Ðại nghĩa diệt thân

Chương 2



Trót ba bốn bữa rồi cả một vùng tỉnh Định Tường, nằm tị giáp với Mỹ Tho và Tân An bấy giờ, cửa nhà tan hoang, vườn ruộng xơ xác, chẳng khác nào như mới chịu một trận cuồng phong mãnh liệt.

Ấy là vì đạo binh nghĩa dõng của cụ Thủ Khoa Huân kể số gần 300, đóng tại Bình Cách tình cờ hay một toán binh Tây chừng 50 người, có năm bảy người Việt làm hướng đạo, đi tuần tiễu trong vùng đặng kiếm bắt cụ Thủ Khoa là lãnh đạo có nhiều uy tín của nghĩa binh kháng chiến.

Binh ta chỉ có vài cây súng còn bao nhiêu thì cầm mác thông[1] hoặc rựa ngoéo[2], hoặc chỉa nhọn, hoặc tầm vông, nhưng được lịnh phân nhau phục kích, đợi giặc vào vòng vây thì xông ra đâm chém quyết lấy khí hùng mà đương đầu với súng đạn.

Toán binh giặc vô xóm Bình Cách rồi thì cụ Thủ Khoa Huân, chỉ huy nghĩa dũng… Cụ dạy đánh mỏ ra hiệu lịnh. Binh ta mai phục tứ phía liền xông ra sáp chiến. Một trận ác liệt diễn ra trong xóm, tiếng súng lụp bụp lẫn lộn với tiếng hét vang vầy. Giặc bị tấn công thình lình tự nhiên tán loạn tinh thần, hết kể hàng ngũ. Nghĩa binh thừa thế mới xung phong đâm chém, làm cho bên địch phần nhiều phải lo đỡ gạt, hoặc phải tránh mũi thương, không bắn súng được lại còn phải rã từ tốp.

Binh ta thiếu súng, nhưng được số đông, lại có cụ Thủ Khoa đích thân chỉ huy, cụ nêu gương dũng cảm cho chiến sĩ soi chung, cụ nâng cao tinh thần cho nghĩa binh, bởi vậy ai cũng hăng hái tranh hùng, không sợ súng đạn.

Rủi thay, giữa lúc hỗn chiến, một viên đạn vô tình trúng bắp vế cụ Thủ Khoa. Cụ té quị. Một tốp địch quân tiến tới, biết cụ là tướng soái nên bắt chớ không giết. Một tốp nghĩa binh ào tới quyết cứu cụ, nhưng bị súng bắn nà quá, tiến không nổi mà lại còn phải thối.

Thấy chủ soái bị bắt, nghĩa binh mất tinh thần, giảm hăng hái bởi vậy mặc dầu hai Ðốc binh Thành với Thuận, thay thế chỉ huy, hò hét om sồm, nghĩa binh cũng rút lui ra khỏi xóm, rồi tốp chạy qua Tầm Vu, tốp núp vườn đổ qua phía Bến Tranh.

Trời sắp tối. Binh Tây không biết địa thế sợ binh ta phục kích nên không dám tiến theo. Hơn nữa, chúng bắt được tướng chỉ huy, tuy không hiểu là ai, song cũng thõa mãn, bởi vậy chúng lo gom binh của chúng bị thương kể đến mười mấy người rồi hè hụi[3] khiêng cõng ra về, chúng cũng cõng luôn cụ Thủ Khoa Huân đi nữa

Ðêm ấy, mấy người già với đàn bà trong xóm Bình Cách thấy đã rút đi xa rồi, họ mới đốt đèn đốt đuốc rảo khắp xóm tìm nghĩa binh của ta bị thương, gặp một người bị đạn trúng đầu nằm chết với 6 người bị thương thì lấy võng khiêng hết qua Tầm Vu rồi dùng ghe chở xuống phía vàm Miễu Ông mà chôn người tử trận và kiến thuốc cúu cấp mấy người bị thương.

