Đường Ra Biển Lớn

Chương 25: “ĐƯA NHỮNG TÊN KHỐN RA TÒA”



Tháng Chín – Tháng Mười năm 1991
Chúng tôi đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ khó khăn vào cuối tuần tháng 9/1991, thời điểm mà tôi cảm thấy như thế giới đang sụp xuống từng phần. Sau đỉnh cao là bản hợp đồng với Janet Jackson và thành lập Heathrow sớm hơn trong năm đó, mọi thứ giờ đây đều chệch quỹ đạo. Với gánh nặng đầu tư vào “Hợp đồng Janet Jackson” ngay cả khi Virgin Music đang gặp nhiều khó khăn và hãng hàng không thì đang phải “căng” ra để điều hành cả sân bay Gatwick và Heathrow. Đỉnh điểm là loạt tin đồn về những vấn đề tài chính của Virgin đang lan nhanh. Tình huống này chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa, mặc dù đã cố gắng dập lửa song tôi cũng luôn ý thức rằng càng ngày càng nhiều người bàn tán về sự phá sản trong tương lai của Virgin. Tôi đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ đám nhà báo đang “trực chờ” để được biết liệu tờ séc của chúng tôi còn giá trị không. Tôi cần một không gian trong lành và riêng tư, vì thế tôi đã đi bộ quanh hồ vài lần để cố nghĩ xem mình nên làm gì. Tôi cảm thấy suy sụp bởi những vấn đề gặp phải.
Mặc dù chúng tôi đã ký hợp đồng với Janet, nhưng tôi dần cảm thấy lo lắng về trách nhiệm của Simon với Virgin Music. Anh ta không còn ra ngoài để tới các câu lạc bộ tìm kiếm tài năng mới, và hậu quả, Virgin đã thất bại khi tách vài ban nhạc tiềm năng mới thành các cặp song ca của năm. Theo nhiều cách, việc tách một ban nhạc mới là một bài kiểm tra ngặt nghèo đối với sự năng động của một hãng thu âm. Tôi biết rằng Simon đang lo lắng giá trị cổ phiếu của anh ta ở Virgin Music sẽ gặp nguy hiểm nếu có vấn đề gì xảy ra với Virgin Atlantic Challenger. Nhưng, tôi cũng lo không kém rằng sự thiếu trách nhiệm của anh ta với Virgin Music cũng sẽ ảnh hưởng tới cổ phiếu của tôi. Trái tim anh ta không đặt vào công việc nữa mà dường như anh ta đang hứng thú với những dự án cá nhân hơn.
Virgin Atlantic Challenger đang trải qua thời gian rất khó khăn khi cạnh tranh với British Airways. Các tổ kĩ thuật của chúng tôi phải di chuyển từ ba đến bốn lần một ngày giữa Heathrow và Gatwick để phục vụ các chuyến bay và chỉ cần một chuyến bay ở sân bay này bị trì hoãn thì sẽ làm liên lụy tới sân bay kia. Will đã nghe tin Lord King đang đi khắp nơi rao giảng một cách tự hào rằng: “Trận đánh với pháo đài Heathrow đang trên đà thắng lợi – Virgin có khả năng sụp đổ.”
Và cao trào là việc BA tìm cách lôi kéo khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi có hai bản báo cáo cho thấy BA đã gọi đến nhà một khách hàng của Virgin Atlantic Challenger và cố gắng thuyết phục họ thay đổi chuyến bay từ Virgin sang BA. Nhân viên của chúng tôi cũng nhìn thấy nhân viên BA lượn lờ quanh khu vực chờ máy bay của Virgin để cố thuyết phục hành khách chuyển sang BA.
