Ðại nghĩa diệt thân
Chương 6
Võ Minh Ðạt, ở Tịnh Giang một chiến sĩ trong đoàn nghĩa binh của cụ Thủ Khoa Huân, giả dạng người giăng câu kéo lưới, chèo ghe ra chợ Mỹ Tho, trước kiếm chỗ ẩn cư cho khỏi bị bắt, sau lắng nghe tin coi giặc xử chủ tướng của mình như thế nào.
Anh chị em độc giả theo Thị Ðậu với Thị Trâm đi kiếm Ðạt, may gặp Ðạt trong nhà của Nguyễn Thị Dần, được dự nghe Ðạt nói chuyện với vợ và em đến hai lần, nói vì trường hợp nào mà ở với thị Dần, nói nhờ phương pháp nào mà được thân thiết với ông Ðội, rồi khoe nhờ ông Ðội đó mà biết tin tức xác thiệt của nhà ái quốc Thủ Khoa Huân, lại còn biết tình hình quân sự của bên giặc nữa.
Không biết anh chị em nghe Ðạt nói vậy mà anh chị em co tin chắc những lời chàng thốt với vợ và em đó là sự thật hay không. Chớ Thị Ðậu cũng như Thị Trâm, hai nàng tin lắm, mà về nói lại cho ông Nhiêu Giám nghe, thì ông cũng tin, ông lại còn khen Ðạt khôn ngoan biết chiều uốn theo thời, biết lao lách tráo trở.
Mà Thị Ðậu, Thị Trâm với bà Nhiêu, vì tình yêu dĩ nhiên không nghi lòng dạ của Ðạt, là người thân trong tộc dầu tin lầm thì có thể dung thứ được. Chớ ông Nhiêu Giám là một vị lão nho, mà ông ôm ấp cái thuyết „nặng cang nặng nhu“ nên ông khen Ðạt khôn ngoan, thì chẳng bao lâu ông nhận thấy ông tin quấy, mà ông còn khen lầm, bởi vậy ông hối hận cực điểm, hối hận về sự ông mù quáng để tai hoạ phát sanh làm cho gia đình ông lung lay rúng động đến con trách vợ phiền, ông phải chán nản hết vui sống nữa.
Người viết lại truyện nầy không vị tình ai, mà cũng không nhiễm thuyết nào, nên phải nói ngay ra đây rằng những điều của Võ Minh Ðạt nói với vợ và em có cái thiệt mà cũng có cái dối, lại cái dối nhiều hơn cái thiệt.
Võ Minh Ðạt, là con của một nhà nho chơn chánh, biết thương nước thương nòi, biết trọng cái hay cái phải. Tuy chàng học ít nhưng sanh trưởng trong nhà nho học tự nhiên chàng cảm nhiễm nho phong ít nhiều. Chàng lại còn gia nhập trong đoàn nghĩa binh hùng dõng của cụ Thủ Khoa Huân, thường nghe cụ nói làm chiến sĩ biết chết chớ không biết đầu, thế thì chàng cũng có tập khí phách anh hùng chút đỉnh.
Nhưng Ðạt nuôi một tâm hồn tân tiến khác với tâm hồn của độc giả hồi thời đó. Như bàn tính việc gì, ông Nhiêu thường lấy một câu sách để làm căn bản cho lời lẽ của ông thì chàng bắt bẻ nói câu sách đó hạp với tình thế đời xưa, chớ không hạp với chí ý người đời nay nữa. Như khí phách của chiến sĩ mà cụ Thủ Khoa Huân thường dạy đó, thì chàng hay cải và nói rằng chết hữu ích thì đáng chết, chớ chết vô ích thì chết làm chi.
Hôm Ðạt chèo ghe đi qua Mỹ Tho, thiệt chàng không có đem theo thứ đầu óc gian hùng xảo trá, vì đã có sẵn cái tâm hồn „tuỳ thời nhi tiến“. Chàng không thể rứt bỏ nó được, nên nó phải theo chàng mà thôi.
Vẫn sanh trưởng nơi vườn ruộng, tự nhiên chàng biết cách làm ruộng trồng cây. Nhưng nhờ có ngọn rạch lớn đi qua trước nhà, nên từ hồi còn nhỏ chàng có tập theo cái nghề giăng câu lưới cá. Làm nghề hạ bạc thì phải ở xóm chài xóm lưới mới thuận cảnh thuận tình. Ra tới Mỹ Tho, chàng đi thẳng ra phía vàm. Thấy xóm chài rồi mà chàng không ghé cứ chèo ra sông cái, tính dọ xem địa thế rồi giăng câu thả lưới kiếm một mớ tôm cá để làm lễ tấn thân.
