Aattendez.(16)
– Sao nhà ngươi dám nói với ta atánđe?
– Bẩm đức ông, tôi nói atánđe cơ mà!
Hai ý nghĩ cố định không thể cùng một lúc tồn tại trong thế giới tinh thần được, cũng như trong thế giới vật chất, hai vật thể không thể đồng thời cùng chiếm một chỗ được. Ba – bảy – xì chẳng bao lâu đã xoá nhòa hẳn trong trí tưởng tượng của Gherman hình ảnh bà già tắt thở. Ba – bảy – xì không ra khỏi đầu óc hắn nữa, và luôn luôn mấp máy trên miệng hắn. Gặp một cô thiếu nữ trên đường phố, hắn cũng lẩm bẩm: “Một thân hình xinh đẹp làm sao! Trông nàng thật giống một con “ba cơ””. Người ta hỏi giờ hắn, thì hắn trả lời: “Bảy chuồn kém một khắc”. Tất cả những người to béo mà hắn trông thấy đều nhắc hắn nhớ đến con xì. Ba – bảy – xì theo hắn vào cả trong những giấc mộng và hiện ra dưới những hình thể thật kỳ lạ. Hắn trông thấy những con ba nở rộ như những bông hoa đại mộc lan đang xoè cánh, những con bảy uốn thành vòm như những cánh cửa kiểu gô-tích, những con xì treo lơ lửng như những con nhện quái đản. Tất cả tư tưởng của hắn chỉ tập trung vào một mục đích duy nhất: lợi dụng cho được cái bí quyết mà hắn đã phải mua bằng một cái giá đắt đến thế. Hắn đã nghĩ ra cách xin giải ngũ và đi du lịch. Hắn tự nhủ: đến Pari thế nào hắn cũng tìm được một sòng gá, mà chỉ đánh ba tiếng bạc là hắn đủ làm giàu rồi. Chẳng bao lâu, một sự ngẫu nhiên đã làm cho hắn được toại nguyện.
Lúc đó ở Mátxcơva có một bọn giàu sụ, tụ tập nhau lại thành một sòng bạc dưới sự chủ toạ của Tsêkalinxki, một người nổi tiếng đã từng tiêu cả một cuộc đời vào trong nghề đen đỏ, đã từng vớ được hàng triệu bạc, mà được thì hắn được toàn những ngân phiếu, còn thua chỉ thua toàn bạc trắng. Vì có kinh nghiệm lâu năm trong nghề ăn chơi, nên hắn được bạn bè tin cậy và nhờ có thái độ niềm nở, lại thêm một anh đầu bếp nấu nướng rất ngon, nhà cửa thì bao giờ cũng mở rộng đãi khách, cho nên hắn cũng được mọi người kính nể. Một hôm, hắn đến Pêterburg. Thế là tất cả thanh niên ùa tới những phòng tiếp khách của hắn, bỏ rơi hết những buổi khiêu vũ để đến đánh bạc, mê say những cảm giác trên chiếu bạc hơn là những chuyện lả lơi quyến rũ của người tình. Gherman cũng được Narumốp đưa đến nhà Tsêkalinxki.
Hai người đi xuyên qua một dãy buồng lộng lẫy, buồng nào cũng đầy những kẻ hầu vừa lễ phép vừa nhanh nhẩu. Mấy vị tư lệnh đang đánh bài uýt với mấy quan tư vấn, những thanh niên nằm ngả trên những cái đi-văng vừa ăn kem, vừa hút ống điếu. Trong buồng tiếp khách chính, khoảng hai chục con bạc ngồi chen chúc chung quanh một cái bàn dài. Chủ nhân ngồi trước bàn, cầm cái một canh bạc pha-ra-ông. Đó là một người trạc sáu mươi tuổi, dáng người chững chạc, mái tóc bạc trắng như tuyết, khuôn mặt đầy đặn và tươi tắn biểu lộ một tính tình đôn hậu, đôi mắt lúc nào cũng roi rói một nụ cười bất tuyệt. Narumốp giới thiệu Gherman với lão. Tsêkalinxki thân ái siết chặt tay hắn, chào mời đon đả, xin cứ tự nhiên không phải khách sáo gì cả. Nói rồi lão lại tiếp tục đánh bài.
