Đừng Để Nước Đến Chân Mới Nhảy

1. Xây dựng thói quen vững chắc



Làm thế nào để tổ chức, điều hòa và đưa mục đích vào công việc hàng ngày

 

Đó là lý do tại sao rất nhiều nhà sáng tạo nổi tiếng trung thành với một thói quen hàng ngày. Mỗi ngày, biên đạo múa Twyla Tharp đều thức dậy từ lúc hừng đông và vẫy một chiếc taxi đến phòng tập thể dục – một nề nếp mà cô gọi là “thời điểm khởi động”. Họa sĩ Ross Bleckner đọc báo, suy ngẫm, sau đó đến xưởng vẽ vào lúc 8 giờ sáng để có thể làm việc trong không gian yên tĩnh buổi sớm. Nhà văn Ernest Hemingway viết 500 từ một ngày, bất kể mọi trở ngại.

Những thành tựu sáng tạo thật sự vĩ đại đòi hỏi hàng trăm, nếu không kể là hàng ngàn giờ làm việc. Chúng ta phải dành ra thời gian trong từng ngày để tích góp vào khối thời gian ấy. Thói quen giúp chúng ta làm điều này bằng cách lập ra những kỳ vọng về sự khả thi, sắp xếp tiến trình công việc theo mức năng lượng của mình và đặt tâm trí vào một nhịp điệu đều đặn của công việc sáng tạo.

Việc xây dựng một thói quen thật ra chỉ là sự kiên trì và nhất quán. Đừng chờ đợi cảm hứng. Hãy tạo cho nó một khuôn khổ.

Nền tảng cho một thói quen hiệu quả

—Mark McGuinness

Nếu bạn muốn tạo ra điều gì đó có giá trị cho cuộc sống của mình, bạn cần phải vạch ra giới hạn giữa đòi hỏi của xã hội và tham vọng của riêng bạn. Tất cả chúng ta đều có những hóa đơn cần thanh toán và nghĩa vụ phải hoàn thành. Nhưng hầu hết mọi người luôn có một khoảng trung gian giữa những “phải” và “muốn” trong cuộc sống. Nếu bạn không cẩn thận, không gian đó sẽ tràn đầy e-mail, các cuộc hội họp và yêu cầu từ người khác, không còn chỗ cho những việc mà bạn xem là quan trọng.

Một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời, một thiết kế gây kinh ngạc, một phần mềm thay đổi cuộc chơi, một công ty cách mạng hóa – những thành tựu như vậy đòi hỏi thời gian, tâm trí, sự khéo léo và lòng kiên trì. Ta có thể thấy ở bất kì ngày nào, nỗ lực thế này không bao giờ có vẻ cấp thiết như bốn lá thư điện tử trong vòng nửa giờ từ khách hàng X hoặc đồng nghiệp Y yêu cầu điều hoàn toàn có thể chờ đợi một vài giờ thậm chí vài ngày.

Không ai thích cảm giác người khác đang sốt ruột chờ hồi âm của mình. Vào thời điểm khởi đầu một ngày mới, khi phải đối mặt với một hộp thư điện tử đầy ắp, một loạt các tin nhắn thư thoại và danh sách các bước cần làm tiếp theo từ cuộc họp trước, bạn bị cuốn vào những điều còn dở dang trước khi bắt đầu công việc của chính mình. Bạn tự nhủ sau khi được cập nhật thông tin, bạn sẽ dễ dàng tập trung hơn.

Rắc rối của cách nghĩ này nằm ở việc bạn mất đi khoảng thời gian hiệu quả nhất trong ngày cho các ưu tiên của người khác. Đến thời điểm bạn bắt tay vào công việc của mình, giữa trưa chẳng hạn, lúc năng lượng của bạn xuống thấp và não bộ hoạt động chậm.

“Chà, có thể ngày mai sẽ khá hơn,” bạn tự nhủ. Nhưng ngày mai lại có một núi e-mail, các tin nhắn điện thoại và danh sách các việc cần làm khác. Và nếu cứ tiếp tục như thế, bạn sẽ dành phần lớn thời gian của mình để đối phó – đáp ứng những yêu cầu nhận được và trả lời các câu hỏi của người khác. Và bạn sẽ không bao giờ tạo ra được điều gì thực sự giá trị.

