Hai khối tình
Chương I
Lúc chạng vạng, vì mặt nhựt đã lặn mất vào góc trời Tây xa hoắc nên loài người lần lượt phải nổi đèn lên để kéo dài thì giờ cho cuộc sinh hoạt.
Trong châu thành Sài Gòn, nhứt là ở phía nhà thờ Chợ Đũi, thiên hạ qua lại dập dìu ngoài đường, kẻ làm việc mệt mỏi thì bươn bả đi về nhà mà nghỉ ngơi, người thung dung vô sự thì thả rều dặng tìm cách vui chơi cho thỏa ý. Lại thêm những đoàn xe lửa, tốp dưới Mỹ Tho, tốp trên Biên Hòa, tiếp nhau rầm rầm về tới, thổi sip-lê nạt đường nghe vang rân, làm cho cảnh càng rầm rộ náo nhiệt hơn nữa, rất phù hợp với tâm hồn hăng hái của hạng thanh niên, mà rất khó chịu cho tri ý trầm tĩnh của bực trưởng lão.
Ở giữa chốn ồn ào, lại gặp hồi đương rần rạo như vậy, một tòa nhà nhỏ nhỏ, ba căn xông, mái lợp ngói móc, vách đóng ván be, nằm dựa con đường phía sau nhà thờ, tuy trước sau có hai cây vú sữa đơm lá sum sê, hai bên có nhiều nọc trầu vàng với mấy bụi chuối sứ, đứng sừng sựng như hàng rào để ngăn cản hồng trần thế tục, song tòa nhà ấy cũng không khỏi bị luồng gió náo nhiệt lôi cuốn, nên trong nhà đèn điện cháy sáng trưng, các cửa trước sau đều mở hoác. Tại cái bàn lót gần cửa sổ ngó ra đám trầu, có hai người đương ngồi đối diện với nhau mà ăn cơm, một người đàn bà, tuổi gần năm mươi, da mặt đã dùn, mái tóc đã điểm bạc, với một cô thiếu nữ, tuổi chừng đôi mươi, dung nhan tuấn tú thanh nhã khác phàm, gương mặt đã xinh đẹp như đóa hoa hường ướm nở, đã có duyên ngầm, càng nhìn càng thêm yêu, mà lại còn có vẻ hân hoan vô tội pha lộn với nét nghiêm nghị cương quyết, làm cho trai nào cũng vậy, hễ ngó thấy thì yêu, song phải nể, tuy động tình song phải dè dặt.
Người đàn bà nầy là bà phán Lan, chồng chết đã năm năm rồi; còn cô thiếu nữ này là cô Cúc, con gái của bà phán, thi đậu bằng Thành chung, hồi chiều mới về tới nhà, nên ngồi ăn cơm tối với mẹ.
Mới thỏa mãn về công phu đèn sách mười mấy năm mệt nhọc tinh thần, cô Cúc lấy làm vui mừng, nên cô nói nói, cười cười không ngớt, còn bà phán cũng toại chí vừa lòng về công phu sanh thành giáo dục của bà, nên bà ngồi nghe con thuật chuyện thi, mà cặp mắt bà ngó con một cách rất nồng nàn dan díu.
Để cho con nói hết chuyện của con rồi, bà mới xen vô thủng thẳng nói:
– Hổm nay con thi mà coi bộ ông trạng sư Xương, ổng lo lắng lung quá, ngày nào ổng cũng ghé hỏi thăm.
– Ảnh sợ con rớt. Bây giờ con đậu rồi, để ảnh vô nữa coi ảnh nói làm sao.
– Ổng mừng lắm chớ nói giống gì.
– Anh đó ảnh có cái óc bi quan nặng nề hơn người ta hết thảy. Tại sao ảnh cứ sợ con thi rớt không biết.
– Vì ổng thương con, nên ổng mới lo sợ như vậy chớ sao.
– Sợ nỗi gì? Ở đời dù có đi thi hay làm việc gì cũng vậy, mình phải có óc lạc quan, phải có cái chí tấn thủ cho cương quyết thì chẳng có việc chi mà làm chẳng thành được. Con đã có cắt nghĩa cho ảnh nghe rồi, mà ảnh còn lo sợ nỗi gì?
– Ổng sợ là sợ cho con chớ. Hôm qua ổng có nói với má, ổng sợ con thi rớt rồi con buồn rồi con đau.
– Khéo lo xa dữ hôn!
