Có thể lập một phương trình mà trong đó bao hàm, không mâu thuẫn với nhau, những mong muốn thầm kín của Cartasov và Lena thoát khỏi Victoria, khi xoá ghi âm cú điện thoại bí ẩn trên băng ghi tự động và vụ Colobov bị đánh mà thoạt đầu anh ta không kể với ai, còn sau đó phủ nhận hoàn toàn? Naxtia, Trernưsev, Morozov, thực tập viên Meserinov và Dosenco, những người đang mò mẫm, đã làm mọi điều có thể, khi đã hỏi cả loạt nhiều người, nhưng vẫn không nhận được chứng cứ về việc hoạ sĩ Cartasov và Lena, tình nhân của anh ta, có dính líu đến sự mất tích của Victoria. Thực ra, cũng không có được các chứng cứ về sự vô tội của họ. Xác định chứng cứ ngoại phạm của ai đó sau mấy tuần sự kiện xảy ra là việc không đáng tin cậy, nhất là khi nó kéo dài cả một tuần liền. Vậy cô ởđâu cả tuần lễ này, hở Victoria, trước khi cô bị xiết cổ? Và tại sao trên người cô có những vết đánh bằng sợi dây thừng to? Cô bị tra tấn, hành hạ? Hình như đúng là cô bị bệnh và rơi vào móng vuốt một tên đểu nào đó. Kẻ đã lợi dụng trạng thái của cô. còn cuối cùng đã giết cô. Chỉ có điều không hiểu, cú điện thoại kia là gì…
…Naxtia chìm vào những suy tư chậm rãi khi ngồi trong khoang vắng dành cho người hút thuốc trên chiếc máy bay đang bay từ Moskva đến Roma. Khi đăng kí, chị là người duy nhất trong cả phái đoàn đề nghị cho chị chỗ trong khoang thứ tư dành cho “người hút thuốc”, và giờ chị mừng rằng đã làm đúng: nơi đây ít khách, còn chị thoát khỏi việc giao tiếp với các đồng nghiệp và có thể sử dụng ba giờ rưỡi bay để suy nghĩ.
Và thế, Colobov. Trong lần nói chuyện lại đã kiên quyết phủ nhận việc anh ta bị đánh, lấy cớ bị ngã từ cầu thang khi say rượu. Thế nhưng vợ anh ta cũng quả quyết không kém, khẳng định chồng cô bị đánh, sự tự tin của cô là khi anh ta về nhà hôm ấy đã nằm lên giường, ép hai tay lên bụng, co quắp người và lẩm bẩm: “Lũ đểu. Lũ súc sinh”. Tất cả, trừ Naxtia và thực tập viên, có ý định tuần tự “đánh quỵ” gã Colobov ương bướng, nhưng điều đó không đem lại kết quả. Gã ngã, và chỉ có thế. Chỉ mất thời gian mà thôi. Thế nhưng trong khi đó người ta nhận thấy rằng, càng kiên trì phủ nhận bao nhiêu, anh ta càng bệnh hoạn bấy nhiêu phản ứng lại bất kì sự gợi nhắc nào về Victoria, bạn gái của vợ anh ta. Cuối cùng người ta quyết định kiểm tra gã bán thuốc lá nhập khẩu háu gái có liên kết với Victoria bởi những trò tình ái hay không, điều mà không hề một ai biết. Có thể là trong vụ này mọi sự vốn đơn giản hơn nhiều và động cơ giết người là sự ghen tuông? Như một giả thuyết – hoàn toàn được. Và lúc đó cú chuông điện thoại có thể là Victoria thông báo rằng cô đi đâu đó với Colobov. Xét theo mức họ biết về tính cách của cô gái, chắc cô không ngại ngùng nói điều đó với Cartasov. Sau vụ giết người, hoàn toàn có khả năng, do Colobov gây nên, Cartasov và Lena quyết định không tố giác kẻ giết người. Thiếu gì những lí do… Thêm nữa, với cái chết của Victoria tự nó đã giải quyết những vấn đề riêng của họ, Cartasov bạc nhược không cần phải nghĩ thêm, làm cách nào xa rời được Victoria, còn Lena nhận được cơ hội hiện thực có một cuộc sống gia đình bình thường với hoạ sĩ. Hơn nữa, cả hai người rất muốn có con. Trong phương trình này đoạn ghi âm bị xoá trong băng là có vị trí, nhưng Colobov bị đánh đập thì có liên quan gì ở đây? Mà có thể, không dính líu gì chăng? Nó không hề liên quan đến vụ án mạng, và không cần phải ngoắc “ngựa và con nai vàng ngơ ngác” vào chung một cái ách.
