất điệu…
– Tôi không quan tâm đến điều ấy cho dù bà ta rất điệu. – Mason ngắt lời – Điều tôi muốn biết là tên người đi hốt rác cơ.
– Hắn tên là Nick Modena, vẻ như đói và hám tiền.
– Đúng người chúng ta cần rồi. Có thể gặp hắn
ở đâu?
– Anh về văn phòng đi rồi nửa giờ sau tôi tìm cho.
– O.K! Còn gì nữa?
– Tôi có một cô bé tóc vàng lo săn sóc Carl Fretch.
– Bây giờ họ ở đâu?
– Không có ở đâu hết. Anh cho cô ta một thời gian.
– Tôi gấp lắm.
– Cộng tác viên cừ của tôi đấy, – Drake khoe.
– Đủ sức tự vệ không?
Drake mỉm cười:
– Đủ, ở đâu và bất cứ lúc nào.
– Khỏe không?
– Cô ta nặng 54 ký, người mảnh khảnh như mới ở nội trú ra nhưng biết đủ cách thế hỏi cũng như trả lời.
– Nhưng nếu gã kia muốn giở trò ” bạo ” thì sao?
– Có một thời gian, cô tóc vàng của tôi là vô địch quyền Anh hạng nữ. Cô ta biết việc lắm. Tuy nhiên cô ta muốn biết là phải ” thả ” đến đâu?
– Hừ. – Mason nói – Không phải giản dị thế đâu. Tôi không trả tiền để cô ta đi chơi với Carl. Mặt khác tôi lại không muốn cô ta để hắn đi quá xa. Thôi Paul, hãy bảo cô ta gắng hết sức cho tốt. Tìm tin tức tối đa. Ngoài ra thì tự do lo liệu.
– Cô gái ấy thông minh và muốn gì cũng làm được.
– O. K! Tôi muốn biết cảnh sát hỏi gì Carl Fretch.
Hắn trả lời làm sao và Jason biết gì về vụ này.
– Được rồi.
– Còn gì nữa? – Mason hỏi.
– Hình như Helen Bartsler đã làm lành với ông nội. Sau cuộc tranh luận ở tòa, cô ta đi thẳng đến tìm ông già. Họ vẫn còn chưa từ giã nhau.
– Ồ, Ồ. Quan trọng đấy. Ai bước trước?
– Jason. Lúc đầu cô ta giữ thái độ lạnh nhạt rồi ông ấy nói gì đó, thế là xong.
– Tốt lắm. Tất nhiên chuyện này không giải thích được tại sao có dấu tay Diana trên khẩu súng hay là những gì khác nữa nhưng dù sao cũng là bắt đầu mở máy. Khi nào anh liên lạc được với người hốt rác thì báo cho tôi.
– Tôi đương cho theo dõi. Người của tôi gọi dây nói mỗi lần chiếc xe của Modena dừng lại lâu.
– Được rồi. Khi nào anh ta gọi lại, anh hỏi xem chiếc xe đi về hướng nào.Tôi muốn nói chuyện với tay Modena đó.
Điện thoại reo.
– Perry, khoan đã. Không biết chừng là anh ta.
Ông giở máy nói “Alô”, gật đầu với Mason rồi lắng nghe và hỏi:
– Bây giờ anh đang ở đâu, Jim?
Ông ngoáy vài chữ trên giấy rồi nói:
– O. K! Ông Mason muốn gặp hắn. Hướng về lộ
Washington phải không…. Gần sát căn hộ? Tốt. Perry sẽ đến đấy.
Paul đặt tay che ống nói và bảo với Mason:
– Jim Melrose đấy. Perry ạ. Có cần hắn theo dõi khi anh tiếp xúc được với Modena không?
– Không, anh ta có thể trở về, – Mason nói.
– Jim, – Paul nói với Melrose – Khi ông Mason gặp Modena rồi thì anh có thể rút lui. Ông ta đến ngay đấy. Anh ở ngay sau xe cam nhông à? Tốt.
– Hoan hô. – Mason nói – Hay lắm. Cô Della, cô có đi không?
– Còn phải nói!
Họ ra khỏi văn phòng Drake, nhảy vào thang máy, chạy qua tiền sảnh, chui vội vào xe của Mason. Della lo lắng hỏi:
– Có nguy hiểm không?
– Gì thế?
– Chuyện ông đang làm đấy.
– Trời! – Mason trả lời trong lúc đánh tay lái tránh một xe khác – Việc gì cũng phải liều mới được.
– Nếu ta giả định là tay trung sĩ Holcomb vớ được
quyển nhật ký rồi thi sao?
– Rủi quá rồi.
– Giả định là ông lấy rồi, Holcomb biết được thì sao?
Mason mỉm cười:
– Thế thì ít tệ hơn.
– Tôi không hiểu.