– Ổng thương con lắm, nên ổng mới lo xa đó đa. Con phải cám ơn, chớ sao con lại trách ổng. Có lẽ tối nay ổng vô mà mừng con. Hễ ổng vô thì con phải tỏ lời cám ơn ổng, nghe hôn con.
– Anh em mà cảm ơn giống gì.
– Dầu anh em cũng vậy chớ… Đã biết ông già ổng với ba con hồi trước là bạn thiết, làm việc một sở với nhau tới mấy chục năm. Từ ngày ổng học bên Pháp rồi ổng về cho tới bây giờ, ổng coi con cũng như em ruột, coi má cũng như cô bác, nhà mình có việc gì ổng lo lắng hết lòng luôn luôn. Má thấy tánh tình ổng như vậy má mến quá, má cũng coi ổng như con cháu trong nhà. Tuy vậy mà ổng không phải bà con ruột thịt gì với mình. Vậy đối với ổng con phải cung kính, con phải giữ lễ nghĩa cho đủ, chẳng nên sơ sót.
– Lần nào ảnh vô thăm, con cũng kiếm chuyện chọc ghẹo cho ảnh giận chơi, chắc ảnh ghét con lắm.
– Ghét đâu!
– À má, chị trạng sư chết đã lâu rồi, ảnh đã tính cưới vợ khác hay chưa, mà sao không nghe ảnh nói vậy má?
– Mới chết hơn một năm mà lâu giống gì.
– Ảnh không lo cưới vợ khác cho sớm, để già rồi con gái nào mà thèm ưng ảnh.
– Mới ba mươi tuổi mà già nỗi gì.
Cô Cúc cười rồi đứng dậy đi uống nước.
Cô Kim là chị em bạn của cô Cúc, làm nữ giáo sư bên Cầu Kho, ở ngoài đường hăng hái đi vô, vừa bước tới cửa thì cười và nói: “Mới hay em Cúc thi đậu, tôi mừng quá, nên lật đật qua đây mà khen em. Kính chào bác”.
Cô Cúc bước ra tiếp rước, chị em ôm nhau mà hôn.
Bà phán ngồi uống nước, thấy tình hai trẻ dan díu với nhau như vậy thì bà rất vui lòng.
Cô Kim mừng rỡ lăng xăng rồi ngồi với cô Cúc tại bộ ghế giữa và hỏi:
– Em hay đậu hồi nào?
– Dán giấy biên tên mấy người đậu hồi năm giờ.
– Em thấy có tên em chắc em mừng lắm hả?
– Em mừng quá, lật đật lên xe kéo chạy về cho má em hay liền.
Ở đời chẳng có sự chi vui sướng cho bằng lúc mình thi đậu. Năm ngoái tôi đậu, tôi cũng mừng quá. Thôi, em đậu rồi, hết lo nữa. Bây giờ học xong rồi, em tính làm việc gì, nói nghe thử coi.
– Để nghỉ ít bửa rồi sẽ nhứt định… Ý em muốn viết báo hoặc viết tiểu thuyết.
– Em muốn chen vào làng văn hả?
– Phải.
– Em không chịu dạy học trò hay sao?
– Cái nghề gõ đầu trẻ, chắc là em không thể làm được.
– Sao vậy?
– Tại em không thích.
Bà phán xen vô nói: “Đi học mười mấy năm nay mệt nhọc hết sức. Phải lo nghỉ ngơi, tính chuyện làm việc làm chi”.
Cô Cúc cười và hỏi:
– Má giàu lắm hay sao, nên không chịu cho con làm việc?
– Không phải giàu. nhưng mà đàn bà con gái đi làm việc có phải dễ đâu.
– Làm con người thì phải làm việc đặng nuôi sống của mình. Nếu đàn ông làm việc được, thì đàn bà cũng làm được vậy chớ, có hại gì đâu mà má sợ.
– Vậy chớ thuở nay con không có làm việc rồi con đói khát bữa nào hay sao?
– Nhà mình không có huê lợi chi hết. Kho hưu trí phát tiền cấp dưỡng sương phụ[1] cho má mỗi kỳ ba tháng có một trăm rưỡi, có phải nhiều đâu. May ba mất ba có để lại miếng đất với cái nhà nầy cho mẹ con mình ở, chớ nếu phải mướn phố mà ở thì nguy lắm. Thuở nay con đi học cho thành công, đặng làm việc mà giúp đỡ má. Nếu má không cho con đi làm thì con buồn lắm.
– Để nghỉ năm bảy tháng hoặc một năm cho khỏe đã, rồi sẽ hay. Lo làm việc làm chi mà gấp vậy?
