Đỗ nương nương báo oán

ĐỖ NƯƠNG-NƯƠNG DIỄN VÕ



Bữa sau, nhằm một buổi sớm mai tưng bừng sáng-lạng, ngọn gió phớt qua mát-mẻ, mặt trời giọi nắng dịu-dàng, cỏ cây tươi cười, cảnh vật phơi màu xinh đẹp.

Lê-Văn-Quân, Võ-Nhàn cùng vài anh em võ-sĩ khác đương đứng trong diễn-võ-trường chỉ cho mấy trăm thanh-niên mới nhập-ngũ luyện tập tấn thối chạy nhảy cho gọn-gàng.

Hai quan Hộ-giá võ-biền là Trương-Hậu với Hồ-Văn-Lân đắt nhau đi dạo, tới võ-trường thấy binh-lính tập-dượt thì đứng lại xem chơi. Trương-Hậu nói: “Giặc đã nổi tứ-tung mà mới bắt đầu tập lính thì chừng nào mới ra trận”.

Hồ-Văn-Lân cười và nói: “Tập trễ mà có tập thì còn hơn có thì-giờ mà không thèm tập gì hết”. Hai người trao đổi ý-kiến có mấy câu rồi dắt nhau đi xuống mé sông, muốn xem coi thiệt có thuyền Tây-Sơn bị đốt hay là người ta nói dối.

Trong lúc ấy Thanh-Nhân đương ngồi nghe ông Minh-Giám đọc lại tờ hịch hiệu-triệu quần-chúng cứu quốc cần-vương của ông mới đặt thử hồi khuya.

Thanh-Nhân nghe rồi, cho lời-lẽ tha-thiết như vậy có thể cảm-xúc lòng dân, nên khuyên ông Minh-Giám đem trình cho Chúa xem rồi gởi đi các Trấn dạy sao lại mà bố-cáo trong các làng xóm.

Minh-Giám lắc đầu nói: “Đưa ngay cho Chúa coi, thế không tiện. Chúa có hai quan Hộ-giá văn-biền. Mình phải do hai ông ấy trước, cậy tâu với Chúa giùm cho mình thì mới khỏi trắc-trở. Nếu mình làm mà không thèm kể hai ông ấy, họ giận họ kẻ vạch rồi hư việc hết.”

Thanh-Nhân trợn mắt đứng dậy nói:

–     Trời ơi ! Mình làm việc nầy là làm cho chúa chớ có làm cho mình đâu. Mình có lợi ích gì là phải cúi-lòn bợ-đỡ nhứt là bợ thằng cha Hà-Khâm phách lối hôm qua đó, tôi không thể bợ được.

–     Ông đừng nóng chớ. Muốn làm việc lớn, phải mềm dẻo, phải tùy tục, phải biết tâm-lý, phải thuận nhơn-tình. Ông là người cang-trực, ông không chịu làm như vậy thì để tôi làm cho. Ông ngó lơ, đừng thèm nói gì hết. Duy có thành-công là đáng kể. Làm cách nào cũng được, miễn thành-công thi thôi.

–     Phải chịu nhục nhã mới được thành-công cũng nên chịu nữa hay sao ?

–     Có gì đâu mà nhục. Gây tình hòa-nhã đặng chung lo việc lớn, có phải dua nịnh đặng vinh-thân phì-gia đâu là sợ nhục.

–     Theo tôi, dầu phải thí thân mà làm cho tròn đại-nghĩa tôi cũng không do-dự, chớ chịu cho người hống-hách, dầu được làm vua làm chúa đi nữa, tôi cũng không thèm.

–     Ông nên nhớ: cái thùng trống gõ nó kêu lớn. Hạng ngu dại nó mới làm phách dọa nạt thiên-hạ. Lợi-dụng cái ngu dại của họ mà làm nên việc, ấy là mưu-trí chớ có khiếp-nhược đâu mà sợ nhục.

–     Ông làm sao thì làm, tôi không muốn biết.

Thanh-Nhân đứng dậy bỏ đi ra ngoài.

Minh-Giám cười chúm-chím, xếp cái nảo tờ hịch mà để vào túi, rồi cũng đi, tính đi kiếm hai ông Lê-Đại-Chí với Hà-Khâm mà nói chuyện. Với cặp mắt sáng suốt khôn-ngoan của ông sẵn có, ông nhận thấy ông sẽ xỏ mũi hai vị đại thần dễ như trở bàn tay. Đại-Chí thì ông đã có dịp nói chuyện với người rồi. Người đó ôn-hòa, khiêm-nhượng, biết phân phải quấy, biết xét an nguy. Với người đó muốn bàn tính việc gì cũng được. Còn Hà-Khâm phách-lối là tại quen thói khi nhơn ngạo vật, ham tự-trọng tự-tôn, muốn làm oai đã bị Thanh-Nhân hạ rồi, bây giờ ông nhỏ nhẹ kéo giùm cái oai của người lên lại, thì chắc mình muốn việc gì cũng được hết.