– Mà cả ông trung sĩ cũng vậy.
Delta thở dài:
– Thế thì tôi không nói nữa. Ta đi thôi.
Mason nhấn mạnh ga. Vừa cách nơi đến ba khu nhà thì hai người thấy chiếc cam nhông của Sở rác quành vào một con đường nhỏ. Họ nhận ra dể dàng vì có chiếc xe của Jim Melrose kè sát theo sau. Melrose giơ tay làm hiệu rồi viên thám tử cho xe lẩn vào trong hàng xe nối đuôi trên mặt đường.
Mason quẹo vào phía sau xe cam nhông. Ông nhảy xuống đất đến trước một người đang mõi mệt bước ra khỏi chiếc cam nhông. Hắn ta thấp bè người, mặt đen, mày rậm và bộ tóc chắc phải ba tháng chưa thăm ông phó cạo. Bộ đồng phục lúc đầu chắc là trắng nay thành màu cháo lông. Mason hỏi:
– Anh là Nick Modena?
Đôi mắt đen ánh lên, mày rậm nhíu lại.
– Ông cần gì ở Nick Modena?
– Đề nghị một chút việc.
– Chà, việc gì thế?
– Việc kiếm một ít đôla.
– À, thế còn ông là ai?
Mason mỉm cười:
– Tôi tên là Trung Sĩ.
– O.K! Trung Sĩ. Thế ông muốn gì?
– Muốn anh kiếm năm mươi đôla.
– Năm mươi đôla! – Modena gần như kêu thét lên.
– Phải.
– Lạ đấy.
– Không lạ đâu.
– Tôi phải làm gì?
– Anh đi lượm rác.
– Trong bao lâu?
– Vài phút thôi.
– Ở đâu?
– Đằng kia?
– Vào lúc nào?
– Ngay tức khắc.
Modena nhìn Mason rồi Della rồi lại nhỉn Mason.
– Năm mươi đôla hả ông Trung Sĩ?
– Phải.
– Cụ thể tôi phải làm gì?
– Anh biết chúng cư Palm Vista đấy chứ?
– Tất nhiên. Tôi là người lấy rác ở đấy mà.
– Anh lấy rác ở nhà ấy như thế nào?
– Tôi cầm thùng rác mang đổ vào xé rồi lại để thùng ở chỗ cũ.
– Không tôi không muốn thế. Anh có phải bấm chuông từng nhà không?
– Ông tưởng tôi điên à? Đi từng căn hộ? Rồi sao nữa?
– Các căn hộ đồ rác ra sao?
– Làm sao tôi biết được. Hẳn là họ đem rác ra trước cửa người gác cổng dồn vào trong một thùng lớn. Chính tôi bưng thùng ấy đi.
– Được, thế thì lần này anh làm khác đi. Anh lên trên căn hộ ở lầu hai gõ cửa. Một người đàn ông sẽ ra mà cửa, anh bảo là anh đến lấy rác. Hắn ta sẽ đưa cho anh, anh ôm lấy đem xuống và đổ vào xe. Hết.
– Hết à?
– Hết.
– Và tôi được lĩnh 50 đôla?
– Nếu anh đem được sọt rác xuống thì được 50 đôla.
– Nhưng nếu người ta không đưa thì sao?
– Không sọt rác, không tiền.
– Người ấy là ai?
– Người ấy làm việc cho tôi. – Mason nói – Nghĩa là tôi trả một phần tiền lương cho người ấy. Có thể nói là người ấy làm việc cho tôi như nhiều người khác vậy.
– Thế tại sao ông không tự làm lấy? –
– Tôi muốn cho anh lãnh 50 đôla.
Modena lắc đầu, nháy mắt nhìn Della rồi qua Mason ghi nhận.
– Ông điên rồi!
– Năm mươi đôla! – Luật sư nghiêm nghị nói rồi lấy ra năm tờ mười đôla.
– Cái này dành cho anh nếu anh mang sọt rác xuống.
Modena nhún vai, giang tay ra như bất chợt nhận thấy mình không sao hiểu nổi.
– Ông muốn có cái gì thế?
– Không có gì hết. – Mason trả lời rồi bước lên xe.
Cả hai xe rời con hẻm nhỏ ra đường lớn và đỗ trước ngôi nhà Palm Vista. Luật sư và cô thư ký bước xuống. Della hỏi:
– Theo ông thì ta được bao nhiêu phần may?
– Hơn một ăn một thua. Dù sao thì mấy cái rác ấy cũng bắt đầu có mùi rồi. Thằng cha đó tống được đi là mừng. Vả lại có thể tin nơi Modena. Và nếu lão cớm có nghi ngờ gì nhìn ra thấy xe rác, hắn sẽ yên lòng. Chĩ cần biết một chút về xe cộ là hắn hiểu ngay.
– Nếu việc này mà thất bại thì cảnh sát sẽ biết cuốn nhật ký ở đâu.