Tôi bị mắc kẹt giữa Virgin Atlantic Challenger và Virgin Music. Chỉ có tôi là người duy nhất có một cái chân nhưng lại bị kẹp trong hai cái bẫy. Điều duy nhất còn gắn bó chúng lại với nhau là Lloyds Bank, nơi có những khoản vay cho Virgin Atlantic Challenger mà vật bảo đảm là Virgin Music. Đây là nguyên nhân chính trong nỗi lo lắng của Simon nhưng hãng hàng không cũng không còn cách nào khác để duy trì hoạt động.
Những vấn đề của chúng tôi với Virgin Atlantic Challenger đã đặt câu hỏi về tương lai của Virgin Music lên hàng đầu. Suốt mùa hè, Brian, Trevor, Ken, Robert và tôi đã cố gắng nghĩ xem nên làm gì. Tôi đã rất cố gắng để loại bỏ suy nghĩ về mức giá bán công ty thu âm nhưng những tin đồn đang lan mạnh như thủy triều dâng buộc tôi phải cho đi thứ gì đó.
“Anh đã đọc chưa?” Will mang cho tôi tờ Fortune vào sáng thứ Hai. Báo đăng một bức ảnh tôi đang ngồi thư giãn trên ghế nghỉ mát ở đảo Necker. Tôi đang cầm một quyển sách với tựa đề: “Những kẻ ngoại đạo ở chốn thiên đường” cùng hàng chú thích: “Richard Branson, người thành lập nên tập đoàn Virgin đang tận hưởng cuộc sống của một tỷ phú… ở quần đảo Virgin Anh một cách vô cùng thoải mái.”
Tôi đã đọc bài báo với niềm hứng khởi như thể vừa kiếm được 1,5 tỷ đô-la. “Tôi hy vọng Lloyds đã đọc nó.”
“Có thể họ đã đọc nó” – Wild đáp: “Nhưng liệu họ có tin không?” “Nó ở trên báo mà” – Tôi cười, “nó phải là sự thật chứ!”
“Liệu quả bóng của Richard Branson sẽ nổ tung?” là dòng tít của thứ Tư, ngày 2/9. Tất cả các trang trong chuyên mục kinh doanh của tờ Guardian được dành để tranh luận về những khoản nợ của tôi. Dòng tít kèm theo là “Những nhịp điệu hấp hối nhưng không gặp được nhà đầu tư cần thiết”. Bài báo này xuất hiện quá bất ngờ. Thông thường, khi một nhà báo viết dàn bài, dù nhằm mục đích công kích, họ sẽ liên lạc với tôi để xem qua vài nội dung cơ bản. Nhưng ký giả của tờ Guardian này đã không hề liên lạc với tôi.
Bài báo viết: “Những tài khoản mới nhất mà các công ty của Virgin có được cho thấy một bức tranh báo động về những dòng tiền được đổ xuống để gặp gỡ các nhà đầu tư của công ty”. Tôi đọc qua những dòng chữ và lo ngại rằng nó sẽ “kích thích” những chủ báo khác xuất bản những câu truyện tương tự. Nếu các chủ ngân hàng nghe theo những thông tin một chiều từ phía các nhà báo tài chính là Virgin ngập chìm trong khó khăn thì họ sẽ giữ rịt lấy túi tiền của họ. “Vậy nên, Virgin vẫn đang chìm trong nguy ngập”, và bài báo kết luận: “Họ vẫn còn quá nhỏ bé so với các đối thủ cạnh tranh. Lĩnh vực kinh doanh chính của Virgin là những ngành công nghiệp không có tính ổn định cao. Hậu quả của việc mua đi bán lại cùng với một đế chế lớn mạnh theo kiểu bong bóng đã khiến cho các khoản nợ luôn duy trì ở mức cao. Khinh khí cầu của Brason giờ đây đang đeo đuổi một đường bay nguy hiểm để tới được tầng bình lưu. Đó là một chuyến đi thú vị không kém vẻ màu mè, hoành tráng.
Nhưng chuyến du hành bằng khinh khí cầu của Brason là một hình mẫu ẩn chứa đầy rủi ro cho bất cứ nhà kinh doanh nào muốn đi theo”.
