Dạy Con Kiểu Nhật - Giai Đoạn Trẻ 0 Tuổi
Sau khi sinh: từ 0 – 1 tháng tuổi
Thính giác
Nói chuyện với trẻ trước khi bạn hành động
Giúp trẻ rèn luyện năng lực dự đoán ngay từ ngày mới sinh
Trước khi thực hiện một hành động nào đó như khi định cho trẻ bú, thay bỉm cho trẻ hay đưa trẻ ra ngoài, bạn hãy cho trẻ nhìn bình sữa, tã sẽ thay hay chiếc mũ rồi nói với trẻ: “Con yêu, bây giờ ta sẽ… nhé”. Bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy dần dần khi nhìn những đồ vật đó, trẻ sẽ đoán được mẹ định làm gì. Hầu như trong vòng khoảng 1 năm tuổi, trẻ sẽ biết dự đoán, khi mẹ gọi trẻ sẽ mong chờ và chuẩn bị để đón nhận hành động tiếp theo. Nên nhớ rằng khi nói chuyện với trẻ, bạn phải gọi tên trẻ trước tiên.
Hình 8 – Hãy cho trẻ nhìn đồ vật có liên quan đến hành động mà bạn đang định làm rồi nói với trẻ để trẻ chuẩn bị
Tìm hiểu về não bộ
Việc bắt chuyện không phải là “hiệu lệnh”
Bạn hãy nhớ khi định làm gì đó, hãy nói với trẻ. Mặc dù trẻ chưa hiểu được ý nghĩa các câu nói nhưng vùng ngôn ngữ của trẻ đã làm việc. Đây chính là hành động chuẩn bị giúp trẻ hiểu được ngôn ngữ và phát âm. Hành động chuẩn bị này đã có từ khi trẻ được sinh ra. Khi trẻ hiểu được tiếng mẹ gọi, số lượng tế bào thần kinh làm việc đã tăng lên. Việc mẹ nói với trẻ như vậy không phải là “hiệu lệnh” mà là cách bắt não bộ của trẻ làm việc.
Vận động
Nắm chặt và xòe ra
Giúp trẻ dùng tay điều khiển được đồ vật
Bạn hãy chú ý đến bàn tay trẻ. Nó có đang nắm chặt không? Ngay từ khi sinh ra, trẻ đã có phản xạ nắm hai tay. Nếu bạn thấy tay trẻ đang xòe ra, hãy nắm tay trẻ lại. Nếu bạn ấn chặt một que dài – như cái bút chẳng hạn – vào tay trẻ rồi kích thích để bốn ngón tay trẻ nắm lại giống như đang được tay mẹ nắm thì trẻ sẽ ghì lại. Lúc này, ngón tay cái của trẻ sẽ chĩa ra bên ngoài. Nếu tay trẻ đã nắm chặt, bạn hãy kích thích vào mu bàn tay để tập cho trẻ xòe tay ra. Để trẻ thực hiện mỗi hành động nắm chặt rồi xòe ra trong khoảng 3-5 giây rồi lặp lại. Bằng cách luyện tập nhiều lần như vậy, bạn sẽ giúp trẻ nắm tay được chặt và xòe tay được rộng hơn.
Hình 9 – Nếu bạn kích thích bằng một đồ vật giống như cái ống nhỏ ở giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ của lòng bàn tay thì rẻ sẽ nắm tay lại. Khi trẻ nắm chặt, hãy chú ý hướng dẫn để trẻ hướng ngón tay cái ra ngoài.
Hình 10 – Nếu bạn vuốt bàn tay của trẻ đang nắm từ mu bàn tay đến cổ tay, trẻ sẽ xòe tay ra.
