Đừng Để Nước Đến Chân Mới Nhảy
Trang bị lại cho một kỷ nguyên làm việc mới
Scott Belsky, nhà sáng lập Behance & tác giả của cuốn sách Biến ý tưởng thành hiện thực
Sẵn sàng tập trung cao độ để tiếp nhận các hiểu biết sâu sắc là một quá trình khai sáng và khó khăn. Ít nhất, đó là kinh nghiệm của riêng tôi. Việc duyệt lại bản thảo ban đầu của Đừng nước đến chân mới nhảy đã gợi trong tâm trí tôi những mối bận tâm rõ ràng về hiệu quả công việc và về nhận thức của chính tôi.
Những nhận thức mới mẻ này giúp tôi nhận ra phần lớn năng lượng quý giá nhất của mình đã bị lãng phí bởi những thói quen xấu mà không hề hay biết. Việc thực hiện các công việc hàng ngày đã rơi xuống tới điểm mà tôi phó mặc bản thân cho mọi thứ xung quanh – tất cả mọi thứ ngoại trừ những mục tiêu và sở thích thật sự của tôi.
Rõ ràng tôi đã bỏ bê việc quản lý thời gian của mình quá lâu trong môi trường làm việc thay đổi chóng mặt. Chỉ trong vài năm trở lại đây, nhiều thứ đã thay đổi: Lịch làm việc và các tài liệu của tôi tất cả giờ đây đều tan biến. Tôi có nhiều công cụ, ứng dụng, thiết bị thông báo, nhắc nhở và tiện ích hơn bao giờ hết. Không hề định trước, kết quả công việc của tôi đã thay đổi bởi tôi có thể làm việc tại bất cứ đâu. Đồng thời, tôi bị mắc kẹt trong tình trạng làm việc quần quật nhưng không bao giờ đánh giá công việc. Nếu bạn tiếp tục một trò chơi mà không hề có một giờ nghỉ giải lao, bạn sẽ bắt đầu chơi tồi đi.
Tất nhiên, nhà lãnh đạo vĩ đại nào cũng phải đối mặt với cơn ác mộng của mình và chiến thắng nó. Tôi vẫn luôn biết điều này, nhưng tôi đã không nhận ra các vấn đề hiện tại của chính mình. Ngày nay các cơn ác mộng càng trở nên khó nhận biết hơn: Chúng là những phiền nhiễu hàng ngày, những điều nhỏ nhặt nhưng có thể tước đi của chúng ta tiềm năng thực hiện những công việc lớn lao.
Nhìn nhận vấn đề
Tôi đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo. Trong suốt các chuyến công tác cho Behance và trong quá trình nghiên cứu để tìm ý tưởng cho cuốn sách Biến ý tưởng thành hiện thực, tôi đã trò chuyện với vô số cá nhân và các đội ngũ sáng tạo về dự án và sự nghiệp của họ. Cùng với những nhà thiết kế, cây bút và doanh nghiệp khác, tôi đã ủng hộ việc xông xáo trong sản xuất và kỹ năng quản lý để thúc đẩy các ý tưởng đơm hoa kết trái. Châm ngôn của tôi luôn là, “Vấn đề không nằm ở các ý tưởng mà ở việc biến chúng thành hiện thực”.
Tôi thường được mời đến phát biểu tại các hội thảo và các công ty về chủ đề “sáng tạo”. Tôi luôn đáp lại họ bằng câu hỏi mở đầu, “Anh/chị có ý tưởng gì không?”. Câu trả lời hầu như luôn là “Có, nhưng…” theo sau là hàng loạt những trở ngại như: “Chúng tôi làm việc trong một công ty lớn và thật khó để theo đuổi những ý tưởng mới”, “chúng tôi bị quá tải với những việc hàng ngày và phải vật lộn để công việc mới có tiến triển” hay “Sếp tôi đòi hỏi phải có sáng kiến nhưng lại luôn cản trở sáng kiến.”
Khi mọi người muốn nói về sáng tạo, những gì họ đang thực sự tìm kiếm là sự giúp đỡ để thực hiện, cách để hành động hiệu quả hơn. Một khi bản chất vấn đề trở nên rõ ràng, trách nhiệm nhanh chóng được quy sang môi trường làm việc. Công ty này quá lớn hoặc quá nhỏ. Ban quản lý đang làm hỏng mọi thứ. Hay là do “quy trình” cản trở.
Đã đến lúc chúng ta phải ngừng đổ lỗi cho môi trường xung quanh và bắt đầu nhận lấy trách nhiệm. Khi không nơi làm việc nào hoàn hảo, những thách thức nghiêm trọng nhất của chúng ta lại cơ bản và cá nhân hơn nhiều. Cách thức làm việc của mỗi cá nhân hoàn toàn quyết định chúng ta làm gì và làm điều đó tốt như thế nào. Cụ thể là thói quen hàng ngày (hoặc thiếu điều trên), khả năng làm việc chủ động thay vì phản ứng và khả năng tối ưu hóa các thói quen làm việc một cách hệ thống trong thời gian dài – tất cả quyết định khả năng của chúng ta trong việc biến ý tưởng thành hiện thực.
