Cuốn sách hoàn hảo về ngôn ngữ cơ thể

CHƯƠNG 4 DẤU HIỆU CỦA CÁNH TAY



Dấu hiệu rào chắn bằng cánh tay

Nấp sau rào chắn là một phản ứng bình thường mà chúng ta học được để tự vệ từ lúc nhỏ. Khi còn là trẻ con, bất cứ lúc nào cảm thấy bị đe dọa, chúng ta sẽ nấp sau những vật thể chắc chắn hơn như bàn, ghế, đồ gỗ hay bám váy mẹ. Càng lớn, hành động nấp này càng trở nên tinh tế hơn. Vào khoảng 6 tuổi, khi việc nấp sau những vật thể chắc chắn không còn được chấp nhận thì chúng ta học cách khoanh chặt cánh tay trước ngực những khi cảm thấy bị đe dọa. Điệu bộ khoanh tay có hơi khác đi vào tuổi thiếu niên, lúc này, hai cánh tay chúng ta hơi thả lỏng kết hợp với điệu bộ bắt chéo chân.

Khi lớn hơn, điệu bộ khoanh tay phát triển theo chiều hướng sao cho ít bị phát hiện nhất. Bằng cách khoanh một hoặc cả hai cánh tay trước ngực, rào chắn tự động được hình thành để ngăn chặn những gì được chúng ta là nhận thức là có nguy cơ đe dọa hoặc những tình huống không mong muốn. Cánh tay xếp gọn gàng trước vùng ngực và vùng phổi để bảo vệ những cơ quan quan trọng khỏi bị tổn thương, vì vậy rất có thể hành động này là bẩm sinh. Loài khi và tinh tinh cũng khoanh tay để tự bảo vệ khi bị tấn công trực diện. Có một điều chắc chắn: khi ai đó có thái độ lo lắng, tiêu cực hoặc phòng thủ thì rất có thể họ sẽ khoanh chặt tay trước ngực, điều này chứng tỏ họ đang bị đe dọa.

Tại sao khoanh tay có thể có hại?

Các nghiên cứu về điệu bộ khoanh tay được tiến hành ở Mỹ cho thấy một số kết quả đáng lo ngại. Một nhóm tình nguyện viên được yêu cầu tham dự một lớp học mà không bắt chéo chân, không khoanh tay và ngồi ở tư thế bình thường, thoải mái. Vào cuối buổi học, tất cả học viên này được kiểm tra khả năng nhớ bài học, kiến thức về bài giảng và thái độ của họ đối với giảng viên. Nhóm tình nguyện thứ hai cũng trải qua quá trình tương tự, nhưng họ được yêu cầu khoanh chặt tay trước ngực trong suốt buổi học. Kết quả cho thấy, nhóm khoanh tay tiếp thu cũng như ghi nhớ bài giảng kém hơn 38% so với nhóm còn lại, đồng thời họ cũng có thái độ tiêu cực về bài giảng và giảng viên nhiều hơn.

Khi bạn khoanh tay, khả năng tao lòng tin của bạn giảm đi đáng kể.

Năm 1989, chúng tôi đã tiến hành những cuộc kiểm tra tương tự với 1500 đại biểu trong 6 buổi thuyết trình khác nhau và thu được các kết quả hầu như tương tự nhau. Tất cả đều cho thấy khi người nghe khoanh tay, họ không những có nhiều suy nghĩ tiêu cực về diễn giả, mà còn ít chú ý đến những gì diễn giả nói hơn. Đây là lý do tại sao ghế ngồi tại các trung tâm đào tạo nên có thanh vịn để học viên không ngồi khoanh tay.

Phải.. Nhưng tôi thấy “thoải mái”

Một số người tuyên bố là họ có thói quen khoanh tay bởi làm như vậy giúp họ cảm thấy thoải mái hơn. Thực ra, điệu bộ nào cũng đem đến cho bạn sự thoải mái khi bạn có thái độ tương ứng với nó; nghĩa là nếu bạn có thái độ tiêu cực, phòng thủ hoặc lo lắng thì khoanh tay sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, nhưng nếu bạn đang vui vẻ với bạn bè, khoanh tay sẽ sinh tâm lý bất ổn.