Tìm hiểu về não bộ
“Phản xạ nắm” giúp trẻ nắm chặt tay
Người ta gọi phản xạ nắm đồ vật bằng tay là “phản xạ nắm”. Phản xạ là hình thức hoạt động cơ bản của hệ thần kinh, trên cơ sở các phản xạ hệ thần kinh chỉ huy và điều hòa mọi hoạt động của cơ thể. ở phản xạ nắm, nếu bạn sờ hoặc ấn vào lòng bàn tay trẻ, phản xạ sẽ làm việc, các tế bào thần kinh vận động chi phối gân tay sẽ làm việc khiến các gân có chức năng nắm tay co lại tạo nên hành động nắm tay. Chúng ta sử dụng phản xạ này để luyện tập cho trẻ tự nắm chặt hoặc xòe tay ra.
Thị giác
Tập nhìn chăm chú
Trẻ rất thích nhìn đồ vật
Ngay từ khi mới sinh ra, trẻ đã có thể nhìn đồ vật. Cho nên bạn hãy bắt đầu luyện tập kích thích võng mạc cho trẻ ngay từ khi sinh ra. Lúc đầu, hãy dùng khuôn mặt mẹ để kích thích trẻ. Bạn hãy ngồi hướng về phía trẻ cách xa khoảng 30 cm, nói với trẻ là “Mẹ đây” rồi nhìn chăm chú vào mắt trẻ. Nếu đôi mắt trẻ nhìn bạn chăm chú là bạn đã thành công. Bạn hãy lặp đi lặp lại hành động này khoảng 3-5 lần. Tầm nhìn của trẻ rơi vào khoảng 50 độ tính từ trên xuống dưới, từ trái sang phải nên khi luyện tập, bạn hãy chú ý để trẻ nhìn được chính diện đồ vật. Khi luyện tập cho trẻ bạn có thể dùng các đồ vật có trong nhà nhưng trẻ sẽ có khuynh hướng thích nhìn mặt người nên bạn hãy vẽ mặt người ra tờ giấy rồi cho trẻ nhìn cũng là một cách hay.
Hình 11 – Khi thay bỉm cho trẻ hay cho trẻ bú, hãy chú ý đến tầm nhìn của trẻ để bắt chuyện giúp trẻ chăm chú nhìn vào bạn
Tìm hiểu về não bộ
Thần kinh thị giác của trẻ sẽ phát triển nhờ vào việc luyện tập nhìn
Trẻ mới sinh ra đã thích vận động mắt bằng cách nhìn mông lung ra xung quanh. Nếu bạn dừng hành động ở một điểm nào đó trong tầm nhìn để trẻ nhìn chăm chú thì dần dần, trẻ sẽ nhìn rõ được đồ vật. Bạn nên đặt đồ vật cách trẻ khoảng 30 cm trở lên. Hai mắt trẻ chưa thể hướng tiêu điểm vào vật thể và nhìn chăm chú được. Điều quan trọng là bạn khiến mắt, thần kinh thị giác và vùng thị giác của trẻ làm việc dựa vào việc luyện tập nhìn chăm chú như thế này.
Hình 12
Điểm lưu ý
Tầm nhìn của trẻ vẫn còn hẹp
Tầm nhìn của trẻ chỉ rộng hơn một chút so với độ rộng của mắt. Bạn hãy chú ý đến độ rộng này để đặt đồ vật cho trẻ nhìn.
Vận động
Luyện tập cho trẻ nằm sấp ngẩng đầu
Bước đệm giúp trẻ tập bò
Các bậc cha mẹ thường lo lắng trẻ sẽ ngạt thở và mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh nên sợ để con nằm sấp. Tuy nhiên, nếu luyện tập lúc trẻ đang thức thì không có nguy hiểm gì cả. Hơn nữa, nếu luyện tập cho trẻ nằm sấp, trẻ sẽ sớm biết bò. Ngoài ra, còn có một lợi ích nữa là trẻ sẽ sớm tiếp nhận được các kích thích chỉ có thể tiếp nhận được khi trẻ nằm sấp. Một ngày khoảng vài lần, những lúc tâm trạng trẻ tốt, bạn hãy luyện tập cho mặt trẻ quay sang một bên rồi vừa quan sát để đảm bảo trẻ vẫn có thể thở tốt vừa vuốt nhẹ phần gáy để đầu trẻ ngẩng lên.
