Thuở ấy ở vùng Sủi có hai mẹ con bà goá sống ở cuối làng. Người mẹ năm nay mới ngoài 40 tuổi, có cái lưng tròn lẳn, thắt đáy, vồng ngực cao dày. Cái miệng tươi duyên lại thêm má lúm đồng tiền. Đôi mắt to sâu, ai nhìn vào cứ như nhìn giếng đêm hun hút như không có đáy bao giờ. Dân làng bảo nhau, vì đôi mắt ấy mà nó goá chồng sớm. Người đàn bà đẹp như thế mà ở goá đến mười năm, lại nhất mực nết na, ối kẻ sàm sỡ không được mà cũng chẳng dám đặt điều nọ kia.
Cô con gái năm nay 16, tóc đã vào cữ óng, da vỡ ra trắng nõn. Có nhiều nét giống mẹ nhưng đôi mắt thì nông hơn chứ không thẳm sâu như mắt mẹ.
Hôm ấy là rằm tháng năm, trăng sáng long lanh trên những tàu lá chuối, cô con gái tên Lụa thấy mẹ có vẻ rộn ràng từ chiều. Mẹ tất bật ra vườn chặt buồng chuối xanh, rồi sắp vào cái thúng. Mẹ còn đi mua mấy gói thuốc lào xếp cẩn thận vào thúng, đậy vỉ buồm lên. Mẹ lấy một chiếc bát đổ vào lưng nước rồi đặt lên trên vỉ buồm. Mẹ giục Lụa nấu cơm ăn sớm. Gà mới lên chuồng mẹ đã giục Lụa đi ngủ, gái ngoan nên dẫu có thắc mắc trong lòng Lụa cũng không hỏi mẹ. Lụa nằm trên giường không ngủ được. Cô nhìn qua cửa sổ ngắm trăng trải trên mặt đất mà thấy lòng rạo rực vô cùng. Sự rạo rực đó khiến cho má cô nóng bừng. Cô muốn hát lên. Cô bỗng nhớ tới anh chàng đã trêu cô ban chiều khi cô đang tát nước. Anh chàng đấy bảo cô: Lụa ơi em xinh thế. Lấy anh em không bị goá chồng sớm đâu. Cô đã phạng cả cái gầu vào người anh ta. Ý nghĩ miên man của Lụa làm thời gian trôi đi rất nhanh. Lụa nghe tiếng động khe khẽ trong buồng mẹ, Lụa nhắm mắt thở đều đều. Lụa nghe tiếng chân mẹ bước nhẹ đến bên giường Lụa nhòm vào màn rồi tiếng chân mẹ quay đi. Lụa mở choàng mắt nhìn theo mẹ. Mẹ cất chiếc thúng lên đầu lách cửa liếp đi ra khỏi nhà. Lụa tung màn vấn lại tóc trong lòng đầy nghi ngờ. Những câu hỏi đầy sự thắc mắc ở đâu cứ ùa về nặng đầu Lụa. Lụa quyết định đi theo mẹ xem mẹ đi đâu.
Mẹ thoăn thoắt bước trên con đường lảng. Lụa đi sau cách mẹ khoảng 20 bước. Hết đường làng mẹ rẽ ra con đường dẫn ra cây gạo ở ruộng dâu cổ thụ. Bọn trẻ con ở làng gọi ruộng dâu này là ruộng dâu cổ thụ vì ở đây có những cây dâu rất to. Thường những cây dâu ở bãi bồi thân chỉ to như cổ tay em bé, cao đến ngang ngực thanh niên. Vậy mà những cây dâu ở đây có thân to như cây mít bà trồng đã mấy mươi năm. Thân cây xù xì, tán lá rộng nhưng lá dâu nhỏ và cằn. Đây là nơi bọn trẻ rất thích nhưng cũng là nơi bị cấm đoán. Người lớn cứ doạ bọn trẻ:
– Đứa nào bén mảng ra đấy con tinh dâu nó ra bắt nhập vào cây dâu.
