Đóa hoa tàn
Chương 11
Đã gần hết canh một, tư bề vắng vẻ, chỉ nghe tiếng ve kêu trên ngọn cây và một lát nghe tiếng chuông ở chùa Phật dưới chơn núi dộng một cái bon mà thôi.
Hải Đường ngồi trân trân không nói chi hết, mà Túy Nga ngồi cái ghế gần đó, cô ngó chàng rồi rơi lụy, chớ cô không dám hở môi.
Cách một hồi lâu chàng hỏi rằng: „Cô Kiều còn thức đó hay không?”.
Túy Nga lật đật đứng dậy đáp rằng:
– Thưa, em còn thức đây. Ông có cần dùng việc chi hay không?
– Tôi muốn đọc cho cô em viết một chút.
– Thưa, được.
– Cô bước lại bàn viết, cô lấy cuốn “agenda” đem giùm lại đây cho tôi. Cuốn bìa cứng, màu xám, ngoài bìa có in chữ lớn “agenda” đó.
– Em biết.
Túy Nga bước lại bàn viết lấy cuốn agenda đem đưa cho Hải Đường. Chàng cầm trong tay và gặc đầu nói rằng: „Phải. Cuốn nầy. Xưa rày tôi bịnh, song tôi có ngụ ý đặt đuợc một bài thi bát cú, ngặt bị con mắt đau nên viết ra không được. Vậy cô em lấy viết mực đem lại bàn đây mà ngồi cho gần, rồi tôi đọc bài thi ấy cho cô em chép”.
Túy Nga lấy viết mực ngồi dựa cây đèn, gần một bên Hải Đường. Chàng đưa cuốn agenda lại cho cô và nói rằng: „Cô em giở trương đầu coi phải có một thi đề tựa “ Túy Nga tự thán” hay không?
Cô giở ra thiệt quả có bài thi của cô làm năm trước. Cô bèn đáp rằng:
– Thưa, phải. Có bài thi đó.
– Ừ, cô em viết tiếp khúc dưới. Cô viết tựa chữ lớn: „Hải Đường hòa vận”.
– Thưa, rồi.
– Bây giờ tôi đọc cho cô em chép bài thi của tôi.
Hải Đường ngồi đọc nhỏ nhỏ cho Túy Nga viết bài thi như vầy:
Một mình co duỗi góc trời đông,
Khỏa lấp niềm riêng chén rượu nồng;
Nghĩa vụ, chung tình đành phải thế,
Công danh, phú quí cũng như không;
Câu ngâm hối hận bồi hồi khách,
Giọt lụy chia lìa lai láng sông;
Em hỡi Túy Nga em nỡ để,
Trăm năm rối rắm mối tơ hồng.
Túy Nga chép bài thi, cô cảm động không xiết kể, song cô sợ Hải Đường biết nên cô không dám khóc, cô dằn lòng mà chịu, mà nước mắt tuôn dầm dề.
May Hải Đường không biểu cô đọc lại, chớ nếu chàng biểu, thì chắc cô đọc không được.
Chàng dựa ngửa trên ghế phô tơi mà nghỉ lưng. Cô ngồi coi chừng coi ý chàng còn muốn việc gì nữa. Chàng thò tay vào túi móc ra hai cái thơ của ông Bác sĩ Trị trao hồi nãy, cầm sò sè một lát rồi đưa một cái cho cô mà hỏi rằng:
– Cô em xem con dấu đóng trên con cò đó coi thơ ở đâu gởi vậy.
– Thưa, con dấu nhà thơ Mỹ Tho.
– Thơ của ai vậy kìa. Đâu cô xé đọc giùm cho tôi nghe.
– Túy Nga xé bao, rút thơ ra rồi đọc như vầy:
Cher ami Hải Đường,
Tôi đọc nhựt trình có hay tin bạn đau và M. Trị rước bạn về nhà mà điều trị. Tôi lật đật viết sơ lược ít hàng mà cầu chúc cho bạn mau mạnh, đợi ít ngày nữa có dịp tôi sẽ lên Châu Đốc mà thăm bạn.
