Để Hôm Nay Trở Thành Kiệt Tác
5 SUY NGHĨ
Tôi đã rất may mắn. Tôi được học về sức mạnh của tư duy tốt từ rất sớm. Cha tôi yêu cầu cả ba người con của ông đọc sách 30 phút mỗi ngày. Thỉnh thoảng chúng tôi tự chọn những gì mình đọc, nhưng thường là ông chọn tài liệu cho chúng tôi. Hai trong số sách ông yêu cầu tôi đọc đã gây ấn tượng sâu sắc với tôi. Cuốn đầu tiên là Sức mạnh của tư duy tích cực(The Power of Positive Thinking) của Norman Vincent Peale, mà tôi được đọc khi học lớp bảy. Năm đó, cha còn cho tôi đi cùng đến Thính phòng Veterans Memorial ở Columbus, Ohio, để nghe và gặp tiến sỹ Peale. Chuyến đi đó đã định hình cuộc đời tôi.
Thậm chí còn quan trọng hơn việc gặp tiến sỹ Peale là được đọc Con người suy tưởng (As a Man Thinketh) của James Allen. Tôi đọc cuốn sách năm 1961, khi tôi 14 tuổi, và nó ấn tượng với tôi đến mức tôi thấy rằng mình phải thật khẩn trương lập ra quyết định 12 việc hàng ngày của mình. Tôi vẫn còn giữ cuốn sách đó. Ở trang 49, Allen viết: “Tất cả những gì một người đạt được hoặc không đạt được là kết quả trực tiếp từ những điều anh ta nghĩ.” Toàn bộ cuốn sách gây ấn tượng với tôi, nhưng riêng tuyên bố đó giúp tôi nhận ra suy nghĩ của mình có thể dựng lên hay phá hủy tôi. Vì vậy tôi quyết định: Tôi sẽ nghĩ những điều có ích cho bản thân mình và người khác.
ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH SẼ THỰC HÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NHỮNG SUY NGHĨ TỐT HÀNG NGÀY
Nếu bạn mong muốn biến những suy nghĩ tốt thành một phần của cuộc sống hàng ngày, hãy xem xét điều này:
Hiểu rằng suy nghĩ vĩ đại đến từ một suy nghĩ tốt
Một tối nọ, trong bữa ăn, một người bạn của John Kilcullen thuật lại câu chuyện ông tình cờ nghe được trong hiệu sách. Mội khách hàng hỏi nhân viên bán hàng: “Cửa hàng có bất kỳ cuốn sách đơn giản nào về Microsoft DOS – cái gì đó kiểu như DOS cho người thiểu năng ấy?” Nó chỉ là một nhận xét thoáng qua, như là một câu chuyện đùa. Nhưng nó ở lại với Kilcullen. Và ông đã làm một vài điều với nó. Ông cho ra mắt những cuốn sách “Dummies”(1).
Một khách hàng nào đó đã có một ý tưởng tốt, và nó chẳng đi đến đâu cả. Trên thực tế, anh ta thậm chí còn không biết ý tưởng của anh ta tốt. Nhưng trong tay của một người có tư duy, ý tưởng tốt đã trở thành ý tưởng vĩ đại. Sau đó nó biến thành một loạt những ý tưởng vĩ đại. Giờ đây, những cuốn sách “Dummies” đã bao gồm một dòng sản phẩm với hơn 370 tựa sách trên 31 thứ tiếng với doanh số hơn 60 triệu bản.
Nếu bạn muốn trở thành một nhà tư tưởng vĩ đại, trước tiên bạn cần phải trở thành một nhà tư tưởng tốt. Trước khi trở thành một nhà tư tưởng tốt, bạn phải trở thành một nhà tư tưởng. Trước tiên, để trở thành một nhà tư tưởng, bạn phải sẵn sàng để sản sinh ra một loạt các ý tưởng hết sức tầm thường và xấu xí. Chỉ qua việc thực hành và phát triển tư duy của mình hàng ngày, những ý tưởng của bạn mới trở nên tốt hơn. Khả năng tư duy được quyết định không phải bởi mong muốn suy nghĩ của bạn mà bởi những suy nghĩ của bạn trong quá khứ. Để trở thành một nhà tư tưởng tốt, hãy suy nghĩ nhiều hơn. Một khi ý tưởng bắt đầu tuôn trào, chúng sẽ tốt dần lên. Một khi suy nghĩ đã tốt hơn lên, nó sẽ không ngừng cải thiện.