Sáng tạo trước, đáp lại sau

Thay đổi quan trọng nhất mà bạn có thể thực hiện trong thói quen làm việc của mình là đảo ngược thứ tự: sáng tạo trước, đáp lại sau. Điều này có nghĩa là mỗi ngày, bạn dành ra một lượng thời gian đáng kể cho công việc sáng tạo vì ưu tiên của chính bạn. Hãy tắt hết điện thoại và hộp thư điện tử đi!

Tôi đã từng là một cây viết thất bại. Chuyển đổi này đã giúp tôi trở thành một nhà văn thành công. Hiện tại, tôi bắt đầu một ngày làm việc với nhiều giờ sáng tác. Nếu có thể tránh được, tôi không bao giờ sắp xếp các cuộc họp vào buổi sáng. Cho dù bất cứ điều gì khác xảy đến, tôi luôn hoàn thành được phần việc quan trọng nhất của mình. Và khi nhìn lại, tất cả những thành công lớn nhất của tôi đều là kết quả của sự thay đổi đơn giản này.

Tuy nhiên, không có ngày nào tôi ngồi viết một bài báo, bài blog, hoặc một chương sách mà không có một hàng những người chờ tôi trở lại làm việc với họ.

Điều này không hề dễ chịu và nó vẫn sẽ như thế, nhất là khi tôi nhận được tin nhắn bắt đầu bằng “Tôi đã gửi cho anh một e -mail từ hai giờ trước…!”

Theo định nghĩa, phương pháp này đối nghịch với những kỳ vọng của người khác và những áp lực mà họ đặt vào bạn. Cần phải có sức mạnh ý chí để đảo ngược thế giới, dù chỉ trong một giờ đồng hồ. Cảm giác đó thật không dễ dàng và đôi khi chúng ta cảm thấy muộn phiền. Nhưng làm một vài người thất vọng vì những việc nhỏ nhặt tốt hơn việc từ bỏ mơ ước của mình chỉ vì một hộp thư đến trống không. Nếu không, bạn sẽ hi sinh tiềm năng của mình vì ảo tưởng về tính chuyên nghiệp.

Những nền tảng của thói quen hàng ngày hiệu quả

Cứ xắn tay lên làm và và bỏ qua những yêu cầu phiền nhiễu nhưng làm cách nào bạn có thể làm được việc này hàng ngày?

Hãy bắt đầu với nhịp năng lượng của bạn. Có những thời điểm nhất định trong ngày thuận lợi cho sự tập trung sáng tạo nhờ sự phấn khích và minh mẫn theo nhịp sinh học của cơ thể chúng ta. Hãy nhận ra thời điểm mà dường như bạn có nhiều năng lượng nhất trong ngày và dành thời gian quý giá đó cho công việc sáng tạo. Nếu được, đừng bao giờ xếp một cuộc họp vào thời gian đó. Và đừng lãng phí bất kì giây phút nào cho công việc hành chính!

Kích hoạt sự sáng tạo. Gắn bó với các công cụ không đổi, môi trường xung quanh quen thuộc, thậm chí nghe cùng một bản nhạc nền sẽ trở thành những liên kết kích hoạt bạn bước vào vùng sáng tạo. Đây là cách Stephen King đã làm:

Có những điều nhất định mà tôi sẽ làm nếu tôi ngồi xuống viết. Tôi có một ly nước hoặc một tách trà, có một giờ nhất định khi tôi ngồi – từ 8 giờ đến 8 giờ 30. Tôi uống vitamin và nghe nhạc, ngồi vào đúng chiếc ghế đó và các giấy tờ đều được sắp xếp ở các vị trí không thay đổi. Mục đích tích lũy từ việc có một lộ trình làm việc duy nhất cho các ngày được xem là một cách để nói với tâm trí rằng bạn nhất định sẽ có ý tưởng sớm thôi.

Quản lý danh sách những việc cần làm. Giới hạn danh sách việc cần làm. Một tờ giấy ghi chú khổ 3” x 3” là hoàn hảo. Nếu bạn không thể ghi hết mọi thứ trong danh sách vào khổ giấy đó thì làm sao bạn có thể hoàn thành tất cả trong vòng một ngày? Nếu trong ngày, bạn cứ tiếp tục thêm vào danh sách đó, bạn sẽ không bao giờ hoàn tất được nó và động lực sẽ mất đi nhanh chóng. Hầu hết mọi thứ đều có thể chờ đợi đến ngày mai. Hãy để chúng như thế.