Theo như tin trong nhựt trình, thì mấy năm nay bạn cũng chưa cưới vợ. Ở trong thời đại nầy, lại đứng vào bực học thức cao đẳng, mà bạn ôm ấp ái tình đến nỗi phải lụy thân, thì tôi lấy làm lạ. Bạn phải tỉnh mà nhớ lại, đời nầy là đời danh lợi, cách hành động của mình, dầu đi học, hay là cưới vợ, hay là kết bạn, hay là làm việc, bất lục là lúc nào, mình đều phải chủ hướng về cái danh hoặc cái lợi, dường ấy mới hạp với thời, thuận với người.
Cô mỹ nhơn mà bạn đeo đuổi theo đó sẽ giúp ích cho đường đời của bạn về phương diện danh hay là lợi hay không mà bạn phải chịu khổ tâm đến thế? Ối! Dầu có ích cho mấy đi nữa, nếu thấy bước đường gay trở thì bạn phải vạch nẻo khác mà đi, hơi nào mà phải cố tâm thiết tha trong chỗ khó.
Sao bạn không làm như thiên hạ, mà lại trèo leo lên cái lối huyền vọng ái tình làm chi cho lao tâm mệt trí?
Tôi quyết sẽ đem bạn ra khỏi cái lối huyền vọng ấy, tôi sẽ kéo bạn xuống cái cảnh chơn thiệt ở cõi trần, đặng cho bạn hưởng chút đỉnh của thế gian như các bạn đồng song của chúng ta vậy. Tôi nói ngay với bạn rằng tôi có một đứa em gái, năm nay mới hai mươi tuổi, thông thạo cách giao thiệp theo đời nay, biết nói tiếng Pháp, bíết đánh tơ nít[1]; cha mẹ tôi khuất hết để gia tài lại, tôi chia ra phần nó mỗi năm hưởng huê lợi trên mười ngàn giạ lúa. Tôi nhứt định sẽ gả cho bạn đặng trước là nó có chồng xứng đáng với số gia tài của nó, sau nữa bạn khỏi mệt mà có một cái gia tài nhỏ nhỏ đủ làm nề[2] mà bước lên cho cao thêm hoài.
Tôi gởi cái chơn dung của con em tôi theo đây cho bạn xem trước. Nếu bạn không chê nó, thì tôi gả nó cho bạn liền, bạn muốn định cưới ngày nào cũng được.
Đợi bạn hồi âm, tôi chúc bạn mau mau mạnh.
Nắm tay bạn.
Túy Nga đọc thơ rồi, cô ngó Hải Đường trân trân, có ý chờ coi chàng liệu định lẽ nào. Hải Đường ngồi tự nhiên mà hỏi rằng:
– Người viết thơ có ký tên hay không?
– Thưa, có.
– Ai vậy kìa…
– Thưa, ở dưới dấu ký tên có biên: „Phan Thế Bửu, điền chủ ở Mỹ Tho”.
– À! Anh Thế Bửu! Có học thức mà vậy đó! “Thế Ngu” chớ Thế Bửu gì vậy.
Túy Nga hiểu ý, thì cô lắc đầu. Tuy vậy mà cô muốn dò đáo để, nên cô đưa tấm chơn dung đính theo thơ cho Hải Đường mà nói rằng: „Thưa, có tấm hình đây”.
Hải Đường cùn quằn đáp rằng: „Hình mà làm gì. Đút vô bao với cái thơ rồi bỏ trong cuốn agenda”.
Chàng ngồi im lìm một hồi lâu rồi đưa phong thơ thứ nhì mà hỏi rằng: „Còn thơ nầy ở đâu gởi lại?”
Túy Nga lấy phong thơ, thì là thơ của cô gởi tại Vũng Liêm, trước khi ra đi. Tuy vậy mà cô cũng làm bộ coi con dấu nhà thơ rồi đáp rằng: „Thưa, thơ gởi tại Vũng Liêm”.
Cô và nói và ngó coi ý chàng thế nào.
