CUỘC DU HÀNH VÀO LÒNG ĐẤT

Chương 02 : Bức mật thư



Grauben là một cô gái rất đẹp với suối tóc vàng óng ả như tơ và cặp mắt trong xanh tựa nước suối đầu nguồn. Tính tình cô ta nghiêm trang nhưng vẫn yêu tôi dù tôi có vẻ ngốc nghếch. Về phía mình, tôi cũng rất yêu cô, nên bức chân dung của cô đã nhất thời lôi tôi khỏi thực tại, làm tôi quên lãng quyển sách và bức mật thư. Tôi say sưa trong những kỉ niệm êm đềm giữa tôi và cô ta. Hằng ngày cô ấy giúp tôi sắp xếp các mẩu đá. Grauben rất thích học hỏi những kiến thức khoa học cho nên chúng tôi làm việc với nhau rất vui vẻ! Làm việc xong, chúng tôi thương nắm tay nhau đi dạo bên bờ hồ. Tôi kể những câu chuyện vui rồi nàng phá lên cười thích thú.
Tôi đang thả hồn theo giấc mơ thì bỗng chú tôi đập mạnh tay xuống bàn làm tôi giật bắn mình, hết cả mộng mơ.
– Xem nào, – giáo sư reo to – ở địa vị ta thì ý nghĩ đầu tiên khi đảo lộn các chữ cái lf đặt chúng theo cột dọc. Axel! Cháu hãy viết một câu bất kỳ lên mẩu giấy này. Hãy đặt những chữ cái tuần tự từ trên xuống dưới, mỗi cột khoảng năm hay sáu chữ.
Nắm được ý giáo sư, tôi bèn cầm bút viết luôn:
l o m y i r
l u u d t u
o v c e t u
v e h a l b
e r , r e e
y y m l G n
– Hay lắm – chú tôi nói tiếp mà không thèm xem tôi viết gì – Bây giờ cháu viết lại những chữ đó theo hàng ngang xem.
Tôi vâng lời ngay, và tôi chép lại thì được sáu nhóm chữ như sau:
lomyir luudtu ovcetu vehalb er,ree yymlGn
Chú tôi tỏ vẻ hài lòng vừa nhìn xuống miếng giấy vừa nói:
– Tốt lắm. Nguyên âm và phụ âm được sắp xếp lộn xộn, giữa các chữ cũng có dấu phẩy, có chữ viết hoa. Hoàn toàn giống như trong mẩu da của Arne Saknusemm.
Tôi thấy nhận xét của giáo sư thật tinh tế và chính xác.
– Để đọc được các câu cháu vừa viết, – giáo sư nói tiếp – chỉ cần đọc liên tiếp những chữ thứ nhất, rồi chữ thứ hai, thứ ba… của mỗi từ. Nào xem cháu đã viết những gì nào!
Rồi trước sự kinh ngạc của tôi, chú tôi đọc to:
“Anh yêu Grauben nhất trên đời!”
Đúng là một anh chàng si tình vụng về, không hiểu lớ ngớ thế nào mà tôi lại viết lên giấy cái câu nguy hại này.
– Hả? Cháu yêu con bé Grauben à? – chú tôi ngạc nhiên kêu lên.
– Dạ… à không ạ!
– Thế là cháu yêu Grauben! Thôi được bây giờ ta hãy áp dụng phương pháp của chú để nghiên cứu bức mật thư của ông Arne Saknussemm đã.
Giáo sư Lidenbrock quên ngay những lời thiếu thận trọng tôi vừa vô tình viết lên, thật ra đàu óc của một nhà thông thái như chú tôi không còn chỗ nào dành cho những việc rắc rối của trái tim. Nhất là giờ đây tâm trí của ông còn để cả vào việc nghiên cứu bức mật thư của nhà bác học người Iceland thế kỉ XVI.
Giáo thật sự xúc động, ngón tay ông run run khi cầm mảnh da cũ kĩ. Phía sau cặp kính trắng, mắt ông sáng quắc lên. Ông hắng giọng rồi trịnh trọng đọc cho tôi chép một đoạn chữ sau đây:
mmessunkaSenrA. IceJ doK. segnittamurtn ecertSerrette, rotai vsadua, Ednec sedSadne lacartniiilu Jsiatrac SarbmutabiledmeK meretarcsilucoYSL eJJenSnl.