Người ta biết thế nào giặc cũng đem nhiều binh trở lại khủng bố vùng Bình Cách bởi vậy những người trai tráng ở Tầm Vu, Bình Cách và Kỳ Son thừa đêm tối rút qua phía Ngươn Long mà ẩn núp, còn những người ở Bến Tranh,Tân Hiệp,Tân Hương và Khánh Hậu thì tản mác trên Ðồng Tháp Mười.

Qua ngày sau cả vùng ấy chỉ là hạng già cả với đàn bà con nít ở nhà mà thôi.

Thiệt quả người ta đoán không sai. Cách hai bữa sau có đến mấy trăm binh Tây phân ra thành từng tốp, mỗi tốp chừng 50 lính với ít người Việt dẫn đường đi ruồng các xóm trong vùng.

Tốp lính vào làng Bình Cách, phần nhiều là người Việt, đặt dưới quyền chỉ huy của một quan Tây, tìm không có người trai tráng, bèn bắt hết ông già với đàn bà mà đánh khảo mà hỏi con cháu, hoặc anh em, hoặc chồng trốn ở đâu phải chỉ, bằng không thì đánh chết. Người khai không biết đi đâu thì bị đánh khảo, mà người khai không có chồng cũng bị đánh. Cách tra khảo hết sức ác nghiệt làm cho nhiều người mang bịnh ít lắm là sưng mặt hoặc bầm lưng, có người đến gãy răng, hoặc lòi con mắt, lại còn có chị đàn bà bị thai nghén, bị đánh đến sảo thai.

Người thì chịu đòn, nhà thì bị đốt, đến chiều làng Bình Cách là những đống tro nằm nóng hổi trước mặt kẻ già cả hoặc ngưòi đàn bà ngồi khóc sự sản tiêu tan, khóc thân thể đau đớn, có người lại khóc không biết chồng hay con, hay em co trốn khỏi hay không, sợ sa vào tay tốp khác mà bị chúng hành hình bằng lưỡi lê hoặc súng đạn.

Mấy làng mấy xóm khác cũng bị ruồng xét như ở đây, nhưng ít có người bị bắt hoặc bị đòn, còn nhà cửa thì khỏi bị đốt. Tuy vậy mà lương dân phải chịu nỗi khổ khác. Xét không gặp trai tráng nào hết mà nếu nhà cửa rộng lớn có đồ đạc nhiều, người ta biết chủ nhà có cơm tiền, thì lúc xét hễ gặp thứ gì quí giá người ta lấy hết, rồi còn phao vu chủ nhà có con cháu theo đoàn nghĩa binh, đặng hăm bắt bỏ tù cho người ta sợ mới lòi bạc ra mà lo lót.

Ðời nào cũng vậy, hễ có chiến tranh thì tự nhiên lương dân phải chịu những tai họa đó, không làm sao tránh khỏi. Ðã biết người cầm binh phần nhiều là người có học thức, biết phân biệt dữ lành, rất đỗi là địch thủ đã xuống ngựa người ta còn không nỡ chém thay, có lẽ nào người ta đành sát hại ông già hoặc đàn bà vô tội. Ngặt tướng sĩ không phải hết thảy đều là Phật tử, thường chen lộn một đám tiểu nhân thừa nước đục mà thả câu, vì vậy nên gieo rắc thêm oán thù.

Trong làng Tịnh Giang, gần chợ Bến Tranh, buổi trưa đó ông Nhiêu Võ Minh Giám, đương ngồi trong trại, cất một bên nhà mà dạy hơn vài mươi trẻ nhỏ trong làng học chữ nho. Một lát bà Nhiêu ở trong nhà ra cho ông hay binh lính Tây đến xét nhà ở đầu xóm.

