Ðoạn tình
Chương 1
Hẳng luận người Việt Nam, người Pháp hay người Tàu, ai có xe hơi thảy đều biết hãng “Thuần Hòa” ở Sài Gòn, tại đường Phan Thanh Giản. Hãng ấy choán trọn một dãy phố 5 căn: căn đầu thì bán vỏ ruột cùng các đồ phụ tùng xe hơi; căn kế đó thì chia phòng cho ông Chủ hãng với mấy thầy cô làm việc giấy; còn ba căn chót thì chứa mười mấy cái xe hơi mới tinh để bán, lớn có nhỏ có, thứ nào cũng đẹp.
Ở phía sau lại còn có một cái xưởng rộng lớn, trong ấy có đủ máy để sơn xe và tiện hoặc đúc các đồ phụ tùng theo máy móc xe hơi.
Thầy thợ trong hãng đông đầy, mà khách tới mua đồ, coi xe hoặc sửa xe cũng nườm nượp, trước hãng thường có đôi ba chiếc xe hơi đậu luôn luôn.
Một buổi chiều, Thuần là chủ hãng, mình mặc áo sơ mi cụt tay, đi qua đi lại một mình trong phòng làm việc, bộ như suy nghĩ một việc gì quan hệ lắm vậy. Thuần mới 28 tuổi, lại nhờ hồi nhỏ có tập luyện thể thao nhiều, nên vai ngực nở nang, tay chân cứng cỏi, tướng mạo coi rất mạnh mẽ. Thuần không ưa nói nhiều, song ưa suy nghĩ. Gương mặt nghiệm nghị mà ôn Hòa vui vẻ, làm cho ai ngó thấy cũng biết liền là người chân chất mà quyết đoán. Chuông điện thoại reo reng reng. Thuần bước lại đứng dựa bàn viết, một tay thọc vào túi quần tây, một tay nắm ống dây thép nói kề vào tai mà nghe rồi nói: “A lô!… Phải, đây là hãng Thuần Hòa… Phải tôi…. Còn tôi được hân hạnh mà nghe ai nói đó?.. À! Tôi kính chào ngài… À… được, được lắm… Ngài nói chỗ nào?… Ðường Quản Hạt số 1, chỗ Gò Ðôi? Tôi biết, tôi biết, đường đi Tây Ninh, khỏi ngã ba Bà Ðiểm một chút đó mà… Ðược, tôi sẽ biểu đi liền, xin ngài an tâm… Chào ngài”.
Thuần gác ống nói rồi bước ra ngoài cửa phòng kêu thầy hai Tịnh, là người trộng tuổi, làm Quản lý trong hãng, mà nói:
– Thầy Hai, ông Ðốc tờ[1] Huỳnh kêu dây nói cho tôi hay rằng xe của ông chết máy nằm trên đường đi Tây Ninh, tại chỗ Gò Ðôi, và ông cậy hãng cho xe lên kéo về mà sửa cho ông. Thầy làm ơn biểu dưới xưởng cho một cái xe đi liền kẻo tối.
Ông Hội đồng Bính ở Gò công, lúc ấy ông đương bước xuống xe hơi mà vô hãng. Thuần quen biết nhiều, nên lật đật đi ra cửa tiếp đón.
– Ông mới lên? Xưa rày lâu gặp ông dữ…
– Tôi lên hồi trưa. Mấy tháng nay không có việc chi nên tôi không có đi Sài Gòn.
– Ông mua xe hơi mới mà đi, xe của ông cũ rồi, đi coi xưa quá.
– Thôi, bề nào cũng tiếng “có xe hơi”, mới cũng cũng vậy; xe mới nhiều tiền lắm.
– Ông đổi thì tôi tính giá nhẹ cho.
– Không. Cái xe của tôi hên lắm. Tôi đem lên tính cậy hãng sơn lại cho mới mà thôi.
– Ðược. Xe ông để cũ quá. Phải sơn cho thường kẻo thùng bị sét rồi mục hết.