Ván bài kéo dài rất lâu. Khách chơi đặt tiền trên ba mươi cửa. Sau mỗi tiếng bạc, Tsêkalinxki lại ngừng lại để cho những người đánh bạc có đủ thời giờ suy tính sửa soạn, lão ghi lại những số tiền thua, nhã nhặn lắng nghe những lời khiếu nại, và càng nhã nhặn hơn nữa uốn lại những góc quân bài mà một bàn tay lơ đãng nào đó đã bẻ cong lên(17). Cuối cùng ván bài đã xong, Tsêkalinxki trang bài và sửa soạn đánh ván khác.
Gherman từ chỗ một người to béo ngồi lấp cả một góc bàn, đưa tay ra và nói:
– Xin phép tôn ông, tôi lấy một quân.
Tsêkalinxki mỉm một nụ cười rất có duyên, lễ phép nghiêng mình tỏ ý sung sướng được chiều lòng quý khách. Narumốp cười khen ngợi Gherman đã qua khỏi thời gian khổ hạnh dai dẳng, và chúc hắn may mắn trong những bước đầu vào con đường cờ bạc. Gherman lấy phấn viết một con số lên lưng con bài, rồi nói:
– Nào!
Nhà cái chớp mắt hỏi lại:
– Bao nhiêu ạ? Thưa, xin lỗi, tôi nhìn không được rõ.
Gherman nói:
– Bốn mươi bảy ngàn rúp.
Mấy tiếng này đã làm mọi người phải ngẩng đầu lên ngay nhìn cả về phía Gherman. Narumốp nghĩ có lẽ hắn mất trí rồi cũng nên. Tsêkalinxki vẫn với nụ cười bất tuyệt nở trên môi, đáp:
– Xin tôn ông cho phép tôi được thưa lại rằng, số tiền đặt cửa của tôn ông quả có hơi cao một chút. Ở đây, chưa có ai đặt quá hai trăm bảy mươi lăm rúp một cửa đánh đâu.
Gherman nói:
– Vâng, nhưng tiếng bạc của tôi, tôn ông có đắt hay không đắt, xin cho được biết rõ.
Tsêkalinxki nghiêng mình ra hiệu ưng thuận.
– Tôi chỉ xin trình để tôn ông được rõ rằng, mặc dầu tôi hoàn toàn tin cẩn các bạn hữu của tôi, nhưng tôi chỉ có thể đánh bài với tiền mặt giam ngay mà thôi. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng lời nói của tôn ông đáng giá ngàn vàng, nhưng vì để cho ván bài được đúng phép và dễ tính toán, tôi trân trọng xin tôn ông đặt tiền mặt lên trên lá bài.
Gherman móc túi lấy ra một tờ ngân phiếu, trao cho Tsêkalinxki. Tsêkanlinxki liếc mắt nhìn qua, rồi đặt lên trên con bài của Gherman.
Lão lật bài: bên phải một con chín, bên trái một con ba, Gherman chìa quân bài của hắn ra nói:
– Tôi được.
Trong đám con bạc có tiếng xôn xao. Đôi lông mày của nhà cái nhíu lại, nhưng chỉ một khoảnh khắc nụ cười thường xuyên đã lại xuất hiện trên khuôn mặt lão. Lão hỏi người được bạc:
– Có cần giam tiền ngay không ạ?
– Vâng, nếu ngài sẵn lòng tốt.
Tsêkalinxki móc những tờ giấy bạc ở trong ví ra và trả tiền ngay. Gherman nhặt số tiền được bạc bỏ túi, và rời khỏi bàn bạc. Narumốp vẫn ngây người ra vì ngạc nhiên. Gherman uống một cốc nước chanh, rồi trở về nhà.
Tối hôm sau, hắn lại trở lại nhà Tsêkalinxki, lúc đó cũng còn đang đánh bài. Gherman tiến lại bàn bạc; các con bạc lập tức ngồi xích lại, nhường chỗ cho hắn. Tsêkalinxki nghiêng mình chào hắn rất nhã nhặn, có vẻ âu yếm nữa là khác.
