Dạy Con Kiểu Nhật - Giai Đoạn Trẻ 0 Tuổi

Giai đoạn ngồi: từ 6 – 9 tháng tuổi



• Hoạt động: trẻ vui khi hoạt động.
• Bắt đầu có ý thức về gia đình: để trẻ ngồi ăn cơm với cả nhà.
• Vận động từng ngón tay một: tăng sự hứng thú với đồ vật.
• Thích một cái chăn đặc biệt: biết được cảm giác thích thú khi sờ vào da.
• Sử dụng ống hút: giúp trẻ biết điều chỉnh lực và kích thích khả năng dự đoán.

Từ ngữ

Trò chơi Wa Wa Wa

Giúp trẻ tích cực phát âm

Nếu trẻ đã nói được “ê a” thì chúng ta hãy bắt đầu trò chơi “wa wa wa”. Trước tiên, nếu trẻ đã phát ra được âm thanh thì mẹ cũng bắt chước và phát âm giống như trẻ. Nếu trẻ lại bắt chước theo mẹ thì bạn hãy dùng lòng bàn tay vỗ nhẹ vào miệng để tạo nên âm thanh “wa wa wa” cho trẻ xem. Sau đó, bạn hãy đặt tay trẻ vào miệng mình cho trẻ vỗ để cho trẻ biết âm thanh sẽ được vọng ra “wa wa wa”. Bạn hãy cho trẻ nhìn thật kỹ hình dáng của miệng rồi thay đổi phát âm như “a” hay “i” để trẻ bắt chước hình dáng cũng như âm thanh của mẹ phát ra, dần dần hành động đó sẽ giúp trẻ nhớ được cách phát âm đúng.

Hình 47 – Bạn hãy lặp đi lặp lại nhiều lần để trẻ vừa bắt chước vừa tự mình phát ra âm thanh.

Tìm hiểu về não bộ

Luyện tập để trẻ cùng phát âm

Bài tập này có thể áp dụng từ khi trẻ bắt đầu phát âm được. Nếu trẻ đã phát ra được những âm thanh “ê a” như “a” hay “i”, bạn hãy bắt chước những âm thanh đó rồi dùng tay vỗ nhẹ vào miệng để tạo ra âm thanh “wa wa”. Đây là bài tập liên hệ giữa giọng nói và tay để trẻ bắt chước âm thanh.

Thị giác

Luyện tập nhìn (2)

Nuôi dưỡng năng lực tập trung, tạo nền tảng cho việc “đọc”

Đến giai đoạn này, tầm nhìn của trẻ được mở rộng và trẻ đã nhìn được vật rõ hơn. Đây là giai đoạn cuối cùng để luyện tập nhìn cho trẻ. Bạn hãy dạy trẻ cách quay mặt nhìn về phía có đồ vật. Trước tiên, hãy để trước mặt trẻ một đồ vật mà trẻ thích, sau đó di chuyển đồ vật đến góc cuối tầm nhìn để trẻ phải quay đầu mới nhìn thấy. Bạn hãy chú ý đến phạm vi di chuyển để trẻ có thể xoay đầu nhìn theo được khi đồ vật đang di chuyển. Bạn hãy di chuyển đồ vật đó lên trên, xuống dưới, sang trái, sang phải, nghiêng lên phía trên, nghiêng xuống phía dưới, xoay quanh toàn bộ tầm nhìn của trẻ. Bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần bài tập này, trẻ có thể hình thành được năng lực tập trung bằng cách xoay đầu nhìn và nhìn liên tục không dời.

Hình 48 – Lúc đầu bạn hãy chuyển động từ từ đẩy nhanh tốc độ để luyện tập cho trẻ có thể thích ứng với các chuyển động nhanh hơn.

Tìm hiểu về não bộ

Nếu đôi mắt trẻ có thể nhìn tập trung là có thể đọc được chữ

Trẻ sẽ xoay đầu để tập trung nhìn vào đồ vật nằm trong tầm nhìn của mình. Nhìn tập trung là cách nhìn kết nối các đường bên trong bộ phận trung tâm của võng mạc. Bộ phận trung tâm của võng mạc này là nơi có thể nhìn đồ vật nhỏ nhất trong mắt, nếu trẻ nhìn tập trung được có nghĩa là có thể đọc được các chữ nhỏ. Hầu như sau khi sinh khoảng 4 tháng tuổi là trẻ có thể nhìn tập trung, cho nên bạn hãy thay đổi hướng cũng như độ nhanh khi di chuyển vật để luyện tập cho trẻ.

