Ðại nghĩa diệt thân
Chương 9
Ông Nhiêu Giám đi Sài Gòn về bữa trước thì bữa sau ông dạy học lại liền, không nghỉ ngơi chi hết. Ông sốt sắng như vậy là vì ông mang một túi ưu sầu nặng trĩu trong lòng, ông nằm không nó trạo trực ông chịu không nổi nên ông phải mượn sự dạy học mà làm cho khuây khỏa nỗi lòng, quên hết trời mù mịt, đất rung rinh, người vô tình, con bất nghĩa, ai cũng lo vinh thân phì gia, không cần lo nước mất dân khổ.
Mỗi bữa hễ ăn cơm sớm mơi rồi thì ông ra ngoài trường học ở miết ngoài đó cho tới bữa cơm chiều ông mới vô, có ván lại có võng cho ông nằm nghỉ trưa, có bình trà nóng cho ông nằm giải khát.
Hổm nay ông lại cần dạy cháu nội của ông là Tâm hơn lúc trước, dạy chữ tập viết tối ngày không để cho thằng nhỏ chơi bời chút nào hết. Bà Nhiêu nóng ruột nên có bữa bà cằn nhằn ông, bà nói con nít mới có 6 tuổi có dạy thì dạy cầm chừng vậy thôi, chớ ép buộc học tối ngày sợ nó sanh bịnh.
Ông nói còn măng thì phải uốn lần chớ để thành tre rồi uốn làm sao được. Ông cứ dạy, không kể lời bà khuyên. Ở trong nhà ông ít nói chuyện với vợ con, mà có nói chuyện không bao giờ ông nhắc tới tên Ðạt. Ông có đi chơi thì sớm mơi hoặc chiều mát ông mới đi. Mà đi chơi thì ông qua nhà chú Tư Ðịnh mà thôi, chớ không đi xa hơn nữa.
Sắp trai tráng trong xóm trong thấy tình hình đã yên tịnh nên lần lần ở trở về nhà lo làm ăn, chớ không trốn tránh nữa, mà cũng không bàn đến chuyện kháng chiến.
Một buổi chiều Ðỗ Chí Linh ở Khánh Hậu, là người ông Nhiêu hứa gả Thị Trâm, qua thăm cha mẹ vợ. Ông Nhiêu cầm ở lại chơi. Ăn cơm chiều rồi sân đã mát. Ông Nhiêu biểu Linh nhắc hai cái ghế để giữa sân, rồi ông biểu Linh ngồi với ông đặng ông hỏi thăm tình hình kháng chiến.
Linh có một tin quan hệ từ hồi chiều đến giờ chàng muốn tỏ với ông Nhiêu, Nhưng vì trong nhà có nhiều người qua lại lộn xộn chàng chưa nói được. Bây giờ có một mình chàng với ông Nhiêu chàng muốn thừa dịp mà nói phứt cho ông nghe, bởi vậy vừa ngồi thì chàng hỏi:
– Ngưới ta đồn cùng hết cụ Thủ Khoa bị đày ra Côn Nôn rồi. Cha có nghe việc ấy hay không?
– Có. Nhưng cụ Thủ Khoa còn ở trong khám Sài Gòn. Cách chừng vài mươi ngày trước, cha hay tàu xuống Mỹ Tho chở cụ lên Sài Gòn đặng đày cụ ra Côn Nôn. Cha ngồi ghe tuốt lên trển đặng dọ tin tức. Cha ở mấy bữa, cha nghe chắc cụ bị giam trong khám Sài Gòn, chớ không có bị đày. May có cố giao của cha là ông Nhiêu Lạc, ổng ở Xóm Dầu, ổng lãnh chăm nom cụ thế cho cha, có tin tức gì quan hệ, ổng sẽ sai người đem thơ xuống cho cha hay. Cha mới về chừng mươi bữa rày. Người mình nghe đồn cụ Thủ Khoa bị Tây đày, họ có tức giận hay không?