– Con khỏe lắm, có mệt mỏi gì đâu. Nếu có sẵn công việc thì sáng mai con đi làm liền cũng được nữa.
Cô Kim can bà phán:
– Ý em Cúc muốn làm việc, thì bác vui lòng để cho em làm, không có hại chi đâu mà bác ngại.
– Thấy nó ráng học đặng thi, tôi sợ nó mệt rồi nó đau, nên tôi mới cản chớ.
– Em nói em khỏe, vậy thì cháu xin bác đừng có cản mà làm cho em buồn. Đàn bà con gái đời nay hễ có học thức thì ai cũng muốn đi làm việc. Em Cúc học giỏi, tự nhiên em không chịu lục đục ở nhà, không gì lạ đâu.
– Nó muốn thế nào tự ý nó. Nhưng mà dầu muốn làm việc gì thì cũng thủng thẳng rồi sẽ tính. Gấp làm chi.
Cô Cúc vỗ vai cô Kim mà nói:
– Em có viết sẵn một bộ tiểu thuyết về phụ nữ xã hội ngộ lắm. Không biết làm sao mà xuất bản đặng chị em bạn gái xem chơi.
– Em đã viết được một bộ tiểu thuyết rồi! Em mắc học, làm sao có thì giờ mà em viết được?
– Em lập trụ đã lâu rồi. Em bắt đầu viết lúc bãi trường Tết, rồi hễ chúa nhựt thì em viết tiếp.
– Giỏi quá! Quyển tiểu thuyết đó em để tựa gì?
– “Mảnh Gương Trinh”. Em viết truyện của một cô gái nghèo sanh trưởng giữa một xã hội tham lam, giả dối, vô tình, vô đạo, thờ con bò vàng như thánh thần, coi phường phụ nữ là vật để họ chơi cho vui, song cô gái ấy chiến đấu mà giữ vẹn cái trinh tiết của cô, chẳng hề để lem luốc nhơ bợn chút nào hết.
– Viết truyện như vậy thì hợp thời lắm. Bây giờ em muốn xuất bản đặng bán hay sao?
– Nếu xuất bản thì phải ra vốn. Đã vậy mà mình không phải làm nghề bán sách, nếu mình in mà bán thì bất tiện. Em muốn đến mấy nhà báo em bán phức bổn quyền cho họ đặng họ đăng báo cho công chúng xem, hoặc em bán cho mấy ấn quán cho họ xuất bản cũng được.
– Bán phức cho họ in tiện hơn. Tôi có quen với cô chủ nhiệm tờ báo “Việt Nam Tân Phụ Nữ”. Nếu em bằng lòng giao thiệp với tòa soạn của tờ báo ấy thì tôi tiến dẫn giùm cho.
– Được lắm, được lắm. Nếu tờ báo ấy chịu đăng tiểu thuyết của em thì sẽ viết hoài mà bán.
– Thôi, để bữa thứ năm nghỉ dạy học tôi qua đây rồi hai chị em mình đi.
– Được. Cảm ơn chị lắm!
– Trí đã chăm lo học đặng thi, mà còn viết tiểu thuyết được, thiệt là tài quá. Em cho tôi mượn về đọc thử, được hay không?
– Được. Chị xem coi có chỗ nào sơ sót xin chị chỉ đặng em sửa lại.
Cô Cúc bước lại bàn viết kéo hộc tủ mà lấy xấp tiểu thuyết.
Có một chiếc xe hơi ngừng ngay cửa. Bà phán nói: “Chắc xe của ông trạng sư”.
Thiệt quả ông trạng sư Xương thủng thẳng đi vô, mình mặc bộ đồ trắng thường dùng, không có vẻ chưng diện, nhưng vì người có khiếu quân tử, nên tướng mạo coi ôn hòa tề chỉnh lắm. Khi bước vô tới cửa, ông trạng sư đứng lại, vừa cúi đầu chào bà phán với hai cô vừa hỏi: “Em Cúc đậu hay không?”
Cô Cúc trao xấp tiểu thuyết cho cô Kim và cười và đáp: “Em rớt rồi. Tại anh lo quá nên em giận em bỏ rớt”.
– Bà phán nói: “Ê! Con cứ giễu cợt hoài! Nó thi đậu, ông trạng sư à… Mời ông ngồi… Đến năm giờ chiều họ mới dán giấy. Nó chạy về cho tôi hay tôi mừng hết sức”.
Ông trạng sư ngó cô Cúc hỏi:
– Em gạt anh chi vậy?
