Đời Thay Đổi Khi Chúng Ta Thay Đổi

Chương 2 – A



Hạnh phúc

“Con người hạnh phúc ở mức mà họ nghĩ là họ đạt được”. Chính Abraham Lincoln đã nói vậy. Không phải những gì sẽ xảy đến cho cuộc sống của chúng ta quyết định hạnh phúc của ta mà là cách chúng ta phản ứng với chúng.

Fred, vừa mới bị mất việc, có thể nghĩ là bây giờ anh ta sẽ có cơ hội để có kinh nghiệm mới, khám phá những khả năng mới và thực hành sự độc lập trong công việc. Anh trai của anh ta, Bill, trong hoàn cảnh tương tự lại quyết định nhảy lầu và kết thúc mọi chuyện. Cùng một chuyện mà người thì hoan hỉ, người thì đi tự tử. Một người cho đó là tai họa còn người kia nghĩ là cơ hội.

Có thể tôi đã đơn giản hóa sự việc một chút nhưng thật sự là chúng ta có quyền chọn lựa phản ứng của mình trong cuộc sống. (Và nếu chúng ta mất đi sự kiểm soát thì đó cũng là một quyểt định của chúng ta mà thôi. Chúng ta có thể nghĩ “Mọi việc đã trở nên hơi khó khăn đối với tôi. Tôi cho là mình sẽ mất phương hướng một chút!”)

Mặc dù vậy, không phải muốn là được hạnh phúc. Nó là một trong những thử thách lớn nhất mà chúng ta phải đối đầu, đồng thời phải kiên định, có kỷ luật và quyết tâm theo đuổi. Trưởng thành là chịu trách nhiệm về hạnh phúc của chính mình và hài lòng với những gì mình có hơn là những cái mình không có.

Rõ ràng chúng ta kiểm soát được hạnh phúc của mình vì chúng ta quyết định suy nghĩ của mình, Không ai khác suy nghĩ giúp chúng ta. Để hạnh phúc thì phải có những ý nghĩ hạnh phúc. Vậy mà chúng ta lại làm ngược lại. Chúng ta quên đi lời khen rất nhanh và lại nhớ những lời nói không dễ thương rất lâu. Nếu bạn cứ để cho những lời nhận xét tồi tệ và những chuyện không hay đeo bám tâm trí mình thì chính bạn sẽ phải gánh chịu tác hại của nó. Hãy luôn nhớ là bạn kiểm soát được trí óc của bạn.

Hầu hết mọi người nhớ những lời khen được vài phút còn những lời sỉ vả thì nhớ đến hàng năm trời, Họ trở thành người thu nhặt rác rưởi, ôm khư khư thứ rác đã quăng cho họ cách đó cả 20 năm. Mary có thể nói “Tôi còn nhớ là anh ta nói là tôi mập và ngu ngốc vào năm 1963!” Còn những lời khen chỉ mới nhận được hôm qua có lẽ Mary đã quên trong khi lại nhớ thứ rác của năm 1963.

Tôi còn nhớ một lần lúc 20 tuổi, tôi thức dậy vào một buổi sáng và quyết định là không thể sầu khổ nữa. Tôi tự nhủ, “nếu mình có thể trở thành người thật sự hạnh phúc một ngày nào đó, vậy tại sao không bắt đầu ngay bây giờ?” Ngày hôm đó tôi nhất định là mình sẽ hạnh phúc hơn bao giờ hết. Tôi sửng sốt. Đúng vậy thật!

Rồi tôi bắt đầu hỏi những người hạnh phúc khác là tại sao họ hạnh phúc như vậy. Câu trả lời của họ phản ánh chính xác kinh nghiệm của tôi. Họ nói “Tôi thấy đủ khổ, đủ cô đơn và bệnh hoạn rồi, tôi đã quyết định thay đổi mọi thứ”.

Đúc kết

Có thể có lúc giữ cho mình vui vẻ là rất khó. Giống như trong một căn nhà, bạn phải giữ lấy cái kho báu và quẳng những thứ rác rưởi đi. Muốn vậy phải luôn tìm kiếm cái tốt đẹp. Một người nhìn thấy cảnh đẹp còn người khác thì thấy cái cửa sổ dơ bẩn. Bạn chọn lựa cái để nhìn và cái để nghĩ.

Kazantzakis nói: “Bạn có cọ và màu sơn. Bạn vẽ lấy thiên đường của mình và bước vào”.

Sự hoàn hảo và hạnh phúc

Nếu bạn bất hạnh, đó là vì cuộc đời không như chúng ta muốn. Cuộc sồng không đáp ứng mong đợi của chúng ta vì nó không “được” như ta mong và vì vậy chúng ta chán nản.