Hải Đuờng dụ dự rồi hỏi rằng:
– Chữ đề bao đó giống tuồng chữ đàn bà hay là đàn ông?
– Thưa, em không hiểu.
– Đàn ông thường họ viết cứng, còn đàn bà họ viết yếu.
– Thưa, em coi không ra.
Hải Đường dụ dự một hồi nữa, rồi thở ra mà rằng: „Thôi, xé đại mà đọc thử coi”.
Túy Nga xé thơ. Vả thơ của cô viết thì cô thuộc lòng, bởi vậy tay cầm bức thơ, mắt ngó Hải Đường trân trân và miệng đọc như vầy:
“ Anh Hải Đường đáng yêu đáng kính ôi!
Trót hai năm nay em không được tin tức của anh, nên em không biết anh ở đâu, mà cũng không hiểu anh làm việc gì. Tuy vậy mà trong trí em vẫn tưởng tượng anh đã có đôi bạn, có con nhỏ, tưởng anh đã gầy cuộc gia đình, tưởng anh đang hưởng hạnh phúc vợ hiền con quí, chẳng có chút chi buồn hay là lo, cũng như bầu trời thanh bạch, chẳng có mây giăng, cũng như mặt biển lặng trang, chẳng có sóng dợn.
Than ôi! Em vừa đọc một bài trong nhựt trình, em mới hay sự tưởng tượng của em không trúng chút nào hết, em mới rõ mấy năm nay vì em mà anh phải sầu não, phải vất vả tấm thân, đến nỗi phải thọ bịnh. Trời đất ôi! Tội của em lớn biết chừng nào, bây giờ làm sao mà chuộc cho được!
Anh ôi! Hiện bây giờ em đau đớn trong lòng quá, không còn trí khôn mà tả cho anh hiểu tấm lòng của em đối với anh. Em biết nói làm sao bây giờ! Em xin viết một câu nầy: „Nếu anh chết thì em không thể nào sống được”. Em tưởng nói bao nhiêu đó có lẽ đủ cho anh hiểu rõ lòng dạ của em.
Mà không lẽ trời độc ác đến nỗi phải khiến anh chết như vậy. Em cũng không chịu cho anh chết. Em phải làm cho anh mạnh thì em mới khỏi tội. Vậy em nhứt định bỏ dẹp luân lý, em hy sinh cái đời vô dụng của em đặng em cứu anh.
Em cúi xin anh cho phép em lên ở nuôi dưỡng anh cho anh lành mạnh. Ví như trời có khiến anh phải chết, thì đôi ta nhìn cho tận mặt nhau một lần chót, rồi chết với nhau một lượt đặng chừng đầu thai cũng trở lên một luợt mà kết vợ chồng với nhau.
Nếu anh nhậm lời, thì xin anh đánh dây thép cho em biết, em sẽ lên liền”.
Hải Đường nghe đọc dứt rồi, chàng dựa ngửa ghế phô tơi, tay run, miệng hỏi rằng: ”Ai ký tên đó?”
Tuý Nga ngó chàng không nháy mắt, thủng thẳng đứng dậy mà đáp rằng: „Lê Túy Nga ở Mê Phốp, làng Trung Điền”.
Hải Đường thở một cái, rồi gượng ngồi dậy và đưa tay nói rằng: „Trao cái thơ ấy lại đây”.
Túy Nga đút thơ vô bao rồi đưa cho chàng. Hải Đường bỏ thơ vô túi, ngồi lặng thinh một hồi rất lâu, bộ chàng suy nghĩ lung lắm. Túy Nga đứng ngó không nháy mắt.
Thình lình Hải Đường biểu rằng: „Lại bàn viết lấy một miếng giấy trắng đặng tôi đọc cho mà viết”. Túy Nga vưng lời, đi lấy một miếng giấy đem lại đèn mà ngồi và nói rằng: „Thưa, có giấy rồi”.
Hải Đường đọc:
“Lê Túy Nga, con gái ông Tổng Bình, làng Trung Điền, Vũng Liêm”.
Túy Nga run tay nên viết chậm lắm. Chừng viết xong rồi cô mới nói rằng: ”Thưa, rồi”.