Hành động

Luyện tập uống bằng ống hút

Nuôi dưỡng cho trẻ tính có kế hoạch

Từ khi còn trong bào thai, trẻ đã có phản xạ hút, hay còn được gọi là “phản xạ bú mút”, nên ngay sau khi sinh ra trẻ đã có thể bú ti mẹ. Chúng ta hãy luyện tập cho trẻ uống bằng ống hút trước khi cho trẻ uống trực tiếp bằng cốc. Uống bằng ống hút là công việc khá phức tạp vì trẻ phải biết “uống bao nhiêu” hay “hút với lực như thế nào”. Bạn hãy dần dần cho trẻ cầm để luyện tập hút bằng ống hút và chú ý để không gây nguy hiểm cho trẻ.

Hình 49 – Phản xạ bú mút sẽ dần dần yếu đi khi trẻ được khoảng 1-2 tháng tuổi. Cho nên ngay sau khi sinh, bạn hãy cho ống hút vào miệng trẻ để làm quen.

Tìm hiểu về não bộ

Với phản xạ bú mút, trẻ không thể uống bằng ống hút

“Hút” là hành động được thực hiện bằng ý thức của bản thân trẻ. Chỉ với việc bú ti mẹ nhờ vào phản xạ bú mút, trẻ sẽ không thể uống bằng ống hút được. Bởi vì trẻ cần phải tự quyết định lượng nước sẽ hút, giữ miệng ống hút bằng lưỡi rồi ngậm miệng. Đối với trẻ, đây là thao tác rất khó khăn. Bạn nên sử dụng ống hút trong suốt để trẻ có thể nhìn thấy chất lỏng đi vào miệng mình, như vậy trẻ sẽ dễ nhớ hơn.

Vận động, từ ngữ

Vận động các ngón tay

Giúp trẻ sử dụng linh hoạt các đầu ngón tay

Nếu trẻ đã ngồi vững, bạn hãy tạo hứng thú cho trẻ bằng các trò chơi sử dụng tay nhiều hơn mức đã làm từ trước đến nay. Giai đoạn này, bạn hãy dạy trẻ cách cử động độc lập ngón cái và bốn ngón tay còn lại. Đây là bài giúp trẻ có thể nắm chính xác đồ vật. Bạn hãy lần lượt gập từng ngón tay cho trẻ xem rồi để trẻ bắt chước. Đồng thời hãy nói tên của các ngón tay cho trẻ nghe như “đây là ngón cái” rồi sờ vào ngón cái để trẻ đồng thời nhớ được cả tên gọi, nhưvậy bạn có thể kích thích tổng hợp lên cả vùng vận động và vùng ngôn ngữ cho trẻ.

Hình 50 – Lúc đầu trẻ còn chưa quen, bạn hãy khẽ chạm vào ngón tay của trẻ thì trẻ sẽ dễ dàng gập ngón tay hơn.

Tìm hiểu về não bộ

Luyện tập tương tự ở cả hai tay

Vận động độc lập từng ngón tay là hoạt động cơ bản để sử dụng tốt bàn tay. Trước tiên, úp bàn tay trẻ xuống, không để trẻ cử động các ngón tay mà mở rộng các ngón tay khác ra phía ngoài (vận nhãn ngoài). Nếu trẻ đã làm được như vậy, bạn hãy ngửa bàn tay trẻ lên rồi lần lượt kẹp chặt đầu ngón tay cái vào đầu các ngón tay còn lại (vận động đối kháng). Nếu trẻ đã làm được vận động này ở một bên tay, bạn hãy tiếp tục luyện tập ở cả tay còn lại.