Hãy nhớ rằng với ngôn ngữ cơ thể, ý nghĩa của thông điệp còn phụ thuộc vào người nhận chứ không chỉ riêng người thực hiện. Có thể bạn thấy “thoải mái” khi khoanh tay, đồng thời lưng và cổ thì cứng đờ, nhưng nghiên cứu cho thấy những người khác lại khó chịu với cụm điệu bộ này. Vì vậy, lời khuyên ở đây khá rõ ràng – hãy tránh khoanh tay trong bất kỳ tình huống nào trừ phi chủ ý của bạn là để người khác thấy bnaj không đồng ý hoặc không muốn tham gia.

Có thể bạn cảm thấy thoải mái khi khoanh tay nhưng người khác sẽ nghĩ là bạn không thân thiện.

Sự khác biệt về giới tính

Cánh tay của đàn ông hơi hướng vào trong, còn cánh tay phụ nữ hơi khuỳnh ra ngoài. Sự khác biệt này cho phép đàn ông ném chính xác hơn, trong khi khuỷu tay khuỳnh ra của phụ nữ giúp tư thế ẵm em bé được rộng rãi và vững chắc hơn. Có một điều thú bị là khi ở những người đàn ông hấp dẫn, phụ nữ có khuynh hướng buông hai cánh tay rộng ra. Ngược lại, họ thường khoanh tay trước ngực khi ở gần những người đàn ông hung hăng hoặc không thú vị.

Khoanh tay trước ngực

Khoanh cả hai cánh tay trước ngực nhằm tạo rào chắn giữa người thực hiện với người khác hoặc với thứ gì đó mà họ không thích. Có nhiều tư thế khoanh tay nhưng ở đây, chúng tôi chỉ bàn về những tư thế quen thuộc mà rất có thể bạn đã nhìn thấy. Khoanh tay trước ngực là động tác vô cùng phổ biến và thường được hiểu là tư thế tự vệ hoặc phản đối. Thông thường, người ta hay khoanh tay kiểu này khi đứng giữa những người lạ ở nơi công cộng, lúc xếp hàng tại quán ăn tự phục vụ, trong thang máy hay bất cứ nơi nào người ta cảm thấy không chắc chắn hoặc không an toàn.

Chúng tôi đã tham dự một cuộc họp của hội đồng địa phương. Ở đó, những người khai thác đất đai ngồi bên này đang tranh luận về việc đốn cây với đối thủ của họ, “những người bảo vệ cây xanh”, ngồi phía bên kia. Có khoảng phân nửa số người tham dự ngồi khoanh tay lúc ngồi khoanh tay lúc khai mạc cuộc họp. Số “người bảo vệ cây xanh” khoanh tay tăng đến 90% khi những người khai thác đất đai phát biểu, và gần 100% số người khai thác đất khoanh tay khi “những người bảo vệ cây xanh” đưa ra ý kiến. Điều này chứng tỏ hầu hết người ta sẽ khoanh tay khi họ không đồng tình với những gì đang nghe. Nhiều diễn giả đã thất bại trong việc truyền tải thông điệp đến với thính giả bởi vì họ không nhìn thấy tư thế khoanh tay của các thính giả đó. Những diễn giả giầu kinh nghiệm đều biết rằng khi điệu bộ này xuất hiện nghĩa là họ phải có một “thủ thuật mào đầu” tốt để làm cho thính giả chuyển sang tư thế cởi mở hơn, khiến họ thay đổi thái độ từ tiêu cực đến tích cực.

Khi nhìn thấy ai đó đang ở tư thế khoanh tay thì rất có thể, bạn đã nói điều gì đó khiến họ không đồng tình. Có tiếp tục tranh luận với người này thì cũng vô ích cho dù ngoài miệng họ nói đồng ý với bạn. Ngôn ngữ cơ thể bao giờ cũng trung thực hơn lời nói.

Một khi ai đó còn khoanh tay trước ngực thì họ vẫn giữ thái độ phản đối.

