Để Hôm Nay Trở Thành Kiệt Tác

7 TÀI CHÍNH



Khi lớn lên, rất rõ ràng là anh Larry và tôi có thái độ rất khác nhau với đồng tiền. Chúng tôi gần như đối lập hoàn toàn. Khi còn bé, tất cả những gì Larry muốn làm là làm việc và kiếm tiền. Tất cả những thứ tôi muốn làm là chơi với mấy đứa bạn. Anh ấy làm việc suốt kỳ nghỉ hè. Tôi thì chơi ném vòng suốt mùa hè. Larry tiết kiệm tiền. Tôi thì chẳng có gì để tiết kiệm. Khi Larry 16 tuổi, anh ấy tự mua một chiếc xe đẹp với số tiền anh ấy có: Một chiếc Ford cũ bốn năm tuổi. Tôi chẳng có chiếc xe nào đến tận sau khi tốt nghiệp đại học. Nó là một chiếc Ford Falcon cực tã và đoán thử xem tôi đã vay tiền của ai để mua nó. Từ anh Larry và em gái tôi, Trish.

Khi đi học cho giáo đoàn, tôi nhận ra rằng mình đã chọn một công việc sẽ không kiếm được nhiều tiền. Tôi không bận tâm về điều đó bởi tôi đang làm điều mà tôi tin là mình được lựa chọn để làm và tự bản thân cảm thấy mãn nguyện. Nhưng tôi cũng nhận thấy khi một người không có tiền, người đó không có nhiều lựa chọn. Năm 1985, Margaret và tôi đã quyết định: Chúng tôi sẽ hi sinh ngày hôm nay để có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai. Từ lúc đó, chúng tôi xác định sẽ sống theo mô hình tài chính:

 
  • 10% làm từ thiện hay đóng góp cho nhà thờ,
  • 10% dành để đầu tư,
  • 80% trang trải cuộc sống.

Cùng thời gian đó, bạn chúng tôi, Tom Phillippe, đề xuất với chúng tôi một cơ hội tuyệt vời để đầu tư vào một trung tâm hưu trí. Chúng tôi vui vẻ chấp nhận. Vài năm sau, chúng tôi không chỉ tiếp tục dành 10% thu nhập để đầu tư, mà khi những khoản đầu tư sinh lời, thay vì sử dụng chúng, chúng tôi lại quay vòng đầu tư vào những chỗ khác. Theo thời gian, tiền bạc của chúng tôi đã được tích lũy. Và kết quả là càng nhiều tuổi thì Margaret và tôi càng có thêm nhiều lựa chọn.

ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH KIẾM TIỂN VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN HÀNG NGÀY

Nếu bạn mong muốn có được nhiều lựa chọn, nhưng bạn vẫn chưa thực hiện tốt việc kiếm tiền và quản lý tình hình tài chính một cách đúng đắn, hãy đặt mình vào vị trí để đưa ra các quyết định tốt liên quan đến tài chính bằng cách tiến hành những việc sau:

Nhìn giá trị của mọi vật theo luật phối cảnh

Một cặp vợ chồng tham gia một hội chợ vùng nông thôn, tại đây có một người đàn ông cung cấp dịch vụ bay trên một chiếc máy bay hai tầng cũ với giá 50 đô la. Cặp vợ chồng muốn bay, nhưng họ nghĩ giá mà người phi công đưa ra quá cao. Họ cố gắng mặc cả để ông ta giảm giá, họ đưa ra đề nghị 50 đô la cho cả 2 người, nhưng ông ta không đồng ý. Cuối cùng, người phi công đưa ra đề xuất:

“Anh chị đưa cho tôi cả 100 đô la, và tôi sẽ để cho anh chị bay,” ông nói. “Và nếu anh chị không thốt lên một lời nào suốt chuyến bay, tôi sẽ trả lại anh chị toàn bộ số tiền.”

Họ đồng ý và cặp đôi này lên máy bay. Họ cất cánh, và người phi công thi triển toàn bộ các kỹ năng thao diễn trên không mà ông biết: Lao xuống, quay vòng, lăn tròn và bay lộn ngược. Khi máy bay tiếp đất, người phi công nói với ông chồng: “Chúc mừng! Đây là 100 đô la của anh. Anh đã không nói một từ nào.”