— Trước đây chị chưa đến Roma à? – từ phía bên phải chị nghe một giọng nói dễ chịu bằng tiếng Anh lơ lớ. Naxtia quay đầu về phía chàng trai mặc áo len trắng ngồi cách lối qua lại. Anh ta mỉm cười nhìn quyển chỉ dẫn du lịch Roma mà chị lục được ở nhà bố mẹ, đang nằm trên đầu gối chị. Quyển chỉ dẫn này bà Nadejda mang về từ chuyến đi Italia đầu tiên đã nhiều năm về trước.
Theo giọng lơ lớ Naxtia đoán không hề nhầm lẫn chàng trai là người Italia. Khó lắm chị mới thắng được sự cám dỗ trả lời anh ta bằng tiếng Anh. “Không thể cứ kéo dài bất tận, – chị thầm nghĩ. – Dù sao vẫn cần sử dụng tiếng Italia, vậy thì tốt nhất là bắt đầu từ bây giờ”. Chị cảm thấy tự tin về tiếng Anh và tiếng Pháp, thường sử dụng chúng, dịch nhiều, đặc biệt trong thời kì nghỉ phép để lấp những lỗ hổng trong ngân sách. Còn tiếng Italia mà chị biết không tồi thời nhỏ như sự cương quyết của mẹ, nằm yên đã lâu, như chị tự diễn đạt, trong ngăn bàn xa không được sử dụng tích cực, và Naxtia hơi sợ nói thứ tiếng này. Nhưng rồi chị cũng đã quyết.
— Anh có thể nói tiếng Italia, – chị thốt ra, trong khi chống chọi lại sự ngượng nghịu và thận trọng dõi theo cách phát âm. – Chỉ có điều đừng nhanh.
Chàng trai cười vẻ hiểu biết và chuyển sang tiếng mẹ đẻ với sự thích thú ra mặt. Họ tán đóc chừng hai chục phút, khi trưởng đoàn đại biểu Iakimov với điếu thuốc lá bước vào khoang. Ông chiếm chỗ ngồi ngay phía trước Naxtia, quẹt lửa, thả khói và quay về phía chị nghiêng nhẹ qua tay vịn ghế bành.
— Tách khỏi tập thể hả Naxtia? – ông nói đùa. – Và cũng đã tìm được cho mình kẻ hâm mộ. Liệu đấy, đừng để có những điều dại dột.
Chị thấy thích Iakimov. Ông không có thói độc đoán và cái ưu thế trịch thượng của một người đã nhiều lần ở ngoại quốc trước những đồng bào lần đầu tiên ra nước ngoài, vốn thường không biết xử sự thế nào và nói gì. Ông hào hứng chia sẻ kinh nghiệm, trả lời tỉ mỉ tất cả những câu hỏi và cho những lời khuyên rất giá trị mà Naxtia, đã từng đến Thuỵ Điển thăm mẹ, thừa nhận là đúng và kịp thời. – Lịch trình của chúng ta thế nào ạ? – Chị hỏi Iakimov.
— Từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều, các đồng nghiệp Italia sẽ làm việc cùng chúng ta, sau 6 giờ – chúng ta tự mình vui vẻ. Thứ tư và thứ bảy – ngày nghỉ, có thể chạy đi các cửa hàng, nếu muốn. Cô quan tâm cụ thể là điều gì?
— Tôi muốn gặp mẹ. Bà hứa đến Roma vào thứ năm.
— Không thành vấn đề. Sau 6 giờ cô tự do, về phía tôi không có phản đối gì cả. Để phòng xa, hãy lưu ý, có hai người trong đoàn ta đã đánh hơi thấy là cô biết nhiều ngoại ngữ, và định dùng chức vụ cao hơn trói cô vào những chuyện liên quan với các cửa hàng. Vậy nên, nếu muốn có tự do, hãy cho tôi rõ – tôi sẽ cố kìm giữ họ lại.