Bài báo đã giáng một đòn chí mạng làm thương tổn chúng tôi. Tất cả tài khoản chỉ cho thấy những tia sáng le lói. Trong mắt thế giới nói chung và những độc giả của Guardian nói riêng, tôi như kẻ đang ở trên một con tàu đắm giống như Alan Bond: Richard Branson đang chìm nghỉm.
Những cú điện thoại của các nhà báo khác tới tấp gọi đến hỏi về phản ứng của tôi, và tôi trả lời họ theo những gì mà tôi và Will đã soạn thảo từ trước. Chúng tôi cố gắng nhấn mạnh sự thiếu chính xác trong cách ví von của bài báo, bài báo đã lờ đi những giá trị chưa được biết trong các hợp đồng của Virgin Music như thế nào và nó đã không tính đến giá trị các máy bay của Virgin ra sao. Do phải bay tới Nhật Bản vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày nên tôi không có nhiều thời gian để trả lời cho tờ Guardian. Tôi đã viết vội một bức thư cho biên tập của tờ báo. Tôi cố viết với giọng coi thường bài báo:
Có rất nhiều lỗi mà ngài nên tránh trong bài báo “Liệu quả bóng của Richard Branson có nổ tung?”của mình, nếu các ký giả của ngài có được sự lịch sự cần thiết để nói với tôi trước khi viết nó. Khi tôi bay đến Nhật Bản trong vài phút nữa (thật buồn cười là một tiến sĩ kinh tế đã tạo ra ngữ cảnh trong bức thư này!) tôi sẽ dành cho độc giả của anh một danh sách dài những lỗi này. Tuy nhiên, tôi sẽ chỉ cho anh một điểm không chính xác, lợi nhuận của chúng tôi không “xuống dốc” như một công ty đại chúng mà nó đã tăng gấp đôi!
Tôi tiếp tục tranh luận rằng giá trị tài sản ròng của tất cả công ty thuộc Tập đoàn Virgin sau khi trả lại mọi khoản nợ vẫn lãi khoảng 1 tỷ bảng. Will hạ giọng để thảo luận bức thư này.
Will nói: “Về vấn đề này, một bức thư không thể nói hết được. Anh vừa bị công kích bởi một bài viết dài cả một trang. Điều tôi muốn là bắt họ phải dành cả một trang để khôi phục lại danh dự cho anh”.
“Họ sẽ không bao giờ làm việc đó”.
“Họ có thể. Bởi vì nó sẽ gây chấn động và điều đó tốt cho tờ Guardian. Nó sẽ tốt hơn một bức thư được để ở trang 27 mà chẳng ai thèm đọc”.
Chúng tôi đã cùng nhau viết cả một bài để phản bác lại lập luận bài viết trên tờ Guardian, nhưng trước khi tôi có thể hoàn thành bài viết tôi phải đi Tokyo. Lúc tôi đến đó là lúc Will gọi điện lại.Anh nói: “Được rồi, chúng ta đã có một nửa trang. Dù sao vẫn tốt hơn là chẳng có gì. Tôi sẽ fax cho anh bản thảo. Tờ Guardian nghĩ rằng chúng ta có thể kiện họ vì vậy tôi nghĩ họ sẽ giảm bớt khi chúng ta yêu cầu quyền trả lời”.
Tôi gọi cho Trevor và thăm dò xem Lloyds Bank phản ứng ra sao về bài báo. Anh nói với tôi: “Buồn cười là họ khá thoải mái với nó”.
Khi gọi điện cho Lloyds tôi đã hiểu tại sao.
John Hobley nói: “Có, tôi có thấy bài viết đó nhưng tôi không nghĩ những người khác đã đọc nó. Với bất cứ sự kiện nào tôi biết chẳng ai coi tờ Guardian là nghiêm túc. Nếu bài viết đó được đăng trên tờ Daily Telegraph hay FT thì đó lại là một vấn đề khác”.