– Thưa, họ bỏ nghề hết, coi bộ họ sợ sệt chớ không biết tức giận, chỉ có một ít người như con bực tức mà thôi.
– Cha nhìn thấy thế tình cha buồn lắm con à. Bên mình đây cụ Thủ Khoa thọ hại. Hôm đi Sài Gòn, khi tới Bến Lức, cha nghe binh của cụ Nguyễn Trung Trực cũng vừa bị đánh vỡ tan nữa.
– Thưa con cũng có hay cụ Trực bị thất bại nhưng may cụ thoát thân được mà đi xuống miệt Hậu Giang.
– Còn ông Ðịnh, ông Dương rời rạc, lại không có súng ống sợ không khỏi nguy luôn nữa.
– Con cũng sợ như vậy.
– Mấy tháng nay cha suy nghĩ nếu muốn kháng chiến đuổi giặc, mà mỗi người hùng cứ một góc, rồi làm lẻ tẻ, thì phải chết, chớ không thể gì thành công được. Phải tổ chức một cuộc kháng chiến cho có quy tắc, có kỷ luật. Trước hết phải chọn một chỗ để lập căn cứ như hồi xưa Lê Thái Tổ chọn Lam Sơn đó vậy. Căn cứ phải hiểm địa đặng để lập hệ thống phòng thủ, mà cũng phải phong phú, dân đông ruộng tốt, đặng lo sẵn lương hướng nuôi binh. Người thủ lãnh phải có văn học uyên thâm, có kiến thức hoạt bác[1], có mưu lược, có tài trí. Trong căn cứ phải đặt nhiều ban để mỗi ban lo một ngành riêng. Mấy ban nầy cần phải có: Ban tài chánh, Ban tác chiến, Ban hành chánh, Ban tin tức, Ban tuyên truyền. Vì triều đình hô kháng chiến mà không làm gì hết, bởi vậy mình phải lo mà làm, đừng thèm kể triều đình. Cha dòm thấy trong đám nhiệt tâm với nước nhà chỉ có cụ Thủ Khoa Huân đủ tài đủ trí mà đảm đương việc lớn nầy. Cha mong mỏi cụ được về để cha hiến kế của cha cho cụ tổ chức cuộc kháng chiến lại theo như ý cha tính đó. Ngặt bây giờ cụ bị kẹt trong khám, mới làm sao? Cha đi Sài Gòn về hổm nay cha buồn quá, buồn vì thấy cuộc kháng chíến của ta cứ suy bại lần lần mà còn buồn vì thấy nỗi nhơn tâm càng ngày càng nguội lạnh. Lên Sài Gòn cha thấy thiên hạ họ hiệp tác với giặc hết ráo, người ra đi lính, kẻ ra làm quan, họ bán buôn họ giao thiệp với giặc mà coi bộ họ hăng hái vui vẻ lắm. Về tới nhà đây thì thằng Ðạt cũng đã bỏ nhà đi mà đầu Tây rồi nữa.
– Anh hai đầu Tây rồi hay sao? Hồi nào vậy cha? Ảnh đầu làm chi?
