Dạy Con Kiểu Nhật - Giai Đoạn Trẻ 0 Tuổi

Giai đoạn lẫy: từ 4 – 5 tháng tuổi



• Cầm đồ vật: nhận biết hình khối
• Có thể hội thoại: trẻ bắt đầu nói được ngôn ngữ của trẻ con
• Dung tích sống tăng lên: trẻ có thể khóc với tiếng to và dài
• Cười: biết vui
• Có tính xã hội: hiểu được tâm trạng của đối phương

Vận động

Phản xạ mê lộ

Nền tảng cho nội lực trong cơ thể

Nếu trẻ bắt đầu lẫy được, bạn hãy thực hiện “vận động xoay” nhanh hơn và bắt đầu luyện tập “phản xạ mê lộ” cơ bản cho trẻ. về cơ bản, vận động xoay trong giai đoạn này không có gì khác với vận động xoay của giai đoạn lật người nhưng bạn hãy đặt trọng tâm ở 3 điểm: Xoay đầu với khởi điểm là đầu, xoay nhanh, kết thúc bằng tư thế nằm theo kiểu tượng nhân sư (nằm sấp ngẩng đầu lên) để luyện tập cho trẻ. “Phản xạ mê lộ” sẽ không xảy ra nếu tốc độ xoay đầu sang ngang không nhanh. Cho nên, khi luyện tập phải dần dần thay đổi cường độ của vận động sao cho phù hợp với tình trạng phát triển của trẻ.

Hình 31 – Đặt tay lên cổ rồi từ từ xoay mặt trẻ sang ngang để cổ không phải chịu lực nặng

Hình 32 – Chờ trẻ lật người một cách tự nhiên

Hình 33 – Khi trẻ lật người, bạn hãy xác nhận xem trẻ có dễ thở không, sau đó vuốt nhẹ từ phần gáy xuống dọc sống lưng trẻ.

Hình 34 – Kết thúc bằng tư thế nằm giống như tượng nhân sư. Bạn hãy cho trẻ ngẩng cổ lên ở tư thế giống như tượng nhân sư, rồi thực hiện tương tự với bên còn lại.

Tìm hiểu về não bộ

Phản xạ mê lộ xảy ra nhờ kích thích ở ống hình bán nguyệt

Nếu bạn xoay đầu trẻ sang trái hoặc sang phải thì phần phình ra của “ống hình bán nguyệt ngoài” – một trong ba ống hình bán nguyệt, sẽ bị kích thích và bắt đầu làm việc. Điều tạo nên kích thích chính là gia tốc xoay ngang nên nếu bạn xoay đầu một cách từ từ không thể tạo nên kích thích. Nhờ vào kích thích này, phản xạ chỉnh thế sẽ được tạo ra nhằm giúp trẻ hoạt động độc lập. Khi trẻ còn nhỏ rất dễ dàng gây ra phản xạ mê lộ nên nếu có kích thích này, cơ thể trẻ sẽ phản ứng một cách thích thú.

Hành động

Luyện tập khi thay bỉm (1)

Dạy trẻ nằm im

Đến giai đoạn này, trẻ rất hiếu động, luôn không ngừng hoạt động tay chân ngay cả khi thay bỉm. Chúng ta sẽ dạy cho trẻ cố gắng không giẫy dụa. Bạn có thể sử dụng từ “không được cử động nhé!” hoặc “nằm im con ơi”. Nếu trẻ không ngừng đạp chân, bạn hãy nghiêm khắc nói với trẻ “không được” rồi dùng tay giữ đùi để trẻ không cự quậy được. Trong lúc đó, nhanh chóng thay bỉm cho trẻ, cuối cùng bạn vừa nói với trẻ “con nằm im ngoan quá!” vừa xoa chân cho trẻ để khích lệ. Lúc đầu có thể trẻ không cử động được là do bị bạn giữ chân, nhưng nếu trẻ có thể nằm yên mặc dù bạn phải giữ thì cũng cứ khen trẻ. Sau này chỉ cần bạn nói: “Không được cử động con nhé!”, trẻ sẽ biết là phải nằm im.

Hình 35 – Khi bạn thay bỉm, nếu trẻ không ngừng đạp chân, bạn hãy nói “không được cử động nhé” rồi giữ đùi để trẻ dừng lại.

