Du Học Trên Đất Mỹ
Chương 6: Ở Mỹ
Tháng 1 năm 2009 cho đến nay
Đến khi nào mới có thể hòa nhập hoàn toàn vào đất nước này? Có lẽ phải cần một thời gian rất dài mới đạt được đến trạng thái ấy, nhưng điều quan trọng là, đừng vì phải thích ứng nên mới tập thích ứng, cũng đừng đánh mất chính mình trong quá trình thích ứng. Bạn vẫn là bạn, không cần phải biến mình thành một người khác chỉ để đạt được mục tiêu nào đó.
Giáo dục kiểu Mỹ trong mắt tôi
Sách chuyên viết về giáo dục Mỹ bày bán trên thị trường nhiều vô kể, từ lâu các nhà giáo dục đã nghiên cứu và phân tích thấu đáo mọi vấn đề về mô hình giáo dục này. Tôi không phải một chuyên gia giáo dục, nhưng vì tính chất công việc nên hàng ngày tôi có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với người Mỹ, tận mắt chứng kiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ở nơi đây. Vì thế, tôi muốn chia sẻ cùng mọi người những quan sát và cảm nhận thú vị của riêng tôi về vấn đề này.
Nói đến cách thức giáo dục con cái của các bậc phụ huynh Mỹ, người ta thường hay được nghe tới từ “free-range”, một lối giáo dục thả tự do, có nghĩa cha mẹ để cho con cái trưởng thành trong một môi trường tương đối thoải mái ngay từ nhỏ, nhằm tạo cơ hội cho chúng tiếp xúc với tự nhiên và xã hội, từ đó bồi dưỡng khả năng tự lập và tư duy sáng tạo. Những điều này nghe có vẻ quá trừu tượng, nên tôi muốn chia sẻ một câu chuyện có thật mà tôi từng gặp trong quá trình làm việc. Họ là gia đình đầu tiên khiến tôi hiểu một cách trực quan nhất về giáo dục kiểu Mỹ.
Đôi vợ chồng đó khoảng tầm 40 tuổi, với năm người con, ba trai hai gái. Ba cậu con trai lần lượt 17 tuổi, 14 tuổi và 3 tuổi, hai đứa con gái 13 và 8 tuổi. Đây là một gia đình kiểu mẫu với năm người con ở năm độ tuổi khác nhau. Vì thế, trong quá trình tiếp xúc với họ, tôi đã may mắn được chứng kiến những điểm khác biệt trong phương pháp giáo dục từng đứa của đôi vợ chồng người Mỹ này. Tôi sẽ trình bày theo trình tự độ tuổi từ bé đến lớn.
Đối với con cái ở độ tuổi mẫu giáo (3-6 tuổi), các bậc cha mẹ ở Mỹ thường chú trọng việc giáo dục giá trị quan – tức phẩm chất đạo đức cho con cái, bởi vì đây là giai đoạn then chốt trong việc hình thành nên giá trị quan đúng đắn cho đứa trẻ. Cho dù chúng còn nhỏ, chưa thể tư duy một cách lý trí, nhưng trong quá trình giao tiếp với người khác, chúng vẫn có thể ngầm tiếp nhận thông tin.
Lấy ví dụ về cách giáo dục cho đứa con 3 tuổi của gia đình này. Một lần, tôi cùng hai vợ chồng họ làm một bảng phân chia công việc nhà, để mấy đứa con biết chúng phải làm những việc gì. Tôi đưa bảng sơ lược cho họ xem, trong đó tôi đã bỏ qua đứa bé 3 tuổi. Sau khi xem xong, người mẹ liền thắc mắc tại sao đứa bé 3 tuổi lại không có tên trong bảng phân công. Lúc ấy tôi hơi ngỡ ngàng một chút, rồi giải thích: “Cậu bé mới 3 tuổi, chẳng nhẽ cũng cần phải làm việc nhà sao? Một đứa trẻ 3 tuổi có thể làm được việc gì cơ chứ?”
Người mẹ nghe xong cười lớn, bà kiên nhẫn trả lời: “Tuy nó chỉ mới 3 tuổi, vừa bắt đầu hiểu chuyện, nhưng cũng chính vì thế mà việc giáo dục mới vô cùng cần thiết. Chúng tôi hy vọng nó có thể học được những giá trị quan trọng trong cách làm người, ngay từ khi bắt đầu hiểu chuyện. Ví dụ tình yêu, sự tôn trọng, lòng thành thực và trách nhiệm. Công việc nhà nó phải làm rất đơn giản, chỉ cần mỗi ngày nó mang túi rác trong phòng mình đặt trước cửa là được. Thật ra, làm gì không quan trọng, quan trọng là chúng tôi muốn bồi dưỡng ý thức trách nhiệm cho thằng bé. Chúng tôi hy vọng nó có thể hiểu được, gia đình này là do bố mẹ và anh chị em nó tạo dựng nên, ai cũng có thể xả rác, và cũng chính người ấy phải có nghĩa vụ thu dọn sạch sẽ. Nếu đã được hưởng nhiều điều từ gia đình, vậy buộc phải đóng góp công sức, đó chính là trách nhiệm của mỗi thành viên, bất kể bao nhiêu tuổi.”
Sau khi nghe những lời đó, tôi mới chợt bừng tỉnh. Nhớ lại hồi tôi còn 3 tuổi, dường như lúc ấy mọi việc đều do bố mẹ quyết định. Khỏi nói đến việc nhà, chỉ cần tôi không gây thêm phiền phức thì đã tốt lắm rồi. Sau khi người mẹ dứt lời, ông bố liền bổ sung thêm, ngoài vấn đề trách nhiệm ra, họ còn hy vọng con cái mình có thể học được tinh thần tập thể và ý thức công bằng trong khi phân công công việc. Nếu phát sinh bất kỳ xung đột hoặc mâu thuẫn nào trong quá trình ấy, mỗi người sẽ phải học dần cách độc lập xử lý các mâu thuẫn đó. Như thế, sau khi trưởng thành chúng mới có thể hòa nhập vào xã hội và môi trường làm việc. Đó chính là dụng ý của việc giáo dục đạo đức cho con cái của các bậc phụ huynh thông qua những công việc nhỏ hàng ngày.
Đối với những đứa trẻ vào độ tuổi nhi đồng (6-12 tuổi), các bậc cha mẹ thường thông qua phương pháp trải nghiệm để bồi dưỡng nên thói quen, hành vi của con trẻ. Phương pháp này chính là cố gắng để con cái tự tạo nên thói quen làm việc tốt bằng cách tự trải nghiệm. Những trải nghiệm có thể tốt hoặc xấu, trải nghiệm tốt giúp trẻ tích lũy kinh nghiệm, tăng cường kiến thức; trải nghiệm xấu sẽ khiến trẻ chịu một vài thiệt thòi, đi đường vòng, nhưng chính những bài học đó mới khiến chúng ghi nhớ sâu sắc đạo lý làm người. Rất nhiều bậc phụ huynh Mỹ cho rằng, phương pháp giáo dục trải nghiệm tốt hơn những lời thuyết giáo và khuyên bảo của cha mẹ. Ví dụ, dù cha mẹ nhiều lần khuyến cáo trẻ, đừng bao giờ đụng vào bếp lò khi vừa nấu xong, chúng vẫn rất có thể không nghe lời vì lòng hiếu kỳ. Chỉ khi chúng thật sự bị bỏng, để lại thương tích, chúng mới có thể khắc ghi bài học đó. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cha mẹ mặc con cái tự tung tự tác, mà phải tạo cho chúng một không gian trưởng thành riêng, để chúng học cách tự gánh chịu hậu quả cho sự lựa chọn của chính mình.
Lấy việc giáo dục đứa con gái 8 tuổi của gia đình trên làm ví dụ. Một lần, cô con gái nhỏ đang bận thu dọn hành lý cho kỳ nghỉ hè ở trong phòng. Cô bé vừa thu dọn, vừa cùng tôi chia sẻ tầm quan trọng của những bộ quần áo phải mang theo. Tôi cảm thấy cực kỳ kinh ngạc khi một bé gái 8 tuổi có thể suy nghĩ vấn đề một cách chu toàn đến thế. Về sau cô bé mới nói với tôi, vào kỳ nghỉ hè lần trước, mẹ đã dặn phải mang theo nhiều quần áo, nhưng cô bé sợ nặng nên không nghe lời mẹ, vì thế chỉ mang theo hai chiếc váy. Kết quả, một chiếc bị vấy bẩn, nên phải mặc chiếc còn lại trong suốt ba ngày. Lúc ấy cô bé đã rất hối hận vì không nghe lời mẹ, chính vì thế, cô bé đã ghi nhớ rất kỹ cho chuyến đi lần này.
Khi nhắc lại câu chuyện trên với bố mẹ cô bé, tôi đã khen khả năng tự lập và suy nghĩ chu đáo của con bé, đồng thời hỏi họ giáo dục thói quen tốt như thế bằng cách nào. Người mẹ cho biết, chỉ cần đứa trẻ tự nếm trải thất bại, cho dù bạn không dạy chúng vẫn sẽ khắc ghi. Tôi thắc mắc hỏi tiếp, chẳng nhẽ bố mẹ không muốn thường xuyên nhắc nhở con cái, để chúng bớt khổ hơn sao? Người mẹ ngẫm nghĩ một lúc, trả lời chân tình: “Bậc làm cha làm mẹ có ai muốn con mình chịu vất vả đâu! Nhưng sự bao bọc ấy của cha mẹ chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, về lâu dài không hề tốt cho con cái. Chẳng hạn sau khi sinh đứa con trai đầu lòng, chúng tôi chưa hề có kinh nghiệm nuôi con, chẳng biết phải làm cha mẹ thế nào. Hồi ấy, chúng tôi cứ nuông chiều nó quá mức, giúp nó thu dọn phòng ngủ, cho tiền tiêu vặt vô tội vạ, thậm chí còn giúp nó làm bài tập… Chúng tôi giống như những “bảo mẫu toàn thời gian” hơn là cha mẹ, giờ nhớ lại thấy thật hối hận. Nghĩ kỹ, nếu một người lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ từ nhỏ, sau này trưởng thành bước chân vào xã hội không còn được dựa dẫm vào bố mẹ nữa, chúng mới là người chịu thiệt thòi.” Xem ra phương pháp trải nghiệm thật sự có tác dụng trong việc tạo dựng thói quen làm việc tốt cho con cái.
Đối với thiếu niên và nhi đồng (6-15 tuổi), các bậc cha mẹ Mỹ thường động viên con khám phá sở thích cá nhân, bồi dưỡng sức tưởng tượng và năng lực sáng tạo thông qua vui chơi và thử nghiệm. Trẻ ở giai đoạn này thường tham gia phong trào hướng đạo. Có một số chương trình hướng đạo giống như tổ chức trại hè ở Trung Quốc chủ yếu thông qua các chương trình thực tiễn, hoạt động ngoài trời và huấn luyện kỹ năng (bao gồm kỹ năng tồn tại trong tự nhiên, thủ công, nghề mộc, cấp cứu, thể thao dưới nước…) nhằm rèn luyện thể lực, kỹ năng và trí lực cho trẻ. Ví dụ, cô con gái 13 tuổi và cậu con trai 14 tuổi của gia đình này thường thích thú chia sẻ với tôi về việc chúng học được cách dựng lều, đánh lửa, thắt dây thừng, cũng như cách nhận biết phương hướng khi tham gia phong trào hướng đạo. Trong quá trình đó, chúng không những nắm bắt được các kỹ năng mới, mà còn học thêm các khả năng phục tùng mệnh lệnh, tuân thủ nội quy, hợp tác nhóm và tư duy sáng tạo thông qua việc sống trong môi trường tập thể một thời gian dài.
Đối với trẻ vào độ tuổi thiếu niên (12-15 tuổi), ngoài việc bồi dưỡng khả năng tưởng tượng và sáng tạo, xây dựng quan điểm tự lập chính là một mục tiêu giáo dục cực kỳ quan trọng khác. Trong thực tế, quan điểm tự lập luôn nhất quán với giáo dục gia đình ở Mỹ, đa số trẻ em nơi đây đều học được điều này ngay từ khi còn rất nhỏ – bất kể bạn là ai, người duy nhất bạn có thể dựa dẫm trên đời này chỉ có bản thân bạn. Nhưng đối với một đứa trẻ, quan điểm tự lập được hình thành như thế nào? Tôi vẫn muốn lấy ví dụ từ gia đình trên.
