Để Hôm Nay Trở Thành Kiệt Tác

4 GIA ĐÌNH



Năm 1986, ở tuổi 39, tôi bắt đầu nhận thức được một xu hướng khủng khiếp. Cuộc sống hôn nhân của một vài đồng nghiệp, bạn bè quanh tôi đang rơi vào khủng hoảng và kết thúc bằng việc ly hôn. Điều đó thực sự làm tôi chú ý bởi vì thậm chí có những mối quan hệ mà Margaret và tôi vẫn coi là rất bền chặt cũng đã đổ vỡ. Chúng tôi đã không nghĩ rằng mối quan hệ của mình đang gặp bất kỳ mối nguy hiểm nào, nhưng tôi cũng thấy rằng, trước khi đổ vỡ xảy ra, một vài cặp vợ chồng cũng không hề nghĩ những điều như thế có thể xảy đến với họ.

Những chuyện này gần như xảy ra vào đúng thời điểm sự nghiệp của tôi khởi sắc. Tôi vẫn muốn tiếp tục thành công, nhưng tôi không muốn vì vậy mà đánh mất gia đình của mình. Điều này đã thôi thúc tôi đưa ra một trong những quyết định then chốt trong cuộc đời, và tôi sẽ làm điều đó bằng cách viết lại định nghĩa của mình về thành công. Từ thời điểm đó, thành công có nghĩa là khiến cho những người gẫn gũi nhất với tôi luôn yêu thương và tôn trọng tôi nhất. Quyết định đó đã đặt vợ tôi, Margaret, và các con tôi, Elizabeth và Joel, vào tâm điểm của định nghĩa về thành công của tôi. Thành công sẽ là bất khả thi nếu tôi chỉ đạt được những thứ bên ngoài nhưng lại thất bại trong việc đưa gia đình mình cùng đi trong hành trình đó. Tiếng vỗ tay của người ngoài không bao giờ thay thế được sự cảm kích của gia đình. Sự tôn trọng từ những người khác sẽ vô cùng bé nhỏ nếu tôi không nhận được sự tôn trọng của những người thân yêu. Tôi sẽ đặt việc chăm sóc và gần gũi với gia đình là một trong những điều ưu tiên trong cuộc đời.

ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH SẼ GẦN GŨI VÀ CHĂM SÓC GIA ĐÌNH HÀNG NGÀY

Tôi không rõ vị trí của bạn trong gia đình hiện tại ra sao, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Bạn có thể có một cuộc sống gia đình tuyệt vời. Hay bạn đã phạm phải những lỗi nghiêm trọng mà bạn sợ rằng sẽ không thể nào bù đắp nổi.

Bạn có thể còn độc thân và chưa có con, vì vậy, tất cả những gì bạn có là một gia đình lớn(1). Nhưng tôi có thể nói với bạn điều này: Dù tình trạng của bạn hiện nay ra sao, bạn vẫn có thể hưởng thụ được sự bình yên đến từ những mối quan hệ và sự chăm sóc dành cho gia đình mình hàng ngày. Đây là cách để bắt đầu:

Xác định những ưu tiên của bạn

Có một câu tục ngữ của Nga khuyên rằng:

Trước khi ra trận, hãy cầu nguyện – 1 lần

Trước khi đi biển, hãy cầu nguyện – 2 lần

Trước khi cưới, hãy cầu nguyện – 3 lần.

Nói cách khác, bất cứ khi nào bạn chuẩn bị thực hiện một nỗ lực to lớn (và ẩn chứa nhiều rủi ro!), trước tiên hãy cân nhắc thật kỹ càng. Còn cách nào khác để bạn biết trong cuộc đời bạn điều đó có vị trí như thế nào trong danh sách ưu tiên?