Ðã kiếm được một rổ tôm càng với cá chẻm[1], cá lợn, cá út, cá ngác, gần sáng chàng mới chèo trở lại xóm chài tại vàm mà bán cho bạn hàng.
Ở đây có bốn năm chị đàn bà hễ khuya thì xuống bến chờ ghe chài ghe lưới về đặng mua tôm cá đem ra chợ mà bán. Trong đám đó có Nguyễn Thị Dần trắng trẻo sạch sẽ, lại bải buôi nhậm lẹ hơn hết. Hồi trước nàng đã có chồng rồi, nhưng vì chồng thiệt thà quá hoá ra khờ khạo, không hợp ý với nàng, thành thử mới rã rời, ai đi đường nấy cho khỏi cãi cọ. Vì vậy nên hiện thời nàng đã 26 tuổi rồi mà ở một mình mua bán cá tôm không có chồng con chi hết.
Sáng nầy thị Dần thấy có ghe lưới lạ cặp vào bến, nàng lẹ chưn bước xuống hỏi Ðạt có cá tôm được bao nhiêu Ðạt bưng rổ đưa cho Dần coi. Dần xốc cả tôm cá rồi ngó Ðạt vừa cười duyên vừa hỏi:
– Anh định bán giá mấy đây anh Hai?
– Tôi không có ngồi chợ mà bán, nên không biết giá chợ, bởi vậy tôi xin chị liệu giùm cho phải thì thôi. Tôi có công lặn lội sáng đêm mà kiếm tôm cá. Chị có công ngồi chợ chịu nắng mưa mà bán. Xin chị lấy công tâm mà xử hai người đều có lợi phù hạp với công khó vậy thôi. Có lẽ còn mua bán với nhau nhiều ngày chớ không phải một lần nầy. Nếu chị tính phải thì tôi sẽ để cho chị bán mỗi bữa.
– Anh tử tế quá. Cá tôm anh làm sông nào vậy?
– Ngoài sông cái đây.
– Nhà anh ở đâu? Sao thuở nay không thấy anh đem tôm cá lại đây mà bán?
– Tôi ở trong miệt Trấn Ðịnh. Lúc nầy rãnh viêc ruộng vườn, tôi thả ra sông cái kiếm ăn, chừng nào tới mùa gieo mạ tôi sẽ về.
– Anh ra làm ngoài nầy anh ở nhà ai?
– Ở dưới ghe. Nếu chị tính giá đúng cho công khó của tôi thì mỗi bữa hễ gần sáng tôi chở tôm cá về đây cho chị bán. Thôi mới làm quen với nhau, tôi giao hết cho chị bưng ra chợ ngồi bán. Bán coi được bao nhiêu tiền rồi mình sẽ tính chia với nhau.
– Anh chịu vậy hay sao? Ðược anh muốn như vậy thì tốt lắm. Tôi biết công anh cực khổ, tôi không nỡ ăn gian anh đâu. Tôi đi bán rồi anh đậu ghe đây mà chờ tôi hay sao?
– Tôi nấu cơm ăn tôi ở đây tôi chờ.
– Ghe nhỏ quá, lại không có mui. Ở dưới ghe coi bộ bất tiện, nầy anh lên nhà tôi kia mà nghỉ. Nhà tôi không có ai hết. Hễ tôi đi bán thì tôi khép cửa bỏ đó. Có bếp kín đáo có củi sẵn. Anh nấu cơm cũng dễ.
– Nếu chị cho phép tôi ký túc thì tôi cám ơn chị lắm. Nhưng tôi ái ngại là tôi làm cực lòng chị.
– Không, không có cực lòng chi hết. Anh theo tôi lên đây đặng tôi mở cửa giao nhà cho anh. Tôi đi bán anh coi nhà giùm cho tôi, thì tôi mang ơn chớ sao mà cực lòng.
– Thị Dần bưng rổ tôm cá đi lên nhà. Ðạt đi theo.
Nhà lá nhỏ hai căn hẹp, đồ đạc không có gì lắm. Phía trước có bộ ván dầu với cái ghế tre cũ, vô trong có một cái chõng lót trong buồng, còn ngoài thì có cái bàn chứa đồ đủ thứ. Phía sau có một mái giại[2], có bếp nấu ăn, có chén bát nồi ơ đựng trong rổ để dưới đất.
Dần dắt Ðạt đi coi cùng hết, chỉ chỗ để gạo, muối, củi cho Ðạt biết, rồi bưng rổ tôm cá đi bán, dặn Ðạt ở nhà như muốn phơi lưới thì qua nói với chủ nhà một bên đó mà phơi nhờ trên rượng[3] của người ta. Nàng hỏi có để tôm cá lại mà ăn hay không thì Ðạt nói dưới ghe còn gạo với cá đủ dùng.