Câu chuyện này xảy ra với cậu con trai 14 tuổi. Một lần, tôi hào hứng hỏi cậu bé có dự định gì cho kỳ nghỉ hè. Tôi vốn tưởng nó sẽ kể cho tôi một loạt những trò chơi vui vẻ, nhưng ai ngờ nó lại nói với giọng điệu đầy nghiêm túc: “Nói thật với chị, em thấy mình nên tìm một công việc.” Tôi ngớ người, bối rối hỏi vì sao cậu không muốn đi chơi, mà lại tìm việc làm. Cậu bé trả lời, chính vì muốn được cùng đứa bạn hàng xóm đạp xe đi chơi, nhưng lại không có xe, nên mới muốn tìm một công việc để kiếm tiền mua. Lúc đầu, tôi cho rằng bố mẹ không muốn cho cậu mua xe đạp, nhưng cậu bé lại giải thích: “Bố đồng ý mua cho em. Nhưng chiếc xe mà em ưng ý có giá đến 200 đô-la. Bố đồng ý tài trợ cho em 100 đô-la, phần còn lại phải do em tự xoay sở.”
Ra là vậy…
Tôi hỏi vẻ ngờ vực, em mới 14 tuổi sao có thể tìm được việc chứ? Nghe thấy thế, cậu bé mỉm cười, tự tin đáp: “Tuy em chưa đủ tuổi hợp pháp để đi làm, nhưng vẫn có thể làm được rất nhiều việc, ví dụ cắt cỏ giúp hàng xóm. Giả sử mỗi ngày em làm nửa giờ, mỗi nửa giờ được 5 đô-la, vậy hai ngày em có thể kiếm được 10 đô-la. Cứ thế chưa đến một tháng em có thể kiếm được 100 đô-la rồi!” Trông dáng vẻ phấn khích của cậu bé và kế hoạch rất chu toàn ấy, tôi không kìm nổi sự thán phục với đứa trẻ 14 tuổi này. Lần tiếp theo gặp lại, tôi thấy cậu bé đang nỗ lực đẩy chiếc máy cắt cỏ trước khoảnh sân nhà hàng xóm. Khi trông thấy tôi, cậu bé giơ tay hình chữ V hướng về phía tôi, ngầm ý cậu đã tìm được việc rồi. Một tháng sau, quả nhiên cậu bé đã mua được chiếc xe mà mình yêu thích. Cậu vui vẻ khoe với tôi, đó chính là “tài sản cá nhân” đầu tiên mà cậu có, dựa vào sức lao động của chính bản thân.
Trước đây tôi từng nghe nói, từ nhỏ người Mỹ đã biết ra ngoài làm việc kiếm tiền, nhưng những tưởng vì cha mẹ không đồng ý chi trả các chi phí sinh hoạt hoặc học phí cho con nên mới khiến chúng phải sớm tự nuôi sống bản thân. Lúc ấy tôi còn cảm thương cho thứ giá trị gia đình nhạt nhẽo kiểu Mỹ, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không hề gắn bó, thân thiết. Nhưng sau khi tận mắt chứng kiến tôi mới phát hiện, mọi suy luận của tôi trước đây đều sai lầm. Kỳ thực, đại đa số các bậc cha mẹ Mỹ đều trợ giúp kinh tế cho con, nhưng đồng thời họ cũng rất chú ý đến việc bồi dưỡng ý thức tự lập về phương diện kinh tế cho chúng. Họ cho rằng, việc cung cấp tiền cho con tiêu xài hoang phí, xét trong một chừng mực nhất định có thể làm giảm tinh thần trách nhiệm và tính độc lập của trẻ. Lâu dần, đứa con có thể quen với điều đó, thậm chí còn cảm thấy mọi thứ nhận được từ cha mẹ là điều tất nhiên.
Nói tới đây, tôi cần phải nhắc đến người con trai cả của gia đình này. Đó là một cậu bé 17 tuổi, từ nhỏ lớn lên trong sự chiều chuộng của gia đình, muốn gì được nấy. Ban đầu, họ đáp ứng mọi yêu cầu của cậu, từ sản phẩm cao cấp, loa nghe nhạc, giàn trống, trò chơi điện tử… tất cả đều được đáp ứng. Dần dà, cậu bé đam mê cuộc sống xa hoa, suốt ngày nằm ườn ở nhà chơi game online, thoải mái tiêu tiền trong thẻ tín dụng của bố mẹ. Khi họ ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề thì đã quá muộn. Mỗi lần lấy hết dũng khí để từ chối yêu cầu của đứa con trai, cậu ta lại tự rạch tay hoặc uy hiếp tự sát.
Một cậu bé sắp trưởng thành nhưng lại đầy nỗi sợ hãi và chán ghét thế giới. Cậu ta ý thức được một khi đã trưởng thành, về mặt pháp luật bố mẹ không còn trách nhiệm nuôi dưỡng cậu nữa. Cậu không dám tưởng tượng một cuộc sống phải tự mình lo liệu mọi việc đáng sợ đến nhường nào, vì thế cậu cảm thấy vô cùng bất lực. Bạn bè xung quanh sớm đã có bằng lái, đồng thời mua được xe hơi và có công việc làm thêm đầu tiên trong đời, còn cậu vẫn chẳng có gì, ngoài những thứ bố mẹ cung cấp.
Tôi vẫn còn nhớ như in những lời của người bố, khi ngồi nói chuyện cùng hai vợ chồng họ. Ông ấy nói: “Người làm cha làm mẹ chẳng ai không thương con mình. Tôi rất muốn để lại thật nhiều tài sản cho nó, để nó có thể sống một cuộc đời đầy đủ về sau. Nhưng chính vì trước đây chúng tôi quá nuông chiều nên mới khiến nó không có ý thức tự lập và trách nhiệm ngay khi còn nhỏ. Giờ nghĩ lại, hối cũng chẳng kịp. Cho dù chúng tôi có đủ tiền bạc để tiếp tục nuôi nó, cũng chỉ là chuyện tạm thời trước mắt. Sau khi già cả rồi, không còn đủ sức kiếm tiền cho nó tiêu xài, nó còn biết dựa vào ai ngoài chính nó? Bây giờ tôi mới hiểu, tình yêu dành cho con cái phải lý trí, và có lợi cho sự phát triển lâu dài của chúng. Tuy trong thời gian ngắn, kiểu yêu thương hoặc bao bọc quá mức cũng có mặt tốt của nó, nhưng lâu dài sẽ làm hại chính con mình.”
Những lời tâm sự của ông bố khiến tôi chợt cảm thấy các bậc cha mẹ Mỹ không quan tâm, chăm sóc con cái từng ly từng tí, có lẽ chính vì họ hy vọng mang lại không gian phát triển rộng hơn cho con mình. Trong các gia đình người Mỹ, con cái được hưởng rất nhiều quyền lợi, nhưng ngoài việc học ra cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với gia đình. Chính vì vậy, trong nhiều vấn đề liên quan đến phát triển gia đình, thường các bậc cha mẹ rất biết lắng nghe ý kiến của con cái, bởi mọi đứa trẻ đều có quyền được đối xử bình đẳng. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến việc phát triển cá nhân mỗi người, đa số cha mẹ chỉ đưa ra những định hướng và kiến nghị, còn con cái vẫn là người quyết định sau cùng, và họ thường lựa chọn cách tôn trọng và ủng hộ các quyết định ấy.
Chính vì rất nhiều người Mỹ được bồi dưỡng năng lực tư duy độc lập từ khi còn nhỏ, được tạo điều kiện khám phá sở thích cá nhân trong gia đình cũng như trường học nên khi bước chân vào môi trường đại học, họ mới tích cực tập trung vào lĩnh vực chuyên ngành mình đã chọn. Hệ thống giáo dục Mỹ từ tiểu học cho đến tiến sĩ đều vô cùng chú trọng việc bồi dưỡng năng lực tư duy biện chứng cá nhân. Họ cổ vũ sáng tạo, khích lệ việc chất vấn, động viên sự khác biệt, phá bỏ lề thói cũ để tạo nên những cái mới. Họ cho rằng, mỗi một cá nhân trên thế giới này đều độc nhất vô nhị. Bất luận béo gầy xấu đẹp ra sao, bạn đều có khía cạnh đáng để người khác tán thưởng, vậy nên nhất định phải cảm thấy tự hào vì những gì bản thân làm được. Đôi khi tôi không hiểu tại sao nhiều người Mỹ trông có vẻ rất tự tin, thậm chí còn tự phụ. Bây giờ ngẫm lại mới hiểu, ra là vậy. Khoảng thời gian học tập và làm việc ở Mỹ, đã thật sự làm thay đổi quan niệm của cá nhân tôi về giáo dục. Tôi từng cho rằng, giáo dục là một hoạt động bó hẹp trong phạm vi nhà trường, cảm thấy người ta phải học từ tiểu học lên đến đại học, tốt nhất có thể học tới thạc sĩ, nếu sau khi học xong thạc sĩ vẫn chưa thể tìm được việc, nên tiếp tục đi học tiến sĩ. Nhưng về sau tôi mới dần hiểu ra, kỳ thực giáo dục không chỉ ở trên ghế nhà trường. Bất kể việc đọc sách, thực tập, hoạt động tình nguyện hay đi làm, cho dù chỉ giao lưu với những người xung quanh thôi, tất cả đều có thể coi như đang tiếp nhận giáo dục. Đôi khi, những điều chúng ta học được trong thực tế nhiều hơn trong sách vở. Đó chính là lý do tại sao những thứ tôi học được trong hai tháng thực tập lại vượt xa hai năm ngồi học thạc sĩ trong trường. Những kiến thức trong sách vở có thể khiến bạn nảy sinh sự hiếu kỳ về một vấn đề nào đó, nhưng việc dấn thân vào thực tế mới khiến bạn hiểu được bản thân có thật sự thích thú và phù hợp với điều đó hay không.
Đây cũng là cách giải thích rất hay cho việc một số người Mỹ bắt đầu làm việc sau khi tốt nghiệp phổ thông. Làm được vài năm, đến khoảng 30, 40 hoặc 60 tuổi mới quay về trường tiếp tục học sâu hơn, đó mới mang ý nghĩa thật sự của câu nói “học là việc cả đời”. Hồi còn theo học thạc sĩ ở Mỹ, tôi đã làm quen với một người bạn cùng lớp, trước 40 tuổi, ông từng làm việc nhiều năm ở Bộ giao thông Mỹ, về sau do không thích công việc đó nữa nên ông kiên quyết bỏ việc, quay trở lại trường học ngành Công tác xã hội. Sau khi tốt nghiệp, ông tìm được một công việc khá ổn trong ngành này, chuyên phụ trách giúp đỡ dân di cư từ các nước khác giải quyết khó khăn về kinh tế. Cách đây không lâu, ông cập nhật trạng thái trên Facebook, thông báo mình đang theo học chuyên ngành luật tại đại học New York, bởi sau vài năm làm việc ông phát hiện ra, những vấn đề về pháp luật mới là nguyên nhân chính khiến dân di cư không nhận được những lợi ích kinh tế. Lúc ấy, ông đã 50 tuổi.
Tôi hỏi ông tại sao có đủ dũng khí từ bỏ công việc hiện tại vào độ tuổi này để quay lại theo học một chuyên ngành mới? Ông ấy hài hước hỏi vặn lại: “Chẳng nhẽ tôi già lắm ư? Tôi không cảm thấy từ bỏ công việc ở độ tuổi 50 để tiếp tục đi học là một việc làm dũng cảm. Tôi chỉ muốn mở mang thêm kiến thức của bản thân về phương diện pháp luật, có được bằng cấp hay không không hề quan trọng. Khi học xong thứ muốn học, tôi sẽ quay trở lại tiếp tục công việc. Trong 30 năm qua, tôi vẫn luôn làm việc, học tập, làm việc và học tập. Mỗi khi cảm thấy thiếu kiến thức, tôi sẽ quay lại ghế nhà trường để bổ sung thêm; sau khi cảm thấy bản thân đã thu nhận đủ, tôi lại lập tức quay trở về với công việc. Mỗi một quyết định của tôi đều xuất phát từ niềm hứng thú cá nhân, dù mạo hiểm, nhưng tôi vui vẻ chấp nhận.”