Tôi bắt đầu học bài học này một cách khó khăn. Trong khoảng thời gian 1 tháng vào năm 1969, tôi tốt nghiệp đại học, kết hôn cùng Margaret, và bắt đầu công việc đầu tiên. Ngay sau khi trở về từ tuần trăng mật, chúng tôi chuyển đến thị trấn mới và tôi bắt đầu làm việc. Tôi là mục sư cấp cao của một nhà thờ nhỏ trong thị trấn và tôi xác định phải thành công. Tôi dâng hiến mình cho công việc, dành cho nó mọi thứ tôi có. Và khi tôi nói mọi thứ, thì ý tôi là tất cả mọi thứ. Tôi đã làm việc cả ngày tại nhà thờ, và tất cả các buổi tối tôi lại đặt lịch hẹn gặp mọi người trong cộng đồng. Tôi đã làm việc đủ sáu ngày một tuần, nhưng tôi vẫn ăn gian bằng cách tiếp tục làm việc vào ngày nghỉ. Trong khi đó, Margaret đã phải làm việc gấp đôi để chúng tôi có tình hình tài chính tạm ổn bởi lương của tôi quá thấp. Điều tồi tệ là tôi đã không quan tâm tới vợ mình và cuộc sống hôn nhân của chúng tôi.

Margaret và tôi quen nhau từ khi học trung học, và chúng tôi hẹn hò được 6 năm trước khi kết hôn, vì thế chúng tôi hiểu nhau rất rõ, nhất là so với một cặp vợ chồng trẻ đến vậy. Vì thế, tôi tin rằng những gì chúng tôi đã biết về nhau sẽ giúp chúng tôi vượt qua khi tôi hiến mình cho sự nghiệp. Nhưng một cuộc hôn nhân không thể cứ tồn tại mãi mãi chỉ với những thức ăn thừa. Nó cần được chăm bẵm thường xuyên, hoặc nó sẽ chết đói.

Rất nhiều người đã tự cho phép cuộc sống gia đình họ “chết đói”.

Theo nhà tâm lý học L. Ronald Klinger, chủ tịch trung tâm Successful Fathering, những bậc cha mẹ ngày nay dành thời gian cho con cái ít hơn những bậc cha mẹ thế hệ trước 40%. Các gia đình cũng đang tan vỡ với một tốc độ chóng mặt. Trong vòng 5 năm, 20% các cuộc hôn nhân lần đầu kết thúc bằng ly dị. Trong vòng 10 năm, tỷ lệ này lên đến 33%. “Hơn ¼ các gia đình ở Mỹ (28% vào năm 2000) là của các ông bố bà mẹ đơn thân. Và gần ¾ những đứa trẻ trong các gia đình có bố mẹ đơn thân này sống trong cảnh đói nghèo khi chúng bước vào tuổi 11.” Hàng năm, 20-30 tỷ đô la trong khoản tiền thuế được dành để hỗ trợ những đứa trẻ có bố mẹ không có khả năng nuôi dưỡng và không chu cấp được tài chính cho chúng.”

Xây dựng một gia đình bền vững không phải là công việc của một người, bạn phải nỗ lực thực hiện cùng nhau. Sau khi nhận được thông điêp rằng mình đang bỏ mặc Margaret, tôi đã thay đổi cách tiếp cận của mình đối với sự nghiệp. Tôi dành thời gian nhiều hơn cho vợ mình. Tôi bảo vệ ngày nghỉ của mình. Và chúng tôi để dành một khoản tiền trong ngân sách của mình để cùng nhau sử dụng trong những dịp đặc biệt. Tôi vẫn muốn thành công, nhưng không phải với cái giá là mất đi gia đình của mình! Tôi vẫn làm việc trên tinh thần gia đình là ưu tiên hàng đầu. Và tôi vẫn tiếp tục đặt sự ưu tiên cho gia đình mình. Bất kỳ ai bỏ mặc hoặc vứt bỏ gia đình mình vì danh vọng, địa vị hay tiền tài đều không thực sự thành công.

