Dám Khác Biệt

VI. TẠO RA “TÔI” MỚI



Học cách để cảm thấy tự tin hơn, thay đổi tính cách và làm chậm ảnh hưởng của sự lão hoá.

Không ai có thể trong một khoảng thời gian dài đeo một bộ mặt cho riêng mình  một bộ mặt kháccho đám đông  cuối cùng lại không bị hoang mang không biết cái nào mới  thật.”

Tiểu thuyết gia người Mỹ Nathaniel Hawthorne 

1VẤN ĐỀ VỀ TÍNH CÁCH

Thử tưởng tượng bạn đang có mặt trong một buổi phỏng vấn xin việc và được yêu cầu mô tả tính cách của bản thân chỉ bằng ba tính từ. Bạn sẽ nói gì? Bạn sẽ mô tả là dễ gần hay nhút nhát? Sáng tạo hay thực tế? Dám nghĩ dám làm hay điềm tĩnh? Nếu người phỏng vấn hỏi yếu tố gì đã tạo nên bạn của ngày hôm nay, bạn sẽ trả lời thế nào? Chẳng hạn, bạn tin rằng tính cách của mình là do di truyền, do trải nghiệm tuổi thơ hay do những sự kiện đã xảy ra khi bạn trưởng thành?

Rất nhiều nhà tư tưởng lớn trên thế giới đã phải đánh vật với vấn đề này. Francis Galton, một nhà khoa học thời Nữ hoàng Vitoria, tin rằng ta có thể hiểu được tính cách của một người bằng cách xem xét tỉ mỉ những vết lồi lõm trên hộp sọ và hình dáng mũi của người đó. Sigmund Freud cho rằng đây là một cách tiếp cận quá kỳ cục và đưa ra giả thuyết tính cách con người phụ thuộc vào lỗ trên cơ thể (từ đó đưa ra ý tưởng về con người “khi còn bú mẹ” (mới sinh đến 21 tháng) và con người “ở tuổi tập đi vệ sinh” (18 tháng đến ba tuổi). Nhà tâm lý học Carl Jung nhận định cả Galton và Freud đều đã sai lầm nghiêm trọng. Theo ông, bản chất của một người được quyết định bằng vị trí của các ngôi sao vào lúc họ sinh ra (lại nữa, Jung thuộc cung Sư tử, chòm sao với những ý tưởng ngớ ngần).

Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết các nhà tâm lý học hiện đại không phân loại bạn dựa theo các vết lồi lõm trên đầu hay các chòm sao. Thay vào đó, họ sẽ nhìn vào những nét tính cách nổi bật nhất của bạn.

Vài nghìn năm trước đây, nhà triết học Hy Lạp nổi tiếng Hippocrates đã đưa ra hai giả thuyết thú vị. Thứ nhất, ông cho rằng đã là bác sỹ thì cần phải có “lời thề Hippocrates” và cam đoan luôn luôn hành động vì lợi ích cao nhất của bệnh nhân (trừ khi tiền thực sự tốt). Thứ hai, Hippocrates dự đoán sự khác nhau về lượng máu, đờm dãi, mật đen, mật vàng đã phân chia con người thành một trong bốn nhóm tính cách: nhóm “u sầu” (những người hướng nội hay lo lắng), “nhóm lạnh lùng” (những người hướng nội thanh thản), “nhóm lạc quan” (những người hướng ngoại thanh thản) và “nhóm nóng tính” (những người hướng ngoại hay lo lắng). Mặc dù tư tưởng của Hippocrates về những dòng chất lỏng trong cơ thể con người nhanh chóng bị thất sủng thì ý tưởng đưa tính cách con người, một thứ rõ ràng là phức tạp, vào một mô hình đơn giản lại trường tồn theo thời gian.

Vào những năm 1930, Gordon Allport, nhà tâm lý học của Harvard, tình cờ biết được công trình của Hippocrates, ông phân vân không biết khoa học có thể khám phá được cấu trúc của tính cách hay không. Allport cần mẫn dò tìm trong một cuốn từ điển dày, ghi lại tất cả những tính từ có thể sử dụng để miêu tả tính cách con người. Sau khi tìm được khoảng 4.000 từ, Allport (chăm chì, cần mẫn, ngán ngẩm) cảm thấy chán ngán nên đã chuyển lại cho đồng nghiệp của minh là Raymond Cattell. Cattell(động lòng trắc ẩn, chu đáo, cảm thông) đã tỉ mẩn rà soát lại danh sách từ không lồ của Allport, loại bớt tất cả những từ được dùng để miêu tả cùng một kiểu tính cách chung chung. Cuối cùng, Cattell (động lòng trắc ẩn) cũng hoàn thành với danh sách 170 tính từ cơ bản.

Rất nhiều nhóm nghiên cứu đã yêu cầu hàng nghìn người tham gia tự đánh giá mình bằng những tính từ này, sau đó sử dụng một phương pháp thống kê phức tạp gọi là “Phân tích nhân tố” (đừng bắt tôi phải giải thích) để phân tích cấu trúc của những dữ liệu thu thập được. Kết quả cho thấy Hippocrates đã sai lầm khi cho rằng tính cách của tất cả mọi người đều thuộc một trong bốn nhóm. Thay vào đó còn có sự tồn tại của một vài “khía cạnh” tính cách khác và bất kỳ ai cũng nằm đâu đó ở một trong những khía cạnh này.

Trong suốt khoảng 50 năm sau đó, các nhà tâm lý học đã hết lần này đến lần khác tranh cãi về việc cần bao nhiêu nét tính cách để mô tả được đầy đủ tính cách của một người. Chẳng hạn Cattell tin rằng có 60 nét tính cách, trong khi nhà tâm lý học người Anh Hans Eysenck cho rằng chỉ có ba. Đầu những năm 1990, phần lớn các nhà nghiên cứu đã đồng tình với sự tồn tại của năm khía cạnh cơ bản: “Sự phóng khoáng” (cần những trải nghiệm mới mẻ và khác lạ), “Sự tận tâm” (xu hướng có tổ chức, có kỷ luật), “Hướng ngoại” (cần đến sự khích lệ từ thế giới bên ngoài và từ người khác), “Tính dễ chịu” (xu hướng quan tâm đến mọi người), “Nhạy cảm” (xu hướng không ổn định về tinh thần), và “Không biết làm toán” (phải vật lộn với cả những phép toán cơ bản nhất).

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng mức độ của mỗi nét tính cách này phụ thuộc một phần vào bộ gen. Hãy cùng xem xét khía cạnh hướng nội và hướng ngoại. Theo lý thuyết thông thường về tính cách con người, ADN của bạn đã tạo ra một bộ não với mức độ hưng phấn nhất định, cũng giống như tivi có mức âm thanh đặt trước ở lần mở đầu tiên. Nếu bạn là một người hướng nội, khi đó bộ não của bạn đã được kích thích một cách tự nhiên và bạn sẽ cố tránh xa những nơi có thể làm cho bộ não vốn đã được kích thích trở nên hưng phấn hơn. Kết quả là dù đang ở trong tình huống nào bạn cũng có xu hướng tránh xa ánh sáng chói loà và những nhóm người ồn ào, thay vào đó tìm đến với những hoạt động yên bình như đọc sách hay tâm sự. Nếu là một người hướng ngoại, mức độ hưng phấn của não bạn sẽ thấp hơn rất nhiều, do đó bạn cần được liên tục tiếp thêm sự kích thích. Chính vì thế, dù có gặp phải hoàn cảnh nào thì bạn cũng sẽ bị hấp dẫn bởi những hiệu ứng kích thích của đám đông, hành động mạo hiểm và hành vi bốc đồng.

Theo quan điểm này, tính cách của bạn được ”cài đặt” vào bộ não, khiến cho bạn có cùng một cách cư xử cho nhiều hoàn cảnh khác nhau và sẽ không thay đổi trong suốt cuộc đời. Dù tất cả những điều này đều có vẻ hợp lý, nhưng nó mới chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện.

Các nhà tâm lý học vẫn thường xuyên kiểm tra quan điểm cho rằng tính cách của con người khiến những người đó không ngừng thực hiện cùng một kiểu hành động ở nhiều tình huống khác nhau. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu, những điều phối viên của một trại hè dành cho các bé trai đã được yêu cầu bí mật ghi lại tần suất các hành động hướng ngoại của lũ trẻ như nói chuyện trong bữa ăn, ưa thích ánh đèn sân khấu và chủ động bắt chuyện. Các nhà nghiên cứu sau đó cẩn thận phân tích dữ liệu thu thập được bằng cách so sánh mức độ hướng ngoại của bé trai vào những ngày chẵn và vào những ngày lẻ. Nếu theo lý thuyết “tính cách quyết định hành vi” thì sẽ có một sự nhất quán cao trong cách những bé trai hành động, những đứa trẻ hướng ngoại sẽ thường xuyên chuyện trò và những đứa hướng nội thì luôn chọn cho mình những góc khuất. Thực tế, kết quả thử nghiệm không cho thấy chút nhất quán nào. Ngày hôm nay, một cậu bé có thể tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết, nói chuyện không ngừng, thì ngày mai cũng chính cậu bé đó lại trở nên lặng lẽ và thu mình.

Trong một thí nghiệm khác, các nhà tâm lý học đã đến một số trường học, tạo ra các tình huống thực tế để kiểm tra tính trung thực của các học sinh ở đây. Nhóm nghiên cứu cố tình tạo cơ hội để chúng có thể ăn trộm tiền “để quên” trên bàn, cơ hội chối bay chối biến việc ăn cắp để tránh rắc rối và cuối cùng là cơ hội để tráo đổi điểm chác. Mỗi lần thực hiện, hành vi của bọn trẻ đều được bí mật ghi lại và được so sánh trong những tinh huống khác nhau. Lý thuyết “tính cách quyết định hành vi” dự đoán rằng cùng một đứa trẻ sẽ có xu hướng ăn trộm, nói dối và gian lận, tuy nhiên kết quả lại không cho thấy tính nhất quán như vậy. Một em học sinh có thể cư xử dối trá ở tình huống này nhưng sau đó lại thể hiện bản tính thiên thần ở một tình huống khác.

Vỡ mộng với lý thuyết tính cách quyết định hành vi, một số ít các nhà nghiên cứu đã bắt đầu phát triển một quan điểm hoàn toàn mới về bản tính của con người.

Ở các phần trước, tôi đã dẫn chứng nhiều nghiên cứu liên quan đến cách mà hành vi của bạn tạo nên cảm xúc, suy nghĩ và ý chí. Mỉm cười và bạn thấy hạnh phúc. Nắm tay người khác và bạn sẽ thấy họ thu hút một cách kỳ lạ. Kéo căng các cơ để có thêm sự tự chủ. Từ đó, một số nhà nghiên cứu tự hỏi liệu chính quy trình này có thể giúp giải thích cho mối quan hệ giữa hành vi và bản tính hay không. Thay vì tính cách khiến bạn hành động theo một cách nhất định, liệu có phải hành vi tạo cho bạn một bản tính riêng biệt?