Iakimov tắt thuốc lá và đi lên khoang trước nơi ông ngồi cùng với các thành viên còn lại: hai vị tướng (một ở Bộ, người kia – ở Sở Nội vụ Moskva), một trưởng phòng công an khu thuộc Moskva và hai cán bộ Tổng cục truy tìm tội phạm.
— Không bao giờ tôi có thể nghĩ chị là người Nga. Tôi đã tin chắc chị là người Anh, – giọng chàng thanh niên áo len trắng vang lên.
Naxtia thầm mỉm cười. Không thông thái gì việc anh ta xem chị là người Anh: thân gầy, lông mày bệch bạc, xấu xí, với những đường nét thanh mảnh của khuôn mặt thiếu linh hoạt và có lẽ lạnh lùng, đúng thực chị rất giống cô gái già điển hình từ tiểu thuyết kinh điển Anh. Chí ít, vẻ ngoài của chị không có gì chung với quan niệm khác xa về mĩ nhân người Nga.
— Anh muốn nói là tôi có vẻ ngoài đặc trưng của người Anh?
— Không, chị nói tiếng Italia với âm sắc Anh.
— Thực thế ư?! Naxtia sửng sốt. – Hẳn chẳng bao giờ tôi nghĩ thế.
Chị quyết định chăm chú hơn lắng nghe lời nói của người cùng trò chuyện xởi lởi và cố nói giống như anh ta. Thính giác của chị vốn tuyệt vời, mẹ dạy chị quen với các ngoại ngữ từ thơ ấu, vì thế cuộc chiến đấu với âm sắc tiếng Anh đã kết thúc thành công chính đúng vào thời điểm máy bay hạ cánh. Chàng Italia trẻ đánh giá đúng những nỗ lực về mặt ngôn ngữ của Naxtia và nói lúc chia tay:
— Bây giờ chị nói như một cô gái Italia sống quá lâu ở Pháp.
Họ cùng vui vẻ cười toáng lên.
— Ở tôi lại xuất hiện âm sắc khác hả?
— Với âm sắc mọi chuyện đều ổn, nhưng chị bắt đầu nói những câu như một cô gái Pháp vậy.
o O o
Họ được bố trí trong một khách sạn Kitô giáo nhỏ yên tĩnh nằm trên một ngọn đồi cách không xa sứ quán Nga. Naxtia mừng rỡ khi biết rằng từ khách sạn đến nhà thờ Thânh Pie có thể đi bộ chừng hai mươi phút.
Iakimov không đánh lừa. Lúc 6 giờ chiều người Italia kết thúc ngày làm việc, và phái đoàn Nga được quyền tự do. Ở đây không có gì giống với lòng hiếu khách của người Nga: qua sáu ngày – chỉ có một chuyến du lịch trong thành phố và một cuộc chiêu đãi với các đại diện của Bộ. Họ làm quen với công việc của các cơ quan và đơn vị cảnh sát, đặt câu hỏi, xem phim học tập. Không hề có những hoạt động gì sau giờ làm việc.
Điều này hoàn toàn hợp ý Naxtia. Sau bữa ăn trong khách sạn vào 7 giờ, chị thay quần áo, đổi váy bằng quần bò, còn giày cao gót – bằng giày thể thao quen thuộc, khoác bludông da mà trong túi có quyển chỉ dẫn, và đi dạo. Thứ tư, khi họ có ngày nghỉ, Naxtia rời khách sạn lập tức sau bữa sáng được dọn ra lúc bảy giờ rưỡi. Trừ Iakimov, chị không nói với ai về các kế hoạch của mình và cố lẻn đi không ai nhận thấy trước khi chưa có ai đề nghị chị giúp trong việc mua bán, bởi vì ngoài chị và người phụ trách, không một ai biết tiếng Anh chứ chưa nói chi tiếng Italia. Kế hoạch của chị khá đạt, và Naxtia đã suốt ngày lang thang khắp thành phố, nghiêng ngó nhìn những ngôi nhà, các tác phẩm điêu khắc, len lách trong dòng xe cộ bất tận và không ngừng kinh ngạc rằng các tài xế đã có thái độ chăm chú và tôn trọng đến mức nào đối với người đi bộ. Mặt trời tháng 12 còn rất ấm, nhưng bất kể nhiệt độ 17°c, nhiều phụ nữ đi trên phố với áo lông mở cúc. Khắp nơi Naxtia bị săn đuổi bởi mùi cà phê toả ra từ vô số hiệu cafe và quán bar nhỏ. Hai giờ đầu chị còn tìm đủ sức chống chọi, nhưng sau đó, ngẫm nghĩ một cách tỉnh táo rằng, dù sao vẫn cần cho đôi chân nghỉ, còn với số tiền chị có thì chẳng mua được gì nhiều, vì thế không đáng tiết kiệm, chị đã ngừng khước từ cho bản thân sự khoan khoái và thích thú ngồi xuống bên một chiếc bàn ngay trên đường phố.