Lời nói của ông khiến tôi nhận thức sâu sắc hơn, đối với người Mỹ, thật ra giáo dục là một khái niệm vô cùng rộng lớn, và việc giáo dục trong trường học chỉ là một bộ phận thuộc khái niệm đó mà thôi. Chỉ cần xác định rõ mục tiêu, họ mới lựa chọn tiếp tục theo đuổi việc học ở trường. Nếu phát hiện bản thân có thể bổ sung và mở rộng càng nhiều vốn kiến thức từ trong thực tiễn, có lẽ họ sẽ quyết định lựa chọn con đường bước vào xã hội. Đây cũng là một cách giải thích rất hay, lý giải tại sao một bộ phận nhân tài nước Mỹ chưa từng học đại học, bởi vì họ đã học được mọi điều cần thiết từ trong ngôi trường xã hội bằng chính khả năng tự học của bản thân.
Giống với chúng ta, người Mỹ cũng xem trọng giáo dục, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay, tất nhiên tấm bằng đại học có tác dụng to lớn đối với việc phát triển sự nghiệp tương lai của một cá nhân. Tuy nhiên điều thú vị là, đối với người Mỹ việc có được tấm bằng đại học không phải quá cần thiết, chỉ cần bạn có đủ thực lực thì bằng phổ thông vẫn đủ giúp bạn có chỗ đứng trong xã hội. Họ cho rằng, những trường danh tiếng tất nhiên mang lại cho bạn ánh hào quang, nhưng cho dù học ở trường bình thường vẫn có nhiều phương pháp để bù đắp, chẳng hạn công sức hay những trải nghiệm thực tế của bản thân…
Tuy vậy, thể chế giáo dục của Mỹ không hề hoàn hảo, nó cũng tồn tại rất nhiều điểm hạn chế. Chính vì người Mỹ cổ vũ cho cá tính tự lập và trải nghiệm thực tế nên khiến nhiều trẻ em phải tiếp xúc với xã hội quá sớm. Khi một người vẫn chưa phát triển nhân cách và năng lực phán đoán một cách toàn diện, rất khó giữ vững bản thân trước những cám dỗ của cuộc đời. Vì thế ở Mỹ, có nhiều thanh thiếu niên không thể chống cự lại sự lôi kéo từ những người cùng lứa tuổi, dễ đi vào con đường nghiện hút, nghiện rượu hoặc tình dục. Những vấn đề này vẫn luôn là điều khiến các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh lo lắng.
Trước khi kết thúc phần này, tôi muốn nhấn mạnh một điểm, những nội dung và cảm nhận ở trên đa phần xuất phát từ kinh nghiệm làm việc của tôi với các gia đình Mỹ, hơn nữa do độ dài có hạn nên không thể bàn luận vấn đề này sâu rộng và toàn diện hơn chỉ trong một chương ngắn ngủi, do đó còn nhiều hạn chế. Như mọi quốc gia trên thế giới, nước Mỹ cũng có những khác biệt trong mỗi gia đình, nên phương pháp giáo dục của họ cũng sẽ không giống nhau. Tôi không cảm thấy nên học tập toàn bộ phương thức giáo dục đó, bởi nó cũng có những điểm hạn chế, hơn nữa do môi trường văn hóa khác nhau, nên phương thức ấy chưa hẳn đã phù hợp với chúng ta. Vì thế, tôi khuyến khích mọi người nên tiếp thu một cách có chọn lọc, để tìm kiếm phương thức giáo dục phù hợp với bản thân và con cái của mình.
Quan niệm tình yêu, hôn nhân gia đình của người Mỹ
Trước khi ra nước ngoài, một trong những ấn tượng đầu tiên của tôi về nước Mỹ chính là sự cởi mở trong quan niệm tình dục của họ. Mỗi lần xem phim Hollywood, khi đến những phân đoạn “kịch tính”, tôi không khỏi thốt lên: Người nước ngoài thật thoáng quá đi. Bắt đầu từ lúc ấy, tôi có ấn tượng không tốt lắm về phương diện tình yêu hôn nhân của người Mỹ. Nhưng sau khi sống nhiều năm ở đây, cùng rất nhiều trải nghiệm và quan sát, tôi đã nhìn nhận lại quan niệm tình yêu và hôn nhân của họ. Tôi dần phát hiện, trong thực tế dường như người Mỹ không thoáng như tôi tưởng, thậm chí mức độ bảo thủ của đa phần trong số họ còn vượt xa sức tưởng tượng của tôi.
Đầu tiên nói về chuyện yêu đương. Ở Mỹ, sau khi hai người làm quen, nếu họ thật sự thích nhau sẽ tiến đến hẹn hò. Tuy nhiên, từ “hẹn hò” trong văn hóa Mỹ chỉ mang nghĩa hai người hy vọng có thể hiểu nhau hơn qua việc tiếp xúc riêng với đối phương, chứ không phải đã xác lập mối quan hệ yêu đương. Vì thế, dù bạn đang hẹn hò với ai, thực tế bạn vẫn trong trạng thái độc thân, hơn nữa, để có thể tìm thấy người phù hợp nhất với mình, đôi khi bạn phải đồng thời gặp gỡ nhiều người. Lúc “hẹn hò”, hai người có thể bắt tay hoặc ôm hôn, thậm chí có quan hệ tình dục, mức độ cụ thể tùy thuộc vào từng cá nhân. Với những người Mỹ có quan niệm tương đối thoáng, họ có thể quan hệ tình dục cùng nhiều người khác nhau trong thời gian “hẹn hò” này, nhưng đối với người có quan niệm bảo thủ về tín ngưỡng tôn giáo, việc quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều không thể chấp nhận. Do lúc hẹn hò, cả hai vẫn trong trạng thái độc thân, nên không phải chịu trách nhiệm hoặc giữ lời hứa gì với đối phương, vì vậy thông thường đôi bên sẽ không dẫn đối phương đến gặp gỡ người thân hoặc bạn bè.
Sau một thời gian tiếp xúc và tìm hiểu, nếu cảm thấy không hợp, hai người có thể dừng hẹn hò. Tuy nhiên, điều này không được xem là “chia tay”, bởi mối quan hệ vẫn chưa đến mức yêu đương. Ngược lại, nếu hai bên nảy sinh tình cảm, họ có thể tiến đến việc xác lập quan hệ lâu dài, đến lúc này, cả hai mới chính thức từ giã cuộc sống độc thân. Một khi mối quan hệ đã được xác lập, cả hai phải đối xử chân thành với nhau. Họ phải tôn trọng, chịu trách nhiệm, đồng thời chung thủy tuyệt đối với đối phương. Do tính chất độc nhất của mối quan hệ, nên bất kỳ hành vi phát sinh quan hệ với người thứ ba nào cũng bị xem là phản bội và tuyệt đối không thể chấp nhận. Sau một thời gian yêu đương, nếu mọi việc thuận lợi, người đàn ông sẽ cầu hôn người phụ nữ, trong trường hợp gia đình của cô gái đồng ý, sau đó cả hai sẽ bước vào cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
Từ đó có thể thấy, quan niệm tình yêu của phương Tây có điểm khác biệt khá lớn so với chúng ta. Nói đơn giản hơn, trong văn hóa phương Đông chúng ta quen với việc xác lập quan hệ yêu đương trước, sau đó mới tiến đến hẹn hò và chung sống. Ngược lại, người phương Tây thường quen trải qua giai đoạn tiếp xúc và tìm hiểu trước, sau đó mới xác định quan hệ. Thật ra trước đây, ấn tượng về sự “thoáng” của người Mỹ trong tôi cũng chỉ xảy ra trong thời gian họ độc thân. Thực tế, một số người Mỹ khi còn trẻ – đặc biệt là thời kỳ học phổ thông đều trải qua giai đoạn rất “điên cuồng”. Trong khoảng thời gian ấy, tuổi trẻ sục sôi thường khiến họ dám liều lĩnh thử nếm trải những chuyện mới lạ, nhiều bộ phim Hollywood đều xoay quanh giai đoạn này. Tuy nhiên, sau thời nổi loạn ấy, phần lớn bọn họ khi bước vào độ tuổi trung niên hoặc kết hôn, đều quay về với cuộc sống gia đình bình thường.
Nói thật, khi họ quay trở lại cuộc sống đó, quan niệm về gia đình của họ là điều khiến tôi bất ngờ nhất. Còn nhớ lúc theo học ở WUSL, khi mỗi vị giáo sư tự giới thiệu, họ đều nói rất nhiều về gia đình mình. Họ rất tự hào khi giới thiệu về người bạn đời và con cái, thậm chí còn trình chiếu hình ảnh cả gia đình cho mọi người cùng xem. Sau khi ra trường và đi làm, tôi lại càng phát hiện, trên bàn làm việc của các đồng nghiệp đều đặt bức ảnh về cuộc sống của họ với gia đình. Thường ngày, những lúc nói chuyện phiếm ai cũng xoay quanh chủ đề về gia đình và con cái. Bạn có thể cảm nhận rõ ràng tình yêu với gia đình của họ thông qua những lời nói, cử chỉ đầy vẻ hạnh phúc.
Còn một phát hiện thú vị khác, khi đã kết hôn mọi người Mỹ đều đeo nhẫn cưới vào ngón áp út của tay trái. Trong lần đầu làm quen với người lạ, họ thường chủ động tự giới thiệu bản thân đã kết hôn. Họ cũng hay mang theo ảnh người bạn đời trong ví. Trong rất nhiều cuộc gặp gỡ chính thức cũng như không chính thức, chỉ cần có thể họ đều mang theo vợ hoặc chồng cùng tham gia. Tại nơi làm việc, khi bàn về những vấn đề ngoài công việc với người khác giới, người đã kết hôn thường thận trọng giữ một khoảng cách nhất định, chỉ trao đổi một vài câu rồi rời đi. Tan làm, họ nhất định sẽ nhanh chóng quay về nhà bên người thân.
Một hình thức biểu hiện khác cho quan niệm gia đình sâu đậm ấy chính là, bất kể làm gì họ đều lấy gia đình làm trung tâm. Dù là những cuộc tụ tập nhỏ sau giờ làm việc, hay những buổi dã ngoại cuối tuần, bất luận đi xem thể thao hay triển lãm tranh, nhất định phải đi cùng với bạn đời, hoặc một vài gia đình cùng tổ chức. Đặc biệt, khi trường của con có các hoạt động biểu diễn hoặc thi đấu thể thao, bố mẹ sẽ xin nghỉ phép để đến tham dự. Sau khi con họ bước vào trường đại học, bất kể dù khoảng cách bao xa, bố mẹ cũng nhất định tham gia buổi lễ tốt nghiệp của chúng, bởi vì đối với gia đình người Mỹ, lễ tốt nghiệp là một trong những thời khắc quan trọng nhất của đời người.
Trong thực tế, quan niệm gia đình của người Mỹ không đơn thuần chỉ dừng ở kiểu gia đình truyền thống (tức vợ chồng và con cái), mà còn thể hiện ở những gia đình nhiều thế hệ cùng sinh sống. Ví dụ gia đình tôi là một đại diện tiêu biểu. Ông bà ngoại của chồng tôi là một cặp vợ chồng đã ngoài tám mươi, họ yêu nhau từ thuở mười tám đôi mươi, đến nay đã tròn 65 năm bên nhau. Hai ông bà có 10 người con, hơn 40 đứa cháu và hơn 10 đứa chắt cả trai lẫn gái. Hai ông bà sống một mình trên một ngọn đồi nhỏ, và thường xuyên lái xe đến thăm nhà các con. Vào dịp năm mới, toàn bộ mười gia đình đều kéo nhau lên núi thăm ông bà. Bốn thế hệ cùng chung một mái nhà, quả là điều tuyệt vời.
Ban đầu tôi cũng cảm thấy khá kỳ lạ, hai ông bà tuổi đã cao nhưng tại sao không sống cùng con cháu? Như thế mọi người cũng tiện chăm sóc lẫn nhau. Khi nghe thấy thắc mắc của tôi, ông cười khà khà: “Ai bảo người già nhất định phải ở cùng con cái? Đầu tiên, ông bà đều là người trưởng thành, nên không cần ai phải chăm sóc ai, nếu thật sự xảy ra chuyện, tự khắc sẽ có bác sĩ, y tá đến chăm sóc. Thứ hai, ngày xưa ông bà phải nhìn mười đứa con này đã đủ lắm rồi, giờ phải để cho ông bà nghỉ ngơi chứ.” Câu trả lời của ông đã thể hiện đầy đủ quan điểm độc lập, bình đẳng trong mối quan hệ gia đình của người Mỹ.