Chỉ có vậy đó mà Ðạt làm quen với Dần, có chỗ nghỉ ngơi có người bán giùm tôm cá, khỏi lo nắng mưa, đói khát.
Dần đi rồi thì Ðạt đem gạo với tôm cá lên nhà kho nấu mà ăn rồi nằm nghỉ. Vì phải thức sáng đêm mà thăm câu nên Ðạt mới nằm một chút là ngủ liền, chàng ngủ thẳng giấc rồi thức dậy thấy Thị Dần cười, thì không biết nàng về hồi nào, chàng không hay.
Dần vô buồng xách 3 quan tiền đem ra để trên ván mà nói:
– Tôi bán hết thẩy được 3 quan năm. Tôi lấy 5 tiền mua thịt với rau cải để nấu cho anh ăn. Còn lại 3 quan nguyên đó. Anh nuốn chia bao nhiêu tự ý anh.
Ðạt dụ dự rồi nói:
– Chia hai chị vừa lòng hay không?
– Chia như vậy thì hẹp cho anh. Nếu anh chia cho tôi một quan, còn anh 2 quan, chia như vậy cũng đã lợi cho tôi nhiều lắm rồi.
– Ðược. Chị muốn lấy bao nhiêu chị lấy.
– Cha chả! Anh nầy ngộ dữ a. Mình chứa ảnh trong nhà, rồi ảnh lại chọc ghẹo mình chớ.
– Không tôi nói thật tình chớ đâu dám ghẹo.
– Anh nói: „Muốn lấy thì lấy“. Nói như vậy không phải ghẹo hay sao?
– Tôi nói lấy tiền chớ đâu phải lấy tôi.
– Thôi nên nói rành một lần cho khỏi mích lòng. Anh đi làm mỗi bữa anh giao tôm cá cho tôi bán. Tôi mua gạo, thịt, rau củi về nấu ăn chung với nhau. Còn dư tiền bạc bao nhiêu thì chia làm ba, tôi một phần, anh hai phần. Anh chịu hôn?
– Chịu chớ. Mà chị cho tôi ở đậu trong nhà chị hay sao?
– Ði câu đi lưới về thì anh ở đây mà nghỉ. Khuya tôi dậy nấu cơm sớm. Hễ anh về thì ăn với nhau rồi tôi đi bán, anh ở nhà anh ngủ. Trưa mua đồ ăn sơ sịa. Chiều tôi nấu cơm sớm cho anh ăn no đặng anh đi làm. Tính như vậy được hôn?
– Ðược lắm. Tôi có chỗ nghỉ, có người lo cơm nước và bán cá tôm thì tôi khỏe quá. Nhưng chị tính như vậy mà phải có anh bằng lòng tôi mới khỏi ái ngại.
– Anh nào? Tôi không có chồng, không có cha mẹ. Tôi chỉ có một người anh là ông Ðội Tồn cầm đầu một tốp lính Mã Tà[4] ở bên thành Tây. Anh tôi hay tôi có người hiệp tác đặng lo làm ăn thì anh tôi vui lắm, chớ sao mà không bằng lòng. Ðể trưa chiều tôi qua thành thăm ảnh, tôi nói cho ảnh hay, đặng ảnh dặn binh lính đừng đá động tới anh, để anh thong thả làm ăn.
– Té ra chị có người anh làm làm tới ông Ðội lận? Anh ruột hay anh sao?
– Anh chú bác. Nhưng ảnh thấy phận tôi côi cúc, lại không có anh em, nên ảnh thương tôi cũng như em ruột. Tôi muốn gì cũng được hết.
– Anh em chú bác là ruột thịt chớ sao.
– Hồi trước ảnh cũng ở bên nầy. Ảnh có ghe bạn chài lưới, ảnh sai đi đánh cá về cho ảnh bán. Chừng Tây lại họ bắt ảnh theo. Thấy ảnh mạnh mẽ giỏi giắn họ cho ảnh làm Ðội. Tây thương ảnh lắm, bởi vậy ảnh nói gì họ cũng nghe hết. Ảnh muốn bắt ai ảnh bắt, muốn tha ai ảnh tha.
– Nếu vậy thì khoan đi thăm ông Ðội, để tôi làm kiếm được cá ngon chị sẽ đem qua cho ông rồi nhơn dịp chị gởi gắm giùm tôi cho tôi an thân làm ăn.
– Ðược, anh rán kiếm một cặp cá chẻm trộng trộng vậy thôi. Anh tôi ưa cá chẻm lắm.
– Tôi sẽ kiếm được. Thôi chị, chị cất tiền đi, cất luôn giùm 2 quan của tôi nữa. Mỗi bữa bán chia phần tôi được bao nhiêu, chị cứ cất giùm cho tôi, chừng về tôi sẽ lấy.