Gần tối, bất kể có cuốn chỉ dẫn, chị vẫn lạc, đi mãi dọc bức tường đá lặng câm và chỉ khi đến chỗ quen, chị hiểu ra, rất đơn giản là chị đã dạo quanh Vatican.
Thứ năm, ngày 16 tháng 12, khi đi xuyên qua dãy cột quây quanh nhà thờ Thánh Pie. Naxtia lập tức nhìn thấy mẹ mình trên quảng trường. Bà Nadejda xinh đẹp, thanh thoát và trang nhã đến chóng mặt, đang đứng trò chuyện sôi nổi với một người đàn ông dáng cao, tóc bạc và phút phút lại ngoái nhìn tứ phía.
Hai mẹ con ôm hôn nhau.
— Hãy làm quen, – giáo sư Hadejda ngay đó chuyển sang tiếng Anh. – Con gái Naxtia của tôi. Giáo sư Kiun đồng nghiệp của mẹ.
— Kiun, – ông kia giới thiệu khi bắt tay Naxtia.
“Ái chà mẹ yêu. – Naxtia thầm khâm phục. – Đã không sợ dẫn theo tình nhân của mình. Vả lại, bà biết sợ ai đâu? Lẽ nào sợ ta? Buồn cười. Thú vị thật, ai bố trí cuộc xem cho ai, ông ta cho mình, hay mình cho ông ta? Nhưng dẫu sao thì mẹ cũng xinh đẹp làm sao! Tại sao mà mình sinh ra xấu xí thế này nhỉ?”
Kiun có mái tóc bạc, khuôn mặt trẻ thơ và cặp mắt vàng xanh vui vẻ. Ông nói được một ít tiếng Nga, Naxtia, dù rất khó khăn, nhưng có thể giải thích bằng tiếng Thụy Điển, và cuộc trò chuyện của ba người tự nó là một mớ hổ lốn ngôn ngữ thú vị.
Buổi tối đầu tiên họ ngồi đến tận khuya trong nhà hàng do vị giáo sư dễ mến, vốn biết mọi ngóc ngách ở Roma dẫn họ đến. Naxtia không nhớ lại nổi lần cuối chị đã cười nhiều đến thế là bao giờ. Chị cảm thấy nhẹ nhõm với mẹ và bạn của bà, những e ngại của chị là không đúng, chị không cảm thấy một chút căng thẳng nào. Vượt qua chướng ngại khó xử trong thời gian gặp bố dượng và người tình của ông, chị đã trải qua hoàn cảnh tương tự với mẹ chẳng hề có khó khăn gì về mặt tâm lí. Mẹ hạnh phúc. Kiun nhìn bà với sự đắm đuối, vui vẻ, và có gì tồi trong mọi điều đó nếu tất cả đều sung sướng?
— Ngày mai chúng ta đi xem opera, – khi chia tay bà Hadejda nói, – còn thứ bảy – thăm nhà thờ Sicstin. Đừng ngủ quá, nó chỉ mở cho người xem đến 2 giờ chiều thôi.
— Tôi rất mừng là Nadejda có cô con gái tuyệt vời đến thế, – Kiun mỉm cười quyến rũ.
Naxtia trở về khách sạn thoả mãn và thanh thản. Những băn khoăn về chuyện đổ vỡ gia đình đã khoan xoáy chị mấy tháng nay giờ đây bỗng trở nên vô lí và thiếu cơ sở. Mọi người có toàn quyền được hạnh phúc, hơn nữa, khi không hề có ai phải đau khổ. Nếu như Naxtia biết, cuộc sống của chị sẽ thay đổi đột ngột như thế nào chỉ sau ba ngày, nếu như chị đoán ra nổi, “kì nghỉ ở Roma” đối với chị sẽ là xa xăm và mờ ảo khó tin từ thẳm sâu của nỗi sợ và căng thẳng thần kinh nhấn chị chìm sâu trong đó chỉ sau ba ngày nữa, chắc hẳn chị đã cố nhớ kĩ hơn và củng cố chắc hơn cái cảm giác khoan khoái và tĩnh tâm đã bao bọc chị trong thành phố Vĩnh cửu. Nhưng Naxtia cũng như tất cả những con người hạnh phúc, quá tự tin cho rằng, giờ đây mãi mãi sẽ chỉ là thế.
