Đường Ra Biển Lớn

Chương 7: BẢN NHẠC MANG TÊN TUBULAR BELLS. TÔI CHƯA TỪNG NGHE BẢN NHẠC NÀO NHƯ THẾ



1972 – 1973
Chúng tôi không biết phải đề nghị với Mike Oldfield ký loại hợp đồng như thế nào vì anh ấy là nghệ sỹ đầu tiên chúng tôi ký hợp đồng. Luckily, Sandy Denny, những người trước đây đã hát cùng với Fairport Convention thì nay cũng đã đi hát đơn và gần đây đã thu đĩa tại Manor. Sandy Denny là bạn của tôi nên tôi đã xin cô ấy một bản sao hợp đồng giữa cô ấy với Island Records. Đây rõ ràng là một mẫu hợp đồng chuẩn của Island Records và chúng tôi đánh máy lại bản hợp đồng đó, từng từ một, chỉ đổi từ Island Records thành Virgin Music và Sandy Denny thành Mike Oldfield. Theo hợp đồng đó, Mike sẽ làm 10 album cho Virgin Music và sẽ nhận khoản tiền cát-xê tương đương với 5% trên tổng số 90% tiền doanh thu bán đĩa nhạc (10% còn lại trả cho công ty thu đĩa để chi trả cho các khoản chi phí đóng gói và tiền bù vào các sản phẩm bị hư hại). Vì Mike không có tiền nên chúng tôi đã đề nghị anh ấy mức lương chuẩn của Virgin, theo đó chúng tôi kiếm được tất cả là 20 bảng mỗi tuần, và rồi chúng tôi sẽ khấu trừ các khoản tiền phát sinh nếu có. Mặc dù cả tôi và Simon đều thích nhạc của Mike nhưng chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ kiếm được tiền từ nó cả.
Phải đến năm 1973, sau khi thu âm xong thì Mike mới có đĩa nhạc của mình có tên gọi là Tubular Bells. Đó là một bản nhạc rất phức tạp, rất khó khăn cho việc thu âm, Mike và Tom Newman đã phải làm đi làm lại trong phòng thu, hòa âm, phối khí, tinh chỉnh tất cả các lớp nhạc khác nhau. Mike đã chơi hơn 20 loại nhạc cụ và thu âm hơn 2.300 đĩa khác nhau cho đến khi anh cảm thấy hài lòng. Trong khi đó, chúng tôi vẫn cố gắng cho thuê Manor cho bất kỳ ban nhạc nào chúng tôi có thể tìm được, vì vậy Mike thường xuyên bị gián đoạn việc thu âm và anh ấy phải dọn sạch dụng cụ làm việc của mình ra khỏi phòng thu để nhường cho ban nhạc The Rolling Stones hay Adam Faith.
Frank Zappa tạo dựng danh tiếng của mình là một trong những ca sỹ đầu tiên, sáng tạo và đột phá nhất trong làng nhạc rock. Các album nhạc của anh ấy, như We’re Only In It For The Money và Weasels Ripped My Flesh, đầy những lời ca châm biếm chua cay và khi anh ấy quyết định hợp tác với Manor để tìm kiếm khả năng thu đĩa, tôi chắc rằng, với anh ấy, đó chỉ là một trò đùa.
Tôi lái xe đón Frank từ London về và tán tụng căn biệt thự tuyệt vời nơi có phòng thu âm của chúng tôi. Nhưng, thay vì đi đường Shipton-on-Cherwell, tôi đi đường vòng đến gần Woodstock. Tôi dừng lại trên đường, phía dưới vòm cửa tráng lệ, và lái xe xuống dọc con đường rải sỏi tới một ngôi nhà lộng lẫy.
“Tôi sẽ đi đỗ xe”, tôi nói với Frank. “Chỉ cần gõ cửa và giới thiệu với họ anh là ai.” Một người giúp việc trong bộ đồng phục ra mở cửa. Thật nực cười là ông ấy không nhận ra Frank Zappa và không hề được thông báo trước là có một nhà soạn nhạc có mái tóc dài sẽ đến và nghỉ tại ngôi nhà này. Người quản gia hỏi Zappa rằng anh ấy có biết là mình vừa gõ cửa Blenheim Palace, khu trang trại của dòng họ Dukes ở Marlborough không?
Frank quay trở lại xe, cam đoan rằng anh ấy có thể thấy được trò hài hước trong chuyện này. Nhưng anh ấy không bao giờ thu âm tại Manor.
