Để Hôm Nay Trở Thành Kiệt Tác
12 TRƯỞNG THÀNH
Năm 1974, một sự kiện trọng đại đã thay đổi mãi mãi cuộc đời tôi. Tôi dùng bữa sáng cùng Kurt Kampmeir của công ty Success Motivation ở Lancaster, Ohio. Trong khi ăn, Kurt nêu lên một câu hỏi. “John,” ông hỏi, “kế hoạch phát triển cá nhân của anh là gì?”
Thao thao bất tuyệt, tôi cố gắng tìm ra những điều trong đời mình đáng được gọi là trưởng thành. Tôi nói với ông về rất nhiều hoạt động mà tôi đã tham gia suốt cả tuần. Và tôi mải mê thuyết trình về việc mình đã làm việc chăm chỉ như thế nào cùng với những thành tích đã đạt được trong tổ chức của mình. Hẳn là tôi phải luyên thuyên đến 10 phút, cho tới khi cuối cùng tôi hụt cả hơi. Kurt kiên nhẫn lắng nghe, nhưng rồi cuối cùng ông mỉm cười và bảo: “Anh không có một kế hoạch phát triển cho cá nhân, đúng không?”
“Không,” cuối cùng tôi thừa nhận.
“Anh biết đấy,” Kurt nói một cách đơn giản, “trưởng thành không phải là một quá trình tự động.”
Và đó là khi tôi bừng tỉnh. Tôi chưa hề làm gì một cách có chủ đích hay chiến lược để khiến cho bản thân mình tốt lên. Và trong khoảnh khắc đó, tôi quyết định: Tôi sẽ triển khai và tuân theo một kế hoạch phát triển bản thân cho đời mình.
Đêm đó, tôi trở về nhà và nói chuyện với Margaret về cuộc đối thoại của mình với Kurt và điều mà tôi học được ngày hôm đó. Tôi cho cô xem cuốn sách học và những cuốn băng mà Kurt đang bán. Tôi biết những nguồn tham khảo này có thể giúp chúng tôi phát triển. Chi phí là 745 đô la, con số khổng lồ đối với vợ chồng tôi thời đó. Chúng tôi không thể mua được nó – nhưng chúng tôi cũng không thể không có nó. Tới tận lúc đó, tôi lúc nào cũng tin vào tiềm năng của bản thân, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tạo ra một con đường để tăng cường và đạt được tiềm năng đó. Tôi nhận ra rằng Kurt không cố gắng để bán được thật nhiều, mà ông đang đưa ra cho chúng tôi một con đường để thay đổi cuộc đời và đạt được những ước mơ của mình.
Một đôi điều quan trọng đã xảy ra vào đêm hôm đó. Đầu tiên, tôi nghĩ ra được cách để xoay sở số tiền cần để mua những tài liệu đó. Điều này đòi hỏi chúng tôi hy sinh hầu bao vốn đã eo hẹp của mình trong sáu tháng tới. Nhưng quan trọng hơn, Margaret và tôi đã thề nguyền là sẽ cùng nhau phát triển. Từ ngày hôm đó, chúng tôi cùng học tập, cùng du hành, và cùng hy sinh để cùng phát triển. Đó là một quyết định sáng suốt. Trong khi có rất nhiều cặp đôi ngày càng xa nhau, chúng tôi lại cùng nhau tiến lên.
ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH TÌM KIẾM VÀ TRẢI NGHIỆM SỰ PHÁT TRIỂN MỖI NGÀY
Nếu bạn đã sẵn sàng để quyết định theo đuổi sự phát triển và trải nghiệm sự tiến bộ mỗi ngày, hãy làm như sau:
Trả lời câu hỏi: Tiềm năng của tôi là gì?
Tôi đã được nghe một câu chuyện về bác sĩ St. Louis, ông đã gặp một chàng trai đang học trung học, cậu vừa bị mất một bàn tay. Khi ông bác sĩ hỏi về tình trạng khuyết tật của cậu, cậu thiếu niên trả lời: “Cháu không bị khuyết tật, thưa bác. Cháu chỉ không có bàn tay phải thôi.” Lát sau, vị bác sĩ được biết rằng cậu là một trong những cầu thủ hàng đầu trong đội bóng đá của trường cậu.
