Khỏi cần phải tả cảnh chú tôi đứng trước bàn mà bữa ăn chưa được dọn ra! Mọi chuyện bỗng chốc được giải quyết một cách nhanh chóng: cửa nhà được mở, dì Marthe chạy ra chợ và một giờ sau khi cơn đói đã dịu tôi mới được hoàn hồn.
Trong suốt bữa ăn, giáo sư Lidenbrock luôn miệng chuyện trò vui vẻ. Ăn tráng miệng xong, chú tôi ra hiệu cho tôi theo ông vào phòng làm việc.
Hai chú cháu ngồi đối diện nhau ở bàn viết. Chú tôi nói một cách trịnh trọng:6p-Axel, cháu thông minh lắm! Cháu đã giúp chú một việc thật tuyệt vời, vừa đúng lúc chú định bỏ cuộc. Nếu không có cháu không hiểu chú sẽ đến đâu. Chú sẽ không quên điều này và trong niềm vinh quang sắp tới nhất định sẽ có phần của cháu.
“Tuyệt quá, – tôi thầm nghĩ – ông ấy đang vui, bây giờ chính là lúc tranh luận cái vinh quang ấy đây!”
– Trước hết, – chú tôi nói tiếp – yêu cầu cháu phải tuyệt đối giữ bí mật chuyện này, nghe rõ chưa? Trong giới khoa học không thiếu những kẻ đố kỵ và nhiều người trong bọn họ rất muốn đi theo cuộc thám hiểm này. Nhưng họ sẽ không được nghe nói gì tới vụ này cho đến khi chúng ta trở lại!
– Chú tin rằng có nhiều người đủ can đảm để lao vào chuyện như vầy hay sao?
– Chắc chắn là sẽ đông. Ai có thế chần chừ trước một danh vọng như vậy. Nếu tài liệu này được công bố, là có cả một đạo quân những nhà địa chất đổ xô theo vết chân của Arne Saknussemm.
– Thưa chú, đấy chính là điều cháu không chắc chắn lắm. Chẳng có gì chứng tỏ tính xác thực của tư liệu ấy cả!
– Sao? Thế còn quyển sách cổ trong đó chúng ta phát hiện thấy bản tư liệu không phải là một bằng chứng có tính thuyết phục hay sao?
– Được! Cứ cho là ông Saknussemm đã viết những dòng mật thư này, nhưng liệu ông ấy đã thực sự thực hiện cuộc thám hiểm đó không? Biết đâu những điều ông ấy viết trong mảnh da đó chỉ là bịp bợm.
Tôi hơi ân hận vì đã nói liều lĩnh và sợ rằng cuộc trao đổi giữa hai chú cháu vì thế sẽ không tiếp tục được nữa. May thay, chú tôi chỉ nhíu cặp lông mày rậm rồi nhếch mép, nói với tôi:
– Điều đó chúng ta sẽ kiểm tra lại!
– Thưa chú, – tôi hơi mếch lòng nói – chú cho cháu có vài nhận xét về bản tư liệu này.
– Cháu cứ nói, đừng ngại gì hết. Chú cho phép cháu được hoàn toàn tự do nói lên quan điểm của cháu. Cháu là người cộng sự của chú mà. Nào nói đi, Axel!
– Trước hết cháu muốn hỏi chú mấy chữ Yokul Sneffels với Scartaris nghĩa là gì, vì cháu chưa gặp chữ này bao giờ.
– Có khó gì đâu! Cháu hãy lấy tập bản đồ thứ 3 trong ngăn thứ 2 của tủ sách lớn, hàng Z, bản 4.
Tôi đứng dậy và nhanh chóng tìm được tập bản đồ. Chú tôi giở ra và nói ngay:
– Đây là tấm bản đồ tốt nhất về vùng đất Iceland và chú tin rằng nói sẽ giải đáp được mọi thắc mắc của cháu.
Tôi cúi nhìn xuống bản đồ. Giáo sư nói:
– Cháu hãy nhìn xem, đảo Iceland gồm toàn núi lửa, nên lưu ý là những núi lửa đều mang cái tên Yokul, chữ Iceland có nghĩa là băng hà. Iceland nằm dưới vĩ tuyến cao nên phần lớn những núi lửa đều phun lên qua những lớp băng hà. Vì vậy, Yokul là tên gọi chung cho tất cả những núi lửa của đảo.