Viết xong tôi đặt bút xuống bàn hồi hộp chờ giáo sư cất cao giọng đọc lời giải của bức mật thư. Nào ngờ, sau khi liếc qua những chữ tôi vừa chép ấy, chú tôi bỗng đập mạnh xuống bàn làm bút mực bắn tung tóe, rồi quát lên:
– Thế này là cái gì? Bực mình thật!
Giáo sư đứng bật dậy, vọt ra khỏi phòng làm việc rầm rầm lao xuống bậc thềm ra đường Konigstrasse rồi chạy đâu cũng không rõ.
Dì Marthe hoảng hốt kêu lên:
– Giáo sư đi rồi!
Dì chạy nhanh ra thì cánh cửa vừa đóng ập lại thật mạnh làm rung rinh cả sườn nhà.
– Chú đi ra rồi. – tôi nói.
– Ông không dùng bữa chiều sao?
– Chú không muốn ăn gì cả.
Dì Marthe thắc mắc hỏi tiếp:
– Sao vậy cậu?
– Dì Marthe ơi, chú tôi không ăn mà còn dám bỏ đói cả nhà lắm.
– Chết rồi! Vậy làm sao mình chịu nổi?
Dì Marthe sợ hãi trước ý nghĩ đó, bà chạy trở vào nhà bếp với bộ mặt thảm não.
Còn lại một mình trong phòng, tôi nghĩ đến chuyện đi gặp Grauben và kể lại mọi việc. Nhưng làm sao tôi có thể rời căn nhà này được. Nếu chú tôi lại trở về ngay gọi tôi mà chẳng thấy đâu thì hậu quả sẽ ra sao? Tôi đành quyết định ngồi nhà đợi. Tôi bắt đầu làm công việc chọn lựa và dán nhãn và sắp xếp mấy mẫu đá người ta mới gửi cho chú tôi gần đây. Nhưng công việc vốn hấp dẫn như vậy không còn cuốn hút tôi. Việc làm tôi bận tâm bây giờ chính là mảnh da của ông Saknussemm. Đầu óc tôi sôi lên. Tôi cảm thấy trong lòng một nỗi lo lắng vẫn vơ và linh tính báo trước cho tôi một tai biến sắp xảy ra.
Sau một giờ làm việc, mọi mẫu đá đã được định danh xong và sắp xếp cẩn thận lên giá. Tôi buông mình trong chiếc ghế bành to bọc nhung nghe ngóng và chờ đợi chú tôi trở về. Nhưng mà bên ngoài không có một tiếng động nhỏ.
Tôi vô tình cầm lấy mảnh giấy ghi những chữ dài bí hiểm. Tôi lẩm bẩm:
– Nó có nghĩa gì nhỉ?
Tôi cố sắp xếp những mẫu tự đó thành chữ theo nhiều cách, nhưng vẫn thất bại. Tôi hết sắp thành nhóm hai mẫu tự, hoặc ba, năm hay sáu, kết quả vẫn là vô nghĩa.
Tôi vật lộn với một sự khó khăn nan giải. Đầu tôi nóng bừng cả lên. Tôi nheo mắt nhìn trang giấy. Một trăm ba mươi hai chữ cái hình như đang bay lượn quanh tôi chẳng khác nào muôn ngàn con đom đóm trong không trung khi ta bị chóng mặt. Tôi đang ở trong tình trạng ảo giác và cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Vô tình tôi dùng tờ giấy đó làm quạt, khiến hai mặt trái phải của tờ giấy liên tiếp bày ra lật phật trước mắt tôi. Bất chợt, khi mặt trái hướng về phía tôi, tôi kinh ngạc thấy hình như hiện rõ nét những từ Latinh “craterem: núi lửa” và “terrestre: trái đất”.
Một tia sáng bỗng lóe lên trong đầu tôi. Những dấu hiệu duy nhất này khiến tôi thoáng thấy sự thật là tôi đã tìm ra chìa khóa giải mã. Để đọc được văn bản của ông Arne Saknussemm để lại không nhất thiết phải đọc nó xuyên qua tờ giấy lật ngược, mà cứ đọc bình thường như chú tôi đã đọc cho tôi ghi chép. Như vậy những suy luận của chú tôi về cách xếp các chữ cái và về ngôn ngữ của Saknussemm dùng để viết mật thư đều đúng cả. Duy có việc làm sao đọc được trót lọt cả bức mật thư viết bằng tiếng Latinh thì chú tôi lại thiếu kiên nhẫn. Vậy mà giờ đây, co một sự tình cờ tôi lại thực hiện được công việc mà chú tôi chịu bó tay đấy!