Tôi cố gắng nói giọng bình thường với vẻ mặt bất cần: “Bây giờ, ngài quyết định như thế nào về khoản vay này?”
Hobley nói: “Ban giám đốc của chúng tôi đã thông qua. Chúng tôi có một cơ chế sẽ cho phép chúng tôi quyền ưu tiên với tài sản của anh trong hoạt động bán lẻ”.
Tôi đặt điện thoại xuống, ngả lưng trên giường khách sạn và nhắm mắt. Nếu bài viết này xuất hiện ở bất cứ nơi nào khác, phản ứng của Trung tâm Tài chính London sẽ rất khác.
Đây là một sự thật đáng sợ, nhưng với một số chủ ngân hàng, nhận thức là tất cả. Bình thường chúng tôi có thể sử dụng nhận thức về Virgin để tạo lợi thế cho mình. Nhưng lần đầu tiên tình thế đảo ngược và chúng tôi phải đấu tranh để khôi phục lại niềm tin. Nếu một bài viết như thế này xuất hiện trên tờ Financial Times, các ngân hàng có thể đòi lại các khoản họ cho vay và khiến Tập đoàn Virgin phá sản.
Tôi tới Nhật để nhận bằng tiến sĩ danh dự. Trường đại học đã yêu cầu tôi bay đến gặp các sinh viên và đề nghị tôi thực hiện một buổi hội thảo hỏi đáp thay vì một buổi diễn thuyết trang trọng. Khi tôi ngồi trước hàng nghìn sinh viên, vị giáo sư đã hỏi tôi rất nhiều câu hỏi. Sự im lặng hoàn toàn kéo dài trong gần ba mươi phút. Để phá vỡ sự im lặng, tôi nói người đầu tiên hỏi tôi một câu sẽ được hai vé cao cấp đi London. Năm mươi cánh tay giơ lên.
Trong ba giờ tiếp theo tôi đã rất bận rộn.
Tôi cũng tìm kiếm một địa điểm thích hợp cho cửa hàng Virgin Megastore ở Kyoto.
Mike Inman và tôi đi tàu hỏa từ Tokyo tới Kyoto. Con tàu này mang tên “Shinkansen”, hay còn gọi là “Tàu viên đạn”. Nó giống như trên máy bay: có âm nhạc, dịch vụ phục vụ và thậm chí cả máy bán hàng tự động.
Tôi tự hỏi: “Tại sao tàu hỏa ở đây không giống như ở Vương quốc Anh?” Tôi viết vài ghi chú về tàu hỏa ở Anh và tàu hỏa ở Nhật rồi chuyển sự chú ý sang địa điểm cửa hàng Virgin Megastore.
Trở lại London vào tuần sau, điện thoại của Will reo lên vào tối thứ Sáu. Đó là Toby Helm, phóng viên giao thông của tờ Sunday Telegraph. Anh ấy hỏi Will liệu Virgin có quan tâm đến việc điều hành tàu hỏa nếu như chính phủ tư nhân hóa British Rail (Ngành đường sắt Anh quốc). Will đi xuống để hỏi tôi.
Tôi hỏi lại: “Vậy, chúng ta có nên quan tâm đến vấn đề này hay không?”
Chúng tôi càng nói chuyện thì càng thấy vấn đề này có nhiều ý nghĩa. Đường sắt là một trong những câu trả lời cho tất cả những vấn đề giao thông. Mỗi xa lộ mới ngay lập tức làm tắc nghẽn giao thông; lái xe từ London tới Manchester quả là một cơn ác mộng.
Tôi đề nghị: “Hãy nói với ông ấy rằng chúng ta quan tâm. Nó sẽ chẳng có hại gì.”
