Đồng Hành Cùng Vĩ Nhân
6 ABRAHAM
Chúa luôn làm điều đúng đắn
Người đàn ông đang ra khỏi đám đông khiến tôi nhớ đến Noah, mặc dù ông không hẳn là già. Bộ đồ ông mặc gần giống với Noah, nhưng hóa ra ông rất khá giả. Thậm chí trước khi chúng ta quan sát ông nhiều hơn, ông đã nhanh chóng đến chạy cùng chúng ta và lập tức nói: “Tên tôi là Abraham.”
Tôi khó có thể kìm nén lòng mình. Ngay cạnh chúng ta đây là người đàn ông mà dân Hebrews gọi là cha của họ. Đất nước ấy là Israel và việc thực hiện kế hoạch của Chúa thực sự bắt đầu từ Abraham và gia đình ông. Abraham là một người bạn của Chúa.
Tôi tự hỏi người đàn ông vĩ đại này sẽ nói gì với bạn và tôi. Chúng tôi chỉ vừa bắt đầu chạy thì Abraham nói với một sự quả quyết: “Chúa luôn làm điều đúng đắn.”
HỌC CÁCH TIN VÀO CON NGƯỜI CHÚA
Không ngần ngại, Abraham bắt đầu dạy chúng ta về Chúa và tính trung thực của Ngài. Ông giải thích:
Chúa luôn làm điều đúng đắn, dù việc đó mất một thời gian dài
Khi thời gian trôi đi từ lúc Chúa hứa một điều gì đó cho đến khi Ngài thực hiện nó, chúng ta thường cư xử như những đứa trẻ không thể đợi đến Giáng Sinh. Chúng ta không thích chờ đợi, và chúng ta sợ mình bị lãng quên. Thật dễ dàng thấy tại sao Abraham (có tên là Abram trước khi Chúa thay đổi) trở nên thiếu kiên nhẫn. Khi Chúa cử ông ra khỏi thành Ur của người Chaldeans, Ngài hứa với ông rằng ông sẽ sở hữu vùng đất Canaan và sẽ có nhiều con cháu, và con cháu ông sẽ xây dựng nên một quốc gia vĩ đại. Việc thực hiện lời hứa sẽ mang đến cho ông niềm vui lớn lao. Nhưng sau 10 năm, Chúa vẫn không thực hiện lời hứa của Ngài. Hãy xem thập kỷ đó mang đến những gì cho Abraham:
-
Ông rời bỏ gia đình và quê hương
-
Chúa hứa ban phước cho ông và con cháu ông
-
Abraham trải qua một nạn đói
-
Ông sợ Pharaoh và nói dối Ngài
-
Ông trải qua mâu thuẫn gia đình, ông và Lot chịu biệt ly
-
Khi Lot bị bắt cóc, ông đuổi theo kẻ bắt cóc và chiến đấu để cứu Lot
-
Ông vẫn không có con trai.
Sau 10 năm và trải qua nhiều thử thách, Abraham muốn biết giao ước với Chúa có còn không. Kinh Thánh viết rằng:
Sau các việc đó, lời của CHÚA đã đến với Abram trong một khải tượng: “Hỡi Abram, đừng sợ. Ta là thuẫn che chở ngươi. Phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.” Ngài dẫn ông ra bên ngoài và phán: “Ngươi hãy nhìn lên trời và đếm các vì sao, liệu ngươi có thể đếm hết chăng?” Đoạn Ngài phán với ông: “Dòng dõi ngươi rồi cũng sẽ đông như vậy.” Ông tin CHÚA, bởi thế ông được Ngài xem là công chính. (Sáng Thế Ký 15:1, 5-6)
Ngay cả sau khi được Chúa trấn an, Abraham vẫn không biết Chúa muốn đi tới đâu. Trong phút chốc, ông và Sarah cố giải quyết vấn đề với người thị nữ của Sarah. Nhưng cách của Chúa – và ý niệm của Ngài về thời gian – không giống như chúng ta. Mặc dù với chúng ta, nó có vẻ lâu nhưng Chúa luôn làm điều đúng đắn, và Ngài luôn đi đến cùng. Abraham muốn chúng ta ghi nhớ điều đó.
Chúa luôn làm điều đúng đắn, ngay cả khi những gì Ngài nói có vẻ vô lý
Một đấng nói, “Khoảng một năm nữa, Ta sẽ trở lại đây thăm ngươi, khi ấy Sarah vợ ngươi sẽ có một con trai.” Bấy giờ Sarah đang ngồi nơi cửa lều ở phía sau và nghe thoáng được điều đó. Sarah cười thầm và tự nhủ, “Mình đã già rồi, chồng mình cũng đã già rồi, lẽ nào mình còn có niềm vui làm mẹ được sao?” (Sáng Thế Ký 18:10, 12). Mặc dù bà sớm chối rằng bà đã cười lớn, nhưng bà có lý do chính đáng để cười: Bà đã 89 tuổi rồi! Bạn có thể tưởng tượng sẽ như thế nào khi giải thích với bạn bè chuyện bà có thai! Và tại sao Chúa lại đợi quá lâu để thực hiện lời hứa?