Quyết định triết lý sống của bạn

Một khi bạn xác định gia đình là ưu tiên của mình, bạn phải quyết định điều mà bạn mong muốn gia đình mình sẽ ủng hộ mình. Điều đó phải được dựa trên giá trị của bạn. Trong 10 năm đầu của cuộc hôn nhân, Margaret và tôi quyết định đưa ra triết lý cá nhân của từng người về gia đình. Ban đầu, chúng tôi cố gắng sống theo quyết định đó với tư cách là một cặp vợ chồng. Sau đó, khi có con, chúng tôi cố gắng biến nó thành nền tảng cho mọi sự lựa chọn của mình với tư cách là những ông bố bà mẹ. Với chúng tôi, điều quan trọng nhất đối với gia đình là chúng tôi phải nuôi dưỡng và duy trì những điều sau:

 
  • Gắn kết với Thượng đế: Đức tin của chúng ta thể hiện trước nhất là trong cuộc sống. Nếu chúng ta bỏ qua hoặc xuề xòa với điều đó thì không một điều gì là có giá trị nữa.
  • Liên tục trưởng thành: Vươn tới tiềm năng của cá nhân mình và giúp đỡ những đứa con của chúng tôi phát triển tiềm năng của chúng là tiêu chuẩn cao nhất của chúng tôi. Khi về già, chúng tôi muốn nhìn lại với niềm tin rằng mình đã sống một cuộc đời trọn vẹn.
  • Những trải nghiệm bình thường: Những mối quan hệ tuyệt vời nhất giữa con người là kết quả của những trải nghiệm cùng nhau, cả tốt lẫn xấu. Chúng tôi đã nỗ lực tạo ra nhiều trải nghiệm tích cực, và cùng nhau vượt qua những vấn đề tiêu cực.
  • Tin tưởng vào Thượng đế, bản thân và người khác: Niềm tin giúp bạn xác định sẽ sống một cuộc đời như thế nào, và nó cũng ảnh hưởng đến kết quả của mọi việc bạn làm.
  • Đóng góp vào cuộc sống: Con người đều cố gắng khi ra đi sẽ để lại một thế giới tốt đẹp hơn khi họ đến với nó. Chúng ta cần bổ sung giá trị không chỉ cho những người thân trong gia đình mà cho cả những người ta gặp trong đời.

Như đã nói, đây là danh sách của chúng tôi. Tôi không gợi ý là bạn nên sử dụng triết lý sống này trong gia đình bạn. Tôi biết bạn sẽ muốn tự tạo ra nó cho riêng mình. Đây là gợi ý của tôi: Hãy giữ cho nó thật đơn giản. Nếu bạn đưa ra một danh sách với mười bảy điều bạn muốn làm theo, bạn sẽ không thể thực hiện chúng. Thậm chí, bạn có thể không nhớ hết được chúng! Hãy hạn chế danh sách xuống hết mức có thể.

Xây dựng chiến lược giải quyết vấn đề của riêng bạn

Tôi nghĩ mọi người đến với hôn nhân với mong ước nó sẽ dễ dàng. Có lẽ họ đã xem quá nhiều phim. Hôn nhân không dễ dàng. Gia đình không hề dễ dàng. Cuộc đời lại càng không dễ dàng. Nhiều vấn đề sẽ xảy ra, hãy giữ vững những cam kết và phát triển một chiến lược để vượt qua được những lúc gian nan. Một vài người thì tổ chức họp gia đình để thảo luận các vấn đề. Những người khác lại đề ra các hệ thống hay những quy tắc.

Bạn tôi, Kevin và Marcia Myers, đã phát triển một hệ thống các quy tắc tranh cãi công bằng sau khi họ kết hôn được vài năm. Kevin rất cởi mở, năng động và hay chuyện, trong khi Marcia thì điềm tĩnh và kín đáo hơn. Khi mới kết hôn, anh ấy thường áp đảo vợ mình. Và họ rơi vào trạng thái tranh luận trường kỳ.

Vì vậy họ quyết định đề ra một bộ các quy tắc mà họ sẽ phải tuân theo khi có bất đồng. Một quy tắc là họ sẽ đặt cuộc hẹn để nói chuyện về vấn đề đó thay vì công kích lẫn nhau. Một quy tắc khác là Marcia luôn luôn nói trước. Họ đã kết hôn được hơn 20 năm, và đối với họ hệ thống mà họ tạo dựng vẫn phát huy tác dụng tuyệt vời.

Hãy suy nghĩ về việc làm sao để cải thiện cách bạn giải quyết vấn đề ở nhà. Nói chuyện với mọi thành viên trong gia đình về nó (vào những lúc bình tĩnh, chứ không phải ở giữa một cuộc xung đột). Hãy sử dụng bất kỳ chiến lược giải quyết vấn đề nào có hiệu quả với bạn. Chỉ cần chắc chắn rằng nó nuôi dưỡng và thúc đẩy ba điều: (1) Sự thấu hiểu, (2) thay đổi tích cực, và (3) phát triển các mối quan hệ.