Kỳ thực ở Mỹ, rất nhiều người già đều lựa chọn sống một mình, nếu đã đến mức không thể tự lo được cho bản thân, họ có xu hướng thuê người chăm sóc hoặc đến viện dưỡng lão hơn là sống cùng con cái. Do hệ thống viện dưỡng lão của Mỹ có thể cung cấp dịch vụ y tế rất chuyên nghiệp cho người già, nên họ vào đó sống đơn thuần chỉ vì lý do sức khỏe, chứ không hề liên quan đến lòng hiếu thuận của con cái. Còn nhớ khi bà nội của chồng tôi do bệnh tình quá nặng nên đã vào sống trong một viện dưỡng lão tư nhân. Khoảng thời gian ấy, hầu như ngày nào mẹ chồng tôi cũng đến chăm nom, bón cơm, vệ sinh cơ thể, xem ảnh và kể chuyện cho bà. Vào dịp năm mới, mẹ chồng tôi còn dẫn theo các thành viên thuộc đội thánh ca nhà thờ và thú cưng đến thăm những người đang sống trong viện dưỡng lão. Mọi người cùng ca hát, chơi trò chơi, và để những con thú cưng ở bên làm bạn. Nhiều khi trông thấy mẹ chồng chăm sóc bà nội quá chu đáo, tôi cảm thấy xúc động và vô cùng khâm phục.
Tuy ông bà nội không sống cùng con cháu, nhưng mối quan hệ gia đình rất gắn bó. Bất kể dịp lễ tết nào, gần trăm con người trong gia đình (bao gồm toàn bộ dâu rể) đều nhận được những tấm thiệp chúc mừng tuyệt đẹp từ ông bà. Ví dụ, mỗi năm vào dịp sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, lễ Phục sinh, lễ Tạ ơn, Noel hay thậm chí là lễ Tình nhân, ông bà đều gửi thiệp chúc mừng cho vợ chồng tôi. Trong hơn ba năm lấy nhau, chúng tôi nhận không thiếu một bức. Có thể thấy, hai ông bà xem trọng mỗi một thành viên trong gia đình đến nhường nào.
Không chỉ bậc bề trên yêu thương con cháu, mà phận con cháu cũng rất hiếu thuận. Mỗi năm đến dịp sinh nhật và kỷ niệm ngày cưới của hai ông bà, cả nhà đều tổ chức tiệc gia đình. Trong buổi tiệc, mười người con biểu diễn những vở hài kịch khác nhau để mua vui cho bố mẹ. Ngoài ra, họ còn trình chiếu lại những thước phim thời trai trẻ của hai ông bà để mọi người cùng thưởng thức. Xem những thước phim về đôi vợ chồng yêu thương nhau từ hồi còn trẻ, nay nhìn lại hai cụ đã ngoài 80 với đầy nếp nhăn trên gương mặt nhưng nụ cười vẫn tràn trề hạnh phúc, khiến tôi không khỏi ngưỡng mộ. Đối với người Mỹ, dường như gia đình là thứ quan trọng nhất trên đời.
Sự thật chính xác là vậy. Kết quả điều tra cho thấy, đại đa số người Mỹ đều cho rằng gia đình là phần quan trọng nhất trong cuộc đời. Tôi nghĩ, nó chắc chắn có liên quan đến giá trị quan về xã hội của họ. Chúng có mối liên hệ mật thiết với tín ngưỡng và tôn giáo, ví dụ việc hiếu thuận với cha mẹ, không giết người, không hiếp dâm, không trộm cắp… nên tình yêu và lòng kính trọng cha mẹ hay bạn đời đã sớm bén rễ trong tư tưởng của mỗi người. Vì vậy, một gia đình hạnh phúc chính là nhân tố cơ bản để đánh giá sự thành công của từng cá nhân trong xã hội Mỹ.
Vậy sự nghiệp không được xem là nhân tố quan trọng để đánh giá thành công hay sao? Đương nhiên có. Nhưng đối với rất nhiều người Mỹ, sự nghiệp dù quan trọng, nhưng gia đình còn quan trọng hơn. Thậm chí, gia đình thành công chính là tiền đề và nền tảng cho một sự nghiệp thuận lợi. Họ cho rằng, so với sự nghiệp, hạnh phúc gia đình mới chứng tỏ sự thành công của một người. Tôi vẫn còn nhớ vào năm 2005, Mỹ tung ra tin tức gây sốc: CEO của công ty Boeing ngoại tình và bị chủ tịch hội đồng quản trị vạch tội. Trong buổi họp kết tội, một người bạn thân của vị CEO đã nói: “Harry, anh là một CEO rất tuyệt vời, nhưng trong việc này (chỉ ngoại tình) anh đã phạm phải sai lầm không thể sửa chữa. Anh không thể giữ được sự chung thủy với người bạn đời bên anh bao năm qua, vậy chúng tôi sao có thể tin vào lòng trung thành của anh đối với công ty?” Từ đó có thể thấy, trong xã hội Mỹ, một người sau khi kết hôn, sự chung thủy và tôn trọng của họ đối với bạn đời, cách ứng xử với cha mẹ thực sự là yếu tố then chốt đánh giá nhân phẩm một cá nhân.
Tuy vậy, ở bất kỳ quốc gia nào cũng có đủ các kiểu người, họ mang tín ngưỡng và quan điểm khác nhau nên cách thức xử lý sự việc cũng khác nhau. Những suy nghĩ tôi viết bên trên cũng chỉ dựa vào kinh nghiệm và quan sát của cá nhân tôi với những gì xảy ra xung quanh. Tuy nhiên, sau khi tự mình trải qua những điều đó tôi mới thực sự phát hiện, rất nhiều cách nghĩ trước đây của bản thân đều rất chủ quan và phiến diện. Hiện tại, ngoại trừ sự phóng khoáng ra, tôi đã được thấy những phương diện khác về tình yêu hôn nhân và gia đình của người Mỹ mà trước đây chưa từng biết đến.
Trăng ở đâu tròn hơn
Từ khi đến Mỹ học tập, tôi luôn được nghe người thân và bạn bè hỏi rằng Trung Quốc và Mỹ nơi nào tốt hơn, trăng Trung Quốc có sáng hơn trăng Mỹ. Nói thật, tôi cảm thấy đây là một câu hỏi không có lời đáp, bởi vì chẳng hề có câu trả lời chính xác, và càng không thể đánh giá mọi thứ bằng những từ “tốt” và “xấu” đơn giản như thế.
Đối với tôi, Trung Quốc là quê hương, là nơi tôi sinh ra lớn lên, nghìn năm lịch sử văn hóa in đậm trong tim tôi. Bất luận đi đến nơi đâu, bất luận tốt xấu thế nào, nó vẫn là nơi tôi mãi lưu luyến, trái tim tôi luôn đập cùng nhịp đập của Tổ quốc. Một giọt máu đào hơn ao nước lã, đây là đạo lý ai cũng tỏ tường. Nhưng nước Mỹ là quê hương thứ hai của tôi, nơi tôi thực hiện ước mơ, xây dựng tổ ấm của chính mình và cũng là nơi giúp tôi độ lượng và trưởng thành hơn. Nó khiến tôi nhận thức được thế giới, nhận thức lại bản thân. Vì thế, đối với tôi, mỗi nước đều có nét đặc trưng riêng, và mang ý nghĩa hoàn toàn khác biệt chẳng thể so sánh được. Tôi vẫn luôn cảm thấy, việc đánh giá một sự việc tốt hay xấu theo kiểu võ đoán, phiến diện sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.
Đôi khi những người có cuộc sống trong nước vất vả nên muốn di dân ra nước ngoài, họ cho rằng cuộc sống ở nước ngoài nhất định rất tuyệt vời. Nhớ lại những nội dung trong cuốn sách đầu tiên, dường như tôi đã miêu tả có phần hơi thiên lệch về mặt tích cực của nước Mỹ. Trên thực tế, hiện thực không hề đơn giản. Trong cuốn sách ấy, tôi không bàn về những mặt tiêu cực của nước Mỹ, không phải vì nó không tồn tại, mà vì mọi người có thể đã biết được điều đó thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Cuộc sống của một số người Mỹ đích thực rất phóng khoáng như trong phim Hollywood, tuy nhiên nó chỉ chiếm một bộ phận rất nhỏ trong xã hội. Ngoài ra, những vụ nổ súng trong trường học, hệ thống y tế bất công, nạn nghiện hút tràn lan… cũng đều khiến dân Mỹ lo lắng. Trong một xã hội như thế, tất nhiên cuộc sống ở đó chẳng thể tuyệt đối tốt đẹp và cũng không nhẹ nhàng thoải mái như chúng ta tưởng tượng. Đôi khi, có thể họ còn mệt mỏi và vất vả hơn chúng ta, nhưng điều may mắn là, phần lớn đều có đủ tự do để lựa chọn cách sống và sở thích theo ý muốn của bản thân. Vì thế, dù mệt mỏi họ cũng hưởng thụ được niềm vui trong công việc.
Đối với dân nhập cư hoặc du học sinh, trở ngại về ngôn ngữ và văn hóa khiến cho một việc vốn chẳng dễ dàng lại càng trở nên khó khăn. Nhưng cũng may, chỉ cần kiên trì vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, sau khi thích ứng với cuộc sống nơi đây rất có thể bạn sẽ sống nhẹ nhàng, dễ chịu hơn nhiều. Khi mới đến Mỹ, tôi cũng từng trải qua một cuộc sống không thấy tương lai, mỗi ngày chỉ mải lo nghĩ làm cách nào để hoàn thành xong nhiệm vụ của hôm đó. Tuy nhiên, sau khi khắc phục được trở ngại ngôn ngữ, văn hóa, học hành và xin việc, cuộc sống hiện tại khiến tôi cảm thấy mọi nỗ lực ấy thật đáng trân trọng và quý giá. Trên thực tế, bất kể bạn ở đâu, khi buộc phải dựa vào chính mình thì sẽ chẳng có lấy một ngày để nghỉ ngơi đâu. Trong nước có những khó khăn riêng của nó, nước ngoài cũng có nỗi vất vả của nước ngoài. Đứng trước khó khăn thì ở đâu cũng như nhau, chỉ có điều vấn đề cụ thể bạn phải đối mặt không giống nhau mà thôi.
Ngoại trừ khó khăn, đối với việc đánh giá cuộc sống giữa hai quốc gia, mỗi người có một cách nhìn nhận vấn đề khác nhau. Bất luận bạn lựa chọn nơi nào, cũng sẽ giống như việc lựa chọn cách sống. Về bản chất, giữa các cách sống khác nhau không hề có sự phân biệt tốt xấu, chỉ có phù hợp hay không phù hợp. Phương thức sống đó phù hợp với bạn hay không, chỉ mình bạn mới biết, giống như việc đi giày, dễ chịu hay không chỉ chân mới hay. Hãy lựa chọn cách sống mà bản thân cảm thấy thích và phù hợp, sau đó bắt đầu tiến hành. Trong quá trình ấy, cho dù bạn sẽ vấp phải nhiều khó khăn, gặp chuyện không như ý, nhưng đó là sự lựa chọn của bạn, hãy tin rằng bạn có thể ung dung đón nhận mọi sự việc xung quanh. Cho nên, chẳng có trăng nào tròn hơn trăng nào, chỉ có ánh trăng trong lòng bạn mới tròn và sáng nhất.
Suy nghĩ về sự trưởng thành trong tôi
Về sự thích ứng
Thích ứng với cuộc sống du học là một quá trình chết đi sống lại của tôi. Như trước đây tôi đã từng nói, một cái cây nhỏ vừa mới bám rễ nảy mầm ở đất Trung Quốc đột nhiên bị nhổ cả gốc lẫn rễ mang sang trồng ở mảnh đất xa lạ. Nếu muốn tồn tại trong một môi trường hoàn toàn mới ấy, loài cây nào cũng phải trải qua một quá trình thích ứng đầy gian khổ, bất kể nó đã từng vô cùng mạnh mẽ.
Đối với tôi, ngôn ngữ chính là chướng ngại lớn nhất trong quá trình thích ứng ấy. Cho dù tôi là dân tiếng Anh chuyên ngành, đạt 28 điểm nói TOEFL và đã từng xem rất nhiều bộ phim Mỹ, nhưng khi vừa đặt chân đến đây, tôi vẫn sống tiêu cực một thời gian dài vì không thể nào thích ứng được với môi trường ngôn ngữ bản địa. Nguyên nhân rất đơn giản, kỳ thi mà chúng ta hay dùng để đánh giá năng lực tiếng Anh khác xa so với cuộc sống thực tế ở Mỹ. Vì thế trong đầu rỗng tuếch không chút kiến thức, việc phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài và gian khó trong môi trường mới là lẽ tất nhiên. Ngay cả khi học vấn đầy đầu, bạn vẫn có thể phải trải qua quá trình bị dồn nén vì xung đột văn hóa và rối loạn tâm lý.