“Không hề”, người chồng trả lời: “nhưng tôi đã suýt mở miệng khi vợ tôi rơi ra ngoài.”

Đây chỉ là một chuyện khôi hài nhưng nó cũng chỉ ra cho ta thấy một sự thật trong văn hóa sống của chúng ta. Mọi người coi trọng giá trị của đồng tiền và của cải hơn những điều thực sự quan trọng trong đời sống: Con người. Sử gia và nhà khoa học chính trị người Pháp Alexis de Tocqueville nhận xét về nước Mỹ mà ông biết như sau: “Không một quốc gia nào khác mà tình yêu tiền lại có vị trí thống trị trong trái tim của mọi người đến thế”, đáng chú ý là, ông đã viết điều này hơn 100 năm trước. Tôi tự hỏi, ông sẽ nói gì nếu bây giờ ông còn sống.

Để biết thái độ của bạn đối với tiền bạc và của cải thế nào, hãy tự hỏi bản thân năm câu hỏi sau:

 
  1. Tôi có bận tâm tới của cải và tiền bạc không?
  2. Tôi có ghen tị với những người khác không?
  3. Tôi có tìm kiếm sự khẳng định cá nhân thông qua của cải không?
  4. Tôi có tin rằng, tiền bạc sẽ mang đến cho tôi hạnh phúc không?
  5. Tôi có không ngừng muốn có nhiều hơn không?

Nếu câu trả lời của bạn là có cho một hoặc nhiều hơn câu hỏi bên trên, bạn cần làm cuộc tìm kiếm linh hồn. Billy Graham đã chỉ ra một cách đúng đắn: “Nếu một người có thái độ thẳng thắn với tiền bạc, điều đó sẽ giúp họ thẳng thắn trong hầu hết các lĩnh vực khác của đời sống.” Ham mê vật chất là một kiểu tư duy. Không có gì sai khi có tiền hay những món đồ đẹp. Tương tự vậy, chẳng có gì sai nếu sống một cuộc sống giản dị. Chủ nghĩa vật chất không phải là vấn đề về của cải, nó là một nỗi ám ảnh. Tôi đã biết nhiều người mê vật chất mà không có tiền và những người có rất nhiều tiền mà không mê vật chất. Còn bạn thì sao?

Nhận biết các mùa trong cuộc đời

Không phải tất cả các giai đoạn trong cuộc đời chúng ta đều giống nhau, chúng ta cũng không nên cố gắng để làm chúng giống nhau. Lý tưởng nhất, cuộc đời của một người nên đi theo mô hình mà theo đó tâm điểm chính sẽ đi từ học tập đến kiếm tiền và hưởng thành quả. Sau đây là ý kiến của tôi về mỗi giai đoạn:

 
  • Học tập: Khi bạn còn trẻ, trọng tâm của bạn là khám phá những tài năng của mình, phát hiện mục đích của cuộc đời mình, và học một nghề nào đó. Với nhiều người, giai đoạn này bắt đầu từ thời niên thiếu đến độ tuổi đôi mươi – mặc dù sẽ có những người tiên phong tiến hành nó sớm hơn và một vài bông hoa chậm nở không có gì tiến triển cho đến khi bước vào tuổi 30 (hoặc muộn hơn nữa). Thời gian chính xác không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là bạn chấp nhận việc có một giai đoạn trong cuộc đời bạn mà học tập trở thành mục tiêu chính và bạn không nên đi tắt đến bước kiếm tiền mà bỏ lỡ một mảng lớn trong cuộc đời bạn.
  • Kiếm tiền: Nếu bạn tiến hành đúng theo mục đích đời mình, bạn đã học nghề tốt, và thực hành nó xuất sắc, hi vọng là bạn sẽ kiếm được tiền để có một cuộc sống tốt. Rõ ràng, lựa chọn nghề nghiệp ảnh hưởng đến khả năng kiếm tiến của bạn rất nhiều. Với nhiều người, quãng thời gian kiếm tiền hiệu quả nhất tập trung vào trong độ tuổi 30, 40 và 50. Trong suốt giai đoạn này bạn nên cố gắng chăm sóc gia đình và chuẩn bị cho tương lai của mình.
  • Hưởng thành quả: Bạn lúc nào cũng nên cố gắng sống hào phóng, không phụ thuộc vào độ tuổi của bạn. Nhưng nếu bạn làm việc chăm chỉ, có kế hoạch tốt, bạn có thể tiến tới giai đoạn đáng sống nhất trong cuộc đời, trong giai đoạn này bạn có thể tập trung vào việc trao trặng cho những người khác. Thường xuyên nhất, giai đoạn này bắt đầu khi con người ở độ tuổi 50, 60, 70 và hơn thế. Margaret và tôi đang có kế hoạch để có thể bước vào giai đoạn này trong vài năm tới.