QUẢN LÝ KỶ LUẬT GIA ĐÌNH

Mong muốn đặt gia đình lên ưu tiên hàng đầu là một việc; thực sự sống được đúng như thế lại là việc khác. Tôi thấy rằng để nhận được sự chấp thuận của những người lạ và đồng nghiệp thì dễ hơn là nhận được sự kính trọng của những người biết rõ về bạn. Vì vậy, tôi thực hiện theo quy tắc: Mỗi ngày tôi sẽ cố gắng hết sức để giành được tình yêu và sự kính trọng từ những người thân yêu.

Nhiều năm trước, khi có điều gì thú vị xảy ra trong ngày hay tôi nghe được tin tức gì thú vị, tôi lại muốn chia sẻ chúng với đồng nghiệp và bạn bè. Lúc về nhà, tôi còn rất ít nhiệt tình để chia sẻ chúng với Margaret. Vì vậy tôi bắt đầu cố gắng giữ những điều đó cho riêng mình cho đến khi tôi có thể chia sẻ chúng đầu tiên với Margaret. Như vậy, cô ấy sẽ không bao giờ là người nghe lại. Tôi nhận ra rằng cách tốt nhất để đặt gia đình lên trước nhất là dành cho họ sự chú ý và năng lượng tốt nhất của mình.

Nếu bạn mong muốn củng cố đời sống gia đình và biến nó thành một cội nguồn bình yên, hãy cố thực hành những quy tắc sau:

Xếp lịch cho gia đình trước tiên

Tôi đã thấy rằng công việc sẽ nuốt chửng tất cả thời gian của tôi nếu tôi cho phép nó. Trước khi đưa ra quyết định đặt gia đình vào vị trí ưu tiên hàng đầu, tôi đã không dành thời gian của mình cho họ. Tôi nghĩ rằng đó là sự thật với tất cả những người chí thú với sự nghiệp của mình. Những người có sở thích riêng hay dành sự quan tâm cho điều gì đó đều tiêu tốn rất nhiều thời giờ. Nếu bạn không tạo ra giới hạn cho cách mà bạn sử dụng thời gian, gia đình của bạn sẽ luôn chỉ nhận được phần còn lại. Thậm chí bây giờ, nếu mất cảnh giác, tôi vẫn có khả năng bị công việc chiếm toàn bộ thời gian.

Tôi đã chiến đấu với xu hướng đó bằng cách đặt xếp lịch cho gia đình trước tiên. Tôi đặt sẵn những tuần lễ dành cho kỳ nghỉ gia đình. (Điều này nghe có vẻ quá hiển nhiên với bạn, nhưng tôi đề cập tới nó bởi vì trong vài năm đầu sau khi kết hôn, chúng tôi xác định nơi chúng tôi sẽ đi nghỉ căn cứ trên việc gặp gỡ ai và địa điểm nào có lợi cho công việc của tôi). Tôi lên lịch với Margaret không chỉ để chúng tôi làm một việc gì đó cùng nhau, như xem một bộ phim hay một chương trình biểu diễn, mà còn để cho chúng tôi đơn giản là có thời gian ở bên nhau. Tôi dành thời gian cho những đứa cháu của mình tôi. Khi con cái của chúng tôi còn nhỏ, tôi dành thời gian để tham dự các trận đấu bóng, những buổi biểu diễn và các hoạt động khác của bọn trẻ.

Có người đã từng nói rằng, bạn đừng bao giờ để cho mình có cảm giác cần phải làm việc khi ở cùng gia đình, và cũng đừng bao giờ cảm thấy cần phải ở bên gia đình khi đang làm việc. Đó là viễn cảnh tuyệt vời. Nếu bạn và gia đình của bạn có thể xác định và đồng ý với việc bạn sẽ dành bao nhiêu thời gian cho cả gia đình và bạn sẽ bảo vệ khoảng thời gian đó, hẳn bạn sẽ có thể áp dụng cách tư duy sau:

Tạo ra và duy trì truyền thống gia đình

Tôi muốn bạn thử một thí nghiệm. Hãy lấy một tờ giấy và viết ra tất cả những món quà Giáng sinh và sinh nhật mà bạn được nhận từ khi bạn còn là một đứa trẻ cho đến khi bạn khôn lớn. Bạn cần bao nhiêu thời gian để hoàn thành cũng được.