Việc bạn cần làm là tìm hiểu tại sao họ lại khoanh tay và cố làm cho họ chuyển sang tư thế sẵn sàng tiếp thu hơn. Điệu bộ khoanh tay xuất hiện khi một người có thái độ tiêu cực và chừng nào điệu bộ này vẫn còn thì thái độ đó vẫn còn tồn tại.

Giải pháp

Có một cách đơn giản nhưng hiệu quả nhằm phá vỡ tư thế khoanh tay là đưa cho người nghe thứ gì đó để họ cầm hoặc giao việc gì đó cho họ làm. Việc đưa họ cây viết, cuốn sách, tập sách quảng cáo, hàng mẫu hay bài kiểm tra viết sẽ khiến họ không khoanh tay được và phải chúi người về phía trước. Điều này buộc họ phải chuyển sang một tư thế thông thoáng hơn và vì thế thái độ của họ cũng sẽ cởi mở hơn. Yêu cầu người khác chúi người về phía trước để theo dõi phần thuyết trình bằng thiết bị nghe nhìn cũng là một biện pháp hiệu quả nhằm loại bỏ tư thế khoanh tay. Bạn cũng có thể chúi người về phía trước, lòng bàn tay ngửa lên và nói: “Tôi nhận thấy anh có điều muốn hỏi… anh muốn biết gì?” hoặc “Ý kiến của anh ra sao?” Sau đó, bạn ngồi xuống hoặc ngả người vào thành ghế để ra hiệu là đã đến lượt họ nói. Cách sử dụng điệu bộ này ngụ ý rằng bạn muốn họ cởi mở và thẳng thắn như bạn vậy!

“Tại sao tôi lại phải cầm tất cả số bút và tập sách quảng cáo này?”, một khách hàng đã hỏi khi ông ta bắt đầu trông giống cây thông Giáng sinh được gắn các mẫu vật trang trí. Người đàm phán nói: “Lát nữa tôi sẽ giải thích.”
Các nhân viên bán hàng và người đàm phán thường được huấn luyện rằng nếu muốn đảm bảo công việc của mình được suôn sẻ thì đừng vội vàng giới thiệu sản phẩm hay đưa ra bất kỳ ý tưởng nào cho đến khi biết được lý do tại sao vị khách hàng tiềm năng lại khoanh tay. Thông thường thì người mua không bộc lộ ý kiến phản đối của họ cho nên đa số nhân viên bán hàng khó lòng biết được. Đã vậy, các nhân viên bán hàng cũng không hiểu được điệu bộ khoanh tay báo hiệu rằng người mua đang không đồng ý về điều gì đó.

Kiểu khoanh tay được gia cố

Cụm điệu bộ khoanh tay bàn tay nắm chặt biểu thị thái độ thù địch và phòng thủ. Nếu điệu bộ này kết hợp với nụ cười mím chặt môi hoặc nghiến răng và đỏ mặt thì có thể sẽ xảy ra một cuộc tranh cãi, thậm chí là tấn công bằng vũ lực. Cần phải có một cách tiếp cận mềm mỏng hơn để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến điệu bộ này nếu bạn chưa rõ lý do. Người ở hình bên dưới đang có thái độ hung hăng công kích.

Kiểu khoanh tay bàn tay nắm

chặt cho thấy người này có thái

độ thù địch

Kiểu khoanh tay nắm chặt hai cánh tay

Kiểu khoanh tay nắm chặt hai cánh tay có đặc điểm là bàn tay của người đó nắm chặt bắp tay nhằm tăng thêm sức mạnh cho bản thân và tránh không để lộ phần cơ thể phía trước. Đôi khi người ta bóp chặt cánh tay đến nỗi các ngón tay và khớp ngón tay trở nên trắng bệch vì sự tuần hoàn máu bị ngưng lại. Đây là cách an ủi bản thân theo cách tự ôm lấy mình. Chúng ta thường bắt gặp kiểu khoanh tay này trong phòng đợi khám bệnh hay tại sân bay (nhất là những người lần đầu đi máy bay). Đây là điệu bộ thể hiện thái độ tiêu cực, dồn nén cảm xúc.