Hải Đường ngồi im lìm một hồi nữa rồi vùng nói: “Viết: Lên lập tức, tôi trông”.
Túy Nga cảm động, không thể dằn nữa được, nên buông cây viết chạy lại, một tay thì nắm tay Hải Đường, còn một tay thì vịn vai chàng mà khóc và nói rằng: „Cám ơn anh. Em đã lên rồi đây”.
Hải Đường rùng mình, run hết cả tay chơn rồi thủng thẳng nói rằng: „Thiệt em đó hay sao? Té ra hồi hôm, qua nghi trúng lắm…Em đã thấy tình của qua hay chưa?”
Túy Nga đứng khóc rấm rức, không nói được một tiếng chi nữa hết.
Hải Đường hớn hở, miệng chúm chím cười mà nói rằng: „Đôi ta đã hiệp nhau rồi, có việc chi phải buồn nữa đâu mà em khóc”.
Túy Nga bệu bạo đáp rằng:
– Vì em mà anh phải đau nhiều quá, không buồn sao được.
– Được gần em thì chắc qua mạnh. Bây giờ trong mình qua khỏe khoắn như thường.
– Em biết anh còn đau nhiều lắm.
– Dầu còn đau, hễ em nuôi qua thì qua mạnh chớ gì. Em ở nuôi giùm qua nghe hôn.
– Dạ, em ở, ở nuôi cho anh mạnh.
Hải Đường phỉ chí nên ngồi cười khan, còn Túy Nga càng thêm cảm động nên khóc lớn. Thím biện Yến bước qua, thấy hai trẻ nắm tay dang díu, kẻ khóc người cười, thím biết việc đã bể mà hai bên đều thỏa tình mãn ý, thì thím mừng nên cười ngỏn ngoẻn mà nói rằng: „Thương nhau như vậy mà trời khiến duyên nợ trắc trở làm chi cho kẻ rầu người bịnh không biết!”.
Nhờ ông Bác sĩ Trị cho thuốc tận tâm, mà cũng nhờ Túy Nga ở nuôi dưỡng an ủi, nên cách vài tuần lễ thì Hải Đường bình phục, trái tim mạch nhảy đều như thường, cặp mắt cũng đã sáng lại, duy còn đỏ chút đỉnh mà thôi.
Mỗi bữa, sớm mơi từ tảng sáng đến tám giờ, chiều từ bốn giờ rưởi tới chạng vạng, Túy Nga dắt Hải Đuờng lên núi rồi khi thì ngồi dựa gốc cây, khi thì nằm nghiêng trên hòn đá, mà nghinh phong hướng cảnh. Mặt trời mọc lên chói cánh đồng từ núi Sam dãy Thất Sơn, lúa đương chín nên vẽ một màu vàng khè, làm cho khách háo cảnh đa tình trông thấy, phải ngậm ngùi vì tình, khoan khoái với cảnh. Mặt trời chen lặn giục giã dế ngâm trong kẹt đá, chim hót trên ngọn cây, làm cho khách chí đại tâm thanh nghe qua, như ghẹo lòng son, như khiêu chí cả.
Có khi Túy Nga ngâm bài thi tự thán hồi trước lại cho Hải Đường nghe, rồi Hải Đường cũng ngâm bài thi của chàng họa mà đáp lại, ngâm rồi hai người ngó nhau rưng rưng nước mắt. Có khi Túy Nga ngồi đờn, Hải Đường nằm nghe; người đờn rỉ rả như bày tỏ cang trường, người nghe mẩn mê quên lửng công danh phú quí.
Gần gũi nhau chừng nào, tình càng thêm sâu, nghĩa càng thêm nặng, càng mê vì nết, càng mến vì lời, gái chẳng chút ngại ngùng, trai chẳng còn sè sụt. Tuy vậy mà hễ khi nào Hải Đường mở hơi muốn nói chuyện cưới hỏi, thì Túy Nga chận liền mà xin rằng: „Anh phải rán an tâm tịnh trí mà lo dưỡng bịnh cho mau mạnh, không nên lo tính việc gì khác. Nếu thiệt anh thương em, thì anh phải nghe lời em”. Mấy lời nói ấy vừa dang díu, vừa quả quyết, làm cho Hải Đường không cãi được, nên phải dằn lòng vưng chịu.