– Tại anh cứ sợ em rớt hoài, nên em nói rớt thử coi anh nghĩ sao. Hễ học thì thi đậu, thế nào mà rớt được.
– Đi thi thì có may rủi nhiều lắm, bởi vậy dầu học giỏi cho mấy đi nữa cũng không dám chắc đậu… Thôi, em học giỏi mà em lại thi đậu ấy là em có cái may…
– Ê! Anh nói như vậy, té ra là nhờ cái may, nên em mới thi đậu, chớ không phải nhờ sức học hay sao?
– Không phải ý anh muốn nói như vậy. Anh nói thuở nay có nhiều người học giỏi mà chừng đi thi có khi gặp sự rủi ro nên phải rớt. Em học giỏi mà đi thi em lại đậu, ấy là em khỏi gặp sự rủi ro như họ nên anh mừng. Anh nói thế ấy, sao em lại hiểu thế khác làm chi vậy?
– Em chọc cho anh giận chơi.
– Có cô Kim mà nói như thế, nếu cô chú ý hiểu theo lời em nói, thì anh thành ra người khiếm nhã quá.
– Em thú nhận em có lỗi. Thôi em xin anh tha… Nầy, mà nãy giờ anh nói lăng xăng, song anh chưa chúc mừng em đa.
– Em đậu, anh vui quá. Vậy anh tỏ lời mừng cho thím phán và mừng cho em.
– Cảm ơn.
Cô Kim đứng dậy từ giã mà về.
Ông Xương hỏi cô:
– Tại tôi vô đây nên cô về hay sao?
– Không phải vậy. Em ngồi đã lâu rồi, nên em về chớ.
– Cô cầm xấp giấy chi đó?
– Tiểu thuyết của em Cúc viết. Em mượn về xem chơi.
– Chà! Em Cúc viết tiểu thuyết nữa à? Cô cho phép tôi xem sơ một chút được không?
Cô Kim trao xấp tiểu thuyết cho ông Xương. Ông giở ra thấy tựa đề “Mảnh Gương Trinh” thì ông chủm chỉm cười. Ông lật coi sơ qua rồi liền trả lại cho cô Kim và nói: “Cô đọc trước đi. Chừng cô đọc rồi tôi sẽ mượn mà đọc”.
Cô Cúc nhỏng nhẻo nói: “Tiểu thuyết về nữ lưu, ai mà cho đàn ông đọc”.
Ông Xương cười, mắt ngó cô rất hữu tình.
Cô Kim về.
Bà phán nói với ông Xương:
– Con nhỏ này kỳ lắm. Đã lo học đặng thi, mà còn ráng ngồi viết tiểu thuyết. Nó mới tính với cô giáo Kim, nó nói để nó đi hỏi mấy nhà nhựt trình, như họ bằng lòng in tiểu thuyết của nó, thì nó sẽ viết mà bán cho họ.
– Nếu em Cúc thích văn nghệ, thì em làm như vậy được lắm, có hại chi đâu. Mà em học thi đã mệt, vậy phải nghỉ ngơi ít tháng cho khỏe trí, lật đật làm chi.
– Tôi cũng nói như ông vậy, tôi biểu nó nghỉ mà nó mới cãi với tôi, nó nói nó không có mệt, nên muốn kiếm công việc làm liền.
Ông Xương ngó cô Cúc và cười và hỏi:
– Em ham làm việc lắm hay sao?
– Người không ham làm việc là người làm biếng. Làm biếng là một tánh xấu, có thể hại cả đời mình. Anh muốn cho em mang cái tánh xấu ấy hay sao?
– Mới ra khỏi nhà trường nên nói chuyện còn nghe hôi sách vở dữ! Em ham làm việc, ấy là tánh tốt, anh khen lắm. Người nào được làm chồng em, họ sẽ có phước biết bao nhiêu.
– Anh nói trúng lắm. Chừng nào em có chồng, em sẽ làm cho chồng em hưởng đủ mùi hạnh phúc.
Ông ngó cô Cúc trân trân.
Cô Cúc chúm chím cười và hỏi:
– Chị trạng sư mất đã hơn một năm rồi, sao chưa nghe anh tính cưới vợ khác?
– Em hỏi chi vậy?
– Em muốn hỏi cho biết vậy mà.
– Vì sẵn lòng lo lắng cho phận của anh nên em hỏi, hay là em hỏi đặng ngạo anh chơi?
– Em hỏi thiệt chớ.
