Đừng bao giờ đi ăn một mình
CHƯƠNG 30: Cân bằng là một khái niệm nhảm nhí
Cân bằng là một huyền thoại.
Bạn không thể nhìn vào lịch trình làm việc của tôi mà gọi là “cân bằng” theo tiêu chuẩn truyền thống. Để tôi chỉ cho bạn xem một ngày bình thường của tôi. Thứ hai: thức dậy lúc 4:00 sáng tại Los Angeles để gọi điện cho nhóm làm việc tại New York. Sau đó tôi nói chuyện điện thoại chừng vài giờ, cố gắng tổ chức một buổi quyên góp cho một người bạn đang tranh cử. Đến 7:00 sáng, tôi ra phi trường đáp máy bay đến Portland, Oregon để gặp khách hàng mới (hai chiếc điện thoại di động liên tục nhấp nháy, mở chiếc BlackBerry để gửi email, trong khi máy laptop nằm kế bên với các bảng tính) . Sau buổi gặp, tôi lên xe về lại Seatle và về lại với chiếc điện thoại, sắp xếp cuộc họp cho buổi tối hôm nay, cho ngày mai, và cho cả tuần. Tôi liên tục liên hệ người trợ lý, cố gắng gửi thư mời đến dự buổi tiệc tối hoành tráng tôi sẽ tổ chức trong một tháng nữa. Tại Seatle, tôi đã lên lịch ăn tối với những tay sẽ tổ chức hội thảo CEO của Bill Gates trong năm nay, sau đó tôi đi uống một tí với mấy người bạn thân. Và ngày mai, tôi sẽ có một cuộc gọi đánh thức lúc 4:00 sáng để tiếp tục vòng xoay này.
Vậy là bạn đã đến với “Ferrazzi Time”, như cách gọi đùa của bạn bè tôi, một giai đoạn làm việc liên tục và những nối kết nhân loại vẫn diễn ra.
Khi bạn chứng kiến một lịch trình làm việc hàng ngày như vậy, một câu hỏi thường bật ra trong đầu. Thế này có phải là cuộc sống không? Làm việc kiểu này người ta có còn tìm thấy cân bằng giữa công việc và đời sống riêng tư không? Và liệu bản thân mình có phải làm như Ferrazzi Time thì mới thành công?
Câu trả lời lần lượt là: Vâng, đây là cuộc sống, dù chỉ là của riêng tôi; vâng, bạn có thể tìm thấy cân bằng, theo định nghĩa của chính bạn; và không, ơn Chúa, bạn không phải làm như tôi.
Đối với tôi, điều tuyệt vời về một sự nghiệp theo đuổi mối quan hệ là nó không phải đơn thuần là công việc mà thôi. Nó là một phong cách sống. Cách đây vài năm, tôi bắt đầu nhận thấy rằng nối kết là một cách thật tuyệt để nhìn thế giới. Khi tôi suy nghĩ và hành động theo cách này, phân chia cuộc cống thành hai cực chuyên môn và riêng tư không còn cần thiết nữa. Tôi nhận thấy rằng điều giúp bạn thành công ở cả hai cực chính là thế giới con người và cách nối kết với họ. Cho dù những người này là gia đình, đồng nghiệp, hay bạn bè, sự nối kết thật sự cũng đòi hỏi bạn phải mang lại những giá trị tương đương cho mỗi nối kết. Vì vậy, tôi thấy không cần thiết phải phân biệt giữa hạnh phúc trong công việc và hạnh phúc trong đời sống riêng – đây là cả hai phần không thể thiếu trong tôi. Cuộc đời tôi.
Khi tôi hiểu rõ rằng chìa khóa quan trọng của cuộc đời là mối quan hệ, tôi nhận thấy mình không cần phải ngăn cách công việc ra khỏi gia đình hay bạn bè. Tôi có thể ăn mừng sinh nhật tại một hội thảo công việc, chung với những người bạn tuyệt vời, như lần gần đây, hay tôi có thể ở nhà tại Los Angeles hay New York với những người bạn thân.
Khái niệm sai lầm về cân bằng như một phương trình, và bạn có thể lấy bớt vài giờ bên này bỏ sang bên kia không còn hợp thời nữa. Vì vậy không còn cần thiết phải căng thẳng cố gắng đạt trạng thái cân bằng mà chúng ta vẫn thường nghe mọi người kêu gọi.
Cân bằng không phải là một món hàng để bán mua. Cân bằng cũng không cần phải “được thực hiện”. Cân bằng là cách suy nghĩ, cũng đặc biệt và độc đáo như bộ gene của mỗi chúng ta vậy. Khi bạn tìm thấy niềm vui, nghĩa là bạn đã thấy cân bằng. Lịch làm việc tất bật của tôi rất phù hợp với tôi, và có thể chỉ phù hợp với mỗi tôi thôi. Sự đan xen giữa công việc và cuộc sống không phải phù hợp với tất cả mọi người. Điều quan trọng là phải nhìn nhận việc kết nối với người khác không phải là một công cụ điều khiển để đạt mục tiêu mà là một lối sống.
Khi bạn mất cân bằng, bạn sẽ nhận thấy ngay vì mình bị hối hả, giận dữ, thấy thiếu ý nghĩa.