Kiểu khoanh tay năm chặt hai cánh tay:
người này cảm thấy không an toàn và không muốn mua những gì đang bán

Ở tòa án, người ta thường nhìn thấy nguyên đơn dùng tư thế khoanh chặt tay, trong khi bị đơn lại có tư thế khoanh tay nắm chặt hai cánh tay.

Sếp và nhân viên

Địa vị có thể ảnh hưởng đến điệu bộ khoanh tay. Những người cấp trên có thể

chứng tỏ mình mạnh hơn bằng cách không khoanh tay với ý: “Tôi chẳng có gì phải sợ nên tôi không cần phòng vệ.” Chẳng hạn như tại buổi lễ nọ, một công ty đã giới thiệu vị tổng giám đốc với vài nhân viên mới. Sau khi chào hỏi nhân viên đó bằng cái bắt tay có lòng bàn tay úp xuống, vị tổng giám đốc này đứng lùi ra sau, cách xa họ 1 mét và để bàn tay ra hai bên hay chắp tay sau lưng theo kiểu bàn tay này nắm bàn tay kia của Hoàng đế Philip (đầy quyền hành), hoặc có lúc ông ta đút một tay hay cả hai tay vào túi quần (trung dung). Hiếm khi ông ta khoanh tay trước ngực để không bộc lộ một chút mảy may lo lắng.

Ngược lại, sau khi bắt tay với sếp, các nhân viên mới giữ tay ở tư thế khoanh tay hoàn toàn hoặc khoanh hờ do e ngại về sự hiện diện của người đứng đầu công ty. Cả tổng giám đốc lẫn nhân viên mới đều cảm thấy thoải mái với cụm điệu bộ riêng của mình, vì nó thể hiện địa vị của họ trong mối quan hệ với người kia. Nhưng nếu tổng giám đốc gặp một thanh niên trẻ tuổi, đầy triển vọng, địa vị cao và thậm chí anh ta ra vẻ

anh ta cũng quan trọng như tổng giám đốc thì sao? Có khả năng là sau khi bắt tay nhau theo kiểu thống trị, người điều hành trẻ hơn sẽ khoanh hai tay với hai ngón tay cái chĩa lên.

Điệu bộ hai ngón tay cái chĩa lên:

phòng thủ, nhưng anh ta vẫn nghĩ là

mình khá bình tĩnh

Điệu bộ này thể hiện thái độ “bình tĩnh” và tự chủ của người thực hiện. Khi nói chuyện, anh ta chĩa hai ngón tay cái để nhấn mạnh những điều đang đề cập. Như đã nói ở phần trước, điệu bộ hai ngón tay cái chĩa lên là một cách biểu thị sự tự tin, còn hai tay khoanh lại tạo cảm giác tự vệ.

Người có tâm trạng vừa phòng thủ vừa phục tùng sẽ ngồi ở tư thế đối xứng, nghĩa là một bên cơ thể họ là hình ảnh phản chiếu của bên kia. Cơ họ căng ra và trông như thể họ đang mong chờ sự tấn công vậy. Trong khi đó, người có tâm trạng vừa phòng thủ vừa thống trị sẽ ngồi ở tư thế không đối xứng, nghĩa là hai bên cơ thể họ biểu hiện không giống nhau.

Dùng kiểu hại ngón tay cái chĩa lên

Khi bạn đang trình bày vấn đề với một ai đó mà thấy họ sử dụng điệu bộ khoanh tay hai ngón tay cái chĩa lên kết hợp với các điệu bộ tích cực khác ở gần cuối bài thuyết trình thì bạn có thể thoải mái hỏi xem họ có đồng ý với bạn không. Còn trong trường hợp người nghe ngồi ở tư thế khoanh tay bàn tay nắm chặt cùng với bộ mặt lạnh lùng khi kết thúc bài thuyết trình thì việc tìm kiếm sự đồng tình ở họ chỉ khiến bạn rắc rối mà thôi. Tốt hơn hết là bạn nên đặt câu hỏi để tìm hiểu những ý kiến phản đối của họ. Bởi khi ai đó “từ chối” lời đề nghị của bạn thì việc làm họ đổi ý sẽ trở nên khó khăn, trừ phi bạn muốn bị người khác đánh giá là người hung hăng. Lúc này, khả năng hiểu được ngôn ngữ cơ thể sẽ cho phép bạn “nhìn thấy’ quyết định từ chối của một người nào đó trước khi họ nói ra, đồng thời nó cũng cho bạn thời gian để áp dụng các giải pháp thay thế.