Để thích ứng ngôn ngữ, đầu tiên phải bắt đầu từ sự thay đổi trong nhận thức. Bạn nhất định phải biết: Thứ nhất, dù trình độ tiếng Anh đến đâu, bạn vẫn sẽ đụng phải cái bẫy ngôn ngữ như những người khác. Về mặt này, đối với người lần đầu tiên xuất ngoại không bao giờ tồn tại tình huống đối đáp hoàn hảo không chút áp lực nào về ngôn ngữ, cho nên bạn phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Thứ hai, đừng cho rằng cứ sống trong môi trường đó, ngôn ngữ sẽ tự động tiến bộ. Nếu bạn không chủ động luyện tập, chẳng những trình độ không tiến bộ, mà ngược lại còn bị thụt lùi. Vì thế, nhất định phải dũng cảm, hạ quyết tâm chiến đấu đến cùng để vượt qua cửa ải này.
Sau khi hiểu được bản chất của quá trình thích ứng ngôn ngữ chính là sự vấp ngã và đứng lên liên tục, vậy bước tiếp theo hãy chủ động vấp ngã, tức là chủ động bộc lộ bản thân trong môi trường tiếng Anh, đồng thời có ý thức trau dồi, luyện tập. Bất kể bạn tìm ai – giáo viên hay bạn học, một anh chàng đẹp trai trong quán cà phê, hay một bà bán rau ngoài chợ, hoặc một nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty viễn thông, bạn cũng cần phải chủ động nói chuyện cùng họ. Bất kể nói về thời tiết hay văn hóa, thậm chí đánh cược với họ… tất cả đều là cách tốt giúp bạn nâng cao khả năng nói. Thực tế, chỉ cần bạn có quyết tâm luyện tập, chắc chắn sẽ tìm thấy con đường phù hợp nhất cho bản thân.
Trên con đường ấy, nỗi âu lo vì sai ngữ pháp mà biểu đạt không rõ ý, sự ngượng ngùng khi không phân biệt nổi “he”, “she” khiến đối phương mông lung chẳng hiểu, hay những day dứt do nhất thời không tìm ra cách diễn đạt để rồi phải ngắc ngứ nhất định sẽ liên tục xảy ra. Nhưng đó đều là quá trình bắt buộc trải qua, ai cũng phải gặp. Đừng để ý đến nó, hãy tiếp tục tiến lên phía trước, chỉ cần nói thật nhiều, nghe thật nhiều, trải qua quá trình tích lũy dần dần, tự nhiên trình độ tiếng Anh của bạn sẽ tiến bộ. Cứ suốt ngày trốn trong ký túc xá xem phim Hàn, hoặc chỉ chơi cùng bạn bè đồng hương thì mãi mãi bạn chẳng thể nâng cao được trình độ tiếng Anh. Quả thật rào cản ngôn ngữ chính là kẻ địch mạnh nhất của du học sinh, nhưng chỉ cần phá được cửa ải đó, sau này rất nhiều việc sẽ được giải quyết dễ dàng.
Ngoài vấn đề ngôn ngữ, rào cản lớn thứ hai trong quá trình thích ứng chính là việc học cách sống tự lập. Nói thực, mặc dù hồi còn ở trong nước, tôi đã chuyển vào sống trong ký túc xá từ sớm, nhưng khả năng tự lập của tôi lúc ấy không hề tốt. Bình thường, nếu đói bụng thì đến nhà ăn, áo quần bẩn mang về nhà cho mẹ giặt. Sau khi đến Mỹ, lần đầu tiên trong đời, tôi mới thực sự trải qua một cuộc sống hoàn toàn tự lập, đồng thời phải tự quyết định mọi việc lớn nhỏ trong cuộc sống.
Ban đầu, tôi cảm thấy việc lên lớp, viết luận, làm thêm ngoài giờ, thực tập luôn bận rộn khiến cuộc sống trở nên quá đỗi khó khăn, chẳng thể nào đủ sức suy nghĩ xem nên sắp xếp cho hợp lý. Vì thế, khoảng thời gian đầu, cuộc sống của tôi vô cùng lộn xộn, ăn uống bữa đực bữa cái, những món ăn Tây lạnh ngắt khiến tôi đau dạ dày, mà lại chẳng đủ tiền để ngày nào cũng đến nhà hàng ăn cơm Tàu, tôi đành phải học nấu ăn. Những ngày tháng vui vẻ nuốt đống thức ăn dù thừa biết rất khó tiêu đó, đến giờ nhớ lại vẫn vô cùng hoài niệm. Dần dà, tôi đã quen với cuộc sống tự lập. Lúc sắp tốt nghiệp, cuộc sống của tôi đã trở nên ngăn nắp trật tự hơn, không những việc học ngày càng thuận lợi, mà tay nghề nấu nướng cũng tiến bộ lên nhiều. Thêm vào đó, tôi còn ép bản thân học cách thay lốp xe hơi và dầu máy, đó thực sự là cuộc sống của người phụ nữ mạnh mẽ.
Tuy nhiên, khi đã khắc phục được rào cản ngôn ngữ, đồng thời sống tự lập hoàn toàn, đôi khi tôi vẫn cảm thấy khó hòa nhập với mọi người xung quanh. Vì thế, câu hỏi “tôi rốt cuộc phải hòa nhập vào xã hội Mỹ bằng cách nào” đã trở thành vấn đề day dứt mãi trong tôi, có thể nó cũng là căn nguyên khiến tôi không thể hoàn toàn thích ứng với cuộc sống nơi đây.
Ban đầu, để hòa nhập vào xã hội này, tôi luôn cố ý hoặc vô ý hùa theo những người Mỹ xung quanh. Chẳng hạn, tôi thường cố ý bắt chước dáng vẻ của họ, lúc nói chuyện tôi cũng cố chọn ra những chủ đề mà đối phương thấy thú vị. Tôi cho rằng, chỉ cần trở nên giống họ, mới được họ chấp nhận. Nhưng, kết quả như mọi người đã biết – tôi vốn chẳng phải người Mỹ, nay lại cố ý bắt chước và mô phỏng y hệt nên đã gây ra hậu quả khôn lường, đánh mất chính mình, không những biến bản thân trở nên kệch cỡm, khó coi, còn khiến trong lòng day dứt khó chịu.
Vấn đề nhức nhối đó chỉ có thể được giải quyết triệt để sau khi tôi bắt đầu đi làm. Lúc ấy, bộ phận IT trong cơ quan có một người tên John – ông ấy làm việc bán thời gian ở đó, ngoài ra còn có một công ty tư nhân. Công ty ông ấy có rất nhiều nghiệp vụ ở Trung Quốc, nên mỗi năm phải bay đi bay về giữa hai nước rất nhiều lần. Tuần đầu tiên khi tôi mới đi làm, ông ấy đã nhiệt tình làm quen với tôi. Hiển nhiên, ông ta quan tâm tới mọi thứ liên quan đến Trung Quốc, bởi vì ông cứ hỏi mãi không hết các vấn đề từ văn hóa, phát triển kinh tế cho đến chuyện ăn ở đi lại của người dân Trung Quốc. Những thứ khác có thể tôi không am hiểu, nhưng nhắc đến Trung Quốc, còn ai có quyền phát ngôn hơn một đứa con gái sinh ra và lớn lên tại đó như tôi cơ chứ? Và tôi và John đã trở thành bạn tốt thông qua các câu chuyện như thế.
John nói, rất nhiều người Mỹ cực kỳ hứng thú với Trung Quốc, họ hy vọng có thể hiểu sâu hơn về mọi thứ liên quan đến đất nước này. Dần dà tôi đã trở thành “sứ giả văn hóa” trong cơ quan, những lúc giải lao mọi người đều tìm đến tôi nói chuyện, mà lần nào cũng chỉ bàn về Trung Quốc. Thông thường, tôi giới thiệu cho họ diện mạo phát triển mới của đất nước mình, nhằm xóa tan những nghi ngờ hay cách nhìn phiến diện do giới truyền thông mang lại. Các đồng nghiệp luôn cảm thấy hài lòng vì hiểu thêm rất nhiều điều thú vị từ tôi, tôi cũng trào lên cảm giác kiêu ngạo và tự hào.
Lâu dần, tôi phát hiện ra, kỳ thực tôi không cần phải thay đổi bản thân để hòa nhập với đối phương. Nếu cưỡng ép bản thân trở thành một người hoàn toàn khác, thì cho dù hòa nhập được với họ, đối phương vẫn sẽ không thật sự tôn trọng bạn. Ngược lại, khi dũng cảm là chính mình, tự nhiên thể hiện bản thân, lại thu hút được rất nhiều bạn bè. Điểm khác biệt giữa tôi với mọi người, mới chính là điểm giúp tôi đứng vững.
Tôi chợt nghĩ đến một ví dụ rất thú vị. Một thằng bé rất sùng bái thần bài, vì thế nó bèn cải trang thành thần bài, ra vào các sòng bạc họ hay chơi, hút loại xì gà họ hay hút, cho rằng như thế sẽ có thể trở thành thần bài. Nhưng những người thật sự được gọi là thần bài lại chẳng phải vì điếu xì gà hoặc trang phục của họ, mà vì tài năng thiên phú, kỹ xảo tuyệt đỉnh cũng như trí thông minh và sự hiểu biết. Nếu không hiểu được bản chất vấn đề, không có phong cách của riêng mình, chỉ biết bắt chước người khác, như thế cả đời nó cũng chẳng thể trở thành thần bài được.
Câu chuyện khiến tôi nghĩ đến vấn đề tự định vị bản thân khi ở đất nước này. Còn nhớ một bài viết có tiêu đề Văn hóa Trung Quốc + Tinh thần Mỹ tôi từng đọc trước đây do một nam sinh viên Trung Quốc viết khi theo học Tiến sĩ tại đại học Boston (Do chưa tìm được nơi đăng bài gốc, nên không biết tên thật của tác giả, ở đây tôi xin trân trọng cảm ơn bài viết của anh đã gợi mở tâm hồn tôi). Là một du học sinh Trung Quốc, trong bài viết anh ta đã thảo luận cách tự định vị bản thân trong xã hội Mỹ. Anh ta nói, anh hy vọng làm một người truyền thụ và kế thừa văn hóa Trung Quốc đồng thời truyền bá tinh thần Mỹ, quan trọng hơn cả, anh ta còn muốn kết hợp cả hai con người trên.
Tôi nghĩ, tinh thần Mỹ ý chỉ tinh thần cạnh tranh công bằng, nỗ lực phấn đấu, thực sự cầu thị và không ngừng sáng tạo. Còn văn hóa Trung Quốc chính là những thứ chảy trong huyết mạch mỗi một người Trung Quốc suốt mấy ngàn năm qua. Tôi là một người Trung Quốc sống trên đất Mỹ, thật ra không cần khuếch đại hoặc che mờ đi văn hóa Trung Quốc, cũng không nên tán dương hay thần thánh hóa tinh thần Mỹ. Tôi phải giống như tác giả của bài viết, phải thử tìm cách kết hợp cả hai yếu tố, chắt lọc những tinh hoa để nhào nặn, như thế mới có thể biến mình trở nên bao dung và ưu tú hơn.
Còn đến lúc nào mới có thể hòa nhập hoàn toàn vào xã hội Mỹ, chắc phải cần một thời gian rất dài mới có thể đạt được. Nếu phải đưa ra số năm cụ thể, tôi nghĩ nó tùy thuộc vào từng cá nhân. Một số người có năng khiếu giao tiếp có thể mất ba đến năm năm để đạt đến ngưỡng ấy; còn những người bản tính hướng nội, có lẽ phải cần đến mười năm. Nhưng điều quan trọng là, đừng vì thích ứng mà buộc bản thân thích ứng, cũng không cần phải đánh mất bản thân trong quá trình ấy. Bạn vẫn là bạn, không cần phải trở thành người khác chỉ vì muốn đạt được mục tiêu. Cũng giống như tình yêu, vì muốn hòa hợp cùng đối phương mà thay đổi chính mình đó chẳng phải kế thông minh lâu dài; chỉ có người yêu bạn vì bạn chính là bạn mới đáng để đi cùng suốt cả cuộc đời.