– Cháu hiểu, nhưng còn chữ Sneffels?
Tôi hi vọng ông sẽ không tìm ra câu trả lời, nhưng tôi đã lầm, chú tôi nói tiếp:
– Cháu hãy theo dõi bờ biển phía Tây của Iceland. Cháu có thấy thủ đô Reykjavik không? Có hả? Được! Ngược theo vô vàn những vịnh hẹp rồi dừng lại ở phía dưới vĩ tuyến 65 một chút, cháu có thấy gì không?
– Một bán đảo trông giống một cái xương sống đã bị róc hết thịt.
– So sánh rất chính xác. Nhưng cháu thấy gì trên khúc xương sống ấy?
– Một quả núi như mọc lên giữa biển.
– Đúng! Đó là ngọn núi Sneffels.
– Ngọn núi Sneffels ạ?
– Phải, chính là nó đấy. Sneffels là một ngọn núi cao năm ngàn bộ đáng chú ý nhất đảo và chắc chắn sẽ là quả núi nổi tiếng toàn thế giới nếu miệng núi lửa lại dẫn đến trung tâm trái đất.
– Nhưng đó là điều không thể được.- tôi nhún vai kêu lên, phản ứng lại giả thiết ấy của giáo sư Lidenbrock.
– Không được à? Tại sao lại không hả?
– Bởi vì chắc chắn dung nham nóng chảy phun trào lên sẽ lấp mất miệng núi.
– Nhưng nếu đó là miệng của một núi lửa đã ngưng hoạt động thì sao?
– Ngưng hoạt động à?
– Phải. Hiện nay có rất nhiều ngọn núi đã tắt trên mặt trái đất, chỉ còn khoảng ba trăm ngọn là còn đang hoạt động. Ngọn Sneffels này thuộc những núi lửa đã tắt từ rất lâu. Nó chỉ phun lửa một lần vào năm 1219. Từ đó nó dịu dần cho đến nay.
Trước những lý lẽ vững chắc ấy, tôi chẳng còn biết nói sao bèn đào sâu vào những điều khó hiểu trong bức mật thư.
– Thưa chú, Scartaris nghĩa là gì? Tại sao phải xuống đó trước khi hết tháng bảy?
Chú tôi nghĩ ngợi một lát rồi đáp:
– Những điều mà cháu cho là mù mịt khó hiểu ấy, đối với chú lại sáng tỏ như ban ngày. Nó chứng tỏ sự chu đáo tài tình của ông Saknussemm để khẳng định phát kiến của mình. Núi lửa Sneffels có nhiều miệng. Do vậy nhất thiết phải chỉ rõ miệng nào dẫn tới trung tâm trái đất. Vậy nhà khoa học này đã xác định bằng cách nào? Ông ta quan sát thấy vào những ngày cuối tháng bảy, đỉnh Scartaris, một trong nhiều đỉnh của ngọn Sneffels sẽ in bóng vào miệng núi lửa đang nói đến. Ông bèn ghi sự việc này vòa bức thư. Như thế không có gì chính xác hơn.
Rõ ràng không còn điều gì mà chú tôi không giải đáp được. Thấy không thể tấn công giáo sư Lidenbrock về những gì ghi trong mảnh da cũ được nữa, tôi bèn chuyển qua lý sự về khoa học.
– Thưa chú, – tôi nói – cứ cho là lời của ông Saknussemm là sáng sủa rõ ràng và bức mật thư hoàn toàn xác thực. Cứ cho là nhà bác học Iceland này đã tới tận ngọn Sneffels, đã nhìn thấy bóng đỉnh Scartaris lướt trên bờ miệng núi lửa trước khi hết tháng bảy. Ông cũng đã từng nghe kể những truyền thuyết về con đường dẫn tới tâm trái đất từ miệng núi lửa ấy! Nhưng còn việc có đúng ông đã đi tới trung tâm trái đất hay không, có đúng ông đã thực hiện cuộc thám hiểm đó rồi quay trở về hay không, thì hoàn toàn không thể có được.
– Lý do nào mà cháu lại nghĩ như vậy? – giáo sư hỏi với giọng chế giễu.
– Thưa chú, tất cả mọi lý thuyết khoa học đều chứng minh là điều đó không thể thực hiện được.