Minh-Giám lại chỗ ngụ của các quan Hộ-Giá mà kiếm Hà-Khâm với Đại-Chí. Đại-Chí đáp lễ rồi hỏi:

–     Tây-Sơn chiếm thành chúng nó có lấy tiền lấy lúa hay không vậy ông ?

–     Có một lẫm lúa lưng hết phân nửa. Cái lẫm đầu ngoài đó. Có lẽ chúng nó đã xúc mà đem xuống thuyền được mớ nhấm rồi. Còn kho tiền thì thấy còn y nguyên, chắc chúng nó chưa lấy kịp. Hôm nghĩa-binh Đông-Sơn khắc-phục thành trì rồi, thì ông Tổng Chỉ-Huy dạy để lẫm lúa lưng kia cho binh lính xay mà ăn, còn nấy lẫm còn nguyên với kho tiền giao cho ông Háo-Nghĩa gìn-giữ nên ông niêm hết. Hai ngài muốn xem thì tôi kêu ông Háo-Nghĩa lại mở niêm cho mà xem.

–     Không, không. Hỏi cho biết vậy thôi, chớ xem làm chi. Bỏ thành Tây-Sơn chiếm, tôi kể chắc lúa gạo bạc tiền đã về tay Tây-Sơn hết rồi. Binh-sĩ Đông-Sơn chiến-thắng giành lại được đó là cái may. Nhờ cái may đó nên bây giờ mới có lúa mà nuôi binh-sĩ và nuôi luôn chúng ta nữa. Theo lẽ thì nhờ binh-sĩ mới giữ kho liền lại được. Ông Tổng Chỉ-Huy nên xuất ra một mớ mà khao thưỏng những người có công.

–     Hôm trước cũng có người nói như ngài vậy nhưng ông Tổng Chỉ-Huy không chịu, ông nói rằng tiền thuộc của nhà nước, còn lính đã gọi là nghĩa-binh thì không nên kể công-lao. Bởi vậy chỉ cho phép xuất chút đỉnh để mua thuốc-men mà cứu thương-binh và mua trâu heo mà khoản-đãi tướng-sĩ một bữa vậy thôi.

Hà-Khâm nói: “Bạc tiền của nhà nước, nếu muốn xuất phát phải có phép Triều-Đình cho mới được. Làm ngang bị chết chém chớ phải chơi sao”.

Minh-Giám cười và nói:

–     Thưa ngài, ngài nói một chút đó đủ thấy ngài có cái khiếu đại-thần rõ ràng. Phải thông-suốt và biết giữ-gìn quốc-vận như vậy mới có thể thăng cực-phẩm Triều-Đình được chớ. Tôi rất tiếc người Gia-Định ở chốn hẻo-lánh, xa Triều-Đình, nên học kém quá. Hôm nay vì quốc-nạn khiến cho Chúa-Thượng phải mông-trần vào đến đây, việc ấy tuy là rủi cho Triều-Đình, song thiệt là may cho thần-dân Gia-Định. Cơ-hội nầy chúng tôi mới được chiêm-ngưỡng thánh thể long-nhan và được gần-gũi với đại-thần mà tập tư-cách rường-cột của nước nhà và học nhiệm vụ cha mẹ của dân-chúng. Không lẽ tôi dám mơ-ước quốc-nạn kéo cho dài, nhưng về phương-diện giáo-hóa, nếu mấy ngài có dịp ở lâu lâu trong nầy, đó là phước lớn của dân Gia-định.

–     Ở lâu sao được. Hết loạn Chúa phải hồi-loan trở về Kinh-thành. Trong nầy có quan Trấn. Mấy ông phải lo giáo-hóa dân chớ.

–     Cao lắm vói không tới ! Xa lắm ngó không thấy !

Hà-Khâm cười lớn mà nói: “Vậy à ?… Tại mấy ngài đó quên chữ “Thần-dân” chớ có gì đâu”.

Minh-Giám nhận thấy cái thuật của mình đã có hiệu-quả, dua bợ chút đỉnh thì Hà-Khâm đã vui-vẻ, phỉ chí hài lòng. Ông ta mới sấn tới và thân mật hỏi: “Có một việc làm cho tôi bối rối quá. Tôi tính yêu-cầu hai ngài dạy giùm, nhưng không biết hai ngài có vui lòng mà chỉ-giáo hay không, nên tôi dụ dự không dám nói”

Hà-Khâm mau-mắn hỏi:

–     Ông có việc chi ? Ông cứ nói ngay ra rồi anh em ta dạy giùm cho. Có sao đâu mà ngại.