– Biết đâu để cha nói cho con nghe. Sau cuộc đụng chạm ở Bình Cách, nó giả dạng người câu, ra ngoài chợ Mỹ, trước tránh sự khủng bố sau lóng nghe tin tức cụ Thủ Khoa. Ðêm nọ có lén về cho cha hay tàu chở cụ lên Sài Gòn đặng đày cụ ra Côn Ðảo. Nó nói cụ Thủ Khoa bị kẹt thì không nên nghĩ đến cuộc kháng chiến nữa, phải tìm con đường khác mà đi. Nó tính ra đầu giặc để hiệp tác với giặc, rồi dùng cách ôn hoà mà giúp đỡ cho dân và làm thạnh vượng cho nước. Nó lấy đủ lý lẽ mà chuốt ngót cái thuyết gian hùng của nó. Nó cắt nghĩa dài lắm. Nó làm cho cha thấy đầu óc nó bị biến chuyển. Lòng trung thành với non nước đã biến thành lòng mãi quốc để cầu vinh. Cha rầy nó. Cha nói nếu nó đầu giặc thì nó là thằng phản quốc, cha không nhìn nhận nó là con nữa. Nó muốn làm gì nó làm, song cha cấm biệt nó không bước chưn về nhà nầy. Bữa sau cha đi Sài Gòn. Nó ở nhà nói với mẹ và vợ rằng nó là người bị tình nghi, nó không dám lân la vùng nầy nũa, nó phải kiếm chỗ ẩn núp mới yên thân, rồi khuya lại nó xuống ghe chèo đi mất. Chắc nó đi Mỹ mà đầu Tây rồi chớ gì.
– Thưa cha, không lẽ anh Hai dám cãi lời cha đâu. Ðể thủng thẳng coi. Con chắc ảnh bị tình nghi nên phải bước trái trong một lúc vậy thôi.
– Cha chắc nó phản rồi. Con nghĩ coi đám nghĩa binh họ còn trung thành với cụ Thủ Khoa hay không?
– Con không dám chắc, bởi vì con coi bộ họ sợ súng quá, nên họ ngán. Duy chỉ có đám học trò của con là còn hăng hái, không sợ chết.
– Số được chừng bao nhiêu?
– Thưa, có vài chục người. Mà đám đó là đám cảm tử. Con biểu chết thì họ vỗ ngực chịu chết liền.
– Ðược vậy thì quý quá. Ngặt ít quá con rán kiếm thêm cho đông đông, đặng khi hữu sự có người trợ lực.
– Ðể đợi thời cuộc yên ổn một chút rồi con sẽ lựa người có tâm chí mà luyện tập thêm nữa.
– Còn Ðốc Thành với Ðốc Thuận, con có nghe hai người ấy bây giờ đương ở đâu hay không?
– Con nghe Ðốc thành còn ẩn trong vùng Kỳ Son, nhưng con chua dám đi đâu nên con không gặp, còn Ðốc Thuận dường như qua bên Rạch Lá. Ngày nào có thể đi được thì con kiếm hai người đó mời về đây cho cha nói chuyện. Phải nung chí họ mà chờ cụ Thủ Khoa, không nên để họ chán nản rồi nhảy bậy.
– Con thấy trong hai người đó có Ðốc Thuận được lắm. Tiếc vì thất học nên không thể đại dụng.
– Ừ cụ Thủ Khoa thường khen Ðốc Thuận với cha hoài: Con có gặp thì nói chuyện cụ Thủ Khoa cho hai người đó hay. Lúc nầy rảnh rang, thôi con tính cưới con Trâm cho rồi.
– Thưa cha, thời cuộc chưa rõ rệt, không biết còn biến chuyển cách nào. Con quyết liều sanh mạng của con mà chống giữ đất nước. Vì vậy nên con trì hoãn hoài, con sợ cưới gấp rũi con chết thì vợ con bơ vơ thêm khổ. Một lời cha đã hứa thì trăm năm con không quên. Vậy con xin cha để cho con lo việc nước trước và để việc nhà lại sau. Chừng nào non nước thanh bình rồi hai con sẽ thành hôn, được vậy mới vui.
– Tự ý con. Cha đã hứa lời thì tự nhiên con Trâm thủ tiết với con. Chừng nào con cưới cũng được.
Trời tối lần lần. Ông Nhiêu kêu Trâm biểu chế một bình trà đem ra cho ông giải khát. Cách một lát Trâm nhắc để thêm một cái ghế trước mặt cha, rồi bưng một bình trà và hai cái chén ra nữa. Nàng rót chén trà rồi bưng bình trà trở vô chế thêm nước sôi cho đậm.