Tóm lại, cuộc sống du học không phải thiên đường, nó có thể khó khăn hơn nhiều so với việc học trong nước. Vì thế, đối với những ai sắp bước vào con đường này, nhất định phải chuẩn bị tâm lý chịu khó chịu khổ. “Rốt cuộc tôi phải làm thế nào để thích ứng với cuộc sống nơi đây?” là vấn đề mà mỗi một du học sinh khi mới ra nước ngoài, hoặc những người mới nhập cư đều băn khoăn suy nghĩ. Thật ra, “thích ứng” quan trọng ở quá trình hơn là kết quả. Trong quá trình đó, khi bạn dường như sắp quên đi khái niệm “thích ứng”, tập trung sức lực vào cuộc sống hàng ngày, đó chính là lúc bạn sắp đạt đến đích của mình.
Đời người chính là quá trình từ không đến có, lại từ có về không, từ non nớt đến trưởng thành, từ phức tạp đến giản đơn. Trong cả quá trình ấy, bạn sẽ đánh mất đi một số thứ trước đây mình cảm thấy quý giá, nhưng cũng sẽ có được những thứ càng quý giá hơn cho hiện tại. Trải qua sự trui rèn và thất bại hết lần này đến lần khác, chúng ta sẽ dần trưởng thành, trở thành người có thể tự mình đưa ra quyết định và lựa chọn, đồng thời đạt được thành công cũng như phải trả giá cho chính những lựa chọn ấy. Hãy nhớ, bạn bỏ ra bao nhiêu công sức, sẽ thu lại bấy nhiêu thành quả, đó là chân lý mà tôi mãi mãi vững tin. Nhìn từ góc độ này, bây giờ ngẫm lại tuy cuộc sống du học vô cùng vất vả nhưng công sức tôi bỏ ra để thích ứng với quá trình ấy đều vô cùng đáng giá. Cũng chính vì vậy mà tôi cảm thấy việc lựa chọn du học là một trong những quyết định chính xác nhất tôi từng làm trong đời.
Về sự so sánh
Cuộc sống là của chính bạn, không liên quan đến người khác.
Đó là một cảm nhận khác của tôi sau vài năm ở Mỹ.
Thực sự hồi còn nhỏ, tôi là một cô bé rất thích so bì với người khác, hơn nữa còn cực xem trọng việc hơn thua. Lúc ấy, tôi hy vọng mình chơi đàn hay hơn người, luôn về đích đầu tiên trong cuộc đua tiếp sức ở đại hội thể thao hay đến cả chơi game cũng muốn vươn lên đứng đầu bảng. Nhưng những nỗ lực lúc ấy không phải vì muốn bản thân tốt hơn, mà chỉ đơn thuần vì hơn thua. Sau khi đến Mỹ, đôi lúc căn bệnh ấy vẫn bộc phát, mỗi khi thấy bản thân không bằng bạn bè người Mỹ hoặc đồng nghiệp xung quanh, trên một khía cạnh nào đó, tôi luôn cảm thấy vô cùng tự ti và mất hết lòng tin.
Sau đó, theo thời gian, khuyết điểm ấy cũng dần biến mất, tôi nghĩ có lẽ liên quan đến vấn đề tuổi tác. Tuổi tác càng lớn, ta càng ý thức được sự ngắn ngủi và quý giá của sinh mệnh. Mỗi khi nhận thấy bản thân đã lãng phí quá nhiều thời gian quý báu để so sánh với những người xa lạ, tôi lại cảm giác mình thật nực cười. Quan trọng hơn cả, khi tôi biết được mình làm tốt hơn người ta, ngoại trừ việc thỏa mãn cái tính hám hư vinh vô hình kia, bản thân chẳng hề có bất cứ thay đổi nào. Khi tôi biết mình kém cỏi, thực ra cũng chỉ lại rước thêm phiền não vào người. Chính vì thế, mù quáng so sánh với người khác là một việc làm hoàn toàn vô ích.
Mặc dù ở khía cạnh nào đó, việc so sánh có thể mang lại cho ta động lực, thường xuyên gặp gỡ những người tài giỏi càng khiến ta có ý chí phấn đấu. Nhưng, bản thân tôi lúc này cảm thấy việc so sánh có ý nghĩa thật sự chỉ khi so sánh với chính bản thân mình, so sánh mình ngày hôm nay với mình của hôm qua. Nếu mỗi ngày mình đều tiến bộ hơn hôm qua một chút, lâu dần, ta sẽ đi được rất xa so với điểm khởi đầu. Điều này cũng giống như tình yêu – một tình yêu đẹp không chỉ bởi những lời đường mật “anh yêu em, em yêu anh”, mà bạn phải bằng lòng biến mình trở nên tốt hơn vì người yêu. Sự thay đổi ấy không phải là máy móc thay đổi thành mẫu người mà đối phương yêu thích, mà là sự nâng cấp bản thân lên một phiên bản tốt hơn, phiên bản 2.0 của chính bạn dựa trên nền tảng ban đầu. Tình yêu là vậy, cuộc đời cũng như thế.
Nhà văn Dương Giáng[12] từng nói, điều kỳ diệu nhất trong cuộc đời chính là sự điềm tĩnh và ung dung nơi đáy tim. Bây giờ tôi mới hiểu được đôi chút ý nghĩa của câu nói ấy. Kỳ thực, về cơ bản cuộc đời chẳng có gì đáng để so sánh, bởi bản thân nó không phải cuộc cạnh tranh giữa bạn với người khác, mà là một chuyến đi chỉ thuộc về mình bạn. Chẳng ai quy định năm bao nhiêu tuổi phải làm việc gì, hoặc cuộc đời phải tuần tự đi theo những bước nào. Trên thế giới cũng không hề có thứ mang tên “cách sống đúng đắn”, cách sống của người khác xem ra có vẻ tuyệt vời, nhưng chưa chắc đã phù hợp với bạn. Chỉ có cách mà bạn thích, hoặc cảm thấy phù hợp mới chính là cách sống đúng đắn nhất.
Vì thế, giờ đây tôi đã dần học được cách quên đi việc so sánh với người khác dù chủ động hay bị động, để tập trung nhiều sức lực hơn cho chính mình, tìm kiếm sở thích của bản thân, tôn trọng cuộc sống mình đã chọn, đồng thời nhìn lại xem mình đã từng bước hoàn thiện và phát triển ra sao. Tôi tin rằng, chỉ cần tôi lựa chọn con đường đời phù hợp và không ngừng tiến bước trên con đường ấy, sớm muộn cũng có ngày tôi nhìn thấy đích đến của cuộc đời mình. Tôi sẽ không ngừng nhắc nhở mình rằng: Đây không phải là cuộc đua, nó chỉ là cuộc đời của chính tôi.
Về lòng bao dung
Những năm qua, tôi còn trải qua một quá trình trưởng thành khác, chính là biết bao dung hơn đối với người và sự việc không giống mình. Còn nhớ hồi học thạc sĩ, tôi từng tham gia một môn học có tên đa nguyên hóa nhân loại, giáo viên phân chia loài người thành từng nhóm dựa trên những cách thức khác nhau, ví dụ quốc tịch, chủng tộc, giới tính, tuổi tác, tôn giáo, thu nhập kinh tế, sức khỏe, vẻ bề ngoài, xu hướng tình dục… Bà ấy nói, dù bạn là ai, ở đâu, làm công việc gì, bạn luôn phải chịu sự kỳ thị ở nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ, thanh niên có thể không tôn trọng người già, kẻ thon thả hay tỏ vẻ trước mặt người béo phì, dân có tiền xem thường người nghèo khó, và cả xã hội khinh bỉ người đồng tính… Cho dù một số người có thể cảm thấy mình chưa từng kỳ thị người khác, nhưng dưới sự dẫn dắt của dư luận hoặc quan niệm “đương nhiên” ăn sâu trong máu, nên có thể rất nhiều người không hề biết quan điểm kỳ thị đang nằm sâu trong tiềm thức của bản thân.
Lúc ấy, môn học đó đã khiến tôi mở rộng tầm mắt, đồng thời giúp tôi hiểu hơn về chính mình và thế giới xung quanh. Lúc mới đến Mỹ, tôi thường nghe mọi người nói, người da đen rất lười nhác và nóng nảy, người Do Thái thông minh, chỉ biết theo đuổi lợi ích, người Mexico lười biếng toàn dựa vào làm việc vặt kiếm sống qua ngày… Điều đó có nghĩa, bạn sẽ gán ghép một cái mác tính cách nào đó dựa trên chủng tộc của anh ta. Đó chính là ấn tượng rập khuôn mà người ta hay nhắc đến khi nói về một chủng người nào đó. Chính vì thế ban đầu tôi không hề nhìn nhận người khác với tấm lòng bao dung. Sau một thời gian dài làm việc và sinh sống ở Mỹ tôi mới dần phát hiện, những ấn tượng ấy rất không phù hợp với tình hình thực tế.
Cảm ơn công việc, chính nó đã cho tôi cơ hội tiếp xúc với nhiều kiểu người khác nhau, trong đó có một vị khách hàng đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc. Cậu ấy là một người da đen 17 tuổi mắc chứng trầm cảm, đây là vị khách hàng da đen đầu tiên của tôi. Nói thật, do một vài miêu tả của giới truyền thông, nên mỗi khi nghĩ đến chuyện làm việc cùng người da đen bất giác tôi lại cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của bản thân. Buổi trị liệu đầu tiên cũng chính là lần đầu trong đời tôi tự mình lái xe đến khu vực người da đen, cảm giác vô cùng căng thẳng. Khu vực ấy tương đối tiêu điều, từ xa đã trông thấy rất nhiều người da đen ngồi bên lề đường đánh bài. Tôi dừng xe trước cửa nhà khách hàng, sau hồi lâu ngó nghiêng bên ngoài, xác định trong phạm vi lân cận không có bóng người, tôi mới cẩn thận bước xuống xe.
Sau khi xuống, tôi nhanh chóng bước đến trước cửa, vội vàng ấn chuông. Một thanh niên ra mở, đây là lần đầu tiên tôi gặp cậu ta. Vẻ ngoài cao to hơn tôi tưởng, mặt mũi khôi ngô, thân hình vạm vỡ, làn da đen hơn nhiều so với những người Mỹ gốc Phi khác. Tôi tự giới thiệu ngắn gọn, cậu ta mời tôi vào bằng một giọng lạnh lùng.
Phòng khách tối om, mặc dù bên ngoài trời đang sáng, nhưng mọi cửa sổ trong nhà vẫn buông kín rèm, lớp vải dày không cho một tia nắng nào lọt vào trong. Trong phòng lộn xộn bừa bãi, báo chí, hộp cơm vương vãi khắp nơi, khắp phòng còn bốc lên một thứ mùi kỳ quái. Vừa bước chân vào phòng, đang định hỏi tại sao cậu không bật đèn, không ngờ cậu ta đóng sầm cửa, thuận tay khóa trái lại. Lúc ấy tim tôi đập liên hồi, đầu chợt nghĩ tại sao cậu ta lại khóa cửa, lỡ cậu ấy làm hại mình thì sẽ phải thoát ra ngoài bằng cách nào. Lúc ấy, tôi không biết tại sao mình lại có ý nghĩ như thế. Nói chung tôi đứng bất động ngay giữa phòng khách, tự nhiên cảm thấy sợ hãi, nhất thời không biết nên ứng xử sao.
Tuy nhiên, cậu bé lại tỏ ra rất bình thường, sau khi khóa cửa, đi vòng qua tôi, cậu ta ngồi lên ghế. Tôi còn chưa kịp mở miệng, cậu ấy đã trực tiếp hỏi tôi bao nhiêu tuổi? Bởi vì không được phép tùy tiện tiết lộ tuổi tác với khách hàng, nên tôi hỏi tại sao cậu lại hỏi vấn đề này. Suy nghĩ hồi lâu, cậu ta chậm rãi đáp: “Về sau, khi em lớn đến tuổi chị, em muốn quay một bộ phim.” Tôi vội hỏi cậu ta muốn quay phim gì. Nào ngờ cậu ta trả lời một cách thản nhiên: “Phim người lớn.”