Khuyết tật lớn nhất của một người là không nhận ra được tiềm năng của mình. Bạn có những ước mơ nào chỉ đang đợi để được thành hiện thực? Những năng khiếu và tài năng nào đã ở trong bạn đang khao khát được bộc lộ và phát triển? Điều duy nhất có thể điền đầy khoảng cách giữa viễn cảnh tương lai và thực tế hiện tại chính là cam kết tối đa hóa tiềm năng của bạn.
Quyết tâm thay đổi
Tác giả William Feather từng nói: “Niềm vui sướng có giá trị thực sự duy nhất là niềm vui tới từ việc biến mình thành người có giá trị.” Để biến mình thành người có giá trị, bạn cần phải sẵn sàng thay đổi, vì không có thay đổi sẽ chẳng có sự phát triển nào hết. Vấn đề mà hầu như ai cũng có là họ muốn mọi chuyện vẫn giữ nguyên như cũ nhưng lại vẫn tốt lên. Hiển nhiên là không thể có chuyện đó được. Nếu bạn thực sự muốn phát triển, vậy thì hãy quyết tâm không chỉ chấp nhận sự thay đổi, mà còn chủ động tìm kiếm nó.
Đặt ra các mục tiêu phát triển
Khi bắt đầu vạch ra kế hoạch phát triển bản thân bằng việc sử dụng các tài liệu của Kurt Kampmeir, tôi theo đuổi một kế hoạch phát triển mang tính nền tảng chứ không cụ thể. Và lúc đó như vậy là ổn. Tôi đang ở độ tuổi ngoài 20 và cũng chỉ mới bắt đầu lập nghiệp. Nhưng như đã nhiều tuổi hơn, trải đời hơn và tiến xa hơn trong sự nghiệp, tôi bắt đầu tập trung sự phát triển của mình vào một vài lĩnh vực chủ chốt. Một trong số đó là giao tiếp. Điều này hợp lý với tôi, không chỉ vì tôi nói chuyện với các khán giả bốn hay năm lần một tuần, mà còn bởi tôi có khả năng tự nhiên trong lĩnh vực đó. Một lĩnh vực khác là lãnh đạo – tôi cần phải làm tốt việc này mỗi ngày để thành công trong sự nghiệp của mình.
Khi bạn lên kế hoạch phát triển cho mình thì khả năng tập trung sẽ đem lại cho bạn rất nhiều ích lợi. Peter Drucker, cha đẻ của ngành quản trị hiện đại, đã nói: “Điều thần bí không phải là mọi người làm hỏng việc mà là đôi lúc họ làm được vài việc thật tốt. Điều duy nhất phổ biến là sự bất toàn. Thế mạnh bao giờ cũng cụ thể. Chưa từng có ai nhận xét những điều như, rất có thể nghệ sĩ violon Jascha Heifetz là chơi kèn trumpet không được hay lắm.” Trong chương nói về các ưu tiên, tôi đã khuyến khích bạn tập trung các điểm ưu tiên của bạn vào ba lĩnh vực chính: yêu cầu, đền đáp và tưởng thưởng. Bạn cũng nên áp dụng những tiêu chí này cho sự phát triển cá nhân của mình. Tập trung phát triển những lĩnh vực mà bạn có thế mạnh nhất, chứ không phải điểm yếu. Và hãy phát triển ở các lĩnh vực sẽ gia tăng thêm giá trị cho cá nhân bạn và công việc của bạn.
Học cách tận hưởng cuộc hành trình
Eugene Griessman, tác giả cuốn Con đường tới thành công rực rỡ (The Path to High Achievement), nói rằng nhà vô địch cờ vua học đi học lại các nước cờ, chiến lược thí quân và các thế cờ trong khoảng thời gian 15 năm trước khi họ giành được danh hiệu thế giới đầu tiên. Nếu bạn định dành nhiều thời gian như vậy để học một điều gì đó, vậy thì tốt hơn là bạn nên học cách yêu thích nó. Nếu đích đến hấp dẫn bạn nhưng bạn lại không thể tận hưởng cuộc hành trình cần có để tới được đó, sẽ khôn ngoan hơn nếu bạn xem xét lại những ưu tiêu của mình để đảm bảo rằng bạn đã xác định chúng chính xác.