–     Câu chuyện quan hệ nên cần phải nói cho rẽ-ròi. Vậy xin mời hai ngài vô nhà ngồi rồi tôi sẽ bày tỏ, không lẽ nói ngoài đường.

–     Vậy thì vô nhà, vô dây !

Hà-Khâm cùng với hai người kia đi vào phòng của các quan Hộ-Giá. Đợi ngồi yên rồi Minh-Giám mới nói: “Bẩm hai ngài, vì nghe đàng ngoài ly-loạn, quốc-gia nguy-nan, tôi với ông Đỗ-Thanh-Nhân nóng lòng mới hội-hiệp anh em đồng-chí ở đất Ba Giồng mà lập thành đạo nghĩa-binh Đông-Sơn để cứu dân cứu nước. Hôm nọ hay Tây-Sơn hống-hách, đem binh vào tới đây mà truy Chúa đoạt thành. Lòng ái-quốc cần vương của anh em lớn nhỏ đều trạo-trực, nên đồng cử Thanh-Nhân làm Tổng Chỉ-Huy và cử tôi làm Tham-Mưu-Trưởng rồi đem nhau lên đánh với Tây-Sơn. Nhờ hùng dõng của tướng-sĩ mà nhứt là nhờ hồng-phúc của Hoàng-Thượng nên chúng tôi được thắng trận rất vẻ-vang. Khắc phục thành-trì rồi, chúng tôi sai người đi dọ-dẫm khắp nơi mà tìm Chúa. Hay Chúa ẩn-trú trên núi Châu-Thới, ông Thanh-Nhân với tôi lật-đật đem binh lên nghinh-giá và nghinh luôn đình-thần về thành. Chiều hôm qua làm việc đại-nghĩa vuông tròn rồi, chúng tôi suy nghĩ lại mới thấy nhiệm-vụ của chúng tôi to-tát quá. Lực-lượng không có bao nhiêu, binh vừa hơn một ngàn, tướng chưa dược tới một chục, mà dám bạo gan rước Chúa-Thượng với đình-thần về mà hộ-vệ. Ví như Tây-Sơn bị thua, chúng tức giận, chúng đem toàn thế-lực trở vào đánh báo thù, dầu chúng tôi có tài có trí đến bực nào, có gan có mật đến bao lớn đi nữa, một chống với hai chục thì làm sao mà thắng cho nổi. Đêm hồi hôm tôi với ông Thanh-Nhân lo quá, ngủ không được. Không phải chúng tôi sợ chết. Dám lập nghĩa-binh để dẹp giặc mà còn sợ chết nỗi gì ? Chết vì đại-nghĩa, chết cho tròn phận-sự nam-nhi, cái chết như vậy quí giá lắm, chớ có phải rẻ đâu mà sợ. Chúng tôi lập Đông-Sơn nghĩa-binh có ý chống ngay với Tây-Sơn cường-khấu, chúng tôi cương-quyết ăn thua với họ cho đến cùng, dầu cho chúng tôi phải chết hết, chúng tôi cũng vui lòng. Ngặt chúng tôi chết hết rồi còn ai mà phò Hoàng-Thượng với đình-thần. Quân các Trấn đã đi theo quan Lưu-Thú Long-Hồ ra đàng ngoài hết, còn lực-lượng nào đâu cho Hoàng-Thượng với đình-thần nương dựa. Chúng tôi đương thắc-mắc về việc đó quá, tính hết sức mà không ra kế. Hai ngài làm quan Triều-Đình mưu đầy trí đủ, tôi yêu-cầu hai ngài làm ơn chỉ giùm đường cho chúng tôi đi. Xin hai ngài đừng lo cho phận chúng tôi. Dầu phải đi con đường nguy-hiểm thế nào, chúng tôi cũng không nệ, miễn là chúng tôi gìn-giữ cho Hoàng-Thượng với Hộ-Giá an-ổn thì thôi”.

Hà-Khâm châu mày, bối-rối, không biết phải tính lẽ nào mà giải nguy. Ông ngó Lê-Đại-Chí dường như muốn hỏi ý-kiến.

Đại-Chí nói: “Nghe lời ông nói nãy giờ tôi cảm-động hết sức. Nước có loạn mới biết được trung-thành. Người Gia-Định xa-xuôi, thuở nay không được hưởng nhờ giáo hóa của Triều-đình. Thế mà ông với ông Thanh-Nhân cùng tướng-sĩ đều biết liều thân phò vua cứu nước như vậy thì quí không biết chừng nào. Thiệt trước tình-thế hiện-tại mấy ông lo là phải lắm. Lo cho Chúa an nước vững, chớ không phải sợ chết. Tâm-chí như vậy đáng kính mến… Ông hỏi chúng tôi có cách nào mà giải nguy bây giờ… Đông-Sơn nghĩa-binh ít quá. Binh mấy Trấn đã gom đi hết, nếu Tây-Sơn đem đại-binh vô đánh thì phải chịu chết, chớ có quân lính đâu mà đánh. Đã vậy mà xứ nầy không có núi cao rừng lớn, có chỗ nào kín đâu mà phò Chúa đến đó đặng ẩn-trú. Ở lang-bang trong làng trong xóm, giặc sẽ tìm bắt dễ-dàng. Tôi thấy khó thiệt”.