– Anh có vợ con hay không?
– Tôi có vợ và có thằng con được 6 tuổi.
– Anh đi rồi bỏ vợ con ở nhà lấy gì mà ăn?
– Nó ở với cha mẹ tôi, nhà có vườn lại có ruộng kiếm đủ lúa để ăn.
Ðó, trường hợp Ðạt với Dần quen nhau là vậy đó, mà lời của Ðạt thường khoe thân thiết với ông Ðội là tại vậy đó.
Vài bữa sau, Ðạt kéo lưới may được mấy con cá chẻm lớn. Chàng cậy Dần đem qua Thành hiến cho ông Ðội Tồn 2 con, rồi gởi gắm và luôn dịp hỏi cụ Thủ Khoa Huân bị đạn ở Bình Cách nặng hay nhẹ, bây giờ ở đâu, họ tính xử tội cách nào?
Vụ nghĩa binh của cụ Thủ Khoa Huân phục kích binh lính Pháp tại Bình Cách hôm nọ là một thời sự lớn lao, vì hai bên đều bị tổn thương nhiều, lại chánh tướng kháng chiến của ta bị đạn và bị giặc bắt, bởi vậy ở Mỹ Tho người ta đồn rùm, nhứt là ngoài chợ người ta hay hỏi thăm nhau về việc đó. Thị Dần là gái lanh lợi, tọc mạch nghe việc gì nàng cũng muốn tìm hiểu cho rõ ràng, bởi vậy trận Bình Cách bên nào tổn thất bao nhiêu, mà nàng còn biết thêm cuộc khủng bố tổ chức mấy bữa sau làm cho nhà cửa tiêu tan, nhơn dân hết sức đau khổ.
Hôm nay nàng nghe Ðạt cậy nàng, gởi gắm giùm chàng cho khỏi binh lính tra vấn thì chẳng lạ gì, chừng nghe chàng hỏi thăm giùm bổn mạng của cụ Thủ Khoa thì nàng phát nghi, nên nàng ngó chàng trân trân vừa cười vừa nói:
– Trời ơi! Té ra anh nầy là một nghĩa binh kháng chiến mà tôi dám chứa trong nhà tôi chớ! Anh báo quá! Sao anh giấu tôi?
Ðạt biến sắc và nói:
– Không có đâu chị. Tôi là người thiệt lo làm ăn. Tôi có biết nghĩa binh nghĩa bị gì đâu.
– Ê! Anh đừng trả treo, anh là nghĩa binh của Thủ Khoa Huân sau trận Bình Cách, anh sợ Tây bố bắt, anh trốn ra đây giả dạng chài lưới đặng ẩn núp. Anh tưởng tôi dại lắm hay sao? Có như vậy anh phải nói thiệt với tôi đặng nếu anh biết ơn nghĩa thì tôi lập thế bào chữa cho. Chớ anh giấu tôi thì anh hại tôi chết chùm với anh hay sao. Tôi phiền anh quá!
– Thiêt tôi là người làm ăn, tôi không biết việc gì khác chị à!
– Ai mà tin lại được. Anh nghĩ lại coi, anh tôi làm ông Ðội trong binh của Tây. Tôi chứa người nghịch với Tây, nghĩa là người thù luôn với anh tôi nữa, chừng anh tôi hay được thì còn gì tôi.
– Tôi có nghịch có thù với ai đâu.
– Thôi, thôi, tôi chạy anh rồi. Anh nói anh không có chơn trong nghĩa binh. Sao anh cậy tôi gởi gắm anh?
– Nghe ngoài nầy lính tráng hay bắt bớ nên tôi sợ, tôi phải lo trước, chớ tôi có tội gì đâu.
– Còn anh nói anh không biết việc Bình Cách sao anh cậy tôi hỏi thăm cụ Thủ Khoa Huân?
Ðạt nghẹn cổ, hết trả lời được nữa. Chàng bước ra đứng dựa cửa mà ngó xuống sông.
Thị Dần bưng cái rổ đựng 5 con cá chẻm đưa cho chàng mà nói:
– Anh làm ơn đem mấy con cá chẻm bỏ vô rộng cho nó sống. Ðể tôi bưng tôm với cá ngác, cá chốt ra chợ bán rồi trưa về sẽ nói chuyện tiếp. Tôi dọa anh đặng coi anh dạn hay nhát, chớ thiệt anh có chưn trong đoàn nghĩa binh của ông Thủ Khoa tôi cũng cứu anh được. Anh đừng lo.
Dần bưng rổ tôm cá đi ra chợ. Ðạt nhẹ nhàng trong lòng, nên đi xuống ghe mà rộng mấy con cá chẻm lại.
