Để Hôm Nay Trở Thành Kiệt Tác

1 THÁI ĐỘ



Tôi nhận ra tầm quan trọng của thái độ vào năm 1964 khi vừa tròn 17 tuổi. Huấn luyện viên đội bóng rổ trường trung học của tôi, Don Neff, gặp tôi vào đầu mùa bóng và nói rằng ông muốn tôi trở thành đội trưởng. Tôi rất phấn khích nhưng cũng hơi ngạc nhiên bởi tôi biết đồng đội của mình, John Thomas, chơi tốt hơn tôi. Nhưng sau đó huấn luyện viên Neff đã giải thích về quyết định của mình như sau. “John”, ông nói: “trò là người có thái độ tốt nhất trong đội, và nó ảnh hưởng tốt đến các đồng đội khác.”

Chỉ vài tuần sau, tôi nhận được danh hiệu “Học sinh gương mẫu của tháng” ở trường. Tại sao vậy? Một lần nữa, đó là kết quả của thái độ. Các giáo viên nói rằng họ thích thái độ của tôi. Và rồi điều đó đã ngấm vào tôi. Thái độ đã tạo nên nhiều thay đổi trong chính cuộc đời tôi. Và nó cũng ảnh hưởng đến những người sống quanh tôi.

Đó cũng là lúc tôi đưa ra quyết định đối với thái độ sống của mình: Tôi sẽ luôn giữ thái độ sống tích cực và sử dụng thái độ đó để tác động đến mọi người xung quanh.

Nhiều người trên thế giới đã tin tưởng sai lầm rằng, thái độ của họ là sẵn có. Nó đã dần trở thành một thói quen nên họ tin rằng không thể thay đổi nó. Họ coi nó như một thuộc tính mặc định mà họ có, giống như chiều cao hay tiền sử mắc bệnh ung thư trong gia đình. Nhưng đó là một sai lầm.

ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH CHỌN MỘT THÁI ĐỘ SỐNG TỐT VÀ THỂ HIỆN NÓ HÀNG NGÀY

Thái độ của bạn là một sự chọn lựa. Nếu bạn muốn cuộc sống của bạn là một kiệt tác thì bạn phải có một thái độ tích cực. Nếu giờ thái độ của bạn chưa tốt, bạn cần thay đổi nó. Hãy đưa ra quyết định. Và đây là cách thực hiện:

Có trách nhiệm với thái độ của mình

Sau khi vợ chồng tôi cưới nhau được khoảng 4, 5 năm, chúng tôi được mời tham dự một buổi hội thảo dành cho các mục sư và tôi tới với tư cách là một trong những diễn giả. Margaret cũng đồng ý thực hiện một cuộc thảo luận chuyên đề dành cho các cặp vợ chồng. Margaret không dành niềm đam mê cho việc diễn thuyết như tôi. Cô ấy có thể làm tốt việc đó, nhưng lại không thực sự có hứng thú với nó. Tôi muốn được hỗ trợ cô ấy nên đã tham dự cuộc thảo luận của cô. Trong thời gian hỏi đáp, một phụ nữ đứng dậy và hỏi: “John có làm cho chị hạnh phúc không?”

Phải nói rằng, tôi rất trông đợi câu trả lời của Margaret. Tôi là một người chồng chu đáo, và tôi yêu Margaret rất nhiều. Không biết sẽ được nghe những lời khen ngợi gì đây?

“John có làm tôi hạnh phúc không à?” cô hơi do dự. “Không, anh ấy không làm cho tôi hạnh phúc”. Tôi chỉ mong tìm được cái cửa thoát hiểm gần nhất. “Trong 2, 3 năm đầu tiên sau khi cưới”, cô tiếp tục: “tôi đã nghĩ rằng, làm cho tôi hạnh phúc là nhiệm vụ của John, nhưng anh ấy đã không làm việc đó. Chẳng phải anh ấy quá đáng với tôi hay gì cả. Anh ấy là một người chồng tốt. Nhưng không một ai có thể làm cho người khác hạnh phúc. Đó là việc của tôi.”

Là một cặp mới cưới ở độ tuổi đôi mươi, cô đã chỉ ra cho mọi người vài điều mà trước đó họ chưa được học. Mỗi người trong chúng ta phải có trách nhiệm với thái độ của chính mình. Nếu bạn muốn ngày hôm nay trở nên tốt đẹp, bạn phải chịu trách nhiệm về cách mà bạn nhìn nhận nó.