– Xe tôi nước sơn còn tốt lắm mà. Tôi giữ kỹ lắm, hễ đi về thì tôi biểu rửa chùi lau sạch sẽ rồi bỏ mùng xuống bao trùm hết, bụi cát không đóng được, bởi vậy 4 năm nay tôi không sơn mà vẫn còn tốt. Sơn xe của tôi đó giá bao nhiêu?
– Ông muốn sơn cọ hay là sơn máy?
– Sơn cọ là sơn cách nào?
– Sơn tay… Sơn máy tốt hơn.
– Vậy thì sơn máy.
– Sơn máy thì mắc hơn.
– Bao nhiêu?
– Ông đừng lo giá cả mà. Hãng tôi không bao giờ tính mắc đâu. Xin ông bước lại đây rồi thầy hai tính giá cho.
Thuần dắt ông hội đồng Bính lại giao cho thầy hai Tịnh rồi đi vô phòng. Thấy có hai phong thơ để trên bàn viết, Thuần liền ngồi xé bao thơ mở thơ ra mà đọc. Bức thơ đầu là thơ của ông Võ Ðại Ðộ, điền chủ Ô Môn, hỏi muốn đổi xe cũ lấy xe mới và hỏi phải bù cho hãng bao nhiêu. Còn bức thơ sau là thơ của thầy năm Thiện, ở dưới coi ruộng cho Thuần dưới Cái Bè gởi cho hay ruộng nước lớn quá, đã ngập lúa hai ngày rồi, sợ mùa nầy thất nhiều và hỏi có nên ra lúa cho tá điền mượn ăn nữa hay là phải ngừng lại.
Thuần ngồi chống tay nơi trán mà suy nghĩ một hồi lâu rồi bước ra ngoài đưa hai bức thơ cho thầy hai Tịnh và dạy trả lời liền với ông Võ Ðại Ðộ, xin ông đem xe cũ của ông lên cho hãng xem rồi mới định giá cả được; còn với thầy năm Thiện thì biểu thầy cứ phát lúa cho tá điền mượn ăn như thường, nếu mùa nầy rủi thất, họ không trả được, thì để cho họ thiếu đó, chớ nếu bặt[2] lúa ăn, thì tá điền tản lạc hết, rồi mùa tới còn ai mày cày cấy. Thuần dặn viết não và biểu đánh máy ký tên gởi trong buổi chiều ấy, rồi Thuần đi xuống xưởng mà xem xét công việc của thợ làm.
Mặt trời gần lặn, Thuần trở lên phòng làm việc. Cô Như, là người đánh máy trong hãng, đánh hai bức thơ trả lời vừa xong, nên cầm vào cho Thuần ký tên. Thuần đọc mỗi bức thơ, ký tên rồi trao lại cho cô Như, tuy cô mới 21 tuổi, gương mặt sáng rỡ, mắt hữu tình, miệng hữu duyên nhưng mà Thuần không ngó cô và cũng không một tiếng chi cho vui lòng cô đứng chờ đợi.
Cô Như bước ra thì thầy hai Tịnh liền vào nói:
– Chín Sung sửa xe của ông huyện Hội mới rồi nó đem ra chạy thử máy rủi cán một thiếm xẩm trên đường Hai mươi. Bầy trẻ mới về nói cán nặng lắm.
Thuần đứng dậy nói:
– Chín Sung kỹ lưỡng lắm mà; tại sao chạy xe lại cán người ta kìa?
– Gặp rủi ro, biết làm sao được.
– Ðể tôi lên đó tôi coi thử coi. Cán trên đường Hai mươi mà lối nào?
– Bầy trẻ nói ngang xóm lao động.
– Tôi đi… Nếu trễ thì tôi về luôn trong nhà.