Khi bạn có thể nhìn thấy lời “từ chối” của người khác trước khi họ nói ra thì bạn có thể thử cách tiếp cận khác.

Những người mang vũ khí hoặc mặc áo giáp ít khi sử dụng điệu bộ khoanh tay vì vũ khí hoặc áo giáp đã đủ bảo vệ cơ thể họ. Chẳng hạn, hiếm khi các nhân viên cảnh sát mang súng khoanh tay trừ phi họ đứng gác. Thông thường, họ dùng tư thế nắm chặt tay lại để cảnh báo một cách rõ ràng rằng không ai được phép xâm phạm khu vực họ canh gác.

Tự ôm lấy mình

Lúc còn nhỏ, chúng ra được cha mẹ hoặc bảo mẫu ôm ấp, vỗ về khi phải đối mặt với tình huống khó khăn, căng thẳng. Khi lớn lên, chúng ta thường cố tạo lại cảm giác được vỗ về như thuở bé khi nhận thấy mình rơi vào tình huống căng thẳng. Nếu dùng điệu bộ khoanh cả hai tay thì mọi người có thể biết chúng ta đang lo sợ, do đó, người phụ nữ thường thay thế bằng một phiên bản tinh tế hơn – khoanh tay bằng một cánh tay, nghĩa là một cánh tay đưa ngang qua cơ thể để nắm hoặc chạm vào cánh tay kia và tạo thành rào chắn, như thể đang tự ôm lấy mình. Kiều rào chắn bằng một cánh tay thường xuất

hiện trong các cuộc gặp mặt, nơi mà người ta cảm thấy lạc lõng giữa đám đông hoặc thiếu tự tin. Bất kỳ phụ nữ nào dùng tư thế này cũng thường quả quyết rằng mình đang “ổn thôi”.

Tự nắm tay mình như mẹ đã từng nắm tay ta khi còn bé

Kiểu rào chắn bằng một cánh tay ở đàn ông được gọi là kiểu tự nắm tay của mình. Đây là điệu bộ thường được họ sử dụng khi đứng trước đám đông để nhận phần thưởng hoặc phát biểu. Điệu bộ này còn có tên là tư thế khóa kéo bị hư. Nó giúp cho người đàn ông cảm thấy an toàn bởi vì anh ta có thể bảo vệ ”của quý” của mình, đồng thời tránh được đòn hiểm từ phía trước.

Tư thế khóa kéo bị hư

Đây cũng là tư thế quen thuộc của đàn ông khi đứng xếp hàng tại nơi phát chẩn hay khi nhận phúc lợi xã hội. Nó để lộ cảm giác chán nản, tổn thương, trông như có ai khác đang nắm tay bạn. Đứng trước đám đông, Adolf Hitler cũng thường dùng tư thế này để che đậy cảm giác bất lực về tình dục do ông ta chỉ có một tinh hoàn.

Có thể do yêu cầu tiến hóa, cánh tay của đàn ông đã được thu ngắn lại, cho phép họ tạo ra tư thế bảo vệ này bởi vì khi con tinh tinh, loài linh trưởng gần chúng ta nhất, thực hiện tư thế giống như vậy thì tay của chúng chạm đến đầu gối.

Con người muốn che giấu những vùng mà họ nghĩ là chỗ yếu hoặc dễ bị tổn thương nhất

Người giàu có và nổi tiếng để lộ cảm giác không an toàn của họ như thế nào?