Rõ ràng những giai đoạn này đã được khái quát hóa, nhưng chúng đưa ra một mô hình để bạn phấn đấu. Nếu còn trẻ, rất có thể bạn đang nóng lòng kết thúc giai đoạn học tập. Hãy kiên nhẫn, bởi vì càng siêng năng trong giai đoạn một, thì khả năng tối đa hóa các giai đoạn sau của bạn càng cao. Nếu bạn đã có tuổi và chưa có được một nền tảng tốt cho mình, đừng thất vọng. Hãy học tập và phát triển bản thân. Bạn vẫn có cơ hội để có kết cục tuyệt vời. Nhưng nếu bạn từ bỏ, bạn sẽ chẳng bao giờ tiến lên được.

Giảm các khoản nợ

Michael Kidwell và Steve Rhode, tác giả của cuốn Thoát nợ: Giải pháp thông minh cho những vấn đề về tiền bạc của bạn (Get Out of Debt: Smart Solutions to Your Money Problems), tin rằng: “Mọi người trong cảnh nợ nần đều chịu một số kiểu trầm cảm. Nợ là nguyên nhân hàng đầu của ly hôn, mất ngủ, và giảm hiệu suất làm việc. Nó thực sự là một trong những bí mật đen tối nhất của mọi người. Nó cướp đi của họ giá trị bản thân và tước khỏi họ những giấc mộng thành đạt.”

Chịu cảnh nợ nần vì những thứ tăng trưởng giá trị có thể là một ý kiến tốt. Mua một ngôi nhà, đảm bảo việc đi lại để bạn có thể làm việc, cải thiện trình độ học vấn và đầu tư vào một doanh nghiệp đều là những việc tốt đẹp, miễn là bạn có thể quản lý nợ tốt. Tuy nhiên, nhiều người lại vay nợ cho những thứ phù phiếm. Khi bạn vẫn đang trả tiền cho những thứ mà bạn hiếm khi hay thậm chí là không sử dụng đến, điều đó đồng nghĩa với rắc rối.

Kidwell và Rhode đề xuất năm bước để giảm nợ:

 
  1. Ngừng phát sinh nợ,
  2. Theo dõi tiền mặt bạn có,
  3. Lên kế hoạch cho tương lai,
  4. Đừng trông đợi vào phép lạ,
  5. Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên ngiệp.

Đừng để tài sản hay lối sống của bạn điều khiển bạn. Nếu bạn đang là nô lệ của các khoản nợ, hãy tìm con đường để giải phóng chính mình.

Đặt công thức tài chính của bạn vào đúng vị trí

Có người đã từng quan sát thấy điểm khác biệt giữa người giàu và người nghèo là người giàu đầu tư tiền của họ và sử dụng phần còn lại, trong khi những người nghèo sử dụng tiền họ kiếm được và đầu tư phần còn lại. Nếu chưa quyết định kế hoạch tài chính của mình thì bạn đang đương đầu với rắc rối đấy. Hãy tự đưa ra một dự thảo ngân sách cho bản thân. Tạo một công thức tài chính phù hợp với bạn. Bạn có thể thử phương pháp 10-10-80 mà chúng tôi sử dụng. Nhưng hãy làm gì đó! Đó là một câu cũ mèm nhưng đó chính là sự thật. Không có kế hoạch thì chẳng khác gì là có một kế hoạch thất bại.