Câu trả lời là Chúa muốn Abraham hoàn toàn tin tưởng vào mình. Và điều đó chỉ có được qua những khảo nghiệm. Chúa đã thực hiện lời hứa của mình. Vào năm sau đó, Sarah đã sinh Isaac – mặc dù điều đó dường như không thể. Tâm trí chúng ta không thể nhận thức được tất cả những gì Chúa có thể làm. Những gì Chúa nói với Abraham là một lời kết luận hay nhất về khả năng của Ngài: “Có gì quá khó cho CHÚA chăng?” (Sáng Thế Ký 18:14).
Chúa luôn làm điều đúng đắn cho dù chúng ta nghi ngờ Ngài
Abraham hỏi chúng ta: “Bạn đã từng nghi ngờ Chúa chưa? Bạn đã từng tự hỏi về con người của Ngài?” Trước khi chúng ta có thể trả lời, ông tiếp tục: “Tôi đã từng. Khi Chúa bảo tôi rằng Ngài sẽ phá hủy thành Sodom, gia đình cháu trai Lot của tôi, tôi đã lo lắng. Làm sao Ngài có thể làm như vậy! Tôi đã tự hỏi như vậy?
Abraham tiếp tục thuật lại ông đã nói thế nào với Chúa về chuyện Sodom. Ông mạnh dạn hỏi Chúa: “Chẳng lẽ Ngài sẽ diệt sạch cả người ngay lành luôn với kẻ gian ác sao?” (Sáng Thế Ký 18:23). Sau đó ông bắt đầu thương lượng, xin Chúa giữ lại thành vì 50 người lành, rồi 45, 40, 30, 20 cho đến 10 người lành. Ông không bỏ qua.
Nhưng Chúa là người công bình và đúng đắn. Ngài ca ngợi lời thỉnh cầu của Abraham; Ngài đã cứu mạng một số người lành sống trong thành Sodom, và Ngài phá hủy kinh thành đã bị hư hoại này. Cuối cùng, Abraham đã tự trả lời khi ông quan sát: “Ðấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” Chúa là một thẩm phán công bình. Cũng như Ngài cứu những người vô tội trong thành Sodom, Ngài sẽ chăm sóc bạn và tôi.
Chúa luôn làm điều đúng đắn, ngay cả khi chúng ta không hiểu
Thử thách lớn nhất về đức tin của Abraham là khi Chúa yêu cầu ông hy sinh đứa con trai yêu dấu, Isaac. Tại sao Chúa muốn Abraham giết chết đứa con trai đầy hứa hẹn của mình? Điều đó thật vô nghĩa; nó dường như đi lại lời hứa của Chúa rằng sẽ khiến cho con cháu của Abraham trở thành một quốc gia vĩ đại.
Lúc này Abraham đã không nghi ngờ gì nữa. Ông chỉ thức dậy vào hôm sau để làm những gì được yêu cầu. Sau nhiều năm thỉnh cầu, thương lượng và làm theo chỉ đạo của Chúa, Abraham cuối cùng đã cố gắng tuân phục. Ông đã học bí mật của việc đi cùng Chúa: Tin tưởng và tuân theo. Chúa đã trung thành với mọi lời Ngài đã hứa, bởi thế Abraham tin vào con người Ngài. Cuối cùng ông hiểu rằng chúng ta đừng cố gắng hiểu Chúa cho đến chừng nào bắt đầu tuân phục Ngài.
LỜI KHÍCH LỆ TỪ ABRAHAM
Abraham nói về Chúa với một sự tự tin, thoải mái, giống với cách một người tóc hoa râm vừa kết hôn được 60 hay 70 năm nói về người bạn đời của mình. Họ đã cùng trải qua những lúc thăng trầm. Họ đã đối mặt với cả bi kịch và những thử thách. Họ biết và tin tưởng vào nhau. Một ngày nào đó, chúng ta hy vọng sẽ được như ông.
Chúng ta đang đến rất gần vạch kết thúc của chặng đua với Abraham, và trong những giây phút cuối, ông chia sẻ hai chân lý quan trọng với chúng ta:
-
“Sự hoàn hảo không phải là một điều kiện tiên quyết đối với Chúa để bắt đầu công việc của Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Tôi đã nghi ngờ khi Chúa kêu gọi tôi rời nhà và đi đến vùng đất Ngài sẽ cho các con cháu của tôi. Tôi lập tức đi, nhưng tôi nhủ thầm Ngài có tìm đúng người không? Chúa có thể làm gì với một người như mình? Ngay cả sau khi tôi tuân theo lời kêu gọi của Chúa, tôi vẫn mắc nhiều sai lầm. Bạn cũng không hoàn hảo, nhưng điều đó không quan trọng. Đây mới là vấn đề: khi bạn đi cùng Chúa, con người của bạn sẽ trở nên giống với Chúa.”