Ông Nhiêu với Chí Linh uống trà mà nói chuyện tiếp, cha vợ chàng rể nói tới canh hai rồi mới vô nhà mà nghỉ.
Ðến khuya Linh thức dậy chờ hừng sáng bèn cáo từ mà về.
Ông Nhiêu được trút bớt nỗi lòng, lại được thấy chàng rể cương quyết kháng chiến đến cùng không kể thân, không mòn chí thì ông an ủi được ít nhiều, nên không còn bực bội hầm hừ như mấy bữa trước nữa nhưng ở trong nhà ông chẳng hề nghe nhắc đến Ðạt.
Thị Ðậu với Thị Trâm bàn tính với nhau muốn đi ra kiếm và thăm Ðạt coi Ðạt đi đã 15 bữa rồi, không biết Ðạt ra ở chỗ cũ câu lưới mà ăn hay là đã bỏ đi xứ xa mà trốn. Tuy muốn như vậy, song không biết dùng chước nào mà xin đi.
Thị Dần thỏ thẻ với mẹ mà tỏ thiệt ý hai chị em muốn đi tìm Ðạt. Bà Nhiêu thương thân Ðạt xiêu lạc, bà cũng muốn biết tin con, nên nàng chịu cho hai nàng đi. Ăn cơm chiều bà nói với ông rằng khuya nay bà sai dâu với con ra chợ Mỹ mua trà mua dầu và mua mỡ. Bà hỏi ông có dùng thứ gì thì nói đặng bà dặn hai nàng mua cho. Ông Nhiêu nói ông không cần thứ chi hết.
Khuya Thị Ðậu với Thị Trâm thức dậy sớm nấu cơm ăn dằn bụng rồi rạng đông đẩy xuồng ra bơi mà đi. Dọc đường chị em nói chuyện với nhau thong thả. Bây giờ Trâm mới tỏ ý nghi Ðạt có tư tình với Thị Dần là chủ nhà Ðạt ở đậu đó. Ðậu không tin như vậy. Nàng nói hôm Ðạt về Ðạt có than thở, sợ Tây bắt bỏ tù, nên ý Ðạt muốn xin đi lính cho Tây đặng nhờ ông Ðội che chở mới khỏi tai hoạ.
Trâm ngồi suy nghĩ rồi dặn:
– Chị hai đừng nói chuyện đó cho cha hay, cha nghe cha giận lắm.
– Ai dám nói.
– Mà ảnh đi lính chị chịu hay không?
– Làm sao thì làm, tôi là đàn bà tôi có biết gì đâu mà chịu hay không chịu. Làm sao miễn khỏi bị hại thì thôi. Nếu tôi cản tôi biểu ở nhà rủi họ bắt được họ đày rồi làm sao cô?
– Tôi sợ ảnh đi lính, ảnh phải ở ngoài Mỹ Tho rồi ảnh cưới vợ bé chớ.
– Cưới ai thì cưới. Tôi ở nhà với cha mẹ. Tôi có con thì mất phần đâu mà sợ.
– Chị Dần chủ nhà đó vui vẻ tử tế. Tôi sợ ảnh đánh ụp với chỉ quá!
– Ảnh nói chị đó có chồng mà.
– Chuyến nầy mình đi không có đem dừa chuối gì cho hết.
– Tôi nhớ chớ. Vì không chắc anh Ðạt còn ở đó hay không, nên tôi không đốn dừa chuối.
– Như ảnh còn ở đó hoài thì chuyến sau mình cho cũng được.
Ðậu nói chuyện lôi thôi mà biểu lộ tánh tình cho Trâm hiểu hết, biểu chị dâu thiệt thà, trung hậu chìu chuộng chồng, tin tưởng chồng không biết ghen, chỉ lo cho chồng được an thân thì thôi, còn phận chị thế nào chị cũng không phiền trách.