Một buổi sớm mơi, ông Bác sĩ Trị khám bịnh cho toa đến chín giờ rồi ông rảnh rang. Ông bèn sai người nhà mua rượu, thịt, bánh, trái, rồi ông bỏ lên xe hơi mà chạy vô núi, tính đem đồ vô ăn uống với bạn cho vui. Thím biện Yến với Hải Đường, Túy Nga tiếp rước ông rất vui vẻ.
Ông Bác sĩ coi mạch cho Hải Đường rồi ông nói rằng: „Bữa nay toa thiệt mạnh rồi, không còn một chút bịnh nào nữa hết. Thôi, để dọn đồ ăn uống chơi một bữa, rồi mỏa rước hết về nhà mỏa mà ở. Toa chơi chừng nào đã thèm rồi sẽ đi làm việc”.
Thím Biện với Túy Nga nghe Hải Đường thiệt hết bịnh thì mừng rỡ, nên nói nói cười cười coi dọn đồ lên bàn rồi chủ khách đồng ngồi chung quanh mà ăn uống.
Ông Bác sĩ Trị rót một ly rượu chát mà đưa cho Hải Đường và nói rằng: „Mấy tháng nay toa bị cấm rượu, chắc toa thèm lắm. Bữa nay uống được. Vậy toa uống đi”.
Túy Nga ngồi ngang Hải Đường, cô đưa tay mà cản rằng: „Úy! Không nên. Xin ông Bác sĩ đừng cho uống. Xưa rày bỏ rượu đã quen rồi. Nếu cho uống rồi anh Bác vật bắt bén uống lại, sợ e bịnh con mắt phục phát. Thôi, bỏ luôn tốt hơn”.
Hải Đường thèm rượu lắm, song nghe Túy Nga nói như vậy, thì chàng ngó ly rượu rồi ngó Túy Nga và cười và nói rằng: „Cô Ba buồn, thôi tôi không uống”.
Ông Bác sĩ cũng cười và nói rằng: „Tôi mướn cô Ba để nuôi ông Bác vật bịnh. Tôi không dè người bịnh vị bụng người nuôi quá, hèn chi bịnh mới mau hết”.
Túy Nga nghe lời pha lửng ấy, thì cô mắc cỡ, nên cúi mặt đáp rằng:
– Anh Bác vật lành mạnh là nhờ tài của y sư, chớ em có công cán chi đâu. Em chịu sự anh Bác vật hay vị bụng em, nhưng mà nếu ảnh không vị, thì làm sao hôm nay được vui như vầy.
– Cô đã công nhận rằng anh Hải Đường thường vị bụng cô, hễ cô muốn thế nào, ảnh cũng làm theo hết thảy. Bây giờ tôi muốn coi cô có vị bụng ảnh hay không, như ảnh muốn một việc gì cô có vui lòng làm theo hay không?
– Thưa, việc em muốn có ý nghĩa khác, còn việc anh Bác vật muốn sợ có ý nghĩa khác, vì vậy nên em e khó chìu ý ảnh được.
Hải Đường nghe mấy lời ấy thì chàng ngó Túy Nga một cách rất buồn.
Ông Bác sĩ Trị cũng lấy làm lạ, ông bèn nghiêm sắc mặt mà hỏi Túy Nga rằng:
– Cô nói cái gì vậy cô Ba? Hôm cô lên đây, cô có nói với tôi rằng bạn tôi mang bịnh, lỗi tại nơi cô, nên cô quyết hy sinh cả danh giá và tánh mạng đặng lo phương cứu bạn tôi. Bình sanh bạn tôi muốn có một điều, là kết tóc trăm năm với cô. Nay bạn tôi lành mạnh rồi, ví bạn tôi tỏ ý muốn việc đó, cô cũng không chịu hay sao?