Vậy là ta nói “Tôi sẽ hạnh phúc nếu…..”Ồ, cuộc đời không bao giờ hoàn hảo. Cuộc sống là vui và buồn, là được và mất. Vì thế chừng nào chúng ta còn nói “Tôi sẽ hạnh phúc khi…”, thì chúng ta đang lừa dối chính mình.

Hạnh phúc là một quyết định, Nhiều người sống cuộc sống như thể ngày nào đó họ sẽ đến đích “hạnh phúc” giống như chúng ta đến bến xe. Họ cho rằng ngày nào đó, mọi cái sẽ ổn và họ sẽ hít sâu vào và thở phào mà nói “Vậy là cuối cùng tôi đã được….hạnh phúc”. Cuộc đời họ là một câu chuyện “Tôi sẽ hạnh phúc khi….”

Mỗi người trong chúng ta đều phải tự quyết định. Chúng ta có sẵn sàng tự nhắc mình hằng ngày rằng chúng ta chỉ có chừng đó thời gian để tận hưởng tất cả những gì chúng ta có hay chúng ta cứ bỏ quên hiện tại mà trông chờ vào một tương lai tốt đẹp hơn?

Sau đây là một đoạn văn do một người 85 tuổi viết khi ông ta biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Hãy xem ý nghĩa liên quan của nó.

“Nếu tôi được sống một lần nữa, tôi sẽ phạm nhiều sai lầm hơn, sẽ ngu ngốc hơn.

Thật sự, tôi sẽ xem nhẹ hơn vài điểu. Tôi sẽ điên rồ hơn và ít ngăn nắp hơn.

“Tôi sẽ đi nhiều hơn, leo núi nhiều hơn, bơi và đi thăm nhiều nơi hơn. Tôi sẽ ăn nhiều kem hơn và ít đậu hơn.

“Tôi sẽ chiêm nghiệm nhiều cái rắc rối thực tế hơn chứ không phải chỉ tưởng tượng!.”

“Bạn thấy đấy. Tôi là người sống quá nhạy cảm, quá lành mạnh và sạch sẽ ngày này qua ngày khác. Không, tôi cũng có những phút hay ho và nếu sống nữa, tôi sẽ thưởng thức chúng nhiều hơn.”

“Tôi là người không chịu đi đâu mà không có một nhiệt kế, một chai nước nóng, áo mưa và dù. Nếu làm lại thì tôi sẽ không cần nhiều thứ đến thế.

“Nếu tôi được làm tất cả một lần nữa, tôi sẽ bắt đầu ra khỏi giường sớm hơn vào mùa đông và thức khuya hơn vào mùa thu. Tôi sẽ vui chơi nhiều hơn, ngắm mặt trời mọc, và chơi với trẻ con nhiều hơn, nếu tôi có thể sống lại cuộc đời tôi một lần nữa.”

“Nhưng các bạn thấy đấy, tôi không thể”

Thông điệp này không phải là một nhắc nhở tuyệt vời hay sao? Chúng ta chỉ có mặt trên hành tinh này trong một chừng mực thời gian. Hãy tận dụng thời gian này. Người già nhận ra là họ không cần phải thay đổi cả thế giới mới có thể sống hạnh phúc và tận hưởng cuộc đời nhiều hơn. Thế giới tốt đẹp rồi. Họ chỉ phải thay đổi bản thân mình thôi.

Thế giới không “hoàn hảo”. Mức độ hạnh phúc của chúng ta là khoảng cách giữa mọi việc vỗn dĩ với quy luật của nó và cái cách mà chúng ta muốn xảy ra. Nếu chúng ta không yêu cầu là mọi việc phải hoàn hảo nữa, việc sống hạnh phúc trở nên thật đơn giản. Chúng ta chọn cái tốt hơn nhưng nếu không được, chúng ta vẫn hạnh phúc.

Một giáo sĩ Ấn Độ nói với một thư sinh đang tuyệt vọng tìm kiếm hạnh phúc: “Ta cho con biết bí mật này. Nếu con muốn hạnh phúc thì hãy hạnh phúc!”

Đối đầu với sự chán nản

Ai trong chúng ta cũng từng trải qua những lúc khó khăn khôn cùng trong cuộc sống – cô đơn, nợ nần, mất việc, mất người yêu. Vào những thời điểm đó, chúng ta sẽ tự hỏi làm sao có thể vượt qua được. Thế nhưng chúng ta vẫn đã vượt qua.