Từ xa Lụa nghe tiếng xôn xao, tiếng nói tiếng cười như họp chợ. Lụa lại thấy chân mẹ lại bước líu ríu hơn, đến gần thì ra chợ thật. Lụa thấy từ các con đường nhỏ có vô khối người đi đổ dồn vào ruộng dâu cổ thụ. Chỗ đông người Lụa phải theo sát mẹ hơn để khỏi lạc. Mẹ Lụa đi đến gốc dâu chưa có ai ngồi cất thúng đội trên đầu xuống đất rồi bày chuối, bày chanh lên đó. Mẹ ngồi bán hàng. Lụa thầm nghĩ: Mẹ đi bán hàng ở chợ đêm sao phải giấu mình, lí ra mẹ nên rủ cả mình đi cho vui chứ. Nghĩ rồi thấy yên tâm, Lụa đi chơi chợ. Chợ đêm trăng sao mà đẹp thế, tiếng lao xao, tiếng nói cười, tiếng mua bán là thật. Nhưng những bước chân người sao cứ như bay, như lướt thế kia. Mặt người thì rạng rỡ hoan hỉ. Những người gặp nhau mừng rỡ, có người tủi tủi hờn hờn rồi ôm chặt lấy nhau như chẳng muốn rời. Sau đó lại đưa nhau đến ngồi dưới gốc dâu. Đa phần cứ ngồi thế, chứ ít người mua bán. Chợt có tiếng sáo cất lên. Tiếng sáo vi vút reo vui. Giờ Lụa nhảy chân sáo thật. Tiếng sáo rộn rã quấn vào từng bước chân Lụa. Lụa lại thấy hai má mình nóng bừng. Cô đi theo hướng có tiếng sáo. Dưới một gốc dâu có một người đàn ông đang thổi sáo. Trước mặt người ấy là một mớ sáo trúc. Lụa sà vào đống sáo trúc cầm một cây ngắm nghía. Người đàn ông ngừng thổi hỏi Lụa:
– Cô cũng thích sáo trúc ư?
– Vâng.
– Để tôi chọn hộ cô một cây.
Lụa ngửng mặt lên nhìn. Người đàn ông còn trẻ, mặt thanh tú.
– Mấy tiền?
– Một quan.
Lụa sờ túi áo mới chợt nhớ ra cô không mang tiền, vì cô đang ngủ mà.
– Tôi quên tiền rồi.
– Không sao, lần sau cô mang trả tôi cũng được. Thế cô biết thổi sáo không? Cô thổi thử đi.
– Tôi chưa biết thổi.
– Thế để tôi dạy cô thổi nhé. Đây cô bịt các ngón tay vào các lỗ này, thế. Cô lấy hơi thổi vào cái lỗ này…
– Tôi học sau vậy. Bây giờ thì anh thổi sáo cho tôi nghe đi.
Tiếng sáo réo rắt lại vang lên, từng khúc từng khúc. Có khúc da diết buồn, có khúc rộn rã. Có khúc bay bổng, có khúc lắng sâu….Lụa không đi xem chợ được nữa, cô chìm trong tiếng sáo với những cảm giác lạ lần đầu sống động trong cô.
Trăng đã ngả trên đầu ngọn tre, người thanh niên ngừng thổi sáo bảo với Lụa:
– Chợ sắp tan, đến lúc tôi phải về rồi. Cô cầm lấy cây sáo của tôi đi, rồi phiên sau cô đến trả tiền tôi cũng được.
– Tôi chả lấy sáo của anh đâu, tôi đã biết thổi sáo đâu mà lấy về làm gì.
– Thế phiên sau cô đến nữa không? Cô đến nữa nhé. Tôi chờ cô ở đây, tôi sẽ dạy cô thổi sáo.
– Chào anh, lần sau tôi sẽ đến.
Nói rồi Lụa ba chân bốn cẳng rảo bước. Lúc đi qua chỗ mẹ cũng thấy mẹ dọn hàng vào thúng.
Lụa đi nhanh về nhà, xuống cầu ao rửa chân rồi chui ngay vào màn nằm điều chỉnh cho hơi thở đều đều. Khoảng mười phút sau mới nghe tiếng mẹ về. Cơn buồn ngủ nhấn chìm Lụa vào giấc ngủ thiếu nữ.
Sáng hôm sau hai mẹ con Lụa cùng dậy muộn hơn mọi ngày. Tiếng lợn đói réo ầm trong chuồng hai mẹ con mới quáng quàng trở dậy. Mẹ trách Lụa:
– Mẹ mệt dậy muộn đã đành, con sao hôm nay cũng ngủ quên à?
