Dây oan
Chương VII
Một bữa chúa-nhựt, lối 7 giờ sớm mơi, cô Cúc-Hương trang-điểm rất kỹ-lưỡng, mặc y-phục thiệt kim-thời, rồí xin phép cha mà đi ra Sài-gòn mua sách. Cô ra tới cửa ngõ, thì gặp một bà, tuổi chừng lối 50 mặc y-phục theo mấy bà vãi ở chùa, song áo quần toàn bằng lụa cô-đô nhuộm dà, đầu choàng một cái khăn đen, chơn mang một đôi dép da, ở ngoài lộ cũng vừa bước vô cửa ngõ.
Hai người gặp nhau đều đứng lại ngó nhau, rồi bà hỏi cô rằng:
– Nhà nầy phải là nhà ông Phán Nhãn hay không vậy cô?
– Thưa, phải. Bà ở đâu lạ, hỏi ba cháu vậy mà có chuyện chi hay không?
– Té ra cô đây là cô giáo đạy ngoài trường Dakao phải hôn?
– Thưa, phải. Sao bà biết cháu?
– Tôi nghe nói.
– Bà hỏi ba cháu có việc chi?
– Tôi muốn thăm ông Phán đặng nói chuyện lập chùa, không biết có ông Phán ở nhà hay không vậy cô?
– Thưa, có. Ba cháu ở đằng sau.
Cô Cúc-Hương thấy Hai Ngộ đương xách nước tưới bông trong sân, cô bèn kêu mà nói rằng: “Anh Hai, anh vô thưa cho ông rõ, có khách đến thăm”. Cô lại đay qua nói với bà vãi rằng: “Mời bà đi thẳng vô nhà ngồi chờ một chút rồi ba cháu ra. Cháu mắc đi Sài-gòn”.
Bà gặc đầu và đi vô. Cô cúi đầu từ bà rồi ra lộ mà lại ga.
Bà nầy là Lý-Thị-Ðằng, cựu tình-nhơn của ông Phán Phan-Thanh-Nhãn.
Bà vô sân thì thấy một sân bông hoa đua nở, kiểng vật ê-hề, rồi vô tới nhà thì thấy nhà tuy nhỏ mà trong ngoài sạch-sẽ, bàn ghế sáng ngời, vách treo đủ thứ đờn, tủ đựng đầy sách vở, rõ-ràng chỗ ở của một vị phong-lưu tao-nhã. Bà đứng xớ-rớ ngoài hàng ba mà chờ chủ nhà, ngoài mặt nghiêm-chỉnh, song trong lòng hồi-hộp, lấy làm khó chịu lắm.
Cách một lát, ông Phán Nhãn, mình mặc một bộ áo mát bằng lụa trắng, chơn mang giày hàm ếch, miệng ngậm một điếu thuốc ở phía sau đi ra, chừng ra khỏi cửa buồng, ông thấy dạng bà đứng ngoài hàng ba, tuy không biết là ai, song tánh ông mau-mắn, nên ông vùng nói lớn rằng: “Mời bà vô ván ngồi chơi. Bầy trẻ bất nhơn quá! Khách tới mà nó không chịu mời vô nhà, nó để đứng ở ngoài chớ!”
Thị-Ðằng day lại, bà lột cái khăn, lòi đầu trọc lóc, mà tóc lại bạc, rồi thủng-thẳng bước vô nhà.
Ông Phán Nhãn đứng nhìn bà trân-trân, rồi biến sắc mặt, không chào hỏi được nữa.
Thị-Ðằng đi ngay lại bộ ván mà ngồi.
Ông Phán Nhãn ngồi cái ghế ngang đó.
Hai người cúi mặt xuống đất, không ngó nhau, mà cũng không nói tiếng chi hết.