Lúc này, tôi thật xúc động. Mắt tôi hoa lên đên snôi không nhìn, không đọc được gì nữa. Tờ giấy đã được tôi trải rộng trên bàn và chỉ cần một cái liếc mắt là tôi có thể lắm được điều bí mật.
Cuối cùng tôi cố trấn tĩnh lại, thong thả bước đi hài vòng quanh phòng để thần kinh bớt căng thẳng, rồi quay vào ngồi xuống chiếc ghế bành rộng. Tôi hít thở không khí cho căng đầy lồng ngực và bất giác nói to lên một mình:
– Nào, mình sẽ đọc được!
Tôi cúi xuống tờ giấy để trên bàn và chăm chú dò từng chữ một. Nhưng đọc xong tôi thấy sửng sốt và kinh sợ. Tôi hoảng hốt bật dậy, kêu lên:
– Trời! Không thể để chú Lidenbrock biết điều bí mật này được. Giáo sư mà biết có một cuộc thám hiểm như vậy, ông sẽ không bỏ qua. Không gì ngăn nổi một nhà địa chất học nổi tiếng như chú tôi, bằng bất cứ giá nào ông cũng sẽ mạo hiểm. Và lúc ấy, ông sẽ lôi tôi theo để rồi vĩnh viễn chẳng bao giờ trở về căn nhà hạnh phúc này nữa! Không thể như thế được!
Tôi ở trong tình trạng bị kích động tột độ không bút nào tả xiết.
– Không, nhất thiết điều này không thể xảy ra! Phải ngăn chú Lidenbrock lại. Nếu để chú tôi nghiên cứu thật kỹ tư liệu này thì thế nào ông cũng tìm ra cách đọc. Cách duy nhất là hủy bỏ nó đi cho xong chuyện.
Trong lò sưởi lửa vẫn còn đang cháy. Tôi luống cuống vơ hết cả tờ giấy lẫn bức mật thư của Arne Saknussemm định ném chúng vào lửa, hủy luôn cả điều bí mật nguy hiểm thì ngay lúc ấy, cửa phòng bật mở, giáo sư Lidenbrock xuất hiện.
Tôi chỉ còn đủ thời gian đặt toàn bộ tư liệu ấy trở lại bàn. Chú tôi bước vào phòng chẳng nói chẳng rằng ngồi ngay vào phòng làm việc, cầm lấy bút và bắt đầu ghi ghi chép chép.
Mắt tôi luôn luôn theo dõi đôi tay cầm bút run run của chú tôi trên một trang giấy của ông. Biết đâu một kết quả bất ngờ nào lại chẳng đến với chú tôi? Không hiểu sao tôi bỗng run lên, vì tôi biết rằng để đọc được bức mật thư chỉ có một cách duy nhất, đó chính là cách tôi đã dùng.
Suốt ba giờ, chú tôi vẫn hăng say làm việc, không nói nửa lời cũng không ngừng tay lại. Chú thử đi thử lại hàng ngàn lần.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, trời đã về khuya. Bên ngoài đường phố đã hoàn toàn yên tĩnh nhưng chú vẫn tiếp tục cắm đầu xuống tài liệu, chẳng nghe thấy gì kể cả lúc dì Marthe mở cửa phòng làm việc, rụt rè bước vào hỏi:
– Ông chủ có ăn tối không ạ?
Rồi dì đành đi ra mà chẳng được trả lời và dì Marthe lặng lẽ tắt đèn đi nghỉ. Phần tôi, sau cùng cũng thấy buồn ngủ và ngủ luôn trên ghế bành, trong khi chú tôi cứ tiếp tục với các kí hiệu ấy.
Sáng hôm sau khi thức dậy, tôi vẫn thấy chú tôi ở bàn làm việc miệt mài. Đôi mắt của ông đỏ ngầu, da mặt nhợt nhạt làm nổi bật đôi gò má ửng hồng và đầu tóc ông bị rối bù lên bởi bàn tay bồn chồn bực tức. Những biểu hiện đó chứng tỏ ông đã trải qua những giờ phút mệt mỏi và căng thẳng ghê gớm.
Chỉ cần nói một lời thôi là tôi có thê rgỡ cho chú tôi thoát khỏi cái cảnh nhọc nhằn ấy, nhưng tôi chẳng nói gì cả, tuy tôi không phải là một người có lòng dạ hẹp hòi. Nhưng tại sao trong trường hợp như vậy, tôi lại nhẫn tâm lặng thinh? Cũng vì chú tôi đấy thôi.