Hành động

Luyện tập khi thay bỉm (2)

Tạo cơ sở để trẻ học tập

Ta sẽ lợi dụng các hành động phản xạ của cơ thể để luyện tập cho trẻ thông qua các dấu hiệu. Khi tháo bỉm cho trẻ, bạn hãy vừa nói “1” vừa véo nhẹ vào đùi trẻ, sau đó nói “2” đồng thời ấn vào gan bàn chân của trẻ. Nếu bạn véo vào chân, trẻ sẽ co chân lại nhờ vào “phản xạ gấp” do có kích thích, nếu bạn ấn vào gan bàn chân, trẻ sẽ duỗi chân ra nhờ vào “phản xạ kéo căng” xảy ra khi cơ bắp đột ngột bị kéo ra. Nếu trẻ đã có thể co duỗi chân rồi bạn hãy khen ngợi trẻ “con làm tốt lắm” rồi xoa bóp toàn thân cho trẻ. Bạn hãy luyện tập nhiều lần bài tập này khi thay bỉm cho trẻ ở cả hai chân.

Hình 51 – Vừa nói “1” vừa véo nhẹ vào đùi trẻ, trẻ sẽ co chân lại.

Hình 52 – Bạn vừa nói “2” vừa ấn chân trẻ, trẻ sẽ duỗi chân ra.

Hình 53 – Cuối cùng hãy vừa nói chuyện vừa mát-xa toàn thân bé

Điểm lưu ý

Để luyện tập tốt

  1. Trước khi bắt đầu, bạn hãy nói với trẻ: “Bây giờ, mẹ con mình bắt đầu bài tập khi thay bỉm nhé”.
  2. Nhất định bạn phải nói với trẻ để làm dấu hiệu.
  3. Vì trẻ chỉ co duỗi bên chân được kích thích thôi nên hãy tạo ra nhiều kích thích giống nhau ở cả hai bên chân để trẻ luyện tập.
  4. Nếu trẻ đã co duỗi được tốt, bạn hãy khen ngợi trẻ.

Hàng ngày, nếu bạn lặp đi lặp lại bài tập này thì sau đó chỉ cần bạn nói là trẻ đã có thể phản ứng co duỗi tương ứng.

Tìm hiểu về não bộ

Phản xạ có điều kiện tạo nên tính tự phát

Khi thực hiện vận động này, bạn nhớ phải đếm theo “1”, “2”. Việc lặp đi lặp lại động tác này sẽ tạo nên mối liên quan giữa việc đếm và hành động co vào hay duỗi ra của trẻ, vì thế trẻ sẽ dần dần biết co vào duỗi ra khi nghe mẹ đếm. Hành động này gọi là “phản xạ có điều kiện”, nghĩa là ta sẽ cho trẻ một cái điều kiện để trẻ hành động theo, nếu trẻ làm tốt, ta sẽ khen trẻ. Bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy, trẻ sẽ dần dần học tập một cách tự giác.

Vùng vỏ não trước trán

Bài tập cầm đồ vật

Giúp trẻ rèn luyện vùng vỏ não trước trán

Nếu trẻ đã nắm chặt được quả bóng (cầm bằng lực) và chạm từng ngón tay vào ngón tay cái (cầm chính xác), chúng ta sẽ bắt đầu dạy cho trẻ cầm bằng hai ngón – động tác căn bản để sử dụng dụng cụ bằng tay. Nếu hai mẹ con ngồi quay mặt vào nhau sẽ bị ngược tay nên lúc đầu, bạn hãy cùng ngồi quay về một hướng với trẻ, sau đó cho trẻ xem cách bạn cầm đồ vật để trẻ bắt chước. Nếu thấy trẻ có vẻ làm được, bạn hãy cho trẻ tự cầm bằng nhiều ngón. Để trẻ tự quyết định sẽ gập ngón tay nào rồi vừa nhìn cử động của ngón tay vừa cầm vật, như vậy thì không chỉ vùng vận động mà cả vùng số 10 của vùng vỏ não trước trán cũng làm việc. Bạn hãy kiên trì luyện tập để trẻ tự mình suy nghĩ xem sẽ sử dụng ngón nào.

Hình 54

Tìm hiểu về não bộ

Rèn luyện ý chí và thực hiện

Khi trẻ sử dụng các ngón tay một cách có ý thức, vùng não số 10 sẽ làm việc. Trong vùng vỏ não trước trán, vùng số 10 là vùng chỉ có ở con người. Từ khi trẻ có ý thức, vùng số 46 có chức năng suy nghĩ về sự vật và vùng vận động có chức năng hoạt động các ngón tay sẽ làm việc, giúp phát sinh hành động gọi là cầm nắm đồ vật. Đây chính là khởi điểm để trẻ tự mình suy nghĩ và sử dụng dụng cụ. Bài tập này giúp toàn bộ vùng vỏ não trước trán làm việc hết công suất.