Nói thế nhưng Lụa thấy mặt mẹ rạng rỡ, vui sướng. Đìêu mà Lụa rất ít gặp ở mẹ.
Trong lòng Lụa cũng có sự biến đổi lạ thường. Ngoài những lúc bận rộn làm việc đồng áng, việc nhà thì thôi chứ có lúc nào rỗi một chút là ý nghĩ của Lụa lại quay về cái đêm rằm tháng năm ấy. Và người thanh niên bán sáo luôn trở lại trong ý nghĩ của Lụa với một sự đê mê, dịu dàng. Lụa mong cho chóng đến ngày rằm tháng sau.
Đêm rằm tháng sau rồi cũng đến. Lụa quan sát mẹ, một hành trình dường như đã thành thói quen ở mẹ. Vẻ mặt mẹ đầy háo hức chờ đợi. Cái điều Lụa cũng ít thấy ở mẹ.
Đã quen đường nên Lụa không còn phải bám theo chân mẹ nữa. Đợi mẹ đi ra khỏi nhà, Lụa dậy châm ngọn đèn hạt đỗ, lấy chiếc gương nhỏ ra soi. Chải lại mái tóc rồi vấn lên gọn ghẽ. Lụa không quên cài chiếc lược sừng vào tóc như để trang điểm giống như các cô gái trong làng thường làm. Lấy mấy quan tiền dành dụm trong ống bỏ vào túi áo. Lúc bấy giờ Lụa mới thong dong đi.
Lụa đi chầm chậm trên con đường ruộng. Lúa mới cấy đang bén rễ mà đã toả mùi thơm. Trong lòng phơi phới, Lụa thò tay khẽ vuốt mấy ngọn lúa dưới ruộng. Như được thể các ngọn lúa cù vào chân Lụa như để trêu:
-Tôi biết cô rồi đấy nhé.
Khi đến nơi chợ đã đông người. Lụa đến gốc dâu mẹ ngồì khi trước, đã thấy mẹ ngồi đấy với chiếc vỉ buồm bày hàng ra bán. Lụa đi tìm gốc dâu của người bán sáo vẫn chưa nghe tiếng sáo cất lên. Chắc là người ta chưa đến. Thì đi xem chợ đã.
Lạ kì sao chợ chỉ bán có hoa quả. Rặt không thấy một hàng cá, hàng tôm, hàng thịt, hàng rau, hàng cám, hàng gạo, hàng mắm, hàng muối nào cả. Đầu chợ cũng chẳng có mấy hàng lò rèn như chợ ban ngày. Cuối chợ chẳng thấy có hàng con giống, con má nào. Thay vào đó lại thấy hàng bán chữ. Cái hàng bán chữ ở chợ ban ngày chỉ giáp Tết mới có. Ồ lạ nhỉ. Điều băn khoăn của Lụa chưa giải thích được thì tiếng sáo cất lên. Lụa mải mốt rảo chân về nơi có tiếng sáo.
– Chào cô, cô đây rồi. Tôi chỉ lo cô không đến.
Tiếng người bán sáo reo lên khi trông thấy Lụa.
– Hôm nay tôi mang tiền đi đấy. Tôi sẽ mua cho anh một cây sáo.
– Cô đến là tôi vui lắm rồi. Cô ngồi xuống đây tôi dạy cho cô thổi sáo. Tôi tên là Thắng, còn cô tên là gì?
– Tôi tên là Lụa.
– Tên cô hay quá. Lụa dệt từ tằm ăn lá dâu quê mình phải không?
– Tôi cũng không biết, mẹ bảo tên của cha đặt cho tôi đấy.
Người thanh niên bán sáo dạy cho Lụa thổi sáo rất nhiệt tình. Nhưng thực ra Lụa chỉ thích nghe người ấy thổi sáo thôi.
Tiếng sáo réo rắt lại vang lên từng khúc, từng khúc. Lần này có khác là không có khúc nào buồn, chỉ có những khúc vui. Có lúc tiếng sáo reo vui đến mức Lụa phải đứng lên. Cô dang tay quay vòng và miệng ngân nga hát. Rồi cô bỗng sợ mẹ biết nên bịt chặt miệng lại ngồi xuống bên cạnh người bán sáo. Anh thanh niên hỏi Lụa:
– Cô có vui không?