Tan chợ Dần về, vui vẻ như thường, có mua thịt, khô, mắm, tính trưa ăn sơ bún với thịt quay, còn bữa cơm chiều thì có cá chẻm, có tôm kho, còn có thêm khô mắm nữa.
Lúc hai người ngồi ăn bún với thịt. Thị Dần lại nhắc câu chuyện hồi sớm mơi, nhưng nàng dùng lời ưu ái thân mật mà khuyên Ðạt nếu có việc chi lo ngại thì cứ tỏ thiệt với nàng. Nàng thề thốt bảo hộ tính mạng của chàng đến cùng, người ta phải giết chết nàng rồi mới hại chàng được. Nàng nói với giọng thân ái, thành thiệt, làm cho chàng cảm xúc vô cùng, Chàng phới động ái tình nên quên hết dè dặt. Chàng bèn tỏ thiệt với nàng, chàng ở Bến Tranh chớ không phải ở Trấn Ðịnh, chàng có chơn trong đoàn nghĩa binh của cụ Thủ Khoa, chàng có tham dự cuộc phục kích Bình Cách, trong đêm đó chàng lấy câu với lưới bỏ xuống ghe trốn đi ra đây, nên không hay binh lính vô khủng bố trong vùng, chánh vì sợ sự ruồng xét đó nên chàng phải giả dạng bước tránh ra ngoài nầy, trước cho được an thân, rồi dọ tin tức về cụ Thủ Khoa cho biết cụ còn mất.
Thị Dần nghe rõ rồi nàng cười mà nói:
– Ừ anh phải nói thiệt như vậy cho tôi biết đặng tôi bào chữa cho chớ.
– Tôi nói thiệt với chị, tôi là người thương nước thương dân, chớ không phải là người gian xảo. Nếu chị thương thì tôi ở tạm nơi đây kiếm tôm cá cho chị bán. Còn nếu chị không thương thì tôi bị bắt tội nhiệp.
– Anh biết thương nước anh tưởng tôi không biết thương như anh hơi sao? Ai nỡ tố cáo một người ái quốc của mình cho được mà sợ. Vậy anh cứ ở đây, đừng lo gì hết. Tôi sẽ hết lòng chăm nom công việc của cụ Thủ Khoa nữa.
– Chị nói thiệt hay là gạt tôi?
– Hồi nãy tôi đã thề rồi, sao anh còn nghi bụng tôi? Ăn uống rồi tôi sẽ đem cá qua cho anh tôi. Tôi tính phải nói dối với ảnh như vầy: “Tôi nói tôi mới đụng[5] một người chồng giỏi nghề chài lưới, vợ chồng làm ăn có mòi thạnh phát dễ chịu lắm. Tôi xin anh tôi chiếu cố giùm vợ chồng tôi giăng câu hay kéo lưới thì đừng khuấy phá tội nghiệp”. Rồi đó nói chuyện chơi tôi sẽ hỏi thăm cuộc xung đột ở Bình Cách thế nào mà thiên hạ đồn rùm ngoài chợ. Hỏi tới chuyện đó tự nhiên ảnh phải nói chuyện ông Thủ Khoa bị bắt, Chừng đó tôi mới có cớ mà hỏi tới bịnh tình của ông Thủ Khoa, hỏi bây giờ ông ở đâu và rồi hỏi rồi đây họ sẽ xử tội ông cách nào. Tôi tính sắp đặt cách nói như vậy, anh nghĩ coi được hay không?
– Hay lắm! Khôn lắm nhưng làm như vậy chị phải mang tiếng lấy tôi.
– Anh không chịu hay sao?
Ðạt liếc mắt ngó Dần vừa cười mơn vừa đáp:
– Tôi ngại cho chị, chớ phận tôi thì thế nào cũng được, tôi có nệ gì đâu.
– Tôi chưa chồng tôi muốn làm sao tùy ý tôi, ai cản tôi được mà tôi ngại?
– Tôi đã nói với chị, tôi có vợ có con.
– Anh đừng kêu tôi bằng chị nữa, phải kêu bằng em coi mới được. Anh có vợ thì có, vợ con anh ở trỏng, tôi ở ngoài nầy có hại gì.
– Thôi em đi lo giùm công việc của tôi trước đi. Còn chuyện vợ chồng để thủng thẳng rồi sẽ liệu. Không gấp gì.
Thị Dần cười. Ăn rồi nàng đưa cái giỏ biểu Ðạt xuống ghe lựa bắt 3 con cá chẻm lớn, để cho nàng rửa chén dọn dẹp rồi đi cho sớm đặng về lo bữa cơm chiều.
Dần xách giỏ đi rồi thì Ðạt nằm mà nghỉ lưng. Chàng suy xét lại cuộc tình duyên của Dần mới gây ra đó thì chàng chúm chím cười. Ðã có sẵn tâm hồn “tùy thời mà tiến”, chàng nghĩ lấy Dần làm vợ bé có lợi chớ không có hại.