Ghi nhận mọi cam kết. Tập ghi lại tất cả các cam kết mà bạn đã đưa ra (với bản thân hoặc với người khác) ở mọi nơi để chắc rằng bạn không thể quên chúng. Điều này sẽ giúp bạn đáp ứng các yêu cầu hiệu quả hơn và giúp bạn trở thành một người cộng tác tốt hơn. Quan trọng hơn, nó sẽ giúp tâm trí bạn thanh thản. Khi bạn tự tin rằng tất cả mọi thứ đã được ghi nhận một cách cẩn thận, lúc này bạn có thể tập trung vào nhiệm vụ chính.

Thiết lập các giới hạn rõ ràng trong ngày. Thiết lập một thời điểm bắt đầu và kết thúc cho ngày làm việc ngay cả khi bạn làm việc một mình. Dành các khoảng thời gian khác nhau trong ngày cho những hoạt động khác nhau như: công việc sáng tạo, hội họp, trả lời thư từ, công việc hành chính, v.v…. Những giới hạn rõ ràng như vậy giúp một nhiệm vụ không kéo dài lâu hơn mức cần thiết và lấn vào thời gian của những công việc quan trọng khác. Ngoài ra, chúng cũng giúp bạn tránh được hội chứng nghiện công việc – một chứng gây kém hiệu quả hơn hẳn so với những gì bạn nghĩ.

Một thói quen thực sự hiệu quả luôn mang tính cá nhân cao. Đó là sự kết hợp độc đáo, phù hợp với tài năng và khuynh hướng của riêng bạn. Vì vậy, hãy thử nghiệm các yếu tố và tìm ra sự kết hợp cung cấp cho bạn nền tảng tốt nhất để làm việc hiệu quả. Bạn sẽ biết nó hiệu quả ngay khi lịch làm việc mỗi ngày bắt đầu ít giống một thói quen nhàm chán và gần hơn với một nề nếp sáng tạo.

 

“Tôi không chờ đợi cảm hứng. Sẽ chẳng có gì được hoàn thành nếu bạn làm vậy. Tâm trí bạn phải biết rằng đã đến lúc cần bắt tay vào làm việc.”

—Pearl S. Buck

Khai thác sức mạnh của sự đều đặn

—Gretchen Rubin

Chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao những gì có thể làm trong một thời gian ngắn và đánh giá thấp những gì có thể làm một cách chậm rãi, đều đặn trong một thời gian dài. Anthony Trollope, nhà văn của thế kỷ XIX, một tiểu thuyết gia có năng lực sáng tác sung mãn đồng thời là người thực hiện cách mạng hóa hệ thống bưu chính của Anh, đã nhận xét, “Một công việc nhỏ bé hàng ngày, nếu nó thật sự được thực hiện hàng ngày, sẽ đánh bại sức mạnh nhất thời của Hercules.” Về lâu dài, sự đều đặn của một thói quen nhàm chán sẽ thúc đẩy cả năng suất cũng như sự sáng tạo.

Là một nhà văn, tôi làm việc mỗi ngày, kể cả ngày cuối tuần, ngày lễ và các kỳ nghỉ. Tôi thường viết nhiều giờ một ngày, mặc dù đôi khi có thể một lần chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn là 15 phút và không bao giờ bỏ qua ngày nào. Tôi đã phát hiện ra rằng cách làm việc đều đặn với mức độ sáng tạo cao này có thể giúp hoàn thành được nhiều hơn.

Làm đều đặn để bắt đầu dễ hơn. Bắt tay vào việc luôn là một thách thức. Bắt đầu một dự án từ giấy trắng và quay lại làm việc sau một giờ giải lao là một điều khó khăn. Bằng cách làm việc mỗi ngày, bạn giữ được đà tiến lên. Bạn sẽ không có thời gian để thấy tách biệt khỏi tiến trình công việc. Bạn sẽ không bao giờ quên vị trí của mình và lãng phí thời gian xem lại tốc độ của mọi thứ hoặc nhớ xem bạn đã hoàn thành những gì. Vì dự án của bạn chưa hề phai mờ trong tâm trí nên bắt đầu tại điểm bạn đã dừng lại rất dễ dàng.