Mặt trời mọc, xuồng ra tới chợ, Trâm biểu đậu ghe đặng nàng lên mua đồ theo lời mẹ dặn rồi sẽ bơi ra xóm chài mà kiếm Ðạt. Nàng mua trà, dầu, mỡ, thịt với vài cái bánh. Nàng đi luôn xuống hàng cá coi có gặp Dần bán tôm cá hay không. Nàng đi giáp hết mà không thấy Dần mới trở xuống xuồng bơi ra phía vàm.
Bơi tới bên Thị Dần, hai nàng không thấy chiếc ghe lườn của Ðạt đậu đó như hai lần trước. Tuy vậy mà Ðậu bơi sau lái cũng rà mái dầm cho xuồng ghé. Trâm bước lên mé sông đứng ngó vô nhà thì thấy nhà sập cửa bị bịt, chắc không có ai ở trong.
Trâm đứng dụ dự. Ðậu cắm cây giầm mà buộc chiếc xuồng rồi cũng bước lên.
Trâm ngó chị dâu mà nói:
– Chắc anh Hai đi đâu, chớ không có ra đây nữa. Mà chị chủ nhà cũng đi đâu nên sập cửa bỏ đây.
– Bước lại nhà một bên đây hỏi thăm thử coi.
Hai chị em đi lại cái nhà ở phía tay trái. Một con gà mái đương dắt đàn gà con bươi trước sân kiếm trùn mà ăn, nó thấy hai nàng đi vô thì chạy vẹt một bên, túc túc kêu con chạy theo.
Một bà già đứng tại cửa ngó hai nàng trân trân, đợi vô tới mới hỏi:
– Hai em có việc chi? Muốn kiếm nhà ai?
Trâm nhậm lẹ lại đi trước, nên nàng đáp:
– Thưa bà cháu có một người anh, lóng trước ở đậu trong nhà một bên đây đặng đi giăng câu kéo lưới không biết ảnh còn ở đó hay không?
– Phải cậu có chiếc ghe lườn hay không?
– Thưa phải.
– Cậu làm Cai nên qua ở bên thành hổm nay.
– Làm Cai là làm cái gì vậy bà? Xin bà làm ơn cắt nghĩa giùm cho cháu hiểu.
– Cô không bết hay sao? Trong cơ binh làm Cai Ðội đặng bắt lính đi đánh giặc. Cậu đó có thân thế lung lắm nên mới vô lính mà làm chức Cai liền.
– Té ra anh của cháu đã đi lính theo Tây rồi hay sao bà?
– Ði hổm nay lâu rồi. Tôi không nhớ đi bữa nào. Ði hơn nữa tháng lận mà.
– Vậy mà cháu không hay.
– Nghe nói nhờ có thân thế với ông Ðội Tồn lắm nên mới vô được, lại vô thì làm chú Cai liền chớ có phải ai muốn cũng dược hết đâu em.
– Thưa bà, bà biết anh cháu làm Cai rồi bây giờ ảnh ở đâu hay không?
– Ở bên thành chớ đâu. Làm Cai phải coi lính thì phải ở bển để coi lính chớ.
– Còn chiếc ghe ảnh để đâu?
– Cho mướn, cho ông già nào đó mướn ổng chèo về đậu phía vàm Kỳ Hôn.
– Còn chị chủ nhà một bên đây chị đi đâu mà sập cữa bị bịt, trong nhà vắng hoe vậy bà há?
– Cũng theo qua ở bên thành, vợ chồng đi hết, chớ ở bên nầy sao được.
– Té ra anh của cháu làm vợ chồng với chị đó hay sao?
– Ủa em không biết hay sao? làm vợ chồng nên lóng trước mới về ở chung với nhau đặng chồng đi câu đi lưới kiếm tôm cá cho vợ bán, nhờ con hai Dần đó là em của ông Ðội Tồn nó năn nỉ nói giùm, nên ông nọ mới cho cậu nọ làm Cai chớ.