Người ta có hai vợ thiếu gì, ai cười chê mà sợ. Huống chi Dần khôn ngoan, lanh lợi, tráo trở bãi buôi, lại có sắc đẹp hơn vợ nhà, thì có cớ gì mà chê được. Dần có nhà cửa sẵn lại có nghề nghiệp riêng, không cần chồng nuôi dưỡng mà sợ tốn công tốn của. Hơn nữa gá nghĩa vợ chồng với Dần, mình được thân thế của ông Ðội Tồn, hết sợ ai bắt bớ, mà lại còn biết tin tức của cụ Thủ Khoa, làm một việc mà có lợi nhiều bề, lợi cho phận mình mà cũng lợi cho Ðất Nước. Ðã vậy mà mình giăng câu lưới cá cho Dần bán mỗi ngày, lâu lâu về thăm nhà, mình đem tiền về cho cha mẹ vợ con, mình còn giúp ích cho gia đình được nữa.
Ðạt suy tới nghĩ lui rồi buồn ngủ nên ngủ khò.
Dần đi qua thành, chừng trở về thấy Ðạt nằm ngủ thì nắm cánh tay kêu dậy mà nói: ”Dậy, dậy đặng tôi thuật chuyện cho mà nghe. Anh tôi thấy cho cá chẻm ảnh mừng quá, ảnh hỏi cá ở đâu mà lớn con dữ vậy. Tôi nói tôi mới làm bạn với anh giỏi nghề chài lưới nên có tôm cá cho tôi bán mỗi ngày. Ảnh chịu lắm. Gốc ảnh làm nghề như mình nên ảnh khuyên vợ chồng rán lo làm ăn. Ảnh bảo bọc cho, ai có hiếp đáp hay là kiếm chuyện làm tiền thì qua cho ảnh hay ảnh sẽ binh vực, đừng sợ chi hết. Ảnh nói ai có truy xét anh thì anh nói anh là em rể của ông Ðội Tồn tự nhiên người ta phải kiêng nể. Tôi hỏi qua vụ Bình Cách thì ảnh nói người ta mới bố vùng đó gắt lắm, rồi tự nhiên ảnh nói chuyện bắt được chánh tướng của giặc là ông Thủ Khoa. Ông bị đạn trúng bắp vế, nhưng may không gãy xương nên chắc ổng khó chết, mà cũng khỏi mang tật. Vì ổng còn dưỡng bịnh nên chưa nghe họ sẽ xử ổng cách nào. Nhưng họ để ổng nằm nhà thương chung với đám thương binh của họ, thì chắc họ không có tính xử tử. Ðó, tôi đi lo công chuyện cho anh xong xuôi hết đó anh vừa lòng hay không?”
Ðạt nắm tay Dần mà cám ơn hai người ngó nhau vui cười, không còn sụt sè hay nghi kỵ gì nữa.
Từ đó Ðạt và Dần ăn ở cùng nhau như vợ chồng, càng bữa càng thêm yêu, càng thêm khắng khít. Tuy vậy mà bữa nào Dần đi bán cá về, trừ tiền mua gạo đồ ăn rồi nàng chia làm ba, phần của Ðạt nàng cũng cất riêng cho chàng, tính để dành đặng may quần áo cho chàng về thăm nhà thì đem về cấp dưỡng cho cha mẹ vợ con chút đỉnh.
Còn Ðạt được an thân, chàng không quên cụ Thủ Khoa. Hễ đôi ba bữa chàng nhắc Dần đem tôm cá qua cho ông Ðội, rồi hỏi thăm bịnh của cụ Thủ Khoa giùm cho chàng.
Nhờ vậy mà khi Thị Ðậu với Thị Trâm ra kiếm thăm Ðạt lần đầu, Ðạt nhắn tin cho cha biết về bịnh tình của cụ Thủ Khoa là tin đích xác chớ không phải đặt chuyện. Chàng đặt chuyện nói dối có điều nầy là nói giặc để yên đặng gạt nghĩa binh trở về đặng vây bắt cho hết cả vùng, nói như vậy đặng có cớ mà ở ngoài Mỹ cho lâu mà thôi. Chàng khoe được ông Ðội thương và được thân thiết với ông lắm, nhưng kỳ thiệt chàng chỉ nghe Thị Dần nói chớ chưa hề được giáp mặt với ổng lần nào. Chàng còn dấu biệt chàng đã kết nghĩa vợ chồng với Thị Dần, chỉ nói ở đậu đặng đi câu mà thôi, rồi sợ vợ nghi nên nói dối Thị Dần có chồng làm việc với ông Ðội.