Hà-Khâm nói: “Hễ mình nghe Tây-Sơn sắp tới thì mình phò Chứa đi trước, đi cho xa, chúng có biết đi đâu nên theo mà bắt được”.

Minh-Giám nghe đủ hai vị Hộ-Giá nói rồi thì hiệu cả hai đều vô mưu, muốn hống-hách lại chơi, nên hỏi: “Nếu nghe Tây-Sơn vô gần tới tự-nhiên chúng tôi phải lựa chỗ hẻo-lánh kín-đáo rồi sai người phò Chúa với đình-thần đến đó để ở cho yên, đặng chúng tôi thong-thả mà chết sống với giặc cho chúng nó biết đất Gia-Định không phải là vô nhơn mà hống-hách. Chúng tôi đã tự-quyết phải tử chiến với Tây-Sơn, cho chúng nó biết hào khí đất Gia-Định. Nhưng muốn chiến-đấu cho đắc-lực, cần phải mộ binh thêm, được nhiều chừng nào càng tốt chừng nấy. Nếu chúng nó đông hơn chúng tôi chừng 5 mà thôi, nghĩa là chúng nó năm, chúng tôi một, thì chúng tôi sẽ thắng được. Hồi khuya ông Thanh-Nhân với tôi quết-định phải mộ binh thêm mà đánh. Ngặt chúng tôi không phải là quan nên không có quyền kêu gọi dân-chúng nhập ngũ đặng cứu quốc. Chúng tôi muốn yêu-cầu hai ngài tâu giùm với Hoàng-Thuợng gởi tờ hịch cho các Trấn hiệu-triệu quần-chúng đi lính đặng giúp nước cứu dân. Lời của Hoàng-Thượng hiệu-triệu mới có đủ oai-linh… Hồi khuya tôi có viết thử nảo tờ hịch đây. Tôi xin hai ngài đọc thử coi được hay không. Như không được, xin hai ngài thảo giùm tờ khác đặng dâng lên cho Hoàng-Thượng xem rồi tôi sẽ chép lại mà sai người đem các Trấn”.

Minh-Giám rút nảo tờ hịch trong túi ra mà trao cho Hà-Khâm. Hà-Khâm đọc rồi gặc đầu và trao qua cho Đại-Chí, không bình-phẩm chi hết.

Đại-Chí xem tờ hịch rồi nói với Hà-Khâm: “Theo ý tôi, tờ hịch đặt như vầy văn-từ tao-nhã, ý-tứ hùng-hào, lý-lẽ minh-chánh, để vậy mà gởi đi liền được, cần gì phải sửa hoặc thảo tờ khác. Lại đời ly-loạn cần đánh mạnh, chớ cần gì văn hay. Quan lớn nghĩ sao ?”.

Hà-Khâm nói: “Tôi cũng đồng ý. Vậy thì chúng ta đưa liền ông Minh-Giám vào yết-kiến Hoàng-Thượng, tâu cho ngài biết rõ tình-hình, rồi xin ngài phê lờ hịch đặng đệ đến các trấn cho gấp”.

Minh-Giám thấy công chuyện tiến-hành y như ý muốn mà mình không bị khinh rẻ chút nào thì đắc chí đi theo hai quan Hộ-Giá.

Đến trước mặt Định-Vương, Đại-Chí tâu: “Hôm qua Hoàng-Thượng tiếp Đỗ Thanh-Nhân với mấy tướng Đông-Sơn trên chùa. Hoàng-Thượng nghe nghĩa-binh ít quá nên sợ Nguyễn-Huệ cử đại-binh vào đây, Đông-Sơn khó mà chống nổi. Mấy lời của Hoàng-Thượng phán đó làm cho mấy người chỉ-huy nghĩa-binh vừa cương-quyết mà cũng vừa lo-ngại, cương-quyết sẽ chết sống với Tây-Sơn chớ không nhượng-bộ, nhưng lo-ngại về sự binh ít, mình một người phải đánh tới một hai chục người, tự-nhiên phải nguy. Tướng-sĩ Đông-Sơn quyết tử-chiến đặng làm cho rực-rỡ thinh-danh Gia-Định trung-nghĩa, ngặt nghĩa-binh chết hết rồi còn ai phò Hoàng-Thượng với đình-thần. Binh các Trấn đều theo cụ Tống-Phước-Hiệp ra đàng ngoài, không còn mà chiêu-tập lại được. Thanh-Nhân với Minh-Giám tính mộ binh nghĩa-dõng thêm cho có đủ lực-lượng để trừ giặc mà cứu vua giúp nước. Bây giờ chỉ còn kế đó mà thôi! Hai người mới thảo tờ hịch như vầy đây đến dâng cho Hoàng-Thượng xem rồi gởi đi các Trấn kêu gọi lòng ái-quốc của thần-dân và hiệu-triệu quần-chúng mau mau đến hiệp-lực với nghĩa-binh Đông-Sơn đặng phò vua cứu nước.