Quyết định thay đổi những thái độ không tốt

Tôi đã đọc chùm truyện tranh Peanuts trong nhiều năm, và tôi luôn là một người hâm mộ nhiệt thành. Tôi nhớ một đoạn trong đó Lucy thông báo: “Ôi, tao cảm thấy khó chịu quá.”

Em trai của cô, Linus luôn lo lắng về việc giảm căng thẳng trong nhà, trả lời: “Có thể em sẽ giúp được. Sao chị không ngồi vào chỗ của em ngay trước tivi, trong khi đó em sẽ chuẩn bị cho chị một bữa ăn nhẹ? Ai cũng có lúc cần một chút nuông chiều để giúp ta cảm thấy tốt hơn”. Sau đó Linus mang ra một chiếc sandwich, vài chiếc bánh sô-cô-la, và một ít sữa. “Em có thể mang thêm cho chị thứ gì nữa không”, cậu hỏi: “Có gì mà em chưa nghĩ ra nhỉ?”

“Đúng, có một điều mà mày chưa nghĩ đến,” Lucy trả lời. Và sau đó cô ấy bất ngờ thét lên: “Tao không cần cảm thấy tốt hơn!”

Trong bao nhiêu năm cố họa sĩ Charles Schulz vẽ Peanuts, đó dường như luôn là một trong những vấn đề của Lucy.

Cô không muốn thay đổi trong những lĩnh vực mà cô có thái độ không tốt và cô có quá nhiều lĩnh vực như vậy!

Có rất nhiều người giống như Lucy. Tôi đã đề cập đến việc có nhiều điều trong cuộc sống mà ta không thể lựa chọn, như bố mẹ bạn, nơi bạn sinh ra, hay chủng tộc của bạn. Nhưng thái độ là cái mà bạn có thể thay đổi. Và gần như ai cũng có một vài lĩnh vực trong suy nghĩ của mình cần được cải thiện. Nếu bạn muốn có một cuộc sống tốt hơn, bạn cần theo sát các khu vực này.

Suy nghĩ, hành động, nói và cư xử như người mà bạn muốn trở thành

Nếu tham dự một buổi họp lớp sau 10 năm hoặc hơn nữa, có thể bạn sẽ bất ngờ bởi sự thành đạt của những người bạn cũ – một anh bạn cổ hủ trở thành một luật sư nổi tiếng, hay Jane – một cô bạn chất phác – trở thành một ngôi sao điện ảnh, hay anh chàng nghiện máy tính trở thành sáng lập viên của một tập đoàn lớn. Bằng cách nào mà sự biến chuyển như vậy xảy ra? Những người đó đã thay đổi cách họ suy nghĩ về bản thân. Bạn đã thấy họ như họ vẫn thế (hay đơn thuần là bạn nghĩ về họ như vậy). Họ thì nhìn bản thân theo những gì họ có thể trở thành. Vì vậy họ học để hành động giống và thu lượm các kỹ năng của người mà họ muốn trở thành. Việc biến đổi cần thời gian; thường thì sự biến đổi đó là không đáng kể để có thể nhận thấy hàng ngày (kiểu như cha mẹ thường không thấy con mình lớn lên vậy). Nhưng với những người không gặp họ trong 10, 20 hay 30 năm thì sự biến đổi này trở nên phi thường, như con bướm lột bỏ xác sâu vậy.

Nếu bạn mong muốn thay đổi bản thân, bạn nên bắt đầu từ suy nghĩ của mình. Tin tưởng rằng bạn có thể tiến bộ hơn, rằng bạn có thể biến thành người mà bạn mong muốn trở thành. Ralph Waldo Emerson nói: “Những điều đã qua và những điều sẽ tới chẳng là gì nếu đem so với con người thực sự trong ta.” Nếu suy nghĩ của bạn thay đổi, thì mọi thứ cũng sẽ thay đổi theo.