Ngày 22/7/1972, tôi và Kristen tổ chức hôn lễ tại một nhà thờ nhỏ ở Shipton-on- Cherwell. Lúc đó tôi vừa mới bước sang tuổi 22 và Kristen mới vừa 20 tuổi. Chúng tôi quen biết nhau chỉ từ tháng Năm năm trước. Tôi vẫn còn giữ một tờ thiếp mời tiệc cưới của chúng tôi. Trên tấm thiếp ghi rõ: “Tôi và Kristen quyết định đi đến hôn nhân và chúng tôi mời mọi người đến dự tiệc chung vui cùng chúng tôi. Sẽ có món lợn quay và mời mọi người đến tham dự bữa tiệc đúng giờ. Ban nhạc Scaffold sẽ chơi tại bữa tiệc”. Một trong những điều tuyệt vời nhất về Manor, chính nơi đây là một địa điểm tuyệt vời để tổ chức các bữa tiệc. Chúng tôi có những ban nhạc chơi ở đó, và có dòng sông để bơi, có những căn phòng rộng với những lò sưởi cổ kính và có một khoảng sân tách biệt nơi có thể đón ánh mặt trời.
Tiệc cưới của chúng tôi là một bữa tiệc ngoài trời tuyệt vời, với tất cả những người láng giềng từ Shipton-on-Cherwell cùng với các thành viên của Virgin và rất nhiều ban nhạc rock nổi tiếng lúc bấy giờ. Ngày cưới là một ngày đặc biệt. Khi chúng tôi đang đứng trước cửa nhà thờ để chờ Kristen đến thì một chiếc xe tải cua vào ngõ hẻm đi về phía chúng tôi. Không ai có thể hiểu được điều gì đang diễn ra cho đến khi một người phụ nữ đứng tuổi trong bộ trang phục màu xanh đội chiếc mũ màu xanh bước xuống từ xe tải.
“Tôi không đến muộn chứ?” – Granny nói to.
Chiếc xe tải đã đâm vào xe bà ta khi ngang qua Oxford và bà ta khăng khăng đòi lái xe phải đưa bà ấy đến dự lễ cưới của chúng tôi.
Quà cưới của bố mẹ tặng chúng tôi là một chiếc xe Bentley cổ xinh xắn với ghế ngồi làm bằng da màu đỏ và phần chắn bùn làm bằng gỗ cây óc chó. Mặc dù nó đã hỏng rất nhiều lần giống như chiếc Morris Minor của tôi nhưng thật sự thoải mái và dễ chịu khi ngồi lên chiếc xe để được lái xe đưa đi dọc đường.
Một trong những phù dâu của Kristen là Meryll – chị của cô ấy, và Nik là phù rể của tôi.
Sau khi gặp nhau tại buổi tiệc chiêu đãi, rõ ràng một điều gì đó xảy ra giữa họ và buổi tối hôm đó, họ gặp mặt nhau trong một căn phòng tại Manor. Khi tôi và Kristen trở về sau tuần trăng mật thì cũng là lúc Nik và Meryll thông báo họ sẽ tổ chức lễ cưới.
Nik và Meryll tổ chức hôn lễ nhanh hơn cả vợ chồng tôi: đám cưới của họ diễn ra vào mùa đông năm 1972, chỉ sau 5 tháng kể từ khi họ gặp mặt nhau. Vợ chồng tôi cảm thấy đôi chút e ngại cho đám cưới của họ: Tôi đã bỏ cả ngày chuyện trò cùng Nik tại South Wharf Road, và sau đó lại gặp anh ấy cùng Meryll vào các buổi tối. Thật không may, một trong những lý do Kristen phải đến nước Anh là để chạy trốn khỏi gia đình cô ấy, và giờ cô ấy nhận ra rằng, cả hai chị em cô đã cưới hai người đàn ông quá thấu hiểu lẫn nhau. Ý tôi không phải là tôi và Nik có quan hệ không lành mạnh với nhau. Mà cả hai chúng tôi đều là những người độc thân khi bắt đầu điều hành Virgin và đột nhiên cả hai chúng tôi cùng lập gia đình.
Suốt mùa đông năm 1972 và mùa xuân năm 1973, Mike Oldfield sống tại Manor và thu đĩa Tubular Bells. Tôi nghĩ đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời anh ấy. Anh ấy sống ở đó cùng với Tom Newman, người luôn bị ám ảnh bởi công nghệ thu đĩa, và họ có thể cùng nhau sửa lại các bản nhạc. Mundy vẫn sống ở đó. Khi tôi và Kristen lái xe đến Manor vào một đêm thứ Sáu, chúng tôi thấy Mike, Tom và Mundy đang ngồi trên tấm thảm trên sàn nhà, vừa cho thêm củi vào lò sưởi vừa nghe lại các lần thu âm cuối cùng.
Dường như họ đang thoát khỏi thế giới thực tại. Cuối cùng thì Tubular Bells cũng được hoàn thành và sẵn sàng phát hành vào tháng 5/1973.