Thuần lấy áo bận, lại đứng ngay cái gương mà chải tóc sửa cravate[3] rồi ra đường leo lên cái xe riêng của mình cầm bánh mà chạy qua đường Verdun, đặng lên đường hai mươi. Lên tới xóm lao động, không thấy gì hết. Thuần bèn ngừng xe ngang một cái quán mà hỏi thăm. mấy người ở đó chỉ chỗ xe cán cho Thuần coi, nói lỗi tại thiếm xẩm[4] chớ không phải tại sớp-phơ bởi vì thiếm gánh nước đi một bên đường thì phải lắm chừng xe hơi tới gần, thiếm vụt băng ngang qua lộ, sớp-phơ không thể tránh hay là ngừng kịp, tự nhiên phải đụng thiếm. Họ lại nói xe hơi chở thiếm xẩm với chồng thiếm vào nhà thương Chợ Rẫy rồi.
Họ còn nghị luận về sự xe hơi cán. Có người nói: “Hễ nghe có tai nạn xe hơi thì ai cũng định lỗi tại xe, bởi vì xe chạy mau nên mới cán người ta. Song tôi thường thấy nhiều người đi đường họ kỳ lắm: có người họ đi giữa lộ, chớ không chịu đi một bên, có người họ muốn đâm ngang qua lộ thì họ đâm đại không thèm ngó trước ngó sau. Còn có bọn đi ba bốn người, họ đi dăng ngang bít đường hết, xe kéo la, hoặc xe máy reo chuông, họ không thèm tránh. Ði đường như vậy không bị đụng, không bị cán sao được. Tôi tưởng ở Sài Gòn nầy nhà nước nên ra lịnh cho mấy thầy đội gác đường phải gia công mà dạy cách đi bộ mới được hay là nhà nước lập luật định cách đi bộ ai đi sái luật thì phạt cho họ thật nặng, thời may mới bớt tai nạn về xe dụng xe cán”. Thuần nghe những lời ấy thì chúm chím cười. Vì phải đi riết vô nhà thương mà thăm bịnh tình thiếm xẩm thế nào, nên Thuần xin mấy người trong quán nếu cò bót có đòi, thì làm chứng giùm cho công bình, rồi leo lên xe đi Chợ Lớn.
Vô nhà thương gặp chín Sung hỏi lại, thì chín Sung cũng thuật việc rủi ro y như lời của mấy người trong quán ngang xóm lao động nói hồi nãy.
Ðốc tờ khám bịnh thiếm xẩm rồi nói thiếm gẫy hết một cái xương ống chân trái, có lẽ phải nằm nhà thương một tháng mới mạnh.
Thuần liền đóng tiền nhà thương một tháng cho thiếm xẩm, lại đưa 10 đồng bạc cho chú khách chồng thiếm xẩm, mà nói:
– Nị lấy tiền đây đặng đi xe ra vô thăm vợ. Ðể mai sớp-phơ lên nhà nị tính toán, đừng có đi thưa cò bót thất công.
Không biết chú khách nầy vì nghĩ xe đụng lỗi tại vợ chú, hay là vì thấy 2 tấm giấy bạc 5 đồng mà choá mắt, mà chú lấy bạc rồi chú cười ngỏn ngoẻn nói:
– Ồ! Ðược mà, hông có sao… Thưa cò bót làm chi.
Chín Sung nói:
– Hồi đụng rồi đó có thầy Ðội lại biên số xe, biên tên họ của tôi, thầy biết tôi làm trong hãng Thuần Hòa, nên không bắt tôi, biểu tôi chở thiếm xẩm vô nhà thương mà thôi.
Thuần gật đầu biểu chín Sung đem xe về hãng. Thuần lên xe riêng mà chạy thẳng về nhà.
Hồi chiều hay tin lúa bị ngập, bây giờ lại thêm vụ xe cán thiếm xẩm nữa. Trong một buổi chiều mà xảy ra tới hai việc hại, thế thì vui làm sao được, bởi vậy Thuần cầm tay bánh cho xe chạy mà trí lơ lửng không an.
[1] bác sĩ
[2] dứt, hết
[3] cà vạt
[4] phụ nữ người Tàu
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.