Du Học Trên Đất Mỹ

Lời Cuối: Mười Năm



Năm 2003 là năm đầu tiên tôi bắt đầu hành trình phấn đấu của bản thân. Năm ấy, tôi học năm thứ nhất. Trải qua một mùa thi đại học thất bại, tôi hoang mang lao vào một môi trường mới, tương lai mù mịt và không chút phương hướng. Cho đến khi làm quen với thầy Trịnh và Cá Béo Ướp Muối, quỹ đạo cuộc đời tôi mới hoàn toàn thay đổi. Năm ấy, cuối cùng tôi đã ngộ ra, đời này chỉ có mình mới có thể chịu trách nhiệm cho chính mình, sớm hay muộn mọi nỗ lực đã qua cũng sẽ được đền đáp. Chỉ khi nỗ lực thật sự mới thay đổi được vận mệnh, hơn nữa sự thay đổi ấy phải bắt đầu từ chính hiện tại.

Năm 2004, năm thứ hai phấn đấu. Năm ấy, tôi là sinh viên năm thứ hai. Vật vã điều chỉnh lại trạng thái lười biếng uể oải lúc trước, tôi bắt đầu học cách sắp xếp lại cuộc đời. Dần dần, tôi trở nên thích thú với cuộc sống có mục tiêu, đặc biệt là cảm giác hài lòng và thành công sau khi hoàn thành xong một mục tiêu nào đó. Năm ấy, tôi cùng Cá Béo Ướp Muối kết thành đôi bạn cùng tiến để không ngừng động viên, đốc thúc nhau mỗi ngày. Nào ngờ, chính lý do đơn giản ấy đã khiến chúng tôi trở thành những mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc đời nhau nhiều năm sau đó. Cũng trong năm ấy, do tác động từ thầy giáo và bạn bè, tôi đã nung nấu ý định du học trong lòng. Khi đó, suy nghĩ ấy chỉ như một hạt giống nhỏ, tương lai liệu có thể đơm hoa kết trái không tôi chẳng thể nào biết được.

Năm 2005, năm thứ ba phấn đấu. Năm ấy, tôi đã là sinh viên năm thứ ba. Nửa năm đầu tôi được chọn làm sinh viên trao đổi đến trường Đại học Bắc Kinh, đó là nửa năm khó quên đầy rung động trong tôi. Khoảng thời gian ấy khiến tôi nhận thức được bản thân chẳng khác gì ếch ngồi đáy giếng, nhưng đồng thời cũng khích lệ ý chí chiến đấu trong tôi. Có một câu nói rất hay, điều đáng sợ nhất không phải việc người khác xuất sắc hơn bạn, mà những người vốn xuất sắc hơn bạn luôn nỗ lực hơn bạn. Sau khi trở về từ Bắc Kinh tôi càng tin rằng, đối với một người không sinh ra trong vinh hoa phú quý lại chẳng có tài năng thiên phú gì như tôi, phấn đấu nỗ lực chính là con đường duy nhất. Nếu muốn cuộc đời không trôi qua tầm thường như trước, thì phải nỗ lực hơn ngay từ hiện tại.

Năm 2006, năm thứ tư phấn đấu. Năm thứ tư của đời sinh viên. Ba năm phấn đấu đầy vất vả cuối cùng cũng được đền đáp, tôi kiếm được một suất học bổng trực tiếp lên thạc sĩ. Vì thực lực chưa đủ nên đã vuột mất cơ hội vào trường Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh (BFSU), nhưng vẫn may được trường Đại học ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh (BISU) tiếp nhận. Cá Béo Ướp Muối gác lại kế hoạch du học, đi làm để tích lũy thêm kinh nghiệm. Tôi bỗng trở nên cô độc một mình với cuộc sống lười biếng uể oải như trước. Để tìm ra việc mà làm, tôi đã tham gia vào nhóm làm phụ đề dịch phim Eden, hưng phấn bước chân vào thế giới màn ảnh. Tôi bắt đầu lập blog cá nhân, và bắt đầu nghiệp viết, và cứ thế kéo dài đến bảy năm. Hồi ấy, khi viết bài blog đầu tiên, tôi chưa từng nghĩ có một ngày trang blog của tôi sẽ phát triển như hiện tại. Điều này một lần nữa chứng tỏ, khi bạn hoàn toàn quên đi mục đích và kết quả, chỉ đơn thuần làm vì yêu thích, toàn tâm toàn ý hưởng thụ quá trình làm việc đó, thành quả sau cùng sẽ tự trang điểm cho mình trở nên xinh đẹp, dịu dàng bước đến trước bạn và khiến bạn ngạc nhiên.