Trâm hiểu được công việc thì bối rối, không biết nói sao nữa, mới day lại ngó chị dâu. Ðậu bước tới hỏi bà già:
– Thưa bà hai vợ chồng qua ở bên thành mà ở chỗ nào? Chị em cháu qua đó kiếm thăm được hay không?
– Làm chú Cai thì phải ở bên trại lính đặng coi lính. Tôi nghĩ như vậy, chớ thiệt tôi có qua mé bển thì tôi đi phía trong chợ. Phía thành có Tây nhiều quá, tôi sợ tôi có léo phía đó đâu mà biết.
Trâm nói:
– Không biết hai cháu qua bển kiếm thăm được hôn?
Bà già cười mà nói:
– Hai em có dạn thì qua đó hỏi thăm họ coi như vô trại lính được thì đi, bằng không được thì thôi.
Hai chị em muốn từ mà đi. Trâm còn hỏi thêm bà già:
– Vợ chồng đi hết qua ở bên thành, còn nhà bên nầy bỏ hay sao bà?
– Con hai Dần cậy tôi coi chừng giùm, như ai mua thì bán, ai muốn mướn thì cho mướn. Mà ai cũng có nhà nên có thấy ai hỏi mua hay mướn gì đâu.
– Hổm nay vợ chồng có về thăm hay không vậy bà?
– Ðôi ba bữa con hai Dần có về một lát rồi đi, nó về thăm chừng hoài.
– Nếu chị có về nữa xin bà làm ơn nói rằng có hai người em của ảnh ở trong Tịnh Giang ra thăm vợ chồng ảnh. Bà nói giùm như vậy thì chỉ biết.
– Ðược để bữa nào đó nó có qua thì tôi nói lại.
Trâm với Ðậu từ biệt bà già xuống xuồng bơi trở lại chợ, cả hai người đều buồn hiu. Trâm hỏi Ðậu dám đi lại thành hỏi thăm trại lính đặng vô kiếm Ðạt hay không. Nếu hai chị em đi hết thì nàng đi, chớ đi một mình thì nàng không dám. Ði hết thì không có ai coi chừng xuồng. Trâm biểu chị dâu coi chừng xuồng để nàng đi một mình hỏi thăm thử coi.
Trâm lên bờ đi một hồi rồi trở lại nói với Ðậu:
– Không được chị Hai à. Tôi đi một khúc không biết tới cừa thành hay chưa không thấy người mình mà hỏi thăm. Còn người Tây thì đông quá, có người vác súng đứng ở bên đường tôi thấy tôi ghê hết sức, nên tôi thối lui mà trở lại đây. Thôi, chị Hai kiếm không được đâu. Ðể mình về ít bữa rồi lập thế đi nữa, vô hỏi bà già hồi nảy lại coi phải làm sao cho gặp được anh Hai hoặc chị Dần.
Ðậu suy nghĩ rồi nói:
– Hồi nãy bà già đó nói bã cũng nhát quá không dám léo lên phía thành chớ chi bà dạn hoặc có đi quen rồi thì mình cậy bà dắt đi. Mà cô đi nãy giờ cô có gặp lính người mình hay không?
– Không có chị Hai à; chớ nếu có gặp thì tôi hỏi thăm anh Hai, rồi như họ biết thì tôi cậy họ đưa giùm tôi lại nhà ảnh, hoặc họ đi cho anh Hai hay, còn tôi đứng đó tôi chờ.
Ðậu lưỡng lự nửa muốn về nửa muốn ở lại mà kiếm chồng, nên dụ dự không biết lẽ nào. Trâm hiểu ý nên nói:
– Bây giờ mình được biết anh Hai cho mướn chiếc ghe, ảnh lấy chị Dần làm vợ bé, nhờ chị Dần là em của ông Ðội nên ảnh làm chú Cai của binh trong cơ binh của Tây. Vậy thôi thì mình về thưa lại cho mẹ hay coi mẹ dạy lẽ nào, rồi mình sẽ làm theo, chớ mình đi bậy vô thành, rủi Tây bắt bất tử rồi làm sao?