Chúng tôi biết rằng chúng tôi đang sở hữu một thứ gì đó lạ thường trong tay khi chúng tôi bắt đầu phát hành album nhạc Tubular Bells ra thị trường. Simon mang bản thu âm của Tubular Bells tham dự hội nghị những người bán hàng của Island Records, hãng sẽ phát hành album. Mọi người tập trung trong một phòng hội nghị lớn tại một khách sạn gần Birmingham. Họ đã nghe nhạc hàng giờ đồng hồ. Những người có mặt tại đây đều đã nghe Tubular Bells trước đó. Simon bật băng Tubular Bells lên và họ nghe trọn vẹn một mặt băng của album nhạc này. Một tràng pháo tay rộ lên khi mặt băng kết thúc. Đây là hội nghị bán hàng đầu tiên của Simon và vì vậy anh không hề biết rằng điều này theo tiền lệ chưa từng xảy ra. Anh không bao giờ được nghe thấy lại một lần nào nữa về một khán phòng đầy các doanh nhân đang ngồi trong trạng thái chán nản đã vỗ tay hoan nghênh một đĩa nhạc mới.
Vào ngày 25/5/1973, lần đầu tiên Virgin phát hành bốn album nhạc của mình, đó là: đĩa nhạc Tubular Bells của Mike Oldfield; Flying Teapot của Gong; Manor Live, một đĩa nhạc nén được Elkie Brooks thu tại Manor; và The Faust Tapes của Faust, một ban nhạc của Đức.
Năm 1973 là một năm đặc biệt cho nhạc rock và nhạc pop. Mùa hè năm đó chứng kiến sự thống trị của Glam Rock (một dòng nhạc rock phát triển ở Anh trong những năm đầu thập kỷ 1970 của thế kỷ XX được trình bày bởi các ca sỹ và nhạc sỹ có phong cách ăn mặc, kiểu tóc và trang điểm khác lạ) với các tên tuổi như Suzi Quatro, Wizzard, Gary Glitter và The Sweet. Nhưng cũng có một nhóm lớn các ca sỹ của Montown (Montown là một hãng thu âm được thành lập bởi Berry Gordy và sau này phát triển thành Công ty Thu âm – Motown Record Corporation) như Stevie Wonder, Gladys Knight, ban nhạc Pips, ban nhạc Jackson Five và Barry White. Một phạm vi ảnh hưởng khác đó là Lou Reed với đĩa nhạc Take a walk on the wild side và 10cc với đĩa nhạc Rubber Bullets.
Dẫn đầu các bảng xếp hạn này là David Bowie với đĩa nhạc Aladdin Sane, bằng chứng đầu tiên chứng minh việc anh có thể duy trì vị trí số một trên bảng xếp hạng. Đứng ở các vị trí tiếp theo là ban nhạc The Beatles với hai album nhạc 1962-1966 và 1967-1970, Pink Floyd với Dark Side of the Moon, Transformer của Lou Red và For Your Pleasure của Roxy Music.

Chúng tôi phải chiến đấu vất vả để thu hút sự quan tâm của công chúng vào 4 đĩa nhạc đầu tiên của Virgin. Nhưng Tubular Bells đã thực sự đi vào tâm hưởng của mọi người: nó thực sự độc đáo và hoàn toàn mê hoặc người nghe. Mọi người say mê nghe nó và hát đi hát lại theo các bản nhạc trong đĩa nhạc này, vừa nghe nhạc vừa kinh ngạc bởi cách mà Mike đã kết hợp các âm điệu với nhau. Tôi nhớ một bình luận trên tạp chí NME (The New Musical Express) mà tôi đã phải đọc đi đọc lại vài lần trước khi tôi nhận ra rằng, mặc dù tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được thực sự nhà phê bình âm nhạc đó nói gì nhưng rõ ràng là ông ấy đang mê mẩn với đĩa nhạc này. NME là tờ tạp chí về âm nhạc có tầm ảnh hưởng nhất. Với lời khen về Tubular Bells trên tạp chí, tất cả mọi người sẽ tìm kiếm để mua bằng được nó.
Bên cạnh các tờ tạp chí, tôi biết rằng một khi chúng tôi có thể khiến cho ai đó nghe Tubular Bells, người đó sẽ ngay lập tức mua nó cho riêng mình. Đúng như một nhà phê bình âm nhạc đã nói: “Lắng nghe là minh chứng đầy đủ nhất”. Vấn đề là làm thế nào để nhiều người nghe. Tôi đã gọi điện cho tất cả các nhà sản xuất đĩa nhạc mà tôi có thể, cố gắng thuyết phục họ bật đĩa Tubular Bells. Nhưng vào thời điểm đó, các bài hát 3 phút thống trị âm nhạc trên radio: không có phòng cho những bản nhạc dài 45 phút không lời. Loại máy thu thanh 3 phút tắt nó đi vì nó không phải là nhạc của Mozart và loại máy thu thanh 1 phút tắt nó đi vì nó không phải là nhạc của Gary Glitter.