– Nếu em hỏi thiệt thì anh sẽ nói thiệt cho em nghe.
Ông Xương ngồi châu mày suy nghĩ một chút rồi ông mới nói: “Bữa nay em Cúc đã học xong rồi, mà bây giờ trong nhà cũng không có ai, vậy cháu tưởng nên thừa cơ hội nầy mà tỏ thiệt tâm sự của cháu cho thím rõ, tỏ trước mặt em Cúc, bởi vì em là gái tân thời, nên không lẽ cháu giấu em… Từ ngày vợ cháu chết rồi, chẳng hiểu tại sao lần lần trong lòng cháu lại sanh mối cảm tình với em Cúc. Trong mấy tháng nay có nhiều bữa cháu muốn thưa thiệt với thím rồi xin cưới em Cúc. Mà rồi cháu nghĩ em Cúc gần thi, nên cháu dằn lòng đợi em học cho xong cũng chẳng muộn gì. Nay em Cúc thi đậu rồi, nên cháu mới dám thưa thiệt với thím. Thím với em Cúc đều biết rõ gia đạo của cháu, lại thuở nay coi cháu như người trong thân, nên cháu mới bạo gan mà nói ngay, chớ chẳng cậy mai mối. Cháu xin thím suy nghĩ rồi trả lời cho cháu biết coi cháu có cái hạnh phúc được làm chồng em Cúc hay không”.
Bà phán Lan ngồi ngẩn ngơ, coi bộ bà bối rối lắm. Còn cô Cúc thì cô cúi mặt ngó xuống đất, sắc mặt coi có vẻ lo.
Cách một hồi lâu, bà phán mới nói: “Thuở nay tôi thương ông trạng sư cũng như con cháu trong nhà vậy. Mà con Cúc nó cũng coi ông trạng sư như anh ruột của nó. Ông biết tánh nết nó; nó cũng biết tư cách ông cháo chan, chớ không phải xa lạ, nên cần chi phải dọ dẫm.
Tuy ông trạng sư trọng tuổi hơn nó, lại có một đời vợ rồi, nhưng mà theo ý tôi thì việc ấy chẳng quan hệ gì. Ông trạng sư nói như vậy, thì đủ thấy ông có lòng thương con Cúc lắm. Vậy nếu con Cúc ưng thì tôi gả, tôi không ngăn cản chi hết. Việc vợ chồng là việc trăm năm của nó, lại nó là đứa có học, nên tôi muốn để tự do cho nó liệu định”.
Ông Xương đáp: “Cháu rất cảm ơn thím. Để cháu hỏi em Cúc”. Ông ngó cô Cúc mà nói tiếp: “Thím bằng lòng rồi. Còn theo ý em thì em nghĩ thế nào? Anh được phép nuôi chút hy vọng không?”.
Cô Cúc ngước mặt lên, cô lắc đầu và cười và nói: “Anh trễ xe!”.
Ông Xương biến sắc, không dè những lời tình nghĩa rất quan hệ, mình mới nói đó đã không làm cho cô Cúc cảm được, mà lại làm cho cô bật cười, bởi vậy ông chưng hửng ngó ngay cô mà hỏi:
– Em nói cái gì vậy? Anh trễ xe là sao?
– Anh không hiểu hay sao?
– Mình muốn một vật gì mà muốn hụt, người đời nay họ gọi là “trễ xe”.
– Anh xin em nói rõ thêm một chút.
– Anh muốn em nói rõ lắm hay sao?
– Muốn lắm.
– Vì hồi nãy anh lấy thiệt tình mà tỏ tâm sự của anh, nên không lẽ em không lấy thiệt tình mà đáp lại với anh. Vậy em xin nói thiệt cho anh biết: Trái tim của em đã có chủ rồi, không còn tự do nữa.
Ông trạng sư Xương nghe dứt lời thì trong lòng lấy làm đau đớn, sự đau đớn ấy lộ ra ngoài mặt nên ông châu mày, nghẹn cổ, ngồi trân trân. Cách một hồi lâu, ông mới thở ra mà nói: “Tôi không dè phận tôi vô duyên thế nầy! Có lẽ tại mạng số của tôi không được phép thưởng thức mùi đầm ấm về tình ái hay sao chớ! Thím lấy thiệt tình mà đối với cháu, còn em Cúc cũng vậy, em cũng lấy sự thành thật mà đãi anh, nên anh cảm tình lắm. Thôi, không được gần nhau thì anh buồn, chớ anh không phiền em đâu. Anh chúc cho đời em được hạnh phúc tràn trề, được như vậy thì sự buồn của anh có lẽ lần lần sẽ nguôi được”.