Hình 36 – Thay bỉm

Hình 37 – Sau khi thay bỉm xong, bạn hãy vuốt ve trẻ và khen “con thật ngoan ngoãn”

Tìm hiểu về não bộ

Tư thế cuộn tròn lăn từ trước ra sau, từ trái qua phải

Để trẻ “không cự quậy chân tay” có hai trường hợp là “trẻ tự từ bỏ” – phản ứng tự chủ từ bỏ và “trẻ buộc phải từ bỏ” – phản ứng buộc phải từ bỏ. Hai phản ứng này đều là hoạt động của phần phía sau của vùng vỏ não trước trán bên phải. Phản ứng thứ nhất sẽ ghi nhớ việc tự từ bỏ bằng cách được khen kèm với phần thưởng là “cảm giác thoải mái” nhưng đối với phản ứng thứ hai thì dù trẻ có từ bỏ cũng không được trẻ tiếp nhận. Để trẻ phát triển tốt hơn cần tận dụng tốt phản ứng thứ nhất.

Điểm lưu ý

Cách để có được phản ứng tự chủ từ bỏ

  1. Luôn luôn dùng những câu nói giống nhau khi bắt trẻ từ bỏ.
  2. Nếu bạn để tay lên trên phần cơ đang hoạt động của trẻ thì không cần dùng lực mạnh vẫn có thể kìm chế hoạt động của trẻ.
  3. Nếu trẻ làm được, bạn hãy khen ngợi trẻ. Bằng cách lặp đi lặp lại bài tập này, trẻ sẽ ứng dụng được vào thực tế cuộc sống (ví dụ: Khi trẻ định sờ vào vật nguy hiểm, hãy nói “không được” để trẻ không sờ nữa.)

Vận động

Vận động trong tư thế nằm

Rèn luyện cảm giác thăng bằng

Khi trẻ đã biết lẫy, bạn hãy chơi đùa để kích thích sỏi thính giác bên trái, bên phải, bên trên và bên dưới của trẻ, nhằm nảy sinh phản xạ mê lộ, luyện tập cho trẻ về cảm giác thăng bằng. Cũng giống như ống thần kinh bán nguyệt, sỏi thính giác là cơ quan nhận biết được trọng lực, lực li tâm, gia tốc thẳng. Cách luyện tập vận động trong tư thế nằm là: Cho trẻ nằm ngửa để vai không rời khỏi sàn rồi giơ chân lên, sau đó hạ xuống. Khi cằm trẻ nâng lên hạ xuống cũng là lúc thế giới mà trẻ nhìn thấy chuyển động từ trên xuống dưới. Việc bạn giơ chân trẻ lên quá cao có thể khiến cổ của trẻ phải chịu lực lớn nên lúc đầu, bạn hãy chú ý chỉ giơ cao một chút thôi, sau khi trẻ đã quen ta sẽ giơ cao hơn.

Hình 38 – Vận động trong tư thế nằm sẽ giúp rèn luyện cảm giác thăng bằng cho trẻ!

Tìm hiểu về não bộ

Sỏi thính giác sẽ bị kích thích do chuyển động lên trên, xuống dưới, qua trái, sang phải

Khi ta chuyển động lên trên, xuống dưới, qua trái, sang phải, sỏi thính giác sẽ bị kích thích. Cảm giác mà cơ quan thụ cảm và trung khu thần kinh cảm nhận được kích thích nhất định (như tốc độ chẳng hạn) là một cảm giác đặc tính. Cảm giác này sinh ra khi sỏi thính giác, ống hình bán nguyệt hoạt động nên được gọi là cảm giác thăng bằng. Khi đi bằng thang máy lên một nơi cao hơn, cảm giác thăng bằng sẽ giúp ta nhận ra mình đang di chuyển lên phía trên. Giữa bên trái và bên phải, kích thích của cảm giác thăng bằng sẽ khác nhau nên ta cảm thấy “chóng mặt”. Kích thích phù hợp đối với sỏi thính giác là gia tốc theo đường thẳng.

Xích đu bằng khăn tắm

Vận động xoay mà trẻ rất thích

Bạn hãy giúp trẻ vừa chơi vừa tạo được kích thích xoay trái xoay phải. Bạn có thể để trẻ nằm ngửa lên khăn tắm rồi bố mẹ cầm hai đầu khăn giơ lên như cuốn lấy trẻ và đu đưa từ trái qua phải, nâng lên hạ xuống. Lúc đầu, bạn hãy nhìn vào trẻ và nói “mẹ đu đưa nhé” sau đó mới đu đưa để không làm trẻ bị bất ngờ. Nếu trẻ cười là thành công. Sau một vài ngày khi trẻ đã quen, hãy dần đu cao lên để tạo kích thích mạnh hơn.

Hình 39

Hình 40 – Khi thực hiện động tác này, bố mẹ phải thống nhất, một người đưa sang trái, một người đưa sang phải, một người nâng lên, một người hạ xuống (như hình vẽ) để trẻ được xoay theo nhiều hướng khác nhau.