Trong hai tuần đầu, doanh số bán của Tubular Bells rất tồi tệ. Sau đó, tôi mời John Peel tới Alberta để dùng bữa trưa. Chúng tôi quen biết nhau từ khi tôi phỏng vấn anh ấy cho tờ Student. Anh ấy cũng đã bắt đầu mở công ty Dandelion kinh doanh nhãn hiệu đĩa nhạc.
Anh ấy cũng là người duy nhất chơi loại nhạc rock mạnh trên đài phát thanh, và chương trình của anh là cơ hội duy nhất để chúng tôi có thể phát đĩa nhạc Tubular Bell trên đài. Tất cả chúng tôi ăn trưa tại Alberta và sau đó ngồi trên ghế sofa. Tôi bật Tubular Bells lên và anh ấy hết sức kinh ngạc.
Cuối cùng anh ấy nói rằng: “Tôi chưa từng nghe đĩa nhạc nào như thế cả.”
Cuối tuần đó, khi tôi đang ngồi trên sàn của ngôi nhà thuyền cùng với Mike Oldfied và tất cả các thành viên của Virgin, chúng tôi nghe thấy John Peel chia sẻ ngắn gọn trên đài phát thanh rằng: “Tối nay tôi sẽ không chơi các đĩa nhạc như bình thường, tôi sẽ chỉ chơi cho các bạn nghe một bản nhạc được một nhà soạn nhạc trẻ tên Mike Oldfield sáng tác. Đó là album đầu tiên của anh ấy và tên nó là Tubular Bells. Trong đời, tôi chưa từng nghe bản nhạc nào như vậy cả. Album đó được Virgin phát hành. Đó là một thương hiệu thu âm mới và album nhạc này được thu tại phòng thu của Virgin tại Oxfordshire. Bạn sẽ không bao giờ quên được nó”.
Với lời mở đầu của Peel, Tubular Bells được cất lên. Tôi đang nằm trên ghế sofa. Tất cả mọi người đang mệt mỏi ườn mình trên những chiếc ghế bành hoặc những chiếc chăn trải trên sàn nhà và đắm mình trong bia, rượu, thuốc lá và các trò chơi giải trí. Tôi cố gắng thư giãn. Tôi có thể nhìn thấy những người còn lại đang nằm đó và bị âm nhạc mê hoặc hoàn toàn. Nhưng tôi vẫn lo lắng. Đầu óc tôi rối tung lên bởi suy nghĩ về các khả năng mà tôi có thể gặp phải ở thời điểm nào đó. Tôi tự hỏi liệu có bao nhiêu người được nghe chương trình The John Peel Show; ngày hôm sau bao nhiêu người trong số đó sẽ đi ra ngoài và mua Tubular Bells; liệu họ sẽ chờ đến thứ Bảy hay sau đó sẽ quên nó. Liệu họ sẽ đến các cửa hàng của Virgin hay đặt hàng mua nó từ cửa hàng của Smith? Doanh thu từ việc bán Tubular Bells của chúng tôi sẽ tăng nhanh như thế nào? Chúng tôi sẽ phải in thêm bao nhiêu đĩa nhạc Tubular Bells nữa? Chúng tôi sẽ phải quảng bá nó trên thị trường Mỹ như thế nào? Ở một mức độ nào đó, mặc dù miệt mài trong âm nhạc nhưng tôi vẫn cảm thấy mình như một người không có chuyên môn. Tôi không thể đắm mình trong âm nhạc giống như Simon, Nik, hay Penni – cô trợ lý mới dễ thương của tôi, một cô gái thực sự xinh đẹp với mái tóc đen dài gợn sóng và nụ cười rạng rỡ. Tôi quá chú trọng đến việc Virgin cần phải bán được nhiều đĩa nhạc để kiếm tiền trả tiền thuế cho tháng sau. Tôi biết Flying Teapot và The Faust Tapes chắc phải rất khó khăn mới có thể hất cẳng The Rolling Stones hay Bob Dylan ra khỏi bảng xếp hạng. Nhưng Tubular Bells là trường hợp đặc biệt: Điều gì đó chắc chắn phải xảy ra sau chương trình âm nhạc tối nay. Virgin sẽ không bao giờ có đủ khả năng để mua thời lượng quảng cáo như vậy trên đài phát thanh để quảng cáo cho Tubular Bells.
Mike Oldfield ngồi trong im lặng. Anh ấy ngồi tựa vào Penni, nhìn chằm chằm vào chiếc đài phát thanh. Tôi tự hỏi điều gì đang diễn ra trong đầu anh ấy. Tôi chêm một chiếc vỏ đĩa của Tubular Bells – có hình một chiếc chuông ống khổng lồ lơ lửng trên mặt biển nơi một con sóng vừa xô vào – lên trên một trong những chiếc khung ảnh. Mike nhìn chằm chằm vào nó như thể anh ấy đang nhìn chằm chằm ra biển cả. Một suy nghĩ tham lam lướt sâu vào tâm trí tôi: Phải chăng anh ta vừa nghĩ đến việc ra một album nữa?