Có lẽ ông Phán Nhãn khó chịu nhiều hơn, nên cách một hồi lâu, ông mới khởi đầu nói nhỏ nhỏ rằng: “Còn gặp mặt nhau nữa mà làm chi? Trước kia gặp nhau rồi phải mang một cái đọa lớn. Hai mươi lăm năm nay, cầu nguyện sám-hối hết sức, mà cái tội-ác vẫn còn khăng-khăng trong trí hoài, có lẽ phải tu nhiều kiếp mới chuộc cái tội ấy được.Bây giờ còn gặp nhau nữa thì biết chừng nào mới dứt được dây oan!”.
Thị-Ðằng lay khăn lau nưốc mắt mà đáp rằng: “Tôi đến đây nào có phải ý tôi muốn đâu. Ngày đôi ta từ-biệt tại cửa Tòa Vĩnh-long tôi có hứa với ông rằng tôi nguyện kiếp nầy tôi sẽ trả nợ oan trái cho xong và tôi tu-niệm đặng kiếp sau đôi ta sum-hiệp. Lời tôi nói ra thì tôi nhớ hoài. Trót 25 năm nay tôi ăn chay niệm Phật, ngày như đêm tôi hằng lo trả nợ oan-gia, chẳng có giây phlút nào tôi lo việc gì khác. Công tôi đã dày, tuổi tác đã lớn, có lẽ nào tôi lại còn sa-dắm mùi trần như hồi thuở còn thơ. Tôi đến đây là vì có một cái họa lớn, cái họa ấy sẽ tới gắp, mà sức tôi là sức đàn-bà, tôi không thế ngăn đỡ được. Tôi phải đến cầu ông đỡ giùm hoặc may có khỏi hay chăng?”.
Ông Phán Nhãn chưng-hửng. Ông ngước mặt ngó Thị-Ðằng mà hỏi rằng:
– Cái họa gì ở đâu?
– Ấy là cái “quả” của cái “nhơn” mình gieo ngày trước, chớ chắng phải họa nào khác.
– Bà nói rõ cho tôi nghe thử coi.
– Có lẽ ông còn nhớ, trước ngày tôi bị tội, tôi có nói với ông rằng tôi có thai được mấy tháng, mà cái thai tôi mang trong bụng đó là con của ông. Tôi hỏi ông phải tính làm sao, thì ông nói theo luật ông không được phép nhìn biết và ông phú thác cho tôi, ông khuyên tôi phải dạy-dỗ đứa nhỏ sẽ sanh đó cho có đạo-đức viên mãn, đặng nó khỏi sa vào đường mê như đôi ta vậy. Ông nhớ lại coi có phải như vậy hay không?
– Phải. Tôi còn nhớ.
– Tôi bị án tù 2 năm…
– Có thai đó rồi sanh con trai hay là con gái?
– Thủng-thẳng rồi sẽ nói hết cho ông nghe… Tôi vào khám gần 4 tháng kế tới ngày sanh. Nhà-Nước gởi tôi vô nằm nhà thương Chợ Quán. Tôi sanh được đứa con trai.
– Cha chả! Nuôi được hay không?
– Nuôi được. Mà khi tôi sanh đặng ít bữa thì Nhà-Nước đem giao con tôi cho nhà nuôi con nít mồ-côi ở Tân-định nuôi giùm, chớ không cho tôi nuôi, song có phát cho tôi một cái giấy, dặn chừng nao mãn tù sẽ cầm giấy ấy lên trình cho nhà nuôi mồ-côi mà lãnh con lại.
– Nếu vậy thì năm nay nó được 25 tuổi. Có khai sanh nó rành-rẽ không?
– Có chớ.
– Khai sanh theo họ của ai?
– Vì chồng tôi chết mới 5 tháng thì tôi đẻ, nên tự-nhiên phải khai sanh con theo họ Bành, chớ khai họ khác sao được. Tuy vậy mà đứa con ấy là dấu tích của ông, nên tôi lót chữ theo ông. Bây giờ theo giấy tờ thì tên nó là Bành-Thanh-Khải.