Tìm hiểu về não bộ

Trẻ vẫn nhìn rõ được đồ vật dù đang chuyển động

Nhờ vận động nên vị trí mắt, tay, chân trẻ sẽ thay đổi, từ đó phản xạ mê lộ được kích thích. Điều quan trọng để không nhìn mọi vật thành hai khi cơ thể chuyển động là xoay đầu. Ống hình bán nguyệt ngang ở phía bên trái và bên phải làm việc theo gia tốc xoay, còn túi hình cầu của sỏi thính giác làm việc theo gia tốc thẳng. Chỉ bằng cách lặp đi lặp lại kích thích nhỏ, trẻ sẽ cảm nhận được cảm giác thú vị. Bạn hãy vừa luyện tập cho trẻ vừa quan sát nét mặt xem trẻ có cảm thấy thoải mái không.

Cao, cao, cao rất cao

Bài tập để trẻ biết đi và biết chạy

Khi trẻ đi bộ hay chạy, sỏi thính giác phía trước và phía sau tiếp nhận kích thích lên trên và xuống dưới, chúng ta gọi đây là “gia tốc thẳng”. Nếu không luyện tập, trẻ có thể không giữ tốt được vị trí cơ thể và rất dễ bị ngã. Do vậy, bài tập “cao, cao, cao rất cao” là một trò chơi rất tốt nhằm luyện tập cho trẻ quen với “gia tốc thẳng” khi đi và chạy. Bạn cũng phải chú ý đừng thực hiện những động tác nhanh, mạnh, đột ngột bởi nếu kích thích mạnh quá có thể ảnh hưởngkhông tốt đến não của trẻ. Cho nên, lúc đầu, bạn nên vận động nhẹ từng chút một, khi trẻ đã quen hãy vận động nhanh hơn để tạo nên các kích thích mạnh hơn, với trò chơi này, bạn phải đặc biệt chú ý để trẻ không tuột khỏi tay.

Hình 41 – Lúc đầu hãy vận động nhẹ nhàng. Nếu bạn đột ngột gây kích thích mạnh mẽ có nguy cơ làm đứt mạch máu não của trẻ. Cho nên trong khi luyện tập, bạn phải tiến hành từng chút một, dần dần thay đổi độ cao đồng thời luôn luôn quan sát biểu hiện của trẻ.

Hình 42 – Nếu trẻ đã quen, có thể nâng cao hơn.

Tìm hiểu về não bộ

Cho trẻ trải nghiệm góc nhìn khác với thường ngày

Nhấc trẻ lên cao giữ cho trẻ nhìn rõ xung quanh, sau đó dần dần để trẻ ở trạng thái cao như vậy lâu hơn. Khi đưa trẻ từ trên cao xuống, bạn hãy chú ý để trẻ không tuột khỏi tay. Lúc đầu, bạn hãy đưa trẻ xuống từ từ, sau đó dần nhanh hơn. Hơn nữa, sau khi đưa trẻ xuống, hãy hỏi trẻ xem đã nhìn thấy gì ở trên cao. Trò chơi này cũng cần mẹ phải có một thể lực khỏe mạnh.

Từ ngữ

Trò chơi hội thoại

Dần dần dạy cho trẻ những từ có ý nghĩa

Qua 4 tháng tuổi, trẻ sẽ biết phát ra âm thanh như “a…” hay “Ba”, chúng ta hãy bắt đầu chơi trò bắt chước với trẻ. Lúc đầu ta có thể lặp đi lặp lại các chữ cái như a, ô, ư… Nếu bạn khiến trẻ bắt chước lặp đi lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ sớm phát âm được. Lúc này, nếu trẻ nói “ma…”, bạn hãy nói là “là mama” rồi chỉ tay vào mình giúp trẻ dần hình thành mối liên hệ giữa những từ nói ê a với những từ có ý nghĩa.

Hình 43 – Dù trẻ chưa nói được, những vùng não để hiểu ý nghĩa của từ ngữ vẫn đang làm việc. Cho nên, từ giai đoạn này, bạn hãy tạo cho trẻ mối liên kết đến nhiều từ ngữ để gây kích thích đối với trẻ.

Tìm hiểu về não bộ

Trước hết chỉ cần trẻ phát ra âm thanh là được

Đây là trò chơi của nhóm dây thần kinh phản chiếu sử dụng âm thanh. Điều quan trọng lúc này là làm cho trẻ phát ra được âm thanh. Bạn hãy tiếp tục phát ra những âm thanh giống với âm thanh trẻ phát ra. Ví dụ như nếu trẻ nói “ma..”, bạn cũng hãy nói “ma..”. Bạn có thể trả lời bằng giọng lớn hay nhỏ để trẻ phát ra được âm thanh giống như vậy là được. Đôi khi bạn cũng hãy thử phát ra những âm thanh khác với trẻ. Bạn hãy là người chỉ đạo để trẻ phản ứng theo.