Ông Xương đứng dậy cáo từ mà về, mặt buồn hiu.
Bà phán nghe câu chuyện của con nói hồi nãy bà còn đương rộn trí rối lòng, nên bà không biết lấy lời chi mà cầm ông Xương lại. Chừng ông Xương đi rồi, bà ngó con mà nói:
– Con gái đời nay, nó theo tân học rồi tánh nết kỳ cục quá. Con nói bậy bạ làm cho ông trạng sư buồn đó, con thấy không?
– Con nói chánh đáng lắm, chớ có nói bậy đâu.
– Dầu con không ưng ông đi nữa, thì con cũng phải kiếm lời khôn khéo mà nói cho ổng vui lòng, chớ sao con nói cụt ngũn như vậy?
– Má muốn con thoa mật đặng anh trạng sư nuốt hoàn thuốc đắng qua cổ cho dễ phải hôn? Chi vậy! Ảnh lấy thiệt tình mà nói với mình, có lẽ nào mình làm mặt làm mày với ảnh. Con không thể ưng làm vợ ảnh được thì con nói ngay ra, chớ nói xa nói gần làm chi cho dài chuyện.
– Tại sao mà con không ưng?
– Con đã có nói hồi nãy rồi.
– Con nói làm sao?
– Con đã có cảm tình với người khác, con đã có hứa với người ta, nên con không thể ưng ảnh được.
– Trời đất quỉ thần ơi!
– Có chi đâu mà má kêu trời kêu đất?
– Con làm như vậy thì xấu hổ quá! Thiệt uổng công má nuôi dưỡng dạy dỗ biết chừng nào!
– Sao mà má gọi là xấu hổ?
– Gái mới lớn lên, mà lén tư tình với trai, không đợi cha mẹ gả, làm như vậy mà còn không cho là xấu hổ, thì còn giống gì là gia pháp nữa mà nói!
– Con sanh nhầm đời mới, má lại cho con học theo tân học, tự nhiên con phải có cái tư cách mới, chớ con theo nề nếp xưa sao được. Theo gia pháp đời nay, thì con trai con gái lớn lên được tự do kết hôn, chớ cha mẹ không ép buộc về sự cưới gả nữa. Người ta yêu con, người ta tỏ tình với con. Con cảm tình con yêu họ lại; hai trái tim hòa thuận, rồi hứa hẹn trăm năm với nhau. Người ta đợi con học xong rồi người ta sẽ nói với má đặng cưới con. Sự thương yêu nhau như vậy thì trong sạch cao thượng, chớ có dơ dáy hèn hạ gì đâu mà xấu hổ. Con có mất trinh mất tiết đâu mà má rầy.
– Đợi tới mất trinh mất tiết thì còn gì nữa mà nói! Trao tình đổi ý với trai thì cũng đủ hư rồi!
– Má theo xưa nên má gắt quá. Người có học thức tự nhiên đa cảm, mà hễ đa cảm thì tự nhiên đa tình. Ái tình là cái ý nghĩa đẹp nhứt của sự sống, nếu sống mà không nếm được ái tình thì sự sống vô vị.
– Thôi, con đừng nói nữa, má nghe má buồn lắm. Má hỏi con, vậy chớ con thương người nào ở đâu con nói cho má biết một chút?
– Để thủng thẳng rồi má sẽ biết. Ít bữa nữa người ta sẽ đến thưa với má đặng xin cưới con, chừng đó tự nhiên má biết.
Bà phán ngồi suy nghĩ rồi bà ứa nước mắt mà than: “Má không hiểu tại sao mà trời đã khiến bụng con như vậy. Má dám chắc dầu ai đi nữa cũng không hơn trạng sư Xương cho được. Người học giỏi, mà lại ăn nói có lễ nghĩa, tánh tình thuần hậu ôn hòa, dễ thương quá. Nếu con làm vợ trạng sư Xương thì má vui mừng lắm, má không lo chút nào hết”.
Cô Cúc cười mà đáp:
– Má nói như vậy là má do lý, chứ má không do tình. Lý với tình khác nhau, không thể nào lấy lý mà đánh thối lui tình cho được. Người ta chết vì tình, chớ có ai chết vì lý bao giờ.
– Hứ! Tình! Tình… Con nói tình, trạng sư Xương cũng có tình với con vậy.
Cô Cúc lắc đầu rồi bước ra cửa, không đáp với mẹ nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.