Nhận thức được rằng có nhiều kiểu tư duy khác nhau
Đến giờ tôi vẫn nhắc tới tư duy như thể nó là kỹ năng độc lập. Nhưng thật ra nó là một tập hợp các kỹ năng. Nó giống như dạng 10 môn phối hợp về tinh thần, một cuộc thi đấu điền kinh, nơi các vận động viên thi đấu trong 10 vòng thi: Chạy đua 100m, chạy đua 400m, nhảy xa, đẩy tạ, nhảy cao, 110m vượt rào, ném đĩa, nhảy xào, ném lao, và chạy 1.500m. Tư duy là một quá trình nhiều mặt.
Tôi tin rằng khi nói đến việc tư duy tốt, phải nói tới sự kết hợp của 11 kỹ năng tư duy khác nhau. Tôi đã viết chi tiết về chúng trong cuốn How Successful People Think(2). Đây là cái nhìn tổng quan về các loại kỹ năng:
- Tư duy toàn cảnh: Khả năng suy nghĩ vượt lên trên khỏi bản thân và thế giới của bạn để xử lý các ý tưởng với một quan điểm toàn diện.
- Tư duy tập trung: Khả năng suy nghĩ rõ ràng về các vấn đề bằng cách loại bỏ những yếu tố gây nhiễu và tâm lý rối bời khỏi đầu óc bạn.
- Tư duy sáng tạo: Khả năng thoát khỏi “hộp” các giới hạn nhằm khám phá các ý tưởng và các lựa chọn để trải nghiệm một bước đột phá.
- Tư duy thực tế: Khả năng xây dựng một nền tảng vững chắc trên những sự kiện thực tế để suy nghĩ một cách chắc chắn.
- Tư duy chiến lược: Khả năng thực hiện kế hoạch giúp mang lại định hướng cho hôm nay và sự gia tăng tiềm năng của bạn trong tương lai.
- Tư duy triển vọng: Khả năng khai mở lòng nhiệt tình và hi vọng của bạn để tìm ra giải pháp cho những tình huống tưởng chừng không thể.
- Tư duy phản chiếu: Khả năng xem xét lại quá khứ để có được một quan điểm thực sự và suy nghĩ với sự hiểu biết.
- Nghi ngờ trước tư duy số đông: Khả năng loại bỏ những hạn chế của suy nghĩ thông thường và đưa ra những kết quả khác biệt.
- Tư duy chia sẻ: Khả năng kết hợp với ý kiến của người khác để giúp bạn đào sâu suy nghĩ và đưa ra một kết quả phức hợp.
- Tư duy phóng khoáng: Khả năng quan tâm tới những người khác và hành trình của họ để suy nghĩ một cách hợp tác.
- Tư duy tập trung mấu chốt: Khả năng tập trung vào kết quả và tối đa hóa lợi nhuận để thu được trọn vẹn tiềm năng của suy nghĩ.
Thực sự là sai lầm nếu tin rằng chỉ có một kiểu tư duy. Đó là cái nhìn rất hạn hẹp. Nó có thể là nguyên nhân khiến một người chỉ coi trọng kiểu tư duy mà anh ta nổi trội và bỏ qua các loại tư duy khác. Tôi xin lỗi trước khi nói rằng, một số học giả cũng bị rơi vào cái bẫy này.
Phát huy tối đa điểm mạnh và kiểm soát các điểm yếu
Một cách tự nhiên, hầu hết mọi người đều có thế mạnh ở một vài kỹ năng tư duy này và yếu ở những kỹ năng tư duy khác. Cũng giống như việc hiếm khi thấy một vận động viên có thể chơi tốt cả 10 môn trong cuộc thi 10 môn phối hợp, rất hiếm thấy một nhà tư tưởng nào có khả năng trên tất cả 11 vùng tư duy. Vậy, nếu bạn đã nhận thấy có rất nhiều kiểu tư duy khác nhau, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ cố gắng nắm vững tất cả chúng? Không, tôi tin rằng đó là một sai lầm.
Giả dụ, bạn là một người tư duy sáng tạo cực tốt, nhưng bạn lại yếu trong tư duy mấu chốt, tuy nhiên, bạn lại muốn làm chủ cả hai kiểu tư duy đó. Bạn nên bắt đầu thế nào? Bạn cần hướng sự tập trung của mình vào đâu? Bạn có thể tiến hành làm việc với tư duy mấu chốt và đưa khả năng này lên mức trung bình, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi một lượng lớn thời gian, năng lượng và tài nguyên. Và để tiến được tới mức khá thì sẽ cần phải có những gì? Điều đó cần nhiều nỗ lực hơn. Bạn càng cố gắng trèo cao hơn, năng lượng tiêu tốn càng nhiều hơn mà sự tiến bộ lại càng ít đi. Dù có cố gắng đến mấy, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ biến lối tư duy mấu chốt trở thành thế mạnh của mình được.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn sử dụng thời gian để cải thiện tư duy sáng tạo của mình? Vì bạn vốn đã tốt, một lượng vừa phải thời gian và năng lượng cũng đủ giúp bạn trở nên tuyệt vời. Nếu bạn dành cho nó tất cả thời gian và năng lượng bạn có, có lẽ bạn sẽ trở thành một nhà tư duy sáng tạo tầm cỡ thế giới. Điều đó sẽ cho phép bạn tạo ra các ý tưởng và có thể đóng góp cho nhiều người hơn. Điều đó sẽ giúp bạn tạo ra nhiều giá trị và cho bạn một lợi thế thực trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp.
