Giờ ra chơi của nhóc Nicolas
Chương 05: Cái bình hồng ở phòng khách
Tôi đang ở trong nhà, đang chơi bóng thì, xoảng! Tôi làm vỡ cái bình hồng ở phòng khách.
Mẹ vội chạy tới còn tôi thì bắt đầu khóc.
– Nicolas! Mẹ bảo tôi, con biết là cấm không được chơi bóng trong nhà cơ mà! Hãy xem con đã làm gì đây này: con đã làm vỡ cái bình hồng ở phòng khách! Bố quý cái bình này lắm đấy. Khi nào bố về, con sẽ phải thú nhận hết với bố con đã làm gì, để bố phạt con và cho con một bài học đích đáng!
Mẹ nhặt những mảnh bình vỡ trên thảm rồi mẹ lại đi vào trong bếp. Còn tôi, tôi tiếp tục khóc, bởi vì đối với bố ấy à, cái bình sẽ gây ra đủ chuyện!
Bố đã đi làm về, bố ngồi ở ghế phô tơi, bố mở tờ báo ra và bố bắt đầu đọc. Mẹ gọi tôi vào trong bếp và mẹ nói:
– Thế nào? Con đã nói với bố việc con làm chưa?
– Con không muốn nói với bố đâu! Tôi giải thích, và tôi lại khóc ra trò.
– Sao! Nicolas, con biết là mẹ không ưa thế này mà, mẹ bảo tôi. Cần phải có lòng dũng cảm trong cuộc sống. Bây giờ con đã lớn tướng rồi; con sẽ ra phòng phòng khách, và thú nhận tất cả với bố!
Hễ lần nào tôi được bảo làm lớn tướng rồi là y rằng lần đó tôi phát phiền cả người! Thật chứ không à! Nhưng bởi vì mẹ chẳng có vẻ gì là đùa cả, nên tôi đành phải đi ra phòng khách.
– Bố… tôi nói.
– Hừm? bố ậm ừ nói, và tiếp tục đọc báo của bố.
– Con làm vỡ cái bình hồng ở phòng khách, tôi nói với bố rất nhanh, và cổ họng tôi cứ nghẹn hết cả lại.
– Hừm? bố ậm ừ nói, tốt lắm, con yêu, đi chơi đi!
Tôi quay vào trong bếp và sướng kinh lên được, và mẹ hỏi tôi:
– Con đã bảo bố chưa?
– Rồi mẹ ạ, tôi trả lời.
– Thế bố bảo con thế nào? mẹ hỏi tôi.
– Bố bảo con rằng rất tốt, con yêu, rằng con hãy đi chơi, tôi đáp.
Việc này khiến mẹ không hài lòng lắm. “Sao lại có cái kiểu thế!” mẹ nói, thế rồi mẹ đi ra phòng khách.
– Thế nào, mẹ nói, sao anh lại có cái kiểu giáo dục thằng bé như vậy?
Bố ngẩng đầu ra khỏi tờ báo vẻ rất ngạc nhiên.
– Em nói gì kia? bố hỏi.
– À! Xin anh, đừng làm ra vẻ không biết gì nữa, mẹ nói. Dĩ nhiên là anh thích yên mà đọc báo rồi, phó mặc cho người khác mọi việc dạy dỗ!
– Tôi quả thật là thích được yên thân đọc báo, bố nói, nhưng mà hình như đấy là điều bất khả ở trong cái nhà này!
– Ồ! Dĩ nhiên rồi, anh thì bao giờ chả thích thoải mái! Nào dép bông đi trong nhà, nào báo, còn tôi thì trăm thứ bà rằn không tên! Mẹ gào lên. Để rồi xem, anh sẽ phải ngạc nhiên khi con anh trở thành một đứa hư hỏng!
– Nhưng mà cô muốn tôi làm gì mới được đây hả? bố kêu lên. Rằng tôi phải đánh đòn thằng cu ngay khi vừa bước chân vào nhà à?
– Anh không có tí trách nhiệm nào hết, mẹ nói, gia đình đối với anh chẳng là cái gì cả!
– Có cái kiểu ở đâu thế! Bố kêu lên. Tôi đã phải làm việc như một thằng rồ, phải chịu đựng tính khí tệ hại của lão sếp, phải nhịn ăn nhịn mặc để cô và thằng Nicolas không phải thiếu thốn gì…
– Tôi đã bảo anh đừng bao giờ nhắc đến chuyện tiền bạc trước mặt thằng bé! Mẹ nói.