– Bây giờ nó làm việc gì ở đâu? Có vợ con hay chưa?
– Ậy! Ông chậm chậm một chút rồi tôi sẽ nói tới. Khi tôi mãn tù rồi lên Tân-định trình giấy mà lãnh con. Tôi đem nó về Ngã Tư thì gia-tài của cha nó theo khai sanh, Tòa đã cử người thủ-hộ. Tôi làm đơn vô Tòa mà xin lãnh gia-tài lại đặng nuôi con. Tòa bác đơn, song dạy người thủ-hộ phải cấp-dưỡng mẹ con tôi, mỗi tháng một số bạc 50 đồng.
– Bà đã quyết đứa con đó không phải là con của Bành-Nhiệp, mà sao bà lại còn tính lãnh gia-tài của Bành-Nhiệp cho nó, làm như vậy thì trái đạo-lý quá.
Thị-Ðằng nghẹn, nói không được nữa. Bà cúi mặt mà khóc rấm-rứt một hồi lâu rồi mới nói tiếp rằng:
– Nếu bỏ gia-tài ấy cho chúng ăn cũng vậy. Mà vì tôi thương con quá, nên tôi phải đánh liều mà làm cái việc quấy đó nữa, chớ biết làm sao.
– Làm như vậy thì có ăn-năn sám-hối gì đâu!
– Lo cho con thì tôi lo, song tôi tu-niệm lung lắm chớ.
– Tu-niệm mà làm như vậy thì tu-niệm không ích gì. Thôi, nói tiếp nghe coi Thanh-Khải bây giờ ở đâu?
– Tôi nuôi nó từ nhỏ đến giờ, nó ở với tôi, chớ ở đâu. Ông nhớ ngày chồng tôi chết tôi mở tủ sắt lấy 13 ngàn đồng bạc đem gởi cho ông mà ông không chịu lãnh. Tôi sợ ở tù nên xuất 2 ngàn mướn hai ông Trạng-sư bào-chữa, còn lại 11 ngàn tôi kiếm chỗ kín tôi chôn. Chừng mãn tù tôi lấy số bạc đó rồi đem con lên Nam-vang mua nhà ở buôn-bán khô tra, tiêu sọ, đậu khấu. Tôi nuôi Thanh-Khải đến 18 tuồi, Tòa mới dạy thủ-hộ giao ruộng đất phố xá của cha nó lại cho nó hưởng. Thủ-hộ lại giao huê-lợi mười mấy năm thâu góp đó lại cho nó nữa, cộng gần 8 ngàn đồng. Tôi ở Nam-vang trót 20 năm, nhờ buôn may bán đắt nên tôi có huê-lợi thêm cũng nhiều. Cách ba năm nay Thanh-Khải học chữ Tây đã khá rồi, nên muốn học thêm chữ Ăng-Lê ít năm đặng có đủ tư-cách mà buôn-bán. Còn tôi thì tôi nghĩ Nam-vang là xứ thổ-phỉ, ở buôn-bán làm ăn thì được chớ không nên lập nghiệp cho con ở đó. Tôi mới thôi buôn-bán, tom góp sự-sản mà trở về Sài-gòn. Tôi mua một miếng đất trong chợ Gò-Vấp rồi cất nhà ở đó đã ba năm nay, trước là cho con đi học chữ Ăng-Lê cho tiện, sau nữa tôi được gần-gũi mấy chùa lớn mà nghe kinh nghe kệ. Thiệt tôi không dè ông về ở miệt nầy, chớ phải mà tôi hay thì tôi tránh, tôi đi xứ khác. Không biết oan-trái làm sao, mà Trời Phật lại khiến về ở gần nhau cho gây họa như vầy, thiệt khổ quá!
– Bà về Gò-Vấp đã ba năm rồi, còn tôi mới về đây hơn một năm nay. Tôi về sau thì lỗi tại tôi, chớ không phải tại bà. Mà sao bà biết tôi ở đây?