– Có, chưa khi nào tôi vui như thế.
– Lụa bao nhiêu tuổi?
– Tôi mười sáu.
– Thế Lụa gọi tôi là anh đó. Tôi đã hai mươi tuổi rồi.
– Anh Thắng ơi, phiên chờ nào anh cũng đi bán sáo ở đây ư?
– Đúng vậy.
– Em thấy có ai mua đâu?
– Thi thoảng cũng có ngưòi mua đấy. Nhưng anh cũng không cần bán đâu. Anh chỉ đến gặp mọi người cho vui thôi.
– Sao em cũng đến đây?
– Em theo mẹ. Mẹ không biết em đi theo mẹ thế này đâu. Mẹ bắt được mẹ giận đấy. Mẹ chưa bao giờ cho em biết về cái chợ này.
– Ừ, đáng lẽ em đừng nên đến đây.
Giọng người thanh niên chùng xuống, buồn.
– Sao thế hả anh? Cái chợ này vui lắm mà.
– Lụa xinh quá, em có biết em xinh không?
– Có mấy anh thợ cày cũng trêu em như thế.
– Thế em đã có ai hỏi chưa?
– Úi em còn bé. Nhưng mà mẹ bảo cũng phải nhận lễ nhà ai đấy chứ nếu không thì ế mất.
– Vậy em, em…
– Có điều gì mà anh không nói được vậy hả anh?
– Sắp tan chợ rồi. Em cho anh chiếc lược của em nhé. Nếu không em cho anh mượn, phiên sau anh sẽ trả.
– Nếu anh thích thì anh cứ cầm đi. Mẹ em hỏi thì em sẽ nói dối là đánh rơi ở cầu ao rồi.
– Em ơi, phiên sau em lại đến nữa nhé. Em mà không đến anh buồn lắm đấy.
Dùng dằng mãi Lụa mới rứt được bàn tay ra khỏi tay Thắng để về nhà.
Sáng ấy hai mẹ con lại dậy muộn.
Phiên chợ rằm tháng bảy đông nghịt người. Đặc biệt là rất nhiều người gầy gò, ăn mặc rách rưới, vẻ mặt rầu rầu, buồn bã. Lụa đã giấu chuẩn bị một ít quả ổi, na, quả chuối định bụng sẽ đưa cho Thắng để anh mang về làm quà cho các em. Chứ mấy phiên chợ rồi có bán được cây sáo nào đâu, làm gì có tiền mà mua quà.
Len mãi mới đến được chỗ Thắng ngồi. Thấy Lụa, Thắng vui mừng khôn tả. Thắng cầm hai bàn tay Lụa dắt đến bên ngồi rồi không bỏ ra nữa.
– Lụa ơi, không được gặp em anh buồn lắm. Anh nghĩ kĩ rồi. Anh sẽ bảo mẹ anh mang lễ vật đến nhà em để hỏi em. Em nhận lời với anh đi nhé.
– Nhưng em chưa nói gì với mẹ cả. Em sợ mẹ không đồng ý.
– Thế em có đồng ý anh không?
– Nhưng mà làm vợ phải làm như thế nào?
– Em cứ nhận lời anh đi. Anh sẽ thổi sáo cho em nghe. Anh sẽ không bao giờ làm em buồn đâu.
– Ừ, thế em đồng ý làm vợ anh đấy.
– Lạy trời. Cảm ơn em.
Nói rồi Thắng kéo tay Lụa chạy tuột về hướng ruộng dâu xanh ngút đầu người. Chỗ này vắng vẻ không có người qua lại. Thắng ngồi xuống bãi cỏ, kéo Lụa vào lòng mình, vòng tay ôm chặt lấy Lụa rồi thơm vào má Lụa. Khi đôi môi của Thắng chạm vào má Lụa, Lụa có cảm giác như da thịt mình tách ra để một luồng khí trời thổi vào chảy giần giật xuống đến chân, rồi chạm vào đất đẩy cả cơ thể Lụa bay vút lên trên không như cánh sáo diều. Một thứ âm thanh không thể tả được reo vang bên tai Lụa. Là tiếng sáo của Thắng, lời âu yếm của mẹ, tiếng con chim chích mỗi sáng hót trên cây nhãn trong vườn, tiếng con ve rộn rã và tiếng lúa thì thầm quấn vào chân, ghẹo cô. Thời gian của những kẻ yêu nhau sao mà trôi nhanh. Thắng giục Lụa nhanh chân chạy về nhà kẻo mẹ biết.