Năm 2007, năm thứ năm phấn đấu. Năm ấy, cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp đại học. Lúc mới nhập học, tôi quả thật không dám tưởng tượng mình sẽ trải qua bốn năm như thế nào, nhưng chớp mắt khi sắp phải ra đi, trong lòng lại vô cùng lưu luyến. Bây giờ ngẫm lại, điều tôi biết ơn nhất chính là ngôi trường ấy, nếu không có nó, tôi sẽ chẳng thể nào quen được thầy Trịnh và Cá Béo Ướp Muối, cuộc đời tôi cũng vì thế mà thay đổi. Thực tế đã chứng minh, với những sự việc bạn từng vô cùng căm ghét, rất có thể vài năm sau, bằng cách thức nào đó chúng sẽ tạo nên bạn của ngày hôm nay xuất sắc hơn. Năm ấy, tôi rời xa quê hương sau 23 năm sinh sống để đặt chân đến Bắc Kinh học thạc sĩ. Vì giấc mơ du học, lại một lần nữa tôi sống như một thầy tu khổ hạnh trong môi trường mới. Tuy cuộc sống vô cùng nhàm chán, nhưng đó lại là bức tranh phản ánh chân thực nhất cho ước mơ của tôi. Tôi đã từng nếm trải đủ nỗi vất vả vì thái độ vội vàng nóng nảy của mình, nên tôi thật sự sợ hãi bản thân sẽ đi vào vết xe đổ ấy.

Năm 2008, năm thứ sáu phấn đấu. Năm thứ hai học thạc sĩ. Tôi vẫn vật vã đi trên con đường xin du học đầy gian khổ, phải thi những kỳ thi mà cả đời không bao giờ muốn gặp lại, phải viết những bài luận không muốn đọc lần thứ hai. Vô số lần sửa chữa, vô số lần hài lòng, rồi vô số lần gạch đi viết lại. Trong hàng loạt những đêm mệt mỏi quay về ký túc xá, tôi nằm trên giường băn khoăn tự hỏi, nhỡ không đạt được điều gì sau bao khó nhọc ấy, mình sẽ đi về đâu? Khi phát hiện bản thân không còn đường lùi, lại là n ngày tiếp tục đánh vật với bản thân phải dậy sớm tự học. Sự thật đã chứng minh, khi làm một việc nào đó thì không nên quá lo lắng đến hậu quả, hãy dũng cảm làm theo kế hoạch, tự nhủ nếu không đến đích thì tuyệt đối không quay đầu. Và cuối cùng tôi cũng đi đến đích, cầm được tờ thông báo nhập học lâu nay mong chờ. Thời khắc ấy, mọi thứ đều xứng đáng.

Năm 2009, năm thứ bảy phấn đấu. Năm ấy, cuối cùng ước mơ du học của tôi cũng thành hiện thực, được đến Mỹ học thạc sĩ. Cũng chính nơi đây, đất nước với quan điểm giáo dục lâu nay tôi mơ mộng, suy đoán, ảo tưởng đã hoàn toàn bị đảo lộn ở nhiều mức độ khác nhau. Cuộc sống, thói quen làm việc, cách thức giao tiếp hay thậm chí cả thái độ kiêu căng tự mãn khi thành công của tôi trước đây đã thay đổi triệt để, hoàn toàn trắng trơn, tất cả phải bắt đầu lại từ số không. Tôi bắt đầu lê những bước đầu tiên vào một môi trường mới, dần học cách tự giải quyết mọi vấn đề. Năm ấy có lẽ là năm gian khổ nhất trong 7 năm qua, nhưng cũng chính là năm tôi trưởng thành nhanh nhất. Tôi vấp ngã nhiều lần và cũng dần mạnh mẽ hơn trong sự loạng choạng khi bước đi trên con đường ấy.