– Việc tình-cờ mà rắc-rối lăm ông ôi. Con gái ông đi dạy học ngoài Dakao, còn Thanh-Khải nó đi học chữ Ăng-Lê ngoài Sài-gòn. Hai đứa đi xe điện, gặp nhau nói chuyện sao đo không biết, mà bây giờ Thanh-Khải nó lại muốn con Cúc-Hương, nó biểu tôi phải nói mà cưới cho nó. Tôi nghe nói thì tôi hết hồn, vì hai đứa có một cha mà cưới sao được. Tôi khuyên Thanh-Khải hãy kiếm chỗ khác, chớ không nên cưới chỗ đó mà mang tội. Nó hỏi tôi tại sao. Tôi không dám nói thiệt công việc xưa cho nó biết, bởi vậy nó bất-bình, không phục lời tôi can-gián, nó nòng-nòng quyết một phải cưới Cúc-Hương cho nó mà thôi, nếu tôi không chịu thì nó chết chớ nó không thèm chỗ nào khác. Ông coi có khổ hay không hử? Làm sao bây giờ? Trót hơn 20 năm nay, tuy tôi buôn bán, song tôi cạo đầu ăn chay niêm Phật, đặng giải những tội trước và cầu cho con khỏi quả-báo về sau. Tôi tu-niệm thiệt là thành tâm mà không biết tại sao Phật Trời không hỉ-xả, lại kết dây oan làm rắc-rối đến thế nầy. Cực chẳng đã tôi đến đây, là vì hồi chiều hôm qua tôi gặp một hộp á-phiện trong túi Thanh-Khải. Ông thấy hay chưa, tôi không chịu đi nói Cúc-Hương cho nó, thì nó toan tự-vận đớ. Tôi sợ quá nên phải đánh liều tới đây tỏ cho ông hay coi ông liệu lẽ nào.
Ông Phán Nhãn day mặt ngó ra ngoài sân rồi nhăn mày mà suy-nghĩ. Ông ngồi trơ-trơ một hồi lâu lắm rồi ông nói rằng: “Hai đứa nó kết duyên với nhau cũng được, không hại gì”.
Thị-Ðằng vừa nghe nói như vậy thì bà chưng-hửng nên liền hỏi rằng:
– Nói cái gì kỳ vậy? Anh em một cha mà kết duyên với nhau, thì còn gì là luân-lý?
– Cúc-Hương không phải là con ruột của tôi.
– Vậy chớ nó là con của ai?
– Nó là con mồ-côi, tôi xin tôi nuôi từ hồi nó thôi bú cho tới bây giờ đó.
– Nam-mô A-Di-Ðà Phật! Vây mà làm cho con tôi thiếu chút nữa nó tự-vận nó chết còn gì!
– Ngày trước tôi phú-thác cho bà, tôi có khuyên bà phải lo dạy-dỗ nó cho có đạo-đức viên-mãn, khỏi sa vào đường mê-muội. Sao bà không rèn tập dạy-dỗ nó, để cho nó phải vướng cái dây ái-tình vậy? Chắc là mắc lo ăn chay lạy Phật hoài, nên không có thì giờ dạy con chớ gì. Bà tưởng ăn chay lạy Phật rồi Phật xả tội cho bà được hay sao?
– Thì tôi gieo cái “nhơn-ác” tôi phải ăn chay lạy Phật, tu-niệm đêm ngay đặng cầu cho khỏi cái “quả ác” chớ sao?