Đặt mình vào một môi trường phát triển
Tôi thường băn khoăn điều gì đã có thể xảy ra, khi tôi về nhà với Margaret một ngày năm 1974 sau khi gặp Kurt Kampmeir, nếu cô ấy nói cô không muốn phát triển cùng với tôi, và rằng 745 đô la là khoản tiền quá lớn đối với một bộ công cụ phát triển cá nhân. Tôi băn khoăn vì tôi biết sự đồng hành và gắn bó của cô trên con đường phát triển cá nhân đã tạo nên khác biệt rất lớn. Bằng cách cùng hợp tác để phát triển bản thân, chúng tôi đã tạo ra được một môi trường phát triển giúp cả hai mở rộng chân trời của mình và sống một cuộc sống mà trước khi cưới chẳng bao giờ chúng tôi có thể mơ tới. Và môi trường đó vẫn còn đó khi chúng tôi nuôi dạy lũ trẻ. Trong quá trình Elizabethvà Joel Porter trưởng thành, việc phát triển trí tuệ, cảm xúc và tâm hồn của chúng là những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.
Tôi từng nghe nói rằng có một số loài cá lớn lên theo điều kiện môi trường sống của chúng. Đặt chúng vào một bể cá nhỏ, chúng sẽ cứ nhỏ mãi cho dù đã trưởng thành. Thả chúng vào một vùng nước tự nhiên rộng lớn, chúng sẽ phát triển hết kích thước tiềm năng của mình. Con người cũng vậy. Nếu họ sống trong một môi trường khắc nghiệt và hạn hẹp, họ cứ nhỏ bé mãi. Nhưng đặt họ vào nơi nào đó khuyến khích sự phát triển, họ sẽ mở rộng để đạt tới tiềm năng của mình.
QUẢN LÝ KỶ LUẬT PHÁT TRIỂN
Khi tôi đã nghiên cứu xong toàn bộ các tài liệu của Kurt Kampmeir, tôi bắt đầu thực sự muốn được phát triển hơn nữa. Và chính lúc đó tôi quyết tâm thực hành kỷ luật phát triển này: Mỗi ngày tôi sẽ phát triển theo mục đích đã đề ra trong kế hoạch. Margaret và tôi tiếp tục làm rất nhiều điều để phát triển cùng nhau, nhưng mỗi người cũng bắt đầu điều chỉnh các kế hoạch của mình theo các thế mạnh và nhu cầu của bản thân. Một trong những kết quả của việc học và bạn nhận ra mình còn phải đi bao xa nữa, và càng học, ta lại càng khao khát được phát triển hơn nữa.
Khi bạn chuẩn bị để chấp hành các kỷ luật phát triển, tôi muốn khuyến khích bạn làm theo những điều sau:
Mỗi ngày, tự đặt mục tiêu phát triển theo một cách nào đó
Năm 1972, vận động viên bơi lội trung học John Naber theo dõi Thế vận hội Olympics trên truyền hình và rất háo hức. Cậu đã là một vận động viên bơi xuất sắc, nhưng cậu bắt đầu nghĩ đến chuyện mạnh dạn tiến lên thành một vận động viên hạng Olympic. Cậu nhận ra rằng mình sẽ phải giảm được bốn giây trong vòng bốn năm. Với bạn và tôi, điều đó có thể không quá khó, bởi vì chúng ta có cả một chặng đường dài để đi.
Nhưng với một người như Naber, đã qua huấn luyện rất nhiều, thì điều đó dường như là bất khả thi. Những tay đua ưu tú nghĩ tới sự cải thiện tính bằng vài phần giây. Nghĩ tới thực tế đó, cậu đột nhiên hiểu ra cách để thực hiện được nhiệm vụ này. Nếu cậu lên kế hoạch tập huấn 10 tháng một năm trong bốn năm tới, cậu sẽ phải cải thiện 1/10 giây mỗi tháng. Đó vẫn là một thử thách lớn, nhưng cậu tin rằng mình có thể làm được và sẵn sàng cho Thế vận hội Olympics 1976.