– Anh sẽ đưa em về, chợ tan rồi.
Lụa không có cảm giác bước đi mà lướt trên đường.
Trước khi đi ngủ Lụa thấy trong lòng đầy xốn xang, một cảm giác lạ mà cô chưa thấy bao giờ. Giấc ngủ đêm lại đưa cô vào một cơn mơ lạ. Thắng nằm bên cạnh cô vuốt ve, bàn tay anh động đến đâu thì da thịt cô mở ra đến đó. Một luồng khí trời tinh khiết, một dòng nước nguồn tinh khiết, một tia chớp chói chang bủa vây cơ thể Lụa. Cô nép vào người Thắng.
Sáng hôm sau hai mẹ con Lụa cùng dậy muộn. Mẹ dậy trước phải sang đánh thức Lụa mới dậy. Mặt mẹ có vẻ lo lắng.
– Con bị ốm à? Sao mặt con xanh xao thế kia?
– Không con không cảm thấy ốm. Con khoẻ mà.
Chợt nhớ lại giấc mơ Lụa thấy kinh hãi. Sợ mẹ biết Lụa vùng dậy chạy ra giếng múc thau nước vục mặt vào đó. Mẹ Lụa nhìn theo con thắc mắc.
– Con bé này lạ quá.
Rồi bà tự trả lời:
– Chắc là có đám nào hỏi đây.
Cho đến phiên chợ sau, đêm nào Lụa cũng có giấc mơ kì lạ. Nhưng cũng vì những giấc mơ đó mà Lụa ngày càng hao gầy xanh xao.
Đêm rằm tháng tám, trăng như sáng hơn các đêm rằm khác. Thắng đón Lụa từ cổng chợ.
– Anh nhớ em da diết.
– Ôi.
Suýt nữa thì Lụa buột miệng ra rằng: Đêm nào mà anh chẳng gặp em.
– Em không thấy khoẻ ư?
– Em khoẻ mà.
– Anh đã bảo mẹ việc của chúng ta rồi. Mẹ bảo chờ ngày lành tháng tốt sẽ mang lễ vật sang hỏi em.
Thắng lại dẫn Lụa ra ruộng dâu xanh không có người qua lại. Thắng ngồi thổi sáo để Lụa dựa vào lòng…
Sau phiên chợ Lụa càng xanh xao hơn. Chẳng đừng được nữa mẹ Lụa phải cật vấn con gái.
– Con nói thật cho mẹ đi. Nhà có hai mẹ con. Mẹ đã ở vậy nuôi con. Con có mệnh hệ nào mẹ làm sao sống được. Con có phải lòng ai không con. Hay có người nào bỏ bùa bỏ ngải cho con rồi.
Lụa một mực im lặng. Đến khi nước mắt rơi ướt mặt mẹ thì Lụa chẳng đừng được nữa. Cô oà khóc:
– Mẹ ơi, có anh Thắng ở trên Vóc hỏi con làm vợ. Con đã nhận lời anh ấy. Anh ấy bảo mẹ anh ấy đang chọn ngày lành tháng tốt để đưa lễ vật sang hỏi con.
– Có chuyện ấy mà con cứ giấu mẹ. Vậy sao không thấy nó đến nhà chơi.
– Con chỉ gặp anh ấy ban đêm.
Linh cảm của người mẹ làm bà giật thót mình. Trong đầu người mẹ sắp trước một dự định…
– Bà ơi cho tôi hỏi thăm đường một chút. Bà có biết cháu Thắng con bà Bản ở chỗ nào không?
– Ấy nhà Bản thì tôi có biết, nhưng bà hỏi cháu Thắng thì… thì… Chắc là bà từ xa đến nên chưa biết chuyện. Thôi để tôi dẫn bà đến nhà Bản.