– Mọi lý thuyết khoa học đều nói thế sao? – giáo sư Lidenbrock làm ra vẻ ngây thơ hỏi – Chà cái mớ lý thuyết đáng thương này lại đang sắp quấy rầy ta đây!
Dù biết ông đang chế giễu, tôi vẫn tảng lờ nói tiếp:
– Đúng vậy, mọi người đều biết đi sâu xuống mặt đất cứ 70 bộ thì nhiệt độ lại tăng lên một độ. Giả thiết tỷ lệ đó không thay đổi, bán kính trái đất là 1500 dặm, như vậy nhiệt độ ở tâm trái đất sẽ là hai triệu độ. Những vật chất ở giữa lòng đất đều ở thể lỏng nóng sáng, vì ở độ nóng như vậy ngay cả những kim loại rắn nhất cũng phải chảy tan ra. Như vậy liệu chúng ta có nên liều mạng dấn thân vào một nơi như vậy không?
– À thì ra chính nhiệt độ ở trong lòng đất làm cháu lo ngại à?
– Dạ, dĩ nhiên là thế. Chỉ cần xuống đến độ sâu 10 dặm thôi thì nhiệt độ cũng đã lên tới 1300 độ rồi.
– Và cháu sợ sẽ chảy lỏng ra chứ gì?
– Điều đó thì tùy chú quyết định.
– Vậy thì chú quyết định như thế này, – giáo sư lấy lại vẻ chững chạc nói – Mọi người kể cả cháu, không một ai biết chắc cái gì diễn ra trong lòng đất, cho đến nay con người mới chỉ gọi là biết tới một phần mười hai ngàn đường bán kính của trái đất mà thôi. Khoa học lại không ngừng được hoàn thiện, luôn có một lý thuyết mới đánh đổ lý thuyết cũ. Cho đến thời của Fourier, mọi người vẫn tưởng nhiệt độ khoang không vũ trụ giữa các hành tinh cứ giảm mãi, nhưng đến nay người ta lại biết nhiệt độ thấp nhất của những vùng có ête không quá bốn, năm mươi độ dưới không! Tại sao nhiệt độ trong lòng đất lại không thể biểu diễn tương tự như vậy được? Tại sao ở một độ sâu nào đó, nhiệt độ lại không thể dừng ở một giới hạn cực đại?
Những vấn đề chú tôi nêu ra hoàn toàn là những giả thuyết, nên tôi đành phải im lặng. Chú tôi nói tiếp:
– Chú nói cho cháu rõ, nhiều nhà khoa học thực thụ đã chứng minh nếu trong lòng trái đất tồn tại một nhiệt độ hai triệu độ thì những vật chất nóng chảy sẽ dãn nở một cách khủng khiếp tới mức vỏ trái đất không chịu nổi sẽ nổ tung ra như thành của cái nồi hơi dưới tác dụng của khí nén.
– Thưa chú, chẳng qua đó cũng là những ý kiến chủ quan mà thôi.
– Không phải là ý nghĩ của riêng chú mà là của nhiều khoa học gia khác nữa. Cháu còn nhớ năm 1825 ông Humphry Davy là một bác học nổi danh có ghé thăm chú không?
– Dạ, cháu đâu biết. Bởi vì mười chín năm sau đó cháu mới được sinh ra đời.
– À, Humphry Davy nhân có dịp đi qua Hambourg nên ghé thăm chú. Ông ấy và chú đã thảo luận rất lâu về cấu tạo của lòng trái đất. Cả hai đều đồng ý là nó có cấu tạo bằng chất rắn.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Vì sao ma chú nghĩ như thế?
– Vì nếu là chất lỏng thì nó phải chịu ảnh hưởng của mặt trăng, mặt trời nghĩa là phải có thủy triều như ở biển và nếu vậy thì phải có động đất liên miên.
Tôi lại hỏi:
– Thưa chú ngày xưa trái đất có một thời bốc cháy và thế nào mặt ngoài cũng nguội trước.