Và chị đã lầm.
Thứ bảy, khi bước ra từ nhà thờ Sicstin, mẹ chị đề nghị đi tới hội chợ sách.
— Mẹ cần xem mấy quyển sách cần cho mẹ và bạn bè. Chúng ta cùng đi nhé, chắc con sẽ thích.
Họ tách nhau ở hội chợ. Mẹ và Kiun đi tìm những ấn bản cần cho họ, còn Naxtia đã ở lại cạnh những giá sách mà phía trên được viết bằng chữ to: “Sách châu Âu bán chạy”. Chị nhìn những bìa sách rực rỡ, đọc tóm lược, thầm ghi nhận: “Chắc mình sẽ đọc cuốn này, nếu có thì giờ, cả cuốn này cũng thế, và cuốn này… Còn loại văn chương này – không phải khẩu vị của mình”. Đi sang giá sách tiếp theo, chị cảm thấy đất sụt dưới chân: Ngay trước chị có quyển sách “Bản xônát cái chết”, tác giả Jean-Paul Brizac. Trên mặt bìa – năm sọc đỏ màu máu, phỏng theo dãy nốt nhạc, và chiếc cần violon màu xanh sáng.
Trấn tĩnh khỏi cú sốc, Naxtia cầm cuốn sách và ghim mắt vào tóm lược. “JeanPaul Brizac. – chị đọc. – một trong số những nhân vật bí ẩn nhất của văn học châu Âu hiện đại. Chưa một nhà báo nào lấy được phỏng vấn ở tác giả của hơn hai chục cuốn sách bán chạy. Mưu mô thâm hiểm, cuộc chiến của thiện và ác, những mặt tối của bản chất con người – có tất cả thứ đó trong các cuốn sách của con người ẩn dật bí ẩn, không cho phép chụp ảnh và tiếp xúc với thế giới bên ngoài chỉ thông qua đại diện của mình”.
Chị chăm chú nhìn giá sách và tìm thêm được mấy cuốn sách nữa của Brizac bằng tiếng Đức. Pháp và Italia. Trông thấy mẹ từ xa, Naxtia xuyên qua đám đông đến chỗ bà.
— Mẹ ơi, có thể mua sách ở đây không?
— Tất nhiên. Con tìm được gì thú vị à? Đi, mẹ sẽ mua cho con, dù sao con cũng không đủ tiền, ở đây mọi thứ đều rất đắt.
— Nhưng con cần nhiều… – Naxtia nói ngập ngừng.
— Nghĩa là chúng ta sẽ mua nhiều, – bà mẹ đáp với vẻ bình thản.
Naxtia không biết tiếng Đức, vì thế đã chọn sách của Brizac bằng tiếng Pháp và tiếng Italia.
— Con cần thứ này làm gì? – Bà Nadejda khinh bỉ cong môi. – Chả lẽ con đọc cái thứ vớ vẩn này?
— Ồ… Thú vị mà, – chị đáp vẻ né tránh. – Nhà văn ẩn dật, những mặt tối của tâm hồn… Hiếu kì chứ.
Bà mẹ rõ ràng không khuyến khích sự say mê sách châu Âu bán chạy của con gái và, khi trả đồ mua không hề rẻ, đã nhận xét:
— Có thể mua Brizac rẻ hơn nhiều ở bất kì kiốt nào ở nhà ga hoặc sân bay. Và cũng có nhiều sự chọn lựa hơn.