Cả ngày hôm sau, chuông điện thoại đặt hàng mua đĩa Tubular Bells từ các cửa hàng băng đĩa liên tục reo. Cũng như việc đột phá chọn chơi album Tubular Bells trong toàn bộ chương trình, John Peel đã bình luận về Tubular Bells cho tờ Listener:
Trong tất cả các dịp vừa qua, khi tôi nghe một bản nhạc được biên soạn bởi một nhạc sỹ nhạc rock đương thời, một tác phẩm mang “ý nghĩa quan trọng bền vững” mà tôi hướng tới để mang đến cho tâm hồn mình những khoảng trống rộng mở. Ngày hôm nay, có lẽ các chuyên gia sẽ nói với các bạn rằng các nhà sưu tầm âm nhạc của thế kỷ XX sẽ vẫn khen ngợi các bản nhạc của những ban nhạc nổi tiếng như Yes and Emerson, Lake and Palmer. Tôi sẵn sàng đánh cuộc với bạn rằng Yes and ELP sẽ biến mất trong tâm trí của tất cả khán giả kể cả những khán giả là khó thay đổi nhất và cả Gary Glitters và Sweets không có giá trị bền vững sẽ được xem như đại diện cho âm nhạc thực sự của những năm 1970, thế kỷ XX.
Như đã nói, tôi sẽ nói với bạn về một đĩa nhạc mới mà đối với tôi cũng như với bất kỳ nhà soạn nhạc nào, nó đều được coi là bước đột phá đầu tiên trong lịch sử mà một nhạc sỹ nhạc rock đã làm được, nó tràn đầy sức mạnh, năng lượng và có vẻ đẹp thực sự. Mike Oldfield…
John Peel có một số lượng người hâm mộ khổng lồ và những gì anh ta nói ra đều được hàng nghìn người trên toàn đất nước lắng nghe.
Chúng tôi tổ chức một tua diễn khắp đất nước cho cả Gong và Faust nhưng vẫn lên kế hoạch tổ chức buổi hòa nhạc lớn cho bản nhạc Tubular Bells vào ngày 25/6. Tôi hy vọng buổi hòa nhạc này sẽ thu hút các nhà báo quốc gia đến tham dự để chứng kiến khoảnh khắc lên ngôi của âm nhạc. Chúng tôi đã biến buổi hòa nhạc Tubular Bells thành một sự kiện không thể quên được. Cả Mick Taylor, rồi sau đó là tay ghi ta của ban nhạc The Rolling Stones, rồi Steve Hillage, Hatfield và ban nhạc The North đều đồng ý chơi các nhạc cụ khác nhau. Viv Stanshall từ ban nhạc The Bonzo Dog Doo-Dah cũng đã đồng ý lên sân khấu và thông báo về các loại nhạc cụ mà anh ấy đã chơi trong đĩa nhạc.
Vào ngày diễn ra buổi hòa nhạc Tubular Bells, Mike đi loanh quanh ngôi nhà thuyền và nhìn tôi.
Anh ấy điềm tĩnh nói: “Richard, tôi không thể đến tham dự buổi hòa nhạc tối nay được.” “Nhưng chúng ta đã thu xếp đâu ra đấy rồi mà” – Tôi trả lời.
“Chỉ đơn giản là tôi không thể tiếp tục” – Anh ấy nhắc lại bằng giọng thều thào.
Tôi thấy một cảm giác thất vọng trào lên trong người. Tôi biết Mike rất cứng đầu một khi anh ấy không muốn. Tôi cố gắng quên điều đó đi, toàn bộ buổi hòa nhạc đã được thu xếp, vé đã được bán hết, và thậm chí đài truyền hình cũng đã đồng ý đưa tin. Tôi không thể dùng một trong số những lý do trên để làm đòn bẩy thuyết phục Mike vì nó chỉ khiến cho anh ấy càng kiên quyết hơn. Vì vậy tôi đành sử dụng sự khôn khéo của mình.
Tôi nói một câu vô hại rằng: “Chúng ta hãy lái xe đi một vòng nhé”, và dẫn đường đi theo con đường mòn lắt léo rồi đến chỗ tôi để chiếc xe Bentley cổ của mình. Tôi biết Mike vẫn luôn ngưỡng mộ “chiếc chiến hạm màu xám” với những chiếc ghế da đỏ bạc màu này của tôi. Tôi hy vọng rằng một vòng đi thanh thản qua tòa nhà The Queen Elizabeth Hall sẽ khiến Mike thay đổi suy nghĩ. Mike ngồi tư thế nghiêm trang suốt đoạn đường chúng tôi đi. Sau một thoáng lái xe, chúng tôi đã đến tòa nhà The Queen Elizabeth Hall, tôi giảm dần tốc độ. Poster quảng cáo có hình ảnh của Mike Oldfield được dán ở khắp mọi nơi. Đã có rất đông khán giả đang trên đường tiến vào khán phòng.