QUẢN LÝ KỶ LUẬT TÀI CHÍNH

Tôi phải thừa nhận rằng tiền chưa bao giờ là động lực quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Một cách trung thực, thì đã có lúc tài chính có vị trí rất thấp trong danh sách ưu tiên của tôi, tôi bỏ bê nó, đó có lẽ là lý do tại sao tôi đã không có được một quyết định đúng đắn về vấn đề tài chính cho đến khi tôi ngoài 30 tuổi. Nhưng tất cả chúng ta đều thấy việc quản lý không tốt tình hình tài chính sẽ ảnh hưởng thế nào đến mọi người ở những năm cuối đời. Gần đây, con rể Steve và tôi đến dùng bữa trong một nhà hàng khi chúng tôi ở Florida, và một quý bà đáng yêu ở độ tuổi 75 phục vụ chúng tôi. Thế này nhé, bạn không bao giờ biết về tình trạng của người khác; một số người làm việc cho đến tận những năm 80 tuổi đơn giản chỉ bởi vì yêu thích công việc hoặc được làm cùng mọi người. Nhưng tôi biết rằng đa số những người vẫn tiếp tục bắt cơ thể làm việc cho đến thời điểm đó của cuộc đời là bởi vì họ không có lựa chọn nào khác. Bạn của tôi, chuyên gia tài chính Ron Blue, nói rằng, thu nhập trung bình hàng năm của những người ở độ tuổi trên 65 là 6.300 đô la. Trong trường hợp bà phục vụ của chúng tôi, tôi cảm thấy rằng bà làm việc bởi vì bà không có lựa chọn nào khác. Vì vậy Steve và tôi đã để lại một khoản tiền tip lớn. Lần sau, khi bạn thấy mình đang được phục vụ bởi những công dân lớn tuổi, bạn có thể muốn làm gì đó cho họ.

Tôi vẫn đang phát triển kỷ luật tài chính. Nhiều năm về trước tôi đã đặt ra công thức tài chính 10-10-80, nhưng phải tới thập kỷ vừa rồi tôi mới học được cách để trở nên tốt hơn trong vấn đề tài chính trong kinh doanh. Tôi từng tập trung vào tầm nhìn của tổ chức, thuê những lãnh đạo tốt nhất tôi có thể tìm được tham gia cùng tôi để đạt được viễn cảnh đó, sau đó cố gắng với khả năng tốt nhất của mình. Tôi hầu như phó mặc những khía cạnh tài chính của việc kinh doanh cho những người khác. Nhưng anh trai tôi, Larry, đã yêu cầu tôi phải bỏ thái độ đó đi. Anh nói với tôi rằng, tôi không có quyền bỏ bê tài chính kinh doanh chỉ bởi nó không phải là lĩnh vực mạnh hay niềm đam mê đối với tôi. Nên bây giờ, khi ở nhà hay ở công sở, tôi áp dụng quy tắc này: Hàng ngày tôi tập trung vào trò chơi kế hoạch tài chính của tôi vì thế mỗi ngày tôi sẽ có nhiều hơn, chứ không ít hơn, những lựa chọn. Càng đưa ra quyết định và thực hành kỷ luật quản lý tài chính sớm, bạn càng có thêm nhiều lựa chọn.

Để giúp bạn tiếp cận vấn đề tài chính hàng ngày với thái độ đúng đắn, hãy làm như sau:

Trở thành người có thu nhập tốt

Để trở thành người quản lý tài chính tốt, trước tiên bạn phải có cái gì đó để quản lý. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng quy tắc đầu tiên của tài chính là tối đa hóa tiềm năng thu nhập của bạn. Nói như vậy không có nghĩa là tôi định bỏ qua những lĩnh vực quan trọng khác của cuộc sống để kiếm một số tiền lớn. Tôi cũng không gợi ý là bạn chỉ nên tập trung vào đồng tiền. Hãy phát triển các mối quan hệ với những người người thành công trong lĩnh vực này và học tập từ họ. Ngoài ra cũng có nhiều cuốn sách hay về vấn đề tài chính của cá nhân và doanh nghiệp.