Làm việc đều đặn giữ cho ý tưởng luôn mới mẻ. Có thể bạn sẽ phát hiện ra các mối liên hệ đáng ngạc nhiên và những liên kết mới mẻ giữa các ý tưởng, nếu tâm trí bạn vẫn tiếp tục nghĩ đến chúng. Khi tôi đặt hết tâm trí vào một dự án, tất cả mọi thứ tôi trải nghiệm đều dẫn đến nó một cách đầy hứng khởi. Thế giới trở nên thú vị hơn. Điều này rất quan trọng bởi tôi cần một cảm hứng dồi dào và khi trở nên nhạy cảm với các nguồn sáng tác tiềm năng, những ý tưởng nảy nở. Ngược lại, làm việc không thường xuyên khiến bạn khó giữ được tập trung. Khi đó bạn dễ dàng giậm chân tại chỗ, bối rối, phân tán, hoặc quên đi mục tiêu mà mình hướng tới.

Làm việc đều đặn giảm đi áp lực. Nếu mỗi tuần bạn chỉ viết được một trang sách, một bài blog hoặc một báo cáo, bạn kỳ vọng nó phải thật tốt và bắt đầu băn khoăn về chất lượng. Tôi có biết một nhà văn, người rất khó buộc bản thân sáng tác. Khi chị xoay sở để giữ được mình ngồi trước máy tính với một núi công việc, chị gặp phải một áp lực rất lớn là phải thật tài năng. Chị đánh giá thành phẩm của mỗi phân đoạn một cách khắt khe. Chị không làm được nhiều việc nên những gì cố hoàn thành phải thật sự rất xuất sắc. Bởi tôi làm việc hàng ngày nên không ngày nào có vẻ đặc biệt quan trọng. Tôi có những ngày hiệu quả và những ngày không. Một số ngày, tôi hầu như không hoàn thành được gì cả. Nhưng không hề gì, bởi tôi biết mình đang làm việc đều đặn. Kết quả của việc không âu lo đặt tôi vào một tâm trạng thư thái và cho phép tôi thử nghiệm và chấp nhận rủi ro. Nếu một việc nào đó không tiến triển, tôi vẫn có rất nhiều thời gian để thử một cách tiếp cận khác.

Làm việc đều đặn kích thích sự sáng tạo. Có thể bạn nghĩ, “Phải làm việc thường xuyên, dù có cảm hứng hay không, sẽ buộc tôi phải hạ thấp những tiêu chuẩn của mình.” Theo kinh nghiệm của tôi, tác động lại hoàn toàn ngược lại. Thường thì người ta có được thành quả tốt nhất bằng cách không ngừng tạo ra thành phẩm. Sự sáng tạo nảy sinh từ những ý tưởng tuôn ra không ngừng và một trong những cách dễ dàng nhất để khuyến khích ý tưởng dồi dào là hướng tâm trí gắn chặt vào dự án. Khi bạn làm việc thường xuyên, nguồn cảm hứng cũng đến thường xuyên.

Làm việc đều đặn củng cố cho nhau. Nếu bạn phát triển thói quen làm việc thường xuyên, bắt đầu và hoàn tất việc gì đó sẽ dễ dàng hơn nhiều ngay cả khi thời gian của bạn hạn hẹp vì bạn không cần phải mất thời gian để làm quen với điều đó. Tôi biết một nhà văn, người kết hôn với một họa sĩ và cô ấy đã nói với tôi, “chúng ta hãy nói về ‘quy tắc mười phút’. Nếu công việc của chúng ta tiến triển tốt, ta có thể bắt tay cải thiện một việc gì đó và kết thúc trong vòng mười phút.” Làm việc đều đặn cho phép chúng ta tận dụng những khoảng thời gian ngắn này.

Làm việc đều đặn thúc đẩy hiệu quả. Không có gì ngạc nhiên khi bạn có thể hoàn thành nhiều hơn nếu bạn làm việc mỗi ngày. Điều hiển nhiên là thành quả của mỗi ngày làm việc sẽ giúp công việc của ngày hôm sau diễn ra suôn sẻ và dễ dàng hơn. Không có gì hài lòng hơn việc thấy bản thân đều đặn tiến đến mục tiêu lớn của mình. Bạn tiến lên phía trước từng bước một. Đó là lý do tại sao tập viết hàng ngày hoặc viết nhật kí trên blog cũng có thể rất hữu ích. Chính điều này cho bạn thấy rằng bạn có khả năng làm công việc đó. Ngày này qua ngày khác, tiến bộ là sự trấn an và truyền cảm hứng, hoảng loạn và tuyệt vọng thế chỗ khi bạn thấy mình không hoàn thành được gì. Một trong những trớ trêu của đời sống công việc là nỗi bất an do trì hoãn, thậm chí còn khiến người ta khó thực hiện việc phải làm hơn trong tương lai.