Khi bạn cân bằng, bạn vui tươi, hăng hái, và đầy hàm ơn.
Đừng lo lắng phải thiết lập một phiên bản Ferrazzi Time cho riêng bạn. Phương thức tốt nhất giúp bạn làm quen với người khác cũng chính là cách bạn tiêu thụ một con vượn 400kg: cắn từng miếng nhỏ thôi.
Nói cho cùng, chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc sống. Và cuộc sống này lệ thuộc vào những con người xung quanh chúng ta.
Thêm người thêm cân bằng
Nếu bạn đồng ý với cách suy nghĩ truyền thống về cân bằng (khái niệm cân bằng là một phương trình hai vế), như tôi trước đây, những câu hỏi “Nếu tôi thành đạt, sao tôi không thấy vui?” hay “Nếu tôi là người biết sắp xếp, sao cho tôi lúc nào cũng cảm thấy không kiểm soát được tình hình?” sẽ có câu trả lời là “đơn giản hóa”, “phân chia” hay “giảm thiểu” cuộc sống của bạn chỉ giữ những yếu tố thiết yếu mà thôi.
Như vậy là chúng ta sẽ cố gắng tiết kiệm thời gian bằng cách ăn trưa ngay tại bàn làm việc. Chúng ta sẽ bớt phần thời gian tán gẫu với đồng nghiệp, người lạ, hay những người “không quan trọng” khác tại khu lấy nước. Chúng ta tập trung thời gian biểu hàng ngày chỉ cho những hành động quan trọng nhất mà thôi.
Người ta nói với chúng ta, “nếu bạn biết cách sắp xếp, nếu bạn tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng, và biết hạn chế bản thân, chỉ quan tâm đến những người quan trọng trong cuộc đời bạn mà thôi, bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn hơn.” Đây là một lời khuyên hoàn toàn sai lầm. Đáng lẽ người ta phải khuyên bạn là “Bạn cần có một cuộc sống tràn ngập những người bạn yêu quý.” Vấn đề theo tôi, không phải là bạn đang làm gì, mà vấn đề là bạn đang làm với ai.
Bạn sẽ không thể cảm thấy yêu cuộc sống nếu bạn căm ghét công việc, và rất thường xuyên, người ta không yêu công việc chỉ vì họ phải làm việc với những người họ không thích. Nối kết với nhiều người giúp bạn nâng gấp đôi gấp ba cơ hội gặp gỡ những người giới thiệu bạn những công việc mới và hấp dẫn hơn.
Tôi nghĩ vấn đề trong thế giới hiện tại không phải là vì chúng ta có quá nhiều người phải quan tâm, mà là chúng ta không có đủ người. Tiến sĩ Will Miller và Glenn Sparks, trong quyển sách Refrigerator Rights: Creating Connections and Restoring Relationships, đưa ra ý kiến rằng khi chúng ta dễ dàng thay đổi chỗ ở, khi các giá trị cá nhân càng được tôn sùng, khi các phương tiện truyền thông thâm nhập sâu vào cuộc sống, chúng ta càng sống tách biệt hơn.
Có bao nhiều người có thể đi thẳng vào nhà của ta và tự mở tủ lạnh lấy nước uống? Không nhiều. Người ta cần có “mối quan hệ quyền mở tủ lạnh”, đủ để người ta cảm thấy thoải mái, thân mật, và gần gũi để đi thẳng vào nhà bếp người khác và lục tung cái tủ lạnh mà không cần xin phép. Những mối quan hệ gần gũi kiểu này giúp ta cân bằng, hạnh phúc, và thành công.
Chủ nghĩa cá nhân của người Mỹ không tốt cho việc làm quen với người khác. Nhưng cuộc nghiên cứu so sánh về mức độ căng thẳng trong công việc và sự bất mãn của công nhân cho thấy những người thuộc nền văn hóa cá nhân có khuynh hướng cảm thấy căng thẳng cao hơn những người thuộc các nền văn hóa cộng đồng. Mặc dù mức sống của chúng ta khá cao, của cải vật chất không mang lại sự lành mạnh tinh thần. Thay vào đó, như nhiều nghiên cứu chỉ ra, chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhờ vào cảm thác thân thuộc.
Khi chúng ta bị chìm đắm trong đời sống đơn độc, chúng ta đọc những quyển sách dạy tự bảo vệ, nhưng theo tôi, chúng ta không cần tự bảo vệ, chúng ta cần sự giúp đỡ từ người khác. Nếu bạn đồng ý với tôi, và tôi hy vọng bạn sẽ đồng ý, thì những gì tôi nói trong quyển sách này là thuộc giải độc hữu hiệu chống lại những ý tưởng cân bằng cổ điển. Nối kết là một hoạt động hiếm hoi mang đến cho chúng ta chiếc bánh ngọt, và cho phép chúng ta được ăn nó. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ thỏa mãn được công việc và cuộc sống, của bản thân và của mọi người.
Oscar Wilde đã từng đề nghị rằng nếu người ta làm những gì họ yêu thích, họ sẽ không cảm thấy mình đang làm việc. Nếu cuộc đời bạn sống xung quanh những người bạn yêu quý và họ cũng yêu quý bạn, thì không phải lo lắng về vấn đề “cân bằng” cuộc đời gì cả.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.