Mà bữa đó Ðậu với Trâm ăn cơm rồi xuống mà về, tuy Ðạt không nói ra, song Dần có con mắt tin đời nên nàng biết Ðậu là vợ của Ðạt còn Trâm là em. Nhưng biết thì biết, chớ nàng không cật vấn, không nổi ghen không giận hờn, không buồn bực. Trái lại nàng càng vui vẻ, bãi buôi hơn lúc trước, càng chiều chuộng, lo lắng cho Ðạt hơn. Nàng thầm nghĩ ghen tuông rồi nói bậy làm cho chồng chán chớ không ích gì, hay hơn là tiếp làm cho chồng vui gần mình, làm như vậy mới gọi là gái khôn, có mưu cao, có trí sáng.
Bữa sau bán cá rồi Dần mua vải mang về mướn thợ cắt nay cho Ðạt một cái quần một cái áo, dặn thợ phải may giùm cho mau. Bữa sau nữa, nàng xách tôm cá qua cho ông Ðội, rồi về nói vết thương của cu Thủ Khoa nay đã lành. Nàng lại nói ông Ðội có dặn bữa nào Ðạt có rảnh thì dắt Ðạt qua thăm ông biết mặt thằng em rể một chút.
Ðạt đã có ý muốn được thân cận với ông Ðội đặng có thể tìm hiểu cách hành động của binh lính bên địch, nhứt là biết chút đỉnh lực lượng và mưu của giặc, nhưng không có dịp nào thuận tiện, nên chàng chưa dám tỏ bày ý muốn đó cho Dần biết.
Nay nghe Dần nói ông đội muốn biết chàng mừng quá, tính bữa sau biểu Dần dắt chàng đi. Dần nói quần áo lôi thôi quá, để đợi vài bữa may đồ mới rồi sẽ bận coi sạch sẽ mà đi coi mới được.
Vài bữa sau Ðạt có áo quần mới bận coi sạch sẽ, đàng hoàng. Ăn cơm trưa rồi Dần với Ðạt mới đi qua thành thăm ông Ðội Tồn. Ðạt gặp nhiều tốp lính Tây đi chơi đầy đường, còn lính Việt thì rải rác không nhiều lắm. Theo mấy nẻo đường thì lính Việt gác, còn cửa vô thành thì lính Tây.
Ðạt thấy Dần đi mạnh mẽ không lo sợ gì hết, thì chàng vững bụng cứ đi theo.
Ông Ðội Tồn ăn cơm rồi đang ngồi hút thuốc, ông thấy Dần bước vô, có Ðạt đi sau thì ông hỏi: “Chồng em đây phải hôn?”
Dần nói phải. Ðạt chấp tay xá ông. Ông vui vẻ biểu ngồi, hỏi thăm việc chài lưới. Ông thấy Ðạt mạnh mẽ, nói chuyện rành rẽ, tỏ ra người có lễ giáo, chớ không phải hạng dốt nát thiệt thà, ông khuyên Ðạt nên xin đi lính đặng lập công danh với người ta, chớ làm nghề chài lưới, tuy đủ ăn song lạnh lẽo cực khổ lắm lại chừng già thì lãnh chức “Ngư ông” vậy thôi. Bây giờ người ta nói hiệp tác với Tây là xấu hổ, họ gọi là phản quốc nên ít chịu ra làm quan làm lính với Tây. Chánh lúc Tây đang yêu cầu mình giúp mới được quí trọng. Ông Ðội biểu Ðạt xin đi lính ông sẽ đỡ đầu cho, ông hứa vô chừng vài tháng ông sẽ xin cho lên chức Cai, rồi nếu Ðạt giỏi giắn rán lập công sẽ lên Ðội cao sang như ông mới sướng. Ông chỉ mọi điều lợi hại mà khuyến dụ Ðạt. Ðạt thấy ông làm lớn mà tử tế với mình nên không dám cãi, không dám từ chối xin để Ðạt suy nghĩ ít ngày rồi quyết định.
Ðạt muốn hỏi thăm cụ Thủ Khoa nhưng sợ ông Ðôi nghi nên không dám mở miệng. Dần hiểu ý nên nàng gây ra mà hỏi giùm cho chàng. Ông Ðội nói cụ Thủ Khoa đã được phép đi trong phòng rồi. Cụ mạnh mẽ như thường. Quan thầy nói vài bữa nữa sẽ cho cụ đi ra sân mà chơi. Ông lại nói quan Tây o bế quí trọng cụ lắm, cho ăn đồ Tây luôn luôn. Chắc chừng cụ lành mạnh sẽ thả cụ về, chớ không làm tội chi hết.