– Bà hiểu lầm! Ðã làm ác thì thủy-chung gì cũng gặp ác không thế nào tránh khỏi được. Mình tu-niệm là cốt tưởng cái lòng từ-bi của Phật mà làm lành đừng có làm ác thêm nữa; chớ làm ác rồi lạy Phật mà được Phật xá tội, thì có sợ gì mà không làm ác. Phật không có hình, không có phép, không có quyền mà tác phước, mà xá tội cho ai được. Phật là mình mà mình cũng là Phật, khác nhau chỉ tại cái tâm mà thôi. Hễ mình có tâm “từ bi” như Phật thì mình là Phật. Còn mình có tâm mê-muội, còn vương-vấn “lục-trần” thì mình không bao giờ làm Phật được.
– Sao hồi trước ông khuyên tôi phải tu-niệm đặng kiếp sau hưởng phước sum-vầy? Tôi nghe lời ông, tôi tu-niệm, rồi bây giờ ông lại chê tội làm sái?
– Tôi khuyên bà tu-niệm là khuyên phải tin-tưởng Phật, bắt chước từ-bi của Phật, đặng trừ “tam chướng”, gỡ “lục trần” chớ tôi có khuyên bà ăn chay niệm Phật đặng cầu xá tội đâu. Tội đại ác của bà làm ngày xưa thủy-chung gì rồi bà cũng phải trả. Phật làm sao mà gỡ tội ấy cho được mà phải lạy.
– Tôi làm tội thì tôi ở tù 2 nãm đã đền tội rồi; tôi ăn chay niệm Phật đặng cầu cho kiếp sau đặng phước.
– Bà ở tù 2 năm đó là bà chịu cái “dương pháp” còn cái “âm–pháp” bà chưa trả, thì một ngày kia bà phải trả rồi mới rảnh nợ được chớ.
– Nam-mô A-Di-Dà Phật! Công tôi tu-niệm hơn 20 năm nay mà cũng chưa trả nợ oan trái được, vậy thì biết chừng nào mới trả xong!
– Bà tu-niệm mà không có lòng từ-bi như Phật, tu-niệm đặng cầu phước, tu-niệm mà không lo thoát “tam chướng” gỡ “lục trần” thì tu-niệm không ích chi hết. Trong nhà không có ai, chỉ có một mình tôi với bà, vậy để tôi nói hết cho bà nghe. Ngày trước bà có chồng mà lại lấy trai. Bà đã phạm tội tà-dâm mà bà còn dùng thuốc độc mà giết chồng. Cái tội-ác ấy, không thế nào mà chuộc được. Tuy Tòa kêu án bà 2 năm tù, song cái khổ-hình ấy chưa đủ mà đền tội. Mà dầu đền xong, thì bất quá là đền cái tội khuấy rối xã-hội theo “dương-pháp” mà thôi, đối với Phật Trời cái tà-dâm và cái tội sát-nhơn còn y nguyên, theo “âm-pháp” bà chưa trả. Ðã vậy mà mãn tù rồi bà về, bà còn đoạt sự-nghiệp của người chồng mà bà đã giết đó, bà lại buôn-bán cầu lợi nữa. Thế thì bà ăn chay lạy Phật là bà làm cầm chừng theo bề ngoài, chớ trong lòng bà không tin-tưởng Phật, bà không tập theo tánh Phật chút nào. Tu-niệm như bà vậy có được đâu.
Thi-Ðằng nghe giải rõ-ràng những tội của bà thì bà ngồi khóc ròng, không có lời chi mà cãi được.