Dòng tít của tờ Sunday Telegraph viết “VIRGIN BƯỚC VÀO LĨNH VỰC KINH DOANH TÀU HỎA” và giải thích rằng Virgin muốn thực hiện nhượng quyền ở bờ biển phía đông và liên doanh với British Rail. Nó trở thành câu chuyện của tuần – một sự xao nhãng hữu ích cho rắc rối về tiền mặt của chúng tôi và là sự đối lập tuyệt vời với tất cả những dư luận tiêu cực mà chúng tôi đã phải chịu đựng. Nó thể hiện rằng chúng tôi đang suy nghĩ về việc mở rộng hơn là lo lắng về vấn đề tài chính. Nó có vai trò quyết định trong việc giảm nhẹ áp lực cho chúng tôi, và khi đó các nhà báo ngừng nói về vấn đề tài chính và tình trạng sắp phá sản của chúng tôi mà bắt đầu quan tâm đến kế hoạch táo bạo cho tương lai của chúng tôi.
Tất cả mọi người gọi cho chúng tôi vào ngày thứ Hai, bao gồm Siemens và GEC và trong số họ có một người tự giới thiệu là Jim Steer đến từ Steer Davies Gleave, chuyên viên tư vấn vận tải. Ngay lập tức, Will nhận ra rằng Jim biết điều anh đang nói đến.
Jim nói với Will: “Anh hãy theo lĩnh vực này. Tôi cho rằng anh nên làm liên tỉnh và đưa ra một dịch vụ liên doanh với 125s.”
Chúng tôi đã đăng ký ba tên thương hiệu có thể được: “Virgin Rail”, “Virgin Express” và “Virgin Flyer” và yêu cầu Jim đưa hình ảnh của một nghệ sĩ vào chiếc tàu hỏa mang thương hiệu Virgin. Mặc cho những lời cảnh báo của tôi rằng ngân sách của Virgin không còn, anh ấy vẫn tiếp tục và giới thiệu chúng tôi với một công ty cho vay vốn mạo hiểm tên là Electra, công ty anh ấy nói có thể chi một số tiền cần thiết để nghiên cứu ý tưởng này. Will và tôi cùng tới Electra và gặp một người tên là Rowan Gormley. Anh ta đã đồng ý chi 20 nghìn bảng để ủy thác nghiên cứu tính khả thi.
Trang bị một kế hoạch kinh doanh nhỏ và một mô hình tàu hỏa Virgin, cả Trevor, Will và tôi cùng với Jim và Rowan Gormley, đã gặp Chris Green – Giám đốc dịch vụ liên tỉnh của British Rail; Roger Freeman ở Bộ Giao thông và John Welsby – Giám đốc điều hành của British Rail. Chúng tôi bàn về khả năng Virgin điều hành một số dịch vụ đường sắt nhưng British Rail không hào hứng. John Welsby phản đối bất kỳ loại hình tư nhân hóa nào và ông xem dự án của chúng tôi như một sự phát triển có hại.
Khi rời khỏi cuộc họp, ông đã quay sang một người trong đoàn và buông lời nhận xét: “Tôi sẽ nằm trong mộ trước khi tên ngốc đó để logo của hắn lên tàu của tôi”. Lời nhận xét đó nhanh chóng được giới thạo tin chộp lấy và cho lan truyền khắp trong cơ quan.
Suốt tuần 21 của tháng Mười, tôi đã làm thay cho Angela Rippon trên chương trình phát thanh LBC vào sáng sớm của cô. Đây không phải là công việc lý tưởng của tôi vì nó đòi hỏi phải dậy sớm lúc 5 giờ sáng và đi trong màn đêm tới tòa nhà LBC gần Euston. Tôi ở trong phòng thu từ 6 giờ đến 8 giờ mới trở về nhà ăn sáng.
Nhà sản xuất chương trình phát thanh đã mời Lord King tham dự chương trình tranh luận với tôi về những vấn đề giữa British Airways và Virgin cũng như những thủ đoạn mà British Airways dùng để chống lại chúng tôi.
Lork King ngắt lời cô: “Hãy bảo anh ta rằng chúng tôi không chuẩn bị để hạ mình nhiều đến như vậy đâu. Cô có thể trích dẫn trực tiếp lời của tôi”.

Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Lord King kể từ khi chúng tôi trao đổi thư từ hồi tháng Giêng và tháng Hai nhưng câu trả lời của anh ta chẳng bớt đi sự châm chọc chút nào. Việc tôi mời Lord King đến tranh luận về điều đang tiếp diễn chỉ là nửa đùa nửa thật. Tuần trước, Joseph Campbell, người điều hành dịch vụ xe limousine (dịch vụ xe ô tô sang trong) cho Virgin Records đã gọi cho tôi. Ông nói: “Richard, tôi xin lỗi đã làm phiền ngài, nhưng tôi nghĩ ngài nên biết điều này trước khi điều tồi tệ xảy ra. Một người phụ nữ làm việc cho chúng ta có một cô con gái làm việc cho một công ty điều tra tư nhân. Và cô ấy nói với mẹ rằng công ty đó vừa bắt đầu theo dõi ngài. Họ đã theo gót ngài tới Claridges tuần trước và ngồi ở bàn cạnh cửa ra vào”.
Tôi xem lại sổ nhật ký: thực sự tôi đã ăn trưa ở Claridges. Tôi cảm ơn Joseph và tự hỏi mình phải làm gì. Tôi có nên gọi cảnh sát hay không? Tôi đặt điện thoại xuống và nhìn vào nó. Suốt cuộc đời mình điện thoại luôn là phương tiện cứu hộ của tôi. Tuy nhiên, giờ đây tôi tự hỏi liệu có ai đó đang lén nghe những cuộc điện thoại của tôi hay không? Tôi tự hỏi liệu những thám tử tư có theo dõi các con tôi khi chúng tới trường hay họ có lục lọi thùng rác của tôi hay không? Tôi thơ thẩn đến bên cửa sổ và nhìn ra phía công viên Holland. Có lẽ xe tải của British Telecom (Viễn Thông Anh quốc) đỗ ở đó là giả mạo và trên đó chắc hẳn chứa đầy thiết bị nghe trộm. Có lẽ tôi đã đọc quá nhiều tiểu thuyết trinh thám.
Sau đó, tôi đã loại bỏ những suy nghĩ này ra khỏi đầu. Tôi không thể thay đổi cách sống và tôi chẳng có gì phải trốn tránh. Nếu tôi cố gắng suy đoán xem những thám tử này là ai và kẻ nào đã thuê họ, tôi chắc chắn đó là British Airways và tôi sẽ khiến mình phát điên.
Tôi không thể sống như vậy. Nếu cứ nghĩ rằng mình vẫn đang tiếp tục bị theo dõi, tôi sẽ nhanh chóng trở thành một kẻ hoang tưởng. Tôi quyết định sẽ tiếp tục cuộc sống như bình thường. Thậm chí tôi còn quyết định sẽ không hạ thấp trình độ của họ bằng việc kiểm tra những con bọ trong điện thoại của tôi.
Suốt cả tuần tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng và đến ngày thứ sáu tôi cảm thấy kiệt sức. Giữa buổi chiều, tôi trở lại văn phòng để tìm tờ ghi chú mà Penni đã để trên bàn tôi: “Chris Hutchins ở tờ Today gọi cho ngài về khả năng có một câu chuyện phiếm sẽ được đăng tải. Anh ấy muốn ngài gọi lại cho anh ấy”.
Chris Hutchins là người phụ trách mục chuyện phiếm trên tờ Today, người đã có một rắc rối vì rượu chè.
Tôi gọi lại cho anh ta.
Chris nói: “Richard, trước tiên tôi muốn ngài biết rằng tôi đã tham gia Hội những người nghiện rượu vô danh. Tôi trong sạch, vì vậy, ngài có thể hiểu điều tôi nói một cách nghiêm túc”.
Tôi bắt đầu lắng nghe và tìm cuốn sổ của mình. “Tôi đã nói chuyện với Brian Basham”.