Vậy bạn phải làm gì với những điểm yếu của mình? Hãy tập trung quanh bạn những người có thế mạnh ở những lĩnh vực đó. Đó là việc tôi đã làm trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn hiện tại của cuộc đời, tôi có thể thuê nhân viên có thế mạnh trong lĩnh vực mà tôi kém. Nhưng thậm chí ngay cả trước khi trở thành một “ông chủ,” tôi đã thực hành nguyên tắc này. Trong 35 năm vợ tôi, Margaret, và tôi đã cùng làm việc như một đội để bù đắp cho những điểm yếu của nhau. Tôi vẫn thường dựa vào anh trai mình, Larry, để giúp mình trong lĩnh vực tư duy thực tế. Và tôi đã tạo cho mình thói quen kết bạn với những người có tư duy tốt hơn tôi trong một số lĩnh vực cụ thể và làm điều tương tự cho họ. Không phải phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân mình khi động chạm tới vấn đề tư duy là một lợi thế thực của tôi.
QUẢN LÝ KỶ LUẬT SUY NGHĨ
Hoàn cảnh và người khác rất dễ dàng gây ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn, cả tích cực lẫn tiêu cực. Một trong những điều khó khăn để tham khảo những ý tưởng và quan điểm của người khác là nhiều người quan tâm tới việc khác hơn là giúp bạn. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là bạn phải chịu trách nhiệm cho suy nghĩ của chính bạn. Khi ở độ tuổi đôi mươi, tôi bắt đầu thực hành quy tắc: Hàng ngày tôi sẽ dành thời gian để suy nghĩ, và tôi xác định chỉ nghĩ về những điều đúng đắn. Nếu bạn mong muốn thực hiện điều tương tự, hãy làm như sau:
Tìm một nơi để suy nghĩ
Bắt đầu với công việc đầu tiên hồi năm 1969, tôi đã luôn tìm một nơi để có chỗ suy nghĩ hàng ngày. Trong những năm đầu tại Hillham, Indiana, địa điểm đó là bên cạnh dòng suối phía ngoài nhà chúng tôi. Ở Lancaster, Ohio, tôi thường ngồi trên một tảng đá lớn. Ở San Diego, đó là một căn phòng cô lập trên tầng gác nhà thờ. Ở Atlanta, đó là một chiếc ghế đặc biệt trong phòng làm việc. Tôi chỉ ngồi vào chiếc ghế đó những lúc cần thời gian để suy nghĩ.
Chắc chắn rằng không phải tôi chỉ suy nghĩ tại những địa điểm đó, nhưng đó là những nơi tôi chỉ định để thực hiện nhiệm vụ đó. Nhưng tôi có thể biến hầu hết mọi nơi trở thành chỗ phù hợp để suy nghĩ, miễn là không gặp phải bất kỳ sự ngắt quãng nào. Ngay bây giờ, khi viết những dòng này, tôi đang ngồi trên một chiếc ghế ở ngoài ban công tàu du lịch. Gia đình tôi đang ở rải rác khắp nơi trên tàu và làm những việc khác nhau, còn tôi đã lẻn đi một mình vài phút để nghĩ về cuốn sách này và viết ra một vài ý tưởng.
Tôi muốn khuyến khích bạn tìm một nơi để suy nghĩ. Khi nói đến điều gì là có hiệu quả, thì mỗi người mỗi khác. Một vài người thích được hòa mình vào thiên nhiên. Một số khác muốn được có mặt ở nơi làm việc nhưng tách hẳn ra khỏi hoạt động ở đó. Bạn của tôi, Andy Stanley, thích ngồi một mình ở một nhà hàng để suy nghĩ – anh nói là anh cần một chút mất tập trung. J. K. Rowling, tác giả của loạt truyện Harry Potter, viết những cuốn sách đầu tiên của cô khi ngồi ở quán cafe. Nơi bạn đến không quan trọng, miễn là nó kích thích suy nghĩ của bạn.