Ghi nhớ

Ghi nhớ khuôn mặt

Giúp trẻ ghi nhớ khuôn mặt, ý thức về con người

Bạn hãy sử dụng một chiếc gương để giúp trẻ nhận ra khuôn mặt của mình. Trước tiên, bạn hãy cùng trẻ ngồi trước gương nhìn vào khuôn mặt trong gương, dùng tay chỉ vào mắt và nói đây là “mắt”, chỉ vào mũi và nói đây là “mũi” để dạy trẻ về các đặc điểm trên khuôn mặt và tên gọi của chúng. Nếu trẻ đã bắt chước được theo mẹ có thể chỉ vào mắt, mũi, bạn hãy hỏi trẻ “mắt con đâu nhỉ?” và hướng dẫn trẻ chỉ tay lên mắt mình. Bài luyện tập này giúp trẻ nhận rakhuôn mặt mình và nhớ được tên các bộ phận cấu thành nên khuôn mặt như mắt, mũi.

Hình 55

Tìm hiểu về não bộ

Dạy trẻ phân biệt về mình trong gương với mình bên ngoài

Hai mẹ con đứng nhìn vào gương. Mẹ chỉ vào mắt của mẹ trong gương rồi giục trẻ chỉ vào mắt của mình trong gương. Nếu trẻ làm được, bạn hãy chỉ vào mắt trẻ đang ngồi bên cạnh mình rồi hướng dẫn trẻ chỉ vào mắt của mình. Lặp đi lặp lại nhiều lần bài tập này sẽ giúp trẻ phân biệt được đâu là mình ở trong gương và đâu là mình ở bên ngoài.

Vận động

Trò chơi “mắt mèo”

Mát-xa cho mắt

Bạn ngồi đối diện với trẻ rồi vừa hát “Trợn mắt lên nào, cụp mắt xuống nào, mắt ti hí mắt ti hí. Xoay tròn… xoay tròn… tròn như mắt mèo” vừa dùng ngón trỏ ray phần đuôi mắt lên trên rồi xuống dưới. Đối với trẻ, nét mặt của mẹ cụp xuống hay xếch lên theo nhịp điệu bài hát là điều rất thú vị. Cả hai mẹ con hãy ngồi trước gương để trẻ nhìn thấy sự thay đổi trên khuôn mặt như thế nào rồi bắt chước. Đây là bài tập giúp rèn luyện các cơ tạo nên các nét mặt và luyện tập cách điều chỉnh lực của ngón tay để không làm đau các vùng xung quanh mắt.

Hình 56 – Kéo căng đuôi mắt lên phía trên

Hình 57 – Kéo đuôi mắt xuống phía dưới

Hình 58 – Xoay ngón tay vẽ một vòng tròn ở đuôi mắt giống mắt mèo

Hình 59 – Đẩy đuôi mắt vào phía trong

Hình 60

Điểm lưu ý

Cắt móng tay ngắn rồi mới luyện tập

Giai đoạn này, trẻ vẫn chưa thể đặt được ngón tay chính xác vào mục tiêu mà đây lại là trò chơi cần đặt ngón tay vào vùng xung quanh mắt, nên trước khi chơi, bạn hãy chú ý cắt móng tay để trẻ dù có lỡ chọc tay vào mắt cũng không sao. Móng tay của trẻ rất nhanh dài nên bạn hãy thường xuyên để ý và cắt một cách cản thận.

Tìm hiểu về não bộ

Giúp trẻ nhớ được chuyển động của ngón tay, mắt và mí mắt

Trò chơi này sẽ thực hiện sau khi trẻ có thể nhận thức được khuôn mặt ở phần “Ghi nhớ khuôn mặt”. Bạn vừa nói vừa kéo mắt lên phía trên, xuống dưới rồi xoay vòng tròn. Bạn hãy đặt hai ngón tay trỏ lên hai bên đuôi mắt để nâng lên hạ xuống cả phần mí mắt cùng với chuyển động của mắt. Lúc đầu sẽ hơi khó khăn để trẻ xoay tròn mắt, nên bạn hãy chuyển động chậm cho trẻ xem. Nếu trẻ đã có thể chuyển động bằng ngón tay thì bạn hãy luyện tập đến mắt rồi mí mắt để trẻ ghi nhớ cách chuyển động.

