Cuộc Nổi Loạn Ngoạn Mục

Chương 02



Khi con tàu rú vang những hồi còi rồi đỗ lại ngoài xa, một chiếc thuyền lập tức rời bến tiến về phía chúng tôi. Gã lái thuyền chưa đến mức trần như nhộng nhưng cũng chả khá hơn là mấy với vỏn vẹn một chiếc khố đỏ dị hợm trên người. Thật là một nơi hoang dã! Mà chắc cũng chẳng ai mặc nổi kimono khi trời nóng thiêu nóng đốt thế này. Ánh nắng gay gắt phản chiếu xuống mặt nước chói lòa, nhìn hoa cả mắt. Tôi hỏi người quản lý tàu đây là đâu thì người ấy trả lời đây đúng là nơi tôi cần đến. Chỉ cần nhìn lướt qua thôi cũng đủ nhận thấy đó là một làng chài khoảng bằng vùng ngoại ô Omori của Tokyo. Bọn người đáng ghét, họ nghĩ họ là ai, xem thường tôi quá thể! Đưa tôi đến cái vùng khỉ ho cò gáy vậy sao sống được chứ? Nhưng thôi, giờ tôi đành chịu. Không dây dưa gì nữa, tôi nhảy ào xuống thuyền trước tiên và chừng sáu, bảy người liền theo sau, khệ nệ khiêng cả mấy cái rương to kềnh. Khố Đỏ nhanh chóng cho thuyền quay về bến. Lúc thuyền cập bến, tôi lại nhảy lên bờ đầu tiên, tóm luôn một thằng bé mũi thò lò đang đứng đó để hỏi xem trường trung học ở đâu. Thằng nhóc ngớ ra, trố mắt nhìn tôi rồi trả lời mỗi một câu cụt ngủn: “Khôôông biết”. Đúng là đồ nhà quê óc bã đậu! Cái thị trấn chỉ bé bằng nắm tay mà không biết trường trung học ở đâu ư?! Lát sau bỗng một người đàn ông mặc chiếc áo kimono kỳ quặc có ống tay áo chật ních tới bảo tôi đi theo ông ta. Tôi theo ông đến nơi thì hóa ra đó là quán trọ tên Minato gì đấy. Mấy cô hầu váy áo luộm thuộm đồng thanh cất tiếng mời chào khiến tôi chẳng muốn vào. Tôi dừng trước cửa, hỏi thăm trường trung học ở đâu. Nghe họ nói trường còn cách đây vài dặm và đi bằng xe lửa, tôi càng chả thiết vào. Tôi giằng lấy hai chiếc va-li của mình từ tay ông mặc chiếc kimono buồn cười nọ rồi bước thẳng. Đám người nhà trọ được một phen ngẩn tò te.

Tôi tìm được nhà ga khá nhanh, mua lấy một vé và leo lên chiếc xe lửa bé tẹo như cái bao diêm. Xe vừa ì ạch lăn bánh chưa đầy năm phút thì tới nơi. Chả trách sao vé lại rẻ thế, chỉ mất có ba xu!

Tôi tìm một chiếc xe kéo chở đến trường, nhưng lúc đó đã tan học nên chẳng còn ai. Người bảo vệ nói rằng giáo viên trực trường hôm nay có việc đi vắng rồi. Lạ nhỉ, giáo viên nào trực mà thoải mái thế! Tôi định đi gặp ông hiệu trưởng nhưng cảm thấy mệt rã rời, đành kêu phu xe đưa về nhà trọ trước vậy. Bác ta vội vã đưa tôi đến nhà trọ Yamashiro – cùng tên với cửa hiệu cầm đồ của gia đình thằng Kantaro. Thật là một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên.