Đại-Chí dâng nảo tờ hịch của Minh-Giám cho Chúa xem.

Hà-Khâm tâu tiếp: “Lúc nguy mà thấy lòng người Gia-Định trung-thành dõng-cảm, thế thì vào đây Hoàng-Thượng được địa-lợi mà còn thêm nhơn-hòa nữa”.

Minh-Giám nghe lời bợ-đỡ nhà vua thì cười thầm, nhưng bợ đặng giúp mình nên việc thì mình có lợi chớ không phải hại mà phiền. Định-Vương xem tờ hịch rồi thì dạy Minh-Giám mời Thanh-Nhân vào cho ngài phủ-ủy.

Minh-Giám ra rồi, Định-Vương nói với hai quan Hộ-Giá: “Nghĩa-Binh Đông-Sơn có hai người làm đầu tánh tình ta coi khác nhau xa quá. Minh-Giám hòa-nhã, thận-trọng, khiêm-nhượng; còn Thanh-Nhân táo-bạo, cang-cường. Một văn-nhơn một võ-sĩ mà hiệp-tác với nhau được, cái đó thiệt là lạ. Mà nghĩa-binh họ cũng biết chọn người. Minh-Giám nho-nhã thì cử làm Tham-Mưu để thiết kế bày mưu, còn Thanh-Nhân ngang-tàng thì cử làm Chỉ-Huy để cầm binh phá trận. Có cang mà cũng phải có nhu như vậy mới được. Đương lúc Triều-đình cần dùng người phò-tá, không nên lừa-lọc thái quà mà thất nhơn-tâm. Ai có lòng thì cứ dùng rồi sau tùy công-lao mà ban thưởng”

Minh-Giám dắt Thanh-Nhân bước vào bái-kiến, Định-Vương nói: “Trong khi nước nhà nguy-ngập, anh em Đông-Sơn vì đại-nghĩa xướng ra lo cuộc cần-vương cứu quốc. Ta lấy làm cảm động. Ta cảm ơn và ngợi khen hai người với tất cả tường-sĩ lớn nhỏ. Hai người chuyển-đạt lời của ta lại cho các đội biết. Hiện giờ Triều-đình dật-lạc, nên không ban thưởng cho anh em được. Tuy vậy mà Triều-đình không bao giờ vong ơn đâu. Vậy anh em lớn nhỏ cứ tận-lực, tận-tâm mà tá-trợ, chừng đại-định rồi, Triều-đình sẽ tùy công-lao mà ban quyền-tước xứng-đáng”.

Định-Vương trao tờ hịch cho Thanh-Nhân mà nói tiếp: “Cứ chép tờ hịch nầy mà gởi đi khắp nơi. Hễ có ai đến xin đầu quân thì tập luyện liền đặng chừng hữu-sự thì có binh mà dùng”.

Minh-Giám nói: “Hễ tờ hịch bố-cáo ít bữa rồi thì tôi sẽ đi tới các Trấn đặng vận-động chiêu-mộ binh-sĩ”.

Định-Vương ân cần phủ ủy hai người rồi dạy hãy rán xây đắp đồn lũy và tuyển-mộ binh tướng thêm cho gắp. Thanh-Nhân với Minh-Giám bái-tạ Định-Vương lui ra mà về dinh.  Minh-Giám nói: “Ông thấy cái thuật của tôi hay chưa ? Mềm dịu một chút thì việc gì cũng xuôi thuận hết”. Minh-Giám kêu Háo-Nghĩa mà đưa tờ hịch và cậy qui-tụ anh em văn-sĩ mượn chép lại nhiều bổn và chép cho mau.

Nội buổi chiều đó thì đã có người đem hịch đi các Trấn, tại trước cửa thành, tại võ-trường và tại chỗ nhóm chợ đều có dán lời hịch đủ hết.

Trong vài ngày sau những trai-tráng bắt đầu rải-rác đến xin ghi tên làm lính, mỗi ngày có năm bảy người tới luôn luôn. Lê-Thứ-Tiên lãnh thâu nhận lính mới, hễ vô sổ bộ rồi thì giao cho Trần-Hạo coi việc luyện lập.