Ðậu như người đi đường, tới ngã ba đứng khựng lại, không biết phải đi ngã nào nên nghe Trâm bàn như vậy cũng như Trâm chỉ đường, nàng mới biểu Trâm xuống xuồng đặng về cho sớm.
Hai nàng ra khỏi chợ rồi Trâm mới nói với chị dâu:
– Hôm trước anh Hai cứ khen ông Ðội tử tế nói ổng thương ảnh lắm, chắc ông Ðội dụ ảnh đi lính đó chớ gì. Phải hôn chị Hai?
– Chắc tại vậy. Mà chị Dần là em của ông Ðội. Chắc ảnh lấy chị Dần nên mới được thân với ông Ðội chớ.
– Chị nói phải. Mà cũng chắc tại có vậy nên ông Ðội che chở cho ảnh khỏi bị hại, đem vô ở lính mới được chức Cai liền. Hồi nãy bà già nói phải có thân thế lớn lắm mới được vậy. Chị nhớ không?
– Nhớ chớ.
– Cha hay[2] ảnh đi lính chắc cha giận lắm. Vậy về nhà mình nói nhỏ cho mẹ biết mà thôi, đừng nói với cha nghe hôn.
– Như cha hỏi mình có gặp anh Ðạt hay không, rồi mình trả lời làm sao cho xuôi cô?
– Nếu cha hỏi thì khó trả lời thiệt. Không lẽ mình nói dối với cha.
– Thôi thì mình nói như vầy, nửa thiệt mà nữa dối: mình nói mua đồ rồi có ra xóm chài kiếm ảnh. Té ra ảnh chèo ghe đi giăng câu kéo lưới ở đâu ngoài sông cái, mình không gặp được. Mình giấu chuyện bà già nói với mình thì xong.
– Chị tính như vậy hay lắm. Mình giấu chớ không phải nói láo. Nầy chị Hai, tôi nghi ảnh đánh ụp với chị Dần đó trúng phải hôn chị? Ra lần đầu chị Dần cầm mình ở ăn cơm đó tôi thấy bộ tịch tôi nghi liền.
– Tại ảnh nói chị nọ có chồng nên tôi cãi với cô chớ.
– Ảnh sợ chị buồn nên ảnh nói gạt chị chớ.
– Buồn giống gì?
– Ảnh có vợ bé thì chị không buồn hay sao?
– Ảnh có vợ bé có người lo cơm nước áo quần cho ảnh, tôi khỏi lo, bởi vậy tôi cầu chớ sao lại buồn.
– Mà thiệt ảnh ra ở với chị Dần không đầy một tháng rồi ảnh về có áo quần mới, lại có 15 quan tiền nữa. Chắc nhờ có chị Dần lo cho ảnh nên mới được như vậy chớ. Mà hôm ảnh về còn đem thịt với trà cho cha mẹ và kẹo cốm cho thằng Tâm chắc là chị Dần mua gởi cho ảnh đem về chớ gì, phải hôn chị Hai?
– Tôi cũng chắc như vậy. Nãy giờ tôi suy nghĩ lúc nầy lộn xộn quá, ảnh ở nhà không được, thì ảnh kiếm chỗ mà nương dựa, cho có người che chở đặng ảnh yên thân, được vậy tôi cũng mừng. Chừng nào đâu đó yên ổn rồi ảnh trở về, không muộn gì. Nhà mình có một thớt vườn với một miếng ruộng, hai chị em mình làm mà nuôi cha mẹ cũng được cần gì phải có ảnh.
– Tôi sợ tôi giúp với chị không được chớ.
– Sao vậy?