Gherman chờ một ván bài mới, cầm một lá bài, đặt lên đấy bốn mươi bảy ngàn rúp và thêm vào đó cả số tiền được bạc ngày hôm qua.
Tsêkalinxki bắt đầu chia bài. Bên phải là một con bồi, bên trái là một con bảy. Gherman giơ con bảy của hắn ra.
Mọi người à lên một tiếng. Tsêkalinxki lộ vẻ bối rối. Hắn đếm chín mươi tư ngàn rúp giam cho Gherman. Gherman lạnh lùng giơ tay nhận lấy, đứng dậy và ra về ngay.
Tối hôm sau, Gherman lại đến. Tất cả mọi người đều chờ đợi hắn. Mấy vị tư lệnh và mấy quan tư vấn cũng đã bỏ cả ván bài uýt để đến dự cái canh bạc kỳ lạ đó. Mấy viên sĩ quan trẻ đến đứng chật ních cả phòng chơi. Mọi người xúm xít chung quanh Gherman. Khi hắn bước vào, tất cả các con bạc khác đều ngừng đặt tiền cửa, sốt ruột muốn xem hắn chọi nhau với nhà cái như thế nào.
Tsêkalinxki mặt tái đi, nhưng vẫn cười nụ, nhìn hắn tiến đến bàn bạc và sẵn sàng đánh một mình với hắn. Mỗi người cùng mở một cỗ bài. Tsêkalinxki trang bài. Gherman rút một quân, và lấy một đống giấy bạc phủ kín lên. Người ta tưởng như hai người đang sửa soạn một cuộc đấu kiếm. Chung quanh im phăng phắc.
Tsêkalinxki bắt đầu giở bài. Tay lão run rung. Bên phải người ta thấy một con đầm, bên trái một con xì.
Gherman mở quân bài của hắn và nói:
– Con xì được.
Tsêkalinxki đáp lại bằng một giọng ngọt như đường:
– Con đầm của tôn ông thua mất rồi.
Gherman giật mình. Đáng lẽ là một con xì, thì trước mặt hắn là một con đầm pích thật. Hắn tưởng mắt hắn loá, và cũng không hiểu làm sao mà hắn lại nhầm đến thế được.
Nhìn sững xuống con bài ác hại này, hắn tưởng như trông thấy con đầm pích đang nháy mắt và mỉm cười chế nhạo hắn. Hắn kinh hoàng nhận ra con đầm pích này giống bá tước phu nhân một cách kỳ dị.
Hắn hoảng sợ kêu thét lên:
– Con mụ đáng nguyền rủa này!
Tsêkalinxki khẽ vơ lại hết số tiền được bạc. Gherman ngồi lặng một hồi lâu như người mất hồn. Hắn vừa rời khỏi bàn bạc, mọi người xúm lại bàn bạc ầm ĩ. Bọn con bạc kháo nhau: “Thật là một nước bạc long trời lở đất!”
Tsêkalinxki trang bài, rồi canh bạc lại tiếp tục.
KẾT LUẬN
Gherman đã hoá điên. Hiện nay, hắn nằm ở bệnh viện Ôbukhốp, phòng số mười bảy. Hỏi gì hắn cũng không trả lời, nhưng suốt ngày người ta nghe hắn lẩm bẩm: “Ba – bảy – xì! Ba – bảy – đầm!…”
Lidavêta Ivanốpna lấy một chàng thanh niên rất đáng yêu con người quản gia của cố bá tước phu nhân. Anh ta có một chỗ làm tốt, vả lại cũng có một gia tài kha khá. Lidavêta Ivanốpna đem một đứa cháu gái họ nghèo về nuôi và dạy dỗ.
Tômxki được thăng chức đại đội trưởng kỵ binh. Chàng ta đã làm lễ thành hôn với công tước tiểu thư Pôlina.