Một buổi sớm mai, Thứ-Tiên ra cửa thành thâu nhận mấy người xin đi lính, bỗng thấy Đỗ-Thanh-Xuân xâm xâm đi tới, vai mang cung tên, lưng đai song kiếm, y-phục gọn gàng cũng như một cậu trai. Phía sau lại có một đám người đi theo, rồi tới một bầy trâu nữa.

Thứ-Tiên lấy làm lạ nên đứng lại cửa mà chờ, có ý muốn biết coi có việc chi quan-hệ mà Đỗ-Nương-nương phải lên tới trên nầy. Chừng Thanh-Xuân đi tới, Thứ-Tiên thi lễ mà hỏi: “Nương-nương lên có việc chi vậy ?”

Thanh-Xuân đáp: “Bà con ở Ba Giồng hay nghĩa-binh Đông-Sơn mới xuất trận lần đầu mà được thắng lợi rất vẻ-vang nên nhóm nhau bàn tính, rồi cử người thay mặt cho mỗi giồng mà cậy tôi dắt lên đây đặng tỏ lời chúc mừng tướng-sĩ”.

Thứ-Tiên gặc đầu và nói: “Vậy xin Nương-nương đứng đây chờ một chút. Để tôi vô thưa cho Tổng Chỉ-Huy với Tham-Mưu Trưởng hay”. Thứ-Tiên xây lưng đi liền.

Bộ Chỉ-Huy với Tham-Mưu ở chung một cái nhà phía trong xa, ngoài cửa đi vô đó phải đi ngang trước Hoàng-cung, chỗ Định-Vương ở với Hoàng-tử Ánh, và đi ngang qua dinh của mấy quan Hộ-giá nữa.

Thanh-Nhân đương ngồi bàn việc lập đồn dài theo mé sông Bến-Nghé xuống tới Nhà-Bè, bàn với Minh-Giám, Háo-Nghĩa, Võ-Nhàn và Nguyễn-Lượng. Thình-lình Thứ-Tiên vào báo tin có Đỗ-Thanh-Xuân dắt thân hào đất Ba Giồng lên chúc mừng tướng-sĩ Đông-Sơn toàn thắng, cả thảy còn đứng bước cửa thành chờ lịnh.

Minh-Giám nghe nói như vậy thi vui mừng, không chờ lịnh Đỗ-Thanh-Nhân, vội-vã bảo Thứ-Tiên: “Cho vô đây, vô liền, người trong Hội “Ba Giồng Đồng-Chí” chớ phải ai xa lạ hay sao nên phải ở ngoài chờ lịnh”.

Thứ-Tiên lật-đật trở ra với Võ-Nhàn.

Thanh-Nhân ngừng việc bàn cãi, bước ra trước cửa đứng chờ con với khách Ba Giồng. Mấy người kia cũng đi theo chung-quanh.

Bốn quan hộ-giá đương đứng trước dinh mà chơi, thấy Thứ-Tiên vô ra lăng-xăng, rồi lại thấy bộ Chỉ-Huy với Bộ Tham-Mưu ra dứng phía cửa thành, không hiểu có việc chi, nên men men lại đó hỏi thăm. Mấy ông nghe nói có con của Thanh-Nhân dắt thân-hào đất Ba Giồng lên chúc mừng thì đứng luôn tại đó xem chơi.

Thứ-Tiên với Võ-Nhàn ra cửa tiếp khách, dạy buộc 6 con trâu ngoài thành, còn khách thì đi theo vô Bộ Chỉ-Huy.

Thanh-Xuân đi đầu, tướng mạo lẫm-liệt, oai-nghiêm, bình-tĩnh, mặt không có vẻ bợ-ngợ chút nào. Sáu người già đi tiếp theo nàng, rồi phía sau có 20 người thanh-niên vậm-vỡ, hâm-hở. Võ-Nhàn với Thứ-Tiên đi kềm hai bên.

Đi tới trước mặt Thanh-Nhân cả thảy đều chấp tay nghiêng mình mà xá chung ba xá, rồi Thanh-Xuân bước tới mà nói: “Thưa cha, đồng-chí ở Ba Giồng hay tin Nghĩa-binh Đông-Sơn đánh Tây-Sơn đại bại thì già trẻ đều mừng. Mỗi giồng phái một vị chủ xóm với một vị học-thức thay mặt cho người trong giồng và cậy con dắt 6 đại-biểu lên đây đặng tỏ lời ngợi khen và chúc mừng cho cả thảy chiến-sĩ Đông-Sơn. Mỗi giồng lại còn gởi theo hai con trâu để hiến cho tướng-sĩ ăn thịt chơi một bữa đặng tướng-sĩ nhận thấy tấm lòng thân-ái của hàng phụ-huynh luôn luôn tưởng-niệm can-đảm hy-sinh của con em trong công cuộc đại-nghĩa giúp vua cứu nước”.