Làm việc đều đặn là cách tiếp cận thiết thực. Làm việc thường xuyên rất hữu ích khi bạn đang tiến hành một dự án sáng tạo với áp lực từ các nghĩa vụ công việc hay nghĩa vụ gia đình. Thay vì liên tục cảm thấy nản lòng vì không có thời gian cho dự án, bạn hãy tự tạo cho mình thời gian vào mỗi ngày. Nếu bạn làm một ít mỗi ngày, bạn có thể hoàn thành nhiều việc sau quá trình hàng tháng và hàng năm (xem ở trên). Ngoài ra, đều đặn không nhất thiết là mỗi ngày bạn đều phải thực hiện; điều quan trọng nhất chính là tính nhất quán. Tuy nhiên, khoảng cách giữa những lần thực hiện càng cách xa, những lợi ích bạn thu được càng giảm.

Điều ngược lại với một chân lý thông thường cũng có thể đúng. Trong khi làm việc đều đặn trong một thời gian dài có nhiều điểm thuận lợi, đôi khi cũng rất thú vị khi thử một cách tiếp cận táo bạo: làm việc cường độ cao trong một khoảng thời gian cực ngắn. Trong cuốn Making Comics (tạm dịch: sáng tác truyện tranh), Scott McCloud giới thiệu cái mà ông gọi là truyện tranh 24 giờ: “Vẽ toàn bộ một cuốn truyện tranh 24 trang chỉ trong vòng 24 giờ. Không phác thảo. Không chuẩn bị. Khi đồng hồ bắt đầu đếm giờ, đừng ngừng lại cho đến khi bạn đã hoàn tất. Đây là giải pháp kinh ngạc cho việc giữ lại trọn vẹn cảm hứng một cách sáng tạo.” Tôi thích gắn bó với công việc của mình từng chút một, nhưng đôi khi tiến một bước lớn đầy tham vọng hữu ích hơn. Bằng cách giải quyết nhiều hơn thay vì ít hơn, tôi cảm nhận sự dâng trào của năng lượng và sự tập trung.

Tôi có một danh sách các “Bí Quyết Của Sự Trưởng Thành” – những bài học tôi đã đúc kết được trong quá trình trưởng thành của mình, chẳng hạn như: “Một công việc không được bắt đầu gây mệt mỏi hơn,” “Làm cho một ngày của bạn dài hơn, một năm sẽ ngắn lại,” và “ Luôn luôn sẵn sàng để tiếp nhận điều mới”. Một trong những bí quyết hữu ích nhất của tôi là, “Việc ta làm mỗi ngày đáng phải cân nhắc hơn những việc thi thoảng.”

Ngày qua ngày, chúng ta tổ chức cuộc sống của mình và từng bước tạo nên những điều phi thường từ trí tưởng tượng của mình.

 

“Ta là những việc ta làm đi làm lại. Khi đó, sự xuất sắc không phải là một hành động mà là một thói quen.”

—ARISTOTLE

 

Cải thiện thực hành sáng tạo

— Seth Godin

Seth Godin biết nhiều điều về việc hoàn thành công việc. Ông không ngừng đổi mới với tư cách là một doanh nhân, một nhà văn, một nhà giáo dục. Tất cả những vai trò trên cùng lúc tạo nên một số lượng công việc khổng lồ gồm những dự án mang tính đột phá như: Dự án Domino, Squidoo và Chương trình MBA thay thế và 14 cuốn sách bán chạy. Chúng tôi trò chuyện với ông về việc cải thiện thói quen hàng ngày là điều kiện tiên quyết để gặt hái thành công như thế nào.

Phần khó khăn nhất để một thói quen hàng ngày đi đúng hướng là gì?

Tất cả những ai làm công việc sáng tạo đều từng phải tìm cách để đối phó với cơn ác mộng của mình và hoàn thành công việc. Không có bằng chứng nào cho thấy dựng giá vẽ giống hệt như Van Gogh sẽ giúp bạn vẽ tốt hơn. Mỗi chiến thuật có một phong cách riêng. Nhưng các chiến lược thì thường phổ biến. Và có rất nhiều người tài năng không thành công theo cách mà họ muốn bởi chiến lược có vấn đề.