Thật sự lúc ấy tôi vô cùng sợ hãi, bởi khi tiếp nhận hồ sơ này, kinh nghiệm làm việc của tôi vẫn còn rất non nớt, không biết phải ứng phó với tình huống đó như thế nào. Một chuyên gia tư vấn tâm lý có kinh nghiệm phong phú, nhất định sẽ bình tĩnh hướng theo câu trả lời của cậu ta để đặt câu hỏi, nhưng lúc ấy tôi lại nghĩ: Trời ạ, rốt cuộc cậu muốn làm gì chứ? Nhỡ cậu ta trấn lột mình thì sao? Cậu ta cưỡng hiếp mình thì sao?… Trong đầu tôi hiện lên những cảnh tượng vô cùng đáng sợ, sau đó bèn nhanh chóng suy nghĩ cách thoát thân.
Đúng lúc tôi đang ngớ người, cậu ta đột nhiên đứng lên, nói muốn đi toilet. Nhân thời cơ đó, tôi bắt đầu quan sát toàn bộ căn phòng, ví dụ cửa sổ có thể mở ra hay không, phòng bếp có cửa sau thông ra ngoài không… đề phòng trường hợp xấu nhất. Đồng thời, tôi còn vội lục từ túi ra một cây bút chì được vót nhọn, cầm trong tay giả vờ ghi chép. Tôi nghĩ, một khi xảy ra chuyện, tôi có thể dùng nó để kháng cự. Cậu ta ngồi trong toilet rất lâu, tôi bắt đầu lo lắng liệu cậu ta có xông ra ngoài với bộ dạng xộc xệch không… Đang lúc thấp thỏm, đột nhiên có người ấn chuông cửa. Tôi chợt nghĩ liệu cậu ta có gọi đồng bọn đến? Nào ngờ, cửa vừa mở té ra là một cậu nhóc tầm sáu bảy tuổi ở nhà kế bên đến chơi. Lúc ấy, tôi mới cảm thấy bản thân đã quá đa nghi.
Thành thật mà nói, chính vì trong tiềm thức đã tự động mặc định người da đen gắn liền với bạo lực và nguy hiểm nên tôi mới lo lắng và sợ hãi như thế. Đó chính là ấn tượng ăn sâu vào đầu. Giờ ngẫm lại, tôi thật sự cảm thấy xấu hổ về cách nghĩ của bản thân lúc ấy. Thực tế, sau khi tiến hành trị liệu khoảng ba tháng, ngoại trừ lần đầu tiên, những lần còn lại tiếp xúc với cậu bé đều rất vui vẻ. Về sau, tôi còn liên tục tiếp nhận nhiều hồ sơ liên quan đến người da đen, nhưng không hề có trường hợp nào giống như tôi từng tưởng tượng.
Tôi phát hiện, rất nhiều gia đình người da đen vô cùng xem trọng việc giáo dục. Họ hy vọng con cái có thể tránh xa bạo lực và ma túy, đồng thời thông qua giáo dục để thay đổi vận mệnh của bản thân, tương lai tìm được một công việc đáng tự hào. Người da đen rất coi trọng gia đình, đặc biệt là bậc tôn trưởng, người được cả nhà kính trọng nhất. Trên phương diện về quan niệm gia đình, họ rất giống với người Á Đông. Trường hợp khiến tôi ghi nhớ nhất chính là một cô bé 16 tuổi, được cụ nội nuôi nấng. Sau khi cụ qua đời, cô bé liền mắc chứng trầm cảm. Trong khoảng thời gian làm việc cùng cô, tôi đã cùng gia đình này tham dự sinh nhật, ngày giỗ của cụ và lễ giáng sinh, từng chứng kiến những nghi thức mà người nhà tổ chức để tưởng niệm người quá cố. Ngày thường, bà nội, mẹ và cô bé cũng đều mặc chiếc áo có in tên cụ, đó là một sự kính trọng và yêu thương của họ với bậc trưởng bối trong gia đình.
Thông qua những lần trải nghiệm đó, hiện tại tôi đã trở nên bao dung hơn. Tôi nhận thức được, mình không thể đánh giá một con người tốt hay xấu chỉ dựa vào quốc tịch, chủng tộc, giới tính, độ tuổi, tôn giáo, thu nhập kinh tế hay xu hướng tình dục… Trong bất kỳ xã hội nào, dù bạn phân chia ra sao, nó đều tồn tại đủ các kiểu người khác nhau. Một giáo sư đại học vẫn có thể là một tên cầm thú, một lão nông dân miền núi cả đời chưa từng được đi học cũng có thể mang cả một tấm lòng lương thiện và trí tuệ lớn lao. Vì thế, đừng bao giờ đánh giá một con người qua vẻ bề ngoài hoặc sau đôi ba lời trao đổi, cũng đừng kết luận một ai đó chỉ thông qua vài ba thông tin vụn vặt. Những kết luận ấy không những thiếu công bằng, mà còn thể hiện sự võ đoán và qua loa đại khái.
Tôi của ngày hôm nay đã dần học được cách không gán mác cho người khác nữa, cũng không dễ dàng tin vào cái mác mà mọi người tự gán cho mình. Tôi càng không tin vào những lời như “người ta nói rằng”; mà ngược lại, tôi sẽ nhìn nhận một cá nhân như một cá thể độc lập, tự mình tìm hiểu anh ta là ai, từng làm gì, từng có những phát ngôn như thế nào, quá khứ ra sao… Nhưng điều quan trọng hơn cả, tôi không đánh giá người khác một cách tùy tiện, bởi vì ngay đến cuộc sống của mình tôi còn chưa suy ngẫm cho rõ ràng, lại đi tiêu tốn thời gian bàn chuyện về cuộc đời người khác, như vậy thật ấu trĩ và nực cười.
Tôi dần hiểu ra, mỗi một người đều có quyền lựa chọn cách sống riêng. Ngoại trừ chính bản thân họ, không ai có tư cách để đánh giá hay chỉ đạo cách sống của người khác. Đừng cảm thấy những điều khác với mình là sai trái. Không, nó không hề sai, nó chỉ không giống bạn mà thôi. Nói tổng quát, xã hội Mỹ có tính bao dung tương đối cao đối với những nhóm người cùng những nét văn hóa khác nhau, nên dễ nhận thấy sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu bạn không tôn trọng người khác chỉ vì màu da, chủng tộc, giới tính… của họ, rất có thể bạn sẽ chuốc phải rắc rối. Tôi tin rằng, hiện tượng phân biệt chủng tộc vẫn chưa hề chấm dứt ở Mỹ, nhưng sống tại đây lâu như vậy, đến nay tôi vẫn chưa từng gặp phải hiện tượng kỳ thị đối với cá nhân tôi hay cả nền văn hóa Trung Hoa, đây cũng coi như một điều may mắn. Hy vọng tương lai tôi cũng không phải bắt gặp điều đó.
Ngoài ra, nhân vấn đề về bao dung, tôi cũng muốn nhắc đến một điểm. Bởi công việc của tôi là điều trị cho những người mắc bệnh tâm lý hoặc có vấn đề về tinh thần, nên tôi muốn kêu gọi mọi người không nên có bất cứ sự kỳ thị hoặc những hiểu lầm một cách phiến diện về họ. Xin hãy hiểu, sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể xác đều quan trọng như nhau, một khi cơ thể mắc bệnh, ta có thể thoải mái đi khám bác sĩ, vậy nếu tâm lý hoặc tinh thần mắc bệnh, việc đó cũng là đương nhiên. Điều này không hề đáng xấu hổ, cũng chẳng có gì đáng buồn cười. Như những người bình thường khác, bệnh nhân tâm thần hoặc mắc chứng bệnh tâm lý cũng ước mơ một cuộc sống vui vẻ, chỉ vì họ đã trải qua một vài chuyện, khiến não bộ hoặc tâm lý không thể hoạt động một cách bình thường, cũng giống như một số bộ phận trên cơ thể khó lòng hoạt động trơn tru do người ta vấp phải sự cố nào đó. Bản thân những người mắc chứng tâm thần hoặc có vấn đề về tâm lý cũng rất đau khổ, họ luôn mong nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên, những kẻ khỏe mạnh luôn mượn cớ hiếu kỳ để soi mói vào thế giới của bệnh nhân tâm thần, cuối cùng gán cho họ những biệt danh như “thằng khùng”, “biến thái” hay “thần kinh”… để rồi từ đó xa lánh họ. Kỳ thực, những người thật sự bị mắc bệnh tâm lý luôn phải đau khổ đấu tranh với con ma trong tim mình mỗi ngày, vì thế, tôi hy vọng ngày có càng nhiều người đối xử với họ bằng thái độ tôn trọng, bình đẳng và bao dung hơn.
Về sự may mắn
Trong những ngày đầu tiên đến Mỹ, tôi cảm thấy mình là người đen đủi nhất thế giới, bất kể tôi chọn môn học nào cũng toàn gặp phải những giáo sư Mỹ cực kỳ nghiêm khắc. Dù ngồi ở đâu, xung quanh đều là những bạn học người Mỹ lạnh lùng. Đôi khi, tôi bị chó rượt cắn ngay cả lúc đi trên đường. Nói chung, tôi cảm thấy mình cực kỳ xui xẻo, như thể tôi chẳng cần phải làm thử bất kỳ điều gì, bởi dù thế nào cũng không thể thay đổi vận đen đang bám theo. Vì thế trong khoảng thời gian ấy, từ “vận may” chiếm cứ toàn bộ tâm trí tôi. Tôi những tưởng việc tìm cách đổi vận mới là nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Nhưng đợi mãi, thần may mắn vẫn chẳng thèm để ý.
Cho nên tôi bắt đầu nghĩ, trên thế giới này liệu có thứ mang tên “vận may” hay không? Nếu có, vậy rốt cuộc chúng là gì?
Sau một thời gian dài phấn đấu, hiện tại tôi đã không còn tin vào số mệnh nữa. Điều này có nguyên nhân của nó. Tôi thấy đa phần cảm giác an toàn của loài người bắt nguồn từ sự kiểm soát của bản thân đối với chính mình, người khác và thế giới bên ngoài. Nếu sự việc nằm trong tầm kiểm soát, bạn sẽ cảm thấy rất vững tin; ngược lại, bạn dễ dàng cảm thấy hoang mang và lo lắng.
Lúc ấy, phản ứng tâm lý bản năng nhất trong tiềm thức con người chính là mượn cớ thoái thác. “Số mệnh” cũng theo đó sinh ra! Chỉ cần trong lòng nghĩ “lần này không được may lắm” hoặc “do anh ta quá hên mới khiến mình vuột mất cơ hội này”… như thế trong lòng bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Đúng vậy! Vận số đến không ai biết đi chẳng ai hay, không thể nào nắm bắt. Nếu nó đã không nằm trong tầm kiểm soát của bạn, bạn cũng chẳng phải chịu trách nhiệm gì với nó. Và nếu đã không thể nào thay đổi được vận số, tự nhiên con người sẽ không còn cảm giác áy náy và dằn vặt.
Vì thế, những người tiêu cực luôn thích đổ lỗi tại hên xui, cảm thấy bản thân vô cùng nhỏ bé và bất lực trước vận mệnh. Mỗi khi gặp phải vấn đề, họ sẽ thổi phồng mặt tiêu cực của sự việc, đồng thời suy diễn bản thân sẽ gặp đen đủi trong tương lai. Sự huyền diệu của số mệnh nằm ở đây, nếu bạn cứ luôn cho rằng bản thân là người bị hại thì đa phần mọi chuyện sẽ phát triển theo chiều hướng tiêu cực như bạn đã dự kiến. Không phải vì bạn là thầy bói nên có thể thao túng được hướng phát triển của sự việc, mà chính tư duy của bạn quyết định tất cả. Bạn nhìn nhận chính mình ra sao, bạn sẽ trở thành người y hệt như thế.
Ngược lại khi làm việc, người tích cực chủ động rất ít khi nghĩ đến chuyện vận số. Mỗi ngày họ đều làm việc rất chuyên cần, cho dù thất bại họ vẫn tích cực tìm kiếm nguyên nhân, từ đó nhanh chóng thay đổi cho phù hợp. Cứ vậy, sau mỗi lần bước đi, rồi vấp ngã, nghiên cứu nguyên nhân tại sao, sau đó dũng cảm đứng lên tiến về phía trước, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Cuối cùng, đa phần đều sẽ từng bước hoàn thành được điều họ hằng mong muốn. Dưới con mắt người đời, họ là những người rất may mắn, nhưng bạn không hề nhìn thấy lúc họ vấp ngã, mà vẫn kiên cường nỗ lực đứng lên, tiếp tục tiến về phía trước. Họ thành công chỉ vì họ dám thử nhiều lần hơn, kiên trì lâu hơn người khác. Số lần càng nhiều, tỉ lệ thành công ắt sẽ càng lớn hơn.