Mặt khác, đạo đức làm việc đề cập nhiều đến mong muốn hơn là hiểu biết. Nó bắt nguồn từ bên trong. Bất kỳ điều gì cũng có thể tiếp thêm năng lượng cho mong muốn đó: Niềm đam mê phục vụ người khác, lời hứa thoát khỏi hoàn cảnh mà mình sinh ra, một viễn cảnh tốt đẹp hơn, hay đơn giản là sở thích cá nhân. Điều thường tiếp lửa cho khát khao chính là niềm tin tưởng rằng công việc đó quả thật quá tuyệt vời.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn cảm thấy đặc biệt khó khăn trong công việc hoặc nghề nghiệp, có thể bạn cần phải cẩn thận cân nhắc lại mọi việc. Hãy xem xét các quy tắc mà các nhân viên tại công ty Mt. Corry Carriage và Iron Works được yêu cầu làm theo vào năm 1872:

 
  1. Hàng ngày, nhân viên phải quét sàn nhà, lau bụi trên đồ đạc, ngăn tủ và tủ trưng bày.
  2. Mỗi ngày thêm dầu, lau ống khói và cắt bấc đèn; lau cửa sổ tuần một lần.
  3. Mỗi nhân viên sẽ mang một xô nước và một thùng than đá để phục vụ công việc trong ngày.
  4. Chuẩn bị bút cẩn thận. Bạn có thể gọt đầu bút theo sở thích của mình.
  5. Hàng ngày, văn phòng sẽ mở cửa lúc 7 giờ sáng và đóng cửa lúc 8 giờ tối trừ ngày lễ Sabbath.
  6. Nhân viên nam sẽ được nghỉ một buổi tối mỗi tuần cho việc hẹn hò hay hai buổi tối nếu họ thường xuyên đến nhà thờ.
  7. Mọi nhân viên phải dành dụm từ tiền lương của mình một khoản dự phòng khi họ về già, như thế họ sẽ không trở thành một gánh nặng phải nhờ vào lòng từ thiện của những người giỏi giang hơn họ.
  8. Bất cứ nhân viên nào hút xì gà Tây Ban Nha, sử dụng rượu dưới bất kỳ dạng thức nào đều sẽ bị cạo trọc ở cửa hàng cắt tóc, nếu không, các buổi họp tập thể thường xuyên sẽ đưa ra lý do chính đáng để nghi ngờ giá trị, mục đích, tính chính trực và sự trung thực của anh ta.
  9. Các nhân viên thể hiện sự trung thực trong lao động và không mắc bất kỳ lỗi nào trong suốt 5 năm làm việc trong dịch vụ của tôi, những người sống tiết kiệm và chuyên tâm với những nhiệm vụ tôn giáo của mình, được tôn trọng như một công dân đáng kính trong cộng đồng và tuân thủ theo pháp luật sẽ được tăng thêm một đô la cho một ngày lương, miễn là doanh thu lãi của công ty cho phép.

Ngày nay, chúng ta được hưởng nhiều lợi thế mà các thế hệ đi trước không có. Một trong số chúng là chúng ta không phải đáp ứng những mong đợi giống như của những người trong thế kỷ trước. Với một thái độ đúng đắn và sẵn sàng trả giá, hầu hết mọi người đều có thể theo đuổi và đạt được gần như bất kỳ cơ hội nào.

Hãy biết ơn mỗi ngày

Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm cho bản thân là giữ quan điểm của mình và biết ơn vì bất cứ điều gì bạn có. Nhà thơ Rudyard Kipling đã từng nói với khán giả của mình khi nói chuyện tại một buổi lễ tốt nghiệp: “Đừng chú ý quá nhiều vào danh tiếng, quyền lực hay tiền bạc. Một ngày nào đó bạn sẽ gặp một người chẳng thèm quan tâm gì đến chúng, và bạn sẽ thấy bạn nghèo khổ đến nhường nào.” Nếu bạn làm việc chăm chỉ và duy trì một thái độ biết ơn, bạn sẽ quản lý tình hình tài chính của mình hàng ngày dễ dàng hơn.