Ông Phán Nhãn để cho bà khóc đã thèm rồi ông nói thêm rằng: “Bà vô nhà tôi, bà thấy nhà không có bàn thờ Phật, bà thấy tôi không bận áo quạ nhuộm dà, chắc bà tưởng tôi không có lòng tu niệm. Tôi tu-niệm nhiều lắm; song tu bề trong chớ không chịu bề ngoài như họ. Tôi tu thì tôi tin-tưởng Phật, không giây phút nào quên, tập làm theo tánh Phật, quyết làm y theo kinh Phật, song chẳng bao giờ lạy Phật, mà chẳng hao giờ cầu Phật giúp việc chi hết. Tôi lo giữ tam-qui ngũ-giới, lo gỡ tam-chướng lục-căn mà thôi. Vì ngày trước thiếu tu, nên tôi phạm tội tà-dâm. Ðã biết khi Tòa giam bà, bà vì thương tôi mà không kéo tôi chung chịu với bà. Nhưng mà tôi ngkĩ, hễ làm nhơn ác, thì phải trả quả ác cho rồi, nên tôi xướng ra chịu tội. Tòa xét tôi không liên-can trong tội sát-nhơn, nên tha bổng tôi, song cái tội tà-dâm của tôi thì tôi chưa đền đươc. Tôi phải phạt lấy tôi mà chuộc tội. Từ ấy đến nay tôi không gần đờn-bà nữa. Mà tôi lại còn nghĩ tôi còn mang cái tội khác nữa, là cái tội không kiên-nhẫn, không dè-dặt, làm cho người đờn-bà mê-muội phải thất tiết với chồng rồi lại đến giết chồng. Tôi quyết chuộc cái tội đó nữa nên tôi kiếm một đứa con gái mồ-côi tôi nuôi, rồi tôi rèn tập tánh-tình, ung-đúc đức-hạnh, làm cho nó trở nên một người đàn-bà đúng-đắn mà trả cho xã-hội, đặng đền bồi cái người đàn-bà trước kia tôi đã làm hư đó. Con Cúc-Hương là đứa tôi nuôi, tôi dạy đặng bồi thường cho bà đó. Phật Trời chí minh, nên mới buộc dây oan lằng-nhằng đặng cho tôi gả Cúc-Hương vầy duyên với Bành-Thanh-Khải mà trả nợ tiền khiên. Vậy bà về nói cho Thanh-Khải hay rằng tôi chịu gả Cúc-Hương cho nó đừng có buồn rầu nữa, chừng nào cưới cũng được. Tôi xin bà một điều là bà phải kín miệng, chẳng nên nói những việc cũ của mình cho hai đứa nhỏ biết. Hễ tôi gả Cúc-Hương rồi thì tôi sẽ đi xa mà ở, đặng an tâm tịnh trí mà lo-lắng cho kiếp sau, chớ ở đây gần bà đã chẳng may, mà thấy con lại càng thêm thẹn”.
Thị-Ðằng thở ra mà than rằng:
– Tội của ông thì ông chuộc được hết. Còn tội của tôi vẫn còn y-nguyên, khổ biết chừng nào!
– Phải ráng tu-niệm. Mà tu-niệm bề trong, chớ đừng có tu-niệm bề ngoài như xưa nay vậy nữa.
– Tôi là đờn-bà, hễ tu-niệm thì cứ ăn chay lạy Phật vậy thôi, chớ có trí-hóa gì mà biết tìm đường giải-thoát, ông biết phương nào cho tôi chuộc tôi được xin ông chỉ giùm làm phước.
– Chẳng cần tu bề ngoài, phải lo tu bề trong, là tu cái tâm, thì hoặc may mới mong thành chánh-giác mà giải-thoát được. Ðêm ngày bà phải nhớ luôn luôn rằng bà phạm ba cái tội-ác: Một là tội có chồng mà còn lấy trai; hai là tội giết chồng; ba là tội đoạt gia-tài sự-nghiệp của người.
– Mô Phật!
– Bà muốn làm theo ha-thăng, nghĩa là ăn chay lạy Phật thì tự-ý, song ăn chay lạy Phật thì phải ăn-năn sám-hối, phải nguyện không tái-phạm những tội nào khác. Mà điều cần nhứt là bà phải rèn lòng từ-bi như Phật, tập tánh bác-ái như Phật, phải nhớ kiếp trần là kiếp khổ, lo tuyệt tam-chướng gỡ lục-trần.
– Tam-chướng là cái gì?
– Tam-chướng là ba tánh: tham, sân và si.
– Còn lục-trần?