Rất lâu trước đây, tôi từng đọc một câu nói trên Weibo với đại ý rằng, thành quả lớn nhất từ việc du học không nằm ở ngôn ngữ hay học hành, mà chính là thứ năng lực khiến bạn có thể độc lập sinh tồn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng như thái độ khoan dung và khiêm nhường hơn đối với cuộc đời sau khi đã trải nghiệm nhân tình thế thái. Đây cũng chính là bài học lớn nhất của cá nhân tôi. Bạn không thể tạo ra năng lực này khi cứ cuộn mình trong chăn ấm, bạn buộc phải tự ném bản thân vào giữa môi trường xa lạ. Sự thật một lần nữa chứng minh, chiếc lò xo có độ đàn hồi tốt chỉ có thể bật được cao nhất khi bị nén đến mức tối đa.

Năm 2010, năm thứ tám phấn đấu, năm thứ hai ở Mỹ. Năm ấy, tôi học thạc sĩ năm thứ hai. Tôi như con thoi chạy tới chạy lui giữa phòng học, thư viện, nơi thực tập và ký túc xá, hết ngày này qua ngày khác. Cuối năm ấy, tôi chính thức tốt nghiệp, mọi công sức sau bao nhiêu ngày đêm khó nhọc, cuối cùng cũng lấy được tấm bằng thạc sĩ. Thời khắc ấy, kỳ thực không hề khiến tôi phấn khích như mình vẫn nghĩ, cảm giác hưng phấn chỉ kéo dài vài ngày, sau đó bị thay thế bởi nỗi lo âu về tương lai. Tốt nghiệp không có nghĩa ngừng phấn đấu, mà ngược lại, đó chỉ là điểm khởi đầu cho một chặng đường đời mới.

Năm 2011, năm thứ chín phấn đấu, năm thứ ba ở Mỹ. Lợi dụng khoảng thời gian rảnh rỗi sau khi tốt nghiệp, tôi đã viết cuốn sách đầu tiên trong đời, đây là cơ duyên mà trước nay tôi chưa từng nghĩ đến. Cũng trong năm ấy, cuối cùng tôi đã kiếm được công việc chính thức đầu tiên trong đời – chuyên gia tư vấn tâm lý học lâm sàng ở Mỹ. Lần đầu tiên cầm tấm danh thiếp tổ chức in cho tôi, mọi thứ hệt như một giấc mơ, không hề có thực. Cái cảm giác có thể tự nuôi sống bản thân thật tuyệt vời!

Năm 2012, năm thứ mười phấn đấu. Năm ấy, tròn một năm tôi làm việc tại Mỹ. Cảm giác mới đi làm thật tồi tệ, lòng tự tin xây dựng bao lâu nay bị đánh đổ hoàn toàn. Tôi bắt đầu nỗ lực tìm lại trạng thái cân bằng và phấn đấu trước đây, nhẫn nại tích lũy từng chút một. Tôi nghiên cứu cẩn thận từng hồ sơ, đồng thời cố gắng tìm ra những điểm mạnh mà bản thân có thể phát huy. Dần dà, chẳng biết tự lúc nào rất nhiều năng lực then chốt được hình thành. Quá trình phấn đấu lâu nay khiến tôi hiểu được: Nếu bạn muốn làm một việc nào đó, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ. Đối với việc thực hiện ước mơ, điều quan trọng nhất chính là “hành động” chứ không phải “mong muốn”. Trong năm này, Cá Béo Ướp Muối cũng kết thúc năm năm làm việc trong nước, thuận lợi xin theo học thạc sĩ tại Mỹ. Tuy chúng tôi không ở cùng thành phố, nhưng khoảng cách đã gần hơn nhiều.