Cảm giác

Trò chơi với ba màu cơ bản

Rèn luyện cảm giác về màu sắc

Khi bạn dạy cho trẻ về màu sắc, hãy bắt đầu từ những màu sắc nét là đỏ, xanh lá cây và xanh dương – “ba màu cơ bản của ánh sáng trực tiếp”. Trước tiên, bạn hãy chuẩn bị các khối màu: đỏ, xanh lá cây và xanh dương rồi cho trẻ nhìn và nói “đây là màu đỏ nhé” để trẻ nhớ màu và tên gọi của nó. Nếu trẻ đã lấy được đúng màu theo lời bạn nói, bạn hãy cho trẻ nhìn hai khối màu khác nhau rồi hỏi “đố con màu đỏ là cái nào?” hay “con thích màu nào?”. Bạn có thể lấy ví dụ về đèn xanh, đèn đỏ trên đường để dạy trẻ.

Hình 61

Tìm hiểu về não bộ

Bắt đầu với “ba màu cơ bản của ánh sáng trực tiếp”

Trong màu sắc có ba màu cơ bản của ánh sáng trực tiếp là đỏ, xanh lá cây và xanh dương, những màu này sẽ sinh ra trong võng mạc. Trước hết, ta sẽ dạy cho trẻ ba màu cơ bản này, cho trẻ cùng chơi với ba khối màu: màu xanh dương, màu xanh lá cây và màu đỏ. Sau đó, dạy cho trẻ nhiều màu khác như màu vàng, màu hồng, màu cam…

Vận động

Cho trẻ chơi mà không cần mặc bỉm

Giúp trẻ sớm biết bò

Nếu trẻ có thể sử dụng tất cả các bộ phận trên cơ thể để chơi, bạn hãy dành thời gian cho trẻ chơi mà không cần đóng bỉm. Như vậy trẻ sẽ không cảm thấy vướng víu khi di chuyển và hoạt động được nhanh hơn. Hơn nữa, trong lúc vận động, trẻ sẽ tự mình học được cách di chuyển chân nên dần dần sẽ biết bò và đi đúng cách.

Hình 62 – Để trẻ tự do chơi đùa tùy thích mà không bị bỉm vướng víu.

Tìm hiểu về não bộ

Tăng cơ hội để trẻ có thể vận động tự do

Trẻ mặc bỉm để giữ vệ sinh nhưng sẽ khiến trẻ hoạt động khó khăn hơn. Vậy nên bạn hãy cho trẻ vận động một cách tự do thoải mái trong trạng thái không mặc bỉm. Đây là bài tập rất có ích cho trẻ sớm biết bò đồng thời giúp phần da ở đầu gối khỏe hơn. Để tránh cho trẻ bị thương hay trầy xước khi luyện tập, bạn nên dọn dẹp phòng sạch sẽ.

Luyện tập cách ngã

Hoạt động phòng vệ để tránh nguy hiểm khi bị ngã ngửa

Trẻ mới biết ngồi chưa thể giữ vững được tư thế và lấy được thăng bằng nên chưa thể ngồi yên được. Lúc này, chúng ta hãy luyện tập cho trẻ cách nằm ngang ra khi mỏi. Đây là hoạt động ứng dụng “phản xạ mê lộ” giúp trẻ phản xạ chống tay phía bị nghiêng ra để đỡ lấy cơ thể khi đầu bị nghiêng sang một bên. Khi trẻ đã có thể ngồi vững là lúc trẻ bước sang một giai đoạn trải nghiệm mới.

Hình 63 – Đặt trẻ ngồi để 2 lòng bàn tay trẻ xòe ra, chạm sàn, rồi vỗ nhẹ vào phía trong khuỷu tay.

Điểm lưu ý

Ngồi vững

Ở giai đoạn này, các cơ giúp trẻ ngồi vững vẫn chưa phát triển. Do đó, khi ngồi trẻ dễ bị ngã sang ngang hoặc ngửa ra sau, nghiêng về phía trước do chân chuyển động. Nếu không luyện tập gì, trẻ dễ bị đập đầu về phía sàn làm đau cổ do đầu quá nặng.