“Tôi không thể diễn trên sân khấu” – Mike nhắc lại.
Tôi không thể nói với anh ấy rằng đây là những quyền lợi tốt nhất của anh ấy và rằng buổi hòa nhạc này có thể giúp anh ấy tiến nhanh lên một đẳng cấp khác hẳn, đưa tên tuổi của anh đứng cạnh với Pink Floyd. Tôi dừng xe lại.
“Anh có muốn lái xe không?”
“Được thôi” – Mike thận trọng trả lời.
Chúng tôi tiếp tục lái xe, qua cầu Westminster, qua cả quảng trường Victoria. Qua cửa kính, tôi nhìn thấy đèn nháy công viên Hyde Park. Mike rẽ xuống đường Bayswater Road và lái xe đến gần nhà thờ nơi tôi đã từng ngồi để biên tập lại tạp chí Student.

Tôi nói: “Mike, anh có muốn có chiếc xe này không? Như một món quà chẳng hạn?” “Một món quà ư?”
“Ừ. Tôi sẽ ra ngoài và đi bộ về nhà. Anh chỉ cần tiếp tục lái xe đi và chiếc xe là của anh.” “Anh đừng có nói như thế! Nó là quà cưới của anh cơ mà.”
“Tất cả những gì anh phải làm để có chiếc xe này là lái xe quay lại tòa nhà Queen Elizabeth Hall và tiến lên sân khấu đêm nay.”
Chúng tôi im lặng. Tôi thấy Mike như thể anh ấy đang cầm vô lăng và tưởng tượng chính mình đang lái xe. Tôi biết lời đề nghị của mình đã lôi cuốn được anh ấy và tôi hy vọng anh ấy sẽ đồng ý.
“Đây là một vụ trao đổi” – Mike nói.
Tôi sẽ phải nói với Kristen và cả bố mẹ tôi về những gì mà tôi đã làm với chiếc xe Bentley của chúng tôi, nhưng tôi biết rằng họ sẽ không trách tôi. Xét cho cùng nó cũng chỉ là một chiếc xe ô tô cho dù nó có hấp dẫn và có giá trị về mặt tình cảm đi chăng nữa. Điều quan trọng bây giờ là khiến cho Mike bước lên sân khấu và bán thật nhiều đĩa nhạc Tubular Bells. Nếu anh ấy thành công thì tôi có thể mua được bất cứ chiếc xe nào mà tôi muốn. Và mẹ tôi cũng sẽ tán thành việc tôi làm mà thôi.
Khi các giai điệu cuối cùng của bản nhạc Tubular Bells kết thúc, một sự im lặng thoáng qua tại tòa nhà The Queen Elizabeth Hall, mọi người đang ngẫm nghĩ về những gì mà họ vừa được nghe. Dường như tất cả mọi người đều bị thôi miên và không ai muốn phá vỡ bùa mê đó. Sau đó, họ cùng đứng lên hoan hô. Lúc đó tôi đang ngồi giữa Kristen và Simon, và chúng tôi đều đứng lên theo tiếng hoan hô của mọi người. Nước mắt lăn trên má tôi. Mike đứng dậy tiến lên phía trước cây đàn organ, một dáng vẻ nhỏ bé, chỉ cúi chào và nói cảm ơn tới khán giả phía dưới. Thậm chí cả ban nhạc đều vỗ tay ủng hộ anh ấy. Anh ấy là một ngôi sao mới.
Đêm hôm đó, chúng tôi bán được hàng trăm đĩa nhạc Tubular Bells. Mike quá mệt mỏi khi phải trả lời phỏng vấn từ phía báo chí. Nhìn tất cả các khán giả đang cổ vũ và chen lấn xung quanh để mua đĩa nhạc của mình, anh ấy nói: “Tôi cảm thấy như thể mình vừa bị chiếm đoạt”, và rồi anh ấy biến mất với chiếc xe Bentley mới của mình. Mike từ chối quay trở lại sân khấu rất nhiều năm sau đó. Kristen và tôi đi bộ về nhà. Từ đêm đó trở đi, album Tubular Bells của Mike Oldfield trở thành một trong những album nhạc được tôn vinh nhất của năm. Virgin Music đã có tên trên bản đồ âm nhạc và tiền bắt đầu đổ vào hầu bao của chúng tôi.
Danh tiếng nhanh chóng lan rộng và vào ngày 14/7, Tubular Bells giữ vị trí thứ 23 trong bảng xếp hạng các album nhạc được yêu thích nhất. Vào tháng Tám năm đó, nó chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng. Trong 15 năm tiếp theo, bất cứ khi nào Mike Oldfield ra đĩa nhạc mới thì nó đều lọt vào top 10 album nhạc hay nhất. Cuối cùng, Tubular Bells bán được hơn 13 triệu bản và đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng những album nhạc bán chạy nhất nước Anh. Tôi hy sinh chiếc Bentley của mình thật có giá trị. Tôi không bao giờ có ý định mua một chiếc Bentley khác nữa.