– Thưa, muốn cái đó khó cho em lắm.
– Cô đã quyết hy sinh cả danh giá và tánh mạng với ảnh, sá chi một chút đó mà cô dụ dự.
– Thưa ông, em có tội làm cho anh Bác vật rầu buồn mà sanh bịnh. Em phải hy sinh danh giá và tánh mạng mà cứu ảnh đặng em chuộc tội của em. Em hứa sẽ làm tôi mọi mà nuôi dưỡng cho tới ảnh lành mạnh. Nay ảnh lành mạnh rồi thì thôi, chớ em có hứa kết tóc trăm năm với ảnh đâu.
Hải Đường buông đũa đứng dậy ngó ngay Túy Nga mà nói xẳng xớm rằng:
– Rõ ràng cô làm bộ thương, chớ cô không thương tôi chút nào hết. Tại sao mà cô cứ gạt gẫm tôi hoài vậy cô Ba?
– Xin anh cũng đừng nóng giận. Anh ngồi lại rồi em sẽ nói rõ cho anh nghe.
– Có chuyện gì nữa đâu mà nói. Bình sanh tôi chỉ ao ước có một điều mà thôi: Là kết nghĩa vợ chồng với cô. Hồi nhỏ vì cô giàu sang còn tôi hèn hạ nên không thể phối hiệp đuợc, tôi thất tình mới bỏ qua Pháp mà học. Khi trở về xứ, tôi hay cô bị chồng để, tôi liền xin cưới cô. Cô phụ rẫy tình tôi, làm cho tôi phải bịnh hoạn thiếu chút nữa tuyệt mạng. May nhờ có bạn tôi cho thuốc, lại cũng nhờ có cô nuôi dưỡng giải sầu, nên tôi lành mạnh. Nay sẵn dịp có bà già tôi và có bạn thiết của tôi đây, tôi tỏ lời xin cưới cô nữa. Cô bằng lòng hay là không bằng lòng xin cho tôi biết liền. Cô nói phứt một tiếng mà thôi, chẳng cần phải nói dài.
Túy Nga cúi đầu, rưng rưng nước mắt mà đáp nhỏ nhỏ rằng: „Nếu em liệu làm vợ anh được, thì năm trước anh nói em đã ưng rồi, có đâu phải sầu não đến nỗi sanh bịnh hoạn”.
Hải Đường đỏ mặt, trợn mắt, hỏi nặng lời rằng:
– Té ra bây giờ cô cũng không ưng nữa sao?
– Em đã nói em không thể làm vợ anh được.
– Tại sao vậy?
– Anh không biết hay sao?
– Cô nói cho tôi nghe thử coi. Cô phải nói đi.
– Thân em như đóa hoa tàn, còn phận anh như cái lục bình quí. Hoa tàn mà cặm trên cái lục bình quí thì uổng lục bình, mà cũng thẹn cho hoa quá. Tại vậy mà em không vưng lời anh được, chớ nào phải em làm khó cho anh đâu. Anh thương em, xin anh trọng giùm em, đừng làm cho em hổ với cái tiết của em mới phải.
Hải Đường nghe dứt lời, thì chàng té ngồi trên ghế nước mắt chảy ròng ròng.
Thím biện Yến với Bác sĩ Trị nhìn nhau trong lòng lạnh ngắt. Thím biện Yến thấy con bi lụy, thím chịu không được, nên thím nói rằng: „Tại nó nòng nòng quyết một, nếu cô Ba ái ngại hoài thì sợ nó buồn rầu rồi sanh bịnh lại chớ”.
Bác sĩ Trị cũng tiếp mà nói rằng: „Cô Ba nói nghe phải lắm. Nhưng mà người vương lấy bịnh tình, thì còn kể gì là cao thấp nữa đâu. Vậy tôi khuyên cô Ba nếu cô thương bạn tôi, thì cô ưng phứt đi, đừng kể nỗi đục trong gì hết. Cô đã dám hy sinh danh giá với tánh mạng, sá chi một chút đó mà cô dụ dự”.