Bà già tốt bụng te tái dẫn mẹ Lụa đến nhà Bản, từ ngõ vào bà đã réo to:
– Nhà Bản ơi có khách xa đến này.
Một người đàn bà có gương mặt phúc hậu già hơn bà một chút ra đón khách.
– Mời bà vào chơi.
– Bà ơi, cho tôi hỏi thăm cháu Thắng.
Người đàn bà hơi chững lại một chút rồi oà khóc:
– Ôi bà ơi, cháu Thắng nó chết rồi, mấy tháng trước cháu lên rừng đẵn trúc về làm sáo bị con rắn xanh nó mổ, cháu chết đã xanh cỏ rồi bà ạ.
– Thế ư, tôi quen cháu đã lâu nay có dịp qua vùng này vào thăm cháu. Không biết cháu mất rồi. Bà cho tôi vào thắp nén hương cho cháu.
Mẹ Lụa châm ba nén hương cắm vào bát hương của Thắng rồi nhìn lên tấm ảnh người con trai khôi ngô tuấn tú. Bà tiếc rẻ: Nếu người này còn sống làm con rể ta chẳng tốt sao. Rồi bà khấn:
– Âm, dương hai cõi khác nhau làm sao mà lấy được nhau. Nếu có linh thiêng xin phù hộ cho em Lụa khoẻ mạnh, lấy được một tấm chồng tốt.
Bà mẹ Thắng mời mẹ Lụa ngồi xơi nước. Xong tuần nước thì hai người phụ nữ như đã thân nhau. Bà mẹ Thắng kể:
– Bà ơi, tôi đang rối ruột chẳng biết tính sao đây. Mấy tháng trước thằng Thắng về báo mộng nó muốn lấy vợ, bảo tôi sắm lễ vật đi hỏi vợ cho nó.
– Thế người nó muốn lấy ở đâu hả bà?
– Nó có nói mà tôi quên mất, mộng mị là quên ngay ấy mà.
– Khổ, cậu ấy chết trẻ quá, còn ham cõi dương.
Mẹ Lụa đau đớn khi biết con mình yêu phải người âm nhưng bà vốn là người cứng rắn. Về nhà bà hỏi Lụa:
– Con đã đi chợ Rằm ở gốc cây dâu cổ thụ ư?
– Sao mẹ biết?
– Thắng của con chết rồi.
– Trời ơi, sao thế được hả mẹ?
Mẹ Lụa bèn kể cho Lụa nghe về cái phiên chợ kì lạ:
Phiên chợ ấy chỉ họp vào ngày rằm hàng tháng, cả người âm và người dương cùng họp chung. Ngươi dương đi chợ thì phải mang theo bát nước, nếu có ai mua hàng của mình phải thả đồng tiền vào bát nước, nếu đồng tiền chìm là tiền dương. Là tiền âm thì không bán vì sáng ngày tiền hoá thành đất cả. Mẹ đi cái chợ ấy có bán mua gì đâu mà chỉ để gặp cha con thôi. Mỗi tháng mẹ được gặp cha một lần. Nhưng khi gặp mẹ bố con cũng có vui đâu. Ông ấy đã có cuộc sống riêng của ông ấy rồi. Thương mẹ mà cứ phải gặp đó thôi. Nghe mẹ kể Lụa khóc nức nở. Cô thấy thương cho Thắng qúa.
– Sao có thể thế được hả mẹ. Con không thể nào tin được điều đó.
– Con ơi, con hãy cố gắng bình tâm lại. Đến phiên chợ rằm tới mẹ con mình cùng đi.
Phiên chợ rằm tháng 9 hai mẹ con Lụa đi trong nỗi buồn đeo nặng. Trăng rằm trong không khi se lạnh mùa thu như ngưng đọng lại vạn vật. Ánh trăng mùa thu vàng hơn. Chợ đã đông người, mẹ kéo Lụa đến gốc dâu cổ thụ mẹ hay ngồi.
– Phải lúc nữa thì bố con mới đến. Bố nhớ con lắm, nhiều lần bố bảo mẹ đưa con đi cùng nhưng mẹ sợ. Thế mà cái điều mẹ sợ nhất đã xảy ra.