Theo quan niệm thông thường, chuỗi quan hệ nhân quả sẽ như sau:

Tính cách hướng ngoại => Hành vi hướng ngoại.

Theo nguyên lý Như thể.

Hành vi hướng ngoại =>Tính cách hướng ngoại

Nếu chính xác, cách tiếp cận hoàn toàn mới này sẽ mở ra cơ hội giúp bạn thay đổi tính cách bằng chính ý chí của bản thân. Chẳng hạn chỉ cần thay đổi cách hành động thì bạn có thể nhanh chóng giảm bớt tính hung hăng, trở nên vô cùng dễ mến và tự tin hơn trước rất nhiều.

Trong suốt 40 năm qua, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu liệu nguyên lý Như thể có thể thực sự khiến bạn cảm thấy mình giống như một người hoàn toàn mới hay không. Chuyến đi của chúng tôi tới phiên bản thế giới thật của Pygmalion [8] bắt đầu bằng một thí nghiệm kỳ lạ liên quan đến những quả cân và chú giun đất. 

2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TỰ TIN HƠN?

Bạn tin vào đánh giá của mÌnh chứ, ngay cả khi những người khác đều đang nghi ngờ quyết định của bạn? Bạn có thể quên đi những lỗi lầm và không mất quá nhiều thời gian để lo lắng về những gì sẽ xảy ra trong tương lai? Bạn có nghĩ mình sẽ làm tốt trong hầu hết các tình huống? Nếu bạn vừa trả lời “Có” cho tất cả những câu hỏi này, bạn có vẻ là người có sự tự tôn khá cao, trong khi một chuỗi các câu trả lời “Không” lại cho thấy bạn có đôi chút bất an.

Theo lý thuyết “tính cách quyết định hành vi”, những người có lòng tự tôn thấp sẽ gặp phải một số bất lợi, trong đó có việc cam chịu bị làm nhục và bị hạ thấp. Tuy nhiên, nguyên lý Như thể lại mang đến một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Thay vì cho rằng lòng tự tôn thấp khiến mọi người chấp nhận chịu đựng trải nghiệm bị làm nhục thì chính việc tham gia vào trải nghiệm này mới khiến người ta càng lúc càng thiếu sự tự tôn. Nhà tâm lư học James Laird quyết định tìm hiểu điều này có đúng với thực tế hay không.

Ở phần 1, tôi đã mô tả cách thức Laird tiến hành lần thử nghiệm đầu tiên nguyên lý Như thể và phát hiện ra rằng mỉm cười làm người ta thấy hạnh phúc. Hào hứng với kết quả khả quan của công trình đầu tiên này, Laird đã lao vào nghiên cứu sức mạnh của nguyên lý đó.

Hãy tưởng tượng bạn đã đăng ký tham gia vào một nghiên cứu của Laird. Bạn được mời đến phòng thí nghiệm, được yêu cầu hoàn thành một phiếu điều tra về sự tự tôn. Nhóm nghiên cứu sau đó sẽ đưa bạn vào một căn phòng khác, đề nghị bạn ngồi xuống cạnh một chiếc bàn nhỏ. Trên bàn có một số quả cân dùng trong bếp, một bộ dao dĩa và một con giun đất còn sống. Người ta giải thích bạn sẽ phải làm một trong hai việc. Một là nhấc từng quả cân lên, sắp xếp chúng theo thứ tự trọng lượng tăng hoặc giảm dần. Nhiệm vụ kia là cắt con giun thành nhiều khúc và ăn chúng.

Nhà nghiên cứu sau đó sẽ tung đồng xu rồi nói, thật không may bạn phải nhận nhiệm vụ với chú giun sống kia. Bạn ngồi xuống, nhìn chằm chằm “con quái vật nhỏ” đang ngoe nguẩy một lúc. Lúc này, người ta sẽ yêu cầu bạn điền vào một phiếu câu hỏi nữa về lòng tự trọng trước khi “xử lý” con giun.

Thí nghiệm này được xây dựng một cách cẩn thận nhằm tìm hiểu liệu nguyên lý Như thể có đúng trong trường hợp với lòng tự trọng hay không. Laird cho rằng nếu mọi người thấy chính mình sắp sửa thực hiện một việc khiến lòng tự trọng bị hạ thấp (hay hành động như một người thiếu tự trọng), họ sẽ có xu hướng kết luận mình thực sự chẳng có lòng tự trọng lắm. Đúng như dự đoán, sự tự tôn của những “người ăn giun” tan biến. Cũng giống như mỉm cười khiến người ta hạnh phúc, tham gia vào hành động tự hạ thấp lòng tự trọng khiến họ trở nên thiếu tự trọng.

Nhưng nghiên cứu của Laird chưa kết thúc ở đây. Hãy tưởng tượng bạn vừa hoàn thành phiếu câu hỏi thứ hai và ngay khi bạn vừa cầm dao dĩa lên thì một thành viên nhóm nghiên cứu chạy vội vào, giải thích rằng anh ta đã nhầm lẫn một cách tai hại. Bạn đáng lẽ phải có quyền lựa chọn nhiệm vụ cho mình. Khi đó bạn sẽ tiếp tục thưởng thức chú giun hay quay lại với mấy quả cân?

Laird biết những người có lòng tự trọng ít thường tin rằng mình đáng phải có những trải nghiệm tồi tệ, và ông muốn biết liệu sự thiếu tự trọng sinh ra từ phòng thí nghiệm có khả năng thay đổi hành vi của họ hay không. Không ai trong số những tình nguyện viên được lựa chọn ngẫu nhiên nhận nhiệm vụ với những quả cân chuyển sang chọn ăn giun. Tuy nhiên đáng chú ý là chỉ 20% những người được giao chỉ định ăn giun quay ra với những quả cân. Ngay cả khi họ có cơ hội để làm một việc dễ chịu hơn nhiều thì tình trạng thiếu tự trọng sinh ra do thí nghiệm của Laird đã khiến phần lớn họ lựa chọn tiếp tục với việc ăn giun (tất nhiên ngay khi những người tham gia sắp sửa đút con giun vào miệng thì các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã lao vào phòng ngăn không cho họ làm việc đó).

Khi Laird công bố nghiên cứu của mình, ông đã bị một số nhà tâm lý học chỉ trích về phương pháp được sử dụng. Họ cho rằng những người tham gia chỉ đang đóng kịch, vì họ biết mình an toàn bởi những thành viên của nhóm nghiên cứu sẽ không bao giờ để họ thực sự ăn giun cả. Kết quả là một số nhà nghiên cứu khác đã thực hiện những thí nghiệm tương tự, nhưng thay vì giun đất người ta sử dụng những con sâu bướm có thể ăn được. Lần này, những người tham gia đã ăn mấy con sâu này, một kết quả không khác mấy với những gì Laird đã tìm ra trước đó.

Kết quả này giúp giải thích tại sao những người không may gặp phải một sự việc tiêu cực ngẫu nhiên trong cuộc sống lại trở nên thiếu tự tôn, họ thậm chí còn đổ lỗi cho chính bản thân vì điều đó. Nạn nhân của những vụ tấn công bạo lực thường có cảm giác rằng bằng một cách nào đó mình cũng đã góp phần gây ra cuộc tấn công này, và những người mắc bệnh nan y thì tự hỏi mình đã làm gì để phải chịu số phận như vậy. Đúng theo những gì nguyên lý Như thể dự đoán, ý thức về cái tôi cá nhân thật không may lại là kết quả trực tiếp của việc bị ép phải trải qua một sự kiện không dễ chịu gì.

Đáng tiếc là một khi quá trinh này bắt đầu xảy ra, nó sẽ tự nuôi lớn chính mình. Những người có lòng tự trọng không cao tiếp tục chịu đựng nhiều sự việc có tính tiêu cực hơn, và những sự việc này đến lượt chúng lại gây ra sự sụt giảm lòng tự trọng nghiêm trọng hơn nữa.

Tin tốt là cũng chính ý tưởng này lại có thể được sử dụng để nhanh chóng thúc đẩy sự tự tin và lòng tự trọng.

Tạo  thế quyền lực

Hầu hết các khoá học với mục đích cải thiện lòng tự trọng đều được thiết kế dựa trên quan điểm sự thiếu tự trọng, thiếu tự tin là sự phản ánh của cách mọi người nghĩ về chính mình, từ đó khuyến khích người tham gia tập trung nhớ lại những việc họ đã làm tốt, hoặc yêu cầu tự hình dung bản thân là một người quyết đoán hơn. Ngược lại, nguyên lý Như thể lại cho rằng việc đó sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn nhiều nếu đề nghị mọi người thay đổi hành vi.

Trước đó, một nghiên cứu đã được thực hiện để xác nhận liệu một cặp kính mới được đeo lên mắt có thể làm thay đổi quan điểm của mọi người hay không. Những người tham gia được chia thành hai nhóm khác nhau, được nhận cùng một bài kiểm tra nhận thức và kiểm tra tính cách. Một nhóm được yêu cầu hoàn thành hai bài kiểm tra này trong điều kiện bình thường, còn những người thuộc nhóm kia được nhận một cặp kính không số. Bởi kính mắt thường làm người ta liên tưởng đến trí thông minh nên các nhà nghiên cứu dự đoán chỉ cần đeo thêm cặp kính cũng làm người ta bỗng dưng thấy tự tin và sáng trí hơn trước. Và họ đã đúng: điểm số thực tế cho bài kiểm tra trí thông minh của hai nhóm không khác nhau nhưng những người đeo kính lại tự đánh giá mình ổn định hơn, có trình độ hơn và uyên bác hơn.

Đến đây, xuất hiện vấn đề về tư thế. Nhà nghiên cứu Dana Carney đến từ Đại học Columbia biết rằng người tự tin có xu hướng cảm nhận tốt về bản thân, liều lĩnh hơn, có hàm lượng testosterone (một loại chất gắn liền với ưu thế vượt trội) cao hơn và hàm lượng cortisol thấp hơn (liên quan đến cảm giác căng thẳng mệt mỏi). Carney tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu một nhóm người được đề nghị cư xử theo cách của một người có vị thế vượt trội? Để tìm ra câu trả lời, Carney và các đồng nghiệp đã tập hợp một nhóm tình nguyện viên, nói rằng họ có mặt ở đây là để đánh giá một hệ thống theo dõi tim mạch mới, sau đó chia những người này thành hai nhóm.