Tháng 9 năm 2013, hành trình phấn đấu của tôi tròn mười năm. Mười năm đằng đẵng trong cuộc đời, không phải khoảng thời gian quá dài, nhưng khi bạn đứng lặng nhìn về phía sau, bạn sẽ cảm giác mười năm ấy là những tháng ngày dài vô tận. Lúc viết phần này, tôi những tưởng sẽ rất vất vả để nhớ lại mười năm đã qua, một vài chi tiết chắc hẳn đã trở nên mờ nhạt, nhưng khi động bút mới phát hiện, mọi khoảnh khắc đều hiện ra rõ mồn một ngay trước mắt.

Mười năm trước, một cô gái chưa tròn đôi mươi suốt ngày chỉ biết ngồi trong phòng học từ mới, làm bài tập và đề thi phân tích, cuộc sống vô cùng nhạt nhẽo, chẳng hề nhìn thấy tương lai. Lúc ấy, tôi và Cá Béo Ướp Muối luôn thích ngồi ở hàng ghế sau cùng trong phòng tự học, cứ mỗi khi không kiên trì nổi và muốn từ bỏ, hai đứa lại mang đống lý luận “mơ giữa ban ngày” ra để giải tỏa. Mỗi lúc như thế, cả hai chúng tôi đều đối đáp không đầu không cuối kiểu như:

Cá Béo Ướp Muối: Cậu nói xem tương lai chúng mình có thể xuất ngoại không?

Tôi: Tớ cũng chịu… nhưng dù có đi được hay không bọn mình vẫn phải kiên trì, nếu không sẽ “tắc tử” giữa đường.

Cá Béo Ướp Muối: Nếu có thể cùng nhau xuất ngoại thì thật tuyệt! Bây giờ mỗi khi nhắm mắt lại tớ đều mơ đến cảnh ấy, sung sướng không tả nổi!

Tôi: Đúng thế, tớ cũng có thể tưởng tượng được cảnh ấy… Tớ còn thấy cảnh hai chúng mình gặp nhau ở quảng trường Thời Đại, New York, phấn khích quá! Nếu quả thật có ngày ấy, chắc bọn mình ôm nhau mà la hét om sòm mất!

Cá Béo Ướp Muối: Ha ha, nghe cậu nói, tớ đột nhiên có động lực hẳn!

Tôi: Tớ cũng thế! Thôi, chúng mình tiếp tục học từ vựng đi, nếu không chẳng thể hoàn thành nổi nhiệm vụ hôm nay đâu, dù nói nhiều đến rách cả miệng, cũng chẳng xuất ngoại được!

Cuộc trò chuyện kết thúc, chúng tôi quay trở về với hiện thực, tiếp tục dán mắt vào những bài học nhàm chán. Hồi ấy, dường như ngày nào cũng có những cuộc trò chuyện tương tự thế. Giấc mơ xuất ngoại kéo dài đến mười năm đã luôn nâng cánh cho chúng tôi suốt bấy lâu nay.

Mười năm sau, tôi gặp Cá Béo Ướp Muối ở Mỹ thật. Đó là mùa đông năm 2013, tôi lái xe từ St. Louis đến Chicago cùng ăn Tết Nguyên đán với cô ấy. Mùa đông ở Chicago lạnh đến cùng cực, gió rét như cắt da cắt thịt, nhưng hai chúng tôi đứng bên bờ hồ Michigan với nhiệt huyết căng tràn, cùng ngắm cảnh đêm rực rỡ ánh đèn của trung tâm Chicago:

Tôi: Cậu có dám tin lúc này bọn mình đang đứng ở Mỹ không?

Cá Béo Ướp Muối: Hoàn toàn không…

Tôi: Cậu có dám tin bọn mình đang cùng nhau ăn Tết ở đây không?