Naber đã suy nghĩ đúng hướng. Và nó đã cho kết quả. Cậu trở về với năm tấm huy chương, bốn trong số đó là huy chương vàng. Nếu bạn và tôi muốn phát triển thành công, chúng ta phải chọn cách tư duy tương tự. Nếu chúng ta muốn cải thiện từng ngày và lên kế hoạch theo cách đó thì ta có thể hoàn thành được một quá trình vĩ đại trên một chặng đường dài.
Dành thời gian và lên kế hoạch phát triển
Một trong những câu nói về phát triển cá nhân yêu thích của tôi là của tác giả và nhà diễn thuyết Earl Nightingale. Tôi tình cờ gặp được nó hơn 20 năm trước, và câu nói đó đã có ảnh hưởng sâu sắc tới tôi. Nightingale nói: “Nếu một người dành một giờ một ngày cho cùng một lĩnh vực trong năm năm, người đó sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.” Câu nói đó đã thay đổi cách tôi lên kế hoạch phát triển cá nhân cho mình. Tôi bắt đầu dành ra một giờ một ngày, năm ngày một tuần, học về cách lãnh đạo. Qua thời gian, hiện thực đó đã thay đổi cuộc đời tôi.
Để khiến cho sự trưởng thành của bạn có chủ đích, mang tính chiến lược và hiệu quả, bạn cần nghĩ thật kỹ và lên kế hoạch thật tốt. Xin được chia sẻ với bạn cách tôi lên kế hoạch phát triển cho mình:
– Tuần nào tôi cũng nghe các bài học được ghi âm: Trước hết, tôi luôn luôn để ý tìm kiếm những bài giảng hay trên băng hoặc đĩa CD. Mỗi tuần, tôi nghe sáu bài học ghi âm. Thông thường, nội dung các bài học đó được phân chia như sau: Bốn bài trung bình, hai bài từ tốt đến xuất sắc và chỉ có một bài có thể vượt trội hẳn. (Nếu một bài học không hay, tôi bấm nút nhả đĩa sau năm phút). Với mỗi cuộn băng, tôi cố gắng quyết định xem cuộn nào nên “mang theo” – nội dung tôi có thể áp dụng ngay lập tức – và làm gì đó để cố gắng tận dụng nó triệt để. Và tôi cho gỡ băng(1) tất cả những bài học nổi bật để có thể đọc lại, đánh dấu và chiết xuất từng mảnh vàng trong đó.
– Mỗi tháng tôi đọc hai cuốn sách: Nếu tới văn phòng tôi, bạn sẽ thấy hai chồng sách trên bàn làm việc gần chiếc ghế của tôi. Đó là những cuốn sách “sẵn sàng”, đang đợi để được đọc. Chúng được xếp thành hai loại và hàng tháng tôi đọc mỗi loại một cuốn. Chồng đầu tiên là những cuốn sách cực hay mà tôi hy vọng sẽ có tác động mạnh tới mình. Trong tháng đó, tôi dành rất nhiều thời gian với loại sách này, thấm thía các ý tưởng của nó, đánh dấu các trang, rút ra các ý tưởng và suy nghĩ xem tôi có thể ứng dụng những khái niệm đó vào cuộc sống của mình như thế nào. (Tôi cũng lập hồ sơ những điều mình học được – lát nữa tôi sẽ giải thích việc này). Chồng thứ hai gồm các cuốn sách trung bình mà tôi định đọc nhanh. Chúng có thể chỉ cung cấp một vài khái miệm mà tôi muốn học được thật nhanh mà không buộc phải đọc cẩn thận.
– Hàng tháng, tôi đặt ra một lịch hẹn: Một trong những điều tôi mong chờ nhất là lắng nghe và học hỏi từ người khác. Vì thế, mỗi tháng tôi đặt một lịch hẹn với ai đó có thể giúp tôi phát triển. Trước buổi gặp, tôi chuẩn bị một danh sách các câu hỏi tương ứng với một lĩnh vực mà tôi cần phát triển và người đó đã thành công. Tôi cũng làm bất cứ bài tập về nhà nào mà tôi nghĩ có thể sẽ cần thiết, ví dụ như đọc bất kỳ cuốn sách nào người kia đã viết, nhưng thành công của buổi trò chuyện được quyết định nhiều nhất ở các câu hỏi mà tôi chuẩn bị. Cuộc đối thoại của tôi với John Wooden mà tôi đã nhắc tới trong Chương 1, là kết quả của một trong những buổi hẹn đó. Đó là khoảng thời gian tăng cường khả năng cho tôi. Bất cứ khi nào tôi dành thời gian với những con người tuyệt vời, tôi cũng chờ đợi được học những điều tuyệt vời từ họ.