Hàng ngày, dành ra một khoảng thời gian để suy nghĩ
Cũng quan trọng như việc tìm nơi thích hợp để suy nghĩ là việc dành thời gian cho suy nghĩ. Gần như tất cả những suy nghĩ tốt nhất của tôi được hình thành vào lúc sáng sớm – trừ những lúc tôi nghiền ngẫm về những việc đã xảy ra. Tôi thường làm việc đó vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đó là lúc tôi xem xét lại cả ngày và cố gắng đánh giá xem mình đã thực hiện 12 việc hàng ngày của mình ra sao. Nhưng tất cả các dạng suy nghĩ khác lại đến với tôi tốt nhất vào buổi sáng. Tôi thường thức dậy vào lúc tảng sáng và dành thời gian ghi nhanh các ý tưởng ra cuốn sổ ghi chép khi ngồi trên chiếc ghế suy nghĩ của mình. Tôi khuyên bạn nên cố gắng khám phá khoảng thời gian nào trong ngày mà bạn suy nghĩ sắc nét nhất. Sau đó, hàng ngày hãy dành khoảng thời gian đó chỉ để suy nghĩ. Tôi tin rằng kết quả là bạn sẽ thấy mình làm việc năng suất và tập trung hơn.
Tìm ra quá trình phù hợp với bạn
Mỗi người có một cách khác nhau để tiếp cận quá trình tư duy. Nhà thơ Rudyard Kipling phải có mực đen tinh khiết cho cây bút của mình trước khi bắt đầu viết. Triết gia Immanuel Kant thường nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ tại một tháp đá để suy nghĩ; khi những cái cây lớn lên che khuất tầm nhìn của ông, ông sẽ chặt chúng xuống. Nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven đổ nước lạnh lên đầu mình để làm mới bản thân và kích thích tư duy. Suy nghĩ của nhà thơ Friedrich von Schiller được kích thích bởi mùi những quả táo thối rữa mà ông đặt trên bàn. Nhà phê bình và biên soạn tự điển Samuel Johnson nói rằng ông cần một con mèo gừ gừ khoan khoái, một vỏ cam và một tách trà để viết. Nhà soạn nhạc Gioacchino Rossini cảm thấy rằng ông sẽ làm việc tốt nhất ở trên giường, bên dưới một tấm chăn.
Tôi không cần điều gì đặc biệt để kích hoạt suy nghĩ của mình. Có một số người thì cần âm nhạc. Một vài người thấy dễ chịu nhất khi ngồi bên máy vi tính. Một vài người phải viết theo kiểu chữ viết thường. Hãy làm bất kỳ điều gì có tác dụng với bạn.
Nắm bắt tất cả những suy nghĩ của bạn
Nếu không viết lại những ý tưởng của mình, nguy cơ lớn là bạn sẽ quên mất chúng. Trong cuốn Từng phần một (Bird by Bird), Anne Lamott giải thích làm cách nào mà bà không làm mất những ý tưởng tốt nhất của mình:
Tôi để thẻ ghi chú và bút ở khắp nhà – trên giường, trong phòng tắm, trong nhà bếp, gần điện thoại và ngăn chứa đồ trong xe. Tôi mang theo bút và thẻ ghi chú trong túi quần sau những khi dẫn chó đi dạo… Tôi đã từng nghĩ rằng nếu có điều gì đủ quan trọng, tôi sẽ nhớ nó cho đến lúc về nhà, nơi tôi có thể dễ dàng ghi lại chúng vào máy tính xách tay… Nhưng sau đó tôi đã không làm vậy… [Luôn luôn ghi lại ý tưởng của mình ngay lập tức] không phải là một kiểu lừa đảo. Nó không nói lên điều gì về tính cách của bạn cả.
Tôi luôn viết ra các ý tưởng của mình. Khi ở địa điểm suy nghĩ, tôi dùng một thếp giấy ghi chép. Phần còn lại trong ngày, tôi mang một cuốn sổ tay nhỏ có vỏ bọc bằng da theo mình. Thậm chí tôi còn đặt cạnh giường ngủ một số thứ để viết vào ban đêm: Một tập giấy nhỏ kèm đèn phát sáng khi bạn lấy cây bút ra. Bằng cách đó, tôi có thể ghi một ghi chú khi vẫn nằm trên giường mà không phải bật đèn và làm phiền Margaret. Hãy tạo ra một hệ thống và sử dụng nó.