Đừng thực hiện, hãy cải thiện việc bạn làm!
Tôi thường hỏi một nhóm lớn về lần cuối cùng họ cùng nhau thảo luận cách làm việc. Ngoài một vài đề cập về một cuộc họp gặp mặt trực tiếp hàng năm, tôi thường nhận được những câu trả lời vô giá trị. Tại sao? Mọi người đều quá bận rộn với công việc để có thể dừng lại và thực hiện một số thay đổi trong cách họ tiến hành công việc. Tôi chưa bao giờ thấy một đội thể thao nào lại không có một cuộc hội ý riêng nhưng chúng ta vẫn tiếp tục làm việc hàng tháng, nếu không muốn nói là hàng năm – với các khách hàng và đồng nghiệp – mà không bao giờ dừng lại một bước để nhận định tình hình và cải thiện phương pháp.
Ở phương diện cá nhân, chúng ta thậm chí còn tệ hơn. Chúng ta không bao giờ có cuộc họp trực tiếp với chính mình. Hiếm khi ta ngừng việc đang làm để suy nghĩ và điều chỉnh về cách mình thực hiện. Vấn đề lớn nhất của một thói quen là bạn thực hiện nó mà không hề có ý thức gì về nó. Các thói quen xấu thâm nhập, đặc biệt khi chúng ta cố gắng thích nghi một cách tự nhiên với môi trường làm việc thay đổi chóng vánh và cuối cùng chúng ta phó mặc bản thân cho mọi thứ xung quanh.
Kỷ nguyên của luồng công việc đối phó
Vấn đề lớn nhất chúng ta phải đối mặt hiện nay là “luồng công việc đối phó”. Chúng ta đã sống một cuộc đời gặm nhấm tất cả những hộp thư điện tử xung quanh, cố gắng duy trì sự sinh tồn bằng cách đáp lại và đối phó với những thứ mới mẻ nhất: e-mail, tin nhắn, tweet, v.v…
Thông qua mối kết nối liên tục đó, chúng ta ngày càng nghiêng theo hướng đối phó với những thứ xảy đến với mình, hơn là chủ động thực hiện những gì quan trọng nhất. Cung cấp thông tin và kết nối đã trở thành bất lợi bởi cơn lốc công nghệ này chiếm mất không gian suy nghĩ và hành động.
Trong các cuộc thảo luận, bạn sẽ thấy các lối tắt và kết quả diệu kì của thời hiện đại luôn phải trả giá đắt. Để phát triển tốt trong thời đại công việc mới, chúng ta buộc phải đặt câu hỏi về các chuẩn mực và cái gọi là hiệu quả – cái đã lấn dần vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Đã đến lúc tối ưu hóa
Chúng ta cần phải suy nghĩ lại về tiến trình công việc của mình từ căn bản. Có một nghịch lý là chính bạn nắm giữ vấn đề và giải pháp cho các thách thức hàng ngày của mình. Bất kể nơi nào bạn làm việc hay hệ thống cơ cấu kinh khủng quấy rầy công việc của bạn, tâm trí và năng lượng của bạn là của chính bạn và chỉ của riêng bạn. Bạn có thể hy sinh những thói quen hàng ngày và tiềm năng công việc của mình cho những gánh nặng đang bủa vây. Hoặc bạn có thể kiểm tra cách làm việc của mình và nhận lấy trách nhiệm sửa chữa nó.
Cuốn sách này mang đến cho bạn những kiến giải sâu sắc và giá trị của việc tối ưu hóa nhịp điệu hàng ngày. Bạn sẽ thấy rằng thói quen làm việc của mình đã bị phó mặc để thích nghi với môi trường xung quanh, hơn là để đáp ứng sở thích của chính bạn. Hãy sử dụng cuốn sách này như một cơ hội để đánh giá lại mọi thứ. Hãy dừng lại giữa dòng công việc không ngừng nghỉ để đánh giá cách bạn thực hiện nó.
Chỉ bằng cách có trách nhiệm với thói quen hàng ngày của mình bạn mới có thể thực sự tác động tới những gì quan trọng nhất. Tôi chúc bạn xây dựng một thói quen tốt bằng cách bước ra khỏi nó, tìm thấy mục tiêu của mình bằng cách vượt lên khỏi những thứ tạp âm không dứt, mài giũa năng lực sáng tạo bằng cách phân tích những gì thực sự quan trọng nhất khi nó xảy đến để biến ý tưởng của bạn thành hiện thực.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.