Những người thuộc nhóm thứ nhất được đặt vào một trong hai tư thế thể hiện quyền lực. Một số sẽ ngồi trên ghế, chân gác lên bàn, hướng lên trên và hai tay đan vào phía sau gáy/ Số còn lại được yêu cầu đứng sau chiếc bàn, người hướng về phía trước và đặt lòng bàn tay lên trên mặt bàn.

Các thành viên trong nhóm thứ hai được đề nghị tạo một trong hai tư thế không liên quan đến sự vượt trội. Một số người sẽ để hai chân trên sàn, đặt tay lên đùi và cúi gằm mặt. số còn lại đứng thẳng, khoanh tay trước ngực và bắt chéo chân.

Sau một phút “tạo dáng”, những người tham gia được yêu cầu đánh giá mức độ họ cảm nhận về “quyền lực” và “trách nhiệm”. Tư thế quả thực đã có tác động không nhỏ tới sự tự tôn. Những người thuộc nhóm “tạo dáng quyền lực” đưa ra đánh giá cao hơn các thành viên của nhóm c̣n lại. Nhưng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Những người này sau đó tiếp tục tham gia vào một bài kiểm tra về độ mạo hiểm. Mỗi người sẽ nhận hai đô la, và được thông báo họ có thể giữ số tiền đó hoặc cá cược vào trò tung đồng xu. Nếu thắng, họ sẽ nhận được gấp đôi số tiền, tức bốn đô la, nhưng nếu thua sẽ phải ra về tay không. Đúng như giả thuyết “tạo dáng quyền lực khiến bạn liều lĩnh hơn”, hơn 80% số người thuộc nhóm thứ nhất tham gia vào trò đánh cược so với con số 60% của nhóm thứ hai.

Đến phần cuối cùng của nghiên cứu, sự chú ý được tập trung vào sự trao đổi chất trong mạch máu của những tình nguyện viên, cả trước và sau khi thực hiện tạo dáng, nhóm nghiên cứu đều yêu cầu những người tham gia nhai kẹo cao su trong vài phút để tạo đủ một lượng nước bọt cần thiết (lưu ý rằng phương pháp này cũng hiệu quả như “quá trình tạo nước bọt thụ động”), sau đó nhổ vào trong các ống nghiệm. Sau khi phân tích thành phần trong ống nghiệm, kết quả thu được là so với những người ngồi ngay ngắn đặt hai tay lên trên đùi, những người tạo dáng quyền lực có hàm lượng Testosterone cao hơn hẳn trong khi lượng Cortisol lại thấp hơn so với trước khi tạo dáng. Hay nói cách khác, chỉ bằng một phút cư xử như thể mình có ưu thế vượt trội đã giúp thay đổi tính chất hoá học trong cơ thể những người tham gia.

Cuối cùng, nếu bạn không có đủ thời gian để tạo dáng quyền lực, hãy nắm chặt tay. Nhà tâm lý ThomasSchubert đã yêu cầu một nhóm nam giới đánh giá mức độ tự tin của bản thân, sau đó nắm tay thành nắm đấm trong vài giây trước khi tự đánh giá lại cảm giác tự tin của mình. Cơ thể đã tác động lên não bộ, sự tự tin của họ đã tăng lên một cách đáng kể chỉ sau vài giây nắm chặt tay.

Bí quyết tự tin

Để tham gia vào bài luyện tập này, bạn cần một chiếc bút, một mẩu giấy và đôi bàn tay.

Thứ nhất, hãy tự đánh giá mức độ tự tin của bản thân bằng cách cho điểm từ 1 (không tự tin chút nào) đến 7 (rất tự tin).

Thứ hai, hãy nhìn vào danh sách những tính từ dưới đây, chọn ra ba từ thể hiện nét tính cách tốt nhất của bạn và ba từ cho tính cách tồi tệ nhất.

Trung thành, tình cảm, sống khép kín, đầy tham vọng, không có động lực, bí mật, quan tâm, nhẫn tâm, vui vẻ, gắt gông , chu đáo, thiếu suy nghĩ, hợp tác, vô ích, dũng cảm, thô lỗ, thiếu quyết đoán, nhiệt tình, thờ ơ, linh hoạt, cứng đầu, không khoan dung, tập trung, tiết kiệm, hào phóng, biết ơn, làm việc chăm chỉ, lười biếng, trung thực, không trung thực, nhún nhường, kiêu ngạo, ghen tuông, non nớt, khiêm tốn, lạc quan, bi quan, đúng giờ, tự tin, dễ dao động, chân thành, vô tổ chức, tự phụ, phô trương.

Thứ ba, đặt bút vào tay không thuận và từ từ viết ba tính cách tiêu cực mà bạn đã chọn lên tờ giấy.

Thứ tư, đặt bút vào tay thuận và từ từ viết ba tính cách tích cực mà bạn đã chọn lên tờ giấy.

Cuối cùng, đánh giá bạn thấy tự tin như thế nào về bản thân theo thang từ 1 (không tự tin chút nào) tới 7 (rất tự tin).

Bài tập này có giúp bạn thấy tự tin hơn không?

Bài tập này dựa trên nghiên cứu của Pablo Brinol, nhà tâm lý học tại Đại học Autonoma de Madrid. Brinol nói với những người tham gia rằng họ đang tham gia một nghiên cứu về thuật xem tướng chữ và yêu cầu họ viết ra giấy những phẩm chất tốt nhất hoặc tệ nhất, sử dụng tay thuận hoặc không thuận. Ngay sau đó, tất cả những người tham gia đều đánh giá họ có lòng tự trọng và tự tin.

Nhóm tiến hành thí nghiệm biết rằng khi những người tham gia sử dụng tay không thuận, họ sẽ thấy mình tạo ra nét chữ nguệch ngoạc, do đó cư xử như thể họ không có nhiều tự tin vào lời nói của mình. Vì vậy các nhà nghiên cứu dự đoán rằng việc nêu ra những phẩm chất tích cực bằng tay không thuận sẽ làm giảm lòng tự trọng của người tham gia, trong khi viết ra các phẩm chất tiêu cực bằng tay không thuận sẽ khiến họ cảm thấy tự tin và có động lực hơn. Đây chính xác là những gì mà kết quả của những người tham gia cho thấy.

Nếu bạn muốn tăng sự tự tin của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả, thông điệp rất rõ ràng – hãy sử dụng cách viết.

 

3. VÌ SAO QUẨN ÁO TẠO NÊN CON NGƯỜI?

John Howard Griffin có một cuộc đời khá đặc biệt. Sinh năm 1920 tại Texas, ông du lịch khắp châu Âu lúc còn trẻ và tham gia đào tạo với tư cách một nhà âm nhạc học chuyên về dòng thánh ca Gregory. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông làm việc tại Hội kháng chiến chống Pháp và giúp những người Áo gốc Do Thái bí mật tới nơi an toàn. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông trở về Hoa Kỳ, trở thành một nhà báo điều tra và quyết định tập trung vào hoàn cảnh sống hiện tại của người Mỹ gốc Phi tại các bang phía Nam.

Tuy nhiên ông không đơn thuần viết về phân biệt chủng tộc mà quyết định tiến hành một thí nghiệm khác thường để trải nghiệm nó trước. Làm việc một cách tỉ mỉ với một bác sĩ da liễu có tay nghề, Griffin sử dụng một hỗn hợp của thuốc tạo màu nhân tạo, các loại thuốc và phương pháp điều trị bằng đèn tử ngoại để làn da trắng của mình trở nên sẫm màu. Khi việc biến đổi hoàn tất, ông cạo bỏ hết tóc. Nên nếu chỉ nhìn qua, trông ông giống một người Mỹ gốc Phi . Sau đó, ông đi vòng quanh một loạt các bang ở phía Nam bằng xe buýt và đi nhờ, trải nghiệm sự hận thù và phân biệt đối xử mà chính những người Mỹ gốc Phi phải chịu mỗi ngày.

Khi bắt đầu bán cuốn sách thuộc hàng bán chạy về dự án này, Griffin mô tả ông đã nhìn mình trong gương như thế nào ngay khi việc chuyển đổi hoàn tất và đưa ra một ví dụ sống động về tác động của sự phản chiếu này tới ý thức của chính ông:

Tôi đã muốn thấy mình được cải trang, nhưng sự thật lại khác. Tôi bị giam cầm trong thân xác của một người hoàn toàn xa lạ, không có quan hệ gì khiến tôi không có thiện cảm… Tôi nhìn vào gương và không thấy sự tương phản nào về John Griffin da trắng trong quá khứ. Không, những phản chiếu này hướng về châu Phi, về ngôi nhà tồi tàn và khu ổ chuột, về những cuộc đấu tranh không kết quả phản đối cái mác da đen… Tôi đã giả mạo sự tồn tại bí mật, và tôi đã mất đi ý thức về sự tồn tại của chính mình. Đây là điều đã tàn phá tôi. Người từng là Griffin giờ đây trở nên vô hình.

Bằng cách thay đổi màu da, Griffin cảm thấy mình như một người khác. Trong suốt cuộc đời mình, ông luôn nhìn vào gương và thấy một người da trắng. Với giả định màu da đó là một phần quan trọng trong lòng tự tin của mình, ông hẳn đã coi bản thân có nền tảng kiến thức và những nét tính cách liên quan tới hình dáng bên ngoài của mình. Sau lần chuyển đổi ấn tượng, ông coi bản thân giống như một người Mỹ gốc Phi và vô thức sử dụng hình ảnh này để xây dựng ý thức mới về diện mạo. Sau vài lần, ông đã trải nghiệm cái tôi cũ đổ vỡ, và sự hình thành diện mạo mới.

Hầu hết mọi người sẽ không theo chân Griffin và cố gắng thay đổi màu da của mình. Tuy nhiên, nguyên lý này áp dụng được cho một thứ dễ thay đổi hơn nhiều – quần áo. Chúng ta thường đánh giá người khác theo quần áo họ mặc. Nếu bạn thấy một người đàn ông trong bộ quần áo đắt tiền, bạn có xu hướng tự động cho rằng ông ta thành công và giàu có. Nếu thấy một người mặc chiếc áo kaftan (1) [9]và sơ mi hoa, bạn có thể cho rằng anh ta là kiểu người sáng tạo. Đụng phải một người đàn ông mang đôi giày lớn, mũi đỏ và quần có đai, bạn biết đã đến lúc phải bỏ chạy rồi.

Những sự khác biệt về nhận thức này thường khiến ta cư xử rất khác biệt.

Nicolas Guéguen từ Đại học Bretagne Sud cho một nhóm người mặc giống một người bình thường, hoặc bộ quần áo của lính cứu hoả và yêu cầu họ tiếp cận hơn 200 người phụ nữ ngẫu nhiên được chọn trên phố. Mỗi lần gặp ánh mắt của người phụ nữ, anh bước tới với kịch bản đã chuẩn bị sẵn:

Xin chào, tôi là Antoine. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi thấy cô rất đẹp.

