Đắc nhân tâm
Chương XII: Khi mọi cách đều vô hiệu bạn hãy thử cách này xem sao
Charlesschwab, người tin cẩn của Andrew Carnegie, ông vua Thép, có một người đốc công để cho thợ làm không hết số công việc đã định.
Ông Schwab hỏi người đó:
– Không hiểu tại sao một người có tài như thầy mà không làm cho nhân viên của mình có một năng lực sản xuất khá hơn được?
Người kia đáp:
– Tôi cũng không hiểu tại sao nữa. Tôi đã dùng đủ mọi chước: hết khuyến khích, rồi kích thích, rồi rầy mắng, chửi rủa, dọa đuổi… vô hiệu.
Câu chuyện đó xảy ra hồi chiều, trước khi kíp làm đêm tới xưởng.
Ông Schwab nói:
– Thầy đưa tôi một cục phấn. Ngày hôm nay đổ khuôn được mấy lần?
– Sáu lần.
Chẳng nói, chẳng rằng, ông Schwab viết số 6 lên trên đất rồi đi.
Khi kíp làm đêm tới, thấy con số, họ hỏi nghĩa gì vậy. Những người thợ khác đáp: “Ông chủ tới, hỏi chúng tôi, hôm nay đổ vô khuôn được mấy lần; chúng tôi đáp 6 lần và ông viết số đó lên đất”.
Sáng hôm sau, ông Schwab trở lại. Con số 6 hôm trước đã có ai bôi đi, viết con số 7 thay vào.
Khi bọn thợ làm ngày tới, thấy con số 7. “A! Tụi làm đêm tự cho giỏi hơn tụi mình sao! Rồi coi!”. Họ hăng hái làm việc và hết ngày, họ để lại sau họ một con số “10” kếch xù và ngạo nghễ. Và cứ mỗi ngày mỗi tiến như vậy…
Chẳng bao lâu xưởng đó, trước kia sản xuất thấp nhất, bây giờ đứng đầu trong nhà máy.
Lời kết luận? Đây, chính lời của ông Charles Schwab nói:
“Muốn có kết quả, bạn phải khuyến khích lòng ganh đua, không phải lòng ganh đua ti tiện để kiếm tiền, mà một lòng ganh đua cao thượng hơn, lòng muốn mỗi ngày mỗi tiến, chẳng những thắng người mà thắng cả chính mình nữa”.
Những sự thách đố như vậy bao giờ cũng kích thích được một cách chắc chắn những người có tâm huyết.
Không có một cuộc thách đố như vậy. Theodore Roosevelt không khi nào làm Tổng thống Huê Kỳ được.
Mới đại thắng được quân Y Pha Nho ở đảo Cu ba về, “kỵ sĩ vô úy” đã được bầu ngay làm Thống đốc Nữu Ước. Những kẻ thù của ông kiếm chuyện rằng ông chỉ là một kẻ ngụ cư và như vậy không đủ điều kiện được bầu làm thống đốc. Ông sợ hãi, muốn rút đơn ứng cử ra. Lúc đó, Thomas Collier Platt thách ông bằng một giọng sang sảng giữa hội nghị: “Vị anh hùng ở núi San Juan mà nhút nhát như vậy sao?”.
Roosevelt tức khí, chịu tranh đấu… Về sau ra sao trong sử đã có chép. Không những lời thách đố đã thay đổi cả đời ông mà còn có ảnh hưởng lớn tới tương lai của quốc gia nữa.
Al Smith cũng như Charles Schwab, như Platt, biết rõ năng lực vô biên của sự khêu gợi tức khí.
Hồi ông còn làm Thống đốc Nữu Ước, nhà khám Sing Sing thiếu người giám đốc. Trong công việc đó, đã có nhiều sự lạm dụng, nhiều sự đồi bại… Phải đặt vào chỗ đó một người cương quyết, gang thép mới được.
Nhưng kiếm ai đây?… Al Smith cho gọi Lewis E. Lawes coi khám New Hampton lại. Khi Lawes tới, ông hỏi bằng một giọng vui vẻ: “Sao? Tôi để ông giám đốc khám Sing Sing, ông nghĩ sao? Phải có một người giỏi mới được”.
Lawes sững sờ, không biết đáp ra sao. Ông biết rõ những nguy hiểm tại khám Sing Sing và chức đó không vững vàng gì; muốn yên thân phải biết theo chiều gió của chính trị.
Các ông giám đốc khám Sing Sing không giữ chức lâu bao giờ. Có ông ở vỏn vẹn có ba tuần. Ông Lawes chỉ muốn một nơi nào chắc chắn. Có nên thử liều hay không? Ông Smith thấy do dự như vậy, ngả lưng trên ghế, mỉm cười nói: “Này ông bạn, tôi biết là ông sợ. Khám đó khó lắm. Chỉ có một người đại tài mới giữ vững được địa vị đó”.
Ông Smith đã dùng cách thách đố. Tức thì ông Lawes thấy ham thích, muốn làm một việc mà chỉ một người đại tài mới làm nổi.
Ông nhận lời và… giữ chức giám đốc khám Sing Sing rất lâu. Hoạn đồ của ông rực rỡ. Ông viết một cuốn sách: “Hai vạn năm ở Sing Sing” được hoan nghênh vô cùng, diễn thuyết nhiều lần trước máy truyền thanh về đời sống trong các khám. Phương pháp thuần hóa tội nhân của ông đã có những kết quả dị thường.
Harvey Firestone, nhà sáng nghiệp một kiểu vỏ xe hơi, nói: “Tôi đã nghiệm thấy rằng tiền bạc không đủ ràng buộc người có tâm huyết. Họ đam mê sự mạo hiểm, sự tranh đấu hơn. Những kẻ ưa thành công, đều ưa những cơ hội làm rỡ ràng giá trị của họ, những dịp để tiến tới và để thắng. Tất cả những cuộc cạnh tranh đều chỉ có mỗi một nguyên động lực sau này: ý muốn vượt kẻ khác và tỏ giá trị của mình ra”.
Vậy muốn dẫn dụ những người có tâm huyết, hạng người có chân giá trị, bạn hãy:
“Thách đố họ, khêu gợi tức khí của họ”.
Đó là quy tắc thứ 12.
Mười hai cách làm cho người khác nghe theo mình
1. Chỉ có mỗi một cách thắng trong một cuộc tranh biện, là tránh nó đi.
2. Trọng ý kiến của người. Đừng bao giờ bảo họ rằng họ lầm.
3. Nếu bạn lầm, thì bạn vui vẻ nhận ngay đi.
4. Nên ôn tồn ngọt ngào, không nên xẵng.
5. Đặt những câu vấn làm sao cho tự nhiên người ta phải đáp “có”.
6. Để người ta nói cho thỏa thích đi.
7. Để cho họ tin rằng, chính họ phát khởi ra ý kiến mà bạn đã dẫn khởi ra cho họ.
8. Thành thật gắng sức xét theo quan điểm của người.
9. Ai cũng thèm khát được người khác quý mến, hiểu biết và thương hại mình nữa. Vậy bạn tặng họ những thứ đó đi.
10. Gợi tới tình cảm cao thượng của người.
11. Kích thích thị giác và óc tưởng tượng. 12. Thách đố khêu gợi tức khí những người có tâm huyết
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.