Túy Nga đau đớn trong lòng quá, nên cô ấm ức nói rằng: „Liệt nữ vô nhị giá. Nếu em ưng làm vợ anh Bác vật, thì em hổ thẹn với cái tiết của em hoài, rồi sợ em cũng không làm vui cho ảnh được. Em cũng thương anh Bác vật vậy chớ; nếu không thương, thì làm sao mà em lên ở đây. Ngặt vì tiết giá của em đã đục rồi, nếu kiếp nầy phối hiệp cùng nhau, thì tình vợ chồng không được thanh bạch. Em nguyện để kiếp sau em sẽ làm vợ ảnh, đặng cho tình vợ chồng được cao, được sạch. Bây giờ chẳng thiếu chi gái xứng đáng cho ảnh cưới làm vợ: Ông Phan Thế Bửu, dưới Mỹ Tho, có một người em gái giàu có, ảnh cưới thì có sẵn gia tài cho ảnh hưởng trọn đời. Như ảnh sợ người nhiều tiền hay có tánh thô tục, ảnh chê chỗ đó, thì em xin ảnh cưới cô Trường Thoại, là con của ông giáo Lạc ở dưới Vũng Liêm, cô ấy tuy nghèo song có tánh cao thượng, làm vợ ảnh thì xứng đáng lắm. Còn phận em thì em xin kết nghĩa anh em với ảnh thôi, để kiếp sau rồi sẽ làm vợ chồng”.
Hải Đường vùng đứng dậy nói lớn rằng: „Bình sanh vô nhị sắc. Tôi không thèm ai hết. Nếu cô không ưng tôi thì tôi sẽ chịu cô thân trọn đời”.
Túy Nga và khóc và nói: ” Sá chi một đóa hoa tàn!”
Cô than tới đó thì có một cái xe ngựa ngừng ngoài cửa. Thím biện Yến ngó ra rồi nói lớn rằng: „Ủa, có ông Tổng với bà Tổng lên kia!”
Thiệt quả hai vợ chồng ông Bình xuống xe rồi đi thẳng vô nhà. Bốn người trong nhà đều đứng dậy chào mừng.
Ông Bình hỏi ông Bác vật rằng:
– Cháu thiệt mạnh hay chưa? Hơn một tuần nay bác không được thơ của con Túy Nga, bác không biết bịnh cháu có giảm hay không, nên chạy lên đây thăm thử coi.
– Thưa, cháu đã mạnh rồi. Ông Bác sĩ Trị đây là anh em bạn thiết của cháu, mới xem mạch nói bịnh cháu bữa nay thiệt dứt.
Ông Bình với Bác sĩ chào nhau. Ông Bình day lại thấy đồ ăn đầy bàn thì ông nói rằng: „Ủa, mấy bà con ăn đi, ăn cho rồi bữa chớ. Vợ chồng tôi lên tới Châu Đốc vô tiệm ăn cơm rồi mới mướn xe vô đây. Mấy bà con ăn đi”.
Vì việc Hải Đường với Túy Nga cãi lẽ nãy giờ làm cho tiệc vui mà không vui, nên không ai muốn ăn nữa. Thím Biện với Túy Nga dẹp đồ ăn, còn Hải Đường với Bác sĩ Trị thì đi rửa tay uống nước.
Ông Bác sĩ Trị nói với ông Bình rằng:
– Hai bác lên đây thiệt là may lắm. Mới xảy ra một việc khó liệu hết sức. Phải có hai bác thì phân giải mới được.
– Việc gì đó?
– Bạn tôi là Hải Đường mạnh rồi. Bữa nay tôi mua đồ đem vô đây ăn mừng. Nhơn dịp nầy bạn tôi tỏ lời xin cưới cô Ba. Cô Ba không nhậm lời, làm cho bạn tôi thất vọng nữa.
– Tại sao vậy?