Thanh-Xuân nói dứt lời rồi đứng tránh qua một bên để cho 6 người già bước tới cho giáp mặt với Thanh-Nhân và Minh-Giám. Một ông học-thức thuộc giồng Thuộc-Nhiêu, nhơn-danh cho đoàn đại-biểu mà tỏ lời chúc mừng y như lời Thanh-Xuân đã nói đó. Thanh-Nhân với Minh-Giám tiếp nhau mà tạ ơn và hứa chắc nghĩa-binh Đông-Sơn luôn luôn nêu cao danh-dự cho đất Ba Giồng và giữ vững chánh-khí cho người Gia-Định.

Thanh-Nhân hỏi còn mấy người trai đứng sau đó lên đây tính nói chuyện chi. Thanh-Xuân nói hai chục người đó ở Cái-Bè đến hỏi thăm phải làm sao đặng nhập theo nghĩa-binh Đông-Sơn. Sẵn có dịp đi đây nên chở theo giao cho cha định-đoạt. Thanh-Xuân dắt cha lại tiếp chuyện với nhóm thanh niên ấy. Thanh-Nhân thấy người nào cũng hùng-tráng thì rất hài-lòng, tỏ lời khen háo-nghĩa, gặp nước loạn biết nhiệm-vụ nam-nhi.

Minh-Giám giao mấy chục người trai cho Thứ-Tiên ghi tên nhập ngũ, dặn Võ-Nhàn thâu-nhận mấy con trâu của Ba Giồng hiến để đãi tướng-sĩ rồi cùng với Thanh-Nhân mời phái-bộ vô nhà uống nước nói chuyện chơi.

Nãy giờ mấy quan Hộ-giá đứng ngó Thanh-Xuân trân trân, không biết trai hay gái. Mà con gái sao mang cung đai kiếm đi hùng-hào tự-đắc như vậy. Chừng Thanh-Nhân dắt khách vô nhà, Hồ-Văn-Lân là Hộ-giá về võ-biền thấy Nguyễn-Lượng còn lục-thục ở sau, mới nắm tay áo kéo mà hỏi:

–  Con của Đỗ Chỉ-Huy đó trai hay là gái ?

–  Gái.

–  Ủa ? Gái sao mặc y-phục gọn-gàng như con trai, đi ra mang cung kiếm tùm-lùm, đi đứng chẫm-hẩm, tiếng nói rang-rảng vậy ?

–  Tại Đỗ Chỉ-Huy không có con trai, ổng có chút gái, ổng nuôi dạy như trai, cho luyện tập võ nghệ, nên tướng-mạo mới ra như vậy.

–  Võ rành hay không ?

–  Học dủ ban hết, nhưng thiện nghệ nhứt có hai môn: xạ tiễn với phi kiếm, bá phát bá trúng. Ở đâu thì tôi không biết, chớ ở đất Gia-Định nầy không có ai dám thi hai môn ấy với nương-nương.

–  Có chồng hay chưa vậy ?

–  Chưa. Mới 17 tuổi.

–  Mới 17 tuổi, sao mà vóc to dữ vậy ?

–  Nhờ tập dượt hàng ngày nên nở gân nở cốt.

Hồ-Văn-Lân bỏ Nguyễn-Lượng trở về dinh thấy mấy quan Hộ-giá còn đứng nói chuyện Đỗ-Thanh-Xuân, mới đem câu chuyện Nguyễn-Lượng hỏi hồi nãy mà thuật lại cho mấy bạn nghe. Các quan nghị luận về nghề xạ-tiễn và phi-kiếm của Thanh-Xuân, ông thì trầm-trồ khen, ông thì không tin con gái mà có tài xuất-chúng được, kẻ hỏi đi, người cãi lại, gây ra một cuộc náo-nhiệt trước dinh.

Định-Vương nghe cãi mới biểu Hoàng-tử ra đòi các quan vào đặng hỏi coi có việc chi mà xao-xuyến như vậy.

Các quan tâu cho Chúa hay có 6 nhà thân hào ở đất Ba Giồng lên chúc mừng nghĩa-binh Đông-Sơn thắng Tây-Sơn, lại có dắt theo 6 con trâu để khao thưởng chiến-sĩ tận tâm cứu dân giúp nước. Các quan cũng tâu luôn về sự con gái của Thanh-Nhân cầm đầu phái bộ ấy và có dắt theo 20 thanh-niên cường tráng lên xin nhập-ngũ tùng-quân. Hồ-Văn-Lân còn tâu nàng ấy mới 17 tuổi mà cao lớn vậm-vỡ, mang cung đai kiếm, tướng mạo phi phàm, oai-phong lẫm-liệt, thiện-nghệ về môn xạ tiễn và phi kiếm, không ai dám sánh.