Đừng so sánh bản thân với người khác

Bất kỳ khi nào người ta bắt đầu so sánh bản thân với những người khác, họ đã tự đưa mình vào rắc rối. So sánh tiền bạc, tài sản có thể đặc biệt nguy hại. Ham muốn theo kịp hàng xóm hay có vẻ ngoài hoành tráng đưa nhiều người vào cảnh nợ nần khủng khiếp. Tác giả về lĩnh vực tài chính của New Yorker, James Surowiecki, từng nói: “Người Mỹ luôn luôn bị ám ảnh bởi bệnh dịch mà người ta gọi là ‘cơn sốt đồ xa xỉ’ hay ‘chủ nghĩa tiêu dùng.’ Thậm chí nếu chúng ta không giàu có, chúng ta vẫn muốn được có vẻ là mình giàu.”

Nếu bạn thấy hàng xóm mua sắm đồ mới cho gia đình họ, hưởng những kỳ nghỉ hào nhoáng và năm nào cũng có xe mới, có điều gì thôi thúc bên trong khiến bạn muốn làm những điều tương tự không? Có nhiều người trong hoàn cảnh giống như của bạn không suy nghĩ bất kỳ điều gì. Hàng xóm của bạn có thể kiếm tiền nhiều gấp đôi bạn. Hoặc họ đang sống trong cảnh nợ ngập đầu và đã đi được ba phần tư quãng đường dẫn tới phiên xử phá sản tại tòa án. Đừng đưa ra những giả định và đừng cố gắng để giống như người khác.

Hãy cho đi nhiều nhất có thể

Tác giả Bruce Larson nói: “Tiền là một đôi tay khác giúp chữa lành, mang tới thức ăn và ban phước lành cho những gia đình tuyệt vọng trên trái đất… Nói một cách khác, tiền bạc là một con người khác của tôi. Tiền có thể đến được nơi mà bạn không có thời gian để đến, nơi bạn không có hộ chiếu để tới. Tiền có thể thay thế vị trí của tôi để chữa lành, ban phước, nuôi dưỡng và trợ giúp. Tiền của một người chính là phần mở rộng của bản thân anh ta.” Điều đó chỉ đúng với tiền của bạn nếu như bạn sẵn lòng từ bỏ nó. Hay một cách văn vẻ hơn, như người sáng lập công ty Hanna Andersson Clothing, Gun Denhart đã nói: “Tiền bạc giống như phân bón. Nếu bạn để nó dồn đống lại, nó sẽ bốc mùi. Nhưng nếu bạn rải nó ra xung quanh, nó sẽ giúp kích thích mọi thứ sinh sôi.”

Gần đây, anh trai tôi, Larry, đã đưa cho tôi một đoạn trích dẫn lời của Blaise Pascal: “Tôi yêu sự nghèo khó bởi chúa Jesus yêu nó. Tôi yêu sự giàu có bởi vì nó cho tôi phương tiện để giúp đỡ những người thiếu thốn. Tôi giữ niềm tin vào tất cả mọi người.” Tôi đã đề cấp đến “chọn lựa” rất nhiều trong chương này. Với bạn nó giống như một từ mang ý nghĩa ích kỷ. Nhưng tôi phải nói với bạn, với tôi có nhiều lựa chọn là để phục vụ. Nhà từ thiện Andrew Carnegie cho biết mục tiêu của ông là dành nửa đầu của cuộc đời tích lũy sự giàu có và nửa sau là chia sẻ chúng. Thật là một ý tưởng tuyệt vời! Mong muốn của tôi là dành nhiều năm sau này của mình cho những người khác. Tôi sẽ không có khả năng chia sẻ với quy mô mà Carnegie đã làm, nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là tôi làm những gì tôi có thể bằng cách thực hành kỷ luật tài chính.


Quyết định tài chính của bạn hôm nay

Ngày hôm nay, bạn đang đứng ở đâu khi đề cấp đến vấn đề tài chính? Hãy tự đặt cho mình ba câu hỏi sau:

 
  1. Tôi đã thực sự đưa ra quyết định kiếm tiền và quản lý tài chính hàng ngày chưa?
  2. Nếu vậy, tôi quyết định khi nào?
  3. Chính xác là tôi đã quyết định điều gì?

Kỷ luật tài chính hàng ngày của bạn

Căn cứ vào quyết định mà bạn đưa ra liên quan đến vấn đề tài chính, kỷ luật bạn phải chấp hành hôm nay và mỗi ngàyđể trở nên thành công là gì?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.