Những người phải thường xuyên phải xuất hiện trước đám đông, như các thành viên hoàng gia, chính trị gia, các nhân vật trên truyền hình và ngôi sao điện ảnh, thường không muốn khán giả phát hiện ra họ đang lo lắng hoặc thiếu tự tin. Họ thích xuất hiện trước công chúng với vẻ bình thản, tự chủ, tuy nhiên, nỗi lo lắng và sợ hãi vẫn lọt ra ngoài dưới hình thức khoanh tay ngụy tạo. Giống như điệu bộ khoanh cả hai tay, một cánh tay của họ cũng đưa ngang người hướng về phía cánh tay kia, nhưng vì khoanh tay, bàn tay ấy sẽ cầm hoặc chạm vào túi xách, vòng đeo tay, đồng hồ đeo tay, cổ tay áo sơ mi hoặc vật đang đeo trên cánh tay kia. Một lần nữa, rào chắn được hình thành, giúp họ có cảm giác an toàn.

Trước công chúng, những người nổi tiếng cũng lo lắng như chúng ta

Ta thấy những người đàn ông mặc áo có khuy cài cổ tay thường chiỉnh khuy cài khi băng qua một căn phòng hoặc sàn nhảy, nơi mà người khác có thể quan sát toàn thân họ. Đây là điệu bộ đặc trưng của Thái tử Charles, nó luôn được ông sử dụng để tự tạo cảm giác an toàn bất cứ lúc nào ông đi qua một khu vực lộ thiên, nơi mọi người hoàn toàn có thể trông thấy ông.

Điệu bộ chỉnh khuy cài cổ áo sơ mi của Thái tử Charles cho thấy ông đang cảm thấy bất an

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng sau hơn nửa thế kỷ bị công chúng soi xét kỹ lưỡng và đối mặt với đám đông, các thành viên hoàng gia, chẳng hạn như Thái tử Charles, đã không còn cảm giác lo lắng nữa. Nhưng động tác hơi khoanh tay của ông đã tiết lộ rằng trong những tình huống tương tự, ông cũng cảm thấy không an toàn như chúng ta.

Túi xách được dùng để tạo rào chắn

Chúng ta cũng sẽ nhìn thấy một người đang lo lắng, ngượng ngùng chỉnh dây đeo đồng hồ, kiểm tra những thứ bên trong ví, siết chặt hoặc xoa hai bàn tay, nghịch nút trên cổ tay áo hay sử dụng bất kỳ điệu bộ nào để cánh tay của họ khoanh trước cơ thể. Điệu bộ ưa thích của các nhà doanh nghiệp khi cảm thấy bất an là giữ cặp hoặc tập hồ sơ trước cơ thể lúc vào cuộc họp. Những điệu bộ này không nhằm mục đích nào khác ngoài việc cố tình che đậy nỗi lo lắng. Nơi thích hợp để quan sát chúng là bất cứ nơi nào có người đi ngang qua một đám đông, ví dụ như người đàn ông băng qua sàn nhảy để mời một phụ nữ khiêu vũ hoặc ai đó lên sân khấu để nhận phần thưởng.

Khi cảm thấy ngượng ngùng hoặc không tự tin, phụ nữ thường cầm túi xách tay hay ví tiền ngụy tạo thành rào chắn. Cách này giúp họ ít bị chú ý hơn. Các thành viên hoàng gia như Công chúa Anne thường ôm bó hoa lúc trước công chúng, điệu bộ ôm hoa hay cầm túi xách tay cũng là điệu bộ ưa thích của nữ hoàng Elizabeth. Dĩ nhiên, bà không thể nào nhét theo thỏi son, đồ trang điểm, thẻ tín dụng và vé xem hát trong túi xách tay. Chẳng qua, chiếc túi xách như một vỏ bọc an toàn và trong một vài trường hợp là phương tiện gửi thông điệp. Những người quan sát các thành viên hoàng gia đã ghi nhận có đến 12 dấu hiệu mà nữ hoàng Elizabeth gửi cho các vệ của mình để thông báo việc khi nào bà muốn đi, dừng lại, rời khỏi nơi đó hoặc thoát khỏi một người đang quấy rầy bà.