Hình 64 – Cho trẻ luyện tập để có thể xòe tay ra chống lấy cơ thể khi khuỷu tay bị chùng, nửa người bị ngửa ra sau.

Tìm hiểu về não bộ

Luyện tập phản xạ nhanh đối với “gia tốc”

Điều quan trọng là làm sao để khi trẻ ngã sẽ không bị thương. Chúng ta hãy luyện tập nhiều lần cho trẻ bài tập này để đưa ra phản xạ mê lộ khi có gia tốc thẳng đứng và gia tốc xoay. Khi trẻ đã có thể làm nhanh, ta sẽ thử cho trẻ ngã thật. Nếu có chướng ngại vật ở phía trước, trẻ cần chuyển động để tránh nó. Chúng ta sẽ bắt trẻ tăng giảm phản xạ như lúc nhanh lúc chậm. Bài tập này giúp trẻ nhìn nhanh mọi vật xung quanh khi bị ngã.

Ghi nhớ

Tay nào có, tay nào không

Não hoạt động nhanh hơn nhờ việc ghi nhớ vị trí đồ vật

Nếu trẻ đã có thể chơi trò “Ú… Òa (2)” ở phần Giai đoạn lẫy rồi thì đây sẽ là giai đoạn cuối cùng để luyện tập trí nhớ làm việc. Bạn hãy ngửa hai lòng bàn tay, để một vật gì đó như kẹo hay đồ chơi vào một bên tay rồi cho trẻ xem. Khi thấy trẻ đã nhìn kỹ, bạn hãy nắm tay lại và hỏi trẻ “Tay nào có?” rồi bảo trẻ chỉ tay. Lúc đầu bạn hãy để trẻ nhìn thật kỹ để ghi nhớ nhưng sau khi đã quen, hãy rút ngắn từng chút thời gian cho trẻ nhìn. Trong một khoảng thời gian ngắn mà trẻ có thể ghi nhớ được có nghĩa là não trẻ làm việc rất nhanh. Trẻ có thể ghi nhớ để phản ứng nhanh được chính là do sự rèn luyện của não bộ. Bạn hãy lặp đi lặp lại nhiều lần bài tập này chứ không nên nóng vội.

Hình 65 – Để kẹo hoặc đồ chơi trong một bên tay rồi cho trẻ xem.

Hình 66 – Nắm chặt tay lại giấu đồ vật đi ngay trước mắt trẻ

Hãy lặp đi lặp lại hành động “giấu đi” rồi “cho xem”

Đối với trẻ, trò chơi “Tay nào có tay nào không” này khá khó. Bởi trẻ hoàn toàn không nhìn thấy đồ vật. Vì đồ vật sẽ được giấu ở bên trái hoặc bên phải nên sẽ khó hơn trò chơi “ú… òa” có thể nhìn thấy một phần khuôn mặt. Lúc đầu trẻ có thể chưa đoán trúng. Cho nên, bạn chỉ giấu trẻ một chút thôi sau đó cho xem luôn. Dần dần sẽ kéo dài thời gian giấu để luyện cho trẻ vẫn có thể nhớ được đồ vật nằm ở đâu, cho dù có giấu trong khoảng thời gian 20 giây.

Hình 67 – Để trẻ đoán xem bên nào có

Điểm lưu ý

Phương pháp để tăng cường trí nhớ làm việc hơn nữa

Nếu trẻ đã có thể đoán chính xác trong trò chơi “Tay nào có tay nào không”, bạn hãy giấu hai tay đã nắm chặt ra sau lưng, thay đổi vị trí giấu đồ vật mà trẻ không nhìn thấy rồi đưa tay ra phía trước hỏi trẻ “Tay nào có?”. Vì trí nhớ làm việc của trẻ hoạt động tốt nên trẻ sẽ chỉ tay vào bên tay lúc đầu đã cầm đồ vật. Như vậy cũng dạy được cho trẻ trải nghiệm việc đoán sai. Nhờ bài tập này, trẻ sẽ dễ dàng ứng phó với sự thay đổi của các hành động và dễ dàng đưa ra các phản ứng phức tạp.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.