Định-Vương phán: “Người Ba Giồng trung-thành vời quốc-gia, với vua chúa, ta cũng nên trưởng-chí cho người, huống chi vì quốc-nạn ta phải mông-trần, ta nên gây thiện-cảm với dân, cần gì cố-chấp lễ-nghi triều-đình nữa. Vậy hãy đi nói cho Thanh-Nhân hay, ta cho phép mấy người Ba Giồng bái-kiến đặng ta an-ủi lòng người và dạy dắt hết lại đây cho ta nói chuyện”.

Lê-Đại-Chí liền đi lại Bộ Chỉ-Huy truyền lịnh cho Thanh-Nhân hay.

Thanh-Nhân với Minh-Giám lấy làm cảm xúc không dè Chúa hạ-cố đến hạng thôn-phu, bởi vậy biểu mấy nhà thân-hào sửa khăn áo rồi dắt đi lại Hoàng-Cung yết Chúa, Đại-Chí nài Thanh-Xuân cùng đi luôn theo nữa, nói rằng Hoàng-Thượng nghe ái-nữ của Độ Chỉ-Huy võ-nghệ siêu-quần nên có ý muốn biết mặt.

Đến Hoàng-Cung. Thanh-Nhân với Minh-Giám đưa sáu thân-hào vào bái-yết Chúa. Thanh-Xuân đứng phía sau. Định-Vương ngó Thanh-Xuân trân trân. Ngài khen ngợi lòng trọng-nghĩa của dân đất Ba Giồng, khuyên thân-hào về nói lại cho mọi người biết, ngài chiếu cố đặc biệt những người giúp nước cứu dân trong cơn ly-loạn và chừng non nước thăng-bình rồi ngài sẽ ban thưởng những người có công với quốc-gia. Định-Vương hỏi thăm qua võ-nghệ của Thanh-Xuân, Thanh-Nhân tâu rằng lúc rảnh-rang có dạy con cho biết chút đỉnh vậy thôi, phận gái liễu-bồ làm sao dám sánh với tài trai cho kịp.

Hồ-Văn-Lân nghe Nguyễn-Lượng khoe-khoang hồi nãy, có ý muốn xem thử tài xạ-tiễn và phi-kiếm của Thanh-Xuân coi có quả như lời người ta nói hay không, nên tâu: “Đỗ Chỉ-Huy khiêm-nhượng chớ người ta nói Đỗ Nương-nương xạ tiễn với phi-kiếm bá phát bá trúng, trong đất Gia-Định không ai dám bì. Vậy xin Hoàng-Thượng nhơn dịp Nương-nương lên đây, Hoàng-Thượng nên hạ lịnh cho Nương-nương chiều nay diễn võ đặng khuyến-khích tướng-sĩ hăng-hái tập luyện. Đó là một việc tốt, không lẽ Đỗ Chỉ-Huy không vui lòng để cho con giục lòng tường-sĩ”.

Định-Vương hỏi Thanh-Nhân có vui lòng biểu con diễn võ cho tướng-sĩ xem hay không. Thanh Nhân bằng lòng và hứa xế mát sẽ cho con đến võ-trường mà biểu diễn.

Mọi người mới bái Chúa lui ra.

Cái tin Đỗ Nương-nương diễn võ đồn khắp trong thành ngoài chợ làm cho tướng-sĩ cũng như thường dân thảy đều náo-nức, trông cho mau tới xế mát đặng xem tài của Nương-nương.

Thanh-Nhân dặn Võ-Nhàn sai quân đi kiếm đốn hai cây chuối mà cắm sẵn trong võ-trtròng đặng làm bia cho Thanh-Xuân bắn tên và phóng kiếm.

Mặt trời vừa xế bóng thì tướng-sĩ với bình-dân đã kéo nhau từng tốp đến võ-trường đứng chung-quanh sân chật hết. Võ-sĩ Ba Giồng đã từng xem Thanh-Xuân luyện tập mà càng xem càng thấy cái hay, bởi vậy xem hoài không nhàm chán nên bữa nay đều có đến đủ mặt.

Bốn quan Hộ-giá phò Hoàng-Tử Ánh đi xem.

Mấy ông đi lại võ trường một lượt với cha con Đỗ Chỉ-Huy và sáu vị thân hào Ba Giồng. Công chúng thấy Đỗ-Thanh-Xuân bước vô sân, sắc mặt hiên-ngang, tướng-mạo hùng-dõng, không khớp sợ, không sụt-sè, thì xầm-xì ngợi khen, kính nể.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.