Phương Hồng dịch
Chú thích
Puskin viết tác phẩm này ở Bônđinô vào tháng Mười – tháng Mười Một năm 1833. Có chứng cớ cho biết thoạt đầu Puskin định đặt tên cho truyện này là “Phát đạn giả”. P.V.Nasôkin, người mà Puskin đọc cho nghe “Con đầm pích” đã kể lại rằng “cốt truyện không phải bịa ra”. Bà lão nữ bá tước – đó chính là Natalia Pêtơrốpna Gôlitxưna (mẹ của Đ.V.Gôlitxưn, thống đốc Mátxcơva), quả thật có sống ở Pari hệt như Puskin miêu tả. Ngày 7 tháng Tư năm 1834 Puskin đã ghi nhật ký: “Con đầm pích” của tôi được hâm mộ. Bọn con bạc đua nhau đặt con ba, con bảy và con xì. Ở trong triều người ta nhận ra sự giống nhau giữa nữ bá tước già và nữ công tước N.P.Gôlitxưna và, hình như, họ không bực tức”.
o O o
1 Đề từ là những câu thơ chính Puskin viết trong bức thư gửi đến người bạn là nhà thơ Piốt Viademxki đề ngày 1 tháng Chín năm 1828.
2 Thuật ngữ đánh bài, có nghĩa là không tăng số tiền đặt lên.
3 Bá tước Xanh-Giécmanh – một nhà giả kim thuật người Pháp, một người nổi tiếng phiêu bạt thế kỷ XVIII; trong những năm 1760 đã đến thăm nước Nga.
4 Cadanôva Giôvani Giacômô (1725-1798) – người Ý nổi tiếng phiêu bạt, tác giả nhiều hồi ký hấp dẫn.
5 Dôrích Xêmiôn Gavrilôvích (1745-1799) – một trong những người được hoàng hậu Êkatêrina II sủng ái; một con bạc máu me.
6 Thay cho đề từ của chương II, Puskin đã dùng những lời lẽ trong câu chuyện giữa nhà thơ Đ.V. Đavưđốp với M.A.Narưskina, một phụ nữ quý tộc thân quen của ông.
7 Trích “Thần khúc” của văn hào Ý Đăngtơ Alighiêri (1265-1321) (“Thiên đường”, khúc XVII, câu thơ 58).
8 Madame Lebrun – bà Vigiê Lơbroong (1755-1842) – một nữ hoạ sĩ vẽ chân dung thời thượng Pháp.
9 Leroy – Lơroa Giuyliên (1686-1759) và Lơroa Pie (1717-1785) – hai cha con người thợ làm đồng hồ nổi tiếng ở nước Pháp vào thế kỷ XVIII.
10 Một thứ đồ chơi phổ biến hồi cuối thế kỷ XVIII. Đó là một vòng có sơn màu, có thể chạy lên chạy xuống theo một sợi dây.
11 Khinh khí cầu của Môngônphiê – bóng lớn chứa khí nóng, do anh em Môngônphiê thả bay vào tháng Sáu năm 1783 ở Vécxây.
12 Thuật thôi miên của Métxme – các thực nghiệm về thôi miên của bác sĩ người Áo Ph.Métxme (1734-1815). Cơ sở của thuật này là khái niệm về “sự ám thị sinh vật”, bằng cách đó dường như có thể thay đổi được trạng thái của cơ thể, trong đó kể cả có thể chữa được bệnh tật.
13 “Oubli ou regret” tiếng Pháp có nghĩa là “lãng quên hay hối tiếc”. Trong điệu nhảy ca-đrin, ba bà của ba cặp nhảy đặt cho mình tên gọi bằng những chữ có tính chất quy ước và đề nghị bên nam chọn một trong mấy chữ đó. Bên nam chọn chữ nào có nghĩa là chọn người bạn nữ có tên gọi quy ước đó.
14 Svedenborg Emanuin (1688-1772) – nhà văn và nhà triết học thần bí Thuỵ Điển. Tác phẩm của ông vào những năm 30 thế kỷ XIX rất được hâm mộ, tên tuổi ông mang đầy huyền thoại.
15 Vị hôn phu nửa đêm – tên gọi Khrixtô Giêxu trong câu chuyện ngụ ngôn Kinh thánh về 10 cô gái đồng trinh.
16 attendez! (từ gốc tiếng Pháp: attender! – khoan đã!) – thuật ngữ đánh bài, có nghĩa là: “đừng đặt cửa vội!”.
17 Để cho khỏi nhầm là đánh gấp đôi.