Tôi phải đi làm chiều nay nhưng không biết cô có thể cho tôi số điện thoại không. Tôi sẽ gọi lại sau và chúng ta có thể cùng nhau uống một ly.

Guéguen cẩn thận phân tích tỷ lệ phụ nữ vui vẻ đưa số điện thoại và thấy rằng bộ đồng phục có hiệu quả rõ rệt. Khi người đàn ông mặc quần áo bình thường, chỉ có 8% phụ nữ đưa số điện thoại. Tuy nhiên, khi chính người đàn ông đó ăn mặc như lính cứu hoả, anh ta có tỷ lệ thành công lên đến 22%.

Nghiên cứu khác cho thấy thậm chí những thay đổi nhỏ nhất cũng có thể tạo ra hiệu quả lớn. Trong một nghiên cứu nọ, một nhà tâm lý học cải trang làm một nhà nghiên cứu thị trường tiếp cận rất nhiều người và hỏi xem liệu họ có muốn tham gia khảo sát hay không. Một nửa thời gian ông đeo cà vạt và nửa còn lại thì không. Sự khác biệt nhỏ này có hiệu quả lớn, với hơn 90% số người đồng ý tiến hành khảo sát khi ông đeo cà vạt so với chỉ 30% khi ông không đeo.

Quần áo mọi người mặc ảnh hưởng tới nhận thức của ta về họ, liệu quần áo bạn mặc có ảnh hưởng tới cái nhìn của bạn về chính bản thân không? Hầu hết những người ủng hộ học thuyết “tính cách tạo nên hành vi” sẽ cho rằng ý thức của bạn về bản thân chậm rãi phát triển qua nhiều năm và sẽ không bị ảnh hưởng bởi những thứ tạm thời như mặc chiếc áo mới hoặc thay đôi giày khác. Ngược lại, nguyên lý Nhưthể dự đoán rằng việc mặc như thể bạn là một kiểu người nào đó sẽ ảnh hưởng đến ý thức danh tính của bạn. Để khám phá xem học thuyết nào đúng, Mark Frank từ Đại học Cornell đã tiến hành một loạt các thí nghiệm kỳ lạ. Frank biết rằng mọi người có xu hướng gắn kết quần áo đen với hành vi độc đoán và hung hăng, và ông băn khoăn liệu chỉ cần mặc như vậy có thể thay đổi cách hành xử của họ hay không. Thật may mắn, dữ liệu ông cần để kiểm tra giả thuyết đã có sẵn. Frank tìm kiếm các bản ghi chép về giải bóng bầu dục quốc gia, so sánh dữ liệu từ các đội mặc áo đen với nhau, ông xác định nãm đội mặc đồ đen, trong đó có Los Angeles Raiders, Pittsburgh Steelers, Cincinnati Bengals và bắt đầu xem xét hành vi của họ.

Trong bóng bầu dục Mỹ, phạm luật có thể bị phạt và đội phạm lỗi sẽ phải lùi lại gần 5, 10 hoặc 15 m. Frank tính toán độ dài trung bình mà mỗi đội phải lùi lại mỗi trận và phát hiện ra một mô hình đáng chú ý. Những đội mặc đồ đen phải lùi lại nhiều hơn đáng kể so với các đội khác, điều này cho thấy họ có xu hướng thực hiện các hành vi gây gổ đặc biệt.

Được khích lệ từ những kết quả này, Frank tiếp tục với các ghi chép về giải khúc côn cầu toàn quốc và tiếp tục so sánh các đội mặc đồng phục đen với các đội khác, ở môn này, hành động vi phạm có thể khiến người chơi phải ngồi ngoài trong 2, 5 hoặc 10 phút tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm. Frank khám phá ra rằng các đội mặc đồ đen có thời gian ngồi trên ghế nhiều hơn đáng kể.

Dữ liệu về môn khúc côn cầu này cũng cho phép Frank tiến hành một bài thử nghiệm đặc biệt khéo léo về giả thuyết của mình vì hai đội – Pittsburgh Penguins và Vancouver Canucks – chuyển đồng phục sang màu đen. Hiệu ứng “mặc đồ đen – gây gổ hơn” xuất hiện. Trước khi chuyển sang màu đen, thành viên của cả hai đội này hiếm khi ngồi ngoài. Tuy nhiên, về sau họ gần như ngồi lỳ ở đó.

Phần lớn nhà nghiên cứu sẽ dừng tại đây. Tuy nhiên, Frank biết rằng các nhà nghiên cứu khác có lẽ sẽ hoài nghi về ý tưởng của ông và tranh luận rằng những cầu thủ hung hăng bị hấp dẫn bởi những đội mặc đồ đen. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề là tiến hành thí nghiệm, ông tập hợp một nhóm tình nguyện viên và ngẫu nhiên chia họ thành hai nhóm. Một nhóm mặc đồ đen và nhóm kia đồ trắng. Sau đó, hai bên được yêu cầu chia thành các đội nhỏ và chơi một số trò chơi.

Những người tiến hành thí nghiệm đưa cho các tình nguyện viên một danh sách các trò chơi và yêu cầu họ chọn trò mà họ thích. Những người tham gia không biết rằng những trò chơi họ chọn có tính bạo lực khác nhau. Một số trò chơi, như “dart gun duel” [10] có tính bạo lực cao trong khi những trò khác, như “đánh bóng vào lỗ” (như chơi gôn) lại nhẹ nhàng hơn nhiều. Những người mặc đồ đen chọn những trò chơi bạo lực hơn nhiều so với những người mặc đồ trắng.

Nghiên cứu khác cho thấy hiệu ứng này không phải là vấn đề đen và trắng.

Một nghiên cứu khác được tiến hành bởi Robert Johnson từ Đại học bang Arkansas, ông tập hợp một nhóm người tham gia và giải thích rằng họ sẽ có cơ hội chích điện người khác. Người tiến hành thí nghiệm mô tả mỗi người tham gia sẽ được chụp ảnh như thế nào trước khi chích điện, nhưng điều quan trọng là quần áo của họ trong ảnh phải được che đi. Làm thế nào để che đây? Một người tiến hành thí nghiệm đã mang theo hai loại quần áo. Một nửa số người tham gia được yêu cầu mặc một chiếc áo choàng giống bộ quần áo Ku Klux Klan ([11]), và người tiến hành thí nghiệm biện minh cho quần áo bằng cách lầm bầm: “Tôi không may vá giỏi – thứ này hoá ra trông giống người Ku Klux Klan”. Ngược lại, những người khác nhận được bộ quần áo khiến họ trông giống y tá (“Tôi may mắn được phòng hồi sức tại bệnh viện cho mượn chỗ quần áo y tá này để thí nghiệm”).

Bước tiếp theo, người tiến hành thí nghiệm nói rằng có một người ở phòng kế bên đang cố học một danh sách các từ và yêu cầu những người tham gia thực hiện chích điện mỗi khi họ mắc lỗi. Trong thực tế, ở phòng kế bên là một người đóng giả và thiết bị giật điện hoàn toàn là giả. Bất cứ khi nào người tham gia nghe thấy người ở phòng kế bên mắc lỗi, họ có thể chọn tăng hoặc giảm mức độ giật điện. Những người tham gia mặc đồ giống Ku Klux Klan lựa chọn mức điện giật cao hơn nhiều so với những người mặc đồ y tá, đúng như những gì nguyên lý Như thể dự đoán.

Các hiệu ứng tương tự cũng quan sát được ở bên ngoài phòng thí nghiệm. Năm 1969, cảnh sát tại MenloPark, California, quyết định cố gắng cải thiện quan hệ cộng đồng bằng cách bỏ đồng phục kiểu bán quân sự màu xanh hải quân và chuyển sang kiểu thoải mái hơn. Nhân viên được yêu cầu mặc áo vest xanh thẫm, quần đen, sơ mi trắng và cà vạt đen. Họ cũng được yêu cầu che vũ khí của mình dưới áo vest. Tin tức nhanh chóng lan ra, hơn 400 sở cảnh sát Mỹ thử nghiệm loại đồng phục không chính thống này. Sau 18 tháng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu yêu cầu các nhân viên này hoàn thành nhiều bài kiểm tra, các kết quả cho thấy khi bị tước bỏ các biểu tượng quyền lực của mình, các nhân viên này thường chấp nhận vai trò mới của cảnh sát như là “nhân viên dịch vụ công cộng”. Cùng với diện mạo mới này, các nhân viên cảnh sát đó thể hiện tính độc đoán ít hơn các đồng nghiệp trong trang phục chỉnh tề hơn. Trong suốt thời gian này, những thương tích do cảnh sát gây ra cho dân thường giảm 50%.

Thông điệp rất rõ ràng – cách ăn mặc của bạn ảnh hưởng trực tiếp tới việc bạn nghĩ mình là ai. Mặc sơ mi đen, bạn bắt đầu trở nên độc đoán và hay gây gổ hơn. Chuyển sang cách ăn mặc thoải mái và bạn sẽ trở nên khoan dung và nhường nhịn hơn. Trong nhiều năm, các nhà tâm lý học đã kêu gọi các ứng viên “mặc đẹp và chỉnh tề” trước một cuộc phỏng vấn quan trọng với niềm tin rằng việc ăn mặc chỉnh tề sẽ có tác động tích cực tới người phỏng vấn. Nguyên lý Như thể cho thấy trang phục như vậy cũng sẽ tạo ấn tượng sâu sắc và có lẽ quan trọng hơn là nó còn ảnh hưởng tới ứng viên. Với việc ăn mặc chỉnh tề, một người sẽ thấy mình thành công hơn và đến một lúc nào đó, sẽ giúp người đó làm việc tốt hơn nhiều. Quần áo không chỉ làm nên con người: chúng làm nên từng người đàn ông, phụ nữ và trẻ con.

Tư duy sáng tạo

Bạn muốn ngay lập tức trở thành người sáng tạo hơn? Hãy thử thí nghiệm hai bước dưới đây.

Đầu tiên, tôi muốn bạn nghĩ tới công dụng của chiếc bút chì nhiều nhất có thể. Ví dụ, bạn có thể sử dụng bút chì như chiếc đũa thần hoặc cái chốt. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu viết ra giấy các ý tưởng, hãy dành 60 giây đi quanh phòng, đảm bảo rằng đường đi của bạn có hình chữ nhật hoặc hình vuông (nghĩa là đi theo đường thẳng và rẽ một góc 90 độ).

Bây giờ, dành 60 giây tiếp theo ghi nhanh các công dụng khác nhau của chiếc bút chì vào một tờ giấy.