Mặc dù từ đêm hôm đó, thương hiệu Virgin Music đã được biết đến nhưng chúng tôi vẫn là một công ty nhỏ với 7 thành viên và không có khả năng phân phối đĩa nhạc tới tất cả các cửa hàng đĩa nhạc trong cả nước. Chúng tôi có hai lựa chọn. Thứ nhất là bán bản quyền các đĩa nhạc của chúng tôi cho một công ty khác, một thương hiệu thu âm lớn hơn. Điều này sẽ đem lợi cho những ban nhạc đã thực sự thành công. Công ty đó sẽ trả cho chúng tôi một khoản tiền đặt cọc để có được quyền quảng bá các đĩa nhạc, phân phối và giữ lại phần lớn tiền lãi. Nếu doanh thu bán một đĩa nhạc lớn hơn so với khoản tiền đặt cọc trước đó thì công ty đó sẽ phải trừ đi và trả chúng tôi một khoản tiền bản quyền tương ứng với khoảng 16% giá bán của đĩa nhạc đó. Đây là thoả thuận truyền thống dành cho các công ty thu âm non trẻ như Virgin.
Lựa chọn thứ hai có phần mạo hiểm hơn. Virgin sẽ bỏ qua khoản tiền đặt cọc và tiền bản quyền đó, và đơn giản là trả tiền cho một thương hiệu thu âm khác để họ sản xuất và phân phối đĩa nhạc của Virgin khi có đơn đặt hàng từ các cửa hàng đĩa nhạc trong cả nước. Virgin sẽ chịu trách nhiệm cho toàn bộ các hoạt động quảng bá đĩa nhạc của mình và chịu toàn bộ rủi ro nếu đĩa nhạc đó thất bại. Ngược lại, nếu đĩa nhạc bán tốt thì chúng tôi sẽ có tất cả.
Hầu hết các thương hiệu thu âm nhỏ đều bán bản quyền các đĩa nhạc của mình vì đó là cách thu tiền về dễ dàng: họ nhận được 16% tiền bản quyền từ phía các công ty đó và trả cho các nghệ sỹ một khoản tiền mà hai bên đã thoả thuận, thông thường vào khoảng 5 đến 10%. Nhưng tôi và Simon đã quyết định chúng tôi sẽ tìm một nhà sản xuất và cung cấp riêng cho mình. Chúng tôi gọi là “Sản xuất và Phân phối” – Pressing and Distribution – P&D). Đó là một bước đi táo bạo nhưng sau đó tôi biết rằng nó chỉ thực sự táo bạo khi bạn đến một nơi nào đó. Nếu bạn là một người thích mạo hiểm thì nghệ thuật sẽ bảo vệ bạn khỏi bị sa sút. Đối với chúng tôi dường như đĩa nhạc Tubular Bells quá nổi tiếng nên chúng tôi đã tự quảng bá được tên tuổi của mình. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng doanh số bán ra của Tubular Bells sẽ đủ để chúng tôi hoàn lại vốn đầu tư ban đầu. Với ý tưởng thà tìm kiếm một thoả thuận P&D còn hơn là thoả thuận bán bản quyền các đĩa nhạc của mình, chúng tôi đã tìm đến công ty Island Records.
Lần đầu tiên tôi đến Island Records khi tôi đang là biên tập viên cho tạp chí Student.
Cuộc gặp gỡ đó do Chris Blackwell dàn xếp. Chris lớn lên ở Jamaica và đã một tay đưa dòng nhạc mang tính chất Tây Ấn (nhạc có nhịp điệu mạnh) vào nước Anh. Chính Island đã tạo nên tên tuổi của Bob Marley, ngôi sao hàng đầu về nhạc Tây Ấn, và bên cạnh đó là các tên tuổi như Cat Stevens và Free.