– Lục-trần là sáu tánh mê: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Bà làm y như lời tôi dặn đây thì sự tu của bà mới công-hiệu và bà mới mong chuộc tội chút đỉnh được.
Thị-Ðằng chắt lưỡi lắc đầu mà than rằng: “Tội lớn quá, tu biết chừng nào mới tiêu!”.
Ông Phán Nhãn ngó bà mà đáp rằng: “Nếu trọn kiếp nầy mình tu mà chuộc tội cững chưa hết, thì kiếp sau phải tiếp mà tu nữa, tu hoài cho thành chánh-giác mới yên”.
Thị-Ðằng ứa nước mắt mà than rằng: “Khổ quá! Phải chết mới yên!”.
Ông Phán nghe nói mấy lời ấy, thì ông đứng dậy ngay bà mà nói rằng:
– Không. Chết có yên được đâu. Phải chết mà chuộc tội ấy là mình mắc nợ. Nếu mình chết thì té ra mình trốn nợ. Kiếp nầy mình trốn lánh không chịu trả nợ, thì kiếp sau mình cũng phải trả, chớ chạy đâu cho khỏi đuợc.
– Chớ sống mà khổ quá thì chịu sao nổi!
– Phải ráng mà chịu. Có chịu khổ-hạnh thì mới mong giải-thoát.
Thị-Ðằng từ ông Phán Nhãn mà về đặng báo tin hôn-nhơn cho Thanh-Khải hết buồn. Khi bà bước ra cửa thì bà lầm-bầm nói rằng: “Ðể con tôi thành gia-thất rồi, thì tôi sẽ tìm phương mà giải thoát”.
Cồ Cúc-Hương đi Sài-gòn về.
Ông Phán hỏi cô rằng:
– Con biết bà vãi đến thăm ba hồi sớm mơi đó là ai hay không?
– Thưa, không.
– Bà đó là mẹ của thầy Bành-Thanh-Khải, là thầy con hay gặp trên xe điển đó.
– Bà tới nhà mình có chuyên chi? Con chắc bà đến nói chuyện làm sui.
– Con liệu trúng lắm. Như ba gả con cho thầy Thanh-Khải con ưng hay không?
Cúc-Hương cười.
Ông Phán nghiêm sắc mặt mà nói tiếp rằng:
– Con phải ưng chỗ đó.
– Hôm trước thầy ấy gặp con trên xe, thầy hỏi dọ ý con, con cười mà nói rằng muốn kết tóc trăm năm thì trước phải biết tánh nết nhau mới được. Thầy chưa biết tánh con, con chưa hiểu tánh thầy mà sao ba lại biểu con ưng?
– Ðó là nhơn-duyên của con.
– Sao ba biết. Nếu ba gả rủi không phải nhơn-duyên, rồi vợ chồng rời-rã, thì khổ cho cái đời của con lắm!
– Dầu vợ chồng rời-rã, thì cũng tại cái duyên-phận của con như vây. Con phải nghe lời ba.
Cúc-Hương không dám cãi nữa.
Còn Bành-Thanh-Khải nghe tin ông Phán chịu gả Cúc-Hương cho thầy thì thầy mừng-rỡ hết sức. Bữa sau thầy đến ra mắt ông Phán. Giáp mặt, ông Phán hứa chịu gả Cúc-Hương và cho Thanh-Khải thong-thả mà định ngày làm lễ cưới.
Thanh-Khải xin ông Phán dạy Cúc-Hương từ chức giáo-sư. Về nhà thầy lo sửa-soạn nhà cửa và xin với mẹ mua một cái xe hơi mới đặng cưới rồi vợ chồng đi chơi.
Thị-Ðằng thấy con đắc-ý thì bà mừng, bà sốt-sắng lo đám cưới và con muốn thế nào bà cũng làm cho vừa lòng hết.