Bước thứ hai của thí nghiệm, tôi muốn bạn nghĩ tới các công dụng của một mẩu giấy nhiều nhất có thể. Ví dụ, bạn có thể gấp mẩu giấy và dùng nó như cái mũ hoặc cái chèn cửa. Tuy nhiên, trước khi viết ra giấy các ỷ tưởng, hãy dành 60 giây đi quanh phòng, nhưng lần này đường đi của bạn phải uốn lượn và khó đoán hơn trước (nghĩa là không đi theo đường thẳng và hãy đi theo bất kỳ hình thù nào bạn muốn).

Giờ hãy dành 60 giây ghi nhanh các tác dụng khác nhau của một mẩu giấy vào một tờ giấy:

Angela Leung và đồng nghiệp tại Đại học Management Singapore đã tiến hành nghiên cứu cho thấy hành vi của bạn ảnh hưởng trực tiếp tới mức độ sáng tạo.

Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu yêu cầu một số người tham gia ngồi trong một chiếc hộp vuông dài 1,5m, trong khi những người khác ở bên ngoài hộp. Trong nghiên cứu khác, một vài người tham gia đi vòng quanh một căn phòng theo đường thẳng, trong khi những người khác đi theo những đường ngẫu nhiên và uốn lượn. Sau khi hoàn thành các bài tập, tất cả những người tham dự được yêu cầu tiến hành nhiều nhiệm vụ sáng tạo. Những người ở bên ngoài chiếc hộp và di chuyển tự do có được số điểm cao hơn nhiều so với những người khác. Cư xử theo cách sáng tạo ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức tư duy của người tham gia.

Theo phát hiện này, hẳn bạn đã thấy việc tạo ra các công dụng của mẫu giấy dễ hơn so với bút chì. Muốn sức sáng tạo của bạn tuôn chảy? Vậy hãy quên đi những khoá học về suy nghĩ một chiều đắt đỏ và di chuyển tự do, ngẫu nhiên quanh phòng. Để tăng cấp độ, hãy cố gắng như thể bạn là người sáng tạo. Lấy một tờ giấy trắng ra và dành vài phút suy nghĩ xem làm thế nào để biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật. Trước khi quyết định mô hình hành động cuối cùng, nghiên cứu danh sách dưới đây xem liệu có điều gì thu hút không.

Dùng tờ giấy thật sáng tạo bằng cách… cắt bóng của đường chân trời hoặc một người… gấp thành một cái hộp hoặc xây dựng mô hình… vẽ nguệch ngoạc lên tờ giấy và sau đó biến đường nguệch ngoạc này thành bức tranh… xoắn nó lại và tạo ra một tác phẩm điêu khắc… dùng nó để tạo hình nổi cho cuốn sách này… dùng để tạo ra một cái bóng thú vị (dùng đèn chiếu lên tờ giấy và tạo bóng hình)… biến nó thành bản sao của một bức tranh hoặc tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng… biến nó thành một bức tranh cổ động… gấp giấy origami [12] tạo hình ếch, chim, máy bay hoặc thiên nga… tạo một bức tranh đơn giản bằng cách gấp nếp… gấp nó lại và xé các mảnh nhỏ để tạo hình bông tuyết… gấp nó lại và xé vài phần đi để tạo thành một dây trang trí hình người… tạo một cuốn sách lật trang [13]…. gấp giấy thành nếp để tạo đàn accordion cho riêng bạn… xé thành mảnh nhỏ và sắp xếp lại để tạo một tác phẩm nghệ thuật… dùng để tạo ra quần áo hoặc trang sức (như mũ, nhẫn hoặc túi)… tạo thành một công cụ đánh bóng bề mặt… tạo thành tiền tệ riêng cho một vương quốc thần tiên… tạo một thẻ đánh dấu trang cho sách Dámkhác biệt… chọc hai lỗ lên tờ giấy và đeo như mặt nạ.

4.“TÔI” MỚI

Theo luật pháp, bất kỳ hợp đồng cho một cuốn sách nào về lịch sử tâm lý xã hội đều phải tuân thủ Điều khoản 4.6.8.3.2. Điều khoản này tuyên bố rằng tại một số chỗ trong cuốn sách, tác giả có nghĩa vụ phải mô tả thí nghiệm nhà tù của Zimbardo. Kết quả là, nhiều tác giả đổ xô vào nghiên cứu đó, thường đặt nó nằm giữa đoạn mô tả khủng khiếp về nghiên cứu giật điện đầy tai tiếng của Milgram với một đoạn kết về sự tầm thường hiển nhiên của quỷ dữ. Thật không may, tôi không phải đối mặt với tình thế khó xử như vậy vì thí nghiệm kinh điển của Zimbardo đóng vai trò trung tâm trong hành trình của chúng tôi tới mối quan hệ đáng ngạc nhiên giữa nguyên lý Như thể và tính cách.

Philip Zimbardo sinh ra trong nghèo đói tại khu ổ chuột South Bronx của New York vào thời kỳ suy thoái. Ấn tượng bởi tác động mà môi trường xung quanh tác động lên hành vi con người, ông nghiên cứu tâm lý học trong suốt những năm 1960 và cuối cùng tham gia giảng dạy tại Đại học Stanford, nơi ông tiến hành thí nghiệm mà ngay nay bị cho là đáng hổ thẹn.

Trước khi bắt đầu nghiên cứu, ông biến các phòng tại tầng hầm của Khoa Tâm lý học thuộc Đại học Stanford thành một nhà tù giả. Nhiều phòng nhỏ hơn được biến thành các buồng giam bằng cách thay thế các cánh cửa bằng các thanh sắt. Những khu vực khác được biến đổi thành nơi nghỉ ngơi của người cai tù và “sân” tù. Nhà tù giả này cũng có nhiều gương hai chiều và camera bí mật, cho phép những người tiến hành thí nghiệm quan sát và ghi lại hành vi của những người tham gia.

Sau đó, Zimbardo đặt một quảng cáo trên tờ báo địa phương để kêu gọi mọi người tham gia một nghiên cứu trong hai tuần thử nghiệm cuộc sống trong tù. Mỗi ứng viên được gửi một bảng câu hỏi dài về quá khứ, sức khoẻ tâm lý và tiền sử phạm tội. Zimbardo cẩn thận kiểm tra phần trả lời và mời 24 ứng viên có mức độ ổn định tâm lý cao nhất và tiền sử hoạt động chống lại xã hội ở mức thấp nhất tham gia. Ông ngẫu nhiên chia một nửa đóng vai “tù nhân” và nửa còn lại đóng vai “người cai tù”. Zimbardo tự mình đóng vai giám đốc nhà tù (một hành động mà về sau ông mô tả là “sai lầm nghiêm trọng trong phán đoán”).

Ngay trước cuộc nghiên cứu, một số cuộc đụng độ bạo lực đã xảy ra giữa cảnh sát và những người biểu tình chống chiến tranh tại khuôn viên trường Stanford, và Zimbardo phát hiện rằng cảnh sát trưởng của thành phố mong muốn cải thiện quan hệ với trường, ông hỏi vị cảnh sát đó xem liệu ông ta có thể chỉ định một vài nhân viên giúp đỡ giai đoạn đầu của nghiên cứu không và cảnh sát trưởng đã đồng ý. Buổi sáng đầu tiên của cuộc thí nghiệm, chín “tù nhân” bất ngờ bị bắt tại nhà bởi sở cảnh sát thành phố PaloAlto. Mỗi người bị buộc tội tình nghi trộm cắp hoặc cướp có vũ trang, bị còng tay và áp tải về trụ sở cảnh sát địa phương. Sau đó, những nhân viên này tìm kiếm và in dấu vân tay tù nhân, bịt mắt họ và đưa họ đến nhà tù giả của Zimbardo.

Trong khi đó, những người tình nguyện đóng vai “người cai tù” mặc những bộ đồng phục kaki và được phát còi, kính gương và dùi cui gỗ. Họ được yêu cầu trông chừng tù nhân bằng cách trực ba người một ca, mỗi ca trực kéo dài tám tiếng.

Cuộc sống không vui vẻ lắm với những tù nhân này. khi họ tới nơi, quản ngục đưa cho mỗi người một mã số nhận diện, cởi quần áo để khám xét, mang quần áo của họ đi và yêu cầu họ mặc một cái áo khoác không vừa. Những tù nhân này không được phép mặc đồ lót và bị xích một chân. Họ ở trong tù 24 giờ mỗi ngày với ba bữa ăn nhạt nhẽo và chỉ được đi vệ sinh ba lần trong vòng 24 tiếng.

Người cai tù nhanh chóng bắt đầu cư xử theo cách phù hợp với vai trò của họ.

Họ thường trở nên rất độc đoán, gọi tên tù nhân bằng mã số và đe doạ bằng lời nói bạo lực. Nếu tù nhân không nghe theo, cai tù sẽ liên tục bắt họ phải trích đọc mã số của họ, cấm đi vệ sinh và gỡ giường khỏi phòng giam. Ngày thứ hai của thí nghiệm, một vài tù nhân quyết định nổi dậy bằng cách phong toả cửa phòng giam và xé bỏ mã số. Đáp lại, quản ngục đã tấn công tù nhân bằng bình chữa cháy (mỉa mai thay, uỷ ban đạo đức của trường Đại học từng nhấn mạnh bình chữa cháy để bảo vệ an toàn cho các tù nhân) và trừng phạt những người tham gia bằng cách lột trần họ, đưa họ vào phòng biệt giam và bắt họ phải chống đẩy.

Trong thời gian nghiên cứu, Christina Maslach là nghiên cứu sinh tâm lý học tại Đại học Stanford và có quan hệ tình cảm với Zimbardo. Tò mò về thí nghiệm mà Zimbardo đang tiến hành, Maslach đã ghé thăm nhà tù và trò chuyện qua loa với một trong số những người cai tù đang nghỉ ngơi. Người đó tình cờ lại thân thiện và niềm nở. Lúc sau, một trong số những người tiến hành thí nghiệm hỏi Maslach liệu cô có muốn xem công việc của một người cai tù không. Họ giải thích rằng họ gọi người cai tù này là “John Wayne” vì cách thức thô bạo mà anh ta xử lý tù nhân. Khi Maslach nhìn thấy, cô sững sờ vì “JohnWayne” chính là người bảo vệ thân thiện mà cô gặp trước đó. khi anh ta không ở trong môi trường nhà tù, người cai tù này có vẻ nhẹ nhàng và điềm tĩnh. Nhưng trong nhà tù giả, anh ta dường như trở thành người hoàn toàn khác, quát mắng tù nhân và đối xử tệ với họ.

Sau khi ghé thăm nhà tù giả, Maslach có một cuộc tranh cãi gay gắt với Zimbardo. Cô cho rằng tình hình này đã vượt quá tầm kiểm soát và cần phải dừng lại. Bình thường là người nhẹ nhàng và nhạy cảm, nhưng Zimbardo lần này có vẻ lạnh nhạt và kiên quyết tiếp tục dự án.