Jean-Paul Brizac, theo lời bà Nadejda, là nhà văn nổi tiếng nhưng không sâu sắc. Sách của ông ta được độc giả không tinh tế mua một cách hứng thú để đọc lúc đi đường, vì thế được xuất bản chủ yếu với bìa mềm, khổ bỏtúi. Nhưng Naxtia quan tâm một nhận xét của mẹ:
— Ông ta đang là mốt. Con biết đấy, những năm gần đây lớn vọt mối quan tâm đối với nước Nga. Mà người di tản cũng nhiều hơn. Brizac có cả một loạt sách trinh thám với chủ đề Nga, và con hãy tưởng tượng, chúng có nhu cầu rất lớn trong số người xuất thân từ nước Nga. Mẹ có thể nói với con: dù con người ẩn dật ấy là ai đi nữa, thì cũng không nghèo đâu. Số lượng in các sáng tác của ông là khổng lồ, còn ông ta lại viết rất nhanh nữa.
— Mẹ đã đọc gì đó chưa? – Naxtia hỏi vẻ hi vọng.
— Mẹ có phải dân di tản đâu. Mà mẹ cũng không thích sách trinh thám. Mẹ không hiểu ai đã khơi lên sở thích tồi như thế cho con.
— Nhưng nếu mẹ chưa đọc sách của ông ta, từ đâu mẹ biết là chúng tồi? – Naxtia dường như phật ý thay cho nhà văn.
— Các nhận xét của những người mà mẹ tin, là đã đủ cho mẹ. Và sau nữa, mẹ không khẳng định rằng chúng là tồi. Nhưng mẹ biết rằng, văn chương đích thực được tạo nên qua nhiều năm tháng. Còn Brizac của con nặn ra dăm tác phẩm bất tử của mình trong một năm, nếu không nói là nhiều hơn.
— Mẹ này, mẹ nghĩ sao, – Naxtia trầm ngâm hỏi, – Brizac này có thể là người Nga di tản không?
— Khả năng hiếm hoi. – bà Nadejda phản đối kiên quyết trong khi thẫn thờ lật trang của một trong số tiểu thuyết mà con gái đã mua. – Ông ta dùng tiếng Pháp như một người Pháp. Chỉ cần đọc vài ba đoạn để tự khẳng định điều ấy. Vả lại. – bà nói thêm, khi đã lướt mắt qua một trang giở hú hoạ, – ngôn ngữ của ông ta hay, sắc sảo, đối thoại sinh động, so sánh thú vi… Có thể, thực sự ông không phải là một nhà văn kém. Nhưng ông là một người Pháp đích thực, không thể nghi ngờ gì nữa.
o O o
Ngày hôm sau Naxtia cùng phái đoàn bay về Moskva. Trên máy bay chị đọc “Bản xônát cái chết”, hi vọng tìm trong đó dù là một sự mách bảo nào đó, dù một ẩn ý nhỏ nhất cho sự giải đoán về sự trùng hợp khó tưởng tượng của hình vẽ trên bìa sách và hình vẽ do Cartasov làm theo lời của Victoria quá cố. Dù đấy có gì đi nữa, giờ đây Naxtia tin chắc một điều: Victoria không bị bệnh tâm thần. Cô thực sự có thể nghe qua radio sự mô tả giấc mơ của mình: nhiều đài phát thanh phương Tây truyền tin bằng tiếng Nga, vẫn đọc những đoạn trích từ các tác phẩm văn học mới. Ý tưởng có sự tác động qua radio không phải là thành quả của một sự tưởng tượng bệnh hoạn. Nhưng sao có thể xảy ra sự trùng hợp hai bức vẽ? Trùng đến những chi tiết nhỏ, đến màu xanh sáng mà chiếc cần violon được vẽ? Có, tất nhiên, sự lí giải đơn giản nhất mà nó nằm ngay trên bề mặt khi Victoria nghe qua radio đoạn trích từ “Bản xônát cái chết”, Naxtia thậm chí biết chính xác, cô ta đã nghe chính là đoạn nào. Sau đó kể lại một cách chi tiết với Cartasov, người đã vẽ khi tưởng tượng theo những lời của cô. Nếu trước kia cô có cơn ác mộng nào đó, nó chỉ có thể chỉ xa vời, mà có thể còn hoàn toàn không giống với những gì được viết trong “Bản xônát cái chết” và trên bức vẽ của Cartasov. Đơn giản trong đầu Victoria có gì đó đổ vỡ, và cô có cảm giác rằng… Nhưng lúc đó buộc phải thừa nhận là cô ta bị bệnh. Không, lại không ổn, lại ngõ cụt…
Nếu mới hôm qua vụ án mạng Victoria thiếu thông tin, thì hôm nay trong chớp mắt nó đã trở nên rối rắm vô kể.