– Này con, con còn nhớ mặt bố không?
– Lâu lắm rồi con chỉ nhớ mang máng thôi.
– Con cứ ngồi đây chờ bố đến đã nhé.
Tiếng sáo vang lên làm lòng dạ Lụa rối bời. Cô chỉ muốn chạy ngay đến bên Thắng nhưng còn ngại mẹ. Nhận thấy sự bồn chồn của con gái, mẹ an ủi:
– Con ngồi đây chờ mẹ một lát, mẹ chạy ra đây một tí. Khi mẹ về con sẽ được gặp Thắng.
Gái ngoan nên dẫu rất nóng lòng muốn gặp người yêu Lụa cũng nghe lời mẹ.
Một lúc lâu có một người đàn ông tiến về phía Lụa. Bố, đúng bố rồi. Tiếng reo trẻ thơ vang lên trong đầu Lụa. Tuy nhiên cô gái 16 tuổi đã biết e thẹn trước bố:
– Con chào bố.
– Chà con gái bố lớn quá rồi. Để bố ngắm con gái bố tí nào.
Bố đến bên Lụa, cầm lấy tay Lụa.
– Con gái bố xinh quá.
Sau phút mừng tủi bố con gặp nhau, Lụa hỏi bố:
– Bố ơi mẹ nói sao khi gặp mẹ bố lại không vui?
– Bố rất vui con ạ, vui rồi lại buồn. Buồn vì hiện tại mỗi người có một cõi sống riêng biệt không thể nào chăm sóc cho nhau. Giá mẹ con đừng nặng lòng với bố đến thế, cứ lấy một người đàn ông nào khác đó trên dương gian để người ta chăm sóc lúc trái gió trở trời, lúc buồn đau cô quạnh. Bố biết mẹ có lúc khắc khoải cô đơn mà không có cách gì để động viên an ủi mẹ. Hàng tháng chỉ được gặp nhau vội vàng trong phiên chợ rằm này lại càng làm mẹ con khắc sâu kí ức. Bố buồn vì nỗi như vậy con ạ.
– Nhưng mà…
– Con định nói gì thì cứ nói cho bố nghe xem nào.
– Con thấy không phải chỉ là nhớ lại kí ức đâu, mà là thật đấy bố ạ. Nếu đêm nào bố cũng về bên mẹ, mẹ sẽ rất vui sướng thật đấy.
– Con muốn nói đến những giấc mơ ư? Đó chỉ là mộng thôi con ạ. Khi con nhắm mắt vào thì giấc mộng sẽ đến. Khi con mở mắt ra chỉ còn nỗi nhớ thôi. Mà người dương gian các con thì rất cần những thứ khi mở mắt ra cơ…
Trong khi Lụa đang nói chuyện với bố thì mẹ Lụa đã lẳng lặng đi tìm Thắng. Cũng như con gái bà hướng theo tiếng sáo đang da diết vang lên để tìm người. Kia rồi, Thắng vừa thổi sáo vừa nhấp nhổm như chờ ai.
– Cậu bán cho tôi một cây sáo.
– Bà cũng thích thổi sáo ư?
– Tôi muốn mua về cho con gái.
– Con gái bà thích thổi sáo ư?
– Nó rất thích thổi sáo. Đặc biệt là nó mê tiếng sáo cậu vừa thổi.
– Thế con gái bà là… là…
– Nó tên là Lụa.
– Vậy hôm nay Lụa không đến ư?
– Cậu Thắng ơi, tôi đã đến nhà cậu, gặp mẹ cậu và biết chuyện của cậu. Tôi rất lấy làm buồn. Tôi biết cậu yêu thương con Lụa nhà tôi lắm, con Lụa nhà tôi cũng thương cậu. Nhưng cậu là người âm, con Lụa là người dương. Âm dương cách trở cả một đời người thì làm sao mà sống chung với nhau được. Cậu có khôn thiêng phù hộ cho em nó lấy được một người chồng tốt trên dương gian như những người bình thường khác. Nếu là duyên phận trời định chúng tôi xin nhận cậu làm con cái trong nhà, hàng tháng thắp hương, hàng năm giỗ cậu.