Maslach sững sờ, nhận ra rằng Zimbardo đã chấp nhận vai trò giám đốc nhà tù và không còn đứng bên ngoài nghiên cứu mà thay vào đó đã trở thành một phần không thể thiếu của nhà tù đó. Khi cuộc cãi vã tiếp tục, Zimbardo nhận thức được điều gì đã xảy ra và quyết định dừng nghiên cứu này. Mặc dù kế hoạch ban đầu là hai tuần, thí nghiệm đã bất ngờ chấm dứt chỉ sau sáu ngày.

Một phần quan trọng trong thí nghiệm của Zimbardo là khám phá xem liệu cư xử như thể họ là tù nhân hoặc người cai tù có ảnh hưởng tới tính cách người tham gia hay không. Kết quả xuất hiện nhanh đến bất ngờ. Sau thí nghiệm, một trong số những người cai tù đã ghi lại:

Tôi thực sự đã nghĩ rằng mình không thể có kiểu cư xử này. Tôi đã mất tinh thần đến mức có thể hành động theo kiểu hoàn toàn khác với những gì mà tôi luôn mơ tới. Và khi tôi làm việc này, tôi không cảm thấy hối hận hay tội lỗi. Chỉ sau đó, khi bắt đầu suy nghĩ về điều mình vừa làm, nó mới bắt đầu ngấm vào tôi và tôi nhận ra rằng đây là một phần con người mình mà trước đó tôi chưa từng chú ý.

Tương tự, những người đóng vai tù nhân cũng thay đổi tính cách, phần lớn trở nên cực kỳ thụ động và phục tùng hơn. Những thay đổi chóng mặt này thường ảnh hưởng tiêu cực tới các tù nhân. Doug Korpi(“Tù nhân số 8612”) đã phải chịu những phản ứng cảm xúc cực đoan hơn và được thả ra vào ngày thứ hai của cuộc nghiên cứu. Vài ngày sau, bốn tù nhân khác được thả đó có biểu hiện lo lắng, trầm cảm và tức giận.

Nghiên cứu kinh điển của Zimbardo cho thấy sức mạnh của hành động Như thể. Cảm nhận của con người về tính cách đặc biệt tới từ tên gọi, quần áo và vẻ bề ngoài của họ. Trong nghiên cứu về tù nhân tất cả đã bị loại bỏ khiến họ mất đi cảm nhận về tính cách của chính mình và thay thế nó với vai trò mà họ được chỉ định.

Ăn mặc và hành động như thể họ là tù nhân hoặc người cai tù, những người tham gia bắt đầu tư duy theo cách thức mà họ coi là phù hợp với vai trò của mình. Một nhóm nhanh chóng trở nên hung hăng và độc đoán, những người khác lại thụ động và nghe lời.

Nghiên cứu khác chỉ ra nguyên lý tương tự hoạt động trong cuộc sống thường ngày và áp dụng cho nhiều khía cạnh của tính cách. Ví dụ như trong một nghiên cứu nọ, các nhà nghiên cứu theo dõi cuộc sống của một nhóm phụ nữ trong nhiều năm và khám phá ra rằng những người được giao nhiều trách nhiệm hơn tại nơi làm việc phát triển tính cách quyết đoán hơn. Trong một nghiên cứu khác, những nhân viên được giao một công việc với đòi hỏi nhiều yêu cầu hơn sẽ trở nên linh họat và tự tin hơn. Phần lớn tính cách của con người không cố định. Thay vào đó, họ thường chấp nhận vai trò được chỉ định bởi chính bản thân và người khác, cư xử tương ứng như vậy và sau đó hình thành một tính cách phù hợp với vai trò này.

Có lẽ phần hấp dẫn nhất là lúc các nhà tâm lý học khác khám phá ra cách con người sử dụng ảnh hưởng này để khiến cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.

Ánh sángcameradiễn!

George Kelly sinh năm 1905 tại nông trại Kansas. Học xong cấp ba, ông lấy bằng vật lý, chuyển tới Minnesota và giảng dạy thuyết trinh trước công chúng. Sau đó ông ngừng công việc này và đăng ký học tại Đại học bang Iowa và cuối cùng được nhận bằng tiến sỹ tâm lý. Nhận thấy những khó khăn của các hộ nông dân trong thời kỳ Đại khủng hoảng, Kelly quyết định mang tâm lý học của mình lên đường và hoạt động như một chuyên gia tâm lý đi khắp đó đây.

Đầu tiên ông dùng cách tiếp cận theo kiểu của Freud, yêu cầu những người nông dân nằm xuống chiếc ghế của ông và nói về giấc mơ của họ. Tuy nhiên, ông nhanh chóng nhận ra rằng học thuyết của Freudquá xa lạ với những người nông dân thực tế nên đã bắt đầu phát triển những cách thực tế hơn để giải quyết vấn đề của họ.

Một trong những sáng tạo đầu tiên của Kelly được biết đến với tên “thời gian bên gương”. Trong những buổi này, mọi người được khuyến khích dành 30 phút ngồi trước gương, nhìn vào hình ảnh phản chiếu của mình và nghĩ về những gì mà họ nhìn thấy.

Họ thích hay không thích người trước mặt họ? Sự khác biệt giữa người trong gương và người mà họ muốn trở thành là gì? Họ thấy gì từ khuôn mặt mình mà những người khác không thấy được?

Mặc dù mọi người thường thích nhìn lâu vào mắt mình nhưng Kelly không tin rằng những lúc tự vấn đó đặc biệt hữu dụng và do đó quyết định tận dụng kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng nói trước công chúng để khuyến khích mọi người khám phá thế giới theo nhiều cách khác.

Kinh nghiệm trị liệu phong phú khiến ông tin rằng tính cách con người không cố định, và theo cùng cách mà một diễn viên đóng nhiều vai trong sự nghiệp của mình, mọi người có thể thay đổi cá tính của mình trong cuộc đời. Hơn nữa, Kelly bị thuyết phục rằng cách thức mà mọi người nhìn bản thân thường là vấn đề cốt lõi của họ, và các điều trị hiệu quả bao gồm việc giúp mọi người chấp nhận một cá tính ít có vấn đề hơn. ông đặt tên cho cách tiếp cận này là “trị liệu vai trò cố định” và dần dần phát triển một loạt kỹ thuật hiệu quả để mọi người tiếp nhận cá tính mới.

Bước đầu tiên của điều trị vai trò cố định thường bao gồm nhiều bài tập được thiết kế để giúp bạn hiểu mình đang nhìn bản thân thế nào. Một trong số các bài tập phổ biến là so sánh bản thân với các cá nhân khác mà bạn biết để xác định các chiều hướng tâm lý cốt lõi mà bạn dùng để phân loại mọi người. Một bài tập khác yêu cầu bạn viết một đoạn mô tả ngắn về bản thân từ quan điểm của một người nào đó (xem phần: Bạn nghĩ mình là ai?).

Dựa trên các kết quả này, bạn sẽ thiết kế được cá tính mới cho bản thân. Điều này có thể đòi hỏi bạn phải cải tổ triệt để tính cách hoặc chính sửa một số khía cạnh nhỏ. Sau đó, bạn sẽ dành thời gian suy nghĩ xem “cái tôi mới” sẽ cư xử thế nào trong các loại tình huống bạn gặp thường ngày, và có thể cần diễn tập một chút để giúp bạn củng cố các thói quen, hành vi mới.

Tiếp theo, bạn sẽ “đóng vai” cái tôi mới trong khoảng hai tuần. Nghiên cứu của Kelly hé lộ sự khác lạ. Sau khi dành vài tuần cư xử theo cách hoàn toàn khác, nhiều người bắt đầu nhập vai và hình thành cá tính mới. Nhiều khách hàng của Kelly cho biết cái tôi mới dường như luôn là cái tôi thật của họ và cho tới bây giờ họ mới hoàn toàn nhận biết được nó.

Mọi người đã tạo ra ý thức về cá tính mới bằng cách cư xử giống mẫu người mà họ muốn trở thành, như đã được dự đoán chính xác bởi nguyên lý Như thế.

Nguyên lý tương tự cũng có thể giúp mang mọi người gần nhau bằng cách làm cho họ thấy thế giới trong mắt người khác như thế nào. Chẳng hạn như trong nghiên cứu nọ, một nhóm sinh viên được yêu cầu cư xử như thể họ bị liệt do một tai nạn trên đường và giờ phải ngồi xe lăn. Những sinh viên này dành 25 phút làm theo cách của họ trên một chiếc xe lăn, qua một tuyến đường xác định trước, phải di chuyển qua nhiều thang máy, đường dốc và cửa ra vào. Một nhóm khác đi phía sau xe lăn và chứng kiến mọi việc xảy ra. Cả hai nhóm được hỏi về thái độ của họ với các vấn đề liên quan đến khuyết tật, như liệu quỹ công cộng có nên được dùng để xây một trung tâm hồi phục chức năng mới. Một sự khác biệt đáng kể xuất hiện giữa các nhóm, những người dành thời gian trên xe lăn đồng cảm sâu sắc hơn với người khuyết tật. Nguyên lý tương tự thường được sử dụng trong điều trị với tên gọi “kịch tính tâm lý”. Bằng cách khiến người tham gia tiếp nhận những kiểu người khác nhau, thậm chí đôi khi đóng vai bạn bè và đồng nghiệp, họ có thể nhìn cuộc đời mình từ nhiều góc độ khác nhau.

Nghiên cứu của Kelly cung cấp những tính cách mới tốt hơn cho hàng chục nghìn người trên toàn thế giới. Công nghệ mới đã đưa ý tưởng này lên tầm cao mà trước đó không thể tưởng tượng được.

Bạn nghĩ mình là ai?

PHẦN MỘT:

Bạn có muốn biết mình nhìn nhận bản thân và mọi người thế nào không? Hai bài tập sau đây dựa trên nghiên cứu của George Kelly sẽ cho bạn cái nhìn cận cảnh về cách mà ban nhìn nhân cá tính hiên tại của bản thân.

Bài tập 1Cấu trúc của bạn

Bài tập bốn bước này thường mất khoảng 20 phút để hoàn thành và được thiết kế để cho bạn cái nhìn cận cảnh về chiều hướng cốt lõi mà bạn dùng để nhìn nhận bản thân và người khác.