Coi trọng con người

Một trong những bí mật để duy trì thái độ tốt đó là coi trọng con người. Bạn không thể cùng một lúc vừa không thích con người vừa có thái độ tốt với họ. Hãy thử nghĩ về điều này: bạn đã bao giờ gặp một người đối xử không tốt với mọi người mà lại có thái độ tích cực chưa? Tương tự như vậy, bạn không thể cùng một lúc vừa có thái độ không tốt, vừa động viên ai đó. Động viên người khác nghĩa là giúp đỡ họ, tìm kiếm những điểm tốt trong họ, và cố gắng giúp họ bộc lộ những phẩm chất tích cực. Quá trình này sẽ đào thải những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu bạn.

Sự tương tác với mọi người sẽ tạo ra âm sắc cho cả một ngày.

Điều đó giống như là âm nhạc của cuộc đời. Khi bạn đối xử tệ với mọi người, thì sẽ giống như phải nghe một bản nhạc chối tai. Nhưng khi bạn coi trọng mọi người và đối xử với họ tử tế, thì giống như bạn được thưởng thức một giai điệu ngọt ngào suốt cả ngày vậy.

Phát triển nhận thức sâu sắc về cuộc sống

Bạn đã bao giờ gặp những người luôn phàn nàn về mọi việc chưa? Món súp của họ quá nóng. Giường của họ quá lạnh. Kỳ nghỉ của họ quá ngắn. Lương của họ quá thấp. Bạn ngồi cạnh họ trong một bữa tiệc hoa lệ, trong khi bạn thưởng thức từng miếng đồ ăn thì họ sẽ cho bạn biết những sai sót ở tất cả mọi món. Những người như vậy không biết trân trọng cuộc sống, họ chẳng hề quan tâm đến những điều tốt đẹp mà cuộc sống mang lại cho họ.

Qua email, một người bạn đã kể cho tôi nghe một câu chuyện về tính cách rất “tập thể” và tự lập của một bà cụ 92 tuổi đang sống tại trại dưỡng lão. Kể từ khi mắt bà kém đi nhiều và chồng bà qua đời ở tuổi 70, đây là lựa chọn duy nhất mà bà có. Bà kiên trì ngồi đợi ở hành lang cho đến khi được thông báo phòng đã sẵn sàng.

Khi bà được đưa xuống hành làng, người phục vụ mô tả căn phòng đường sau tấm rèm che cửa sổ.

“Tôi thích nó,” bà cụ tán dương.

“Nhưng bà vẫn chưa nhìn thấy phòng mà. Cứ đợi một chút đã,” người phục vụ trả lời.

“Không cần phải làm gì thêm với nó cả”, bà trả lời. “Hạnh phúc là điều gì đó mà ta tự định trước. Cho dù tôi có thích căn phòng hay không điều đó không phụ thuộc vào việc bài trí đồ đạc trong phòng. Nó phụ thuộc vào cách mà tôi sắp xếp suy nghĩ của mình.”

Sự trân trọng không phải là vấn đề của sở thích hay sự tinh tế. Đó là vấn đề quan điểm. John Wooden nói: “Mọi việc trở thành tốt nhất cho những người tạo điều kiện tốt nhất để mọi việc diễn ra.” Nơi bắt đầu là với những điều nhỏ bé. Nếu bạn học được cách trân trọng và biết ơn chúng, bạn sẽ biết đánh giá cao những điều lớn lao cũng như tất cả những điều khác.

QUẢN LÝ KỶ LUẬT THÁI ĐỘ

Nếu muốn nhận được mọi ích lợi từ một thái độ tích cực, bạn cần phải làm nhiều hơn là chỉ quyết định trở nên tích cực. Bạn còn phải quản lý quyết định đó nữa. Với tôi, trong phạm trù thái độ, nó có nghĩa là: hàng ngày tôi sẽ có những điều chỉnh cần thiết để giữ thái độ đúng đắn. Nếu đây là một phạm trù mới mẻ với bạn, có thể bạn sẽ băn khoăn không biết phải làm thế nào. Đây là một vài chỉ dẫn sẽ giúp bạn tiếp tục con đường:

Nhận thức rằng bạn phải điều chỉnh thái độ hàng ngày

Tôi khám phá ra rằng thái độ sống không tự nhiên hay dễ dàng được duy trì ở trạng thái tích cực. Ví dụ, một điểm yếu suốt đời trong thái độ sống của tôi là thiếu kiên nhẫn với mọi người. Nó là vấn đề ngay cả khi tôi còn nhỏ. Ở trường, khi giáo viên dành hẳn một ngày để ôn tập trước kỳ thi học kỳ, tôi đã nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm khi hỏi: “Nếu chúng em đã hiểu bài rồi thì có cần thiết phải ôn tập lại không ạ?” Và đến giờ tôi vẫn chiến đầu với tính thiếu kiên nhẫn. Hàng ngày tôi tự hỏi: “Mình có thiếu kiên nhẫn với ai không?” Nếu có, tôi xin lỗi người đó. Tôi đã phải làm việc đó nhiều hơn số lần mà tôi muốn thú nhận.

Giống như mọi sự rèn luyện, thái độ của bạn cũng không tự chăm sóc được mình. Vì vậy nó cần được quan tâm hàng ngày. Thiên hướng tự nhiên của bạn càng ngả về thái độ bi quan hay phê phán, bạn càng cần chú ý nhiều hơn tới thái độ. Hãy bắt đầu mỗi ngày với việc kiểm tra thái độ. Và hãy để ý tới những lá cờ đỏ báo hiệu vấn đề rắc rối trong thái độ của bạn.

Tìm kiếm mặt tích cực trong mọi chuyện

Cách đây không lâu, tôi tình cờ nghe được một lời cầu nguyện mà tôi nghĩ nó thật tuyệt vời. Lời cầu nguyện ấy như thế này:

Chúa kính yêu,

Hôm nay, cho tới giờ, con đã làm mọi điều đúng đắn. Con không ngồi lê đôi mách, con không mất bình tĩnh, con không tham lam, gắt gỏng, khó chịu, ích kỷ hay bê tha. Con không than vãn, nguyền rủa hay ăn sô-cô-la.

Tuy vậy, chỉ vài phút nữa con sẽ ra khỏi giường, và con sẽ cần có thêm rất nhiều sự trợ giúp sau đó. Tạ ơn Người.

Có thể không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng nếu đủ nỗ lực, bạn sẽ tìm thấy những điều tốt đẹp, thậm chí ở giữa những tình huống cực kỳ khó khăn. Trong cuốn Cười to lần nữa (Laugh again), bạn tôi, Chuck Swindall giải thích rằng khi mẹ Teresa được hỏi về những yêu cầu cần thiết của những người trợ giúp Mẹ trong công việc cứu trợ những người cùng khổ ở Calcutta, Mẹ nêu ra 2 điều: mong muốn làm việc chăm chỉ và một thái độ vui vẻ. Nếu ai đó có thể vẫn vui vẻ khi xung quanh là những xác chết và những người nghèo nhất trong những người nghèo, thì nhất định chúng ta cũng có thể làm vậy trong tình huống của chúng ta.

Trong mọi trường hợp, hãy tìm ai đó lạc quan

Không điều gì giúp cho một người luôn giữ được sự lạc quan bằng việc có một đồng minh. Thực tế, thế giới đầy những người bi quan, và họ luôn tụ tập cùng nhau. Nhưng những người lạc quan cũng ở khắp nơi. Bạn thường thấy họ vượt lên trên những người tiêu cực như những con chim ưng vậy. Khi đó, hãy tìm kiếm họ. Nếu bạn đang trải qua một giai đoạn khó khăn, hãy gần gũi và “theo sát” đằng sau họ như cách mà các tay đua vẫn làm. Nếu họ gặp khó khăn, hãy đứng ra phía trước và giải quyết vấn đề đó. Hai người tích cực thì tốt hơn là một cá nhân đơn độc trong cuộc chiến với nỗi muộn phiền.

Luôn nói những điều tích cực trong các cuộc đối thoại

Tôi vẫn cố gắng hình thành thói quen thêm những lời bình luận tích cực vào tất cả các cuộc trò chuyện với mọi người. Việc đó bắt đầu với những người gần gũi với tôi nhất. Khi vợ tôi xinh đẹp (việc này rất là thường xuyên!), tôi nói với nàng. Tôi khen ngợi các con mỗi khi gặp chúng. Và tôi khen cháu tôi hết lời mỗi khi chúng tôi gặp nhau. Nhưng không chỉ dừng ở đó. Tôi chân thành khen ngợi, ca tụng, cảm tạ, ủng hộ, nâng đỡ và trao thưởng cho mọi người bất cứ lúc nào có thể. Đó là điều tuyệt vời với tôi cũng như với những người khác. Tôi thành thực khuyên bạn nên làm như vậy, và tôi biết bạn cũng có thể học để làm như thế.