– Tôi đến điên lên mất trong cái nhà này! Bố hét lên, nhưng mà sẽ phải thay đổi! Ố là là! Sẽ phải thay đổi!
– Mẹ tôi đã báo trước từ lâu rồi mà, mẹ nói; thế mà tôi chẳng biết nghe!
– A! Mẹ cô à! Thật lạ là suốt từ nãy đến giờ vẫn chưa nhắc đến bà ấy nhỉ! Bố nói.
– Hãy để mẹ tôi yên! Mẹ gào lên. Tôi cấm anh nhắc đến mẹ tôi!
– Nhưng đâu phải tôi là người… bố nói, và có người nhấn chuông cửa.
Đấy là ông Blédurt, hàng xóm của chúng tôi.
– Tôi sang xem anh có muốn làm một ván cờ đam không, ông ấy nói với bố.
– Anh đến đúng lúc lắm anh Blédurt, mẹ nói; anh sẽ làm người phân xử việc này! Anh có cho rằng một người bố cần phải góp phần tích cực trong việc giáo dục chính con mình hay là không?
– Anh ta thì biết gì mới được. Anh ta làm gì có con! Bố nói.
– Đấy không phải là lý do, mẹ nói: các nha sĩ họ chẳng bao giờ đau răng, thế nhưng điều đó không ngăn cản họ trở thành nha sĩ.
– Cô lôi ở đâu ra cái chuyện nha sĩ không bao giờ đau răng đấy? Bố nói; cô làm tôi phì cười! Và bố bắt đầu phì cười.
– Anh thấy chưa, anh thấy chưa, anh Blédurt? Anh ấy chế nhạo tôi! Mẹ kêu lên. Thay vì quan tâm đến con, anh ấy chỉ thích ra vẻ! Anh nghĩ sao hả anh Blédurt?
– Thế này thì còn cờ với quạt gì nữa, ông Blédurt nói. Thôi tôi về đây.
– Ô không! Mẹ nói; anh đã chõ vào chuyện người khác thì hãy chõ cho đến cùng!
– Không đời nào, bố nói; cái gã ngốc không mời mà đến này chẳng có việc gì ở đây cả! Anh ta phải quay về chuồng của mình!
– Nghe này… ông Blédurt nói.
– Ồ! Đàn ông các anh, giống nhau cả lũ! mẹ nói. Các anh toa rập với nhau giỏi lắm! Với cả anh quay về nhà anh thì hay hơn là nghe hóng ở cửa nhà hàng xóm đấy!
– Thôi để hôm khác ta chơi cờ đam vậy, ông Blédurt nói. Xin chào! Tạm biệt Nicolas nhé!
Và ông Blédurt đi về.
Tôi ấy à, khi bố mẹ cãi nhau thì tôi chẳng thích tí nào, nhưng tôi lại rất thích, khi mà bố mẹ làm lành. Thế và lần này cũng chẳng sai. Mẹ bắt đầu khóc lóc, thế là bố có vẻ lúng túng, bố nói: “Thôi nào, thôi nào, thôi nào…” thế rồi bố ôm mẹ, bố nói rằng bố to đầu mà vẫn còn dại, rồi mẹ nói rằng mẹ sai, rồi bố nói rằng không, rằng chính bố mới là người sai và bố mẹ bắt đầu cười, rồi bố mẹ ôm hôn nhau, rồi bố mẹ ôm hôn tôi, và bố mẹ bảo rằng tất cả chuyện này chỉ để cho vui mà thôi, và mẹ nói rằng mẹ sẽ đi làm món khoai tây rán.
Bữa tối thật là cực kỳ, và tất cả mọi người đều vui cười kinh lên được và rồi bố nói: “Em yêu, anh nghĩ rằng chúng mình cũng có chút bất công đối với anh bạn Blédurt tốt bụng. Anh sẽ gọi điện mời anh ấy sang uống cà phê và chơi cờ đam.”
Ông Blédurt, khi ông ấy sang, thì ông ấy có hơi cảnh giác một tí. “Ít nhất thì các vị sẽ không cãi cọ nữa đấy chứ?” ông ấy nói; nhưng bố và mẹ đều mỉm cười, bố mẹ mỗi người cầm lấy một tayông ấy và bố mẹ dẫn ông ấy vào trong phòng khách. Bố đặt bàn cờ đam lên cái bàn nhỏ, mẹ mang cà phê ra và tôi thì được một miếng đường.
Thế rồi, bố ngẩng đầu lên, bố có vẻ ngạc nhiên lắm, và bố nói: “Ồ hay chưa!… Thế cái bình hồng ở phòng khách để đâu rồi?”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.