– Cũng có thể là biết, cũng có thể không.
– Thật may mà Modena có vẻ bình tĩnh, – Della vừa nói vừa cười.
Người phu rác xuống xe đi vào cổng và mất hút. Della nhìn vào đồng hồ đếm từng giây. Mason thì mắt lại không rời chiếc xe cam nhông. Della thầm thì:
– Trời, ông chủ, đã ba phút mười giây rồi. Chắc có chuyện gì xảy ra.
Mason không đáp. Della lại báo:
– Bốn phút.
Luật sư vẫn yên lặng.
– Năm phút! – Lần này trong giọng nói của cô có vẻ hoảng sợ.
– Phải có thời gian hắn lên, bảo đưa cái sọt rồi đi xuống…
– Năm phút ba mươi giây! Ồ!
Nick Modena vừa ra khỏi tòa nhà, thản nhiên đu đưa cái sọt rác nơi cánh tay phải. Modena lại gần Mason hỏi với giọng nghi ngờ:
– Ông vẫn muốn có à?
Mason đưa anh ta 50 đôla nói:
– Tôi… tôi muốn có khúc bánh mì trong đó.
– Chúa ơi! – Người phu rác kêu lên, nhét xấp bạc vào túi trong khi Mason nhẹ nhàng rút khúc bánh mì từ trong sọt ra.
– Anh có gặp khó khăn gì không? – Mason hỏi.
– Khó khăn à? Không. Có một người đàn ông đi ra phía cửa. Tôi nói tôi là phu rác. Hắn hỏi ai bảo tôi tới. Tôi trả lời: Trung Sĩ. Hắn nói O.K.
– Ông chủ, nhìn lên cửa sổ kìa, – Delia thì thầm.
– Họ dò ra ta à?
– Phải.
Một cánh cửa sổ vừa mở ra và một người cảnh sát chồm mình ra phía ngoài kêu lớn:
— Ê! Ê! Ông làm gì ở đây?
Mason ra dấu thân thiện. Người cảnh sát rống lên:
– À ông. Ông làm gì đấy?
– Tôi lượm rác, – Mason vui vẻ nói to.
Ông ném khúc bánh mì vào xe, mở máy.
– Delia, lên xe đi.
Lời nói chưa dứt, cô đã ờ trong xe rồi. Người cảnh sát nơi cửa sổ giận dữ bừng bừng.
– Ê! Ông kia. Trở lại ngay, nếu không…
Chiếc xe biến mất sau góc đường mà anh ta vẫn còn cố rống lên. Mason quay sang Della mĩm cười.
– Tốt rồi.
– Tôi lại nghĩ khác, – cô nói.
– Tại sao?
– Lão cảnh sát nhận ra ông và cũng ghi được số xe. Hắn sẽ buộc Modena trở lên vặn hỏi và biết rằng ông cho tiền Modena đễ…
– Lượm rác, – Mason tiếp.
– Nhưng ông đã giả danh cảnh sát Nhân viên canh giữ căn hộ đó nghĩ rằng có một trung sĩ…
– Hắn nghĩ gì thây kệ, – Mason nói – “Trung Sĩ ” chứ không phải là một ” trung sĩ “.
– Thì cũng là một tên mượn.
– Thì đã sao? Luật pháp cấm mượn tên người khác chứ không cấm lấy một tên mượn.
– Nhưng bây giờ ông lại giữ một vật làm tang chứng!
– Tôi lấy trong sọt đựng rác một khúc bánh mì mà cảnh sát đã vứt đi.
Della thở dài:
– Không biết lần này ông có thoát không. Công việc phức tạp quá chừng.
– Della ạ, tôi thich khó khăn và chuyên dị thường. Cô hãy cầm lấy khúc bánh xem thử quyển sách có còn không?
Della quay lại chồm qua lưng ghế lấy khúc bánh mì bóc rút ra một quyển vở bìa da cuộn tròn. Mason nói:
– Ta gặp may rồi, cô bé.
– Chưa xong đâu.
– Tôi biết, nhưng chớ nên đòi hỏi thái quá.
– Anh chàng trung sĩ Holcomb có cố sức tìm đủ cách để chiếm lấy nó không?
– Có thể lắm nhưng lần này hắn ta không thành công đâu.
– Tại sao?
– Vì, bây giờ ta tránh những nơi hắn có thể gặp ta. Ta chui vào một cái xó khách sạn nào đấy để đọc từng trang nhật ký một. Xong rồi ta bỏ vào phong bì ghi địa chỉ nhà cô gửi Bưu chính. Cho đến khi Holcomb tìm ra điều này thì công việc đã xong.
– Ông ta bị một vố đau quá.
Mason cười:
– Này Della, chớ làm cho tôi nổi lòng thương cảm. Tôi sắp khóc đây.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.