Chú tôi ngắt lời:
– Không phải đâu. Phần đất bị bốc cháy chính là phần vỏ bên ngoài. Một số kim loại phát hỏa khi gặp phải nước, vì vỏ trái đất cấu tạo bởi kim loại đó lên khi trời mưa xuống thì mặt đất bốc cháy. Khi nước mưa thấm sâu hơn xuống lòng đất thì ở dưới đáy cũng cháy, tạo ra các vụ động đất và núi lửa. Đó là lý do tại sao thời xa xưa có rất nhiều núi lửa. Nhiều nhà địa chất học nổi tiếng khác cũng có ý kiến là lòng trái đất không cấu tạo bằng khí, bằng nước, cũng chẳng phải bằng đá, vì nếu như vậy trái đất sẽ có khối lượng nhỏ hơn hai lần hiện tại.
– Cháu xin lỗi chú, chỉ với những con số người ta có thể chứng minh được tất cả những gì người ta muốn.
– Axel này, tính từ ngày khai thiên lập địa tới nay, rõ ràng số lượng núi lửa trên thế giới giảm một cách đáng kể. Do đó nếu thật sự tồn tại một nhiệt độ ở tâm trái đất, chẳng lẽ ta không thể đi đến kết luận nhiệt độ ấy đang giảm đi hay sao?
Tôi bắt đầu bị lung lay trước những luận cứ do nhiệt tình và lòng đam mê của giáo sư đã trở lên có giá trị. Ông nói thêm:
– Cháu thấy đấy, có rất nhiều giả thiết về trung tâm trái đất. Nhưng cháu cứ yên tâm, rồi chúng ta cũng thấy được thôi. Chú nhất định sẽ không chịu thua Saknussemm trong việc giải quyết vấn đề lớn lao này.
– Đúng vậy, – bỗng nhiên bị cuốn hút vào sự nhiệt tình của giáo sư tôi đáp – nhất định chú cháu mình cũng sẽ thấy, nhưng liệu chúng ta sẽ thấy được gì ở cái nơi tối tăm đó?
– Tại sao không thấy? Ở dưới đó có thể có những hiện tượng điện cho ta ánh sáng, vả lại khi đến gần trung tâm trái đất dưới áp suất của khí quyển, không khí cũng có thể phát sáng.
– Phải! Những hiện tượng này có thể xảy ra lắm.
– Chắc chắn chúng sẽ xảy ra.- chú tôi khẳng định một cách đắc thắng – Nhưng cháu phải giữ im lặng, không hé nửa lời về điều đó để không ai có ý nghĩ khám phá trung tâm trái đất trước chúng ta!
Cuộc tranh luận đáng nhớ giữa tôi và giáo sư Lidenbrock được kết thúc như vậy đấy. Bước ra khỏi phòng làm việc của chú tôi, thấy người choáng váng và ngột ngạt khó thở, tôi bèn đi ra ngoài bờ sông Elbe. Tôi bước đi mà như chơi vơi giữa muôn ngàn giả thuyết mâu thuẫn mà không tài nào bám lấy được một giả thuyết nào. Tôi chợt nhớ mình bị sự nhiệt tình của giáo sư Lidenbrock chinh phục và cái nhiệt tình này cũng đang hình thành trong tôi. Tôi muốn lên đường thám hiểm ngay tức khắc, không đắn đo suy nghĩ một giây nào nữa. Đúng thế, lúc này tôi có thừa lòng dũng cảm để sắp xếp hành trang.
Nhưng một giờ sau, sự hưng phấn đột ngột ấy bỗng dưng chấm dứt. Những dây thần kinh của tôi chùng cả xuống. Và thế là từ những vực sâu mơ mộng của lòng đất tôi bật trở lại mặt đất thực tại.
– Thật vô lý hết sức! – tôi kêu lên – Sự việc này chẳng ra cái nghĩa gì cả! Tất cả chỉ là một sai lầm! Chắc mình thiếu ngủ nên mới mộng mị ra những chuyện huyền hoặc như vậy!
Trong khi đó, chân tô cứ bước lần theo bờ sông Elbe quanh thành phố. Có lẽ do linh tính dẫn đường vì chỉ một lát sau tôi thấy bóng dáng Grauben bé nhỏ của tôi đang nhẹ bước trên đường trở về Hambourg. Từ xa tôi cất tiếng gọi:
– Grauben!
– Ôi, anh Axel! – Grauben ngạc nhiên kêu lên – Anh đi đón đấy ư? Có đúng là anh đi đón em không, Axel?