Bước 1) Nghĩ về năm người bạn hiểu rõ – có thể là mẹ, cha, bạn thân, sếp, vợ/chồng, đồng nghiệp hoặc người yêu cũ. Viết tên những người đó xuống đây

Người 1:

Người 2:

Người 3:

Người 4:

Người 5:

Bước 2) Giờ hãy nhìn vào dòng đầu tiên của bảng bên dưới. Những cột được đánh dấu “Người 1” và “Người 2” có dấu X. Hãy nghĩ theo hướng cá tính của Người 1 và Người 2 khác với bạn. Ví dụ, Người 1 và Người 2 cởi mở và bạn bẽn lẽn. Hoặc có thể cả hai đều hơi keo kiệt còn bạn là người sởi lởi hơn? Hãy viết cách thức mà Người 1 và Người 2 tương đồng nhau vào cột được đánh giấu “cách thức họ tương đồng”, và phẩm chất đối lập (mô tả cá tính của bạn) vào cột được đánh dấu “Tôi”.

Người 1

Người 2

Người 3

Người 4

Người 5

Cách thức họ
tương đồng

Tôi

X

X

     
 

X

X

    
  

X

X

   
   

X

X

  

X

 

X

    
 

X

 

X

   
  

X

 

X

  

X

  

X

   
 

X

  

X

  

Bước 3) Tiếp tục và lặp lại quá trình này với dòng dưới. Một lần nữa, nghĩ xem Người 2 và Người 3 giống nhau như thế nào và họ khác bạn thế nào. Tiếp tục như vậy đến hết bảng, mỗi lần hãy cố gắng rút ra các phẩm chất khác nhau.

Bước 4) Hãy nhìn vào danh sách kết quả các phẩm chất ở cột “Tôi” và xác định những điểm tương đồng. Những từ như “lo lắng” và “thoải mái” có hay xuất hiện không? Hoặc có thể những từ như “cởi mở” và “bẽn lẽn” xuất hiện đều đặn? Đây là các cấu trúc tâm lý cơ bản mà bạn dùng để nhìn bản thân và người khác.

Dưới đây là một bài tập điển hình đã được hoàn thành:

Người 1: John

Người 2: Katie

Người 3: Jenny

Người 4: David

Người 5: Erica

Người 1

Người 2

Người 3

Người 4

Người 5

Cách thức họ
tương đồng

Tôi

X

X

   

Thích chi tiết

Nhìn theo tổng thể

 

X

X

  

Tính nghệ sĩ cao

Thực tế hơn

  

X

X

 

Lo lắng

Thoải mái

   

X

X

Bi quan

Lạc quan

X

 

X

  

Vô tổ chức

Có tổ chức

 

X

 

X

 

Chu đáo

Không đáng tin cậy

  

X

 

X

Dễ chịu

Bướng bỉnh

X

  

X

 

Bẽn lẽn

Hướng ngoại

 

X

  

X

Dễ xúc động

Thoải mái

tập 2Mô tả

Dành khoảng hai mươi phút viết ra bản mô tả sơ lược về bản thân. Mô tả này cần được viết từ quan điểm của người thứ ba, bạn có thể tưởng tượng một người bạn thân hoặc đồng nghiệp đang nhìn mình.

PHẦN HAI:

Các bước tiếp theo được thiết kế để giúp bạn tạo ra và chấp nhận các khía cạnh mới trong cá tính của mình.

Bước 1) Nhìn vào cấu trúc bạn dùng để mô tả bản thân trong Bài tập 1. Bạn có nghĩ rằng có bất kỳ cấu trúc nào tiêu cực hay có vấn đề không? Bây giờ hãy nhìn vào mô tả mà bạn làm trong Bài tập 2. Có đặc điểm tính cách nào mà bạn muốn thay đổi không? Ví dụ, bạn cho rằng mình không tự tin lắm, gặp trở ngại trong kết bạn, quá hung hăng hoặc hơi ích kỷ.

Bước 2) Dùng thông tin này làm cơ sở cho một cái tôi mới. Nếu bạn đang cố nghĩ xem sẽ thay đổi thế nào, có thể sử dụng các yếu tố mà bạn ngưỡng mộ ở bạn bè, đồng nghiệp, người mà bạn noi gương và thậm chí là những nhân vật tưởng tượng trong sách báo, phim và kịch. Cách khác, hãy nhìn vào danh sách những cá tính mạnh mẽ được mô tả ở bảng bên dưới và chọn một số cá tính có vẻ đặc biệt hấp dẫn.

Cá tính mạnh mẽ Mô tả sơ lược

Sáng tạo Giỏi trong việc nghĩ ra những phương pháp mới để làm việc.

Tò mò Thích thủ khám phá và tìm tòi.

Tiếp thu cái mới Sẵn sàng kiểm tra các vấn đề từ nhiều góc độ.

Dũng cảm Không trốn tránh nguy hiểm hoặc thách thức.

Bền bỉ Tiếp tục nỗ lục dù vấn đề trở nên khó khăn.

Có sức sống Tiếp cận cuộc sống với niềm say mê và nghị lực.

Tình yêu Có thể hình thành các mối quan hệ thân thiết với người khác.

Ân cần Thích giúp đỡ người khác.

Bổn phận công dân Có tinh thần đồng đội và giúp đỡ những nguời xung quanh.

Khả năng lãnh đạo Chịu trách nhiệm và tiến lên phía trước.

Tha thứ Có thể tha thứ cho những sai lầm sảy ra.

Khiêm tốn Không để ý đến nhũng gì mình đạt được.

Thận trọng Biết tự kiểm soát và không quá bốc đồng.

Biết ơn Biết ơn nhũng điếu tốt trong đời.

Hy vọng Kỳ vọng rằng điều tốt sẽ đến và sẵn sàng làm việc để đạt được chúng.

Hài hước Thấy được mặt hài hước của cuộc sống và luôn vui vẻ.

Tiếp theo, hãy viết mô tả ngắn về “cái tôi mới”, tập trung vào việc bạn cư xử khác như thế nào trong tình huống thường ngày. Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng bạn thường quá bốc đồng và tham gia tranh luận với bạn bè và đồng nghiệp. “Cái tôi mới” có thể thoải mái hơn và hài hước hơn. Trong tình huống này, bạn sẽ cư xử thế nào? Bạn có vui đùa với mọi người xung quanh? Bạn có hỏi mọi người về suy nghĩ và quan điểm của họ và chấp nhận những nhận xét đó chứ không dùng chúng để làm cơ sở tranh luận? Bạn có nỗ lực đặc biệt để khen ngợi và khuyến khích người khác?

Theo cách khác, hãy tưởng tượng một vài người đã nhận xét dựa trên thực tế rằng bạn quá keo kiệt và bạn quyết định thay đổi phần này trong tính cách của mình. Liệu cái tôi mới của bạn có đóng góp cho việc từ thiện, tặng những món quà hào phóng cho người khác và dừng lại để giúp những người xung quanh không?

Hoặc có thể bạn muốn tự tin hơn. Nếu vậy, bạn có người bạn nào quyết đoán hoặc một đồng nghiệp có thể tạo cảm hứng cho cái tôi mới của bạn không? Họ sẽ cư xử thế nào trong các tình huống mà bạn đang phải vật lộn? Bạn có thể giả vờ là họ và hành động hoàn toàn khác trong những tỉnh huống này không?

Bước 3) Dành khoảng hai tuần để đóng vai tính cách mới của bạn. Tập trung thay đổi hành vi thay vì cố gắng thay đổi cách nghĩ. Để trợ giúp, bạn có thể nhờ bạn thân hoặc gia đình đóng vai trong một số tinh huống với cái tôi mới.

Ngoài ra, thay vì cho rằng mình đang trải qua sự thay đổi vĩnh viễn, sẽ có ích hơn nếu nghĩ rằng tính cách cũ của bạn đi nghỉ trong hai tuần và bạn có cơ hội hành động như một người hoàn toàn khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải hoàn toàn nhập vai của mình 24 giờ mỗi ngày, thậm chí cả khi bạn cô đơn. Nguyên lý Như thể sẽ khiến bạn cảm thấy mình giống như một người mới và “cái tôi mới” sẽ nhanh chóng trở thành một phần trong cá tính thực của bạn.

5. QUAY NGƯỢC THỜI GIAN

Sinh ra tại Bronx, nhà tâm lý học Ellen Langer bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu hoá học tại Đại học NewYork. Nhận thấy cuộc sống với những ống nghiệm không hợp với mình, cô tham gia một khoá tâm lý học nhập môn do Philip Zimbardo giảng dạy và bị thu hút. Langer về sau trở thành giáo sư tại Đại học Haivard, với phần lớn công việc là để làm sáng tỏ bí mật của sự lão hoá.

Cô từng tiến hành nhiều nghiên cứu nổi tiếng trong sự nghiệp. Trong một thí nghiệm kinh điển, một số người sống trong viện dưỡng lão được tặng cây trồng trong nhà để tự chăm sóc, trong khi những người khác được tặng một loại cây giống hệt nhau nhưng được nói rằng nhân viên sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc nó. Sáu tháng sau, những người bị lấy đi thậm chí là một sự kiểm soát nhỏ như vậy có sức khoẻ, cảm giác hạnh phúc và sự năng động kém hơn người khác một cách đáng kể. Đáng buồn hơn, 30% trong số những người không chăm sóc cây đã chết, trong khi những người được phép chăm sóc cây chỉ có 15%.

Trong thí nghiệm tương tự, Langer kiểm tra hiệu ứng của việc khuyến khích người già cư xử như thể họ vẫn còn sự chủ động tinh thần. Trong thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu ghé thăm một nhóm người sống trong viện dưỡng lão mỗi tuần và hỏi họ nhiều câu hỏi, như là tên của các y tá và bản chất của các hoạt động diễn ra tại viện dưỡng lão vào những ngày đặc biệt. Nếu những nhóm này không chắc về câu trả lời, những người tiến hành thí nghiệm khuyến khích họ tìm ra câu trả lời vào lần ghé thăm tiếp theo. Hiệu ứng thật bất ngờ. So với nhóm những người được quyền kiểm soát không gặp những thách thức như vậy, những người được yêu cầu nhớ những câu hỏi đơn giản phát triển trí nhớ ngắn hạn tốt hơn và tỉnh táo hơn. Các nhà nghiên cứu ghé thăm lại những viện này hai năm rưỡi sau và thấy rằng chỉ có 7% trong nhóm qua đời, so với gần 30% của nhóm kiểm soát.

Tuy nhiên, có lẽ nghiên cứu nổi bật nhất của Langer là khiến mọi người sử dụng nguyên lý Như thể để quay ngược thời gian. Năm 1979, cô chiêu mộ một nhóm người già trong độ tuổi 70 và 80 cho “tuần hồi tưởng” tại một nhà dưỡng lão thuộc ngoại ô Boston. Trước khi nghiên cứu bắt đầu, Langer yêu cầu tất cả mọi người tham gia một loại bài kiểm tra tính toán thể lực, thái độ, thị lực và trí nhớ.