Chả hiểu sao người phục vụ lại dẫn tôi đến căn phòng tối om, nóng hầm hập nằm dưới chân cầu thang. Tôi bảo tôi không muốn ở phòng ấy thì được trả lời là chẳng may các phòng khác có người thuê hết cả. Rồi cô ta ném vội hành lý của tôi xuống và bỏ đi mất. Hết cách, tôi đành vào trong, mồ hôi thi nhau tuôn ra nhễ nhại. Tôi ngồi được một chốc, họ báo với tôi nhà tắm đã chuẩn bị xong đâu đấy. Tôi cũng vào tắm, nhưng chỉ qua loa một tí liền ra ngay. Lúc trở về phòng, tôi để ý thấy còn nhiều phòng trống vừa đẹp vừa thoáng mát. Đúng là bọn dối trá, láo thật! Lát sau, cô hầu phòng đem cơm tối đến. Căn phòng vẫn ngột ngạt như thế, nhưng thức ăn rất ngon, khác xa so với nhà trọ tôi ở trước đây. Vừa dọn cơm cô ta vừa hỏi tôi ở đâu tới. Khi nghe tôi trả lời, cô hỏi tiếp Tokyo hẳn là một nơi tuyệt lắm nhỉ. Tôi nói dĩ nhiên. Xong bữa, cô ả mang chiếc khay trở về nhà bếp, từ đó chợt vang lên những tràng cười lớn. Cái chốn này có gì đáng để thức khuya cơ chứ, nghĩ vậy tôi bèn đi ngủ sớm, nhưng chẳng chợp mắt được. Không khí oi bức quá, lại thêm ồn ào kinh khủng, ồn gấp năm lần nhà trọ cũ. Cuối cùng, khi vừa thiu thiu ngủ thì tôi mơ thấy Kiyo đang nghiến ngấu mấy viên kẹo vùng Echigo, thậm chí bà còn ăn luôn cả lá tre dùng để gói kẹo nữa. Tôi kêu lên trong lá tre có chứa chất độc đấy, bà đừng ăn. Thế nhưng Kiyo không nghe mà còn bảo lá tre rất tốt cho sức khỏe, rồi tiếp tục nhai một cách ngon lành. Tôi sửng sốt, sau đó bật cười ầm ĩ và tự dưng tỉnh giấc. Có cô hầu nào đấy đang mở lá chắn cửa. Bầu trời cứ trong vắt, không một áng mây như hôm qua đến giờ.

Tôi từng nghe nói khi ở trọ thì phải cho đám người phục vụ tiền quà, nếu không họ sẽ đối xử với mình rất tệ. Chắc là vì tôi không thưởng thêm tiền nên họ nhét tôi vào căn phòng chật hẹp, tối tăm này. Tôi lại ăn mặc xoàng xĩnh, xách cái túi vải thô và chiếc ô bằng lụa rẻ tiền nữa, trông thế họ càng có thái độ lếu láo tợn. Bọn nhà quê mà dám coi thường người khác! Được rồi, tôi sẽ cho họ thấy: tôi sẽ ném cho họ một mớ tiền quà thật đáng kể để họ sáng mắt ra. Dù đối với họ, nhìn bên ngoài tôi không gây ấn tượng lắm, nhưng khi rời Tokyo tôi có đến ba mươi yên trong túi, chi phí tàu xe mất một ít nhưng vẫn thừa lại mười bốn yên. Thêm vào đó, tôi sắp được lãnh lương, vì vậy có đem hết mười bốn yên cho họ thì cũng chả vấn đề gì. Dân quê là chúa keo kiệt, món tiền quà năm yên hẳn sẽ khiến họ lác cả mắt. “Cứ chờ xem!”, tôi nghĩ bụng trong lúc rửa mặt. Sau đó, tôi liền trở vào phòng và ngồi đợi. Người hầu gái hôm qua lại mang điểm tâm đến. Bày thức ăn cho tôi mà cô ả cứ nhơn nhơn cái kiểu cười mỉa mai đáng ghét. Quá quắt thế! Cô ta tưởng cô ta đang xem một tên hề à? Nói thật, mặt mũi tôi còn sáng sủa dễ coi hơn mặt cô ta nhiều nhé. Tôi định khi nào cô ta dọn dẹp xong mới cho tiền, nhưng thái độ ấy làm tôi tức sôi gan, bèn rút luôn tờ năm yên ra và bảo cô ta đem nộp cho quản lý. Cô ả ngẩn người, nhìn tôi lạ lẫm. Cơm nước xong là tôi tới trường ngay, chẳng màng lau chùi giày dép gì cả.