Có thể đoán trước rằng, ban đầu Island sẽ từ chối thoả thuận P&D với chúng tôi. Họ đã mua bản quyền của Chrysalis và Charisma và họ cũng muốn Virgin làm như vậy. Vì vậy, họ đề nghị chúng tôi một thoả thuận bản quyền rất hấp dẫn với 18% doanh số bán ra. Chúng tôi sẽ trả cho Mike 5%, điều đó có nghĩa là nếu chúng tôi chấp nhận lời đề nghị của Island, chúng tôi sẽ thu về 13% tổng doanh số bán được đĩa nhạc Tubular Bells. Với giá 2,19 bảng, chúng tôi sẽ nhận về tương đương 28,5 xu một đĩa. Như vậy tổng lợi nhuận thu về là
171.000 bảng, nếu đĩa nhạc Tubular Bells tạo được cơn sốt và bán chạy khoảng 600.000 bản – con số này gấp đôi con số đĩa nhạc đạt giải bạch kim bán chạy nhất. Một đĩa nhạc đạt giải vàng đạt doanh số bán ra là 200.000 bản và đĩa nhạc đạt giải bạch kim là 300.000 bản. Nếu Tubular Bells đạt con số 1.000.000 bản bán ra thì Virgin sẽ kiếm được 285.000 bảng mà không phải trả bất cứ khoản nào cho việc quảng bá và tiếp thị đĩa nhạc này. Nói một cách khách quan thì Island có một vị trí tốt hơn hẳn Virgin trong việc quảng bá đĩa nhạc đến tất cả các cửa hàng băng đĩa trong cả nước. Hầu hết các công ty thu đĩa cỡ nhỏ ở đất nước tôi đều sẽ chấp nhận lời đề nghị này và tất nhiên cả Island và luật sư của chúng tôi đều thuyết phục chúng tôi làm theo phương án này.
Nhưng tôi và Simon đều suy nghĩ theo hướng khác. Trên đất nước, chúng tôi có 14 cửa hàng Virgin và họ có thể quảng bá đĩa nhạc Tubular Bells. Kinh nghiệm từng bán được
100.000 bản của một đĩa nhạc trên toàn đất nước khi còn làm việc tại Student giúp tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể bán đĩa nhạc này với số lượng lớn. Tất nhiên, lần này tương đối dễ dàng bởi lẽ Tubular Bells quá tuyệt đến nỗi bất kỳ ai cũng phải tìm mua ngay nếu như họ từng được nghe một lần.
Với một người ngoài cuộc thì đây giống như một canh bạc lớn. Nếu việc bán đĩa nhạc Tubular Bells thất bại thì Virgin Music cũng sẽ phá sản. Nhưng nếu chúng tôi bán được
600.000 bản thì chúng tôi sẽ thu về khoảng 1,3 triệu bảng và Virgin sẽ thu về khoảng
920.000 bảng sau khi đã trừ đi khoản hoa hồng cho cửa hàng bán lẻ. Trong số này, chúng tôi sẽ trả cho Mike Oldfield 65.700 bảng tiền cat-xe cho nghệ sỹ, 197.100 bảng cho Island Records cho chi phí in ấn và phân phối đến các cửa hàng bán lẻ, còn lại khoảng 658.000 bảng, chúng tôi chi cho việc quảng bá album nhạc và lợi nhuận để chúng tôi tái đầu tư vào những nghệ sỹ khác. Đây là các con số mà chúng tôi có thể nhìn thấy được.
Bản quyền sở hữu trí tuệ của album nhạc Tubular Bells là quyền thừa kế của chúng tôi, và chúng tôi quyết định sẽ phát triển dựa vào nó. Vì vậy, chúng tôi hạ thấp lời đề nghị của Island xuống và khẳng định rằng chúng tôi quả quyết hướng tới một thỏa thuận P&D. Họ sẽ chịu trách nhiệm in ấn và phân phối đĩa nhạc và chúng tôi sẽ trả cho họ từ 10 đến 15% cho việc đó. Họ vẫn kiên quyết đề nghị hợp tác với hình thức ký hợp đồng nhượng quyền cho đến khi chúng tôi dọa sẽ làm việc với CBS, một đối thủ cạnh tranh của họ, thì họ mới đồng ý ký hợp đồng P&D với chúng tôi. Chúng tôi đã trả tiền mặt ngay lập tức cho họ mà chắc hẳn Coutts sẽ rất mừng vì Manor vẫn đang chìm ngập trong nợ nần. Chúng tôi tự hứa sẽ bán đĩa nhạc Tubular Bells bằng mọi nguồn lực của mình.
Virgin Music như chú chim cu gáy được nuôi nấng trong tổ ấm của Island. Chúng tôi kiếm được lợi nhuận vượt xa so với giấc mơ của mình bởi doanh số bán ra của Tubular Bells nhanh chóng đạt giải bạc, rồi giải vàng, rồi giải bạch kim rồi gấp đôi giải bạch kim và sau đó đạt hơn một triệu bản bán ra. Chúng tôi trở thành một công ty có tiếng trong ngành thu âm và là đối thủ cạnh tranh của Island Records. Mặc dù phần trăm chi phí chúng tôi phải trả cho Mike Oldfield và Island thay đổi theo thời gian do giá bán đĩa thay đổi nhưng đĩa nhạc Tubular Bells vẫn tiếp tục bán chạy hàng triệu bản và hiện vẫn tiếp tục được bán trên toàn thế giới. Vậy là canh bạc mà chúng tôi liều mình đánh cược đã giúp chúng tôi có được khoản tài sản đầu tiên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.