Xem ra số mệnh có thể là một khái niệm liên quan đến tần suất. Thực tế, tôi cảm thấy số mệnh chỉ đơn thuần là xác suất kia, về cơ bản luôn được bảo toàn trong cuộc đời mỗi người. Nếu thật sự có vận may, nó cũng không vô duyên vô cớ đáp vào người những kẻ chỉ biết ngồi chờ kỳ tích, mà nhất định nó sẽ ưu tiên chọn lựa những người muốn cố gắng hết sức nhảy lên để bắt lấy nó. Nếu chỉ biết ôm cây đợi thỏ, vận may sẽ chẳng bao giờ đến; chỉ khi bạn chủ động làm điều gì đó, nó mới bất ngờ ghé thăm bạn. Nếu bạn không chịu làm gì, cho dù cơ hội và vận may đổ ập xuống bạn cũng sẽ chẳng đỡ nổi, không phải vậy sao?
Mỗi khi trong đầu hiện lên suy nghĩ đó, vỏ não sẽ sản sinh ra tín hiệu điện tử. Tư duy tiêu cực khiến hệ não rìa trong đại não hoạt động bất thường, những phản ứng mạnh mẽ đó tiếp tục tác động tương ứng lên cơ thể, ví dụ tay lạnh ngắt, tim đập nhanh, hơi thở gấp, các cơ căng thẳng… Ngược lại, tư duy tích cực khiến hoạt động của hệ thống rìa tương đối bình lặng, cơ thể bạn sẽ sản sinh ra những phản ứng khác hẳn so với tình hình kể trên. Điều này chỉ ra, mặc dù tư duy là một dạng tồn tại của ý thức, nhưng quả thật nó tạo nên ảnh hưởng đối với hành vi và tình cảm của con người, hơn nữa người ngoài đều có thể cảm nhận được những hành vi và tình cảm đó.
Đây chính là lý do tại sao những người có tư duy tiêu cực dù đi đến đâu cũng hệt như đám mây đen kịt, mang đến bầu không khí ức chế cho không gian xung quanh. Thử nghĩ, rốt cuộc con người muốn sống cùng những người vui vẻ yêu đời hay những kẻ tiêu cực bi quan để rồi suốt ngày rầu rĩ? Vì thế, trên đời thực sự tồn tại hiện tượng “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Bạn là người như thế nào thì sẽ gặp người như thế ấy; bạn muốn gặp được người như thế nào, trước tiên hãy biến mình trở thành người như thế cái đã. Nếu cảm thấy bản thân lâu nay toàn gặp xui xẻo, chưa từng được thần may mắn ngó ngàng đến, có thể bạn phải tự tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình.
Đừng cảm thấy bản thân nhỏ bé bất lực, mỗi một người đều dần trở nên mạnh mẽ từ chính sự nhỏ bé và bất lực ấy. Giống như khai màn bất cứ trò chơi nào bạn cũng phải bắt đầu với cấp độ một, liên tục tiêu diệt yêu quái để tích lũy điểm kinh nghiệm, sau cùng mới đủ sức quyết đấu với kẻ địch mạnh nhất. Bạn không thể trực tiếp đấu với lão yêu quái kia khi còn chưa đủ điểm kinh nghiệm, nếu cố quá chỉ có nước bị đối thủ diệt gọn. Đạo lý đơn giản này ai cũng hiểu, nhưng tại sao trong cuộc sống thực tế chúng ta cứ luôn hy vọng đạt được thành quả lớn nhất chỉ với vài ba sự nỗ lực? Trong game, nếu bạn thực sự qua cửa, đó không phải vì bạn may mắn, mà chỉ bởi bạn đã kiên trì đánh thắng từng màn một. Cuộc sống cũng vậy, nếu bạn nỗ lực, kiên trì sống từng ngày, sau cùng chắc chắn sẽ thực hiện được ước mơ. Khi mơ ước thành hiện thực, đó không phải dựa vào may mắn mà chính bởi sự phấn đấu, hy sinh của bạn bao lâu nay khiến bạn xứng đáng có nó.
Cho nên, đừng mong chờ thần may mắn ghé thăm nữa, hãy chuyển sang tin tưởng vào sự nỗ lực từng ngày, đó chính là bài học trưởng thành lớn nhất tôi có được sau một thời gian dài phấn đấu ở Mỹ. Mỗi khi toàn tâm toàn ý nỗ lực làm việc, tôi phát hiện quả nhiên mình đã trở nên may mắn hơn. Nắm chắc từng cơ hội, dùng một thái độ bình thản, nghiêm túc đối mặt với mỗi sự việc, sớm muộn cũng có ngày mọi thứ bạn làm trong quá khứ được đền đáp.
Nỗi băn khoăn trong tôi: Đi hay ở
Lúc mới đặt chân lên mảnh đất này, tôi ghét mọi thứ ở đây, ghét cái thành phố “nông thôn” rộng lớn đầy rẫy những thứ thức ăn tôi không thể nuốt trôi và những khuôn mặt lạ hoắc. Mỗi khi cảm thấy hụt hẫng vì không thể hòa nhập với mọi người xung quanh, tôi đều tin mình sẽ phủi mông bỏ đi ngay sau khi học xong, đơn giản vì tôi không thuộc về nơi đây.
Nhưng, sau vài năm học tập và làm việc, tôi đã dần quen với ngôn ngữ và văn hóa, tự mò mẫm được cách sống phù hợp với bản thân, dường như tôi đã tìm thấy vị trí và cảm giác thân thuộc của mình ở đất nước này. Mỗi khi kết thúc chuyến du lịch đến một thành phố khác và quay trở lại St. Louis, giây phút nhìn thấy chiếc cổng vòm to lớn của thành phố từ phía xa lòng tôi lại dấy lên một cảm giác vô cùng thân thiết, bất giác thốt lên: Cuối cùng cũng về đến nhà. Chẳng biết tự khi nào, tôi đã xem thành phố nơi tôi phấn đấu bao năm nay là quê hương thứ hai của mình. Sau đó, khi đã tốt nghiệp, kết hôn và tìm được việc ổn định, tôi quyết định an cư tại đây, cuộc sống cũng hoàn toàn đi vào đúng quỹ đạo vốn có của nó.
Vậy nhưng, mỗi khi nghĩ đến tương lai, một vấn đề liền bật ra thị uy trước mặt tôi: Rốt cuộc sau này, ta nên ở lại Mỹ hay quay về nước? Trong một lần tâm sự cùng người bạn đồng hương sống lâu năm tại đây, chúng tôi đã bàn đến vấn đề khiến tôi cực kỳ nhức đầu này. Ông ấy bảo, chẳng cần nói đến những người đi Mỹ du học như tôi, thực ra vấn đề đi hay ở vẫn luôn quấy nhiễu đầu óc mỗi thế hệ dân nhập cư trên khắp thế giới.
Ông đã tâm sự với tôi về nỗi niềm ấy rằng: “Cô gái trẻ, cháu hãy thử nghĩ xem, nếu ở lại Mỹ thì bố mẹ cháu ở trong nước sẽ như thế nào? Tương lai, khi họ già đi ai sẽ chăm sóc họ? Nếu cháu đón họ sang đây, liệu họ có thể thích ứng với cuộc sống nơi này hay không? Sẽ vấp phải cả loạt vấn đề về ngôn ngữ, văn hóa và bạn bè. Mỗi ngày cháu đều bận rộn chăm sóc con cái, liệu có còn thời gian chăm sóc họ? Lúc cháu đi làm, ai sẽ tâm sự cùng họ? Cháu có quen ở chung với họ không? Nếu không sống chung, liệu cháu có đủ tiền mua nhà cho họ? Tất cả những vấn đề thiết thực ấy đều đáng phải suy nghĩ cô bé ạ.”
Tôi lặng thinh khi nghe xong những câu hỏi đó, sau đó lại vội vàng nói, tương lai vợ chồng tôi cũng có thể suy nghĩ quay về nước sinh sống và làm việc. Ông nghe xong bật cười: “Đâu có đơn giản như thế… Nếu về nước, hai đứa dự định sẽ đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu hay quay về thành phố nhỏ ở quê cháu? Nếu lên những thành phố lớn, cháu có chịu đựng được cuộc sống lương thấp mà vật giá cao hay không? Quay về thành phố nhỏ liệu hai người có tìm được một công việc tử tế không? Thích ứng được với cuộc sống đó không? Tương lai có con cái, cháu sẽ giải quyết vấn đề giáo dục như thế nào? Cuộc sống rất nhiều phương diện, cháu cần phải suy nghĩ chu toàn.”
Một lần nữa tôi lại chẳng biết nói gì.
Tuy tôi không dễ tin vào lời người khác, nhưng suy nghĩ rất sâu sắc và thực tế của ông ấy thực sự khiến tôi ý thức được tính phức tạp của vấn đề. Trong lúc suy nghĩ rối bời, tình cờ tôi bắt gặp một bản điều tra trực tuyến mang tên “Tại sao rời xa quê hương?” trên Weibo. Trong phần giới thiệu của hoạt động có viết: “Rời xa bố mẹ đang ngày một già đi để đến mưu sinh nơi thành phố xa lạ, rốt cuộc là vì lý do gì? Ước mơ, thành công hay để sống sĩ diện?” Đọc xong tôi chợt nhận ra, thân là du học sinh, vấn đề tôi phải đối diện là việc ở lại Mỹ hay quay về nước, còn những người cùng độ tuổi với tôi ở trong nước lại phải đối diện với việc ở lại thành phố lớn hay về quê. Tuy phạm vi không giống nhau, nhưng bản chất vấn đề đều là một. Đó cũng chính là những vấn đề mà người bạn già đã nhắc nhở tôi.
Vậy rốt cuộc tôi rời xa gia đình vì điều gì? Vì muốn được học những kiến thức tiên tiến trong lĩnh vực chuyên ngành, vì muốn kiếm được một công việc bản thân thực sự yêu thích, vì muốn sống và làm việc trong môi trường tự do bình đẳng hơn, vì người mình yêu, vì muốn kiếm được nhiều tiền để bố mẹ có cuộc sống tốt đẹp. Nhưng người ta lại nói, bố mẹ không cần bạn phải kiếm nhiều tiền mà chỉ hy vọng được ở cùng bạn. Điều này lại quay trở về với luận điểm ban đầu: Rốt cuộc bạn nên quay về hay nên để bố mẹ sang đây. Quanh đi quẩn lại, vẫn là những nỗi băn khoăn và thỏa hiệp phức tạp.
Tôi dần phát hiện, trên thực tế vấn đề này không thể giải quyết được, chí ít trong hiện tại, bởi tôi không biết tương lai sẽ như thế nào. Bản thân cuộc đời mỗi người chính là một quá trình trưởng thành và thay đổi liên tục. Những thứ trước đây bạn thích thú sẽ dần trở nên không còn quan trọng nữa và bị thay thế bởi những theo đuổi sâu đậm hơn; những việc trước đây bạn chống lại, dần dần sẽ được chấp nhận, không những vậy thậm chí có lúc còn mong chờ; những điều trước đây bạn không hiểu thậm chí khinh bỉ, rồi bạn sẽ từ từ hiểu ra, đồng thời than vãn sao trước đấy mình không sớm nhìn thấu chúng. Tôi tin rằng, bất cứ ai cũng phải trải qua quá trình ấy. Vì thế, nếu đã không biết tương lai sẽ thay đổi ra sao, vậy trước mắt, mọi mơ hồ hoặc phiền não đối với tương lai cũng trở nên vô nghĩa.
Tôi của ngày hôm nay cảm thấy tương lai đi hay ở quan trọng nằm ở thời cơ. Khi thời cơ đến, tin chắc việc ắt sẽ thành công. “Thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng, xe tới trước núi ắt có đường.” Đâu rồi sẽ có đó, nếu bạn đã chẳng thể làm gì với những việc ngoài tầm tay, vậy hãy càng nỗ lực nắm chặt những gì có thể trong hiện tại. Đối với tôi, thứ có thể kiểm soát được bây giờ chỉ có thời gian mỗi ngày mà thôi. Tôi phải sống trong hiện tại, nghiêm túc hoàn thành mỗi việc cần làm. Tôi tin, khi mình vẽ xong từng nét nhỏ trong bức họa, tự khắc con đường hướng đến tương lai sẽ hiện ra trước mắt. Tôi cũng tin, khi tương lai gõ cửa, trong tim ắt sẽ có câu trả lời.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.