Khi bạn lên kế hoạch chiến lược phát triển của mình và dành thời gian cho nó, đừng quên là bạn càng phát triển, sự phát triển đối với các nhu cầu và ưu điểm của bạn càng phải cụ thể. Và bất cứ khi nào bạn phát hiện một cuốn sách, một cuộn băng hay một buổi hội thảo không có được giá trị mà bạn đang mong mỏi, hãy bỏ qua luôn. Đừng phí thời gian vào bất cứ thứ gì kém giá trị.
Lưu hồ sơ những điều bạn học được
Tôi phải thú nhận điều này: Tôi là một người thích lập hồ sơ. Bất cứ khi nào tôi thấy điều gì đó mà tôi nghĩ sẽ có giá trị giúp tôi học tập, giảng dạy hay viết lách trong tương lai – tôi lại lưu trữ nó lại. Khi tôi nghe được một cuộn băng hay một đĩa CD tuyệt hay và cho gỡ băng ra giấy, tôi lưu lại các phần trích dẫn của nó. Nếu nó thực sự hay, tôi thậm chí sẽ lưu toàn bộ bản gỡ băng. Khi đọc một cuốn sách, tôi đánh dấu mọi đoạn trích mà tôi muốn ghi nhận và ghi nhanh lại đề tài phù hợp để xếp nó vào. Nếu bạn nhìn vào trang bìa của tất cả các cuốn sách hay mà tôi đã đọc, bạn sẽ thấy một danh sách số trang và các chủ đề được viết trên đó. Khi đọc xong, tôi đưa sách cho người trợ lý, người đó sẽ sao lại tài liệu đó và lưu trữ nó giúp tôi. Tôi đã làm như vậy trong 40 năm!
Tôi muốn khuyến khích bạn lưu trữ lại các trích dẫn, các câu chuyện và các ý tưởng mà bạn tìm thấy trong quá trình học hỏi. Thói quen này không chỉ mang lại một tập hợp tuyệt vời những tài liệu để bạn sử dụng trong tương lai, nó còn giúp cho bạn tập trung cao độ hơn, buộc bạn phải đánh giá điều mà bạn đang đọc, giúp bạn vượt qua những thứ nhảm nhí để vươn tới những điều có giá trị sẽ khuyến khích và giúp bạn phát triển.
Áp dụng những điều bạn học được
Mike Abrashoff, tác giả cuốn Đó là thuyền của bạn (It’s Your Ship), nói rằng: “Lên trên không phải là một hướng dễ. Nó thách thức lực hấp dẫn, cả văn hóa và lực hút”. Thường thì phần khó nhất của việc leo lên trong quá trình phát triển là áp dụng vào thực tế những điều bạn học được. Thế nhưng, ở đó mới có giá trị đích thực. Bài kiểm tra cuối cùng của bất cứ điều gì học hỏi được luôn là ứng dụng. Nếu những điều bạn đang học có thể áp dụng được theo một cách nào đó để giúp đỡ và cải thiện bạn hay những người khác, vậy thì nó xứng đáng với nỗ lực bỏ ra.
Quyết định phát triển của bạn hôm nay
Ngày hôm nay, bạn đang đứng ở đâu trên quá trình phát triển? Hãy tự đặt cho mình ba câu hỏi sau:
- Tôi đã quyết định tìm và trải nghiệm sự tiến bộ mỗi ngày chưa?
- Nếu vậy, tôi đã đưa ra quyết định đó khi nào?
- Chính xác là tôi đã quyết định điều gì?
Kỷ luật phát triển hàng ngày của bạn
Dựa trên quyết định liên quan đến việc phát triển mà bạn đã đưa ra, kỷ luật nào mà bạn phải chấp hành hôm nay và mỗi
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.