Một trong những phiên bản tinh tế và phổ biến nhất của động tác tạo rào chắn là cầm ly hoặc tách bằng cả hai tay. Ly hoàn toàn có thể cầm bằng một tay, chẳng qua việc nâng ly bằng hai tay cho phép người thực hiện tạo được một rào chắn bằng cánh tay mà hầu như không bị ai để ý. Hầu hết mọi người đều sử dụng những dạng điệu bộ này và ít ai trong chúng ta nhận thức được rằng chúng ta đang sử dụng chúng.

Cầm chặt hoa cho thấy sự bối rối

Tạo rào chắn bằng tách cà phê

Mời một tách nước trong cuộc đàm phán là chiến thuật tuyệt vời để phán đoán xem đối phương tiếp nhận những lời để nghị của bạn như thế nào. Nơi họ đặt tách ngay sau khi uống là một dấu hiệu mách bảo rằng liệu hộ có bị thuyết phục hoặc sẵn sàng xem xét những điều bạn đang nói hay không. Nếu bạn cảm thấy do dự, nghi ngờ hoặc không đồng ý về những điều nghe thấy, họ sẽ đặt tách ở phía bên kia để tạo thành rào chắn bằng một cánh tay. Còn khi đồng tình, họ sẽ đặt tách bên cạnh biểu lộ thái độ sẵn sàng xem xét hoặc chấp nhận.

Ngồi tựa cùi chỏ lên tay ghế cũng là tư thế thể hiện quyền lực và chuyển tải hình tượng mạnh mẽ, ngay thẳng. Những người nhún nhường, thất bại thường thu cánh tay vào bên trong tay ghế, vì vậy hãy luôn tránh điệu bộ này trừ phi mục đích của bạn là tỏ vẻ thất bại.

Sức mạnh của cái chạm tay

Bàn tay trái chạm vào người khác trong khi bàn tay phải bắt tay họ có thể tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Minnesota đã tiến hành cuộc thử nghiệm có tên là “Phép thử ở buồng điện thoại”. Họ đặt một đồng xu lên gờ của buồng điện thoại rồi nấp sau gốc cây, chờ đợi ai đó không mảy may ngờ vực bước vào và nhìn thấy đồng xu. Khi điều này xảy ra, một nhà nghiên cứu tiến đến chỗ đối tượng hỏi: “Anh có tình cờ nhìn thấy đồng xu của tôi ở đây không? Tôi cần đồng xu đó để gọi một cuộc nữa.” Chỉ có 23% đối tượng thừa nhận họ đã thấy đồng xu và trả lại.

Ở lần thử nghiệm thứ hai, đồng xu cũng vừa được đặt trong buồng điện thoại nhưng khi các nhà nghiên cứu lại gần các đối tượng, họ chạm nhẹ vào khuỷu tay của người đó trong khoảng 3 giây trước khi hỏi về đồng xu. Lần này, 68% số người thừa nhận có nhìn thấy nó. Trông họ có vẻ lúng túng và nói những điều đại loại như: “Tôi đã nhìn quanh để cố tìm xem tiền của ai…”

Việc chạm vào khuỷu tay một cách khéo léo có thể làm tăng cơ hội có được những gì bạn muốn gấp 3 lần.

Có 3 lý do khiến thủ thuật này có tác dụng. Thứ nhất, khuỷu tay được xem là nơi có thể phô bày và cách xa những phần kín đáo của cơ thể. Thứ hai, ở đa số các nước, việc chạm vào người lạ vốn không được chấp nhận, vì thế hành động này để lại ấn tượng. Thứ ba, việc chạm nhẹ khuỷu tay trong 3 giây đã tạo ra mối quan hệ nhất thời trong 2 người. Khi cuộc thử nghiệm này được tiến hành lại trong một chương trình truyền hình, chúng tôi phát hiện rằng tỷ lệ trả lại đồng xu thay đổi theo từng nền văn hóa. Nói rõ hơn, tỷ lệ này tùy thuộc vào tần số chạm tay vào người khác thông thường ở một nơi nào đó. Cụ thể, khi bị chạm vào khuỷu tay, 72% người Úc, 70% người Anh, 85% người Đức, 50% người Pháp và 22% người Ý đã trả lại đồng xu. Kết quả này cho thấy, ở những nơi mà hành động thường xuyên chạm tay vào người khác không phải là chuẩn mực văn hóa thì cái chạm tay vào khuỷu tay sẽ có tác dụng hơn. Chúng tôi đã ghi lại số lần chạm tay vào người khác khi một giờ tại các tiệm cà phê ngoài trời ở những nước mà chúng tôi thường xuyên đến thăm và nhận thấy, ở Rome có 4 lần và ở London không có lần chạm tay nào. Điều này có nghĩa nếu bạn thừa hưởng tính cách của người Anh hoặc người Đức càng nhiều thì bạn càng ít chạm vào người khác, vì vậy, việc chạm vào khuỷu tay sẽ có tác dụng hơn đối với bạn.