“Anh ta là ai?”
“Nhân viên quan hệ công chúng (PR) cho BA. Anh ta đối với Lord King cũng giống như Tim Bell đối với Lord Hanson. Tôi biết Eileen, vợ của Basham khá rõ bởi vì cô ấy thường làm việc cho tôi ở đây. Cô ấy đã gọi cho tôi và nói rằng Brian có thể có một câu chuyện hay về Branson và thuốc phiện”.
Tôi mỉa mai: “Tuyệt thật!”
Tôi gọi cho Basham và anh ta nói với tôi rằng anh ta đang thực hiện một nghiên cứu chi tiết về hoạt động của Virgin cho BA, nghiên cứu về điểm mạnh và điểm yếu của Virgin. Anh ta cũng đề cập đến một câu chuyện vô căn cứ về Heaven và đề nghị tôi nên kiểm tra nồng độ thuốc vì bản thân mình. Anh ta nói anh ta không muốn làm cho tôi phá sản; thực tế là BA muốn nhìn thấy tôi thất bại dưới tay họ.
Điều này bất giác khiến tôi chột dạ. Tôi cố gắng nhớ xem những nhà báo nào khác đã hỏi về Heaven và bỗng nhiên nhớ ra: Trong số những người đó có Frank Kane – phóng viên tài chính phụ trách những trang viết về Trung tâm Tài chính London của tờ Sunday Telegraph.
Sau đó anh ta bảo tôi rằng tôi cũng nên xem một bài viết gần đây trên tờ Guardian về vị thế tiền mặt của ngài. Ồ, tài chính không phải là vấn đề của tôi và tôi không quan tâm đến điều đó.
Tôi gợi ý: “Có lẽ anh nên quay sang BA và điều tra họ”.
Chris nói: “Tôi có thể cân nhắc việc đó nhưng đấy thực sự không phải là phong cách của tôi. Tôi chỉ viết cho mục chuyện phiếm. Dù sao thì tôi cũng ăn trưa với Brian Basham vào thứ Hai ở Savoy”.
Tôi hỏi: “Anh có thể đến gặp tôi vào cuối tuần được không? Tôi rất muốn trò chuyện với anh về vấn đề này”.
Chris đáp: “Tất nhiên rồi”. Tôi liên lạc với Will.
“Chris Hutchins đã gọi cho tôi”.
Will nói: “Năm 1989, anh ta là người đã gây ra vụ om sòm với tuyên bố anh ở đó vì tước hiệp sĩ: ‘NGÀI RICHAR XUẤT HIỆN’. Anh nhớ không?”
“Có vẻ như anh ta đã dọn sạch tai tiếng. Anh ta gọi cho tôi với một câu chuyện về BA và việc họ quan tâm đến chúng ta”. Tôi đọc từ cuốn sổ của mình: “Anh đã từng nghe về Brian Bingham chưa?
Will bối rối: “Chưa”.

“Ồ, anh ta đối với Lord King chẳng khác nào Tim Bell đối với Lord Hanson”. Will nói: “Tôi chưa từng nghe về anh ta”.
“Basham” – Tôi chữa lại: “Brian Basham và anh ta nói về thuốc phiện ở Heaven”. “Brian Basham! Chúa ơi! Tôi xuống đây”.
Will lúc nào cũng có vẻ bối rối cứ như anh ấy rất muốn đi cùng và gọi cuộc điện thoại tiếp theo nhưng khi anh ấy lao vào phòng tôi thì trông anh ấy rất hoảng hốt.
Anh ấy nói: “Brian Basham là tin xấu. Hắn ta là một trong những tay quan hệ công chúng có ảnh hưởng nhất trong giới kinh doanh. Nếu hắn chống lại chúng ta, chúng ta thực sự gặp rắc rối. Hắn có mối quan hệ thân thiết với Fleet Street hơn bất cứ ai.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.