Theo tôi, chiến lược rất đơn giản. Chiến lược phải có phương thức và có phương thức nghĩa là thực hiện một việc gì đó thường xuyên và chắc chắn như một thói quen.

Có rất nhiều cách để báo hiệu cho chính mình rằng bạn đang thực hiện theo cách thức của mình. Ví dụ như có những người chỉ khoác lên mình một chiếc áo choàng trắng hoặc đeo một cặp kính hay luôn làm việc ở một nơi cụ thể với những việc làm này, họ đang chuyên nghiệp hóa công việc nghệ thuật của mình.

Ý niệm rằng tôi làm công việc của mình tại đây, ngay bây giờ, như thế này, ngay cả khi tôi không thấy thích thú hay rất quan trọng. Bởi vì có rất, rất nhiều người trở nên sáng tạo khi họ cảm thấy yêu thích, nhưng bạn chỉ trở thành một người chuyên nghiệp một khi bạn làm được việc ngay cả trong lúc không cảm thấy thích thú. Và việc gạt cảm xúc sang một bên là lý do vì sao đây là công việc, chứ không phải sở thích.

Người ta đấu tranh với điều gì nhiều nhất, ngoài chăm chỉ thực hiện thói quen hàng ngày của mình?

Thực hành là một phần đáng kể. Điều thứ hai thực sự cần thiết là nhận thức rằng trở nên sáng tạo đồng nghĩa với việc bạn phải bán ý tưởng của mình. Nếu bạn là một người chuyên nghiệp, bạn sẽ không nói “Ôi chao, bây giờ tôi buộc phải đi bán ý tưởng”. Bán ý tưởng là một phần của công việc sáng tạo bởi nếu bạn chỉ giữ nó cho riêng mình thì sẽ chẳng bao giờ có nghệ thuật. Thật không công bằng khi chỉ nhiệt huyết với một việc, còn những việc khác thì cẩu thả.

Nếu nói đến một nghệ sĩ ban đầu không hề sở hữu khả năng bán hàng ấy nhưng về sau lại có thể phát triển nó, ông sẽ nghĩ đến nghệ sĩ nào?

Tôi chưa bao giờ gặp bất kì ai giỏi bán hàng ngay từ lúc sinh ra. Tôi nghĩ rằng tất cả những ai đã khám phá ra cách biến công việc thành một kế sinh nhai cũng đều hiểu điều trên bởi nó rất quan trọng với bản thân họ, chứ không phải vì điều này là hiển nhiên. Nhưng ngược lại, tôi biết hàng tá người tự gọi mình là nghệ sĩ, những người được sinh ra với tài năng đó và không bao giờ phải thật sự nỗ lực để có được nó. Họ nghĩ rằng mình có quyền kiếm sống bằng lợi thế này, nhưng họ không sẵn sàng để làm công việc khó khăn nhất, việc mà tất cả mọi người đều cảm thấy khó thực hiện – đó là bán hàng.

Đôi khi chúng ta nỗ lực trong ngắn hạn nhưng vẫn không thể đạt tới mục tiêu tổng thể. Làm thế nào để công việc ngắn hạn phù hợp với các mục tiêu lâu dài?

Lý do bạn gặp khó khăn với thực hành trong dài hạn nếu bạn có thể xây dựng một thực hành trong ngắn hạn là vì bạn lo sợ. Nỗi sợ hãi, kháng cự, luôn âm ỉ. Nó không để lại nhiều dấu vân. Tuy nhiên, một người thực hiện thành công một đoạn phim ngắn, khiến tất cả người xem choáng váng, nhưng lại không thể kiếm đủ kinh phí để thực hiện một bộ phim truyện, hay một người tìm được công việc tự do túc tắc chỗ này một chút, chỗ kia một chút, nhưng không thể tìm ra cách biến nó thành một công việc toàn thời gian – người ấy đang thực hành tự hủy hoại.