Nếu bạn là người gốc Đức hoặc Anh thì cái chạm tay vào người sẽ dễ dàng tác động đến bạn hơn những người khác.

Nói chung, chúng tôi đã phát hiện ra rằng khả năng phụ nữ chạm vào người cùng phái nhiều gấp 4 lần khả năng đàn ông chạm vào người cùng phái. Ở nhiều nơi, việc chạm vào phía trên hoặc phía dưới khuỷu tay của một người là không hiệu quả bằng việc chạm vào đúng khuỷu tay mà còn tạo ra tác dụng ngược. Chạm vào khuỷu tay người khác quá 3 giây cũng gây ra phản ứng tiêu cực, khi đó người bị chạm sẽ bất giác nhìn xuống bàn tay bạn để xem bạn đang định làm gì.

Cũng chạm vào tay họ

Người ta đã tiến hành một cuộc nghiên cứu khác với các thủ thư bằng cách yêu cầu họ chạm nhẹ vào bàn tay của người mượn khi đưa sách. Bên ngoài thư viện, khi người mượn sách được hỏi về ấn tượng của họ đối với cung cách phục vụ của thư viện, những người được chạm tay đã trả lời tất cả những câu hỏi và có khả năng nhớ lại tên của người thủ thư tốt hơn. Những cuộc nghiên cứu được tiến hành trong các siêu thị của Anh cho thấy, khách hàng cũng có những phản ứng tích cực tương tự nếu họ bị chạm nhẹ vào tay lúc nhận tiền thừa. Cuộc thử nghiệm này cũng đã được tiến hành ở Mỹ đối với các nữ phục vụ bàn nhận được nhiều tiền boa của khách hàng. Những nữ phục vụ đụng khuỷu tay và bàn tay vào các thực khách sẽ kiếm được tiền boa từ các thực khách nam nhiều hơn 36% so với các nữ phục vụ không đụng chạm. Còn nam phục vụ bàn thì tăng khoảng 22% số tiền kiếm được bất kể họ đụng chạm vào giới nào.

Lần tới khi bắt tay một người mới, bạn hãy giơ cánh tay trái ra, chạm nhẹ vào khuỷu tay hoặc bàn tay của họ và lặp lại tên họ để khẳng định rằng bạn đã nghe chính xác, rồi quan sát phản ứng của họ. Việc này không những làm cho họ cảm thấy mình quan trọng mà giúp bạn nhớ tên của người mới thông qua hành động nhắc lại đó.

Việc chạm khuỷu tay và bàn tay – khi được thực hiện một cách tinh tế – sẽ gây sự chú ý, tăng sức thuyết phục cho lời nhận xét, nhấn mạnh một khái niện, làm tăng ảnh hưởng của bạn đến những người khác, giúp bạn nhớ nhiều hơn và tạo ấn tượng tích cực đối với mọi người.

Cho dù bạn muốn hay không thì kiểu khoanh tay trước ngực nào cũng bị cả người gửi và người nhận thông điệp cho là tiêu cực. Ngay cả khi bạn khoanh tay bởi vì bạn bị đau lưng đi nữa, thì người quan sát vẫn đánh giá bạn theo quan điểm của họ một cách vô thức. Ngay bây giờ, bạn hãy tập đừng khoanh tay và chúng tôi sẽ chỉ cho bạn những gì cần làm để tạo ra một hình ảnh tích cực và tự tin hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.