Hình 13 – Bạn hãy để tay trẻ sang bên cạnh để không bị ép xuống sàn
Hãy luyện tập cho trẻ nằm sấp trên khăn bông hay miếng đệm lót để không cản trở hô hấp của trẻ.
Tìm hiểu về não bộ
Trẻ ngẩng đầu lên được do các cơ ở lưng
Khi ngẩng đầu hướng lên trên thì các cơ ở lưng trẻ sẽ co lại. Nếu các cơ này đã làm việc thì trẻ có thể ngẩng đầu lên và dần dần sẽ biết bò. Bằng cách lặp đi lặp lại hình thức luyện tập này, thời gian trẻ có thể ngẩng đầu lên sẽ kéo dài hơn. Khi định chuyển hướng trẻ, bạn hãy xoa lưng cho trẻ để hỗ trợ việc co các cơ lưng.
Điểm lưu ý
Chú ý để trẻ không bị ngạt thở
Khi luyện tập nằm sấp, bạn nhất định phải ở bên cạnh trẻ. Chú ý không nên dùng chăn bông mềm để tránh ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của trẻ.
Luyện tập bắt chước
Nâng cao năng lực diễn đạt và cảm tính cho trẻ
Sau khi sinh khoảng 2 tuần, trẻ đã có thể bắt chước theo biểu cảm khuôn mặt của mẹ. Nếu bạn nhìn vào trẻ rồi há miệng ra, trẻ cũng sẽ há miệng, nếu bạn thè lưỡi ra, trẻ cũng sẽ thè lưỡi. Từ giai đoạn này chúng ta nên thể hiện cho trẻ biết nhiều trạng thái để trẻ bắt chước. Nếu trẻ đã bắt chước được các biểu cảm khuôn mặt rồi, bạn hãy chuyển sang tay. Nếu bạn nắm tay chặt rồi xòe ra, trẻ cũng sẽ bắt chước. Nếu trẻ không bắt chước, bạn hãy cho trẻ nhìn kỹ khoảng hơn 20 giây rồi chờ phản ứng của trẻ. Nếu trẻ bắt chước được, bạn hãy khen “Con thật giỏi” và vuốt má hay thơm trẻ để khích lệ. Nếu trẻ không bắt chước được thì bạn cũng đừng vội lo lắng.
Hình 14
Tìm hiểu về não bộ
Bắt chước giúp “tế bào thần kinh phản chiếu” làm việc
Vì khi thực hiện hành động bắt chước, “hệ thống thần kinh phản chiếu” nằm ở vùng số 44 của não bộ sẽ làm việc. Hệ thống thần kinh này có vai trò hỗ trợ việc bắt chước của hành vi vận động. Hệ thống này làm việc tích cực nhất ở khoảng tuần 2-3 sau sinh. Cho nên, trong khoảng thời gian này, trẻ dễ dàng có phản ứng bắt chước. Nếu trong giai đoạn này không luyện tập lặp đi lặp lại hành động để trẻ bắt chước thì sau này, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, tế bào thần kinh phản chiếu cũng làm việc giúp trẻ nhìn biểu cảm của đối phương để đoán xem họ đang nghĩ gì.
Điểm lưu ý
Để trẻ dễ dàng bắt chước
- Bạn hãy ngồi chính diện để trẻ nhìn rõ biểu cảm khuôn mặt và tay chân.
- Nếu trẻ không bắt chước, bạn hãy xoa đầu, xoa tay hỗ trợ để dần dần giúp trẻ có thể bắt chước (ví dụ: Nếu trẻ không thè lưỡi được, bạn hãy giúp trẻ há miệng rồi đẩy lưỡi ra.)
- Nếu trẻ làm được, bạn hãy khen “Con giỏi quá” để khiến trẻ phấn chấn. Khi trẻ bắt chước, vùng số 44 của não bộ sẽ làm việc. Bằng cách luyện tập như thế này, trẻ sẽ dễ dàng ghi nhớ tạm thời (trí nhớ làm việc)
Hình 15
Hình 16 – Bạn hãy biểu cảm nhiều trạng thái khuôn mặt để trẻ bắt chước như há miệng, thè lưỡi hay chu miệng lên, dần dần thể hiện cả các hoạt động chân tay cho trẻ xem như nắm chặt tay rồi xòe ra.