Sau đó, cô ngẫu nhiên chia mọi người thành hai nhóm và nói với một nhóm (những “người du hành thời gian”) rằng thí nghiệm này là về tác động tâm lý học của việc thực sự hồi tưởng quá khứ và nhóm còn lại là về ảnh hưởng của hồi tưởng. Langer quyết định thử và quay ngược thời gian về hai mươi năm trước và cổ vũ những người tham gia làm sống lại hoặc hồi tưởng về cuộc sống của họ trong năm 1959.

Tiếp theo, cô sắp xếp xe buýt đưa nhóm hồi tưởng quá khứ về viện dưỡng lão ở miền quê có diện tích khoảng 40.000m2. Để giúp những người già có tâm trạng, Langer phát lại những bài phát sóng radiocủa năm 1959 trong suốt chuyến đi. Cô nhiệt tình khuyến khích những người tham gia hành động như thể họ trẻ hơn 20 tuổi trong suốt thí nghiệm này. Ví dụ, khi những nhà du hành thời gian tới viện dưỡng lão, không có ai ở đó để giúp họ xuống xe buýt và mang hành lý vào trong. Hơn nữa, viện dưỡng lão này chưa được trang bị các loại đường ray và hỗ trợ di chuyển khác mà họ có tại nhà.

Những người tham gia được yêu cầu cung cấp ảnh chính mình từ năm 1959, và khi họ lần đầu đi vào phòng ngủ, mỗi người tham gia tìm thấy các bản sao của những bức ảnh này cùng với những vấn đề của năm 1959 trong tạp chí Life và Saturday Evening Post.

Sau khi cất đồ, mọi người tụ tập tại phòng chính của viện dưỡng lão. Xung quanh là vô số vật dụng từ thời đó, bao gồm cả tivi đen trắng và chiếc radio cổ. Langer thông báo cho những người tham gia rằng trong vài ngày tới, tất cả những đoạn đối thoại về quá khứ của họ phải ở thì hiện tại, và rằng không một đoạn đối thoại nào được phép nhắc đến vấn đề xảy ra sau năm 1959.

Mỗi ngày, những người này tham gia nhiều hoạt động và buổi thảo luận được dàn dựng cẩn thận. Ví dụ, trong một hoạt động, họ được yêu cầu viết một bản phác thảo tự truyện bằng thì hiện tại đơn, kết thúc trong năm 1959. Lúc khác, họ được đưa tới rạp chiếu phim tạm thời để xem Anatomy of a Murder doJames Stewart thủ vai chính, tham gia các cuộc thảo luận về việc phóng vệ tinh Mỹ đầu tiên, chơi những trò chơi như Hãy chọn giá đúng sử dụng mức giá cũ, nghe một bài phát biểu của Tổng thống Eisenhower và ngồi quanh radio nghe tin chú ngựa Royal Orbit thắng giải Preakness năm 1959.

Đối với nhóm kiểm soát, cuộc sống rất khác. Họ nghe âm nhạc hiện đại trên xe buýt, được yêu cầu hồi tưởng về năm 1959 với thì quá khứ, được đưa những bức ảnh hiện tại của người khác và xem những bộ phim hiện đại.

Trong nhiều ngày, Langer có thể thấy hiệu quả ngạc nhiên của việc cư xử Như thể. Nhóm du hành thời gian lúc này đi bộ nhanh hơn và tự tin hơn. Hơn nữa, trong một tuần, nhiều người tham gia quyết định rằng họ có thể tự xoay xở không cần gậy đi bộ. Langer thực hiện nhiều phép đo tâm lý và vật lý trong suốt thí nghiệm và khám phá rằng nhóm du hành thời gian cho thấy có sự cải thiện về sự khéo léo, tốc độ di chuyển, trí nhớ, huyết áp, thị lực và thính lực. Điều thú vị là 60% số người trong nhóm du hành thời gian cho thấy sự cải thiện trong các bài kiểm tra trí thông mình so với chỉ 40% của nhóm còn lại. Cư xử như thể họ còn trẻ đã ném tuổi tác ra khỏi cơ thể và tâm trí họ.

Để tìm hiểu xem liệu nghiên cứu ban đầu của Langer có thể lặp lại, đài BBC mới đây đã thực hiện lại thí nghiệm của cô.

Sáu người cao tuổi nổi tiếng của Anh đồng ý thử và quay ngược đồng hồ về thời hoàng kim của họ những năm 1970. Đài BBC hé lộ những bức ảnh về phòng ngủ của những người nổi tiếng đó trong thập kỷ trước và xây lại các phòng tới từng chi tiết nhỏ, hoàn thành các nền tường tạo ảo giác và thảm xoáy. Trong tuần đó, mỗi người nổi tiếng có một cơ hội làm sống lại khoảnh khắc quan trọng trong đời mình, ví dụ như với vũ công Lionel Blair quay trở lại sân khấu Palladium để dàn dựng một vở múa.

Chỉ trong một hoặc hai ngày, nhiều người nổi tiếng cho thấy sự cải thiện về trí nhớ, thể lực, năng lượng và tâm trạng. Liz Smith, nữ diễn viên 88 tuổi, từng bị ba lần đột quỵ, lại nhanh chóng cho thấy bà có thể đi loanh quanh mà không cần gậy đi bộ. Trước thí nghiệm này, Dickie Bird, trọng tài môn cri-kê, từng trở nên cô độc, nhưng trong vài ngày lại trở thành cuộc sống và linh hồn của bữa tiệc. Các bài kiểm tra đánh giá tuổi sinh học của những người tham gia cho thấy hai người trong nhóm có bộ não của một người trẻ hơn 20 tuổi và toàn bộ nhóm cho thấy sự cải thiện đáng kể về trí nhớ và trí thông minh.

Đây không phải là những thí nghiệm duy nhất cho thấy khả năng làm chậm hiệu ứng lão hoá bằng cách hoạt động như một người trẻ tuổi.

Nghiên cứu khác kiểm tra liệu ở gần trẻ em có thực sự giữ tuổi trẻ cho bạn. Trong nghiên cứu nọ, Langer kiểm tra tuổi thọ của những phụ nữ có con muộn so với những người có con sớm hơn. Bạn có thể cho rằng việc ở quanh những đứa trẻ khi bạn đã bốn mươi không phải là ý tưởng hay nhưng bạn đã nhầm. Thực tế, phụ nữ có con muộn có tuổi đời dài hơn hẳn những người khác. Tương tự, Langer tìm những cặp đôi đăng ký kết hôn có tuổi đời lệch nhau hơn 40. Cô giả thuyết rằng bạn đời trẻ hơn có vẻ sẽ cư xử như thể họ già hơn thực tế, và bạn đời già hơn cư xử như thể họ trẻ hơn. Điều này có ảnh hưởng đáng kể lên tuổi đời của họ, những người trẻ hơn có tuổi đời thấp hơn hẳn.

Tiếp đó là sức mạnh của khiêu vũ (Không phải vấn đề lần đầu được đề cập trong cuốn sách này). Những nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Albert Einstein tại New York theo dõi một nhóm hơn 500 người tham gia giữa năm 1980 và 2001. Khi lần đầu tham gia nghiên cứu, từng người phải cho thấy mức độ tiến hành hàng loạt hoạt động kích thích bộ não của họ (đọc sách, viết cho khuây khoả, giải ô chữ, chơi cờ, tham gia thảo luận và chơi nhạc cụ), hoặc cơ thể (chơi tennis hoặc gôn, bơi lội, đạp xe, khiêu vũ, đi bộ, leo núi, làm việc nhà). Khi 500 người tham gia nằm ngoài 75 tuổi, các nhà nghiên cứu giám sát mức độ phát triển bệnh mất trí nhớ của họ. Những người đọc sách giảm 35% nguy cơ bị bệnh mất trí nhớ, trong khi giải ô chữ trong ít nhất bốn ngày một tuần có thể giảm 47%. Đáng ngạc nhiên là, gần như không có hoạt động vật lý nào như đạp xe, bơi lội có tác động. Ngoại lệ đối với quy luật này là khiêu vũ, những người trong nhóm thường xuyên khiêu vũ giảm một mạch tới 76%. Với việc liên tục nhảy múa suốt đêm, những người này hành động như thể họ còn trẻ, và theo thời gian, điều này giúp làm chậm hiệu ứng lão hoá.

Là một nhà soạn kịch, George Bernard Shawtừng nhận xét khôn ngoan rằng “Chúng ta không ngừng chơi bởi chúng ta già đi, chúng ta già đi bởi chúng ta ngừng chơi”

Cách làm chậm lão hoá

Dưới đây là năm lời khuyên từ nghiên cứu của Ellen Langer để giúp bạn làm chậm ảnh hưởng của lão hoá:

– Duy trì ý thức kiểm soát cuộc sống của bạn: Đừng liên hệ lão hoá với sự vô dụng và phụ thuộc vào người khác. Thay vào đó, cố gắng phát huy kiểm soát ở các khía cạnh trong cuộc sống nhiều nhất có thể. Nghiên cứu của Langer cho thấy thậm chí lượng kiểm soát nhỏ nhất cũng tạo nên sự khác biệt lớn. Tự đi mua sắm, chăm sóc cây trồng trong nhà, quan tâm tới vườn tược, nuôi thú cưng, chịu trách nhiệm về tài chính và đi đó đây theo đam mê của riêng bạn.

– Giữ tinh thần hoạt động: Có nhiều tranh luận về việc liệu thứ gọi là “luyện tập não” có ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần của bạn. Tuy nhiên, hành động như thể bạn thích thú thế giới xung quanh rất có lợi. Nắm bắt tin tức thế giới, tìm xem có điều gì đang xảy ra trong khu nhà của bạn, viết blog, đặt mục tiêu, ham hiểu biết, duy trì thói quen và sở thích, giữ liên lạc với bạn bè và gia đình.

– Trái tim trẻ trung: Nghiên cứu của Langer cho thấy những người dành thời gian với trẻ em và những người trẻ tuổi hơn sẽ trẻ trung hơn. Hãy dành thời gian trong cuộc sống cho trẻ con và những người bạn, người hàng xóm trẻ tuổi.

– Tích cực hoạt động: cố gắng di chuyển như một người trẻ tuổi. Giữ hoạt động thể chất ở mức có thể, tiếp tục tham gia thể thao, bước đi một cách vui vẻ và nhớ rằng cho đến lúc này, lợi ích tâm lý nhiều nhất tới từ khiêu vũ.

– Nỗ lực: Cách bạn nhìn nhận ảnh hưởng tới cách bạn cảm nhận. Trong một nghiên cứu, Langer đo huyết áp của phụ nữ trước và sau khi nhuộm tóc. Những phụ nữ nghĩ rằng họ nhìn trẻ hơn sau khi nhuộm cho thấy huyết áp giảm đáng kể. Hãy cố gắng nhìn nhận và ăn mặc trẻ hơn vài tuổi so với hơn thực tế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.