Tôi biết khá rõ đường đi vì hôm qua tôi đã đến trường bằng xe kéo rồi, chỉ cần qua vài ngã rẽ là có thể thấy ngay cổng vào. Lối dẫn từ cổng đến hiên được lát bằng đá hoa cương nên khi kéo xe sẽ tạo ra thứ âm thanh ken két nghe rất dễ sợ. Trên đường đi, tôi gặp nhiều học sinh mặc đồng phục bằng vải thô đen đang tuôn vào cổng. Vài đứa còn cao lớn, khỏe mạnh hơn tôi. Khi nghĩ mình phải dạy dỗ cái đám học sinh như thế này tôi có cảm giác thật ngán ngẩm. Tôi đưa danh thiếp và được dẫn đến phòng hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng có bộ ria mép thưa, da ngăm đen với đôi mắt ốc nhồi, trông rất giống một con lửng. Điệu bộ của ông ta lại càng kiểu cách, ra vẻ. Ông hô hào, thuyết giáo tôi hãy cố gắng làm việc và hết sức trang trọng trao cho tôi tờ “Chứng nhận được bổ nhiệm” có đóng con dấu to (sau này, trên chuyến tàu trở về Tokyo tôi đã đem bảng chứng nhận ấy ra vo thành viên rồi thẳng tay ném xuống biển). Ông bảo sẽ giới thiệu tôi với toàn thể giáo viên trong trường, lúc đó tự tôi phải trình bảng chứng nhận cho từng người xem. Thật là nhiêu khê! Chi bằng cứ đem treo nó lên trong phòng giáo viên vài ngày có phải đỡ phiền phức hơn không.

Mọi người chỉ tập trung đầy đủ trong phòng giáo viên khi có tiếng kèn báo hiệu hết tiết học thứ nhất. Như vậy thì tôi vẫn còn phải đợi một lúc nữa. Ông hiệu trưởng lôi cái đồng hồ bỏ túi ra xem rồi bảo ông sẽ nói chuyện nhiều hơn, thân mật hơn với tôi sau, nhưng trước hết ông muốn tôi nắm được những điểm chính yếu. Thế là từ đó ông ta bắt đầu bài giảng lê thê về đủ thứ tinh thần, trách nhiệm trong sự nghiệp giáo dục. Tôi ngồi nghe cho có lệ, nhưng thấy ông ta cứ huyên thuyên mãi tôi bỗng nghĩ mình đã tự chuốc một đống rắc rối khi đến đây. Dù gì đi nữa, tôi biết mình cũng chẳng có cách nào làm được những điều như ông ta mong muốn đâu. Một kẻ khờ khạo, liều lĩnh như tôi mà bị yêu cầu nào là phải trở thành tấm gương cho học sinh noi theo, nào là phải cư xử chuẩn mực theo cách mọi người trông đợi, nào là giáo viên chân chính thì ngoài việc truyền thụ kiến thức còn phải thể hiện lý tưởng đạo đức tốt đẹp trong cuộc sống của bản thân – toàn những đòi hỏi quá mức. Có ai xuất sắc đến thế lại chấp nhận về cái vùng quê hẻo lánh này với đồng lương chỉ bốn mươi yên một tháng không? Tôi cho rằng đã là con người thì đều giống nhau, nếu có chuyện gì tức lên dĩ nhiên cũng sẽ gây gổ thôi. Cứ đà này, chắc tôi chả dám mở miệng hay thậm chí còn không được đi dạo nữa cũng nên! Nếu khắt khe như vậy đáng lẽ họ phải thông báo rõ ràng mọi việc trước khi tuyển dụng tôi chứ. Tôi không thích nói dối, thành ra tôi không biết làm thế nào trong hoàn cảnh này: tôi chỉ hiểu rõ mình đã sai lầm khi đến đây, và quyết định từ bỏ công việc để quay trở về Tokyo là cách tốt nhất. Nhưng vì tôi vừa thưởng cho bọn nhà trọ những năm yên, giờ chỉ còn lại chín yên với một ít tiền lẻ nên không đủ chi phí đi Tokyo. Thật là món tiền thưởng tai hại! Nhưng bấy nhiêu cũng được rồi, chín yên thì chín yên, thà không đủ tiền đi đường vẫn hơn là nói dối.