Loại bỏ những ngôn ngữ tiêu cực khỏi vốn từ của bạn

Cha tôi nghỉ hưu khi 75 tuổi, nhưng ông dành cả đời cho việc diễn thuyết trước công chúng. Ông xuất thân trong một gia đình bình thường, vì thế ông luôn làm việc chăm chỉ để học hỏi và phát triển. Khi tôi còn là một cậu bé, ông thường cho anh tôi, Larry, và tôi 10 đồng mỗi khi chúng tôi tìm thấy một lỗi ngữ pháp ông mắc phải trong khi giảng đạo. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy ông đã nỗ lực thế nào để tự hoàn thiện bản thân. (Tôi cũng đoán rằng ông làm việc đó còn là để chúng tôi tự học ngữ pháp nhiều hơn).

Bạn có thể làm tương tự với những việc liên quan đến thái độ của mình. Bạn – hoặc ai đó mà bạn có thể hợp tác – tìm những từ mang ý tiêu cực trong vốn từ vựng của bạn, tiếp đó cố gắng loại bỏ chúng. Dưới đây là một danh sách để giúp bạn bắt đầu:

 

 Loại bỏ những từ sau   Thay chúng bằng 
 Tôi không thể   Tôi có thể 
 Giá như   Tôi sẽ 
 Tôi không nghĩ   Tôi biết 
 Tôi không có thời gian   Tôi sẽ dành thời gian 
 Có lẽ   Chắc chắn 
 Tôi sợ   Tôi tự tin 
 Tôi không tin   Tôi chắc chắn 

Nếu bạn không ngừng tìm kiếm và duy trì những điều tích cực, đồng thời loại bỏ những điều tiêu cực, bạn sẽ tự giúp mình bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn từng ngày.

Bày tỏ lòng biết ơn với mọi người mỗi ngày

Trong tất cả các đức tính tốt, lòng biết ơn dường như ít được được bày tỏ nhất. Mọi người có thường cố gắng để cám ơn bạn không? Bạn có thường nhận được thư cám ơn khi gửi tặng một món quà không? Quan trọng hơn, bạn có thường xuyên gửi lời cảm ơn của mình tới người khác không? Trong nền văn hóa ở thời đại sung túc của chúng ta, chúng ta có xu hướng nghiễm nhiên hưởng thụ mà không quan tâm đến việc phải cảm ơn hay trân trọng nó.

Vài năm trước, Oprah Winfrey khuyến khích hàng triệu người xem truyền hình giữ một cuốn sổ nhớ ơn để giúp họ hiểu rõ giá trị của cuộc đời. Amy Vanderbilt, nhà báo và tác giả sách về nghi thức, nói: “Khi chúng ta học để đưa ra lời cảm ơn, chúng ta học cách không tập trung vào những điều xấu, mà vào những điều tốt đẹp trong đời sống”. Suy nghĩ về những điều tốt đẹp giúp chúng ta thấy biết ơn. Còn việc biết ơn giúp chúng ta có một thái độ sống tích cực. Và có một thái độ sống tích cực giúp chúng ta suy nghĩ về những điều tốt thay vì những điều xấu. Đó là một chu trình tích cực tự nạp nhiên liệu.


Quyết định của bạn về thái độ hôm nay

Ngày hôm nay, bạn đang đứng ở đâu khi đề cập đến vấn đề thái độ? Hãy tự đặt cho mình ba câu hỏi sau:

 
  1. Hàng ngày, tôi đã thực hiện việc quyết định lựa chọn một thái độ đúng đắn và thể hiện thái độ đó chưa?
  2. Nếu vậy, tôi quyết định khi nào?
  3. Chính xác là tôi đã quyết định điều gì?

Kỷ luật về thái độ của bạn hàng ngày

Căn cứ vào những quyết định liên quan đến thái độ mà bạn đưa ra, kỷ luật nào mà bạn phải chấp hành hôm nay và mọi ngày để thành công?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.