Những người này tự hủy hoại mình bởi lựa chọn khác là dấn mình vào thế giới như một người biết mình đang làm gì. Họ sợ rằng nếu họ làm thế, họ sẽ bị xem là kẻ lừa đảo. Một ai đó đứng lên tại cuộc họp hội đồng quản trị, một hội thảo, hay trước các đồng nghiệp và nói, “Tôi biết cách làm việc này. Công việc của tôi đây. Tôi đã bỏ ra một năm cho nó. Nó thật sự rất tuyệt”, là điều rất khó khăn.

Việc đó khó thực hiện vì hai lý do: (1) nó đem đến cho bạn những lời phê bình, (2) nó đẩy bạn vào thế giới như một người biết mình đang làm gì, điều này đồng nghĩa với ngày mai bạn cũng phải biết việc mình làm và bạn vừa ký cam kết cho cả một cuộc đời biết rõ những gì mình làm.

Than vãn, hủy hoại bản thân, đổ lỗi cho khách hàng, hệ thống và nền kinh tế dễ dàng hơn nhiều. Bạn trốn tránh, bạn cho rằng bạn không đủ giỏi, rằng thế này không hoàn hảo, rằng mọi sự đáng lẽ phải tốt hơn thế.

 

“Bạn không thể CỐ GẮNG làm mọi việc, bạn phải LÀM chúng.”

— RAY BRADBURY

Tìm chỗ cho sự cô tịch

— Leo Babauta

Năm 1845, Henry David Thoreau chuyển đến sống tại một khu rừng cạnh bờ hồ Walden để tìm sự cô tịch cho những suy tư và sáng tác của mình. Ông muốn thoát khỏi những biến động và sự huyên náo của cuộc sống thành thị thế kỷ XIX. Ông viết: “Tôi tìm đến rừng vì tôi muốn sống chậm, để trước mắt tôi chỉ còn lại những hiện thực thiết yếu của cuộc sống, để xem tôi không thể học những điều mà nó truyền dạy và nhận ra rằng mình đã thật sự sống trước khi chết đi.”

Nói cách khác, ông đã đi để học hỏi những điều mà sự cô tịch của khu rừng dạy ông về cuộc sống.

Ngày nay, tìm kiếm sự cô tịch để học hỏi là điều rất cần thiết. Cách đó giúp ta tìm được sự tĩnh tại để lắng nghe tiếng nói bên trong của mình, tìm thấy không gian cho sự tập trung và sáng tạo đúng nghĩa.

Chỉ một khoảng thời gian ngắn từ 20 phút đến 1 tiếng cô tịch mỗi ngày cũng có thể tạo nên khác biệt lớn lao. Lúc ấy ta sẽ cảm nhận được sự thanh thản tĩnh tại khi trí não chúng ta được tự do. Sự than thản này của tâm trí giúp ta nhận ra những vấn để cốt lõi và lắng nghe tiếng nói của sự sáng tạo, vốn rất dễ bị át đi bởi những tạp âm của công việc hàng ngày và các tương tác trực tuyến.

Tạo ra không gian

Ngay bây giờ hãy đặt ra một khoảng thời gian cho sự cô tịch của bạn và biến nó thành một phần không thể thiếu trong thói quen hàng ngày.

Đối với nhiều người, thời gian cô tịch nhất là buổi sáng sớm. Lũ trẻ vẫn ngủ và mọi thứ đều yên tĩnh. Tôi làm việc tốt nhất vào khoảng thời gian đó và điều tuyệt vời là không có gì nảy sinh vào buổi sớm khiến bạn bị gián đoạn.

Nếu buổi sáng sớm không đem lại hiệu quả, hãy cố gắng tranh thủ ngay khi bạn đến nơi làm việc. Khi tôi làm việc tại văn phòng, tôi thích đến sớm hơn khoảng nửa tiếng hay một tiếng chỉ để hoàn thành một số công việc trong không gian yên tĩnh trước khi văn phòng bắt đầu trở nên ồn ào. Việc là người đầu tiên luôn mang lại tuyệt vời bởi sau đó, mọi thứ trở nên huyên náo và không gian cô tịch của bạn bắt đầu bị phá vỡ.

Lựa chọn tuyệt vời cho những người thức khuya là sử dụng thì giờ trong đêm vì sự tĩnh lặng và không gian không bị quấy nhiễu. Nếu bạn làm việc tốt nhất vào buổi tối, bạn có thể tìm sự cô tịch bằng cách sắp xếp một khoảng thời gian để làm việc một mình sau khi màn đêm buông xuống.