Bạn có thể nhớ được bao nhiêu món quà? Có vài món quà hiếm hoi sẽ thực sự nổi bật, nhưng nếu bạn giống như đa phần mọi người, bạn sẽ khó mà nhớ được hầu hết các món quà đó. Bây giờ, hãy thử điều này:

Liệt kê tất cả các kỳ nghỉ mà bạn đã đi cùng với gia đình trong suốt khoảng thời gian tương tự. Một lần nữa, bạn có thể dành bao nhiêu thời gian tùy thích.

Tôi sẵn sàng đặt cược rằng nếu bạn đi nghỉ hàng năm, bạn có khả năng sẽ nhớ được về các kỳ nghỉ nhiều hơn là về các món quà mà bạn đã được nhận. Tại sao? Bởi vì điều làm cho gia đình hạnh phúc không phải là nhận được cái gì mà là được làm gì đó cùng nhau. Đó là lý do vì sao tôi khuyên bạn nên thiết lập một truyền thống gia đình.

Những truyền thống mang đến cho gia đình bạn một lịch sử chung và một cảm giác mạnh mẽ về bản sắc. Bạn có nhớ gia đình mình tổ chức lễ tạ ơn thế nào khi bạn còn bé không? Còn Giáng sinh thì sao? Truyền thống gia đình đã giúp bạn xác định bạn là ai và gia đình bạn là ai.

Hãy suy nghĩ về cách bạn muốn thưởng thức những ngày nghỉ, đánh dấu những sự kiện quan trọng và tổ chức kỷ niệm những ngày lễ trưởng thành trong gia đình bạn. Hãy bắt đầu bằng cách xây dựng những truyền thống dựa trên các giá trị của bạn. Thêm những điều bạn rất thích từ thời thơ ấu. Nếu bạn đã kết hôn, sẽ tốt hơn nếu thêm những điều mà bạn đời của bạn mong muốn. Pha trộn các yếu tố văn hóa nếu bạn muốn. Xây dựng một vài điều xoay quanh sở thích của những đứa con của bạn. Hãy khiến cho các truyền thống trở nên có ý nghĩa và biến những ý nghĩa đó thành của bạn.

Tìm cách để tận hưởng thời gian bên nhau

Một thời gian, từ ngữ thông dụng dành cho gia đình là “thời gian chất lượng”. Nhưng sự thật là, không gì có thể thay thế cho số lượng thời gian. Như bác sĩ tâm thần Armand Nicholi nói: “Thời gian như là oxy. Dù chỉ một lượng rất nhỏ cũng cần thiết cho sự sống. Và để phát triển các mối quan hệ đầm ấm và yêu thương thì cần phải có cả số lượng lẫn chất lượng.”

Kể từ khi những gia đình cha mẹ đơn thân bận rộn trở nên phổ biến, và trong phần lớn các gia đình có cả cha và mẹ thì cả hai đều đi làm, bạn phải tìm cách để có thể dành thời gian cho nhau. Cho khoảng 6 năm khi lũ trẻ nhà tôi còn nhỏ, tôi đã bỏ chơi golf. Nhờ vậy tôi có nhiều thời gian hơn. Và Margaret cùng tôi luôn đặc biệt cố gắng để có thể dành thời gian cho những thứ nhất định, ví như:

 
  • Các sự kiện quan trọng: Chúng tôi kỷ niệm ngày sinh nhật, các buổi chơi bóng, những buổi độc tấu, và những dịp quan trọng khác.
  • Những nhu cầu quan trọng: Bạn không thể một thành viên đang khủng hoảng trong gia đình phải chờ đợi.
  • Thời gian vui vẻ: Chúng tôi nhận thấy mọi người đều thoải mái và nói chuyện nhiều khi chúng ta vui vẻ.
  • Thời gian gặp riêng: Không gì làm cho người khác biết bạn quan tâm tới họ bằng sự chú tâm nguyên vẹn của bạn.