Cá Béo Ướp Muối: Hoàn toàn không…

Tôi: Mười năm trước, những lời nói mơ mộng hão huyền để động viên nhau không được từ bỏ, nay đã trở thành hiện thực…

Cá Béo Ướp Muối: Đúng thế, đã thành sự thật rồi… mười năm rồi đấy, thật khó tin. Trước đây, tớ rất muốn biết tương lai sẽ ra sao, không ngờ tương lai mà ngày trước từng ao ước lại chính là hiện tại. Mỗi đứa mình phải viết một cuốn sách, hồi tưởng mười năm qua của chính mình mới được.

Tôi: Đúng là tri kỷ, tớ đã nghĩ ra tên sách rồi đấy – “Mười năm”.

Vì thế mới có cuốn sách này.

Mười năm qua, một chặng đường khó khăn, nhưng tôi chưa từng hối hận.

Giáo sư Randy[13] từng nói, trên con đường theo đuổi lý tưởng, nhất định chúng ta sẽ đụng phải những bức tường kiên cố, nhưng chúng được dựng lên không phải để cản bước chúng ta, mà nhằm ngăn trở những người không có khát khao lý tưởng. Những bức tường ấy cho ta có cơ hội để chứng tỏ mình mong muốn đạt được điều gì đó ghê gớm tới mức nào. Tôi từng đụng phải rất nhiều bức tường như thế, cứ hết chướng ngại này đến chướng ngại khác khiến tôi chán nản, nhưng mỗi lần vượt qua chúng, bản thân lại trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu cho tôi cơ hội để bắt đầu lại, tôi nhất định vẫn lựa chọn cuộc sống như thế, bởi nếu không có những bức tường ấy, nếu không có những trải nghiệm vượt qua chướng ngại khi xưa sẽ chẳng thể có tôi của ngày hôm nay.

Trong mười năm qua, tôi đã học tập, đã tốt nghiệp, đã kết hôn, đã làm việc. Trong mười năm tới đây sẽ lại xảy ra những việc gì nhỉ? Tôi của năm 2024 sẽ ở đâu và làm gì?

Năm 2024, tôi gần tròn 40, đúng là một độ tuổi không dám tưởng tượng nhiều. Hy vọng lúc ấy, tôi sẽ vẫn yêu trong hạnh phúc, vẫn có thể vui vẻ thân thiết cùng bạn bè như hiện tại. Hy vọng tôi đã thực hiện được ước mơ mở phòng tư vấn tâm lý tư nhân, đồng thời vẫn giữ được thói quen viết lách, ghi lại cuộc sống hàng ngày. Hy vọng tôi có thể tự do đi lại giữa hai xứ Trung-Mỹ, dành nhiều thời gian hơn để ở bên gia đình. Hy vọng tôi không phải suốt ngày soi gương và lo lắng cho những nếp nhăn trên mặt, mong rằng tôi có thể làm một phụ nữ đầy tự tin, khí chất như mẹ tôi hiện tại. Hy vọng lúc ấy, tôi có đủ sức đưa cả nhà đi du lịch khắp nơi, khiến ước mơ “vòng quanh thế giới” không còn viển vông nữa…

Nghĩ đến những giấc mộng hão huyền đẹp đẽ ấy, tôi cảm thấy tương lai đầy ắp những chờ mong. Sống trên đời thật hạnh phúc, có thật nhiều việc để làm, nhiều ước mơ để thực hiện, nhiều hạnh phúc rất đỗi bình thường cho ta dần tận hưởng. Có thể sống trong một thời đại vĩ đại như thế, được làm con gái của bố mẹ, làm vợ của chồng tôi, có một đám bạn chí cốt, tôi thật sự cảm thấy vô cùng hạnh phúc, hài lòng và biết ơn.

Cảm ơn mười năm đã qua, mong chờ mười năm sắp đến.

Cầu chúc cho tôi và tất cả các bạn luôn không ngừng tiến bước trên con đường đời thênh thang phía trước.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.