“Không! Không thể thế được! Tôi sẽ không nói. Tôi hiểu chú tôi lắm chứ! Chú tôi có một trí tưởng tượng lúc nào cũng sục sôi như núi lửa. Ông có thể liều cả tính mạng để làm bằng được những gì mà các nhà địa chất khác không thể làm. Nhất định tôi sẽ không hé môi về điều bí mật mà tôi đã tình cờ khám phá ra. Tiết lộ điều bí mật này tức là sát hại giáo sư Lidenbrock. Thôi cứ mặc để chú tôi vật lộn với bức mật thư của ông Saknussemm! Tôi không muốn sau này phải ân hận vì đã đưa ông tới chỗ chết!”
Đã quyết định như thế, nên tôi cứ khoanh tay ngồi chờ. Nhưng một giờ sau một sự cố ngoài dự tính đã xảy ra. Chuyện như thế này. Khi dì Marthe định rời nhà để đi chợ thì bà thấy cửa bị khóa. Chiếc chìa khóa to đã biến mất, không thấy còn cắm trong ổ nữa! Thủ phạm lấy chiếc chìa khóa là ai nhỉ? Hiển nhiên đó chính là chú tôi, rõ ràng là sau cuộc dạo phố vội vã trở về, tiện tay chú tôi lấy luôn chìa khóa bỏ vào túi rồi.
Không hiểu việc làm này của chú tôi là cố ý hay vô tình? Hay giáo sư định thử thách sức chịu đựng của tôi và dì Marthe trước sự dằn vặt của cái đói được đến đâu? Nếu vậy thì thật là quá đáng. Cái tài liệu kia chẳng dính dáng gì đến tôi và dì Marthe cả. Nhưng tôi nhớ lại mấy năm trước đây, có lần chư tôi phải nghiên cứu một vấn đề hóc búa, ông đã chẳng ăn gì trong suốt bốn mươi tám giờ. Và mọi người trong nhà cũng bị nhịn ăn luôn. Hồi đó tôi bị một trận đau dạ dày dữ dội.
Sáng hôm nay, chúng tôi không có bữa điểm tâm, tối qua cũng bỏ luôn bữa ăn. Dì Marthe rầu rĩ lắm. Còn với tôi, chuyện rầu rĩ nhất là không được rời khỏi nhà để đi thăm người mình muốn thăm.
Chú tôi vẫn say sưa làm việc. Trí tưởng tượng của ông bị cuốn hút trong thế giới những giải pháp khoa học. Ông như sống hoàn toàn xa hẳn trái đất, xa hẳn những nhu cầu của con người trần tục. Độ giữa trưa, tôi bắt đầu cảm thấy đói kinh khủng. Trong nhà chẳng còn tí thức ăn dự trữ nào cả vì hôm qua dì Marthe đã vét sạch hết rồi. Tuy vậy, tôi vẫn cố chịu đựng và đặt vào đó một chút gọi là thể diện.
Đồng hồ chỉ hai giờ. Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình đã quá phóng đại tầm quan trọng của tài liệu nọ, rằng giáo sư Lidenbrock sẽ không tin nó và cho rằng nó chỉ là một chuyện đùa, rằng trường hợp xấu nhất chú tôi cứ một mực lao vào cuộc thám hiểm chắc thế nào cũng sẽ có người can ngăn, rằng cuối cùng ông cũng sẽ tự tìm ra chìa khóa mật mã và như vậy công tôi giữ kín điều bí mật ấy trở nên vô ích.
Những lý lẽ mới chiều qua tôi gạt đi một cách giận dữ, nay tôi lại cảm thấy tuyệt vời. Không những vậy tôi cảm thấy mình hoàn toàn vô lý nữa là khác. Cuối cùng tôi quyết định thổ lộ hết cho chú tôi những điều định giữ kín ấy.
Tôi đang tìm cách nào đế sao cho đỡ đột ngột thì chợt chú tôi đứng dậy, cầm nón lên và bước ra cửa. Trời ơi! Chú định đi và nhốt chúng tôi lại và bỏ đói luôn hay sao? Hoảng quá, tôi vội vàng lên tiếng gọi ông:
– Chú ơi!
Dường như chú tôi cũng chẳng nghe gì cả.
– Chú Lidenbrock ơi! – tôi gọi to hơn.
– Cái gì hả? – chú tôi giật mình hỏi như người vừa tỉnh cơn mê.