Ông Nhiêu bình tỉnh mà nói:

– Bà nó đừng sợ gì hết. Biểu vợ thằng Ðạt với con Trâm cũng vậy. Họ xét thì xét có sao đâu mà sợ. Dặn hai đứa nó cứ làm việc trong nhà như thường. Họ tới đừng chộn rộn họ nghi.

– Hai đứa nó sợ muốn chạy ra vườn mà trốn.

– Biểu nó cứ ở nhà, đừng chạy đi đâu hết. Hôm qua tôi dặn lấy áo quần và đồ gì của thằng Ðạt đem giấu cho xa; nó làm rồi hay chưa?

– Rồi. Trưa hôm qua vợ nó gói hết rồi đem chôn ngoài gò mả.

– Vậy thì xong. Nếu người ta có hỏi thì nói hết mùa gặt lúa rồi thằng Ðạt xuống ghe ra ở ngoài chợ Mỹ đặng câu và lưới kiếm cá mà bán. Từ hôm tháng giêng tới nay nó ở ngoài chợ Mỹ, không có về đây. Còn nếu người ta không hỏi thì thôi.

Bà Nhiêu xây lưng đi vô nhà, trong lòng hồi hộp không an.

Một lát có một tốp lính đi ngoài rào của ông Nhiêu đông chừng ba chục người, mà chỉ có vài người Việt, còn bao nhiêu toàn là người Tây. Một viên quan Tây râu ria xồm xàm đi trước, còn lính đi theo sau, còn bao nhiêu toàn là người Tây đi vô sân ông Nhiêu. Lính cũng đi theo.

Cũng như thường lệ, ông Nhiêu Giám mặc áo màu đen mang cặp mắt kiếng, ông ngó thấy thì bước ra sân. Viên quan Tây ngó vô trại thấy sắp con nít ngồi thì cười. Và day lại nói ít tiếng với binh lính, rồi lính rã ra mà chơi, còn viên quan Tây đi thẳng vô trại chỗ học trò ngồi học, chỉ mà nói và cười, ông Nhiêu lắc đầu nói không hiểu.

Viên quan Tây vô trường. Học trò đều đứng dậy, viên quan Tây đưa tay biểu ngồi xuống hết, rồi bước lại lấy cây viết cầm mà coi, sau đó lấy tập vở mà lật mà coi nữa. Viên quan Tây nói ít tiếng với ông Nhiêu rồi trở ra sân.

Ông Nhiêu đứng ngoài cửa, lột cặp mắt kiếng cầm trong tay mà ngó theo.

Ðám học trò chen lấn nhau ra cửa trường mà dòm.

Bà Nhiêu hơ hải ra đứng dựa bên ông mà nói:

– Trời ơi Tây đó râu ria tới mép tai, thấy ghê quá!

– Tuy vậy mà coi bộ hiền.

– Vậy mà từ hôm qua họ đồn Tây đốt nhà, bắt đánh ông già đến lòi con mắt, đánh đàn bà chửa đến sảo thai. Còn con nít họ bỏ vô cối giã gạo họ quết.

– Không biết chừng cũng có, chớ nếu không có làm sao họ đồn được. Nhưng binh lính tử tế hay là tàn bạo đều tại người cầm đầu. Nếu người cầm đầu đàng hoàng thì ở dưới đâu dám làm bậy. Còn người cầm đầu không biết thương dân không kể nhơn đạo, thì tự nhiên ở dưới gặp người thì giết, thấy của thì giựt, chớ có gì đâu. Xóm mình có phước nên gặp tốp nầy tử tế nên lính không đánh đập, không cướp giựt ấy là may.

– Thôi họ ruồng xét xóm mình rồi. Hết lo nữa.

– Không biết chừng còn tốp khác nữa.

Bà Nhiêu nghe còn tốp khác thì lơ lửng. Bà trở vô nhà, mặt có vẻ lo.

[1] mác có cán dài

[2] rựa có lưỡi cong

[3] rán sức, cố sức


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.