Luyện tập cho trẻ bú mạnh
Giúp trẻ có cơ thể tích cực và khỏe mạnh
Nếu trẻ đã tự mình bú sữa tốt rồi, chúng ta hãy luyện tập để trẻ bú một cách tích cực. Khi trẻ muốn bú, bạn hãy nghiêng người ra sau hơi xa một chút, lúc đó trẻ sẽ níu lấy và bú thật mạnh. Để trẻ có được phản ứng như vậy, lúc đầu cho trẻ bú, bạn hãy làm sao để bụng của trẻ và bụng mẹ chạm nhau. Khi trẻ bú sữa, nhiệt độ của bụng mẹ sẽ tăng lên nên trẻ sẽ có cảm giác dễ chịu khi tiếp xúc với bụng mẹ. Bằng cách này, bạn sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự yên tâm. Hơn nữa, khi trẻ bú mạnh thì thời gian bú sẽ ít đi nên dễ tăng cân hơn.
Hình 17 – Khi trẻ đang bú, nếu bạn kéo ti khỏi miệng trẻ thì trẻ sẽ cố gắng níu lại để bú.
Tìm hiểu về não bộ
Bước đầu giúp trẻ hành động tích cực
Nếu bạn đưa ti vào miệng, trẻ sẽ tự động bú. Đây chính là phản xạ bú mút. Khi trẻ bú, hoóc môn của mẹ sẽ được bài tiết ra từ thùy sau tuyến yên sinh ra sữa. Lợi dụng phản xạ này, chúng ta dạy trẻ động tác hút mạnh. Đây chính là bước đầu tiên giúp trẻ hành động tích cực.
Điểm lưu ý
Khi bạn cho trẻ uống sữa cũng như vậy
Nếu trẻ bú bình trong lúc bạn đang ôm trẻ, hãy để bình sữa hơi lệch ra phía sau một chút.
Thay bỉm
Cho trẻ biết “cảm giác thoải mái”
Thay bỉm chính là cơ hội để dạy cho trẻ biết “cảm giác thoải mái”. Bạn cần thay bỉm cho trẻ thường xuyên. Trước khi thay bỉm, bạn hãy cho trẻ xem bỉm mới và nói “Mẹ thay bỉm cho con nhé”, sau khi thay xong bạn hãy nói “Thoải mái quá nhỉ’. Sau đó dùng hai lòng bàn tay xoa lên bụng và chân trẻ, đồng thời khen trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy thích thú khi được xoa như vậy nên sẽ cho rằng việc mẹ nói chuyện và xoa người vừa là một phần thưởng khi thay bỉm vừa mang lại cảm giác thoải mái.
Hình 18 – Khi thay bỉm cho trẻ, bạn phải nói chuyện để trẻ biết được mẹ chuẩn bị làm gì.
Hình 19 – Bản bỏ bỉm ra, lau sạch người rồi xoa bóp toàn bộ cơ thể cho trẻ.
Tìm hiểu về não bộ
Bước đầu giúp trẻ hành động tích cực
Khi có một phần thưởng nào đó, trung tâm khen thưởng của não bộ sẽ làm việc và sinh ra “cảm giác thích thú”. Đây là hệ thống có kích thích là những phần thưởng khiến vùng bụng chỏm não làm việc nảy sinh “hưng phấn”, các nhân liền kề làm việc sinh ra “cảm giác thoải mái”. Nếu trung tâm khen thưởng này làm việc thì đồng thời toàn bộ thùy trán và vùng vỏ não trước trán cũng làm việc theo. Nếu được trải nghiệm cảm giác thoải mái khi thay bỉm, trung tâm khen thưởng của trẻ sẽ làm việc và trẻ dần dần sẽ mong chờ cảm giác thoải mái đó. Trẻ sẽ cảm thấy thoải mái mỗi lần được thay bỉm và điều đó giúp cho vùng vỏ não trước trán được kích thích.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.