– Bữa hổm anh Linh qua ở một đêm, ảnh nói chuyện gì với cha đó, tôi sợ ảnh xin cưới gấp thì tôi đâu còn ở nhà mà giúp chị.
– Không có đâu. Mẹ nói với tôi mẹ có hỏi cha về việc đó. Ý cha nói cha muốn cho cưới phứt cho rồi. Nhưng dượng Linh nói giặc giã còn lung tung quá, nên xin đợi yên một một chút rồi dượng trình lễ cưới.
– Nếu được vậy thì tốt lắm, tôi còn có thể giúp cha mẹ, mà chị em mình cũng còn gần nhau được nhiều ngày.
Ði đường vắng vẻ Thị Ðậu và Thị Trâm thong thả nói chuyện với nhau, bày tỏ cả tâm hồn không sụt sè giấu giếm chút nào hết. Hay Ðạt có vợ bé mà Ðậu không phiền, không giận lại mừng cho chồng trong lúc lánh nạn có nơi nương dựa, có người che chở, có người lo cơm nước áo quần. Bao nhiêu đó đủ thấy nàng lo cho phận chồng hơn là lo cho phận nàng, miễn chồng được an thân, còn nàng thế nào cũng xong hết.
Mà hai nàng nghe Ðạt ra đầu giặc đặng giúp giáo cho giặc, hai nàng cũng không bực tức, không khinh bỉ Ðạt bán nước hại dân. Bao nhiêu đó cũng thấy tình chồng vợ của Ðậu cũng giống như tình anh em của Trâm đều nồng nàn hơn nghĩa đồng bào, hơn nợ non nước. Hai nàng chỉ mong cho Ðạt yên thân mà sống, coi đời của Ðạt quý hơn tất cả mọi việc ở trần gian, danh lợi hay nghĩa nhân cũng không bì kịp.
Ðến trưa hai chị em về tới nhà bưng đồ lên, rồi kiếm cơm ăn, cả hai đều vui vẻ như thường. Ông Nhiêu ở ngoài trường học chăm chú dạy trẻ nhỏ.
Lúc Ðậu với Trâm ăn cơm, bà Nhiêu mới lại ngồi một bên rồi hỏi nhỏ có gặp Ðạt hay không. Trâm với Ðậu thuật rõ việc đi kiếm Ðạt cho mẹ nghe, kể đủ thứ chuyện bà già ở xóm chài nói với hai nàng. Trâm nói thêm nàng ướm thử tính vô thành mà tìm, nhưng vì thấy Tây đông quá nàng sợ nên nàng dội trở lại.
Bà Nhiêu nghe Ðạt đầu Tây lảnh chức chú Cai, bà không giận mà hay Ðạt lấy em ông Ðội Tồn làm vợ bé, bà cũng không lo. Vậy tình mẹ con của bà cũng lôi cuốn thúc giục bà mong cho có người che chở cho con bà được yên thân, khỏi tù khỏi chết.
Ðến chiều trong lúc ngồi ăn cơm với vợ con, Ông Nhiêu mới hỏi Trâm ra chợ Mỹ có gặp Ðạt hay không. Vì việc ấy đã có liệu trước rồi nên Trâm mạnh dạn nói ra chợ mua đồ rồi hai chị em có bơi ra xóm chài mà kiếm thăm Ðạt. Người ta nói Ðạt mới chèo ghe ra sông cái giăng câu. Hai chị em không biết Ðạt đi phía nào mà theo, còn chờ thì không biết đi chừng nào Ðạt mới về, bởi vậy hai chị em quay xuồng trở về không gặp Ðạt được.
Ông Nhiêu lặng thinh ngó lơ. Trâm ngó mẹ, rồi ngó chị dâu có sắc thẹn thùa, vì đã phạm tội gian dối láo xược với cha là người mình phải kính trọng hơn mọi người hết.
[1] uyên bác
[2] biết
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.