Tôi bèn nói thẳng với ông hiệu trưởng rằng tôi không thể làm được những điều như ông muốn đâu và xin trả lại giấy bổ nhiệm. Ông ta hấp háy đôi mắt giống mắt con lửng của mình, nhìn vào mặt tôi một chốc rồi cười bảo đó đơn giản chỉ là ông mong tôi cố gắng vậy thôi, chứ thật ra ông cũng biết chắc tôi không thể thực hiện được nên tôi không cần lo lắng làm gì. Trời ạ! Nếu biết thế sao ngay từ đầu đã phải đem bài diễn văn đao to búa lớn đấy ra mà dọa tôi?

Tiếng chuông báo hết tiết vang lên, bỗng chốc đủ thứ âm thanh ồn ào huyên náo dội ra từ khắp các lớp học. Ông hiệu trưởng bảo có lẽ các giáo viên khác đã tập trung đông đủ ở phòng giáo viên rồi, thế là tôi đi theo ông ta đến đó. Khi tôi bước vào, họ đang ngồi ở những dãy bàn xếp dọc theo các bức tường trong một gian phòng dài và hẹp. Như có hẹn trước, vừa thấy tôi xuất hiện tất cả liền đồng loạt quay nhìn. Họ tưởng tôi là vật được đem trưng bày, mặc sức cho họ ngắm nghía chắc? Vì đã được dặn dò nên tôi đến chỗ từng người, đưa giấy chứng nhận bổ nhiệm cho họ xem đồng thời chào hỏi theo đúng nghi lễ. Hầu như ai cũng chỉ hơi nhổm người khỏi ghế, khẽ gật đầu chào tôi, cũng có vài người cầm lấy tờ giấy, đọc lướt qua rồi cẩn thận trao lại. Cả bọn cứ như đang đóng kịch vậy. Đến người thứ mười lăm là một giáo viên thể dục thì tôi bắt đầu thấy bực mình vì phải lặp đi lặp lại chuyện chào hỏi này mãi. Mỗi người họ chỉ thực hiện có một lần trong khi tôi làm những mười lăm lần. Đáng lẽ họ nên nghĩ đến cảm nhận của người khác chứ!

Một trong những người tôi đã chào hỏi là hiệu phó, nhưng tôi chả nhớ nổi tên hắn ta. Cái tay ấy nghe nói đã tốt nghiệp đại học – là cử nhân văn học kia đấy. Điều đó cũng có nghĩa hắn là một nhân vật quan trọng. Giọng nói của hắn rất lạ, rất ẽo ợt như thể có pha lẫn chất giọng phụ nữ vậy. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là hắn ta có thể mặc một chiếc áo sơ mi bằng flannel (1) khi trời oi bức thế này. Dù nó có mỏng đi chăng nữa thì vẫn gây ra cảm giác nóng khủng khiếp. Tôi tự nghĩ hóa ra khi người ta tốt nghiệp đại học thì người ta phải ăn mặc thật khác thường vào để chứng tỏ mình hơn thiên hạ. Mà nào đã hết, cái áo đó lại màu đỏ cơ chứ – càng khiến hắn cách biệt so với chúng tôi. Sau này tôi mới biết quanh năm hắn đều mặc áo màu đỏ. Quả là ngoài sức tưởng tượng! Hắn ta bảo màu đỏ có lợi cho sức khỏe nên luôn chọn mặc áo màu ấy. Buồn cười thật! Nếu đúng là mặc màu đỏ giúp người ta khỏe mạnh thì sao tất tần tật những thứ trên người không dùng màu đỏ hết đi.