Cảm giác

Đi dạo bằng ngón tay

Rèn luyện cảm giác qua da và cảm giác về nhịp điệu

Trẻ rất thích tiếp xúc và chơi với mẹ. Cho nên, bạn hãy ôm trẻ sau đó dùng ngón tay chuyển động trên các bộ phận của cơ thể trẻ, để trẻ thích thú, đồng thời dạy cho trẻ biết nhịp điệu và hoạt động của các ngón tay. Bạn có thể hát các bài hát mà thường ngày trẻ vẫn nghe, nhưng thay đổi chút nhịp điệu rồi chuyển động ngón tay khớp với lời bài hát đó. Bạn cũng có thể mở CD hay video và thực hiện tương tự như vậy. Hãy thực hiện lập đi lặp lại động tác này nhiều lần để giúp trẻ rèn luyện cảm giác qua da về nhịp điệu.

Hình 44 – Bạn hãy nghĩ ra nhiều các hành động khác nhau để khiến trẻ muốn bắt chước.

Tìm hiểu về não bộ

Cố gắng trong 1 giây vận động hai lần

Bạn hãy lặp lại các vận động này với các ngón tay, từ một ngón đến bốn ngón, giúp cho trẻ cảm nhận nhịp điệu. Nếu vận động khớp được với nhạc thì càng tốt. Ban đầu là khoảng 2 giây một lần vận động nhưng dần dần phải luyện tập để trong 1 giây vận động được hai lần. Bạn phải kiên trì luyện tập với trẻ. Nếu trẻ đã thành thạo rồi, bạn hãy thay đổi lực ấn “mạnh/yếu/mạnh/yếu” để cho trẻ bắt chước.

Điểm lưu ý

Luyện tập bằng những bài đồng dao đơn giản

Ban đầu, hãy chơi với trẻ bằng những bài đồng dao đơn giản như “Nu na nu nống”… Thỉnh thoảng, bạn hãy thay đổi nhịp điệu hoặc lặp đi lặp lại cùng một cụm từ, hay đang hát thì dừng lại đồng thời cử Luyện tập bằng những bài đồng dao đơn giản động các ngón tay, như vậy sẽ thu hút được sự chú ý của trẻ. Chúng ta không cần vội cho trẻ nghe nhiều bài hát mà nên lặp đi lặp lại một bài hát thì trẻ sẽ dễ bắt chước hơn.

Vùng vỏ não trước trán

Ú… Òa (2)

Thúc đẩy hoạt động của các dây thần kinh phản chiếu

Với trò chơi “Ú… òa”, trong giai đoạn đầu, trẻ đã nhớ được khuôn mặt trong vòng 5 giây. Bây giờ, vẫn là trò chơi này nhưng ta sẽ thử với bài tập khó hơn để trẻ “hiểu được nét mặt của mẹ”. Bạn hãy cho trẻ nhìn thấy khuôn mặt bạn sắp cười rồi nói “ú…” và che mặt đi bằng khăn hoặc tờ giấy. Bài tập này sẽ giúp trẻ nhớ được nét mặt rồi mong đợi xem chuyện gì xảy ra tiếp theo. Bởi lúc này, trung khu cao cấp của dây thần kinh phản chiếu sẽ làm việc và giúp con người hiểu được tâm trạng đối phương thông qua nét mặt. Từ giai đoạn này, hệ thống dây thần kinh phản chiếu đã làm việc để trẻ nhớ được đồ vật bị giấu đi trong khoảng 5 giây và cảm thấy sung sướng khi lại được nhìn thấy nó. Nếu bạn thấy trẻ chờ đợi hãy nói “òa…” rồi cho trẻ nhìn thấy khuôn mặt bạn đang cười và nói “Con đã chờ như vậy đúng không” rồi khen trẻ.

Hình 45 – Dần dần thời gian để lúc “ú…” lâu hơn nhằm kéo dài thời gian bắt trẻ đợi.

Hình 46

Tìm hiểu về não bộ

Hệ thống dây thần kinh phản chiếu giúp hiểu được tâm trạng đối phương

Không phải chỉ khi bắt chước thì hệ thống dây thần kinh phản chiếu mới làm việc, mà nó còn hoạt động cả khi đoán tâm trạng của đối phương. Dây thần kinh phản chiếu là trung khu cấp cao của hệ thống thần kinh phản chiếu nằm ở phần phía sau bên ngoài của vùng vỏ não trước trán tương ứng với vùng ngôn ngữ mang tính vận động để đưa ra những lời nói có ý nghĩa. Nếu trung tâm khen thưởng làm việc giúp trẻ cảm thấy vui khi nhìn thấy khuôn mặt mẹ thì trẻ sẽ dự đoán kết quả rồi chờ đợi.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.