Lễ cưới xong rồi, tối lại Thị-Ðằng làm một cái lễ cúng Phật, đèn nhang huy-hoàng, hoa quả tinh-khiết. Bà biểu vợ chồng Thanh-Khải đi nghỉ sớm, còn bà thức mà tụng kinh lạy Phật đến khuya, rồi bà mới vô phòng.
Sang bữa sau, vợ chồng Thanh-Khải thức dậy, mà chưa thấy mẹ ra, tưởng mẹ lo đám cưới mệt-mỏi, lại thức khuya cúng Phật nên ngủ trễ. Chờ đến 9 giờ, cũng chưa thấy mẹ dậy, Thanh-Khải xô nhẹ cửa phòng bước vô, thấy đèn còn đốt để trên bàn, cửa mùng không khép lại, còn mẹ thì nằm chính giũa giường, hai tay chấp trên ngực, cặp mắt hí-hí.
Thầy lấy làm lạ, thò tay rờ hai chưn mẹ thì chưn lạnh ngắt như đồng. Thầy lúc-lắc mà kêu, thì mẹ nằm cứng đơ, không ừ – hử, chông cục- cựa. Thầy kinh-tâm la lớn, cả nhà đều chạy vô phòng, coi kỹ lại thì Thị-Ðằng đã chết.
Thanh-Khải bỗng khóc mồt hồi rồi coi lại dưới gối của mẹ nằm thì thấy có một cái thơ gởi cho thầy với một miếng pháo chà.
Thầy mở thơ ra coi thì thơ viết như vầy:
Con ơi! Bình-sanh má có phạm ba tộ đại ác, hai cái vì nặng tình, một cái vì thương con. Trót 25 năm nay, má tu-niệm hết sức, nhưng mà thế coi cũng khó chuộc những tội ấy được.
Cái kiếp của má là cái kiếp khổ. Má gượng gạo sống cho đến ngày nay là vì má quá thương con, nên phải sống mà cầu-nguyện Phật Trời cho mấy tội-ác của má tiêu-tuyệt đặng cho con khỏi mang quả-báo. Hôm nay con đã thành gia-thất, mà lại được kết bạn trăm năm với người con mến yêu, thế thì quả-báo con đã khỏi rồi, má lấy làm vui lòng mà nhắm mắt.
Má chết đây là má trả nợ trái-oan. Vậy con không nên buồn-rầu thương-tiếc. Khi má uống pháo chà vô khỏi miệng rồi thì má định trí mà cầu-nguyện Phật Bà phò-hộ cho nhơn-duyên của vợ chồng con bền-chặt trăm năm.
Má xin hai con ở đời phải nhớ câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” gặp phước chẳng nên quá mừng, gặp khổ chẳng nên quá buồn, nhứt là phải niệm chữ từ-bi đặng thoát qua khổ hải.
Lý-Thị-Ðằng
Ký thơ
Thanh-Khải nhứt diện sai người đi báo tin cho làng hay, nhứt dịện lo sắp-đặt tống-táng mẹ.
Ông Phán Nhãn hay tin ông lật-đật vô thăm. Thanh-Khải đưa bức thơ của mẹ để lại cho cha vợ coi và nói rằng: “Từ tôi mới biết đi biết nói thì tôi vẫn thấy má tôi tụng kinh niệm Phật luôn luôn, có làm tội-ác chi đâu nên ăn-năn đến nỗi tự-tử!”
Ông Phán coi thơ rồi ông lắc đầu nói rằng: “Tu tuy thành tâm, song chưa thấu đáo đạo-lý, nên mới như vậy đó. Nếu phạm tội mà tự-vận, rồi chuộc được hay sao!”.
Tống-táng bà Lý-thị-Ðằng xong rồi, ông Phán giao nhà cho đứa ở là Hai Ngộ coi, rồi ông xách môt hoa-ly hành-lý mà đi, không từ-giã con rể mà cũng không nói cho ai biết ông đi đâu.
Từ đó đến nay ông biệt-tích!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.