Nhưng khi tôi bước lại đến gần bên cô, Grauben không khỏi bồn chồn vì cái vẻ lo lắng và ngao ngán hiện trên nét mặt tôi. Cô nắm lấy tay tôi và hỏi:
– Axel, anh làm sao thế?
– Grauben thân yêu, chuyện như vầy…
Thế là chỉ bằng mấy câu ngắn gọn, tôi đã thông báo cho cô gái xinh đẹp của tô rõ tình hình. Chúng tôi lặng lẽ dắt tay nhau đi trên đường. Không hiểu trái tim của cô có phập phồng hồi hộp như trái tim của tôi không? Bổng Grauben hỏi:
– Anh Axel này!
– Cái gì hả, Grauben?
– Em thấy chuyện du lịch sắp tới của anh có vẻ thú vị đấy!
Thú thật, khi nghe những lời nói đó của Grauben tôi muốn nhảy dựng lên. Nhưng cô vẫn nhỏ nhẹ nói tiếp:
– Anh Axel, thế mới xứng đáng là cháu một nhà bác học chứ danh chứ! Người đàn ông tự khẳng định mình bằng một câu chuyện vĩ đại quả là một điều hay!
– Em nói sao? Em nghĩ là anh phải tham gia vào cuộc thám hiểm này sao?
– Phải, Axel ạ. Nếu một đứa con gái yếu đuối như em mà không làm vướng chân ai thì chắc chắn anh cũng tình nguyện theo anh và chú Lidenbrock ngay!
– Em nói thật sao?
– Thật chứ!
Thật khó mà hiểu được tâm hồn phụ nữ. Khi thì họ là những con người nhút nhát, yếu đuối nhất, cũng có khi họ lại là những con người dũng cảm vô song. Cô gái này đang khuyến khích tôi tham gia vào chuyến thám hiểm điên rồ này mặc dù rất yêu tôi! Nói thật tôi cũng cảm thấy xấu hổ.
– Grauben này, – tôi hỏi để chữa thẹn – để rồi xem ngày mai em có còn nói vậy nữa không nhé!
– Ngày mai em cũng sẽ nói y hệt như ngày hôm nay.
Thế rồi chúng tôi lại lặng lẽ nắm tay nhau bước đi. Tôi quá mệt mỏi với những chuyện xảy ra trong ngày. Tôi thầm nghĩ:
“Từ nay đến cuối tháng bảy cũng còn lâu, thế nào cũng sẽ xảy ra những biến cố khiến chú tôi phải từ bỏ ý định muốn chu du dưới lòng đất ấy.”
Khi chúng tôi về đến nhà, trời đã bắt đầu tối. Tôi tưởng sẽ thấy nhà cửa yên ắng, chú tôi sẽ lên giường ngủ như mọi khi và dì Marthe đã quét dọn xong phòng ăn, nào ngờ lại thấy giáo sư đang la hét, hối hả giữa một đám người khuân vác đang dỡ xuống lối đi các hàng hóa gì đó, và dì Marthe đang bối rối vì không biết xếp chúng vào chỗ nào. Trông thấy tôi từ xa, chú tôi đã hét to:
– Lẹ lên Axel! Hành trang chưa đóng, giấy tờ còn lung tung, chìa khóa vali biến mất đâu không thấy, một số vật dụng đặt mua vẫn chưa thấy mang tới!
Tôi sửng sốt, đứng ì ra không nói được lời nào. Mãi một lúc sau, tôi mới lắp bắp được một câu:
– Chúng ta lên đường hả chú?
– Đúng vậy! Sáng sớm ngày kia sẽ khởi hành!
Không còn nghe chú tôi nói gì thêm nữa và tuôn chạy về phòng riêng.
Rõ ràng là giáo sư Lidenbrock đã tận dụng buổi trưa hôm nay để lùng kiếm một phần những đồ dùng và dụng cụ cần thiết cho chuyến thám hiểm. Trên lối vào nhà ngổn ngang nào thang, dây leo núi, đuốc, bình đựng nước, móc sắt, gậy, cuốc chim… Tất cả những đồ đạc lỉnh kỉnh ấy đủ để mười người vác nặng.