—–

(1) Flannel: Một loại vải dày, thành phần cấu tạo có pha chất len mềm mại.

Ngoài ra, còn phải kể đến ông thầy dạy Anh văn tên Koga có nước da xanh xao, bệnh hoạn nữa. Thông thường, những người da dẻ nhợt nhạt thì thân hình sẽ mảnh khảnh, còm cõi nhưng anh này lại béo mới lạ chứ. Khi còn học tiểu học, tôi có một đứa bạn cùng lớp tên Tami, cha nó trông cũng xanh bủng như thế. Bác ta làm nghề nông, vậy là một lần nọ tôi bèn hỏi Kiyo rằng những người nông dân đều có nước da xanh cả sao. Kiyo bảo không phải thế đâu; bà giải thích thêm bởi vì cha của Tami thường ăn những quả bí ngô cuối mùa còn xanh mọc ở tận ngọn dây nên da bác ấy mới nhợt nhạt nhưng người lại béo phị đấy. Kể từ đó, hễ cứ thấy người nào tương tự tôi liền nghĩ do họ ăn bí ngô cuối mùa còn xanh. Ông thầy Anh văn này chắc cũng ăn rất nhiều bí ngô đây. Thật ra tôi không hiểu mấy tại sao có liên quan đến quả bí ngô, tôi đã hỏi Kiyo lần nữa nhưng bà chỉ cười. Tôi đoán có lẽ bà cũng chả rõ nốt.

Kế đến là anh chàng Hotta – cũng dạy Toán như tôi. Gã này trông khá thô lỗ, tóc đã ngắn lại dựng đứng như quả gáo, mặt mũi thì hao hao giống một lão thầy tu độc ác thuở xưa. Hắn ta chẳng buồn nhìn đến tờ chứng nhận tôi vừa nhã nhặn đưa tận tay mà lại nói:

– Anh là người mới vào đấy à? Thỉnh thoảng ghé qua nhà tôi chơi nhé! – Nói rồi hắn cười rất to.

Tôi thấy chẳng có gì đáng để cười cả. Với cách cư xử bất lịch sự như thế sao hắn nghĩ có ai đó thích đến nhà hắn chơi nhỉ? Tôi quyết định gọi hắn là Nhím vì mái tóc tua tủa ấy.

Giáo viên dạy Hán văn là một ông già nghiêm nghị, đạo mạo. Cái cách ông chào hỏi tôi tuy có hơi dông dài nhưng cũng đáng mến:

– Anh mới đến hôm qua thì chắc vẫn còn mệt chứ hả, vậy mà đã bắt đầu mọi việc ngay, khá lắm!

Riêng giáo viên dạy vẽ lại có một phong cách rất nghệ sĩ, nào là áo lụa mỏng khoác ngoài kimono, rồi thì khi nói chuyện cứ búng tay lách tách như nói với người hâm mộ:

– Quê anh ở đâu thế? Tokyo à? Ôi, tuyệt quá! Giờ tôi không phải lo chỉ có một mình nữa rồi, chẳng giấu gì anh tôi cũng là người Tokyo chính gốc đây.

Cái ngữ này mà là người Tokyo thì tôi ước gì mình được sinh ra ở nơi khác còn hơn. Những người kia cũng có hàng đống chuyện để nói, nhưng nếu kể mãi tôi sẽ chẳng biết tới khi nào mới kết thúc, nên thôi, cứ tạm dừng ở đây vậy.

Lễ nghi chào hỏi coi như xong, ông hiệu trưởng bảo hôm nay tôi có thể về, hai ngày nữa thì bắt đầu lên lớp, cứ trao đổi lịch giảng dạy cụ thể với tổ trưởng tổ Toán. Tôi hỏi ai là tổ trưởng thì mới biết chính là Nhím. Khỉ thật! Từ nay về sau tôi phải làm việc dưới sự quản lý của tên này ư? Ôi trời! Tôi cảm thấy thật thất vọng.