-
“Không bao giờ có thể có được phước lành của Chúa. Tôi đã không làm gì để xứng đáng với lời kêu gọi của Chúa trong cuộc đời mình. Tôi đã không xứng đáng với sự hứa hẹn dành cho con cháu của tôi hay sự ân sủng, ưu ái của Chúa. Tất cả đều là quà tặng. Thật rõ ràng khi Chúa yêu cầu tôi hy sinh Isaac và tôi đặt nó lên bàn thờ trong sự vâng lời. Chúa đã cho tôi tất cả mọi thứ, và Ngài đã lấy nó đi. Bạn biết đấy, Chúa không yêu cầu tôi lấy đi mạng sống của Isaac. Đó là một thử thách về lòng biết ơn và đức tin. Tương tự như vậy, cuộc sống của bạn là một món quà. Hãy đối xử với nó theo cách đó. Hãy biết ơn và cho dù có chuyện gì xảy ra, hãy luôn tin tưởng vào Chúa.”
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA ABRAHAM DÀNH CHO CHÚNG TA
Lạy Chúa,
Con thỉnh cầu Ngài hãy giúp đỡ những người bạn của con có được sự kiên nhẫn khi dường như từ lúc họ nghe tin từ Ngài cho đến nay là một thời gian dài. Xin hãy giúp đỡ họ vâng phục khi sự lãnh đạo của Ngài dường như lạ lùng, để hỏi những câu hỏi khi họ không hiểu, để tin tưởng Ngài khi họ không tìm thấy câu trả lời bởi vì, thưa Chúa, Ngài luôn làm điều đúng đắn.
Amen
Khi Abraham rời đi, tôi ấn tượng việc ông là một người bình thường như thế nào. Và tôi thấy thật rõ ràng: Khi chúng ta tin tưởng vào Chúa, Ngài có thể khiến một người bình thường trở nên phi thường! Tôi suy ngẫm điều đó trong chốc lát. Sau đó tôi nhìn thấy có người xuất hiện từ khán đài tiến về phía chúng tôi.
Hướng dẫn thảo luận về Abraham
Khi họ đến nơi Đức Chúa Trời đã chỉ cho ông, Abraham lập một bàn thờ tại đó, rồi sắp củi lên trên. Đoạn ông trói Isaac lại, đặt nằm trên bàn thờ, bên trên đống củi. Đoạn Abraham đưa tay ra, cầm dao để giết con ông. (Sáng Thế Ký 22:9-10)
Khi Abraham quay trở lại khán đài, chúng ta nhận ra thời gian cùng với ông thật quá ngắn ngủi. Tâm trí chúng ta tràn ngập những điều chúng tôi muốn hỏi ông. Phần thảo luận này cho chúng ta cơ hội để nghiên cứu thông điệp của Abraham và suy ngẫm về những gì chúng ta học được từ ông.
CÂU HỎI DÀNH CHO ABRAHAM: Làm thế nào ông được gọi là “bạn của Đức Chúa Trời” và có tất cả những nỗ lực tranh đấu?
CÂU HỎI TỰ SUY NGẪM: Bạn tranh đấu nhiều nhất với Chúa trong những việc gì? Chờ đợi Ngài thực hiện lời hứa của mình? Phục tùng Ngài trong khi cách của Ngài dường như vô lý? Nghi ngờ Ngài? Hiểu Ngài?
CÂU HỎI DÀNH CHO ABRAHAM: Tại sao ông thường cố gắng có một lối đi trong khi Chúa không muốn?
CÂU HỎI TỰ SUY NGẪM: Trong trường hợp nào bạn cố gắng “sửa chữa” hay “rút lui” khi Chúa có vẻ chậm chạp?
CÂU HỎI DÀNH CHO ABRAHAM: Ông có ngạc nhiên mình đã đi xa đến đâu khi phán với Chúa về sự an toàn của Lot?
CÂU HỎI TỰ SUY NGẪM: Bạn đã từng đàm phán với Chúa chưa? Mọi việc thế nào?
CÂU HỎI DÀNH CHO ABRAHAM: Là một người cha khi đặt con trai Isaac lên bàn thờ, ông cảm thấy thế nào?
CÂU HỎI TỰ SUY NGẪM: Điều gì quan trọng nhất trong cuộc đời mà bạn phải đầu hàng Chúa? Bạn đã làm điều đó chưa?
CÂU HỎI DÀNH CHO ABRAHAM: Khi ông nhìn lại tất cả những phước lành nhận được từ Chúa, ông đền đáp ra sao?
CÂU HỎI TỰ SUY NGẪM: Khi bạn nhìn vào tất cả những phước lành mà Chúa ban cho cuộc đời bạn, bạn đền đáp ra sao? Hãy liệt kê những việc đó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.