Trải qua một đêm kinh hoàng, sáng hôm sau tôi đã nghe Grauben gọi. Tôi đành mở cửa. Tôi ra khỏi phòng, lòng nghĩ rằng khuôn mặt nhợt nhạt và đôi mắt đỏ lừ của tôi sẽ khiến Grauben thay đổi ý kiến.
– A, Axel. – nàng nói – Em thấy anh có vẻ khá hơn đấy, ngủ được một đêm là anh khỏe ngay mà!
– Khỏe à? – tôi kêu lên rồi chạy lại gương. Quả là tôi có khá hơn mình tưởng.
– Axel, – Grauben nói – em vừa nói chuyện với giáo sư. Chú ấy quả là một nhà bác học táo bạo, một người rất can đảm, và anh nên nhớ rằng anh có cùng dòng máu với chú ấy. Giáo sư có kể cho em nghe về kế hoạch và hy vọng của mình. Giáo sư sẽ thành công, em tin chắc vào điều đó. Vinh quang đang chờ đợi hai người. Khi anh trở về, anh sẽ thành một người đàn ông ngang tầm với giáo sư, tự do hành động và ăn nói, tự do để…
Nàng ngưng bặt và đỏ mặt. Những lời của nàng khiến tôi thêm can đảm. Tuy vậy tôi vẫn không muốn tin vào quyết định của giáo sư. Tôi kéo Grauben tới phòng làm việc của ông và hỏi:
– Thưa chú, như vậy nhất định sáng mai chúng ta sẽ lên đường?
– Sao hả? Cháu còn nghi ngờ gì nữa?
– Thưa chú không ạ.- không muốn giáo sư phật ý, tôi vội trả lời – Cháu chỉ muốn hỏi tại sao chúng ta lại phải vội vã như thế?
– Thời gian chứ còn cái gì nữa! Thời gian tựa tên bay, cháu không biết sao?
– Nhưng hôm nay mới là ngày 26 tháng 5, mãi đến cuối tháng 6…
– Cháu còn dại lắm, đường đi tới Iceland có phải dễ đi đâu. Mỗi tháng chỉ có một chuyến tàu từ Copenhagen đi Reykjavik vào ngày 22. Nếu cứ chờ tới đó mới lên đường, chúng ta sẽ bỏ lỡ dịp nhìn thấy đỉnh Scartaris lướt qua miệng núi lửa Sneffels. Do vậy cần phải đến Copenhagen càng sớm càng tốt để tìm phương tiện. Thôi, đi thu xếp hành trang mau lên, Axel.
Nghe giáo sư ra lệnh, tôi đành im lặng cùng Grauben trở về phòng. Nàng sắp xếp những vật dụng của tôi vào một vali nhỏ. Đôi tay nàng hoạt động lẹ làng. Nàng nói chuyện bình thản và đưa ra những lý lẽ rất hay cho chuyến đi. Nàng làm tôi vừa lòng nhưng sao tôi vẫn cảm thấy tức giận. Đôi lúc tôi xuýt nổi cáu, nhưng nàng bỏ qua và tiếp tục công việc. Sau cùng nàng làm xong và tôi đi xuống lầu.
Cả ngày hôm ấy, các dụng cụ khoa học, súng ống và trang thiết bị được trở tới. Dì Marthe không biết phải xoay sở ra sao, nên hỏi tôi:
– Cậu Axel này, bộ giáo sư Lidenbrock phát điên rồi hả?
Tôi gật đầu.
– Ông chủ mang cậu theo à?
Tôi lại gật đầu.
– Thế đi đâu hả cậu?
Tôi chỉ tay xuống đất.
– Đi xuống tầng hầm à?
– Không, sâu hơn như thế nhiều.
Đến tối, tôi chẳng còn chút khái niệm nào về thời gian. Giáo sư nhắc tôi:
– Axel này, đúng sáu giờ sáng mai chúng ta lên đường đấy!
Tôi nằm vật ra giường, thân thể nặng tựa như đá. Đêm hôm ấy, những nỗi kinh hoàng lại đến, tôi toàn mơ thấy vực thẳm. Trong cơn mê sảng, tôi thấy bàn tay to khỏe của giáo sư xiết chặt lấy tôi, dìm tôi xuống nước và vùi tôi xuống cát! Tôi thấy mình bị rơi xuống những vực sâu hun hút không đáy. Và cứ thế tôi vị rơi xuống mãi xuống mãi không bao giờ ngừng.