– Anh đang ở đâu thế? – Nhím hỏi, xong lại tiếp: – Nhà trọ Yamashiro à? Được rồi, tôi sẽ ghé qua đó, chúng ta bàn việc sau nhé.

Nhím nói liên tục, rồi không đợi tôi trả lời hắn ta cầm lấy phấn đi lên lớp luôn. Tổ trưởng mà tự tìm đến tận nơi kể cũng lạ, nhưng dù sao việc hắn không câu nệ thói thường đã khiến tôi hài lòng.

Lúc ra khỏi cổng trường tôi định quay về nhà trọ ngay, nhưng chợt nghĩ về bây giờ cũng chẳng làm gì, chi bằng thử dạo vòng quanh xem nơi này thế nào. Vậy là tôi cứ đi lang thang, đến đâu thì đến. Tôi ghé qua xem trụ sở hành chính tỉnh, đó là một tòa nhà cũ kỹ, được xây dựng từ thế kỷ trước. Tôi còn thấy cả doanh trại quân đội địa phương, đúng là không thể nào so sánh với doanh trại Azabu ở Tokyo. Tôi quan sát đại lộ chính và đoán chắc nó chỉ rộng bằng nửa đường phố Kagurazaka, mà nhà cửa, hàng quán thì kém hơn nhiều. Trước đây, vùng này từng được ngợi ca là một đô thị sầm uất nhưng quả thật chẳng nên mong đợi vào điều đó.

Khi tôi còn đang cảm thấy thương cho những người địa phương – ở cái chốn nhà quê như thế mà vẫn luôn tự hào ta là cư dân thành thị – thì bỗng nhận ra mình đứng ngay trước nhà trọ Yamashiro. Nơi này hóa ra không được rộng lớn bao nhiêu nhỉ! Không biết chừng tôi đã đi xem tất cả mọi thứ có thể xem được ở đây rồi cũng nên. Tôi bước vào trong, chuẩn bị ăn trưa. Ngay khi vừa thấy tôi, mụ chủ nhà đang ngồi trong quầy vội chạy ra, rạp người chào tôi đến mức đầu chạm xuống cả sàn. Lúc tôi vừa cởi giày và bước lên sàn, một cô phục vụ liền nói đã có một phòng trống khá tiện nghi ở tầng hai nên mời tôi đi theo cô ta đến đấy. Căn phòng tuyệt thật, không chỉ nằm trên tầng hai, nó còn rất rộng – rộng hơn hai mươi mét vuông – lại được bố trí phía mặt tiền của ngôi nhà với một góc hóng mát đầy nghệ thuật. Từ trước tới giờ tôi chưa từng được ở một căn phòng sang trọng đến dường này. Mà cũng không ai biết chắc được từ nay về sau tôi còn có cơ hội tận hưởng những thứ xa xỉ như vậy nữa không, thế là tôi lập tức thay ngay bộ đồ mặc trong nhà và nằm dang thẳng chân tay một cách hết sức thoải mái ngay giữa phòng. Cảm giác dễ chịu quá!

Ăn trưa xong, tôi viết thư cho Kiyo. Tôi không giỏi văn chương chữ nghĩa nên chả thích viết thư, cũng chưa viết lần nào, nhưng tôi biết Kiyo đang rất lo lắng cho tôi. Tôi lo là nếu không nhận được tin tức gì thì bà lại tưởng rằng tôi bị đắm tàu chết đuối hay những chuyện rủi ro tương tự, vì vậy tôi cố hết sức viết cho bà một bức thư dài như thế này:

Cháu đã đến nơi hôm qua. Đây là một nơi chả ra sao. Cháu đang ở trong một căn phòng rộng hơn hai mươi mét vuông. Cháu đã cho bọn nhà trọ năm yên tiền quà và thế là mụ chủ nhà cúi rạp người đến nỗi trán chạm cả xuống sàn để chào cháu. Đêm qua cháu không ngủ được. Cháu mơ thấy bà ăn kẹo gói bằng lá tre của vùng Echigo và ăn luôn cả lá tre nữa. Hè sang năm cháu sẽ về. Hôm nay cháu đã đến trường và đặt biệt danh cho tất cả các giáo viên. Hiệu trưởng là Lửng, Hiệu phó là Áo Đỏ, giáo viên dạy Anh văn là Bí Xanh, giáo viên dạy toán là Nhím, còn giáo viên vẽ thì là Nịnh Bợ. Sau này cháu sẽ kể cho bà nghe nhiều hơn. Tạm biệt.

Viết xong bức thư tôi thấy thật thư giãn, dễ chịu, thế là tôi lại tiếp tục nằm dang tay dang chân ngay giữa phòng mà đánh một giấc ngon lành, không mơ gì cả. Bỗng có ai đó dưới nhà cất tiếng hỏi bằng cái giọng vang như sấm khiến tôi thức giấc: “Phòng này đấy hả?” và sau đó tôi thấy Nhím bước vào. Trước khi tôi kịp tỉnh ngủ hẳn hắn ta đã thao thao bất tuyệt về chuyện dạy dỗ:

– Lúc sáng, xin lỗi anh nhé. Công việc của anh là…

Lúc đầu tôi sửng sốt quá nên chả biết hắn ta đang nói gì, nhưng nghe xong tôi thấy công việc cũng không khó khăn lắm, cứ thế mà làm thôi. Nếu đấy là tất cả nhiệm vụ được giao thì tôi có thể lên lớp ngay ngày mai chứ không cần đợi đến mốt. Bàn xong mọi vấn đề có liên quan đến công việc, Nhím nói như thể tự mình sắp xếp mọi chuyện của tôi, rằng rõ ràng tôi không thể ở nhà trọ này lâu dài được, rằng hắn ta biết có một chỗ không cho thuê phòng nhưng nếu hắn hỏi giúp họ sẽ nhận lời, tôi nên chuẩn bị sẵn để dọn đi. Hắn bảo thêm tốt nhất là hôm nay xem nhà thử, ngày mai chuyển đến trước khi tôi bắt đầu dạy chính thức. Quả thật tôi không hy vọng gì ở mãi trong căn phòng sang trọng như thế, có lẽ nó còn đắt hơn tiền lương của tôi. Nhưng tôi vừa mới cho năm yên tiền quà mà đã đi ngay thì tiếc quá. Tuy nhiên, tôi nghĩ cuối cùng mình cũng sẽ phải rời khỏi thôi, vậy nên chuyển sớm rồi ổn định ở chỗ mới là hơn. Tôi bèn nhờ Nhím lo liệu và hắn dẫn tôi đi xem nhà ngay. Nhà nằm bên sườn đồi phía cuối thị trấn, rất yên tĩnh. Chủ nhà là một người buôn đồ cổ tên Ikagin. Vợ lão ta hơn lão chừng vài tuổi. Khi còn học trung học tôi đã học được một từ tiếng Anh là “phù thủy”, mụ này trông giống “phù thủy” lắm. Nhưng nếu mụ ta có là phù thủy thật thì cũng đâu phải vợ tôi nên tôi chẳng bận tâm. Chúng tôi đã thỏa thuận ngày mai tôi sẽ dọn đến. Trên đường trở về nhà trọ, Nhím đãi tôi một cốc kem đá bào. Lần gặp nhau đầu tiên ở trường, tôi nghĩ Nhím thô lỗ và ngạo mạn, nhưng giờ đây sau nhiều việc hắn làm giúp tôi, tôi thấy hắn không phải là người xấu. Có lẽ hắn cũng cộc cằn, nóng tính giống tôi. Sau này tôi nghe nói hắn là giáo viên được học sinh yêu mến nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.