Hãy nghiên cứu để đưa ra những cách sử dụng thời gian cùng với gia đình của mình.

Trước tiên, hãy giữ lửa cho cuộc sống hôn nhân của bạn

Nền tảng của bất kỳ gia đình nào cũng là cuộc sống hôn nhân. Nó tạo nên giai điệu cho mỗi gia đình nhỏ, và đó là một hình thái quan hệ mà con bạn sẽ học theo hơn bất kì điều gì khác. Đó là lý do vì sao cựu chủ tịch của Notre Dame, Theodore Hesburgh, khẳng định: “Điều quan trọng nhất mà người bố có thể làm cho những đứa con của mình là yêu mẹ của chúng.”

Duy trì hôn nhân không hề dễ dàng. Người ta nói rằng một cuộc hôn nhân thành công là cuộc hôn nhân đi từ khủng hoảng này qua khủng hoảng khác với sự gắn bó ngày càng mật thiết. Đó thực sự là tất cả ý nghĩa của nó: Sự gắn bó. Gắn bó là cái giữ bạn tiếp tục. Người sử dụng cảm xúc của mình như một phong vũ biểu cho sức khỏe của hôn nhân thì số phận của nó sẽ là sự chia tay. Nếu bạn có ý định sống cuộc sống hôn nhân chỉ khi bạn cảm thấy tình yêu, thì tốt nhất là bạn nên bỏ cuộc. Giống như bất kỳ điều gì mà bạn phải đấu tranh mới có được, hôn nhân đòi hỏi kỷ luật và sự cam kết.

Bày tỏ lòng biết ơn đối với nhau

Nhà tâm lý học William James nói: “Trong tất cả mọi người, kể từ thuở nằm nôi đến khi vào mộ, có một khát khao sâu sắc là được đánh giá cao.” Nếu con người không có được sự chấp nhận và đánh giá cao ở nhà, khả năng lớn là họ sẽ không có được nó bởi vì thông thường, thế giới không thực hiện mong muốn đó. Một trong những điều tích cực nhất bạn có thể làm cho bạn đời của mình và những đứa con của bạn đơn giản chỉ là thực sự hiểu họ và yêu họ đơn giản bởi vì họ là của bạn.

Giải quyết xung đột càng nhanh càng tốt

Tôi đã đề cập đến tầm quan trọng của việc phát trển một chiến lược giải quyết các xung đột, nhưng đây là một điểm quan trọng mà tôi cần nhắc nhở bạn thêm lần nữa. Tất cả các gia đình đều có xung đột, nhưng không phải tất cả các gia đình đều giải quyết nó một cách tích cực. Cách thức đối phó với những vấn đề sẽ có thể hủy diệt quan hệ gia đình hay đẩy nó lên một tầm cao mới. Hãy giải quyết thật nhanh chóng và hiệu quả, và các bạn sẽ được hàn gắn. Bỏ qua xung đột, và bạn có thể thấy mình đồng ý với tiểu thuyết gia F. Scott Fitzgerald, người đã nói: “Những cuộc cãi vã gia đình là những điều cay đắng. Chúng không tuân theo bất kỳ quy tắc nào. Chúng không giống như sự đau đớn hay những vết thương, chúng giống như những vết rách trên da không thể liền miệng vì thiếu dinh dưỡng.” Không nhất thiết phải như vậy.


Quyết định về gia đình của bạn hôm nay

Ngày hôm nay, bạn đang đứng ở đâu khi đề cập đến vấn đề gia đình? Hãy tự đặt cho mình ba câu hỏi sau:

 
  1. Tôi đã thực hiện các quyết định để gần gũi và chăm sóc gia đình mình chưa?
  2. Nếu vậy, tôi quyết định khi nào?
  3. Chính xác là tôi quyết định điều gì?

Kỷ luật về gia đình của bạn hàng ngày

Căn cứ vào quyết định mà bạn đưa ra liên quan đến gia đình, kỷ luật nào mà bạn phải chấp hành hôm nay và mọi ngày để thành công?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.