Nước mắt rơi ướt mặt mẹ Lụa. Thắng cũng khóc, một lát bình tĩnh lại Thắng nói với mẹ Lụa:
– Bà đã nói vậy cháu chẳng còn biết nói thế nào nữa. Chỉ xin cho cháu được thỉnh thoảng gặp Lụa.
– Tôi xin cậu, nếu cứ gặp nhau thì đến khi nào con Lụa mới quên được cậu. Cậu đừng gặp em nó nữa.
– Vâng thế thì bà cho cháu gửi lời hỏi thăm Lụa, chúc cô ấy tìm được một người chồng tốt.
Nói rồi Thắng thu xếp đống sáo ra về. Mẹ Lụa chép miệng:
– Rõ con nhà tử tế sao mà yểu mệnh.
Mẹ Lụa trở về gốc cây dâu hay ngồi để gặp chồng. Như mọi bà mẹ có những mánh khoé khi con gái đến tuổi cập kê, mẹ bảo Lụa:
– Con đến gặp Thắng đi.
Lụa như mở cờ trong bụng lao vút đi. Đến gốc dâu Thắng hay ngồi chỉ có ánh trăng sáng chiếu qua tán lá mờ tỏ. Lụa đứng ngẩn ngơ. Thinh không chỉ có tiếng lao xao của lá cây và tiếng nói đứt đoạn của các cuộc chia tay. Lụa nghĩ hay là Thắng chờ cô ở bãi dâu bồi. Cô nhanh chân buớc về bãi dâu bồi nhưng cũng không thấy bóng người đâu. Buồn bã cô ôm mặt khóc…
Lụa lau sạch nước mắt khi đến gần gốc dâu nơi bố mẹ đang ngồi. Lụa nghe tiếng mẹ:
– Có lẽ đây là lần cuối cùng em gặp anh. Em lo cho con Lụa lắm. Oan trái quá, tình yêu đầu đời của nó lại gặp bất trắc.
– Em nghĩ thế cũng phải. Thôi, em về lo cho cuộc sống của mẹ con em. Anh cũng chỉ biết phù hộ cho mẹ con em thôi. Em nhớ an ủi con để nó vượt qua đận này.
– Dẫu không được gặp anh nữa nhưng những kí ức về anh sẽ theo em suốt đời.
– Nếu em cứ nghĩ mãi về anh như thế em sẽ khổ đấy. Có lúc phải quên anh đi. Anh muón em cũng có một người đàn ông nào đó trên dương gian chăm sóc, có thế anh mới yên tâm.
– Em sẽ nghĩ về những điều anh nói…
– A Lụa đã về đấy ư con, con có gặp được Thắng không?
– Hôm nay anh ấy không đến.
– Thế thì con vào chào bố đi mẹ con mình về, muộn rồi.
Bố cầm tay Lụa âu yếm.
– Con gái ngoan của bố. Rồi con sẽ gặp được một người yêu thương con như Thắng đã yêu con thôi. Người ấy sẽ chăm sóc con bằng những hành động cụ thể chứ không phải bằng mộng mị, bằng kí ức đâu con ạ. Dẫu vậy bố cũng biết thời gian trước mắt đối với con rất là khó khăn. Cố gắng lên con nhé.
Nghe bố nói Lụa không giữ được nữa, nước mắt cô vỡ oà, tức tưởi. Bố ôm Lụa vào ngực bố. Rõ ràng Lụa nhìn thấy là ngực bố hẳn hoi nhưng không phải là da thịt người mà chỉ như không khí cô đặc lại mà thôi…
– Con thấy không, đúng bố mà không phải bố.
Từ đó không bao giờ Lụa gặp lại Thắng nữa. Gái ngoan nên Lụa chỉ khóc âm thầm. Cô làm nhiều việc nhà, việc đồng để không có thời gian dành cho mình.
Mẹ Lụa cũng không bao giờ gặp bố nữa. Bà đi vận động địa phương đóng góp tiền của xây một ngôi chùa ở dưới những gốc dâu cổ thụ. Một ngôi chùa rất đep có tên là chùa Dâu. Ở trong ngôi chùa này người âm người dương có thể gặp được nhau qua kí ức trong mờ ảo khói hương. Từ khi có ngôi chùa này thì phiên chợ rằm kì lạ đó không còn nữa.