Phương thức thực hành cô tịch đơn giản

Hầu hết mọi người không thấy thoải mái với ý tưởng ở một mình vì nó có nghĩa bạn phải đối mặt với bản thân mình mà không sao nhãng. Thực hành có thể khiến việc này bớt khó khăn và sẽ giúp bạn trở nên thoải mái với ý tưởng xem nó như một điều cơ bản thường ngày.

Một cách tuyệt vời để thực hành là một buổi thiền định đơn giản mỗi ngày một lần. Thiền không phải lúc nào cũng thần bí hay phức tạp: điểm mấu chốt chỉ đơn giản là ngồi và không làm điều gì khác trong ít nhất một vài phút. Thời điểm lý tưởng để đưa việc này vào thói quen hàng ngày là ngay sau khi bạn tỉnh giấc – ra khỏi giường, uống một chút nước, sau đó ngồi và thiền trong năm, mười, hoặc thậm chí hai mươi phút trước khi bạn bắt đầu ngày mới.

Phải thiền như thế nào? Hãy tìm một không gian yên tĩnh và ngồi xuống. Ngồi thẳng người, mắt mở nhưng không tập trung cụ thể vào bất cứ điều gì và hít thở bằng mũi. Bắt đầu bằng cách chú ý đến tư thế và cơ thể bạn. Sau đó tập trung vào hơi thở, khi luồng không khí vào và ra khỏi cơ thể bạn. Nhận thấy các suy nghĩ của bạn xuất hiện, nhận biết chúng nhưng không tập trung vào chúng. Luôn hướng sự chú ý của bạn vào hơi thở. Hãy tiếp tục thực hiện điều này trong ít nhất một vài phút và bạn đã hoàn thành.

Mục đích của việc ngồi thiền là gì? Không có một mục đích nào – việc ngồi chính là mục đích. Bạn không thực hiện việc này để giảm bớt căng thẳng, được giác ngộ, hoặc khám phá thêm bản thân – mặc dù tất cả những điều này có thể xảy ra, mà chỉ để tập ngồi. Bằng cách đó, bạn đang thực hành cô tịch và không làm gì khác ngoài việc bạn đang làm. Đây là điểm cốt yếu.

Lúc đầu, thực hành thiền sẽ không dễ dàng, nhưng bạn sẽ dần tiến bộ. Bạn sẽ hiểu được rất nhiều về bản thân, bạn sẽ chú tâm tốt hơn và sẽ thoải mái hơn khi tách biệt mình với mọi thứ.

Bạn cũng sẽ học được cách quan sát suy nghĩ của mình và không để chúng kiểm soát bạn. Khi tập luyện, bạn sẽ học được một kỹ năng cơ bản để tập trung: làm thế nào để nhận biết được sự thôi thúc khiến bạn thay đổi các nhiệm vụ và không tuân theo thôi thúc ấy, mà chỉ tập trung sự chú ý của bạn vào việc đang thực hiện. Đó là những gì bạn học được từ sự cô tịch và đó là tất cả.

Bí quyết bỏ túi

Xây dựng một thói quen vững chắc

• Việc quan trọng đặt lên trước tiên

Khởi đầu một ngày làm việc bằng công việc sáng tạo có ý nghĩa nhất với bạn và để “việc đáp lại” – như trả lời e-mail hoặc tin nhắn – vào lúc khác.

• Khởi động sự sáng tạo

Thiết lập những “liên kết khởi động”, như nghe cùng một bản nhạc hoặc sắp xếp bàn làm việc theo một cách nhất định – điều này kích hoạt trí não bạn rằng đã đến giờ làm việc.

• Cảm nhận sự đều đặn

Cam kết tiến hành dự án của bạn với khoảng thời gian không đổi mỗi ngày để tạo dựng trí óc dẻo dai và đà tiến theo thời gian.

• Hết mình và ngừng nghỉ đúng lúc

Chuyển động nhịp nhàng giữa sự tiêu hao và tái tạo năng lượng bằng cách làm việc thật bùng nổ trong 90 phút, sau đó nghỉ giải lao.

• Một mình

Hãy chắc rằng bạn dành thời gian ở một mình mỗi ngày. Đó là một cách để quan sát các thói quen, quá trình tư duy không hiệu quả và giúp tâm trí thanh thản.

• Đừng chờ đợi cảm hứng

Hãy thể hiện bản thân, dù bạn có cảm hứng hay không.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.