– Dạ thưa chú, cái chìa khóa…
– Chìa khóa nào? Chìa khóa cửa ư?
– Dạ không phải! Cháu muốn nói cái chìa khóa của bản mật mã…
Giáo sư Lidenbrock chằm chằm nhìn tôi qua phía bên kia cặp kính trắng. Và có lẽ nhận ra điều gì khác thường trên gương mặt của tôi, nên chú giữ chặt tay tôi rồi nhìn tôi như muốn hỏi lại tôi bằng ánh mắt. Tuy vậy, không có câu hỏi nào được nêu ra rõ ràng đên vậy.
Tôi lặng lẽ gật đầu đáp lại. Ra dấu là tôi biết cách đọc. Chú tôi lắc đầu tỏ vẻ không tin. Mặt của ông lộ vẻ thương hại như đang phải tiếp xúc với một người điên.
Tôi lại gật đầu lần nữa một cách dứt khoát, khẳng định điều tôi vừa tiết lộ.
– Phải thưa chú, tình cờ cháu đã tìm được chìa khóa để giải bức mật thư…
– Cháu nói sao hả? – ông kêu lên với vẻ xúc động tột độ.
Tôi đưa chú tôi mảnh giấy trên đó tôi đã viết, rồi nói:
– Chú cầm tờ giấy này và hãy đọc đi!
– Nhưng nó hoàn toàn vô nghĩa. – chú tôi nói và vo tờ giấy trong tay.
– Vô nghĩa nếu chú đọc theo tuần tự từ đầu tới cuối, nhưng nếu đọc theo chiều ngược lại từ cuối lên thì…
Tôi chưa kịp nói hết câu, giáo sư đã kêu lên vui sướng:
– Chà, cái ông Saknussemm khéo thật! Ông ấy viết đảo ngược câu gốc của mật thư từ dưới lên trên mà mình không biết!
Nói đoạn giáo sư Lidenbrock vồ lấy tờ giấy vừa nhàu nát vứt dưới đất. Mắt ông hòa đi, giọng ông run run vì xúc động, giáo sư đọc một mạch toàn bộ bức mật thư của nhà bác học Iceland thế kỉ XVI, bắt đầu từ chữ cuối ngược lên. Văn bản viết:
“In Sneffels Yoculis craterem kem delibat umbra Scartaris Julii calendas descende, audas viator et terrestre centrum attinges. Kod feci. Arne Saknussemm.”
Những dòng chữ Latinh trên có thể dịch ra như sau:
“Các nhà thám hiểm can đảm, hãy đi xuống miệng núi lửa Sneffels, nói có bóng đỉnh núi Scartaris chiếu vào. Hãy đi trước tháng Bảy và các bạn sẽ tói được trung tâm trái đất. Tôi đã từng đi được như thế. Arne Saknussemm.”
Đọc xong, chú tôi nhảy cẩng lên như bị điện giật. Trông chú tôi bây giờ tràn trề niềm vui, niềm tin lẫn sự táo bạo. Ông đi đi lại lại, hai tay ôm lấy đầu và diễn trò tung hứng với các mẫu đá của ông. Cuối cùng thần kinh đã dịu đi và như một người kiệt sức vì làm việc quá mức, chú tôi ngã xuống cái ghế bành phủ nhung.
Sau một lúc im lặng, chú tôi hỏi:
– Bây giờ là mấy giờ rồi, Axel?
– Dạ, ba giờ rồi ạ!
– À, quá giờ dùng bữa trưa rồi còn gì! Ngồi vào bàn ăn thôi, chú đói hoa cả mắt rồi đây. Dùng bữa xong ta sẽ…
– Sẽ là gì hả chú?
– Chuẩn bị hành lý cho chú…
– Cái gì?- tôi kêu lên sửng sốt.
– Và cả cháu nữa.
Nói xong, chú tôi xông thẳng sang phòng ăn.
Nghe chúng tôi nói vậy, tôi bủn rủn cả người. Nhưng tôi quyết tự kiềm chế và cố giữ nét mặt tươi tỉnh. Rõ ràng chỉ có những luận cứ mang tính khoa học mới có thể ngăn giáo sư Lidenbrock lao vào những cuộc thám hiểm như vậy. Và tôi đã chuẩn bị sẵn một kho lý luận biện chứng để đưa ra khi cần thiết. Đi vào trung tâm trái đất ư? Đúng là một sự điên rồ! Nhưng tạm thời hãy khoan tranh cãi, mà phải giải quyết cái dạ dày lép kẹp đã.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.