Nhanh chóng đưa suy nghĩ của bạn vào hành động
Khi bạn có một ý tưởng tuyệt vời nhưng không làm gì với nó, bạn sẽ chẳng gặt hái được lợi ích gì từ nó cả. Dave Goetz, người sáng lập CustomZines.com, nói: “Với tôi, khi một ý tưởng lóe lên, nó phát lửa, gần như tiếng nói của Chúa trời. Tôi biết nghe có vẻ rất dị giáo, nhưng đúng là như vậy. Thời gian trôi qua sau khi ý tưởng lóe lên càng lâu, sức nóng nó gây ra càng giảm. Khi tôi đã quên mất vài phần thì ý tưởng đó xem ra cũng không còn tuyệt vời như thế nữa. Các ý tưởng có vòng đời rất ngắn.”
Bạn đã bao giờ nghĩ ra một ý tưởng về một sản phẩm hay dịch vụ và vài tháng sau bạn thấy ai đó với cùng ý tưởng như vậy đưa nó ra thị trường chưa? Tác giả Alfred Montapert nói: “Thường thì khi một người đưa ra ý tưởng, anh ta thấy 10 người đã nghĩ ra nó từ trước anh ta nhưng họ chỉ dừng lại ở việc nghĩ về nó.” Ý tưởng, bắt tay hành động, tạo ra lợi thế.
Hãy thử cải thiện suy nghĩ của bạn hàng ngày
Sự thật là càng suy nghĩ nhiều thì bạn càng trở nên tốt hơn. Nhưng bạn chỉ có thể nhanh chóng cải thiện suy nghĩ của mình nếu bạn làm theo những điều cơ bản hàng ngày như sau:
- Tập trung vào những điều tích cực: Chỉ có suy nghĩ thôi thì không đảm bảo thành công. Bạn cần suy nghĩ về những điều đúng đắn. Suy nghĩ tiêu cực và sự lo lắng thực sự cản trở quá trình tư duy chứ không phải giúp cải thiện nó. Tôi tin vào điều này toàn tâm toàn ý đến nỗi cuốn sách đầu tiên mà tôi viết là một tập các chương ngắn, nâng cao tinh thần và mang tính chỉ dẫn. Tôi đặt tên cho cuốn sách đó là Suy tưởng về những sự ấy (Think on These Things), dựa trên một đoạn Kinh Thánh luôn luôn truyền cảm hứng cho tôi: “Những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy…” Hãy tập trung vào những điều tích cực, và suy nghĩ của bạn sẽ đi theo hướng tích cực.
- Thu thập đầu vào tốt: Tôi luôn luôn là một nhà sưu tập ý tưởng. Tôi đọc rất nhiều, và tôi liên tục lưu trữ những ý tưởng và trích dẫn tôi tìm thấy. Tôi nhận thấy càng tiếp xúc nhiều với những ý tưởng tốt, suy nghĩ của tôi được cải thiện càng nhiều.
- Dành thời gian để ở bên những người có tư duy tốt: Nếu bạn đã phỏng vấn một nhóm các lãnh đạo trong lĩnh vực nào đó, bạn sẽ nhận thấy hơn một nửa trong số họ đã từng được hướng dẫn tận tình tại một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của mình. Và tôi tin rằng lợi ích lớn nhất mà bất kỳ ai cũng nhận được từ một mối quan hệ như thế là học hỏi được cách suy nghĩ của những người cố vấn. Nếu bạn dành thời gian với những người tư duy tốt, bạn sẽ thấy rằng việc tiếp xúc đó sẽ giúp bạn rèn luyện tư duy của mình.
Tôi tin rằng nhiều người coi tư duy như một quá trình đương nhiên. Họ thấy nó như một chức năng tự nhiên của cuộc sống. Nhưng sự thật là những suy nghĩ có chủ ý không hề phổ biến. Những điều bạn làm hàng ngày trong lĩnh vực suy nghĩ thực sự quan trọng bởi nó sẽ mang đến cho bạn hoặc bất lợi hoặc lợi thế.
Quyết định về cách suy nghĩ của bạn hôm nay
Ngày hôm nay, bạn đang đứng ở đâu khi đề cập đến vấn đề suy nghĩ? Hãy tự đặt cho mình ba câu hỏi:
- Tôi đã thực sự đưa ra quyết địch để thực hành và phát triển tư duy tốt hàng ngày chưa?
- Nếu vậy, tôi đã quyết định khi nào?
- Chính xác là tôi đã quyết định điều gì?
Kỷ luật về cách suy nghĩ của bạn hàng ngày
Căn cứ vào quyết định mà bạn đưa ra liên quan đến suy nghĩ, kỷ luật bạn phải chấp hành ngay hôm nay và mỗi ngày để thành công là gì?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.