– Tôi xin nói tắt như vầy cho hai bác hiểu: Cô Ba không ưng, cô viện lẽ “Liệt nữ vô nhị giá”. Cô nói cô thương anh Bác vật lắm, ngặt vì cô đã có một đời chồng rồi, nếu cô làm vợ anh Bác vật thì cô hổ với tiết của cô. Cô chỉ chỗ nầy chỗ nọ, cô xin anh Bác vật cưới thế cho cô, để kiếp sau rồi cô sẽ làm vợ ảnh, cho tình vợ chồng được trong sạch. Anh Bác vật nói: „Bình sanh vô nhị sắc”, ảnh không thèm ai hết. Nếu cô Ba không ưng ảnh thì ảnh nguyện sẽ chịu cô thân suốt đời. Thím tôi đây với tôi không biết xử sao được. Vậy xin hai bác phân xử giùm.
Ông Bình ngồi suy nghĩ một chút rồi nói rằng: „Hai trẻ đều có tình nặng với nhau. Mà bên gái trọng tiết hơn tình, ấy là phải lắm. Còn bên trai thì trọng tình hơn tiết, ấy cũng không quấy. Tuy vậy mà thầy khuyên con Túy Nga đừng cố chấp thái quá như vậy. Đã biết làm thân nhi nữ phải trọng tiết trinh, nhưng mà cái tiết của đàn bà là cái phẩm hạnh vô hình, chớ không phải thứ vật chất như con thấy đó. Nếu con có chồng, mà con còn lưu ý với người khác dầu con không ăn nằm với người tình của con đó đi nữa, con cũng mang tội thất tiết với chồng. Nay con có chồng, mà chồng con đã để[3] con rồi, đạo cang thường đã dứt, bây giờ con lấy chồng khác, thì đối với chồng sau con có thất tiết chỗ nào đâu. Mà dầu con cho có một đời chồng ấy là thất tiết, thì sự thật thất tiết của con đó lỗi tại nơi thầy, bởi vậy từ ngày thầy hay Bác vật vì nặng tình với con mà mang bịnh thì thầy ăn năn hết sức. Vậy thầy khuyên con đừng ái ngại nữa mà buồn cho ông Bác vật và cũng buồn cho thầy”.
Bà Bình tiếp nói rằng: „Hồi ông Bác vật mới thi đậu Tú tài thì ý tôi đã muốn gã nó cho ổng. Tại căn duyên của nó phải trắc trở, nên trời khiến phải tan rồi mới hiệp được. Thôi thì phải chịu như vậy, chớ cãi trời sao được”.
Hải Đường thấy vợ chồng ông Bình đều xuôi thuận thì mừng, nên nói với Tuý Nga rằng:
– Cô Ba, cô nghe ông bà nói đó hôn? Dầu cô không vị tình tôi, thì cô cũng phải vị tình của ông bà một chút. Xin cô đừng ái ngại nữa. Cô nỡ cố chấp tiểu tiết, mà để cho hỏng cái đời của tôi hay sao?
– Dầu thế nào em cũng chẳng quên thân em là đóa hoa tàn.
– Hoa tàn mà tôi coi quý hơn hoa mới nở.
Túy Nga ngước lên thấy Hải Đường ngó mình rất hữu tình, thì cô động lòng, không còn lời mà cãi nữa được, nên cô thở dài mà than rằng: „Tạo hoá sanh loài người, lại bày cho cái ái tình làm chi, mà phải nặng nề như vậy!”
Hải Đường hiểu ý cô đã thuận rồi, nên chàng bước lại nắm tay cô và cười và nói rằng: „Cám ơn cô Ba tưới nước cái cây khô nầy được tươi lại. Tôi nguyện tôi cũng sẽ săn sóc cho đóa hoa tàn tươi lại một lần nữa”.
Ai nấy thẩy đều vui mừng.
Ông Bác sĩ Trị rước hết ra Châu Đốc ở chơi, tới bữa sau vợ chồng ông Bình với Túy Nga dắt trở về Mê Phốp.
Hải Đường vô làm việc lại, xin đổi về Sài Gòn rồi chọn ngày lễ cưới Túy Nga.
Vĩnh Hội 1936
[1] (tennis), quần vợt
[2] bàn đạp,cơ sở
[3] bỏ, ly dị
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.