Ðạt được ông Ðội Tồn nhận làm em rể, rồi được nghe tin cụ Thủ Khoa gần lành mạnh được quan Tây quí trọng và có lẽ sẽ được tha về, thì chàng vui vẻ trong lòng nên từ ông Ðội mà về cho ông nghỉ. Ông Ðội khuyến dụ thêm nữa, ân cần biểu nên xin vô lính mau mau, chẳng nên về vùng Bến Tranh, Bình Cách là vùng bị tình nghi, phải đi lính đặng ông che chở lập thế làm cho mau lên chức.
Không cần phải nói ra, bởi vì ai cũng nhận thấy phải có lời của Thị Dần nói vô nói ra sao đó, nên ông Ðội Tồn mới biểu dắt Ðạt qua cho ông nói chuyện, mà gặp nhau thì ông cứ khuyên Ðạt vô lính đặng ông che chở và nâng đỡ cho, ông không nói ngay Ðạt là người có chưn trong đoàn nghĩa binh kháng chiến. Song ông nói xa gần, dặn đừng về vùng bị tình nghi, phải vô lính cho ông che chở, ông nói vậy cũng như ông hâm dọa.
Sở dĩ Thị Dần cậy ông Ðội Tồn làm như vậy là nàng muốn Ðạt phải đi lính mới cầm chưn Ðạt ở luôn ngoài Mỹ Tho với nàng, chớ nếu để Ðạt lưng chừng đi kéo lưới giăng câu, vợ ra thăm hoài, thì sợ e trong ít ngày đây chàng sẽ bỏ nàng mà về với vợ lớn.
Ði thăm ông Ðội rồi trở về nhà, Ðạt ngồi nói chuyện với Dần chàng cứ khen ông Ðội vui vẻ có oai quyền mà không kiêu hãnh, biết thương kẻ dưới, biết giúp bà con. Dần nhơn dip mới tán tụng ông Ðội, tiếp đặt chuyện mà khen dối, làm cho Ðạt có thiện cảm nồng nàn nhưng Dần bỏ dẹp, không nhắc tới chuyện ông Ðội khuyên Ðạt xin vô lính.
Ðến nửa chiều Dần xuống ghe bắt tôm cá lên nấu cơm cho Ðạt ăn sớm đặng đi giăng câu. Ðạt nằm một mình, chàng nhớ lại lời của ông Ðội khuyên đi lính, khuyên mà dường như ép, hứa nâng đỡ mà còn che chở giùm. Tại sao mà phải che chở? Tại sao mà không về cái vùng bị tình nghi? Ông biết mình có chưn trong đoàn nghĩa binh kháng chiến hay sao mà ổng biểu như vậy đặng cứu mình? Chàng nghĩ tới đó thì chàng buồn.
Chừng ăn cơm chiều Ðạt bày tỏ nỗi buồn lo của chàng cho Dần nghe rồi hỏi ý Dần có muốn để cho chàng nghe lời ông Ðội vô lính hay không?
Dần suy nghĩ: „Việc đó tuỳ ý anh liệu. Tôi không dám xúi mà cũng không dám cản anh theo nghĩa binh đặng kháng chiến. Anh quyết thí thân mà giúp nước cứu dân. Anh làm như vậy là phải lắm, ai mà chê anh được. Mà anh Ðội khuyên anh vô lính theo Tây cũng không phải ảnh khuyên bậy. Tôi nhớ năm đó Tây ép buộc anh tôi phải theo. Ảnh sợ nếu nghịch mạng thì chúng bắn chết nên ảnh mới theo làm lính. Có người nói ảnh phản quốc, nên ra giúp cho kẻ cướp đất nước của mình.“
Ðạt lặng thinh, ăn cơm rồi thay đồ xuống ghe chèo đi.
Mấy bữa sau Ðạt với Dần không nhắc đến chuyện đi lính nữa. Nhưng Ðạt cứ tư lự, không biết đường nào là đường phải mà đi, nên mất vui.
Kế Thị Ðậu với Thị Trâm ra thăm lần thứ nhì, chuyển đạt lời của ông Nhiêu khuyên con rán lập kế làm cho cụ Thủ Khoa trốn mà về.
Ðến tan chợ Thị Dần thấy buồng chuối già với 5 trái dừa bị[6] thì hỏi dừa chuối của ai vậy. Ðạt nói của em đem ra cho Dần. Thị Dần nói:
– Chắc có chị lớn đi, chỉ có biểu anh về hay không?
Ðạt nói:
– Hai chị em đi chợ ghé thăm một chút rồi về liền. Không có biểu tôi về.
Dần cười rồi bưng rổ đi thẳng vô buồng.
[1] loại cá sông lớn, có thể đạt trọng lượng đến 4-5 kg
[2] kiến trúc như chái nhà. Chái nằm bên hông nhà, mái giại nằm sau nhà hay riêng
[3] giàn bằng cây hay tre
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.