Có thể chúng ta mất đi viễn cảnh tốt đẹp về tương lai, và thường vẽ nó lên tối tăm hơn thực tế. Chúng ta sẽ trông vào một tương lai có ít vấn đề và không hiểu sao con người lại có thể vượt qua những gì mà họ đang đối mặt.

Một người chỉ thực hiện cuộc hành trình một ngày thì tại sao phải dự trữ cho cả cuộc đời. Thật không có gì lạ là nhiều người cứ lo cho cả hai mươi năm tới và thắc mắc tại sao cuộc sống lại quá khó khăn đến như vậy. Một ngày chúng ta sống 24 giờ, không hơn. Hôm nay lại lo cho những rắc rối của ngày mai phỏng có ích gì.

Lần tới nếu bạn chán nản, hãy tự hỏi mình những câu hỏi như thế này:

Tôi có đủ không khí để thở không? Có đủ thức ăn để ăn không? (Nếu câu trả lời là “Có” thì xem như tình hình đã sáng sủa rồi!)

Chúng ta thường không thấy là những nhu cầu quan trọng nhất của chúng ta đã được đáp ứng rồi. Tôi thích câu chuyện về người đàn ông gọi điện cho tiến sĩ Robert Schuller. Cuộc đối thoại như sau:

Người đàn ông nói: “Thế là hết! Tôi xong đời rồi. Tất cả tiền đã hết. Tôi đã mất tất cả”.

Tiến sĩ Schuller hỏi: “Anh vẫn còn nhìn thấy chứ?”

Người đàn ông trả lời: “Vâng, tôi vẫn còn sáng mắt”

Schuller hỏi: “Anh còn đi được không?”

Người đàn ông trả lời: ” Vâng, tôi vẫn còn đi được”

Schuller nói: “Dĩ nhiên anh còn nghe được, nếu không anh đã không gọi điện cho tôi”.

“Vâng, tôi vẫn còn nghe được”.

“Vậy thì” Schuller nói. “Tôi cho là cái gì anh cũng còn. Chỉ có tiền là mất!”

Một điều khác mà chúng ta nên tự nhắc mình là: “Điều tồi tệ nhất xảy ra sẽ rất khó chịu, nhưng không có nghĩa là đã đến ngày tận thế”.

Câu hỏi tiếp theo là: “Tôi có quan trọng hóa vấn đề quá không?” Bạn có thấy là bạn mất ngủ cả tuần chỉ vì điều mà người khác sẽ không thèm nghĩ đến? Thường là do chúng ta quá nghiêm khắc với chính mình. Chúng ta cứ nghĩ là cả thế giới đang nhìn mình. Điều đó không đúng. Nếu họ nhìn thì sao nào? Chúng ta sẽ sống theo cách tốt nhất mà mình có thể.

Một câu hỏi nữa: “Tôi học được cái gì từ tình huống này?” Bằng sự nhận thức muộn màng, nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể học được gì trong những giai đoạn khó khăn? Cái khó nhất là giữ được quân bình và biết là chúng ta đang chịu đựng và tại sao lại chịu đựng. Những người hạnh phúc nhất có xu hướng xem những lúc khó khăn là những lúc học hỏi kinh nghiệm quý giá. Họ gắng vui vẻ, mỉm cười. Họ biết rằng mọi việc sẽ tốt hơn và họ sẽ trở thành người tốt hơn từ những thử nghiệm đó. Cái này nói thì dễ nhưng làm khó hơn nhiều!

Thêm một câu hỏi: Nếu mọi cái tồi tệ thật thì 5 phút tới mình còn ổn không? Khi đã qua được 5 phút đó, bạn nhắm đến 5 phút tiếp theo. Chia ra từng phần nhỏ, sẽ dễ xử trí hơn. Ngoài ra nên làm cho mình bận rộn. làm việc gì đó trong 5 phút ấy. Lúc bận rộn bạn thấy dễ chịu hơn nhiều.

Còn làm gì nữa nhỉ?

Có lẽ cách tốt nhất để cảm thấy dễ chịu là làm cái gì cho ai đó. Lo lắng thái quá hay thương hại mình sẽ trở thành nỗi ám ảnh. Ngay lúc bạn bắt đầu làm cho người khác hạnh phúc thì cũng là lúc bạn cảm thấy yêu đởi hơn. Thật đơn giản, dễ dàng và tuyệt vời.

Đúc kết

Tai họa sẽ không lớn nếu chúng ta xử lý chúng từng bước một. Và chừng nào mà chúng ta thấy mình học được điều gì đó từ hoàn cảnh thì chúng ta càng dễ khắc phục nó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.